Vẻ đẹp đức hạnh và những cái tương tự phải được kính trọng, nếu chúng tạo ra sự thú vị, nhưng nếu chúng không tạo ra được sự thú vị, thì chúng ta phải nói lời chia tay với chúng.
Epicurus, “On the End of Life”
Tôi đồng ý rằng Alexander đi xa đến mức bắt chước thói xa xỉ của phương Đông. Tôi không cho rằng kỳ công vĩ đại là việc làm tốt trừ phi con người biết cách kiểm soát chính mình cho dù chinh phục được cả thế giới đi nữa.
Arrian, Anabasis of Alexander
Nghe đọc
Phần 1
Một giai đoạn mới trong lịch sử thế giới
Cái chết của Alexander Đại đế năm 323 TCN đánh dấu sự khởi đầu một giai đoạn mới trong lịch sử thế giới. Văn minh Hy Lạp, lúc này đã kết thúc. Sự pha trộn các nền văn hóa và sự hòa hợp giữa các dân tộc do các cuộc xâm chiếm của Alexander tạo ra đã lật đổ hầu hết các quan điểm của người Hy Lạp trong Thời hoàng kim. Dần dần, một mẫu văn minh mới xuất hiện trên cơ sở sự hỗn hợp giữa các thành phần Hy Lạp và phương Đông. Người ta thường dùng tên Hy Lạp hóa để gọi nền văn minh mới này, kéo dài cho đến đầu Công nguyên.
So sánh Thời kỳ Hy Lạp hóa với Hy Lạp Thời hoàng kim
Trong khi Thời kỳ Hy Lạp hóa đôi khi được xem là chương cuối trong lịch sử Hy Lạp, nhưng điều này tuyệt nhiên không hề chính xác. Nhiều thế kỷ sau cái chết của Alexander mang đặc điểm khác với Hy Lạp Thời hoàng kim đến mức không thể gọi một cách chính xác là sự kế tiếp Thời hoàng kim này. Mặc dù ngôn ngữ của kỷ nguyên mới là ngôn ngữ Hy Lạp, và mặc dù người mang quốc tịch Hy Lạp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, nhưng tinh thần văn hóa phần lớn là tinh thần của phương Đông. Quan niệm cổ điển về chế độ dân chủ lúc này được thay thế bằng chính thể chuyên chế, có lẽ cũng nghiêm khắc như bất kỳ chính thể chuyên chế nào mà người Ai Cập hoặc Ba Tư đã tạo ra.
Người Hy Lạp chú tâm vào sự đơn giản và sự dung hòa nhường chỗ cho sự thái quá trong nghệ thuật, yêu thích xa hoa và thừa mứa. Hệ thống kinh tế Athens sản xuất trên quy mô nhỏ được thay bằng sự phát triển ngành kinh doanh lớn và cạnh tranh tàn nhẫn vì lợi nhuận. Mặc dù vẫn còn nhiều tiến bộ trong ngành khoa học, nhưng sự tin tưởng vào khả năng trí tuệ với các lời dạy của hầu hết các triết gia từ Thales đến Aristotle bị tư tưởng hủ bại nuốt chửng và sau cùng phải hy sinh logic để đổi lấy niềm tin. Khi xét đến những thay đổi này, điều có vẻ hợp lý khi kết luận rằng Thời kỳ Hy Lạp hóa thật ra là kỷ nguyên của một nền văn minh mới khác với nền văn minh Hy Lạp xuất phát từ văn hóa thời cổ đại.
1. Lịch Sử Và Thể Chế Chính Trị
Thành phố-thành bang cổ Hy Lạp. Khi Alexander chết năm 323 TCN, không có ai là người kế vị hợp pháp. Bà con nam gần nhất với ông là người anh cùng mẹ khác cha kém thông minh. Truyền thuyết kể rằng khi được yêu cầu chỉ định người kế vị lúc ông đang hấp hối trên giường bệnh, thì ông đáp mơ hồ, “Dành cho người giỏi nhất”. Sau khi mất, các tướng lĩnh cấp bậc cao nhất chia nhau đế chế. Một số viên chỉ huy trẻ phản đối sự sắp xếp này, một loạt cuộc chiến diễn ra, đạt đỉnh điểm là cuộc chiến Ipsus mang tính quyết định vào năm 301 TCN.
