Kiến Thức

Thần thoại tạo dựng của các dân tộc cổ xưa

Con người từ xa xưa đã luôn tìm cách giải thích sự tồn tại của thế giới và của chính mình. Mọi nền văn hóa trên trái đất đều kể những thần thoại về sự tạo dựng

than thoai tao dung
70 views

Các nhà khoa học cho rằng vũ trụ hình thành từ 14 tỉ năm trước, trong một sự kiện mà họ gọi là Vụ Nổ Lớn. Ban đầu là hư không, rồi bằng một cách nào nào đó không ai biết, xảy ra vụ nổ, Nguyên Khí từ đó thoát ra, thời gian và không gian hình thành, cú nổ mạnh đến nỗi đến nay cả vũ trụ vẫn đang phình rộng, và khắp mọi nơi những vụ nổ tương tự như thế ở mức độ nhỏ hơn vẫn xảy ra. Sau vụ nổ lớn, Nguyên Khí ngưng tụ và nguội lại, rồi tách ra thành năng lượng và vật chất. Cuối cùng, vật chất bao phủ toàn bộ vũ trụ. Cấu trúc vi mô của nó hình thành lên những đám mây khí khổng lồ, tạo ra các thiên hà, những vì sao, và các hành tinh. Trong những khoảnh khắc tạo thành ấy, con người muốn khám phá ra bí ẩn của sự tạo dựng. Nhưng các nhà khoa học tin rằng, vũ trụ hiện nay sẽ không giãn nở mãi, mà đến một lúc nào đó, khi lực của vụ nổ lớn cạn kiệt, vũ trụ sẽ co lại cho tới khi tất cả đông đặc thành một hạt bụi, nơi ta gọi là điểm kỳ dị. Và một lần nữa, hạt bụi ấy sẽ lại phát nổ, và tạo thành một vũ trụ khác. Chuỗi tuần hoàn ấy sẽ lại lặp lại, mãi mãi.

Đó là lý thuyết của khoa học hiện đại về sự tạo thành vũ trụ, thuyết Vụ Nổ Lớn, hiện đang được nhiều người tin tưởng nhất. Nhưng con người không chỉ có một cách giải thích về sự ra đời của vũ trụ. Trước khi khoa học vào cuộc và đưa ra “thần thoại” của riêng mình thì con người thuộc các nền văn minh khác nhau đã có một kho tàng các thần thoại tạo dựng của họ. Và so với chúng thì chưa chắc thuyết Vụ Nổ Lớn đã đúng hơn.

Trong bài viết này, hãy cùng Lightway lược thuật một số thần thoại hấp dẫn về sự hình thành vũ trụ và muôn vật muôn loài của các dân tộc trên thế giới, xuyên suất nhiều nền văn minh.

Thần thoại Tonacatecuhtli và Tonacacihuatl

Thuở ban đầu có hai vị thần: Tonacatecuhtli và Tonacacihuatl, Vật Chất Nam và Vật Chất Nữ. Hai người sống ở tầng trời thứ 13, cao nhất trong mọi tầng trời. Chính họ đã sinh ra chư thần, trong đó có thần gương Tezcatlipoca Đỏ và Đen có khả năng nhìn vào các chòm sao để đoán biết mọi thay đổi hay xung đột trong tương lai; rồi sinh thần Qutzalcoatl, thần rắn có lông vũ và là thần của mọi sự sáng tạo, là đấng tạo ra sự cân bằng cho cuộc sống của chúng ta. Rồi sinh thần Huizilpochtli, thần mặt trời và chiến tranh. Rồi sinh thần mưa Tlaloc.

Người ta kể rằng thần Tezcatlipoca Đen đã tạo ra ‘mặt trời’ đầu tiên. Ngài gọi nó là ‘mặt trời của đất’. Nhưng nó không phải như mặt trời ta biết, mà là một thế giới nơi có những người khổng lồ cư ngụ, và vì họ quá to lớn nên đã vô tình tiêu diệt mọi xung quanh. May thay, thần Quetzalcoatl can thiệp kịp lúc, đánh bại thần Tezcatlipoca Đen rồi đặt lên trên bầu trời thành một chòm sao, chính là chòm Đại Hùng ngày nay. Rồi thần thả một đàn báo đốm ra để tấn công những người khổng lồ. Người ta cũng tin rằng nếu bây giờ đào xới cẩn thận trong lòng đất thì thể nào cũng tìm được xương cốt của những người khổng lồ ấy.

