Tu viện Bát Nhã là ngôi chùa bề thế tọa lạc trên ngọn đồi thấp, trước mặt sau lưng là đồi chè bao bọc, nhìn xuống một thung lũng cạn, về xa phía sau là thác nước lớn không rõ tên gọi, dội xuống từ trên sườn non tựa rồng phun nước. Nếu có chút kiến thức phong thủy, hẳn bạn phải trầm trồ về “thế đất” của tòa thiền viện này. Từ cao trông xuống, tựa một vương miện án ngữ một vùng đồi núi trùng điệp. Những mạch đất chạy bốn phương tám hướng dường như đều giao nhau tại đây, hoặc từ đây mà phát xuất ra.
Các bậc cao tăng chọn đất xây chùa chẳng bao giờ làm bừa. Tòa thiền viện này được dựng đầu thập niên 90, với tầm nhìn sẽ trở thành trung tâm phật học của toàn miền nam chứ không chỉ là nơi thờ cúng bình thường. Vậy nên, thế đất đẹp của nó là điều dĩ nhiên.
Đường đến tu viện Bát Nhã
Tu viện Bát Nhã khá dễ tìm vì nó nằm rất gần Thác Dambri, khu du lịch được biết đến rộng rãi nhất của Bảo Lộc, kề bên còn có Nhà thờ Đức Mẹ La Vang, một điểm hành hương Công giáo cũng rất nổi tiếng.
Đi Quốc Lộ 20 lên thành phố Bảo Lộc sẽ có nhiều ngả đường để vào khu Dambri. Nổi bật nhất bạn có thể để ý một tấm bảng rất lớn có vẽ mũi tên chỉ lối vào thác Dambri, cứ mạnh dạn đi theo hướng đó, vòng lên những sườn đồi thoai thoải, lượn xuống những thung lũng xanh ngắt màu chè, bạn sẽ tới khu Dambri. Tới đây thì hỏi ai cũng sẽ dễ dàng tìm ra tu viện Bát Nhã.
Gợi ý cho bạn:
10 trải nghiệm thú vị tại Ninh Bình – Tuyệt cảnh thiên nhiên
Hướng dẫn du lịch Cầu Bàn Tay Vàng, Bà Nà Hills – 2021
Làng chài Hàm Ninh – Trải nghiệm thú vị ở Phú Quốc
Cảnh quan ngoài chùa
Chùa nằm trên một dải đồi thấp, địa thế rộng rãi, bằng phẳng, cạnh chùa là một vườn thông xanh ngát mát rượi, nơi du khách thập phương có thể thong thả tản bộ tận hưởng bầu khí thanh tịnh chốn thiền môn. Đây đó trong vườn dựng nhiều tòa thiền đình với lối kiến trúc truyền thống, hoài cổ và trang nhã. Không gian như vậy đặc biệt phù hợp nếu bạn thích check-in theo lối trang phục cổ trang.
Trong vườn thông có dựng những tiểu cảnh nhỏ gợi lại các tích truyện về Đức Phật, càng làm tăng thêm vẻ thanh u cho không gian.
Có một lối đi nhỏ chạy băng qua vườn dẫn du khách tới hậu viên của chùa, nơi có các dãy tăng phòng và đình viện, có lẽ là nơi sinh hoạt của tăng nhân trong chùa.
Bên phải vườn thông là cổng hông dẫn vào quần thể chùa chiền với tiền đình, chính điện, hậu điện, hậu đình, hậu viện của nhà chùa.
Kiến trúc tu viện Bát Nhã
Chính điện uy nghi, sừng sững với các tầng mái đao cong vút, mái nhỏ chồng lên mái lớn, đầu mái tạc các hình vân long trông thật bề thế. Nghi môn của tiền đình xây theo lối kiến trúc tam quan truyền thống của Việt Nam, cột chạm trổ các câu đối mà tiếc là mình không đọc ra được.