Kết quả của cuộc chiến này là sự phân chia mới giữa những người thắng trận. Seleucus nắm quyền kiểm soát Ba Tư, Lưỡng Hà và Syria; Lysimachus nắm quyền kiểm soát Tiểu Á và Thrace; Cassander tự mình xưng vương ở Macedonia; và Ptolemy sáp nhập Phoenicia và Palestine vào lãnh thổ Ai Cập ban đầu của mình. 20 năm sau, bốn nhà nước này giảm xuống chỉ còn ba khi Seleueus đánh bại và giết chết Lysimachus trên chiến trường và chiếm đoạt vương quốc của ông ta. Trong khi đó, hầu hết các thành phố-thành bang Hy Lạp nổi dậy chống lại những nỗ lực của vua Macedonia khi nhà vua mở rộng quyền lực của mình đối với họ. Bằng cách kết hợp lại với nhau trong các liên minh phòng thủ, một số thành công trong việc giữ vững nền độc lập của mình trong gần một thế kỷ. Sau cùng, từ năm 146 đến 30 TCN gần như tất cả lãnh thổ cổ Hy Lạp đều nằm dưới ách thống trị của La Mã.
Chế độ quân chủ thần quyền, hình thức cai trị thịnh hành. Hình thức cai trị thịnh hành trong Thời kỳ Hy Lạp hóa là chế độ chuyên chế của các nhà vua ít nhất tự thể hiện mình như bán-thần thánh. Chính Alexander được tung hô như thần thánh ở Ai Cập. Những người kế vị nhiều quyền lực nhất của ông, các nhà vua Seleucid ở Tây Á và Ptolemy ở Ai Cập, có nhiều nỗ lực mang tính hệ thống hơn để tự thánh hóa bản thân. Một quốc vương Seleucid, Antiochus IV, chọn danh hiệu “Epiphane” hay “Chúa Hiển linh”. Các thành viên sau này trong vương triều Ptolemy ký sắc lệnh “Theos” (Chúa) và phục hồi thông lệ hôn nhân với chị em theo các Pharaon như phương tiện để duy trì dòng máu thần thánh của hoàng gia không bị ô nhiễm. Chỉ trong vương quốc Macedonia, chế độ chuyên quyền không có thái độ tôn trọng quyền tự do công dân.
Liên minh Achaean và Aetolian
Hai thể chế chính trị khác được phát triển như sản phẩm phụ của nền văn minh Hy Lạp hóa: Liên minh Achaean và Aetolian. Chúng ta đã chứng kiến hầu hết các thành phố-thành bang Hy Lạp đều nổi lên chống lại sự thống trị của Macedonia tiếp theo sau sự chia cắt đế chế của Alexander. Muốn giữ vững nền độc lập của mình tốt hơn, một số thành phố-thành bang này hình thành liên minh, dần dần mở rộng để trở thành các liên minh liên hiệp. Các thành phố-thành bang của người Peloponnesus, ngoại trừ Sparta và Elis, đều kết hợp trong Liên minh Achaean, trong khi liên minh Aetolian bao gồm gần như toàn bộ miền trung Hy Lạp, ngoại trừ Athens. Việc thành lập các liên minh này về cơ bản là giống như trong cả hai trường hợp.
Mỗi liên minh đều có một hội đồng liên minh gồm các đại diện là các thành bang thành viên có quyền ban hành luật pháp về các lĩnh vực nhiều người quan tâm. Một hội đồng lập pháp, công dân trong các thành phố-thành bang liên minh đều có thể tham gia quyết định các vấn đề quan trọng như chiến tranh, hòa bình và bầu chọn quan chức. Quyền hành pháp và quân sự được trao cho một tướng lĩnh, nhiệm kỳ một năm và có đủ tư cách được bầu tiếp vào các năm sau. Mặc dù những liên minh này thường được mô tả là các thành phố-thành bang liên bang, giống như cơ chế quyền lực của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ theo các Điều khoản Liên bang, lệ thuộc vào sự đóng góp lợi tức và quân số của chính quyền địa phương. Ngoài ra, quyền lực dành cho chính quyền trung ương chủ yếu chỉ giới hạn trong các vấn đề chiến tranh và hòa bình, đúc tiền, đơn vị trọng lượng, đo lường. Ý nghĩa quan trọng của các liên minh này ở chỗ chúng thể hiện nguyên tắc cai trị đại diện và cấu thành phương pháp tiếp cận gần với sự kết hợp dân tộc tự nguyện, một tiếp cận xưa nay chưa từng có ở Hy Lạp.
