English Study

Nghiên cứu (research) là gì và nhà nghiên cứu cần có suy nghĩ gì?

12 views
hieu ve nghien cuu

Mỗi khi nảy ra một câu hỏi nào đó thì chúng ta phải nghiên cứu tìm câu trả lời, ngay cả những câu hỏi đơn giản như tìm một cửa hàng bán điện thoại hay những câu hỏi phức tạp như nguồn gốc sự sống.

Hiểu về nghiên cứu

Nếu bạn là người duy nhất quan tâm câu trả lời và không cần phải báo cáo cho người khác, thì có lẽ bạn không cần phải viết. Nhưng nếu phải phải báo cáo, và người ta chỉ chấp nhận những gì bạn nói sau khi đã xem xét kỹ lưỡng cách bạn tìm ra câu trả lời, cách bạn đã thực hiện nghiên cứu, thì bạn phải viết nghiên cứu của mình ra, phải trình bày nó trên giấy.

Trên thực tế, hầu hết những gì chúng ta biết về thế giới này đều là nhờ vào những nghiên cứu và báo cáo nghiên cứu.

Làm tốt một báo cáo nghiên cứu thì bạn sẽ góp thêm một chút vào kho tàng tri thức nhân loại, đồng thời bản thân bạn cũng gia tăng hiểu biết để đào sâu hơn.

Khi thực hiện nghiên cứu của bạn thân, bạn cũng phải đọc, tìm hiểu, sử dụng, và nhận xét nghiên cứu của những người khác. Trong mọi ngành nghề, nhà nghiên cứu phải đọc và đánh giá càng nhiều nghiên cứu khác càng tốt, trước khi đưa ra quyết định. Và bạn sẽ làm công việc của mình tốt hơn khi biết được người khác đã nhận xét thế nào về chính nghiên cứu của bạn.

Báo cáo nghiên cứu học thuật là dạng nghiên cứu chuyên sâu và khác các thể loại viết khác. Nghiên cứu của bạn phải dựa trên sự thật mà mọi người đọc đều chấp nhận là đúng, bất kể bạn cảm thấy hay bạn tin gì. Họ phải theo được cách lập luận của bạn dựa trên bằng chứng. Báo cáo thành công tùy vào việc bạn thu thập và phân tích dữ liệu tốt tới đâu, trình bày rõ ràng thế nào, lập luận chặt chẽ ra sao để người đọc có thể đánh giá và nhận định trước khi chấp nhận những gì bạn khám phá ra trở thành một phần của tri thức chuyên nghành.

Nhà nghiên cứu nghĩ gì về mục đích của họ

Tất cả những ai nghiên cứu đều phải thu thập sự kiện và thông tin, ta gọi chung là dữ liệu. Nhưng tùy vào mục đích và kinh nghiệm mà họ sẽ sử dụng dữ liệu đó theo những cách khác nhau. Một số thu thập dữ liệu về một chủ đề cụ thể – như những câu chuyện về Trận Bạch Đằng của Ngô Quyền – và chỉ vì sở thích cá nhân.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu không chỉ quan tâm tới sự kiện. Nên họ không chỉ tìm kiếm dữ liệu về một chủ đề, mà tìm những dữ liệu cụ thể có thể dùng làm bằng chứng để trả lời một câu hỏi mà họ đặt ra, chẳng hạn Tại sao Trận Bạch Đằng là trận đánh quyết định độc lập dân tộc của Việt Nam?

Có dữ liệu rồi thì chưa đủ, một nhà nghiên cứu sành sỏi phải biết cách vận dụng dữ liệu để tạo sự thuyết phục cho câu trả lời của mình. Trước tiên họ phải cho thấy câu hỏi họ đặt ra là quan trọng, và trả lời cho câu hỏi ấy là chuyện đáng làm. Chẳng hạn, nếu trả lời được câu hỏi về Trận Bạch Đằng phía trên, ta có thể đi đến một câu hỏi lớn hơn: Những trận đánh lớn trong lịch sử Việt Nam chứng minh sức mạnh của đoàn kết dân tộc?

