Thiên Văn Học

Truyền thuyết và thần thoại về Mặt Trăng của các dân tộc trên thế giới

Mọi dân tộc từ đông sang tây đều kể những câu chuyện của họ về Mặt Trăng. Có khi là thần thoại, có khi là những câu chuyện vui. Nhưng tất cả đều phản ánh tâm thức của con người.

than thoai ve mat trang
936 views

Nhiều ngàn năm trước, khi lịch sử bằng chữ viết còn chưa ra đời, tổ tiên chúng ta đã say mê vầng trăng, và tự hỏi nó là gì. Đều đặn hàng tháng, trăng tròn rồi lại khuyết, lặng lẽ đi giữa muôn vì tinh tú. Liệu đó có phải một vị thần chăng, hay ít nhất cũng là nơi thần linh cư trú? Mặt trăng chỉ xếp sau mặt trời về tính linh thiêng trong số các thiên thể mà người ta nhìn thấy.

Người nguyên thủy đã nhận thấy Mặt Trăng rất hữu ích. Nó chiếu sáng đêm tối, giúp con người nhận biết thời gian, điều chỉnh thủy triều lên xuống. Vừa linh thiêng, vừa có tác động trực tiếp đến đời sống như vậy nên từ xa xưa con người ở mọi nền văn hóa đã kể nhau nghe những thần thoại về Mặt Trăng. Nội dung những câu chuyện ấy rất phong phú, và nhiều khi thơ mộng.

Chẳng hạn, người Nhật cổ tin rằng ngọc hoàng thượng đế sống trên Mặt Trăng. Ngài dõi xuống gian trần để chăm sóc loài người. Không chỉ thế, ngài còn cho một nàng công chúa xuống ở giữa nhân gian, để nàng hiểu chăm lo cho con người quan trọng tới thế nào. Và ngày nay, khi nhìn lên vầng nguyệt, nụ cười của nàng vẫn còn trên ấy.

Người Nhật Bản tin rằng con gái của Ngọc Hoàng cư ngụ trên Mặt Trăng
Người Nhật Bản tin rằng con gái của Ngọc Hoàng cư ngụ trên Mặt Trăng

Người Norman thì kể rằng có một lão già bị bắt quả tang đang ăn trộm rau cải nhà hàng xóm. Vậy nên ông bị đày lên Mặt Trăng, ở đó hết thảy mọi người đều trông thấy “ông vĩnh viễn vác một bao rau cải”. Trong câu chuyện đến từ đảo Sylt thì ông là kẻ trộm cừu. Một thần thoại khác của của người German cho biết ông già ấy khăng khăng chẻ củi trong ngày Chủ Nhật, vốn là ngày kiêng việc xác theo tín ngưỡng Kitô giáo, nên người ta đày ổng lên Mặt Trăng. Thực ra ổng có hai lựa chọn, bị thiêu đốt trên Mặt Trời hoặc chịu sự lạnh lẽo của Mặt Trăng, và ổng khôn ngoan chọn hình phạt thứ hai.

Trên Mặt Trăng của người Norman là hình hài một ông già đang trộm cải
Trên Mặt Trăng của người Norman là hình hài một ông già đang trộm cải

Người Trung Hoa thì có ý tưởng khác. Với họ Ông Già trong câu chuyện của phương Tây trở thành Ông Tơ trong thần thoại Trung Hoa, người dành cả cuộc đời để đi se duyên kết tóc cho người nam và người nữ bằng sợi chỉ đỏ không bao giờ đứt, trừ khi một trong hai lìa đời.

Những truyền thuyết với nhân vật chính là nữ giới

Phụ nữ cũng xuất hiện trong nhiều câu chuyện. Chẳng hạn như truyền thuyết của người Polynesia. Chuyện kể rằng nàng Sina ngốc nghếch đi so sánh Mặt Trăng với một cái bánh khổng lồ. Mặt Trăng nghe thế bèn sà xuống và nuốt chửng cả Sina lẫn con nàng. Ngày nay nhìn lên Mặt Trăng ta vẫn còn thấy bóng dáng hai mẹ con. Tóm lại, không nên xúc phạm Mặt Trăng, như cô nàng Rona nhận định.