2. Những Phát Triển Kinh Tế Xã Hội Quan Trọng
Cách mạng kinh tế và nguyên nhân của nó
Lịch sử nền văn minh thời kỳ Hy Lạp hóa mang đặc điểm sự phát triển kinh tế chỉ quan trọng hàng thứ hai sau tầm ảnh hưởng của các cuộc cách mạng công nghiệp và thương mại trong kỷ nguyên hiện đại. Một số nguyên nhân quan trọng có thể nhận biết như: 1) Mở ra một vùng đất thương mại mênh mông từ sông Ấn đến sông Nile do các cuộc xâm lăng của Alexander; 2) Tăng giá do sự giải tỏa một số lượng lớn vàng bạc của Ba Tư đưa vào các kênh lưu thông, dẫn đến sự gia tăng đầu tư và đầu cơ; 3) Các chính quyền thúc đẩy thương mại và công nghiệp như phương tiện để làm tăng thu nhập của thành phố-thành bang. Kết quả cuối cùng của những yếu tố này là sự phát triển một hệ thống sản xuất quy mô lớn, thương mại và tài chính, trong đó thành phố-thành bang là nhà “tư bản” đầu tư và cũng là nhà doanh nghiệp chính.
Phát triển trong nông nghiệp
Nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhiều sự phát triển mới cũng như bất kỳ ngành nào khác trong đời sống kinh tế. Hiện tượng nổi bật nhất là sự tập trung quyền sở hữu ruộng đất và dân số nông nghiệp giảm sút. Một trong những việc đầu tiên mà những người kế vị Alexander tiến hành là tịch thu thái ấp của các chủ đất lớn và sáp nhập số thái ấp này vào thái ấp của vua. Vì thế đất chiếm hữu được cấp cho những người được nhà vua yêu mến hoặc cho tá điền thuê theo sự sắp xếp được tính toán để đảm bảo cho nhà vua có thu nhập dồi dào.
Tá điền nói chung bị cấm bỏ mảnh đất mà họ canh tác cho đến sau khi thu hoạch và không được phép sử dụng ngũ cốc của mình cho đến sau khi nhà vua bán được phần chia mà nhà vua nhận được như tiền thuê đất, ở mức giá cao nhất trên thị trường. Khi một số tá điền tiếp tục đình công hoặc cố tìm cách bỏ chạy, thì tất cả tá điền bị ràng buộc với đất như các nông nô cha truyền con nối. Phần lớn số nông dân độc lập nhỏ cũng trở thành nông nô khi lâm cảnh nợ nần do không đủ sức cạnh tranh với sản xuất quy mô lớn.
Chủ nghĩa “tư bản nhà nước” và tổ chức thương mại tập trung
Trong một nỗ lực để làm cho tất cả tài nguyên của nhà nước đóng góp vào thu nhập của chính quyền, các nhà cai trị Hy Lạp và đế chế Seleucid khuyến khích và điều tiết công nghiệp và thương mại. Ptolemy xây dựng nhiều nhà xưởng và cửa hiệu gần như trong tất cả các làng, do chính quyền điều hành vì lợi ích tài chính của riêng mình. Ngoài ra, họ còn nắm quyền kiểm soát tất cả hoạt động kinh doanh do tư nhân sở hữu, ấn định giá mà chủ sở hữu có thể đóng và khai thác thị trường sao cho nhà vua có lợi. Kế hoạch tương tự tổ chức công nghiệp một cách tập trung, mặc dù không phải trên quy mô hoàn toàn, được các nhà cai trị Seleucid Tây Á thực thi.
Thương mại do cả hai chính quyền này chừa lại phần lớn nằm trong tầm kiểm soát của tư nhân, nhưng phải đóng thuế cao và bị điều tiết theo cách nhà vua luôn được hưởng phần chia hậu hĩ nhất. Tất cả điều kiện thuận lợi do chính quyền tạo ra nhằm để khuyến khích những hành động mạo hiểm kinh doanh mới. Hải cảng được cải thiện, cử tàu chiến tuần tiễu trên biển, xây dựng đường sá, kênh đào. Ngoài ra, các Ptolemy tuyển dụng các nhà địa lý nổi tiếng để tìm ra nhiều con đường mới đến các vùng đất xa xôi, bằng cách này tiếp cận được nhiều thị trường đáng giá. Do những biện pháp như thế, Ai Cập phát triển một nền thương mại thịnh vượng với nhiều sản phẩm đa dạng nhất. Gia vị từ Ả Rập được nhập khẩu vào cảng Alexander, đồng của Cyprus, vàng của Abysinia và Ấn Độ, thiếc của Anh, voi và ngà voi của Nubia, bạc của vùng phía bắc biển Aegea và Tây Ban Nha, thảm đẹp của Tiểu Á, và thậm chí cả tơ lụa của Trung Hoa. Lợi nhuận dành cho chính quyền và thậm chí cho một số thương nhân cao đến mức 20 hay 30%.
