Lịch Sử và Văn Minh

Tìm hiểu về Chủ Nghĩa Vô Thần (Atheism), Chủ Nghĩa Phi Thần (Nontheism), Chủ Nghĩa Phản Thần (Antitheism)

Tín ngưỡng, đức tin, và tôn giáo song hành với lịch sử nhân loại. Mỗi tín ngưỡng đều tôn thờ thần thánh, và vì thế dần hình thành nhiều hệ thống quan niệm về thế giới thần linh.

chu nghia vo than va phan than
Đăng ngày:

[Người dịch] Làm rõ trước những thuật ngữ dịch thuật xuất hiện trong bài viết này:

Theism: thuyết hữu thần (thuật ngữ tiếng Hán gọi là 有神論 Hữu Thần Luận)

Atheism (với tiền tố A-): thuyết vô thần (thuật ngữ tiếng Hán gọi là 無神論 Vô Thần Luận)

Nontheism (với tiền tố Non-): thuyết phi thần (非有神論 Phi Hữu Thần Luận)

Antitheism (với tiền tố Anti-): thuyết phản thần (反神論 Phản Thần Luận)

Agnosticism: thuyết bất khả tri (不可知論 Bất Khả Tri Luận)

God – số ít và duy nhất, tức Độc Thần – chỉ tồn tại một vị Thần độc tôn và duy nhất, 1 trật tự vũ trụ nằm trong tay 1 thực thể duy nhất (trật tự đơn cực), tùy theo ngữ cảnh mà bài viết này sẽ dịch là Thần/Thượng Đế/Thiên Chúa/Chúa Trời/Đấng Tối Cao.

Trong khi đó Gods – số nhiều, tức Đa Thần – tức cùng tồn tại nhiều vị Thần – nhiều Đấng Tối Cao cùng một lúc, 1 trật tự vũ trụ được quyết định bởi nhiều thực thể khác nhau (trật tự đa cực), bài viết này sẽ dịch thành Các Vị Thần.


Câu hỏi 1: Thuyết Phi Thần và thuyết Vô Thần có gì khác nhau?

Trả lời 1: Andrew Boyd, Giáo sư giảng dạy Phong trào Đại kết Kitô giáo và Đối thoại Liên tôn giáo

Theo truyền thống – nghĩa là theo các học giả nghiên cứu triết học và nghiên cứu tôn giáo – chủ nghĩa Vô Thần được định nghĩa là niềm tin rằng không có Thượng đế hoặc Các vị thần, hoặc quan điểm triết học cho rằng không tồn tại Thượng đế hoặc các vị thần.

Nói cách khác, đó là một sự khẳng định [rằng Thần không tồn tại], chứ không phải là sự thiếu vắng niềm tin và quan điểm cho rằng Thần tồn tại.

Trong khi đó, chủ nghĩa Phi Thần là một hệ thống niềm tin hoặc triết học, mà trong đó sự tồn tại hay không tồn tại của Thượng Đế hoặc các vị thần đều không thành vấn đề. Chẳng hạn như Khoa học (Science) không phải là Vô Thần mà nó là Phi Thần – bởi vì nó đơn giản không phải là về Thiên Chúa hay các vị thần, cũng như không thể chứng minh sự tồn tại hoặc không tồn tại của chúng. Phật giáo Nguyên thủy (hoặc Phật giáo Nam Tông – Theraveda Buddhism) là một tôn giáo Phi Thần, nó không đòi hỏi hoặc có nhu cầu thực sự trong việc giải quyết vấn đề câu hỏi về Chúa có tồn tại hay không tồn tại.

[ND: từ phần này trở xuống không liên quan đến Phi Thần nữa mà bác ấy lái sang Bất Khả Tri và các chủ nghĩa triết học, đúng là 1 pha cua đậm tính Quora]

Theo cách nói thông thường, một người nào đó không quyết định hoặc để mở ngỏ về câu hỏi về Chúa Trời, các vị thần, hoặc tất cả những vấn đề tâm linh thường được gọi là Bất Khả Tri – nghĩa là, câu trả lời cho câu hỏi “Chúa có tồn tại không?” là “Tôi không biết” (Bất Khả Tri) chứ không phải là Có (Hữu Thần) hoặc Không (Vô Thần).

Điều này khác với “hữu thần triết học, vô thần triết học hay triết bất khả tri” là về những gì có thể được chứng minh từ logic hoặc được nhận thức từ lý trí con người (tức Khoa Học). Chủ nghĩa hữu thần triết học cho rằng Chúa Trời có thể được biết đến thông qua các bằng chứng hoặc lý trí của con người, chủ nghĩa vô thần triết học cho rằng thông qua nhận thức của con người có thể thấy được không có Đấng Tối Cao nào cả, và chủ nghĩa bất khả tri triết học cho rằng đây chỉ đơn giản là vấn đề thuộc về niềm tin.