Sau khi tiêu diệt những người khổng lồ, thần Quetzalcoatl kiến tạo một vũ trụ khác, ‘mặt trời thứ hai’. Ngài gọi nó là ‘mặt trời của gió’. Nhưng thần Tezcatlipoca Đen trở lại phục thù và đánh bại thần Quetzalcoatl, rồi gom thần chung với mặt trời của thần mà ném vào những cơn cuồng phong cho chúng cuốn đi.

Khỉ là những cư dân ban đầu của mặt trời thứ hai. Thời đó chúng có cánh và có thể bay lượn, cho nên bây giờ chúng mới nhảy nhót chuyền cành, như để gợi lại ký ức ngày xa xưa ấy.

Đến lượt thần Tlaloc ra tay. Thần tạo một công trình thứ ba, ‘mặt trời của mưa’. Nhưng thần Quetzalcoatl một lần nữa tiêu diệt thết giới ấy bằng một trận mưa lửa – tương tự với trận mưa lửa mà chúng ta vẫn thấy khi núi lửa phun trào.

Thần nước Chilciuhtlicue, một quý bà mặc váy làm bằng ngọc thạch, mang đến công trình thứ tư, ‘mặt trời của nước’. Nhưng rồi một trận đại hồng thủy ập đến, mọi cư dân của thế giới ấy đều bị biến thành tôm cá, và những ngọn núi chống trời bị cuốn đổ.

Sau bốn lần kiến tạo đầy vất vả, các thần nhận ra rằng nếu họ cứ tranh giành và bất hòa với nhau về việc xây dựng thế giới, thì kết quả cuối cùng chỉ là sự sụp đổ. Vậy nên, ở lần tạo dựng tiếp theo, cả bốn thần hợp sức cùng nhau. Thần Tezcatlipoca Đen và thần Quetzalcoatl tự hóa thân thành hai cây đại thụ vực dậy bầu trời. Nhưng trước tiên hai thần cần tiêu diệt con quái vật tên là Tlaltecuhtli trú ngụ trong lòng đất, một loài nửa rắn nửa cá sấu, đương nhiên vô cùng hung dữ. Hai anh em thần biến hình thành rắn, quấn lấy con quái vật, rồi sau một hồi giằng co, họ xé xác nó ra thành hai phần. Phần dưới của con quái vật biến thành đất, còn phần trên tạo thành trời. Vì chiến công anh dũng ấy, hai thần được mọi thần khác xưng tụng là Chúa Tể Bầu Trời. Dải Ngân Hà chính là con đường vắt qua bầu trời họ cai quản. Cuối cùng, để chăm lo cho thế giới mới, chư thần mới tạo ra loài người, rồi tới các loài động vật và cây cỏ nuôi sống con người. Sau khi hoàn thành, chư thần tụ tập tại Teotihuacan để tạo dựng một thứ sau cùng – mặt trời thứ năm, ‘mặt trời thời gian’.

Lúc đó trời đã gần về sáng; phương đông đã ửng hồng. Ngày chuẩn bị tới nhưng mặt trời thì vẫn chưa có. “Ai sẽ lo trọng trách này đây” – các thần hỏi lẫn nhau. “Ai sẽ hy sinh làm mặt trời, mang lại ánh bình minh?”

Thần Tecuciztecalt, Thần Ốc Sên, bước ra nói: “Tôi xin xung phong.” Nhưng khi thần bước tới định gieo mình vào vầng mặt trời thì hơi nóng phả ra khiến thần phải lùi lại. Thần thử lần thứ hai, rồi lần thứ ba, lần thứ tư, nhưng lần nào cũng thất bại, thần không đủ dũng cảm để vác lấy mặt trời. Thần bỏ cuộc, mọi thần khác đều im lặng. Rồi thần Nanauatzin, Thần Mụn Cóc, đầu vấn một tấm khăn bằng giấy, bước lên. Thần nhắm mắt, từ từ tiến về phía trước. Không chút ngần ngại, thần lao mình vào ngọn lửa của mặt trời, thân thể lập tức tan thành tro bụi. Chư thần cùng nhìn ánh dương bừng lên và hỏi nhau “mặt trời sẽ mọc từ hướng nào?” Họ nhìn về phía nam, phía bắc, phía tây, rồi cuối cùng phía đông. Ở đó, Tonatiuh, mặt trời thời gian vừa mới tạo dựng, nhô lên. Ban đầu mặt trời tỏa lửa đỏ, và chỉ di chuyển cà giật cà giật.

“Thế này thì sống làm sao nổi?” Các thần bảo nhau, và cùng nhận ra rằng để cho mặt trời di chuyển ổn định, và thời gian có thể bắt đầu, thì tất cả họ đều phải hy sinh.