Phát triển tài chính
Có nhiều chứng cứ cho thấy sự phát triển kinh tế đáng kể trong Thời kỳ Hy Lạp hóa được tìm thấy trong sự phát triển tài chánh. Kinh tế tiền tệ quốc tế, trên cơ sở tiền vàng và bạc, lúc này phổ biến trong khắp vùng Cận Đông. Ngân hàng, thường do chính quyền sở hữu, phát triển như một thể chế tín dụng trọng yếu cho tất cả các loại hình hoạt động kinh doanh. Do nguồn vốn đầu tư dồi dào, nên lãi suất giảm dần từ 12% trong thế kỷ 3 TCN xuống còn 7% trong thế kỷ 2 TCN. Đầu cơ, khoanh vùng thị trường, cạnh tranh gay gắt, sự phát triển các nhà doanh nghiệp lớn, và sự phát triển bảo hiểm, quảng cáo là những hiện tượng đáng lưu ý khác trong thời đại có nhiều điểm nổi bật này.
Đồ vật thông dụng từ giai đoạn này thường cho thấy thiết kế rất đẹp như các tác phẩm nghệ thuật chính thức.
Thịnh vượng dành cho người giàu, các khu ổ chuột và thất nghiệp dành cho người nghèo. Theo nhiều chứng cứ cho thấy, Thời kỳ Hy Lạp hóa ít nhất trong hai thế kỷ đầu, là giai đoạn thịnh vượng. Mặc dù có nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng xảy ra tiếp theo sau sự bùng phát đầu cơ, nhưng dường như chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Nhưng sự thịnh vượng có vẻ chủ yếu chỉ đến với những người cai trị, tầng lớp thượng lưu, và thương nhân, chắc chắn không đến với nông dân hoặc thậm chí đến với những người làm công sống trong thành thị.
Lương công nhật của cả thợ lành nghề lẫn học việc ở Athens vào thế kỷ 3 TCN đã giảm xuống còn một nửa so với mức lương họ lĩnh trong Thời kỳ Pericles. Mặt khác, chi phí sinh hoạt đã tăng đáng kể. Làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, nạn thất nghiệp trong các thành phố lớn là một vấn đề nghiêm trọng đến mức chính quyền phải cấp phát ngũ cốc miễn phí cho đa số cư dân. Nạn mua bán nô lệ giảm trong thời kỳ Hy Lạp hóa, một phần vì ảnh hưởng của phái Ngụy biện, nhưng chủ yếu là do tiền lương lúc này thấp đến mức thuê một lao động tự do còn rẻ hơn việc mua và giữ nô lệ.
Sự phát triển các thành phố thủ phủ
Kết quả lý thú của các điều kiện kinh tế và xã hội trong Thời kỳ Hy Lạp hóa là sự phát triển các thành phố thủ phủ. Mặc dù đa số người dân vẫn còn sống ở vùng nông thôn, nhưng khuynh hướng cho thấy người ta bất mãn với sự buồn tẻ của cuộc sống nông thôn và đổ xô về thành thị ngày càng tăng, mặc dù cuộc sống thị thành không dễ chịu hơn nhưng ít ra cũng có phần nào vui hơn. Nhưng lý do chính được tìm thấy trong sự phát triển công nghiệp và thương mại, trong sự phát triển các chức năng của chính quyền, trong sự khao khát của nông dân độc lập trước đây muốn thoát khỏi kiếp sống nông nô cơ cực. Thành phố gia tăng gấp bội và phát triển trong các đế chế Hy Lạp hóa ở mức độ nhanh cũng giống như nước Mỹ thế kỷ 19.
Một số thành phố đạt đến quy mô thủ phủ hầu như chỉ trong một sớm một chiều. Antioch ở Syria có dân số tăng gấp bốn lần chỉ trong một thế kỷ. Seleucia bên bờ sông Tigris từ không có gì phát triển thành một thủ phủ với dân số vài trăm ngàn người chỉ trong hai thế kỷ. Thành phố lớn nhất và nổi tiếng nhất trong số các thành phố thời kỳ cổ Hy Lạp là Alexandria ở Ai Cập với hơn 500.000 người và có thể nhiều đến mức 1.000.000 người. Trong thời cổ đại không có thành phố nào, thậm chí cũng không phải Rome, lại có thể vượt qua Alexandria về quy mô và ý nghĩa quan trọng. Đường sá đều được lát đá, thiết kế lớp lang trật tự, với nhiều công thự nguy nga, nhiều công viên, một viện bảo tàng, và một thư viện với 750.000 đầu sách, là trung tâm thành tựu văn hóa thời kỳ Hy Lạp hóa rực rỡ nhất, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đa số người dân, đều là quần chúng không nhận được sự giúp đỡ, không có phần nào trong cuộc sống rực rỡ, xa hoa quanh mình, mặc dù cuộc sống ấy một phần cũng là do thành quả lao động của họ.