—–

Trả lời 2: Rey Kabrom, từng học việc tại Đoàn Mục Sư thuộc Nhân Chứng Giê-hô-va (Jehovah’s Witnesses)

Nếu chỉ dựa trên ý nghĩa của những cái tên (atheist với nontheist), bạn sẽ không thấy gì cả đâu. Nhưng đây sẽ không phải là lần đầu tiên ý nghĩa của cái tên không nói lên toàn bộ câu chuyện một cách chính xác, chẳng hạn như thử ví dụ “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.

Về mặt chức năng, có thể liệt kê dựa trên phổ từng nấc như sau:

Những người Phản Thần: Những người như Richard Dawkins và Chris Hitchens, là những người nhiệt thành phản đối khái niệm tin vào Chúa. Rao giảng chống lại chủ nghĩa Hữu Thần là nhiệm vụ chính trong cuộc sống của họ.

Những người Vô Thần: đơn giản là những người tin rằng Chúa không tồn tại.

Những người Phi Thần thì họ thường được xem là có sự gần gũi với những người Bất Khả Tri. Họ không bị thuyết phục bằng cách này hay cách khác bởi vì cách này hay cách khác đều không có bằng chứng cụ thể. Họ không nhất thiết phải phản đối ý tưởng về một Đấng Tối Cao có tồn tại hoặc không tồn tại. Neil deGrasse Tyson là một ví dụ tuyệt vời. Ông ấy tỏ ra cởi mở khi nói rằng ông chưa thấy bằng chứng nào thuyết phục ông về sự tồn tại của Chúa tại thời điểm này. Nhưng nó không phải là không có khả năng, và nếu bằng chứng xuất hiện, ông sẽ không phản đối bất cứ điều gì mà bằng chứng đó cuối cùng ủng hộ.

Nếu một vị Chúa xuất hiện, một người như Dawkins sẽ tích cực tìm kiếm bất kỳ lời giải thích hợp lý nào để giải thích nó theo cách khác. Một người như Tyson sẽ nói “ôi tuyệt” và nghiên cứu về nó.

Những người Hữu Thần: ở một chừng mực nào đó, tin chắc về sự tồn tại của Thượng Đế/Các Thần.

Lưu ý rằng có sự khác biệt giữa “chủ nghĩa Hữu Thần” và “tôn giáo”. Có những tôn giáo có và không có khái niệm về một vị thần cụ thể, Phật giáo là một tôn giáo bất khả tri. Và có những thuyết thần học không mang tính tôn giáo (ví dụ một số nhà nhân văn học và một số nhà sử học và triết gia tin rằng bất kỳ số lượng Thần có thể tồn tại hoặc đã tồn tại, nhưng sự tồn tại của Thần không phải là một phần quan trọng trong thế giới quan của họ hoặc cách mà họ sống cuộc đời của mình.

Tương tự như vậy, có rất nhiều người theo tư tưởng Vô Thần về mặt niềm tin nhưng vẫn theo tôn giáo. Có thể gia đình của họ theo Công giáo hoặc đạo Do Thái, vì đó là một phần của bản sắc/văn hóa cá nhân của họ, nhưng họ không nhất thiết tin vào nó mà xem nó như một câu chuyện không hơn không kém. Tương tự như vậy, những người theo chủ nghĩa Phản Thần có xu hướng khá tôn giáo hóa. Nếu thế giới quan của bạn và cách bạn đối xử với người khác bị ảnh hưởng đáng kể bởi đức tin của bạn (niềm tin vào điều gì đó bất kể có bằng chứng hay thiếu bằng chứng)… thì trên thực tế, bạn là người theo tôn giáo, thậm chí ngay cả khi đó là một tôn giáo Phản Thần. Về mặt lý thuyết thì, Khoa Luận Giáo là một tôn giáo Vô Thần [ND:Scientology – tín đồ nổi tiếng nhất của tôn giáo này chính là đại diễn viên tài tử Tom Cruise].

[Người dịch:

1) Lưu ý Phi Thần không đồng nghĩa với Bất Khả Tri, Phi Thần cũng không phải là Vô Thần Bất Khả Tri hay là lằn ranh nằm giữa Vô Thần và Bất Khả Tri – mặc dù có thể có những sự tương đồng gần gũi với những khái niệm này, bác này cũng không định nghĩa rõ Phi Thần là gì, và thực thế thì nhiều người vẫn xem Phi Thần Nontheism đồng nghĩa với Vô Thần Atheism.

2) Có thể sau 2 câu trả lời các bạn vẫn chưa thực sự rõ Phi Thần là cái gì, thì nói đơn giản: Vô Thần sẽ khẳng định, nhấn mạnh là khẳng định, Chúa không tồn tại, và sự khẳng định này quan trọng, it MATTERS!!! Trong khi đó, người Phi Thần cũng không tin vào Chúa tồn tại nhưng không cần thiết phải nhấn mạnh sự khẳng định trên, và họ cũng có thể để ngỏ cho khả năng nếu sau này có bằng chứng chứng minh Thượng Đế thực sự có tồn tại. Và sự khẳng định “Chúa không tồn tại”, có hay không cũng không quan trọng đối với họ, it doesn’t matter. 1 lưu ý khác nữa là thuật ngữ Phi Thần có thể là một phổ rộng bao trùm, tuy nhiên trong giới hạn của bài đăng này sẽ không thể đi sâu tìm hiểu kỹ hơn.