Thấy gương dũng cảm của Nanauatzin, thần Tecuciztecatl gieo mình vào ngọn lửa, rồi hóa thân thành vầng trăng rực rỡ trên bầu trời. Để làm cho vầng trăng bớt sáng lại, tránh làm lu mờ mặt trời, một vị thần chạy tới và ném một con thỏ lên che đi một phần mặt trăng. Ngày nay nhìn lên vầng nguyệt, ta vẫn còn thấy hình bóng con thỏ ấy.

Bấy giờ, thần Tonatiuh cần phải có thức ăn thì mới ngày ngày đi lại trên bầu trời từ đông sang tây được. Vậy nên loài người, cư dân của mặt đất, có nghĩa vụ phải làm theo những đấng tạo dựng. Chỉ có họ mới đảm bảo vũ trụ mà thần Teotihuacan đã sáng tạo sẽ tiếp tục tồn tại, bằng cách tế “máu thánh” của mình; chỉ có họ mới đẩy lùi được bóng đêm của lần tạo dựng thứ năm, mặt trời thời gian, mặt trời của luân chuyển, khi ánh sáng của nó lụi tàn.

Những câu chuyện kiểu như trên gọi là “thần thoại” (myth, gốc là chữ muthos trong tiếng Hy Lạp). Và tôi tin rằng, hầu hết chúng ta đều hiểu lầm thần thoại. Có vẻ như chúng ta không coi Thuyết Big Bang là một thần thoại. Carl Sagan, nhà thiên văn nổi tiếng, từng viết: “Sự khác biệt giữa thần thoại của người xưa và thần thoại “Big Bang” của chúng ta ngày nay nằm ở chỗ khoa học biết tự vấn, buộc chúng ta phải thí nghiệm và quan sát để kiểm chứng những gì chúng ta nghĩ.” Thế thì, liệu thần thoại của chúng ta có đúng hơn họ không? Gác qua một bên sự hoang đường và yếu tố siêu nhiên của các thần thoại, ta nhìn thấy chân lý ẩn sâu của chúng. Thần thoại không chỉ để giải trí hay hù dọa, chúng quan trọng vì những bài học cuộc sống và giá trị đạo đức.

Tất cả thần thoại Aztec đều nói về những vị thần hành xử như con người. Cách họ tranh cãi để tạo ra thế giới tốt đẹp hơn cũng giống sự thiếu hợp tác của con người. Họ chỉ thành công khi biết đoàn kết. Đám khỉ biết bay, núi lửa phun trào, xương của người khổng lồ, cùng các thiên thể trên bầu trời – những chỉ tiết được kể đi kể lại – nhắc con người nhớ rằng họ phải hy sinh để thế giới được nối tiếp. Tại sao? Vì mọi quyền năng đều cần ai đó tôn thờ, để mang lại sự ổn định, để có thể tiếp tục sự sống trên trái đất. Người ta khẩn cầu thần thánh bằng cách dâng tế vật mà họ tin như đã từng xảy ra tại Teohihucan, nơi thời gian khởi đầu. Huyết tế là một phần trong mối quan hệ giữa thần và người để giữ thời gian được luân chuyển. Vậy nên, thần thoại tạo dựng của người Aztec không chỉ là chuyện phiếm, nhưng là cốt lõi ý thức hệ, một hệ thống tín ngưỡng luôn làm họ tự hào trong suốt nhiều thế kỷ trước khi Tây Ban Nha xâm lược. Thần thoại mang ý nghĩa của nó, và chân lý bao hàm trong ý nghĩa ấy.

Thần thoại của người Maya

Cũng như người Aztecs, người Maya vùng cao Guatemala cũng có một thiên sử thi về sự ra đời của bầu trời và hình thành thế giới.

Đấng Tạo Dựng, Đấng Điều Hành
Là cha là mẹ của sự sống, của loài người,
Đấng ban cho hơi thở, đấng tạo ra tâm hồn
Đấng sản sinh, đấng ban tặng ánh sáng trường tồn
Của mọi sự sinh ra trong ánh sáng, cưu mang trong ánh sáng;
Đấng bảo ban, đấng thấu suất mọi sự bất kể: trời đất núi sông.

Ban đầu chưa có con người hay muông thú cỏ cây, không núi rừng, không đồng cỏ. Chỉ có mông mênh trời biển. Rồi đấng tạo dựng, đấng phụ mẫu, ban lời tạo nên “rạng đông và gieo hạt”. Ban đầu, Đấng Tạo Dựng phán bằng lời: “Hỡi đất – hãy như thế này”, thế rồi núi mọc lên từ nước, ngăn cách với nước, tạo ra sông suối và thung lung. Rồi sinh ra muông thú cỏ cây, cuối cùng, sau nhiều lần thử rồi thất bại, loài người được tạo ra để chăm sóc thế giới mới. Nhưng chư thần lo lắng, vì ánh bình minh đã bắt đầu ló dạng đằng động, mà mặt trời thì chưa có.