3. Văn Hóa Cổ Hy Lạp: Triết Học, Văn Học Và Nghệ Thuật
Sự sa sút dần trong triết học
Triết học thời kỳ cổ Hy Lạp trải qua một sự phát triển khác thường – hay nói cho đúng hơn là sa sút. Trong giai đoạn đầu, triết học vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Hy Lạp và sau đó thể hiện thái độ tôn trọng thành phần lý trí, xem đó là thành phần then chốt trong giải quyết mọi vấn đề của con người. Trong những gì có thể xem như giai đoạn hai, thái độ hoài nghi mọi chân lý và mọi giá trị dẫn đến kết quả phủ nhận lý trí hoàn toàn. Gần cuối giai đoạn văn minh, triết học sa sút thành thuyết huyền bí khô khan, hậu quả là toàn bộ sự tiếp cận tri thức, cho dù dựa trên nền tảng lý trí hay kinh nghiệm đi nữa, đều bị loại bỏ. Bất chấp những khác biệt cơ bản trong lời dạy của họ, các triết gia trong Thời kỳ Hy Lạp tất cả đều đồng ý một vấn đề: sự cần thiết phải tìm ra cách nào đó để cứu con người thoát khỏi sự cơ cực và điều ác trong cuộc sống.
Thuyết Epicurus (chủ nghĩa khoái lạc) và chủ nghĩa khắc kỷ
Triết học cổ Hy Lạp đầu tiên và cũng quan trọng nhất là thuyết Epicurus (chủ nghĩa khoái lạc) và Stoicism (chủ nghĩa khắc kỷ), cả hai đều bắt nguồn từ khoảng 300 TCN. Những người sáng lập là Epicurus và Zeno (khoảng 335-264 TCN, vốn là cư dân thành Athens, mặc dù Epicurus sinh ở đảo Samos, trong khi Zeno là cư dân bản địa đảo Cyprus, có lẽ là con cháu của người Phoenicia. Chủ nghĩa khoái lạc và Chủ nghĩa khắc kỷ có một số điểm chung. Nhưng cả hai đều mang tính chất chủ nghĩa cá nhân, không quan tâm đến phúc lợi xã hội, mà chỉ quan tâm đến điều tốt đẹp của cá nhân. Cả hai đều mang tính chất chủ nghĩa duy vật, về mặt phạm trù phủ nhận sự tồn tại của các thực thể tinh thần, thậm chí hữu thể thần thánh và linh hồn cũng được cho là được hình thành từ vật chất.
Trong Chủ nghĩa khắc kỷ và Chủ nghĩa khoái lạc, đều có đặc điểm của tư tưởng chủ bại, vì cả hai ngụ ý rằng nỗ lực của con người đều vô ích và rút vào chủ nghĩa ẩn dật phương Đông như một mục đích mà người hiểu biết cần theo đuổi. Sau cùng, hai triết lý giống như trong giáo điều đến mức khái niệm và những điều trừu tượng chỉ khác nhau về tên gọi, cho rằng chỉ những sự vật cụ thể mới là thật, và tất cả kiến thức có được từ nhận thức bằng giác quan.
Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ theo đuổi sự thanh thản của tâm hồn qua thuyết định mệnh. Nhưng trong nhiều phương diện, hai hệ thống hoàn toàn khác nhau. Zeno và các môn đệ chủ chốt của ông dạy rằng vũ trụ là một tổng thể có trật tự trong đó tất cả những mâu thuẫn được giải quyết vì điều thiện cơ bản. Điều ác, vì thế chỉ mang tính tương đối, bất hạnh cụ thể giáng xuống nhân loại không gì khác hơn những sự cố cần thiết dẫn đến sự hoàn thiện sau cùng của vũ trụ. Vạn vật diễn ra được xác định một cách cứng nhắc theo mục đích duy lý. Con người không làm chủ số phận của mình, số phận của con người là một mắt xích trong chuỗi xích liên tục.