Về giải thích vấn đề Phật Giáo, các bạn đọc phần ghi chú ở dưới cùng của bài.]

Cùng chuyên mục:
Ahnenerbe — Hội kín của Đức Quốc Xã và âm mưu bóp méo lịch sử
Nước tiểu và những công dụng trong thời La Mã cổ đại
Hình học hữu hạn là gì, và ảnh hướng của nó

—————-

Câu hỏi 2: Thuyết Vô Thần khác thuyết Phản Thần thế nào

—–

Trả lời 1: Sarah McLean, bạn của một vài vị thần

Người Vô Thần là người không tin vào Chúa Trời/Thần Thánh. Có thế thôi.

Một người theo chủ nghĩa Phản Thần là một người có quan điểm cá nhân chống lại tôn giáo hữu thần. Họ thường là những người sẽ tuyên bố rằng bất cứ ai tin vào Thần Thánh Chúa Trời đều bị mê tín, bị bệnh tâm thần “ảo tưởng”, hoặc ngu dốt và cả tin, đang tự phỉnh lừa dối bản thân, không có khả năng lý trí và hoàn toàn thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Sự khác biệt giữa thuyết Vô Thần và thuyết Phản Thần là “I don’t believe in god(s)” so với “You should not believe in god(s)”.

Điều này xảy ra khá nhiều trên Quora. Tôi nhận thấy rằng rất nhiều người Vô Thần viết về chủ nghĩa Vô Thần trên Quora là những người đã bị tôn giáo làm hại trực tiếp theo một cách nào đó. Họ thường xuất thân từ các gia đình Kitô giáo nền tảng (hoặc hiếm hơn là Chính Thống Giáo Orthodox, Do Thái giáo Judaism, hoặc Hồi giáo Islam), và sau đó trở nên vỡ mộng với tôn giáo mà họ lớn lên. Do đó, trong câu trả lời của mình, họ chỉ ra sự đạo đức giả khủng khiếp của các tôn giáo này, thu hút sự chú ý đến những mâu thuẫn trong Kinh Thánh, và nỗi đau cá nhân mà chúng gây ra cho những người làm theo cũng như mọi người khác. Và tôi không trách họ khi cảm thấy như vậy – nếu bạn đã lớn lên với nỗi sợ hãi khủng khiếp rằng bạn sẽ xuống địa ngục vì những thứ vô hại và rất con người, và sau đó nhận ra rằng Địa ngục không có thật? Tất nhiên bạn sẽ tức giận! Tất nhiên bạn sẽ cảm thấy bị phản bội! Tất nhiên, bạn sẽ chỉ trích một cách tàn nhẫn đức tin mà bạn đã lớn lên vì đã dạy con cái cảm thấy xấu hổ và kiểm soát những người mắc chứng sợ hãi.

Vấn đề của tôi là những người theo chủ nghĩa Phản Thần đã đưa điều này đi quá xa. Mặc dù tất cả những lời chỉ trích của họ về tôn giáo là có cơ sở, nhưng họ cho rằng những yếu tố gây hại của tôn giáo lớn hơn bất kỳ điều tốt nào mà nhân loại có thể tránh được và miệt thị bất kỳ ai tin vào bất kỳ loại tôn giáo nào. Hầu hết trong số họ sử dụng từ “người hữu thần” có nghĩa là “người theo Kitô giáo” (tức Christian hoặc Ki-tô hữu), điều này khiến tôi hoàn toàn chịu đựng hết nỗi. Họ chuyển hướng những lời chỉ trích của họ về đạo Kitô hoặc các tôn giáo thuộc Abraham khác [ND: các tôn giáo thuộc Abraham là Do Thái Giáo Judaism, Kitô Giáo Christianity và Hồi Giáo Islam – những tôn giáo này nói nôm na là chia sẻ cùng 1 Universe cũng như các bạn hay xem các phim thuộc cùng 1 Vũ Trụ Marvel hoặc DC Comics vậy đó, 3 tôn giáo này có 1 vị Thiên Chúa Tối Cao Độc Thần duy nhất tức Đức Giêhôva Jahweh trong Do Thái giáo – Đức Chúa Cha The Father trong thuyết Ba Ngôi của Kitô và Đức Allah của Hồi Giáo là cùng 1 người – tức Thượng Đế] tới tất cả mọi tôn giáo còn lại. Và nếu tôi chỉ ra điều đó, tôi sẽ nhận được câu hồi đáp “Chà, dù sao thì tất cả các bạn đều đang bị ảo tưởng”. Không một người lý trí hay thông minh nào thực sự tin vào một vị Chúa nếu họ nghĩ về điều đó trong 5 giây! Không có bằng chứng nào cả. Và chắc chắn, họ đã đúng khi cho rằng không có bằng chứng về Chúa. Nhưng tại sao tôi lại bị nhận những lời xúc phạm đến sức khỏe tinh thần và trí thông minh của tôi nếu tôi nói tôi tin vào một vị Chúa? Tại sao những người theo thuyết Phản Thần lại tìm đến tôi để nói với tôi rằng phép thuật không có thật, cứ như thể tôi chưa nghe thấy điều đó trước đây? Họ hy vọng đạt được điều gì khi nói với tôi điều đó? Họ nghĩ rằng tôi đã không đánh giá nghiêm túc niềm tin của mình dù chỉ một lần? Họ có nghĩ rằng bất cứ ai đánh giá một cách nghiêm túc niềm tin của chính họ sẽ đi đến kết luận chính xác như họ đã làm hay không?