 Rồi xuất hiện những kẻ mạo danh – như tên Seven Macaw hống hách – nhe hàm răng chói sáng tự coi mình là vầng thái dương, còn con hắn là Zipacna, kẻ đã tàn sát BỐN TRĂM HÀI TỬ, những vị tửu thần, rồi quăng họ lên bầu trời, ở đó họ trở thành chòm Bắc Đẩu. Những vị ngụy thần – cùng với các ác thần dịch hạch thống trị Âm Phủ và luôn hung hăng phá hủy mọi tạo dựng tốt đẹp – họ phải bị trừng trị.

Rồi từ trời cao xuất hiện hai vị anh hùng, Hunahpu và Xbalanque. Hai vị dùng ống tiêu bắn Seven Macaw rớt khỏi đài cao, rồi biến hắn thành chòm Đại Hùng trên bầu trời để nhắc loài người nhớ tới hậu quả của sự kiêu ngạo và ích kỷ. Sau khi xua đuổi mọi tà thần trên mặt đất, hai vị tiến vào Âm Phủ Xibalba để thách đấu Diêm Vương – Kẻ Tắm Máu, Huyết Xỉ, Bậc Thầy Bệnh Tật, Bậc Thầy Dịch Dã, và Vua Xương Sọ. Biết rõ mọi mưu ma chước quỷ, hai vị anh hùng đánh bại tất cả những ác thần gieo rắc bệnh tật, những kẻ luôn muốn đày ải nhân gian và mọi loài trên mặt đất.

Cuối cùng, khi mọi thứ đã ổn định, đôi song sinh:

Bay thẳng về trời, một người hóa thành Vầng Dương, một người biến thành Mặt Nguyệt. Cả hai tỏa rạng bầu trời, chiếu soi mặt đất. Rồi Bốn Trăm Hài Tử đã bị Zipacna sát hại cũng trỗi dậy. Tất cả trở thành quần tinh ủng nguyệt.

Cuối cùng mới tạo ra loài người – hậu duệ của thần thánh. Loài ngời được đặt cai trị mặt đất. Bằng nghi thức tế bái, loài người giữ cho mặt trời hết lặn rồi lại móc.

Tương tự người Aztec, thần thoại tạo dựng của người Maya bắt đầu từ bầu trời. Nhân vật trung tâm vẫn là một nhóm chư thần bất đồng về cách thức xây dựng thế giới. Thần thoại tán dương các phẩm chất anh hùng, kể câu chuyện tạo ra con người. Người Aztecs và người Maya đều thuộc về văn hóa Mesoamerican, có chung những ý tưởng về tạo dựng. Nhưng ngạc nhiên là thần thoại của những nền văn hóa bên kia địa cầu cũng mang những nét tương đồng.

Thần thoại tạo dựng của người Babylon

Marduk là một vị thần anh hùng trong thần thoại tạo dựng của người Babylon. Thần là con của Apsu, Thân Phụ Chư Thần, và Tiamat, Thân Mẫu Vạn Vật, sinh ra từ trước khi trời đất được tạo thành. Bấy giờ, con cái của Apsu và Tiamat không được hoàn hảo. Chúng lộn xộn và làm xáo trộn bầu trời. Quá ồn ào, chúng làm Apsu mất ngủ. Ngài dọa đuổi cổ tất cả. Nhưng con cái của chúng giết thần. Vợ thần nổi giận, biến thành quái vật lửa đi báo thù. Bà thống lĩnh một đạo quân gồm mãnh xà, quái thú, rồng lửa, sói, và bọ cạp – với hàm răng sắc nhọn và thân thể tẩm độc. Con trai là Marduk (thần Zeus của người Hy Lạp, thần Jupiter của người La Mã, Thor của các dân tộc Bắc Âu) nhận thấy rằng chỉ có thiết lập trật tự mới có thể mang quân đối phó với Tiamat. Trong một trường đoạn tả cảnh giao tranh khốc liệt giữa hai đạo quân, hoành tráng không kém gì các cảnh quay của Holliwood, thần thoại kể rằng:

Chàng quăng lưới bủa vây con quái;
Nhưng cuồng phong cuốn tới khiến chàng lỏng tay
Tiamat há miệng toan nuốt chửng chàng
Nhưng chàng đẩy lui cuồng phong, khiến con quái không thể ngậm miệng
Gió thốc vào bụng con quái
Khiến bụng nó trương lên, miệng ngoác rộng hơn
Chàng phóng một mũi tên thấu vào phủ tạng
Xuyên qua cơ thể con quái, cắt lìa trái tim.

