Ven hồ Hoàn Kiếm, trước cửa nhà địa ốc ngân hàng trông sang, có một cái thapó. Nhiều bạn thường gọi nhầm là tháp Báo Thiên của chùa Báo Thiên.
Sự thực, đấy chỉ là cái tháp ở cửa chùa Quan Thượng khi trước, ngay lối vào, gọi là Hòa Phong tháp.
Vậy tháp Báo Thiên, chùa Báo Thiên ở đâu?
TT ở phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, ngoài cửa chính đông cửa thành Thăng Long (tức là phố Nhà Thờ bây giờ), tháp nay không còn.
Sử chép: Niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ tư (1057) đời vua Lý Thánh Tôn (1054-1072), xây tháp Báo Thiên (lại có tên khác là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp) mười hai tầng, cao hơn mười trượng.
Cuối thời Lý, tháp đổ, đến đời Trần Anh Tôn (1293-1314) chữa lại, rồi giữa đời Hậu Lê tháp lại đổ.
Khoảng đời Tây Sơn (1788-1801) chỉ còn đế tháp cao hơn một trượng ở phía tây chùa Báo Thiên, gạch đổ lù lù ngổn ngang, hoang rậm như núi, vẫn còn mấy chữ nề: Lý triều đệ tam đế.
Nguyên xưa vua Lý Thánh Tôn nhân đi chinh phạt Chiêm Thành, kiếm được thợ khéo đem về xây tháp Báo Thiên. Tầng thứ ba tháp có ghi: Thiên tư Vạn thọ. Ngọn tháp đúc bằng đồng có khắc chữ Đạo Lý Thiên. Về sau, sét đánh gẫy mấy, không ai biết rơi vào chỗ nào. Sau có người làm ruộng bắt được, lại đem chắp vào, rồi bị sét đánh mất hẳn.
Về việc sét đánh tháp Báo Thiên, sử chép:
Đời vua Trần Minh Tôn (1314-1329) niên hiệu Đại Khánh thứ chín (1322), mùa xuân, tháng ba, sét đánh vào tháp Báo Thiên.
Lại đến đầu niên hiệu Thiệu Phong đời Trần Dụ Tôn (1341-1357), gió thổi sạt nóc tháp, rồi kẽ sét đánh vào phía đông, sạt mất hai tầng.
Trải qua bao phen thay đổi, đến đời Tây Sơn còn trơ một cái đế tháp và đống gạch vụn! Người đương thời cảm việc xây tháp có bài thơ, xin dịch sau đây:
Triều xưa công đức, tháp xây cao
Bảo sát tầng tầng vút khói mây!
Nước mắt mồ hôi gì để lại?
Đống tàn còn chữ kỷ niên đâu!
Cạnh tháp Báo Thiên, về phía Tây, có ngôi chùa gọi là Báo Thiên Tự.
Chùa xây dựng vào đời Lý Thánh Tôn, niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ ba (1056), cũng tại phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, để thờ phật và kỷ niệm vị thánh tăng là Khổng Lộ. Vua Thánh Tôn truyền lấy đồng trong kho đúc một quả chuông lớn và ngữ chế một bài minh khắc vào đấy.
Trải qua Trần, Lê, chùa Báo Thiên là một chỗ thuyền lâm danh thắng nhất ở kinh thàng Thăng Long. Mỗi khi gặp tiết xuân thiên, chùa đã thành một nơi lễ bái, du ngoạn sầm uất.
Đến năm Bính Ngọ (1786), trong nước có cuộc chiến tranh. Chùa tuy không bị đốt cháy, nhưng đã đổ nát rồi.
Qua năm Đồng Khánh nguyên niên (1886), chùa thành một cảnh hoang vu cô tịch.