Điều tồi tệ nhất là, điều trên không thực sự khác biệt lắm với những người theo Kitô giáo nền tảng tìm đến tôi và nói rằng nếu tôi không cải đạo sang tôn giáo của họ (thường là đạo Kitô), tôi sẽ bị thiêu cháy trong địa ngục, hoặc các vị thần của tôi là giả ngụy và tôi đang bị mị hoặc bởi Ác Quỷ. Còn những người theo thuyết Phản Thần thì sẽ nói với tôi rằng tôi đang tự lừa dối bản thân, rằng tôi hy sinh sự tín nhiệm vào trí tuệ của mình bằng cách chọn tin vào thần thánh hoặc vào ma pháp, và điều này còn nghiêm trọng hơn nhiều. Nói cho đơn giản, rằng “Tôi sai và bạn đúng”, và rằng nếu “tôi không đồng ý với bạn”, thì tôi đã bị lỗi hoặc hỏng hóc gì đó.

Những người có niềm tin tôn giáo và hạnh phúc với niềm tin của họ vốn dĩ không phải là người bị tẩy não, ngu ngốc hay bị bệnh tâm thần. Chấm hết.

[Người dịch: quan điểm của cô này mình thấy khá ôn hòa và rõ ràng, cô ấy tôn trọng cả những người Vô Thần lẫn Hữu Thần, tin vào Chúa hoặc không tin vào Chúa, nhưng cảm thấy những người Phản Thần có gì đó đã đi quá xa, vì công kích cá nhân vào tinh thần và trí tuệ của người khác chỉ vì người đó tin vào thần thánh.]

—–

Trả lời 2: Steve Brown, vẫn còn ngon nghẻ tốt chán khi bước vào thập kỷ thứ 6 của cuộc đời là 1 người Vô Thần

Tôi thật sự kinh ngạc ngỡ ngàng và ngơ ngác trước thực tế là rất nhiều người không biết thế nào là người theo chủ nghĩa Phản Thần cũng như tôi trong số nhiều người vô thần không nhìn thấy các mối nguy hiểm của việc tin vào những điều nằm ngoài thực tế và đưa ra những quyết định quan trọng dựa trên niềm tin sai lầm của họ. Nó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và nó gây hại cho xã hội rất nhiều.

Tôi thấy những điều này đến từ những người Hữu Thần, những người đã được dạy để ghét và tránh xa những kẻ Vô Thần vì chúng ta có thể chỉ nói lý lẽ với chúng, nhưng những kẻ Vô Thần ư?

Dù sao đi nữa, một người Vô Thần là người không tin bất kỳ tuyên bố vô lý nào về Các Vị Thần hoặc Chúa Trời (và theo nguyên tắc, kể cả những sự tồn tại đời sống sau khi chết hay thế giới bên kia). Bởi nhiều câu hỏi trên Quora bắt đầu bằng “Những người vô thần nghĩ gì…” và tương tự, rõ ràng là rất nhiều người theo thuyết Hữu Thần nghĩ rằng chúng tôi là một nhóm đồng nhất. Không hề. Chúng tôi chỉ không tin bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến Chúa Trời. Nói chung, điều này là do không có bằng chứng khách quan nào hỗ trợ bất kỳ luận điệu nào; tuy nhiên, cũng có rất nhiều bằng chứng ngẫu nhiên chứng minh rằng lên rằng không có vị thần nào tồn tại.

Có vẻ như nhiều người theo thuyết Hữu Thần cũng tin rằng một người theo chủ nghĩa Phản Thần là một người chống lại Chúa Trời. Vậy, chống lại vị Chúa nào đây trong số 4000 vị thần hơn hơn thế? Làm thế nào chúng ta có thể chống lại một thứ thậm chí không tồn tại? Đó không phải là những vị thần cứ cho cứ phán nào đó đang gây hại, mà đó là những vị thần sống bên ngoài thế giới thực tế.

