La Mã vào cuối thời Cộng Hòa, Caesar và một thời kỳ mới

Ceasar là một trong những nhân vật nổi bật nhất của toàn bộ lịch sử La Mã cổ đại. Ông là bước ngoặt thay đổi thể chế của đế quốc này, và khởi đầu cho một giai đoạn mới.

Julius Ceasar của La Mã cổ đại
123 views

Giai đoạn xáo trộn mới

Giai đoạn từ cuối các cuộc chiến Punic năm 146 TCN cho đến sự lên ngôi của Julius Caesar năm 46 TCN là một trong những giai đoạn có nhiều xáo trộn nhất trong lịch sử La Mã. Chính trong giai đoạn này, quốc gia này gặt hái những hệ quả từ những hạt giống bạo lực do mình gieo trong các cuộc chiến xâm lược. Xung đột giai cấp gay gắt hơn, ám sát, cuộc đấu tranh tuyệt vọng giữa các nhà độc tài kình địch, chiến tranh, cuộc nổi dậy, tất cả là những chuyện xảy ra như cơm bữa trong thời điểm này.

Ngay cả nô lệ cũng góp phần vào tình hình rối loạn chung: thứ nhất, năm 104 TCN khi họ cướp phá đảo Sicily, một lần nữa vào năm 73 TCN khi 70.000 nô lệ dưới sự lãnh đạo của Spartacus dồn các quan tổng tài vào bước đường cùng hơn một năm. Sau cùng Spartacus bị giết chết trong cuộc chiến, 6.000 người theo ông đều bị bắt giam và bị hành hạ tàn nhẫn.

Cuộc nổi dậy của nhóm Gracchi

Giai đoạn đầu trong cuộc xung đột giữa các tầng lớp công dân bắt đầu bằng cuộc nổi dậy của nhóm Gracchi. Nhóm Gracchi chủ yếu là phát ngôn viên đại diện cho số nông dân không ruộng chống lại giới quý tộc nguyên lão, nhưng họ cũng được sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu. Năm 133 TCN, Tiberius Gracchus, sau khi được bầu làm quan bảo dân, thuyết phục Hội đồng lập pháp ban hành luật hạn chế số lượng đất thuộc quyền sở hữu của cá nhân chỉ ở mức 310 a và quy định phần đất vượt quá con số đó phải giao lại cho thành phố-thành bang, để cho công dân nghèo thuê với mức tô danh nghĩa.

Trước khi luật có hiệu lực, nhiệm kỳ làm quan bảo dân của Tiberius kết thúc. Ngay sau đó, ông quyết định phải ra tái cử, bất chấp nhiệm kỳ của quan hành chính địa phương chỉ là một năm theo quy định trong hiến pháp. Động thái bất hợp pháp này giúp cho các nguyên lão có lý do đàn áp bằng vũ lực. Cuộc bầu cử đi kèm với các cuộc nổi dậy trong đó Tiberius và 300 người theo ông bị khách hàng và nô lệ của giới quý tộc giết chết.

Ý nghĩa của vụ Gracchan

Chín năm sau, Gaius Gracchus, em trai của Tiberius tiếp tục cuộc đấu tranh giành trật tự cho những người quyền lợi thiệt thòi. Được bầu làm quan bảo dân năm 123 TCN, ông thuyết phục để ban hành luật cung cấp ngũ cốc hàng tháng cho người dân thành phố chỉ bằng một nửa giá thị trường. Kế đến ông chuẩn bị cuộc công kích nhắm vào quyền lực của Viện nguyên lão, nhưng ông thất bại trong lần ra tái cử chức quan bảo dân năm 121 và bị liệt vào danh sách kẻ thù của thành phố-thành bang. Khi ông từ chối ra trình diện trước tòa của Viện nguyên lão, thì Viện nguyên lão tuyên bố tình trạng chiến tranh để chống lại ông. Sau khi những người theo ông bị đánh tan tác, Gaius yêu cầu một nô lệ trung thành hãy giết mình. Sau đó, 3.000 người trung thành với ông đều bị xử tử.

