Lịch Sử và Văn Minh

Luật Hồng Đức xử tội giết người như thế nào?

Bộ luật Hồng Đức ban bố dưới triều Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470 -  1497), vào giữa thời kỳ cực thịnh của triều Lê. Đây là bộ luật quan trọng nhất, là đỉnh cao của thành tựu lập pháp Việt Nam

bo luat hong duc
128 views

TS. Đỗ Đức Hồng Hà

Từ xưa, cổ nhân đã từng nói: “Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống”; “Việc xưa đã không hiểu biết, lấy gì mà ngẫm xét việc nay”… Trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam, bên cạnh công việc tìm hiểu, rút kinh nghiệm từ những mô hình tiên tiến của các nước trên thế giới, chúng ta cũng cần trở về nguồn gốc văn minh Việt Nam để nhìn thấy những kinh nghiệm thành công, thất bại của tiền nhân thông qua các định chế chính trị –  Nhà nước và pháp quyền trong từng thời kỳ lịch sử của đất nước [1].

Sự ra đời của luật Hồng Đức

Có thể coi thế kỷ XV là thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt, đánh dấu một chuyển biến lớn trong đời sống pháp luật Việt Nam. Hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh và được áp dụng một cách nghiêm minh đã tạo nên sức mạnh kỷ cương cho nước Đại Việt thời Lê Sơ –  một quốc gia mà nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cho là hùng mạnh nhất Đông Nam Á thế kỷ XV. Bộ luật Hồng Đức (BLHĐ) được biên soạn và ban bố dưới triều Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470 –  1497), vào giữa thời kỳ cực thịnh của triều Lê. Đây là bộ luật quan trọng nhất, là đỉnh cao của thành tựu lập pháp Việt Nam. Về cấu trúc, BLHĐ gồm 6 quyển, 722 điều, 13 chương (trong đó có một chương quy định chung về tội phạm và hình phạt), là bộ luật tổng hợp, điều chỉnh cả quan hệ hình sự, tố tụng lẫn quan hệ dân sự và hôn nhân gia đình. Nghiên cứu quy định về tội giết người trong BLHĐ [2], chúng tôi rút ra một số nhận xét sau đây.

Tính rải rác của tội danh giết người trong luật Hồng Đức

Trong BLHĐ tội giết người không được quy định ở một chương mà được quy định trong nhiều chương: “Danh lệ” (Điều 2 và một số điều luật có liên quan: 1, 4, 5, 11, 16, 18…); “Đạo tặc” (từ Điều 416 đến Điều 429); “Đấu tụng” (từ Điều 467 đến Điều 504); “Bộ vong” (Điều 646, Điều 649); “Đoán ngục” (Điều 661, Điều 662, Điều 680)… với nhiều trường hợp giết người, tuy khác nhau về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội nhưng chúng lại có mối liên hệ rất mật thiết với nhau. Mối liên hệ này dựa trên:

1) Mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân. Ví dụ: Điều 416 BLHĐ quy định: “… Mưu giết các bậc tôn trưởng vào hạng ty ma trở lên thì phải lưu đi châu ngoài… Các bậc tôn trưởng mà mưu giết những người thuộc hàng con cháu ít tuổi đều bị khép tội nhẹ hơn luật mưu giết người hai bậc…”;

2) Đặc điểm của nạn nhân. Ví dụ: Điều 417 BLHĐ quy định: “Nô tỳ mà mưu giết chủ, thì đều bị tội chém. Mưu giết chủ cũ thì xử giảm một bậc. Mưu giết người họ hàng vào hạng cơ thân và ông bà ngoại của chủ thì phải tội giảo…”;

3) Hậu quả của hành vi phạm tội. Ví dụ: Điều 418 BLHĐ quy định: “Kẻ mưu giết sứ giả của vua đều xử tội lưu đi châu ngoài; đã làm bị thương thì xử lưu đi châu xa; nhân bị thương mà chết hay đã giết, thì phải tội chém…”…

Cách quy định trên có thể bị coi là không khoa học nhưng ở khía cạnh nào đó nó vẫn có những điểm tích cực. Bởi vì, với cách quy định này, những trường hợp giết người tuy khác nhau về tính chất và mức độ nguy hiểm nhưng vì chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nên nếu được quy định trong cùng một điều luật sẽ giúp nhà làm luật có cơ sở xác định loại và mức hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng trường hợp giết người và hạn chế khả năng bỏ lọt tội phạm [3].