Một người Phản Thần là người nhận ra rằng tin vào những thứ không thuộc thực tế, như Chúa Trời, thần linh, kiếp sau, luân hồi, v.v., vốn dĩ rất nguy hiểm. Điều này sẽ bao gồm những việc như phóng máy bay vào các tòa nhà, đánh bom liều chết, tham gia thánh chiến để ép tôn giáo của bạn vào kẻ bại trận, cố gắng đưa tôn giáo vào luật pháp hoặc trường học, ngược đãi phụ nữ, rất nhiều thành kiến, v.v. Tất nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng khổng lồ. Và vâng, chúng tôi, hoặc ít nhất là tôi, biết rằng có một số điều tốt trong tôn giáo; tuy nhiên, bằng chứng cho thấy rõ ràng rằng điều xấu vượt trội hơn rất nhiều so với điều tốt.

Rất nhiều người phải là một người Vô Thần trước đã để trở thành một người Phản Thần. Tuy nhiên, tôi đã gặp một hoặc hai người Hữu Thần trong đời, những người không bao giờ đi nhà thờ và chống lại tôn giáo có tổ chức. (Và rất nhiều người Hữu Thần chọn đi chọn lại những phần của đức tin của họ để tin và không tin.) Điều đó hoàn toàn kỳ lạ: họ thấy tác hại mà tôn giáo gây ra, nhưng họ không thể chấp nhận rằng tất cả những thứ trong tôn giáo của họ đều là chuyện nhảm nhí. Tâm trí đúng là hoạt động theo những cách bí ẩn. Trong trường hợp này, nguyên nhân chủ yếu là do sợ hãi, bất an và mơ mộng.

—–

Trả lời 3: Cody Reisdorf, người Vô Thần trọn đời; trải qua tuổi thanh xuân sóng gió và trở thành người Phản Thần ở quảng đời trưởng thành.

Người Vô Thần là những người không có niềm tin vào các vị thần.

Vài người Vô Thần là những người tự lý luận tư duy mình vào vị trí đó, thường là bằng cách xem các văn bản thánh kinh, hoặc quan sát các tín đồ, và kết luận rằng ý tưởng của họ về các vị thần là ngớ ngẩn hoặc ngây thơ, vô nghĩa hoặc man rợ, v.v.

Một số người Vô Thần khác thì lại đơn giản là những cá nhân không bao giờ tiếp xúc với các ý tưởng tôn giáo.

Loại người tự tư duy suy ngẫm và trở thành người theo chủ nghĩa vô thần thông qua bằng chứng (cũng như sự thiếu bằng chứng), nếu họ tiếp tục đi trên con đường đó để cố gắng hiểu về thuyết hữu thần và những người hữu thần, họ thường bắt đầu nhận thấy một loạt các tác hại cả công khai và tinh vi mà các niềm tin tôn giáo gây ra, khác nhau, từ hiển nhiên — như là bạo lực (ví dụ: dòng Sunni vs. dòng Shiite, Công giáo vs Tin lành Kháng Cách ở Bắc Ireland, các phòng khám phá thai bị đánh bom hoặc bị thiêu rụi, hoặc bị đe dọa, hoặc người cung cấp dịch vụ bị giết) — cho đến những thứ cực kỳ tinh vi (như: dạy trẻ em về tình yêu thương và đi kèm với những lời đe dọa sẽ bị đọa đày mãi mãi, hoặc dạy trẻ em rằng nếu chúng hỏi sai câu hỏi thì chúng sẽ bị khổ hình mãi mãi, hoặc dạy các cậu bé rằng nếu một người phụ nữ để lộ cơ thể, chúng sẽ không thể kiểm soát được bản thân hoặc dạy các cô bé rằng nếu họ phô bày cơ thể là phụ nữ, một người đàn ông có thể tấn công họ vì anh ta không thể kiểm soát được bản thân hoặc dạy bọn trẻ rằng kinh thánh, thẩm quyền, sự chứng nhận và mặc khải đối với cá nhân, là những cách học hợp lệ về thế giới này).

Không có gì lạ khi con người ta bắt đầu thấy được những điều này và trở nên chống lại chủ nghĩa hữu thần “theism”, tức định nghĩa của “antitheist”.

Cá nhân tôi tự nhận mình là “anti-theist” nhưng tôi nghĩ “anti-theism” thì chính xác hơn, bởi vì tôi không chống lại con người, mà tôi chống những ý tưởng xấu của họ. Thực tế, mối quan tâm của tôi đối với mọi người khiến tôi quan tâm đến tác hại của những ý tưởng xấu mà họ gây ra cho chính họ, vì những người theo thuyết hữu thần thường là nạn nhân lớn nhất của niềm tin của chính họ.

[ND: Theism là thuyết hữu thần, còn theist vừa là thể tính từ, vừa là thể danh từ để chỉ người theo thuyết theism. Tương tự thế, Antitheism là thuyết phản thần, còn antitheist vừa là thể tính từ, vừa là thể danh từ chỉ những người theo antitheism. Tuy nhiên, bác này giải nghĩa bằng cách tách chữ tiếng Anh thành “Anti-theist” có nghĩa là “Chống lại – người hữu thần”, còn “Anti-theism” là “Chống lại – tư tưởng hữu thần” chứ không chống con người]

Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhận ra rằng không phải là không thể (ít nhất là về mặt nguyên tắc), để khả năng một người vừa là người Hữu Thần vừa là người Phản Thần.

