Kiến Thức

Những Người Khốn Khổ – khúc bi ca tuyệt đẹp về lòng người

Những Người Khốn Khổ (Les Miserables) là một kỳ quan của văn học nhân loại, nơi phản ánh bộ mặt và tâm hồn của loài người, thông qua một loạt các nhân vật được xây dựng xuất sắc. Bạn đã đọc tác phẩm này chưa?

nhung nguoi khon kho les miserable
Đăng ngày:

Victor Hugo là đại văn hào người Pháp và của thế giới. Ngoài văn học ông còn rất nổi tiếng về các lĩnh vực khác như thơ, kịch. Ông đồng thời cũng là một chính trị gia và là một trí thức năng động trong thời đại ông sống, khoảng giữa thế kỷ 19.

Victor Hugo là một trong những nhà tiên phong đổi mới thi ca và sân khấu nước Pháp. Ông rất nổi tiếng đương thời và là biểu tượng của công chúng ngay khi còn sống.

Victor Hugo thời trai trẻ còn nổi tiếng phong lưu với rất nhiều nhân tình là những quý bà nổi tiếng. Ông cưới người bạn thanh mai là Adele Foucher và có với nhau bốn mặt con.

Khi tham gia vào chính trường được được bầu làm nghị sĩ hội đồng lập hiến. Do lên án cuộc đảo chính ngày 2/12/1851 của hoàng tử Louis-Napoléon mà ông bị đi đày ở Bỉ.

Ông mất năm 1885 bo bệnh sung huyết phổi. Victor Hugo được tổ chức quốc tang với khoảng 2 triệu người tham gia đưa tiễn ông đến điện Panthéon.

Các tác phẩm nổi tiếng của ông đó là Nhà thờ Đức Bà Paris, Thằng Cười, Ngày cuối cùng của một tử tù, Chín mươi ba, đó là về tiểu thuyết. Về thi ca ông có các tập thơ Odes et póesies diverses – Những khúc đoản ca (1822); Nouvelles Odes – Những khúc tân ca (1824); Les Orientales – Khúc ca Đông phương (1829); Les Feuilles d’automme – Lá thu (1831), và nhiều tập thơ khác. Về kịch ông có Cromwell (1827), Hernani – Trận hải chiến (1830), Marie Tudor (1833) và nhiều tác phẩm khác.

Những người khốn khổ – một kỳ quan về xã hội loài người

Sơ lược về bối cảnh

Bộ trường thiên tiểu thuyết Những người khốn khổ chính là tác phẩm đã ghi tên Victor Hugo vào lịch sử nhân loại như là một trong những tác gia vĩ đại nhất.

Bộ truyện này được xuất bản lần đầu tiên năm 1862 và ngày nay được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19.

Không chỉ nổi tiếng trong tư cách là một bộ tiểu thuyết, mà Những người khốn khổ còn vang danh khi được chuyển thể liên tục thành nhạc kịch, phim ảnh. Trong đó vở nhạc kịch cùng tên cũng trở thành tác phẩm lẫy lừng danh tiếng của thể loại này.

Câu chuyện trong Những người khốn khổ dàn trải qua 20 năm, lấy bối cảnh xã hội nước Pháp đầu thế kỷ 19, từ lúc vua Napoleon I lên ngôi. Nhân vật chính của truyện là Jean Valjean. Thời trai trẻ Jean Valjean là một thanh niên lương thiện, có sức khỏe hơn người, làm thuê làm mướn để kiếm tiền lo liệu cuộc sống cho người em gái góa chồng cùng bảy đứa con nheo nhóc của bà.

Nhưng tình hình nước Pháp trở nên hỗn loạn khiến cho Jean Valjean không thể xoay sở nổi cuộc sống cho bằng đó miệng ăn. Cuối cùng, trong một phút lầm lỡ, anh quyết định ăn trộm một ổ bánh mỳ, nhưng rủi thay bị bắt. Anh bị tòa kết tội trộm cắp và xử 5 năm tù giam.

Quá bất mãn về cái án nặng nề đó, trong tù Jean Valjean liên tục tìm cách đào thoát. Anh không thành công, và hệ quả là án nọ chồng án kia thành 19 năm tù cả thảy.

Người thanh niên năm nào nay ra tù đã thành trung niên, và ôm trong lòng một mối căm hờn. Anh nuôi chí báo thù với cuộc đời và với tất cả những ai anh cho rằng đã đẩy anh vào cảnh khốn cùng.

Nhưng một sự kiện bất ngờ đã biến đổi tâm thức của Jean Valjean. Đó là khi anh gặp vị giám mục tử tế Myriel. Lòng nhân từ của vị giám mục đã hoán cải tâm hồn hận thù của Jean Valjean. Và anh quyết định sẽ giũ bỏ quá khứ, làm lại cuộc đời, và trở thành một người có ích cho xã hội.