Cùng chuyên mục:
Thuyết hiện sinh, chủ nghĩa phi lý và thuyết hư vô
Tìm hiểu về Chủ Nghĩa Vô Thần, Chủ Nghĩa Phi Thần, Chủ Nghĩa Phản Thần
Ahnenerbe — Hội kín của Đức Quốc Xã và âm mưu bóp méo lịch sử

Định dạng tội giết người

Trong BLHĐ, khi quy định tội giết người nhà làm luật không đặt tên tội (tội danh) cho hành vi được quy định mà mô tả ngay hành vi phạm tội. Sở dĩ như vậy là vì mỗi điều luật trong BLHĐ thường mô tả nhiều trường hợp giết người khác nhau với nhiều mức phạt không giống nhau. Trong đó, hành vi giết người nói chung được quy định tại Điều 415 với hình phạt thấp nhất là lưu đi châu gần, cao nhất là chém; hành vi giết những bậc tôn trưởng vào hạng cơ thân, ông bà ngoại, chồng và ông bà, cha mẹ chồng được quy định tại Điều 416 với hình phạt thấp nhất là giảo, cao nhất là chém; hành vi giết sứ giả của vua, trưởng quan sở thuộc của mình, quan ty đang tại chức được quy định tại Điều 418 với hình phạt thấp nhất là lưu đi châu ngoài, cao nhất là chém; hành vi giết nhiều người được quy định tại Điều 420 với hình phạt thấp nhất là chém, cao nhất là chém bêu đầu…

Căn cứ để quy định các trường hợp giết người khác nhau đó chủ yếu dựa vào: mức độ thực hiện ý định phạm tội; đặc điểm của nạn nhân; hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội; phương pháp, thủ đoạn phạm tội… Cụ thể là: 1) Giết người đã hoàn thành thì nguy hiểm hơn giết người chưa đạt và càng nguy hiểm hơn chuẩn bị giết người. Ví dụ: Điều 416 BLHĐ quy định: “… Mưu giết các bậc tôn trưởng vào hạng ty ma trở lên thì phải lưu đi châu ngoài; đã làm cho bị thương thì phải xử tội giảo; đã giết chết thì xử tội chém…

2) Giết những người thân thích, ruột thịt hoặc giết những người có chức vụ, quyền hạn… thì nguy hiểm hơn giết những người không có các đặc điểm này. Ví dụ: Điều 416 BLHĐ quy định: “Những kẻ mưu giết những bậc tôn trưởng vào hạng cơ thân, ông bà ngoại, chồng và ông bà, cha mẹ chồng, đều phải tội chém…’’”; Điều 418 BLHĐ quy định: “(Kẻ)… đã giết sứ giả của vua…, quan ty đang tại chức…, thì phải tội chém…””.

3) Giết nhiều người thì nguy hiểm hơn giết một người. Ví dụ: Điều 420 BLHĐ quy định: “Kẻ giết tới ba người trong một gia đình, thì xử tội chém bêu đầu…””; Giết người mà trước đó lại phạm tội nghiêm trọng khác… thì nguy hiểm hơn trường hợp giết người không có tình tiết này. Ví dụ: Điều 426 BLHĐ quy định: “… Cướp của lại giết người, thì xử chém bêu đầu…”.