Ví dụ, thuyết thù thần (Misotheism, tiền tố Miso-, 仇神論 Cừu Thần Luận) và thuyết nghịch thần (Dystheism, tiền tố Dys-, 亂神論 Loạn Thần Luận) trương ứng lần lượt là “Chúa Trời/các thần nên bị ghét bỏ” và “Chùa Trời/các thần không hề toàn thiện”. Những ý tưởng này dường như rất không phổ biến ở phương Tây ngày nay, điều đó khiến tôi khó hiểu. Khi bạn nghe nói về một người nào đó bị “khủng hoảng niềm tin” (giả sử họ bị ung thư, mất con, hoặc bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, mất việc làm, nhà cửa, gia đình, v.v.), khi họ bắt đầu tự hỏi về sự tồn tại của Chúa, và thậm chí quyết định, thường là tạm thời, rằng không có Chúa nào tồn tại cả. Tôi thấy khá kỳ lạ khi những người ấy không hề nhảy từ thuyết độc thần tiêu chuẩn “Thượng Đế là Đấng Toàn Năng, Toàn Trí và Toàn Thiện” sang một dạng thuyết nghịch thần, nơi có thể Chúa không phải là Đấng Toàn Thiện và có thể ông ta chỉ đang chơi đùa chúng ta (screwing with us).

Thay vào đó, mọi người thường chuyển sang nghĩ rằng “không có Chúa Trời nào cả” (và thường sau đó sẽ trở lại với đức tin của họ vì một số điều may mắn xảy ra trong tương lai). Điều này khiến tôi tự hỏi liệu có một loại lạc quan nào đó khắc sâu trong thân phận con người. Hoặc có thể chỉ vì ý tưởng quá không phổ biến nên mọi người không xem xét khả năng đó.

[Người dịch: câu trả lời của bác này đưa ra 1 góc nhìn khá lạ và thú vị, về định nghĩa, về các khả năng, về tâm lý con người. Đoạn “ác thần” làm mình nhớ tới Yuval Noah Harrari viết trong cuốn Homo Sapiens Lược Sử Loài Người nổi tiếng rằng giả thuyết về Thượng Đế là đáng toàn năng (Omnipotence), toàn tri (Omniscient) nhưng không hề toàn thiện (Onmibenevolent), có thể giải quyết được mâu thuẫn logic hóc búa và đạo đức giả mà các tôn giáo đang mắc kẹt và dính phải, tuy nhiên nó cũng khiến con người ta rùng mình kinh khiếp và không bao giờ dám nghĩ tới hay thừa nhận điều đó]

—–

Trả lời 4: Geoffrey Shafer, nhà thần kinh học (neuroscientist), từng làm trợ giảng tại Đại học California, Irvine (2015-2019)

Các câu trả lời hiện có đều hợp lệ. Tôi muốn bổ sung thêm rằng trở thành một người Phản Thần Vô Thần là như thế nào (ND: an atheist-antitheist trong đó atheist là tính từ bổ nghĩa cho danh từ chính là antitheist).

Người Vô Thần là người không tin vào một quyền lực cao hơn hoặc thực thể toàn năng/toàn trí có can thiệp (hoặc không can thiệp) đến các vấn đề của con người trên Trái Đất. Tôi chưa từng thấy, chưa đọc, cũng chưa từng trải nghiệm trực tiếp bất kỳ dữ liệu hấp dẫn nào từ xa ủng hộ Chúa hoặc một thực thể (hoặc các thực thể) giống Chúa có can dự đến con người. Bởi vì người ta không thể coi sự vắng mặt của dữ liệu là bằng chứng hợp lệ cho bất cứ điều gì, tôi thấy thật hợp lý khi mọi thứ đơn giản dẫn tới kết luận về phía không có niềm tin.

Tôi tự xem mình là người theo chủ nghĩa Vô Thần suốt đời vì ngay từ khi còn nhỏ (6–8 tuổi) tôi đã bắt đầu hỏi những câu hỏi chi tiết về nền tảng của niềm tin tôn giáo và nghi ngờ những gì tôi được bảo về Ki-tô giáo. Nó không hề có nghĩa lý gì đối với tôi, cảm thấy như nó hoàn toàn sai. Tôi coi đây là một phản ứng phức cảm đối với xung đột vô thức của lý trí và một trải nghiệm không nhất thiết phải được hướng dẫn bằng phương pháp khoa học, có nghĩa là tôi đã tồn tại từ một người vô thần cảm tính chưa trưởng thành thành một người vô thần theo khoa học có lý trí. Tôi từ chối hoàn toàn các nguyên lý tôn giáo ở độ tuổi 12. [ND: có vẻ bác này là phiên bản Young Sheldon (1 show spinoff của Big Bang Theory) ngoài đời thực]