Anh làm ăn và trở nên giàu có. Anh gặp cô gái tội nghiệp Fantine trong hoàn cảnh bi đát của cô, và khi cô sắp tắt thở ông đã hứa sẽ tìm đứa con gái thất lạc của cô về và nuôi dưỡng nó.

Một sự kiện bất ngờ đã khiến Jean Valjean bị bắt giam trở lại. Nhưng ông trốn thoát, và đi tìm đứa con gái của Fantine nhận làm con nuôi. Cô bé tên là Cosette. Sau đó hai người cao chạy xa bay sống đời bình yên.

Phần sau của cuốn tiểu thuyết là câu chuyện tình giữa chàng Marius và nàng Cosette. Là câu chuyện chiến tranh và cách mạng. Với nhiều tầng lớp ý nghĩa nhân văn được miêu tả xuất sắc.

Bút pháp tài tình

Điểm hấp dẫn đầu tiên của cuốn tiểu thuyết chính là bút pháp điêu luyện của tác giả. Nghệ thuật dùng từ, dùng câu; nghệ thuật kể chuyện; nghệ thuật dẫn dắt dường như ngay lập tức cuốn lấy tâm trí người đọc. Theo những dòng chữ chúng ta sẽ đi ngược trở về xã hội Pháp hỗn loạn và hoành tráng của thế kỷ thứ 19. Quan tòa, luật sư, cảnh sát, tù nhân, dân thường, gái điếm, giám mục, thương nhân, chủ quán trọ v.v. một thế giới sinh động, nhộn nhịp và chuẩn xác như nó vốn là. Trong một không gian mở rộng mà chuẩn xác đến từng chi tiết ấy, tác giả xây nên một tòa lâu đài kết cấu chặt chẽ, đan xen, phức tạp mà vững chắc và trật tự, rộng lớn mà không hỗn loạn, cao vời nhưng nền móng chắc chắn, nguy nga mà cổ kính, buồn thảm và vẫn sáng lên niềm tin. Lâu đài đó chính là Những người khốn khổ.

Tôi cam đoan bạn sẽ không nhàm chán, bạn sẽ không thất vọng, bạn sẽ không thấy mệt khi lướt những dòng truyện của bộ sách này. Thử tượng tượng nếu bạn được một hướng dẫn viên chuyên nghiệp dẫn đi tham quan nước Pháp thì bạn có chán được không. Một nước Pháp hoa lệ, một nước Pháp mỹ miều, một nước Pháp rực rỡ. Chắc chắn là không rồi. Tác giả quả là một hướng dẫn viên tài tình với kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử, chính trị, chiến tranh, quan hệ quốc tế, đời sống bình dân của xã hội thời đó.

Tôi cam đoan bạn sẽ khám phá ra những chân trời hoàn toàn mới về tâm hồn con người mà trước giờ bạn mường tượng rằng có thể có nhưng chưa bao giờ nhìn rõ. Một Jean Valjean với những dằn vặt nội tâm phức tạp, với nghị lực phi thường, với khối óc sáng suốt; một tay thanh tra Javert xảo quyết, kiên nhẫn đến tột cùng, nguyên tắc đến tột cùng, và vô cùng khôn ngoan; đôi vợ chồng chủ quán trọ thật là những hình tượng xuất sắc về giới bình dân, chất phác mà gian giảo, bình dị mà tham lam, đơn sơ nhưng tàn nhân; một Cosette tội nghiệp với tâm hồn tuổi thơ trong trắng, một thiếu nữ mỹ miều với những rung động đầu đời thanh cao, một tình yêu vô bờ bến của cô gái Pháp; một chàng Marius điên cuồng và cao thượng, dũng cảm và nhân nghĩa, chàng yêu đến cùng và hy sinh đến cùng. Quả thật là những khung trời nhân văn cho chúng ta chiêm ngưỡng.

Tài năng miêu tả nội tâm của Victor Hugo cũng xuất sắc như tài năng kể chuyện của ông. Thử tượng tượng một họa sĩ tài ba vẽ một bức tranh đẹp đến nhường nào, minh bạch đến dường nào, thì Victor Hugo cũng làm điều tương tự, nhưng bằng những dòng chữ. Đọc Những người khốn khổ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn, sâu hơn về tâm lý con người, cách mà nội tâm của con người vận hành, suy tư, đấu tranh, ra quyết định, dằn vặt, thỏa hiệp v.v. tất cả những điều ấy đều diễn ra rõ ràng trong lòng và trong suy nghĩ của các nhân vật, dưới ngòi bút tài hoa của đại văn hòa. Và chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra chính bản thân mình qua những dòng chữ ấy, vì nội tâm con người thì ai mà chẳng như ai, chẳng do Chúa tác tạo thành và “lập trình” cho nó.