Ý nghĩa chính trong vụ Gracchan được tìm thấy trong mức độ minh họa sự bất lực chính trị của người La Mã, và sự nguy hiểm từ chủ nghĩa bảo thủ thiển cận của họ. Điều cũng quan trọng đối với những tiền lệ xấu đã được thiết lập cho sau này. Viện nguyên lão, bằng biện pháp vũ lực, tạo tiền lệ để những kẻ mỵ dân sau này nhanh chóng áp dụng.

Sự tiếp tục chiến tranh với nước ngoài

Bất chấp tất cả những điều này, sự sụp đổ của cách cai trị theo hiến pháp không thể nào tránh khỏi vì sự thất bại của nhóm Gracchi. Người La Mã lẽ ra phải thành công trong việc phác họa một giải pháp nhân nhượng để giải quyết vấn đề chứ không phải sử dụng biện pháp chiến tranh. Nhưng họ không thể làm được điều này, vì sự hình thành một đế chế quá mênh mông đồng nghĩa với những xung đột thường xuyên xảy ra với các quốc gia giáp giới.

Năm 111 TCN bắt đầu cuộc chiến lớn với Jugurtha, vua xứ Numidia ở Bắc Phi. Tiếp theo sau cuộc chiến này là các chiến dịch trừng phạt người Gaul xâm lược, và cuộc chiến chống lại Mithradates xứ Pontus, nhà vua này lợi dụng sự cai trị sai lầm của La Mã ở phương Đông để mở rộng lãnh thổ của mình khắp vùng Tiểu Á. Các vị anh hùng trong cuộc chiến này lúc nào cũng trở về Ý để trở thành người lãnh đạo một trong số nhiều phe phái chính trị lớn.

Sự xuất hiện chế độ độc tài quân sự: Marius và Sulla

Người đầu tiên trong số các vị anh hùng xâm chiếm lợi dụng thanh danh có được từ quân sự là Marius, ông được quần chúng đưa lên chức quan tổng tài vào năm 107 TCN và sau đó được bầu lại năm lần. Thật không may, Marius không phải là chính khách, đối với những người ủng hộ, ông không đạt được thành tựu gì ngoài việc chứng minh mình là một lãnh đạo quân sự với một đội quân hậu thuẫn có thể đàn áp sự chống đối.

Tiếp theo sau cái chết của Marius năm 86 TCN, giới quý tộc tiến hành thay đổi chính quyền bằng vũ lực. Chiến sĩ hàng đầu của họ là Sulla, người giành chiến thắng trong cuộc chiến với Mithradates. Được bổ nhiệm làm nhà độc tài năm 82 TCN với nhiệm kỳ vô hạn, Sulla tiến hành việc tận diệt những kẻ đối lập và phục hồi quyền lực ban đầu cho Viện nguyên lão. Ngay cả quyền phủ quyết của Viện nguyên lão đối với các hoạt động của Hội đồng lập pháp cũng được phục hồi, trong khi quyền bính của quan bảo dân bị cắt giảm đáng kể. Sau ba năm cai trị, Sulla quyết định đổi sự phù hoa của quyền lực lấy cảm giác vui thú và lui về ở ẩn trong thái ấp của ông ở Campania để sống cuộc đời thanh thản, xa hoa.

Sự xuất hiện của Caesar và thời kỳ mới của La Mã

Cuộc đấu tranh giữa Pompey và Caesar

Cũng không nên nghĩ rằng “cải cách” của Sulla là không bị phản đối sau khi ông rời bỏ chức vụ, vì các sắc lệnh của ông trao quyền kiểm soát cho giới quý tộc mù quáng, ích kỷ. Một vài lãnh đạo mới lúc này đứng lên ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của người dân. Nổi tiếng nhất trong số này là Pompey và Julius Caesar. Có lúc họ cùng nhau hợp sức và trí tuệ vào một mưu đồ giành quyền kiểm soát chính quyền, nhưng sau này hai người trở thành kình địch và tìm cách hơn thua nhau trong sự gắng sức giành sự ủng hộ của quần chúng. Pompey nổi tiếng như người chinh phục Syria và Palestine, trong khi Caesar dành hết tài năng vào một loạt đánh phá thành công chống người xứ Gaul, sáp nhập nước Bỉ và Pháp hiện đại vào lãnh thổ của thành phố-thành bang La Mã.