Hai bên cửa chính điện là phù điêu hai vị Thiên Vương. Đông Thiên Vương Trì Quốc Thiên ở bên phải và Tây Thiên Vương Quảng Mục Thiên ở bên trái. Hai bức phù điêu oai vệ trấn trước cửa tựa như quát nạt yêu ma quỷ quái, cũng tựa muốn làm cho những kẻ tội lỗi phải thấy kinh hoảng trong lòng, cũng tựa như cảnh cáo những kẻ lễ Phật hãy lấy lòng thành mà kính bái.
Tiến vào chính điện bạn sẽ thấy ngay tượng Thích Ca dánh hình oai nghiêm mà nét mặt hiền từ trông xuống các thiện nam tín nữ đang thành kính đảnh lễ. Trước mặt Thích Ca còn có tượng Tam Thế Phật (Quá khứ, Hiện tại, Vị lai), tuy rực rỡ với đèn nến xung quanh nhưng nét mặt bình thản và có phần u mặc, như nhắc nhở tín đồ cái sự hư không của cõi đời.
Bạn cần lưu ý khi vào chính điện thì bất kể có lễ Phật hay không thì cũng phải bỏ dép dưới thềm, cử chỉ tôn kính, đi khẽ nói nhỏ, và tránh gây phiền nhiễu cuộc lễ của người khác. Mà dù thuộc tín ngưỡng nào thì mình cũng tin rằng trong bầu khí linh thiêng và uy nghi của chính điện ai cũng cảm thấy có một cảm xúc sâu xa trong lòng trào dậy, cảm xúc sùng bái tự nhiên của con người trước điều gì đó cao siêu và vượt trên sự phàm tục.
Lễ Phật xong ở chính điện, thiện nam tín nữ thường di chuyển hậu điện. Nơi đó có đặt tượng đức Đạt Ma Sư Tổ, hay còn gọi là Bồ Đề Đạt Ma, được cho là người đầu tiên đã mang Phật giáo từ Tây Tạng vào Trung Quốc, khoảng đầu thế kỷ thứ 5, rồi từ Trung Quốc truyền bá mạnh mẽ sang các nước đồng văn như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Các chùa chiền sư sãi khắp nơi coi Đạt Ma là ông tổ của thiền Phật giáo, và còn là người sáng lập các ban võ nghệ cho chùa Thiếu Lâm.
Tượng Đạt Ma của chùa Bát Nhã đúc rất khéo. Đường nét uyển chuyển, sống động, tạo ra được cái khí phách của một bậc khai sáng, đồng thời vẫn có cái nét khắc khổ của một cao tăng khổ hạnh. Dưới chân ban thờ Lạt Ma là di ảnh của rất nhiều nhà sư, có lẽ là các vị phương trượng từng coi giữ ngôi chùa này, hoặc là những người có công sáng lập, cái đó mình cũng không dám chắc.
Trước ban thờ Lạt Ma, tín đồ thành khẩn cầu nguyện và gieo quẻ rút xăm. Quẻ xăm rút được sẽ mang cho một vị sư đang trong “ca trực” giải đáp giúp. Bạn có thể tìm vị sư này ở hậu viện của chùa.
Tương tự chính điện, hai bên cổng hậu điện là tượng của hai vị thiên vương còn lại, Bắc Thiên Vương Đa Văn Thiên bên trái và Nam Thiên Vương Tăng Trường Thiên ở bên phải.
Vài lời kết
Cảnh sắc của chùa không có nhiều điểm đặc biệt, khá đại trà, tức là giống nhiều ngôi chùa khác. Nhưng cái khác là bầu khí thanh u mà bạn có thể cảm thấy rất rõ ràng nơi đây. Một phần có lẽ do tiết trời se lạnh và thanh tĩnh của vùng núi non Bảo Lộc, một phần khác là từ tiếng chuông tiếng khánh văng vẳng trong không gian, ru hồn người ta vào cõi không.
Tu Viện Bát Nhã xứng là nơi thắng địa. Nếu bạn muốn tìm một nơi có thể thanh tịnh cõi lòng, nhẹ vào cõi an yên của Không, thì nơi đây rất phù hợp với bạn. Nhất là nếu đến vào một buổi chiều vắng, chỉ có tiếng khánh âm vang tịch mịch, lúc sương chiều phủ xuống cảnh vật, bạn sẽ thấy mình như lạc trong cõi u minh.
Kim Lưu