Chủ nghĩa Phản Thần phát triển từ sự từ chối ở giai đoạn đầu đời cho đến khi tôi lớn lên và kinh nghiệm sống của tôi được nâng lên. Đơn giản, tôi đã quan sát hết lần này đến lần khác những thiệt hại không thể bù đắp mà các tôn giáo có tổ chức đã gây ra cho nhân loại trong quá khứ và hiện nay vẫn tiếp tục gây ra cho chúng ta. Chúng cản trở sự tiến bộ của nhân loại, hạn chế triển vọng và hạn chế tiềm năng của chúng ta, đặc biệt là liên quan đến các mối quan hệ giữa con người với nhau và giữa các nền văn hóa. Tôi cũng đã quan sát thấy rằng nhiều người Hữu Thần có thể sống một cuộc sống hạnh phúc lành mạnh và được nâng cao bởi hệ thống niềm tin của họ; đây là một phần thiểu số của con người. Phần lớn mọi người không thể tìm thấy sự cân bằng mong manh này nếu không có nhiều kinh nghiệm sống mà trong thời gian đó, tạo ra thiệt hại cho bản thân và cho những người khác, hệ thống niềm tin Do Thái – Kitô giáo là độc hại nhất, đã và đang duy trì mô hình này. Tôi tin (và đây là hệ thống niềm tin của tôi và do đó không dựa trên logic) rằng tôn giáo gây hại nhiều hơn là có lợi cho đa số con người và do đó chúng không nên tồn tại và trong nỗ lực hiện thực hóa điều này, hãy tích cực không khuyến khích và công khai lên án.

Tuy nhiên, ‘chủ nghĩa Phản Thần’ không đồng nghĩa với ‘chủ nghĩa Phản Thần quân phiệt’ mà tôi cho rằng đây là hệ thống niềm tin trong có tin rằng tôn giáo nên bị tiêu diệt. Điều này [chủ nghĩa Phản Thần ở mức độ cuồng tín cực đoan] chỉ đơn giản là sự ngu ngốc. Để tiêu diệt tôn giáo, người ta sẽ phải đối mặt với sự phản đối của không chỉ của đa số, mà còn là siêu đa số (>67%) dân số địa cầu, dẫn đến một cuộc đấu tranh khó nhằn có thể dẫn đến sự diệt vong của nhân loại, cho nên không. Câu trả lời duy nhất ở đây là nằm ở giáo dục để mỗi cá nhân được trang bị những công cụ cơ bản để mở mang đầu óc của mình đến một thế giới thoát khỏi những hệ thống cổ hủ dựa trên việc duy trì trật tự trong một môi trường thiếu thông tin. Thế giới cũ sẽ biến mất vĩnh viễn (với điều kiện không xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc) và tương lai có thể và nên tập trung xoay quanh việc chúng ta với tư cách là những người cùng nhau làm chủ vận mệnh của chính mình.

————–

[GHI CHÚ cuối bài của Người dịch]:

Hiểu về khái niệm về chữ “Thần” là gì. Phân biệt Theism, gốc Theos – God, và Deism và Deity.

Deity (số nhiều Deities) là những thực thể siêu nhiên, các thần linh, chư thiên, chư thánh chư thần trong các truyền thuyết tâm linh và các nền văn hóa nói chung. Một nhân vật có tính chất thần thánh như vậy được gọi là “a deity” hay “a god” – hết sức lưu ý chữ god này viết thường, và cũng có thể ở thể số nhiều là gods. Chủ nghĩa thần linh nói chung sẽ là “Deism” (có gốc Deus từ tiếng Latin)

Trong khi đó, Thần 神 trong tiếng Hán hay gốc Theos từ tiếng Hy Lạp, theo nghĩa hiểu hẹp nhất, chỉ đến Đấng Tối Cao, Đấng Sáng Thế Tạo Tác Vũ Trụ và Độc Tôn, Đấng Chủ Tể của Vạn Vật, dịch tương đương là Thượng Đế, Chúa Trời, và God hết sức lưu ý chữ God này luôn viết hoa, để chỉ đến vị cao tột ấy. Do đó, thuật ngữ Hữu Thần Theism sẽ có sự phân biệt với Deism, 1 cái là sự khẳng định về Đấng Tối Cao Thượng Đế Chủ Tể Tạo Tác Vũ Trụ tồn tại và làm trùm tất cả, trong khi cái còn lại là niềm tin vào các vị thần linh, các thế lực siêu nhiên nói chung.

Hữu Thần Theism sẽ có 2 nhánh lớn nhất là Độc Thần Monotheism, cho rằng chỉ có duy nhất 1 Đấng God tồn tại (trật tự vũ trụ đơn cực) và Đa Thần Polytheism cho rằng sẽ tồn tại nhiều Đấng đồng-Tối Cao (trật tự vũ trụ đa cực). Ví dụ như trong số vô vàn thần linh của Ấn Độ giáo, có 3 vị Thần tối cao là Thần Sáng Thế Brahman, Thần Bảo Hộ Vishnu, Thần Hủy Diệt Shiva là các Đấng Gods như vậy (Gods số nhiều và viết hoa), các vị thần cấp bậc thấp hơn còn lại, là những deities/gods (god và gods không viết hoa).