Con người chỉ được giải thoát chỉ theo nghĩa con người chấp nhận số phận của mình hay chống lại số phận ấy. Nhưng cho dù con người có chấp nhận hay chống đối số phận đi nữa, thì vẫn không thắng được số phận. Nhiệm vụ quan trọng nhất của con người là phải phục tùng trật tự của vũ trụ trong hiểu biết rằng trật tự là tốt, nói cách khác, nhẫn nhục cam chịu số phận càng nhiều càng tốt. Thông qua hành động nhẫn nhục cam chịu như thế, con người sẽ đạt được hạnh phúc cao nhất, bao gồm sự thanh thản trong tâm hồn. Cá nhân thật sự hạnh phúc nhất do đó là cá nhân bằng tính quyết đoán có tính chất duy lý của mình sẽ đạt được sự điều chỉnh hoàn hảo trong cuộc sống phù hợp với mục đích vũ trụ và thanh tẩy tất cả cảm giác cay đắng và sự phản đối rên rỉ chống lại sự thay đổi vận mệnh theo chiều hướng xấu, ra khỏi tâm hồn.
Lời dạy đạo đức và xã hội của những người theo chủ nghĩa khắc kỷ
Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ phát triển một lý thuyết đạo đức và xã hội phù hợp với triết lý chung vừa mô tả ở phần trên. Cho rằng điều thiện cao nhất bao gồm sự thanh thản trong tâm hồn, họ thường nhấn mạnh nghĩa vụ và tự kỷ luật như những đức hạnh chủ yếu. Nhận thấy sự thịnh hành của điều ác, họ dạy rằng con người nên có thái độ chấp nhận, dung hòa, và tha thứ cho nhau. Họ phủ nhận sự độc quyền chủng tộc và cho rằng tất cả mọi người đều là anh em, có vị cha chung là một Chúa.
Không giống như những người cùng thời, những người theo thuyết yếm thế, họ không khuyên con người nên rút lui khỏi xã hội mà thúc giục con người nên tham gia các công việc công, xem đó là nghĩa vụ đối với công dân có suy nghĩ duy lý. Họ lên án nạn mua bán nô lệ và chiến tranh, nhưng xa rời mục đích của họ khi không hề phát động cuộc vận động nào chống lại những điều ác này. Họ sẵn sàng nghĩ rằng kết quả có được từ các biện pháp mạnh thay đổi xã hội còn tệ hại hơn tệ nạn mà xã hội đang gánh chịu. Ngoài ra, nó sẽ tạo ra sự khác biệt gì khi thể xác trong cảnh giam cầm trong khi tinh thần được giải thoát? Bất chấp đặc điểm tiêu cực, triết học theo chủ nghĩa khắc kỷ là sản phẩm cao thượng nhất của Thời kỳ cổ Hy Lạp. Chủ nghĩa bình đẳng, chu nghĩa hòa bình và chủ nghĩa nhân văn của triết học này là những yếu tố quan trọng trong việc làm giảm bớt sự khắc nghiệt không những của thời đại mà còn trong các thế kỷ sau này.
Epicurus làm sống lại thuyết nguyên tử nhưng loại trừ thuyết định mệnh
Trong khi những người theo chủ nghĩa khắc kỷ quay trở lại Heracleitus tán thành phần lớn quan niệm của họ về vũ trụ, thì những người theo chủ nghĩa khoái lạc chủ yếu lấy thuyết siêu hình của mình từ Democritus. Epicurus dạy rằng những thành phần cơ bản trong vạn vật đều là những nguyên tử rất nhỏ bé, không thể phân chia, sự thay đổi và phát triển là kết quả của sự kết hợp và phân chia của những phần tử này. Tuy nhiên, trong khi chấp nhận chủ nghĩa duy vật của những người theo thuyết nguyên tử, thì Epicurus lại phản đối thuyết cơ giới tuyệt đối của họ. Ông phủ nhận rằng chuyển động tự động, máy móc của nguyên tử có thể là nguyên nhân của vạn vật trong vũ trụ.
Mặc dù ông thừa nhận rằng nguyên tử có thể di chuyển về phía dưới theo đường vuông góc do trọng lượng nguyên tử, nhưng ông nhất mực phú cho nguyên tử một khả năng tự phát thình lình đổi hướng khỏi đường vuông góc, và bằng cách này kết hợp lại với nhau. Lý do chính giải thích sự biến đổi khác thường trong thuyết nguyên tử là tạo ra một niềm tin có thể vào tự do của con người. Nếu nguyên tử có thể chuyển động máy móc, thì con người, cũng được cấu thành từ nguyên tử, sẽ bị giảm xuống thành vị thế của một người máy, và thuyết định mệnh sẽ là định luật trong vũ trụ. Trong sự phản bác cách giải thích cuộc sống theo thuyết cơ giới này, Epicurus có lẽ giống với tinh thần Hy Lạp hơn tinh thần của Democritus hay của những người theo chủ nghĩa khắc kỷ.