Năm 52 TCN, sau một loạt các vụ nổi loạn của quần chúng ở La Mã, Viện nguyên lão trở về Pompey và bầu chọn ông làm quan tổng tài duy nhất. Caesar làm chủ kẻ thù của thành phố-thành bang, và Pompey mưu phản cùng với phe nguyên lão để tước đoạt quyền lực chính trị của Caesar. Kết quả là cuộc chiến một mất một còn giữa hai người. Với lời tuyên bố nổi tiếng, “Bút sa gà chết”, Caesar vượt sông Rubicon (49 TCN) và bắt đầu hành quân về phía thành Rome. Pompey chạy về phía đông với hy vọng tập hợp đủ quân số để giành lại quyền kiểm soát bán đảo Ý. Năm 48 TCN lực lượng của hai kẻ kình địch gặp nhau ở Pharsalus, Thessaly. Pompey bị đánh bại, ít lâu sau bị các quan nhiếp chính của vua Ai Cập mưu sát.

Chiến thắng và sự sụp đổ của Caesar

Sau khi để uổng phí một thời gian trong cung điện Cleopatra ở Ai Cập, Caesar trở về La Mã. Lúc này không ai dám phủ nhận quyền lực của ông. Với sự giúp đỡ của các cựu binh, ông dọa nạt Viện nguyên lão phải theo mọi ý muốn của mình. Năm 46 TCN ông trở thành nhà độc tài trong 1 năm, và trong suốt các năm còn lại. Ngoài ra, ông có được gần như tất cả chức vụ quan hành chính địa phương để tăng thêm quyền lực cho mình. Ông là quan tổng tài, quan bảo dân, quan kiểm duyệt, và cũng là quốc chủ tối cao. Ông có hết các quyền của Viện nguyên lão trong việc tuyên chiến và hòa bình, cũng như kiểm soát thu nhập của thành phố-thành bang.

Vì tất cả các mục đích thực dụng, ông còn quan trọng hơn cả luật pháp, và các cơ quan chính quyền khác chỉ là những người phục vụ ông. Cũng không chắc rằng ông dự định lên làm vua, dù sao đi nữa, với lời cáo buộc như thế, ông bị một nhóm người mưu phản ám sát vào năm 44 TCN dưới sự lãnh đạo của Brutus và Cassius, đại diện cho tầng lớp quý tộc cũ4.

Thành tựu của Caesar

Qua nhiều thế kỷ, sinh viên ngành lịch sử mù quáng tôn thờ ông như vị anh hùng khi đánh giá sự nghiệp chính trị của Caesar. Chắc chắn là một điều sai lầm khi ca ngợi ông như một đấng cứu thế của dân tộc hay ca ngợi ông như một chính khách lỗi lạc nhất của mọi thời đại. Vì ông phá hủy những đặc điểm cơ bản của nền Cộng hòa và làm cho vấn đề cai trị trở nên khó khăn hơn đối với những người sau ông. Điều mà La Mã cần vào lúc này không phải là cai trị bằng vũ lực, cho dù có sử dụng hiệu quả đến mấy đi nữa, mà là một nỗ lực hiểu biết nhằm chỉnh sửa những điều bất cập trong chế độ chính trị và kinh tế. Mặc dù thật ra Caesar có tiến hành rất nhiều cải cách, nhưng không có sự cải cách nào là cải cách cơ bản thật sự.

Với sự giúp đỡ của một nhà thiên văn học Hy Lạp, ông xem lại dương lịch chính thức để cho hài hòa với dương lịch của người Ai Cập gồm 365 ngày, cứ mỗi bốn năm cộng thêm 1 ngày. Ông điều tra sự phung phí trong việc phân phát ngũ cốc và giảm bớt số người nhận ngũ cốc xuống còn phân nửa. Ông lên kế hoạch soạn thảo luật pháp và tăng hình phạt đối với các tội hình sự.