4) Giết người một cách man rợ (chặt thây ra từng mảnh); giết người bằng phương pháp có tính nguy hiểm cao, có khả năng làm chết nhiều người (bỏ thuốc độc, bùa mê) hoặc giết người là ân nhân của mình (thầy học) đều bị coi là phạm tội “Thập ác” (theo quy định tại Điều 2 BLHĐ) và sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

5) Giết người phạm tội giết người; giết kẻ giết ông bà, cha mẹ, chồng, anh em, con cháu; giết người là tử tội; giết người theo yêu cầu của tử tội hoặc được tử tội thuê… thì ít nguy hiểm hơn những trường hợp giết người không có những tình tiết này. Ví dụ: Điều 425 BLHĐ quy định: “Bắt được kẻ giết người mà tự tiện giết đi, thì xử nhẹ hơn tội giết người hai bậc… Nếu ông bà cha mẹ, chồng, anh em, con cháu bị người ta giết mà lại giết kẻ ấy thì phải biếm ba tư…””; Điều 662 BLHĐ quy định: “Tù nhân phải tử tội, đã thành án mà họ hàng thân thích theo lời tù nhân khiến thuê người giết y đi hay chính những người ấy giết để tránh phải chịu tử hình thì kẻ thuê và kẻ hạ thủ đều phải khép vào tử tội mà giảm cho hai bậc…”.

Cách quy định này của BLHĐ “tuy chưa có tính khái quát nên không thể đặt được tên tội (tội danh) cho hành vi được quy định như BLHS hiện đại nhưng nó lại thể hiện tính phân hoá cao trong luật khiến quan lại khi xét xử không thể tự ý tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt, góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt và hạn chế khả năng phát sinh những hành vi tiêu cực'” [4].

Nét tiến bộ của luật Hồng Đức và tinh thần Nho giáo

BLHĐ tuy ra đời từ thế kỷ thứ XV nhưng đã sớm thể hiện tư tưởng tiến bộ, khoa học trong việc quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội phạm nói chung và tội giết người nói riêng. Theo đó, trẻ em từ 7 tuổi trở xuống vì thể chất và tinh thần đều chưa phát triển hoàn thiện, lứa tuổi này “chưa biết điều hay lẽ dở, chưa biết cân nhắc việc mình làm” nên dù họ có phạm tội giết người cũng không phải chịu TNHS. Vấn đề này được quy định tại Điều 16 BLHĐ với nội dung cụ thể như sau: “(Những người từ)… 7 tuổi trở xuống dầu có bị tội chết cũng không hành hình, nếu có kẻ nào xui xiểm thì bắt tội kẻ xui xiểm…”.

Vì BLHĐ ra đời vào thời kỳ hưng thịnh nhất của Đạo Nho cho nên tư tưởng nho giáo đã chi phối chính sách hình sự của bộ luật này –  Chính sách phân biệt giữa vợ và chồng; giữa ông bà, cha mẹ, các bậc tôn trưởng và những người thuộc hàng con cháu. Theo đó:

1) Vợ giết chồng thì bị xử nặng nhưng chồng giết vợ lại được xử nhẹ. Ví dụ: Điều 416 BLHĐ quy định: “Những kẻ mưu giết… chồng đều phải tội chém…”, nhưng Điều 482 BLHĐ lại quy định: “… (Chồng) cố ý giết vợ thì được giảm tội một bậc…”.

2) Con cháu giết ông bà, cha mẹ hoặc các bậc tôn trưởng thì bị xử nặng nhưng ông bà, cha mẹ hoặc các bậc tôn trưởng giết con cháu lại được xử nhẹ. Ví dụ: Theo quy định tại các điều: 2, 4, 5, 11, 16… BLHĐ thì bất cứ ai mưu giết ông bà, cha mẹ đều bị coi là phạm tội “Ác nghịch” và đều bị phạt tử hình mà không được giảm nhẹ nhưng theo quy định tại Điều 475 BLHĐ thì ông bà, cha mẹ cố ý giết con cháu chỉ phải tội lưu;

Theo quy định tại Điều 416 BLHĐ thì: “… Mưu giết các bậc tôn trưởng vào hạng ty ma trở lên thì phải lưu đi châu ngoài… (nhưng) Các bậc tôn trưởng mà mưu giết những người thuộc hàng con cháu ít tuổi đều bị khép tội nhẹ hơn luật mưu giết người hai bậc…‘”. Những quy định này xuất phát từ đạo lý nho giáo: Trong gia đình, người vợ có địa vị thấp kém hơn người chồng, con cháu có địa vị thấp kém hơn ông bà, cha mẹ và các bậc tôn trưởng.