Bạn hãy tự nhận định nghiên cứu của mình theo cách sau:

  1. Tôi đang nghiên cứu chủ đề X (những câu chuyện về Trận Bạch Đằng)
  2. vì tôi muốn tìm hiểu Y (tại sao trận đánh ấy quan trọng)
  3. qua đó tôi sẽ giúp mọi người hiểu Z (những trận đánh lớn giúp ta nhận ra sức mạnh của đoàn kết dân tộc)

Luyện viết nghiên cứu:
Cấu trúc một bài đề xuất nghiên cứu
Tìm hiểu về đề xuất nghiên cứu (research proposal)
8 câu hỏi khi viết luận án tiến sĩ

3 bước trên minh họa tiến trình làm nghiên cứu của bạn, và còn minh họa cả sự trưởng thành của bạn trong tư cách là một nhà nghiên cứu. Ta hãy tìm hiểu kỹ hơn chút:

1. “Tôi đang nghiên cứu chủ đề X”. Nhà nghiên cứu thường bắt đầu bằng một ý tưởng đơn giản, như Trận Bạch Đằng, thường là vì họ băn khoăn về vấn đề ấy cả thấy quan tâm. Nhưng những nhà nghiên cứu thiếu kinh nghiệm thường dừng lại ở bước này, không biết cách đi xa hơn. Họ thu thập được hàng trăm mẩu chuyện, sự kiện v.v. nhưng lại không biết cách chắt lọc, cái nào nên giữ cái nào nên bỏ. Khi khởi sự viết, họ nhồi nhét mọi thứ vào nghiên cứu thành một mớ lộn xộn vô tổ chức.

2. “…. vì tôi muốn tìm hiểu Y”. Người nghiên cứu có kinh nghiệm hơn thường không bắt đầu bằng chủ đề, mà bằng một câu hỏi nghiên cứu (vấn đề nghiên cứu), chẳng hạn như Tại sao trận Bạch Đằng lại có ý nghĩa quyết định với độc lập dân tộc của Việt Nam? Họ biết rằng dữ kiện chỉ có giá trị nếu là bằng chứng củng cố cho câu trả lời. Tất nhiên, khi có một câu hỏi rõ ràng như thế người nghiên cứu sẽ biết dữ kiện nào nên giữ, cái nào nên bỏ. Không chỉ giữ những dữ kiện củng cố cho câu trả lời, mà cả những dữ kiện giúp kiểm tra hoặc phủ định câu trả lời. Một khi cảm thấy đã có đủ bằng chứng cho câu trả lời, đã có đủ dữ liệu để đi tới kết luận, nhà nghiên cứu sẽ viết báo cáo nghiên cứu để tự kiểm định cách lập luận của mình, sau đó chia sẻ câu trả lời với người khác để cùng nhau đánh giá.

3. “…qua đó tôi sẽ giúp mọi người hiểu Z”. Nhà nghiên cứu thành công nhất là khi nhận ra người đọc không chỉ muốn biết câu trả lời, mà còn muốn rõ tại sao câu hỏi này, tại sao vấn đề này, quan trọng và đáng để tìm hiểu. Vậy nên, nhà nghiên cứu phải đoán trước độc giả sẽ hỏi kiểu như: thế thì đã sao? Mắc gì tui phải quan tâm tới Trận Bạch Đằng có phải trận đánh quan trọng hay không? Có gì đáng nói? Nghiên cứu phải trả lời được những câu hỏi ấy trước khi bị hỏi – Những trận đánh lớn trong lịch sử Việt Nam chứng minh sức mạnh của đoàn kết dân tộc.

Tới đây thiết tưởng đã là một nghiên cứu mỹ mãn. Nhưng không, một nhà nghiên cứu sành sỏi không dừng lại ở đây. Họ tiên liệu trước độc giả sẽ tiếp tục hỏi thế thì đã sao, và đào sâu vào câu trả lời quy mô hơn: nếu ta hiểu được sức mạnh của đoàn kết dân tộc, thì ta sẽ định hướng được những chính sách giúp tăng cường sự đoàn kết ấy, không gây ra chia rẽ. Không chỉ thế, hiểu được sức mạnh đoàn kết dân tộc ta sẽ nhận ra cách những quốc gia khác đang làm để tăng sức mạnh ấy. Nhà nghiên cứu thành công biết rằng độc giả chỉ quan tâm tới những vấn đề mà khi biết câu trả lời họ sẽ không nói kiểu thế thì đã sao, mà sẽ thấy rằng vấn đề này đáng nghiên cứu.

Tóm lại, không phải câu hỏi nào cũng đáng hỏi. Người ta có thể hỏi có bao nhiêu tôm cá đã chết trong Trận Bạch Đằng, nhưng giả sử nghiên cứu ra được con số ấy thì rồi làm gì? Nếu câu trả lời không khiến chúng ta phải nghĩ tới một vấn đề lớn hơn, đáng phải tìm hiểu, thì câu hỏi ấy không đáng để hỏi.

5/5 - (3 votes)

ĐỌC THÊM


BÀI LIÊN QUAN