Do đó, 1 người Vô Thần, ít nhất về mặt lý thuyết theo nghĩa hẹp của khái niệm, là những người phủ nhận sự tồn tại của Đấng (hoặc các Đấng) Làm Trùm Vũ Trụ, nhưng vẫn có thể để ngỏ cơ hội tin vào các thế lực siêu nhân tâm linh. Tuy nhiên, ở nghĩa rộng, phổ biến và thường hiểu, người Vô Thần là không tin vào thần linh nói chung. Tuy nhiên chắc các bạn đều đã nghe qua 1 khái niệm tuyệt đối hơn khi học Triết Mác Lê, đó chính là những Người theo Chủ nghĩa Duy Vật – sẽ không tin vào bất cứ cái gì về Thần linh và thế giới Tâm linh (Do đó có thể nói chơi rằng Vô Thần cũng chỉ là “tuổi tôm” khi so với Duy Vật).

Về Phật giáo, nó là tôn giáo Phi Thần (Nontheist religion – ở đây tạm bỏ qua vấn đề Phật giáo có phải tôn giáo hay không, nhiều người cãi nhau thế này thế kia, nhiều người cho rằng Phật giáo đúng hơn là hệ tư tưởng triết học… vân vân, chúng ta không bàn ở đây) vì 3 điểm chính sau:

Thứ nhất, Đức Phật, bằng nhãn quan quan sát thế giới, vũ trụ và sự thấy biết của ngài, thừa nhận có tồn tại những loại vật, sinh vật thần thoại, thế lực thực thể siêu nhiên vô hình với mắt người, như Rồng, Chư Thiên, A Tu La, Ca Lầu La, Ma Hầu La Già … cho đến các cảnh giới Ngạ Quỷ, Địa Ngục, các tầng trời, rồi cả những khái niệm Nghiệp, Tái Sinh, Luân Hồi… điều này rõ ràng không ai có thể chứng minh hay kiểm chứng được. Do đó nếu xét về chỉ tiêu Vô Thần thì ở điểm này, Phật giáo không thỏa mãn Vô Thần.

Thứ 2, Đức Phật khẳng định rằng không có Đấng Thần Linh Tối Cao nào, Đấng Tạo Tác nào, Đấng Sáng Thế nào, có quyền sinh sát, có quyền ban phước hay giáng họa cho người khác, kể cả chính bản thân Ngài, và phủ nhận sự tồn tại của 1 Đấng Làm Trùm Vũ Trụ như vậy. Xét về điểm này, thì Phật giáo lại đáp ứng tính chất Vô Thần. Đức Phật nhìn thấu vạn vật vận động theo quy luật tự nhiên của vũ trụ và Nhân Quả, cũng như Tánh Không tồn tại trong mọi sự vật và hiện tượng. Chư Thiên, dẫu cho có phước báo và thần thông cực lớn, xét cho cùng cũng chỉ là 1 chúng sanh trôi nỗi trong Luân Hồi.

Thứ 3, và quan trọng nhất, Đạo Phật tập trung vào con đường giải quyết khổ đau, tìm đến Sự Giác Ngộ và giải thoát khỏi vòng xoáy Luân Hồi – đó mới là mục tiêu tối thượng của Phật giáo hướng đến, do đó, có Thần hay không Thần, có Thượng Đế hay chư Thiên, hay thế lực siêu nhiên Rồng, A Tu La, các tầng trời… đều nằm ngoài mối quan tâm cần thiết của Phật giáo. Điều này làm nên tính chất Phi Thần của Phật giáo. Và các phương thức cách thức, quán sát và thiền định, ứng dụng và thực hành khiến cho Đạo Phật chân chính trở nên thực tiễn và gần với khoa học hơn cả (khác với Đạo Phật mà chúng ta đang thấy với sự thần linh, thần thánh hóa, đầy rập các lễ nghi khuôn phép cầu siêu tụng niệm, cầu an, cầu tiền tài, ma chay và những “phốt” và các thể loại biến tướng phát sinh theo xã hội và văn hóa).

Còn những chủ đề về các thuật ngữ liên quan rất hay như Apatheism (thuyết Viễn Thần), Egotheism (thuyết Ngã Thần), Henotheism (thuyết Đơn Nhất Chủ Thần), Kathenotheism (thuyết Giao Thế Thần), Hylotheism (thuyết Vật Thần), Panentheism (thuyết Vạn Hữu Tại Thần), Pantheism (thuyết Phiếm Thần), Omnitheism (thuyết Toàn Thần), Transtheism (thuyết Chuyển Thần), Physitheism (thuyết Vật Lý Thần), Post-theism (chủ nghĩa Hậu Thần), Syntheism (chủ nghĩa Tổng Thần), Eutheism (thuyết Thiện Thần), Maltheism (thuyết Ác Thần), Autotheism (thuyết Tự Thần)… nên xin hẹn các bạn ở những bài dịch tiếp theo. Cảm ơn các bạn đã đọc bài..

Lý Dật Thụ dịch từ Quora

5/5 - (4 votes)

BÀI LIÊN QUAN