Nhân trị và pháp trị trong luật Hồng Đức

BLHĐ ra đời trong lòng xã hội phong kiến trung ương tập quyền lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng nho giáo vì vậy, đường lối xử lý tội giết người đã thể hiện rõ tư tưởng nhân trị và tư tưởng pháp trị. Tư tưởng nhân trị được thể hiện tập trung tại Điều 2 BLHĐ. Theo đó, những hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo lý nho giáo đều bị coi là phạm tội “Thập ác”, trong đó có bốn nhóm tội liên quan đến hành vi giết người là “Ác nghịch”, “Bất đạo”, “Bất mục” và “Bất nghĩa”. Khác với tư tưởng nhân trị lấy đức để giáo hoá và ngăn cản con người khỏi sa vào con đường phạm tội, hình phạt chỉ là biện pháp cuối cùng, áp dụng trong trường hợp vạn bất đắc dĩ, tư tưởng pháp trị (lại) đề cao vai trò của hình phạt dựa trên cơ sở cho rằng lấy hình mà trị dân thì dân mới sợ và như vậy mới ngăn chặn được những hành vi phạm tội.

Trong BLHĐ, tư tưởng pháp trị thể hiện qua chính sách hình sự hà khắc. Theo đó, những người phạm tội “Thập ác” (trong đó có tội giết ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, thím, cô, anh, chị, em, ông bà ngoại, ông bà và cha mẹ chồng; giết một nhà ba người không đáng tội chết, giết người chặt thây ra từng mảnh, bỏ thuốc độc bùa mê; giết những người trong họ từ hàng phải để tang ba tháng trở lên; giết quan bản phủ và các quan đương chức tại nhiệm, giết thầy học), dù từ 15 tuổi trở xuống, bị phế tật hay tự thú cũng không được giảm nhẹ theo quy định tại các điều: 11, 16, 18… BLHĐ. Ví dụ: Điều 16 BLHĐ quy định: “Những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống (đến trên 7 tuổi) cùng những người phế tật, phạm từ tội lưu trở xuống đều cho chuộc tội bằng tiền, phạm tội thập ác thì không theo luật này…”; Điều 18 BLHĐ quy định: “Phàm phạm tội chưa bị phát giác mà tự thú trước, thì được tha tội. Phạm tội thập ác và giết người thì không theo luật này…”.

Tư tưởng nhân trị và tư tưởng pháp trị tuy dựa trên các quan điểm trái ngược nhau về vai trò của đạo lý và hình phạt trong việc ngăn ngừa tội phạm nhưng chúng không những không đối lập nhau mà trái lại còn kết hợp với nhau, cùng chi phối sâu rộng trong hầu hết các quy định của BLHĐ. Nếu như tư tưởng nhân trị chi phối chủ yếu đến việc quy định nội dung của các điều luật cũng như đến khách thể bảo vệ của hình luật nhà Lê thì tư tưởng pháp trị lại chi phối chủ yếu đến phương thức bảo vệ các khách thể đó. Triều đại nhà Lê –  khác các triều đại phong kiến trước và sau nó –  đã biết kết hợp hai hệ tư tưởng nêu trên để xây dựng BLHĐ –  Bộ luật tầm cỡ trong nền pháp luật cổ phương Đông –  trở thành công cụ hữu hiệu trong việc duy trì trật tự xã hội [5]. Mặc dù còn có một số hạn chế nhưng BLHĐ “thật là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân’” [6].

Một số quy định cụ thể về tội giết người trong luật Hồng Đức

Chương: Đạo tặc

415. [Điều 5] –  Những kẻ mưu giết người, thì xử tội lưu đi châu gần; đã làm người ta bị thương, thì xử tội lưu đi châu ngoài; nếu vì bị thương mà chết, thì xử tội giảo; đã chết xử tội chém; tòng phạm đều bị xử nhẹ hơn tội trên một bậc; phải trả tiền đền mạng và tiền thương tổn như luật.