Bằng cách ban quyền công dân cho hàng ngàn người Tây Ban Nha và người Gaul, ông có được bước tiến quan trọng đi đến việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa người Ý và người các tỉnh. Ông điều số cựu binh và một phần đáng kể người nghèo ở đô thị đến định cư ở những vùng đất chưa canh tác không những ở Ý mà còn ở khắp đế chế, ông lệnh cho chủ sở hữu các thái ấp rộng lớn tuyển dụng theo tỷ lệ ít nhất một công dân tự do kèm với hai nô lệ. Mặt khác, ông không hề giảm sự bất bình đẳng thấy rõ trong phân phối của cải hay mở rộng quyền chính trị cho quần chúng đang bất bình. Có lẽ nếu ông sống thọ hơn, thì thành tích của ông sẽ nhiều hơn: nhưng không có chứng minh rằng ông thật sự có những phẩm chất của một chính khách theo yêu cầu của thời đại.

Tìm hiểu văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại:
Khởi đầu của văn minh La Mã cổ đại
Chiến tranh Punic, thảm họa Carthage với đế chế La Mã
Đời Sống Của Người Athens và thành tựu của văn minh Hy Lạp cổ đại
Văn minh Hy Lạp hóa, sự tiếp nối của Hy Lạp cổ đại

Triết học, tôn giáo, và xã hội La Mã cuối thời Cộng Hòa

La Mã chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp hóa

Trong hai thế kỷ sau cùng của nền Cộng hòa, La Mã chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp hóa. Kết quả là sự phát triển khiêm tốn hoạt động tri thức và có thêm sức đẩy khác để tạo ra thay đổi xã hội do các cuộc chiến Punic tạo ra.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thực tế là một số thành phần trong mẫu văn hóa Hy Lạp nói cho cùng chưa hề được người La Mã chấp nhận. Chẳng hạn, khoa học trong Thời kỳ Hy Lạp hóa, phần lớn bị xem thường, và trong một số ngành nghệ thuật tình hình cũng như thế.

Chủ nghĩa khoái lạc Lucretius của La Mã

Một trong những ảnh hưởng Hy Lạp hóa nổi bật nhất là sự tiếp thu Chủ nghĩa khoái lạc và triết học Ngụy biện của rất nhiều người La Mã thuộc giới thượng lưu. Nổi bật nhất trong số những người La Mã theo triết lý Chủ nghĩa khoái lạc là Lucretius (98-55 TCN), tác giả bài thơ mô phạm tựa đề On the Nature of Things. Khi sáng tác bài thơ này, Lucretius sôi nổi giải thích vũ trụ theo cách làm cho con người thoát khỏi mọi sợ hãi siêu nhiên, mà ông cho là rào cản chính để đạt đến tâm hồn thanh thản.

Thế giới và vạn vật trên thế giới, theo ông, là kết quả của sự kết hợp ngẫu nhiên giữa các nguyên tử. Mặc dù ông thừa nhận sự tồn tại của thánh thần, nhưng ông cho rằng thánh thần đang sống trong sự yên bình vĩnh hằng, không tạo thành cũng như không chi phối vũ trụ. Vạn vật là kết quả của sự phát triển máy móc, kể cả bản thân con người và thói quen, thể chế và niềm tin của con người.

Vì tinh thần vĩnh viễn ràng buộc với vật chất, nên cái chết có nghĩa là sự hủy diệt hoàn toàn, do đó, không có phần nào trong nhân cách con người có thể tồn tại để được thưởng phạt trong kiếp sau. Quan niệm của Lucretius về đời sống tốt đẹp thậm chí có lẽ mang tính tiêu cực nhiều hơn quan niệm của Epicurus: ông khẳng định, điều con người cần không phải là sự hưởng thụ mà là “sự bình an và tâm hồn trong sạch”.