Theo truyền thuyết của người Maori ở New Zealand thì Rona là con gái hải thần Tangaroa. Một đêm nọ nàng đang múc nước tắm cho con thì Mặt Trăng trốn vào những tầng mây, ánh sáng biến mất khiến cho Rona vấp phải gốc cây trên đường. Tức giận nàng mắng Ông Trăng. Chắc hẳn nàng phải mắng lớn tiếng lắm nên Ông Trăng mới nghe được, bèn bắt cả nàng lẫn cái gàu nước, rồi giáng một lời nguyền lên dân Maori. Nàng Rona cùng cái gàu nước vẫn còn bóng dáng trên vầng trăng mỗi đêm, và mỗi khi nàng nghiêng gàu thì mưa xuống.

Theo truyền thuyết của người Maori ở New Zealand thì Rona là con gái hải thần Tangaroa
Theo truyền thuyết của người Maori ở New Zealand thì Rona là con gái hải thần Tangaroa

Còn với người Greenland thì Mặt Trời và Mặt Trăng là anh trai và em gái. Không hiểu vì lý do gì mà ông anh lại thổi bồ hóng vào mặt cô em. Tức giận, Mặt Trăng đuổi theo anh, nhưng không bao giờ bắt kịp, vì nàng không thể bay cao bằng anh được. Cứ đuổi được một vài tuần thì nàng thấy mệt phải nghỉ, nên trở lại mặt đất, leo lên một cỗ xe trượt tuyết bốn chó kéo để đi săn hải cẩu. Ăn uống no nê, lấy lại sức lực rồi nàng lại tròn đầy, và tiếp tục rượt theo ông anh.

Người Mamaiurans ở nước Brazil thì thờ thần Mặt Trăng Iaw. Anh trai của thần là Kuat. Ban đầu mặt đất tối luôn luôn, vì có rất nhiều chim bay trên bầu trời nên che khuất ánh mặt trời. Mệt mỏi vì trời tối tăm, Iaw và Kuat quyết định hành động. Họ trà trộn bắt được vua chim là Urubutsin. Để được tự do, vua chim phải hứa ra lệnh cho lũ chim chia sẻ ánh sáng với con người trên Trái Đất.

Người Van ở Thổ Nhĩ Kỳ coi Mặt Trăng là một chàng trai trẻ độc thân, đã đính hôn với Mặt Trời. Ban đầu Mặt Trăng chiếu sáng ban ngày và Mặt Trời ban đêm. Nhưng vì Mặt Trời là một cô gái nên nàng rất sợ bóng tối, bèn thuyết phục vị hôn phu đổi chỗ cho mình.

Một câu chuyện khác của người Thổ thì cho rằng Mặt Trăng rất bám mẹ, lúc nào cũng lẽo đẽo theo mẹ đi khắp nơi, khiến bà gặp không ít phiền toái. Một lần theo mẹ như thế khi bà đang rửa chén, người mẹ nổi giận đùng đùng và ném cái đĩa vào mặt nàng. Điều đó lý giải tại sao Mặt Trăng hiện nay có những vệt đen trên mặt.

Ta đến vời người Tsimshiam của Tân Thế Giới (châu Mỹ). Chuyện kể rằng ngày xưa có một vị tù trưởng có hai con trai rất tuấn tú. Người em có biệt hiệu là Người Đi Trên Bầu Trời, còn người anh là Người Đi Lúc Sáng Sớm. Người em thì lúc nào cũng buồn rầu bì bầu trời tối tắm, nên mới làm một cái mặt nạ bằng gỗ và hắc in (nhựa đường) rồi thắp sáng nó lên. Mỗi ngày chàng đi từ bên này qua bên kia bầu trời, chiếu sáng lên mặt đất, tối thì chàng ngủ dưới đường chân trời. Khi chàng ngáy thì ánh sáng từ chiếc mặt nạ túa ra thành các vì sao. Người anh cảm thấy ghen tị đến nỗi trát mỡ và than đá lên mặt mình rồi cũng đi từ bên này qua bên kia bầu trời, trở thành Mặt Trăng.