416. [Điều 6] –  Những kẻ mưu giết những bậc tôn trưởng vào hạng cơ thân (họ hàng thân thích phải để tang 1 năm), ông bà ngoại, chồng và ông bà, cha mẹ chồng, đều phải tội chém. Mưu giết ông bà, cha mẹ của chồng cũ thì xử giảm một bậc (chồng cũ là chồng đã chết mà mình đi cải giá, còn như bị bỏ hay ly dị thì không bị tội. Các điều sau chỗ nào nói đến “chồng cũ” đều hiểu theo nghĩa này). Mưu giết đã làm cho bị thương thì xử tội giảo; đã giết chết thì xử tội chém. Mưu giết các bậc tôn trưởng vào hạng ty ma (những người có họ phải để tang 3 tháng) trở lên thì phải lưu đi châu ngoài; đã làm cho bị thương thì phải xử tội giảo; đã giết chết thì xử tội chém. Các bậc tôn trưởng mà mưu giết những người thuộc hàng con cháu ít tuổi đều bị khép tội nhẹ hơn luật mưu giết người hai bậc; đã làm cho bị thương thì tội nhẹ hơn một bậc; đã giết chết thì bị khép tội theo luật cố sát.

417.[Điều 7] –  Nô tỳ mà mưu giết chủ, thì đều bị tội chém (người làm thuê cũng vậy). Mưu giết chủ cũ thì xử giảm 1 bậc (chủ cũ là chủ đã thả cho nô tỳ về làm thường dân, nếu đem bán lại nô tỳ cho người khác thì không phải là chủ cũ). Mưu giết người họ hàng vào hạng cơ thân và ông bà ngoại của chủ thì phải tội giảo; đã làm bị thương thì phải tội chém. Mưu giết họ hàng vào hàng tam tùng của chủ (những người trong họ vào hàng chắt chú, chắt bác) thì xử tội nặng hơn tội mưu giết người thường một bậc. Nô tỳ thấy và biết kẻ mưu giết chủ, mà không báo ngay hay không cứu, thì xử nhẹ hơn tội mưu giết chủ một bậc.

418.[Điều 8] –  Kẻ mưu giết sứ giả của vua, mưu giết trưởng quan sở thuộc của mình, mưu giết quan ty đang tại chức, cùng là những kẻ bộ khúc (quân thủ hạ, quân bản bộ) mưu giết người cai quản, đều xử tội lưu đi châu ngoài; đã làm bị thương thì xử lưu đi châu xa; nhân bị thương mà chết hay đã giết, thì phải tội chém; điền sản kẻ phạm tội phải trả cho nhà người chết; tòng phạm thì bị tội nhẹ hơn một bậc. Nếu các quan chức đầu hạt bị bộ thuộc (quân lính dưới quyền chỉ huy) nô tỳ hay quân trộm cướp giết, mà đầy tớ, quân hầu biết mà không báo hay không cứu, thì xử tội đồ hay lưu.

420.[Điều 10] –  Kẻ giết tới 3 người trong một gia đình, hay xả thây người ta, thì xử tội chém bêu đầu; tòng phạm xử tội chém; điền sản của kẻ phạm tội phải trả cho vợ con người bị giết.

421.[Điều 11] –  Kẻ dùng thuốc độc hại người hay là bán thuốc độc đều phải tội giảo. Mua bán mà chưa kịp dùng, thì xử tội lưu đi châu ngoài. Trong nem thịt có chất độc đã làm cho người ta ăn phải mà bị bệnh, còn thừa mà không bỏ ngay đi, thì phải phạt tám mươi trượng. Nếu cố ý để cho người ta ăn và đem bán để người ăn bị mắc bệnh, đều phải biếm hai tư; làm cho người bị ngộ độc mà chết thì xử nhẹ hơn tội giết người một bậc. Để người không biết ăn phải mà chết thì xử nhẹ hơn tội lầm lỗi giết người một bậc. Nếu là lấy trộm ăn phải mà chết, thì không phải tội.