Triết lý Chủ nghĩa khắc kỷ của Cicero

Chủ nghĩa khắc kỷ được Panaetius xứ Rhodes du nhập vào La Mã khoảng năm 140 TCN. Mặc dù ít lâu sau nó có nhiều ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo đời sống công đầy quyền thế, nhưng đại diện nổi tiếng nhất là Cicero (106-43 TCN), nhà hùng biện kiêm chính khách lừng danh. Trong khi Cicero tán thành học thuyết của nhiều triết gia, kể cả Plato lẫn Aristotle, nhưng vấn đề thật ra là phần lớn quan niệm của ông lấy từ nguồn Chủ nghĩa khắc kỷ nhiều hơn các nguồn khác. Chắc chắn tác phẩm đạo đức chính của ông, On Duty và Tusculan Disputations, chủ yếu phản ánh học thuyết của Zeno và trường phái của ông.

Nền tảng triết học đạo đức của Cicero là tiền đề cho rằng đức hạnh là yếu tố cần thiết để có được hạnh phúc, và sự thanh thản của tâm hồn là điều thiện cao nhất. Ông cho rằng người lý tưởng là người được lý trí dẫn dắt nên có thái độ dửng dưng đối với đau khổ và bất hạnh. Trong triết học chính trị, Cicero hơn hẳn những người theo chủ nghĩa khắc kỷ trước kia. Ông là người duy nhất phủ nhận rằng nhà nước cao hơn cá nhân và dạy rằng chính quyền có nguồn gốc từ dân trong sự kết hợp nhiều người để bảo vệ lẫn nhau.

Trong quyển Republic ông đưa ra quan niệm cho rằng luật pháp công lý vĩnh hằng còn cao hơn và quan trọng hơn sắc lệnh, đạo luật của chính quyền. Luật pháp này không phải do con người soạn thảo mà là kết quả của một trật tự sự vật tự nhiên và chỉ được khám phá bằng lý trí. Chính từ nguồn của những quyền này nên mọi người mới được gọi là nhân loại và chính quyền không nên can thiệp vào các quyền này. Như chúng ta sẽ thấy, học thuyết này có rất nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển luật pháp La Mã ở các nhà luật học trong thế kỷ 2 và 3. Do sự đóng góp của ông trong tư tưởng chính trị, và do phong cách tao nhã và dung hòa, Cicero đáng được xếp vào hàng ngũ nhân vật vĩ đại nhất mà La Mã xưa nay từng sản sinh. Ông là hiện thân cho thiên tài quốc gia ở mức cao nhất.

Bài viết được tổng hợp và giới thiệu bởi nhóm dịch thuật tiếng Anh Lightway trong chuyên mục Lịch Sử & Văn Minh. Chúng tôi là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ dịch thuật tiếng Anh giá rẻ, chất lượng, nhanh chóng. Trên trang có đặt một số quảng cáo để có kinh phí duy trì và xây dựng bài viết phục vụ độc giả. Nếu ủng hộ ad, các bạn có thể kích vào quảng cáo.

Tiến bộ văn học La Mã

Ảnh hưởng Hy Lạp hóa nói chung là nguyên nhân dẫn đến sự tiến bộ trong văn học La Mã trong hai thế kỷ cuối của nền Cộng hòa. Lúc này sự kiện thịnh hành trong tầng lớp thượng lưu là học ngôn ngữ Hy Lạp và cố gắng sáng tác một số hình thức văn học phổ biến hơn bằng tiếng Latin. Kết quả đáng lưu ý nhất là hài kịch của Plautus và Terence, sáng tác phỏng theo hài kịch mới của Menander, thơ trữ tình say đắm của Catullus, lịch sử của Sallust, bất chấp thành kiến đối với Caesar, nhưng vẫn là công trình lịch sử biên soạn khoa học nhất chưa từng có ở La Mã, và thư từ, chuyên luận, diễn văn của Cicero, thường được xem là những minh họa điển hình nhất trong văn xuôi La Mã.

Plautus và Catullus

Một số tác gia La Mã ban đầu có lúc cho thấy có triển vọng có thể sánh ngang hàng người Hy Lạp trong thời cổ đại về tính độc đáo và tính nghệ thuật. Như Plautus (khoảng 254-184 TCN) chẳng hạn, đôi khi thể hiện sự mới lạ trong phương pháp tiếp cận, nhận thức ngụ ý triết học, và khả năng châm biếm xã hội. Bản thân ông xuất thân từ tầng lớp bình dân, ông thích thú trước việc chế giễu các tập tục và thể chế mà các tầng lớp “đáng kính” dường như quá kính trọng.