Động vật trong thần thoại Mặt Trăng

Động vật cũng tìm được chỗ trong những câu chuyện về Mặt Trăng. Người Ấn Độ kể chuyện một con sói yêu say đám một con cóc, nhất quyết không cho con cóc từ chối tình yêu của mình. Để trốn thoát kẻ si tình ấy, con cóc nhảy lên Mặt Trăng, và ở đó tới ngày nay. Còn con sói thì mỗi lần trăng tròn lại tru lên ai oán như trách móc như nhớ thương người tình. Vẫn đến từ người Ấn, ta có câu chuyện kể một con thỏ muốn tự nấu thịt mình làm bữa tối cho thần Brahmin đang lên cơn đói. Thần cám ơn nhưng từ chối, và con thỏ được đặt lên mặt trăng làm tấm gương cho lòng trung thành.

Một câu chuyện khác của người Trung Quốc kể rằng ngày xưa có một nạn hạn hán rất to. Một đàn voi bèn tìm nước uống tại cái hồ có tên là Thủy Đình (Hồ Mặt Trăng). Đàn voi giẫm chết nhiều thỏ đến mức khi chúng quay trở lại, một con thỏ phía xa chỉ cho chúng thấy rằng chúng đã làm phiền nữ thần Mặt Trăng thế nào khi khuất động mặt nước phản chiếu hình ảnh thần. Đàn voi hổ thẹn vội vã bỏ đi.

Tục thờ thần Mặt Trăng

Tục thờ Mặt Trăng có mặt ở mọi nền văn hóa cổ đại. Thần Mặt Trăng thường góp mặt trong số những thần cao trọng nhất. Người ta khai quật được ở đất Ur phế tích một điện thờ mặt trăng, còn người Ai Cập có tới hai thần Mặt Trăng là Khonsu (cũng gọi là Thần Thời Gian – vì tạo ra lịch) và Thoth. Ở Hy Lạp thì thần Artemis là nữ thần Mặt Trăng. Trong văn hóa Nhật Bản thì nữ thần tên là Tsuki-yomo-no-kami. Dân đảo Aleutian thì có tục ném đá đến chết người nào dám mạo phạm Mặt Trăng.

Ngoài những thần thoại kể trên, con người thời sơ khai đã học được ít nhiều từ chính Mặt Trăng. Trước tiên họ tin rằng Mặt Trăng thay đổi hình dạng qua từng đêm. Trong thần thoại của người Bushman thì Mặt Trăng giao chiến với Mặt Trời, nhưng bị ánh sáng Mặt Trời chiếu xuyên qua mình cho tới khi phải năn nỉ xin thua, rồi được tha cho. Nhưng vết thương gây ra biến thành mặt tối của Mặt Trăng mà nay ta vẫn còn thấy. Leonardo da Vinci về sau chỉ ra rằng ánh sáng của Mặt Trăng là phản chiếu từ Trái Đất. Và dù tối dù sáng thì Mặt Trăng bao giờ cũng là một khối tròn đầy đặn.

Hiện tượng thiên thực được linh thiêng hóa trong rất nhiều nền văn minh
Hiện tượng thiên thực được linh thiêng hóa trong rất nhiều nền văn minh

Mặt khác, người cổ đại không biết gì về cấu trúc của vũ trụ. Họ có những ý tưởng rất kỳ quặc về Trái Đất. Theo họ thì mặt đất bằng phẳng, có khi trôi lềnh bềnh trên mặt nước, có khi được bao bọc bởi bầu trời. Người Hindu thì cho rằng có bốn con voi cõng Trái Đất, chúng đứng trên mai một con rùa khổng lồ, và con rùa này thì bơi trên một đại dương bất tận. Thật tội nghiệp cho con rùa ấy, nhưng nhưng câu chuyện kiểu vật có rất nhiều. Một tập tục của người Ấn dạy rằng có 12 cây trụ chống đỡ Trái Đất. Buổi tối Mặt Trời phải luồn lách đi qua những cây trụ ấy sao cho không va vào khiến chúng bị đổ.

Ở Ai Cập các tư tế thuộc hàng lãnh đạo dân chúng thì đưa ra ý tưởng rằng vũ trụ là hình hộp chữ nhật, cạnh dài chạy từ bắc xuống nam. Có một cái trần bằng phẳng, đỡ trên bốn cái cột nối với nhau bằng những dãy núi. Dưới bốn cái cột là bờ tường có sông trời Urnes. Đi trên con sông ấy là những chiếc thuyền chở theo Mặt Trời, Mặt Trăng và các vị thần. Khi thuyền đến một khúc cua nào đó trên sông thì sẽ xoay 90 độ, và tiếp tục đi.

5/5 - (4 votes)

BÀI LIÊN QUAN