422.[Điều 12] –  Trói người bỏ vào chỗ hiểm, bóp cổ, bịt miệng mũi người cùng là chẹn cửa đốt nhà để cho người ta chết, đều xử tội giết người; nếu bị thương hay gẫy xương thì xử nặng hơn tội đánh người bị thương hay gẫy xương một bậc. Không cho người ta quần áo, ăn uống, để cố ý làm cho người ta chết hay bị hại, thì phải tội như tội đánh giết hay làm bị thương người. Nếu doạ nạt bức bách làm cho người ta sợ hãi đến chết hay bị thương, thì tuỳ theo từng việc mà ghép vào tội cố ý hay đùa cợt mà làm người chết hay bị thương.

423.[Điều 13] –  Những kẻ vì sự thù ghét mà dùng thuật tà ma hay làm bùa chú để định giết người đều xử theo tội mưu sát mà giảm nhẹ hai bậc (nếu người bị hại là tôn trưởng hàng cơ thân, ông bà ngoại, chồng và ông bà, cha mẹ chồng, thì không được giảm). Nếu đối với ông bà, cha mẹ, chồng hay chủ, chỉ vì muốn được lòng yêu thương, mà bỏ bùa thuốc, thì phải tội đồ làm tượng phường binh. Nếu quan hệ đến nhà vua, thì xử tội giảo.

424.[Điều 14] –  Nuôi trùng độc để hại người, cùng người dạy cách nuôi, đều phải tội giảo. Những người ở cùng nhà với kẻ phạm tội xử tội đồ hay lưu. Xã quan (thôn, phường quan cũng vậy) biết mà không bắt, thì xử đồ làm tượng phường binh. Đem thuốc đoạ thai làm cho người đoạ thai, hay là người xin thuốc đoạ thai, cũng đều bị xử tội đồ. Vì đoạ thai mà chết, thì kẻ cho thuốc phải tội giết người.

425.[Điều 15] –  Bắt được kẻ giết người mà tự tiện giết đi, thì xử nhẹ hơn tội giết người 2 bậc, bắt chịu tiền đền mạng, nhập thêm nửa phần cả kẻ giết người trước để trả cho vợ con người bị giết trước. Nếu ông bà cha mẹ, chồng, anh em, con cháu người ta giết, mà lại giết lại kẻ ấy, thì phải biếm ba tư; nửa số tiền đền mạng nói trên sẽ lấy lại để sung công.

426.[Điều 16] –  Những kẻ ăn cướp (nghĩa là ban đêm cầm khí giới giết người lấy của) thủ phạm thì xử chém; kẻ tòng phạm xử giảo; ngoài việc phải đền tang vật ăn cướp, điền sản phải sung công. Cướp của lại giết người, thì xử chém bêu đầu; tòng phạm xử chém; phải nộp tiền đền mạng và phải đền tang vật gấp đôi trả cho nhà chủ bị cướp. Kẻ chứa chấp bọn cướp lâu ngày thì xử đồng tội, mới khoảng mười ngày thì giảm một bậc, đều phải bồi thường một phần ba, nộp vào kho. Kẻ biết việc mà không cáo giác thì phạt tội đồ làm chủng điền binh.

427.[Điều 17] –  Cướp tù phạm thì xử lưu đi châu xa, đánh người bị thương và cướp tử tù thì phải tội chém; giết người thì phải tội bêu đầu và phải nộp tiền đền mạng và tiền thương tổn như luật. Cướp tù mà chưa được thì cũng phải tội như thế. Tháo trộm kẻ bị tù rồi trốn thì cũng phải tội như kẻ bị tù; tháo trộm tù chưa được thì giảm tội một bậc; vì cớ tháo trộm mà giết người, đánh người bị thương, thì xử như tội cướp tù.

5/5 - (3 votes)

BÀI LIÊN QUAN