Những người theo chủ nghĩa khoái lạc theo đuổi sự thanh thản của tâm hồn bằng sự vượt qua nỗi sợ siêu nhiên. Triết học đạo đức của những người theo chủ nghĩa khoái lạc dựa trên học thuyết cho rằng điều thiện cao nhất của con người là sự vui thú. Nhưng họ không bao gồm tất cả các hình thức tầm thường trong phạm trù vui thú đích thực. Cái gọi là vui thú của người trụy lạc là điều nên tránh, vì tất cả hành động xác thịt quá độ phải được quân bình bằng phần đau khổ. Mặt khác, thỏa mãn vừa phải đối với các ham muốn xác thịt đều được phép và có thể bản thân hành động này là việc làm tốt. Cao hơn nữa là vui thú tinh thần, trầm ngâm suy tưởng lý do chọn một số điều này và tránh một số điều khác, và suy nghĩ chín chắn về sự thỏa mãn được thụ hưởng trước đây.
Tuy nhiên, cao nhất trong số tất cả sự vui thú, gồm sự thanh thản của tâm hồn, trong sự vắng mặt tuyệt đối của cả sự đau khổ tinh thần lẫn thể xác. Mục đích này có thể được đạt được tốt nhất thông qua sự loại bỏ nỗi sợ, nhất là sợ siêu nhiên, vì đó là nguồn chính gây ra sự đau khổ tinh thần. Con người phải nhận biết từ sự tìm hiểu triết học rằng linh hồn là hữu hình, vì thế không thể tồn tại lâu hơn thể xác, rằng vũ trụ tự thân hoạt động, và thánh thần không can thiệp vào chuyện của con người. Thánh thần sống cách xa thế giới và chỉ chú ý đến hạnh phúc của riêng mình đến mức không hề bận tâm đến những gì đang diễn ra trên trái đất. Vì họ không thưởng phạt con người trong kiếp sống này hay kiếp sống tiếp theo sau, nên không có lý do gì giải thích tại sao họ phải sợ. Vì thế những người theo chủ nghĩa khoái lạc bằng một con đường khác đến cùng một kết luận chung như những người theo chủ nghĩa khắc kỷ – điều thiện cao nhất là sự thanh thản của tâm hồn.
Lý thuyết đạo đức và chính trị của những người theo chủ nghĩa khoái lạc
Đạo đức học của những người theo chủ nghĩa khoái lạc cũng như lý thuyết chính trị của họ gần như trên cơ sở thuyết thực dụng. Trái với những người theo chủ nghĩa khắc kỷ, họ không nhấn mạnh đến đức hạnh, xem đức hạnh là mục đích, mà chỉ dạy rằng lý do duy nhất giải thích tại sao con người nên sống thiện là để làm tăng thêm hạnh phúc của riêng mình. Tương tự, họ phủ nhận rằng không hề có những vấn đề như công lý tuyệt đối, luật pháp và thể chế chỉ thích hợp trong chừng mực chúng góp phần mang lại phúc lợi cho cá nhân.
Một số quy tắc được xem là cần thiết trong tất cả xã hội phức tạp để duy trì an ninh và trật tự. Con người phải tuân thủ các quy tắc này vì làm như thế là có lợi đối với họ. Vì thế nguồn gốc hình thành và sự tồn tại của nhà nước có cội rễ trực tiếp từ tư lợi. Nói chung, Epicurus không đánh giá cấp tiến đời sống xã hội hay chính trị. Ông cho rằng nhà nước như một điều thuận tiện đơn thuần và dạy rằng người hiểu biết không nên tích cực tham gia vào đời sống công. Không giống như những người theo chủ nghĩa yếm thế, ông không cho rằng con người nên từ bỏ nền văn minh và trở về tự nhiên, nhưng quan niệm của ông về cuộc sống hạnh phúc nhất về cơ bản mang tính bị động và theo tư tưởng chủ bại. Người hiểu biết phải thừa nhận rằng mình không thể xóa bỏ tận gốc mọi điều ác trên thế gian cho dù có cố gắng tích cực và hiểu biết đến mấy đi nữa, vì thế con người sẽ “về vườn”, điều nghiên triết học, và vui vầy cùng với một vài người bạn tâm giao.
Triết học theo tư tưởng chủ bại của những người theo chủ nghĩa hoài nghi
Triết học theo tư tưởng chủ bại cấp tiến hơn là triết học do những người theo chủ nghĩa hoài nghi đề xướng. Mặc dù chủ nghĩa hoài nghi do Pyrrho (khoảng 365-275 TCN), một người cùng thời với Zeno và Epicurus, sáng lập, nhưng mãi đến một thế kỷ sau do ảnh hưởng của Carneades (214-129 TCN) mới được nhiều người biết đến. Nguồn truyền cảm hứng chính cho những người theo chủ nghĩa hoài nghi là triết học của những người theo phái Ngụy biện, cho rằng tất cả kiến thức có được từ nhận thức bằng giác quan, do đó kiến thức chỉ mang tính hạn chế và tương đối. Vì cảm giác tiếp nhận từ các giác quan đánh lừa chúng ta, nên không có chân lý nào là chắc chắn. Tất cả những gì chúng ta có thể nói là sự vật trông có vẻ như thế và như thế, chúng ta không biết chúng thật ra là gì.