Giá trị nhân văn trường tồn

Loài người là một đám đông điên loạn, luôn cần những khối óc xuất chúng và những tâm hồn vĩ đại dẫn dắt để không rơi vào vực thẳm hủy diệt. Những nhà văn với lòng yêu thương nhân loại vô bờ như Victor Hugo, và những tác phẩm tôn vinh phẩm giá cao đẹp của loài người như Những người khốn khổ chính là ngọn đèn soi cho nhân loại bước đi trong tăm tối mê muội.

Nói vậy có quá không? Thưa rằng không quá chút nào. Một ngọn đèn là quá ít ỏi, cho nên xuyên suất lịch sử nhân loại ta thấy có rất nhiều những ngọn đèn như vậy, nhiều con người, nhiều tác phẩm soi tỏ vào những góc khuất để nhân loại tiến bộ, đi lên văn minh.

Những tác phẩm như Những người khốn khổ chính là tâm hồn của nhân loại, suy tư của con người về nhân sinh và cuộc sống, về đối nhân xử thế, về sự ác, về cái thiện, về mục đích của cuộc đời, về tình yêu, về lòng bác ái, về sự tử tế .v.v Tất cả đều có đủ, đều đầy đặn, đều đột phá, đều vượt lên trên những quy tắc thông thường của một thời điểm lịch sử nhất định để vươn tới Chân Thiện Mỹ.

Ta có thể thấy rất rõ Victor Hugo hướng tới Chân Thiện Mỹ là Thiên Chúa khi ông chọn Giám mục Myriel để biểu trưng cho lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Một Jean Valjean với tâm hồn ngập tràn thù hận sau 19 năm cuộc đời ngồi tù oan ức, tưởng chừng anh ta muốn thiêu đốt cả thế giới, tưởng chừng anh ta muốn nuốt chửng cả loài người, tưởng chừng cuộc sống không còn gì khác ngoài báo thù.

Nhưng tận sâu trong tâm khảm con người là lòng hướng thiện. Càng chịu đày đọa nhiều, càng sống bị áp bức nhiều thì lòng hướng thiện ấy càng bị đè nén và vùi dập. Và chỉ có lòng thương xót của Chúa mới có thể xua tan mây mù, vực nó trỗi dậy, và thiêu đốt nó mạnh mẽ.

Đó chính là những gì mà Giám mục Myriel đã làm cho tên tù phạm Jean Valjean. Trước khi anh ta phạm phải bất kỳ sai lầm nào không thể cứu chữa, Chúa đã cứu anh ta trước.

Bạn đọc sẽ căm ghét tay thanh tra Javert khi hắn một lòng một chí quyết vạch mặt cho được Madeleine, tức là con người mới của Jean Valjean sau khi đã hoán cải, để lôi anh ta trở lại vào nhà ngục. Quả thật ma quỷ vẫn luôn muốn làm thế với con người, lôi kéo con người về lại nhà ngục của nó.

Nhưng xin đừng căm ghét Javert mà hãy nhìn lại chính bản thân chúng ta. Vì Javert chính là một bộ mặt của con người, một bộ mặt của chúng ta. Thật sự nếu suy ngẫm lại cuộc đời, chắc chắn đã có nhiều lúc chúng ta hành xử như chính viên thanh tra này. Chúng ta không cho người khác lối thoát, chúng ta muốn trói buộc họ với quá khứ, chúng ta không tha thứ, chúng ta muốn kết tội, chúng ta muốn vùi dập, chúng ta muốn thỏa mãn lòng thù hận của mình.

Và còn rất nhiều nhân vật khác, mà mỗi nhân vật chính là một tấm gương phản chiếu tâm hồn con người, phản chiếu tâm hồn của bạn, và của tôi.

Hãy đọc Những người khốn khổ, để thấy rằng về khía cạnh nào đó chúng ta cũng là những người khốn khổ. Các nhân vật trong chuyện khốn khổ theo nhiều cách, nghèo đói, tù tội, sa đọa, đó là sự khốn khổ hiển nhiên. Tham lam, hận thù, si mê, dằn vặt, đó là sự khốn khổ trong tâm hồn. Những người khốn khổ nhắc chúng ta rằng cuộc đời này cần những bàn tay góp lại để xây cho đẹp hơn, để khiến cho bớt là một cõi “khốn khổ”, hay như đạo Phật có câu “Đời là bể khổ.”

Hãy đọc Những người khốn khốn, để bạn trưởng thành hơn, biết nhìn mọi việc theo nhiều cách khác nhau. Để bạn bao dung hơn, biết thứ tha cho quá khứ lầm lỗi của người khác. Để bạn quảng đại hơn, biết sẻ chia với mọi người. Và để bạn thanh thản hơn, để chúng ta bình yên hơn.

5/5 - (2 votes)

BÀI LIÊN QUAN