Tuy nhiên, ông để cho thiên tài của mình bị cản trở bởi sự lệ thuộc mù quáng vào các đặc điểm nguồn gốc dòng dõi và chủ đề trong hài kịch cổ Hy Lạp. Sau thời của ông, kịch Latin xuống cấp thành chủ nghĩa hình thức tẻ nhạt. Tác gia khác trong số các tác gia độc đáo nhất trong giai đoạn này là Catullus (84-54 TCN), một trong số các nhà thơ trữ tình nổi tiếng nhất trong mọi thời đại. Ông được nhiều người biết đến với các bài thơ tình say đắm được sáng tác để mô tả cảm giác khổ sở trong khi mê đắm người vợ phóng đãng của một nhà chính trị lỗi lạc.

Trong nhiều năm ông không thể giải thoát mình ra khỏi cảm giác đắm say này, mặc dù ông điên lên ghen tức với kình địch. Nhưng không phải các bài thơ của ông đều thể hiện cảm xúc cá nhân. Rõ ràng ông là một người cộng hòa nhiệt tâm, trong cuối đời, ông sáng tác nhiều bài thơ đả kích gay gắt nhắm vào Pompey và Caesar vì những tham vọng mỵ dân của họ.

Điều kiện xã hội vào cuối nền Cộng hòa

Sự xâm chiếm thế giới thời kỳ Hy Lạp hóa đẩy mạnh quá trình thay đổi xã hội bắt đầu từ thời Chiến tranh Punic. Tác động của nó thấy rõ nhất trong sự phát triển lối sống xa hoa, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, và sự gia tăng nạn mua bán nô lệ. Người Ý, cuối nền Cộng hòa, có khoảng 2 triệu, chia thành bốn đẳng cấp: quý tộc, kỵ sĩ, bình dân và nô lệ5.

Quý tộc gồm tầng lớp nguyên lão, và toàn bộ thành viên gồm 300 công dân cùng gia quyến. Đa số họ có được chức vụ do cha truyền con nối, mặc dù đôi khi một người bình dân cũng được phép tham gia Viện nguyên lão sau khi phục vụ một nhiệm kỳ trong tư cách quan tổng tài. Hầu hết quý tộc kiếm sống trong tư cách người nắm giữ chức vụ và chủ sở hữu thái ấp rộng lớn.

Tầng lớp kỵ sĩ là những người ký hợp đồng với chính quyền, chủ ngân hàng, và thương gia giàu có. Lúc đầu tầng lớp này gồm những công dân nào có thu nhập thích hợp để giúp họ có khả năng phục vụ trong đội kỵ binh, chi phí do mình chịu, nhưng từ equites lúc này cũng dùng để gọi tất cả những người nằm ngoài tầng lớp nguyên lão có lượng tài sản sở hữu đáng kể. Kỵ sĩ là những người phản đối sự nuông chiều bản thân trong các thị hiếu thông tục, bóc lột người nghèo và dân các tỉnh.

Khi các chủ ngân hàng thường tính lãi suất 12%, và thu gấp nhiều gấp 3, 4 lần nếu có thể được. Ngoài ra đa số đều là thường dân hay người bình dân. Một số là nông dân độc lập, một số là thợ làm việc trong các cơ sở thủ công nghiệp, nhưng đa số là thành viên trong quần chúng thành phố. Khi Julius Caesar trở thành nhà độc tài, 320.000 công dân thật ra được thành phố-thành bang trợ cấp.

Thân phận nô lệ

Nô lệ La Mã nói chung hiếm khi nào được xem là con người mà chỉ được xem là công cụ sản xuất như gia súc hay ngựa phải làm việc vì lợi ích của người chủ. Cho dù một số nô lệ là người nước ngoài thông minh, có học thức, nhưng họ không được đặc quyền dành cho nô lệ như ở Athens. Chính sách của chủ nô là buộc nô lệ phải làm việc càng nhiều càng tốt trong những năm nô lệ còn sung sức rồi sau đó để cho thành phố-thành bang nuôi khi họ già yếu, vô dụng.