Marduk dùng cơ thể đã bị tiêu diệt của mẹ mình mà tạo dựng thế giới. Chàng tách bà thành hai phần, một nửa tạo thành trời, một nửa làm mặt đất.

Rồi Marduk cẩn thận tạo dựng các thiên thể. Chàng dựng lên nơi cư ngụ cho chư thần, là những tinh tòa trên bầu trời. Chàng phân chia năm tháng, định các chòm sao, dựng lên hai cổng thiên đình và phong bế chúng. Cuối cùng, chàng mới chế tạo mặt trăng để trang hoàng cho màn đêm.

Thần thoại trên được khắc trên một tấm bia có niên đại 1000 năm trước ở xứ Babylon, đô thành xa hoa bậc nhất nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates, Iraq ngày nay. Thần thoại tạo dựng ấy có tên là Enuma Elish, truyền miệng qua hàng ngàn năm trước khi được khắc thành văn bản. Thần Marduk được tôn vinh là chúa tể chư thần, thần bảo trợ cho thành phố. Câu chuyện còn thuật lại cách thần chế ngự thiên nhiên để xây dựng hoàn vũ. Khác với Aztec và Maya, thần thoại Enuma của Babylon còn kể chuyện con người chiến thắng Marduk vĩ đại, và tư tưởng của con người.

Con người sống ở thành Babylon cổ đại luôn ý thức thiên tai cận kề. Mỗi tai ướng mà họ tin rằng do một vị thần nào đó tạo ra đều có thể dễ dàng quét sạch thành phổ. Vậy nên trong thần thoại Enuma còn hàm chứa cuộc tranh đấu kiểm soát vũ trụ giữa các lực lượng trên bầu trời và các thần trên mặt đất. Thần thoại kể rằng vào thời sơ khai các thần sống hòa hợp với nhau, như nước hai con sông hòa quyện êm đềm. Thần nam Apsu, với nước mặn của Biển Ba Tư, hòa quyện với thần nữ Tiamat chính là biểu tượng cho sự hòa hợp ấy. Nhưng rồi giữa chỗ nối liền hai vùng nước, mặt đất trồi lên thành đồng bằng. Chiến tranh nổ ra giữa những vị thần tượng trưng cho cuộc sống trên mặt đất chiến đấu với những vị thần tượng trưng cho thiên tai.

Trên thực tế thì thế giới nông nghiệp ở vùng đồng bằng giữa hai con sông thường trải qua những chu kỳ bất ổn. Vào mua đông thì mưa từ trên các rặng núi phương bắc thường gây ra ngập lụt cho các thung lũng phía nam. Vào mua xuân thì gió tây nam càn qua hong khô cả vùng đồng bằng nhỏ hẹp. Rồi hè đến bất thần, hạn hán kéo dài. Vậy nên không ngạc nhiên khi cư dân nơi đây luôn quan niệm rằng thế giới chính là sản phẩm của một cuộc chiến không hồi kết giữa trời và đất.

Enuma Elish còn là một gia phả chư thần (cho ta biết các thần từ đâu mà ra). Nó trình bày mối quan hệ xung đột giữa các thế hệ thần thánh, sự hỗn loạn và tranh giành, từ đó xuất hiện anh hùng Marduk, rồi ngài kiến tạo thế giới, mang lại trật tự. Các vị thần đầu tiên thường lộn xộn, rồi càng thế hệ về sau thì các thần càng tạo lập trật tự cho vạn vật.

Con người được tạo ra cuối cùng, nhận trọng trách canh tác đất đai, trồng cấy mùa màng, đắp đê ngăn lũ, và nhiều công việc chinh phục thiên nhiên khác. Họ phải xây kim tự tháp dâng lên thần Marduk. Phải viết sử thi ca ngợi những chiến công của thần.

Người Babylon cổ đại có lễ hội thờ kính thần Marduk vào đầu năm, trong đó họ diễn xướng sử thi Enuma. Nghi thức diễn diễn xướng này còn lặp đi lặp lại trong hầu hết các cuộc tế lễ của họ. Marduk là chúa tể chư thần, và là hình tượng nguyên thủy để người ta xây dựng hình ảnh quân vương. Vua ở Babylon là đại diện cho thần Marduk để lãnh đạo dân chúng chiến đấu với các tà thần, mà tiêu biểu là thiên tai tàn phá mùa màng.

5/5 - (1 vote)

BÀI LIÊN QUAN