Một nhận xét đáng buồn về nền văn minh La Mã là gần như tất cả sản phẩm của lao động sản xuất trong đất nước này đều do nô lệ làm ra. Trên thực tế họ tạo ra tất cả lương thực nuôi sống quốc gia, vì số lượng lương thực do một vài nông dân độc lập còn sót lại hầu như không đáng kể.

Ít nhất 80% số nhân công làm việc trong các xưởng sản xuất và cửa hiệu đều là nô lệ hay trước đây là nô lệ. Nhưng phần lớn thành viên trong dân số nô lệ đều tham gia vào các hoạt động phi sản xuất. Một hình thức đầu tư sinh lời cho các giới kinh doanh là quyền sở hữu nô lệ để huấn luyện họ trở thành võ sĩ giác đấu, có thể cho chính quyền thuê, hay cho số chính khách đầy khát vọng thuê để làm thú tiêu khiển cho quần chúng. Phát triển lối sống xa hoa cũng đòi hỏi phải tuyển dụng hàng ngàn nô lệ phục dịch.

Người giàu có phải mướn người gác cửa, khiêng kiệu, đưa thư (vì chính quyền Cộng hòa chưa có dịch vụ bưu chính), người hầu, thầy dạy kèm con mình. Trong các tư dinh rộng lớn, có nhiều người hầu đặc biệt không có nhiệm vụ nào ngoài việc xoa bóp chủ sau khi tắm hay lo giày dép cho chủ.

Thay đổi trong tôn giáo

Niềm tin tôn giáo của người La Mã thay đổi theo nhiều cách khác nhau trong hai thế kỷ cuối cùng của nền Cộng hòa – lần nữa chủ yếu là do sự bành trướng quyền lực của người La Mã ra khắp hầu hết các thành phố-thành bang Hy Lạp hóa. Trước tiên, trong tầng lớp thượng lưu có khuynh hướng bãi bỏ tôn giáo truyền thống để ủng hộ các triết lý Chủ nghĩa khắc kỷ và chủ nghĩa khoái lạc

Nhưng phần lớn thường dân cũng nhận thấy việc thờ phụng các vị thần cổ xưa đã lỗi thời. Việc thờ phụng này quá hình thức, máy móc, đòi hỏi nhiều thứ về nghĩa vụ và hy sinh nhiều đến mức không thể đáp ứng nhu cầu của quần chúng, cuộc sống của họ lúc này trở nên trống rỗng, vô nghĩa. Ngoài ra, nước Ý thu hút dòng di dân đến từ phương Đông, hầu hết trong số này có nền tảng tôn giáo khác hẳn nền tảng tôn giáo của người La Mã.

Kết quả là sự truyền bá nhanh chóng các hệ thống thờ cúng huyền bí phương Đông khác, thỏa mãn sự khao khát tôn giáo duy cảm hơn và đưa ra phần thưởng là sự bất tử được ban phúc cho những người bị áp bức, cùng khổ trên trái đất. Hệ thống thờ cúng thần Isis và Osiris (hay Sarapis, theo cách gọi thịnh hành vào lúc này) của người Ai Cập, và du nhập sự thờ phụng Mẹ Vĩ đại của người Phrygia, cùng với các cuộc vui điên cuồng mang tính biểu tượng, hoang dã, cũng như nhiều thầy tu bị hoạn. Sự hấp dẫn của các hệ thống thờ cúng này mạnh đến mức sắc lệnh của Viện nguyên lão chống lại chúng hầu như không thể khả thi.

Trong thế kỷ cuối TCN, hệ thống thờ cúng của Ba Tư, tục thờ thần Mithras, thịnh hành hơn tất cả các hệ thống thờ cúng khác, nên có được chỗ đứng vững chắc ở Ý.

5/5 - (3 votes)

BÀI LIÊN QUAN