Chúng ta không biết dứt khoát về siêu nhiên, về ý nghĩa cuộc sống, hay thậm chí biết được cái đúng và cái sai. Tiếp theo sau con đường nhận thức bằng giác quan là sự đình hoãn phán đoán, chỉ riêng sự đình hoãn này không thôi cũng dẫn đến hạnh phúc. Nếu con người từ bỏ sự tìm kiếm vô ích trong tìm kiếm chân lý tuyệt đối và không còn lo nghĩ về điều thiện và điều ác nữa, thì con người chắc chắn có được sự thanh thản trong tâm hồn, vốn là sự thỏa mãn cao nhất mà cuộc sống có thể mang lại. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi thậm chí ít quan tâm đến các vấn đề chính trị và xã hội như những người theo chủ nghĩa khoái lạc. Quan điểm của họ là quan điểm điển hình của thời kỳ Hy Lạp hóa, tìm cho cá nhân con đường thoát khỏi xã hội mà họ không hiểu cũng như không cải cách.
Triết học tôn giáo mới
Tư tưởng thời kỳ Hy Lạp mức phát triển thấp nhất trong triết học của Philo Judaeus và những người theo thuyết Pythagoras mới vào thế kỷ cuối cùng TCN và thế kỷ 1 CN. Những người đề xướng hai hệ thống nói chung nhất trí với lời dạy cơ bản của họ, nhất là nhất trí trong quan điểm tôn giáo thịnh hành. Họ tin tưởng tuyệt đối vào một Chúa siêu nhiên, xa cách với thế giới này đến mức suy nghĩ con người không thể thấu hiểu được.
Họ cho rằng vũ trụ phân chia rõ nét giữa tinh thần và vật chất. Họ cho rằng vạn vật đều cụ thể, hữu hình như điều ác, linh hồn con người bị giam cầm trong thể xác, chỉ có thể thoát khỏi thể xác bằng sự phủ nhận nghiêm khắc và hành xác. Quan điểm của họ là quan điểm huyền bí và phản tri thức: chân lý không phát xuất từ khoa học cũng như lý trí mà phát xuất từ sự khải huyền, suy luận mơ hồ trong suy nghĩ con người không có gì đáng giá ngoài sự khinh miệt, mục đích cuối cùng của cuộc sống là phải thực hiện sự kết giao huyền bí với Chúa, đánh mất cái tối trong thần thánh.
Sự phát triển văn học phù du
Văn hóa thời kỳ Hy Lạp hóa chủ yếu có ý nghĩa khi làm sáng tỏ đặc điểm của nền văn minh. Hầu hết các tác phẩm đều cho thấy tính độc đáo hay chiều sâu tư tưởng không nhiều. Nhưng văn học này tuôn trào từ tay những người làm nghề sao chép với số lượng nhiều đến mức không thể tin được khi chúng ta biết rằng vào thời này vẫn chưa có máy in hay photo. Người ta nhận thấy có ít nhất 1.100 tác gia, và qua mỗi năm con số này ngày càng tăng. Phần lớn những gì họ viết đều là tác phẩm vô giá trị, so với những phụ bản ra ngày Chủ nhật và các loại tiểu thuyết rẻ tiền trong thời của chúng ta. Tuy nhiên, cũng có một vài tác phẩm có chất lượng hơn trung bình một ít và một vài đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất do người Hy Lạp đặt ra.
Thi ca thời kỳ cổ Hy Lạp
Các thể loại thi ca cổ hàng đầu thời kỳ này là kịch, kịch đồng quê và kịch câm. Kịch hầu hết đều là hài kịch, chủ yếu là những vở kịch của Menander. Các vở kịch của ông khác hẳn hài kịch của Aristophanes. Chúng mang đặc điểm chủ nghĩa tự nhiên hơn là trào phúng, có thành kiến đối với mặt trái của cuộc sống hơn là các vấn đề chính trị và tri thức. Chủ đề xuyên suốt là tình yêu lãng mạn, với nhiều sự khổ đau và vui thú, quan hệ dan díu và quyến rũ, và đỉnh điểm là cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tác gia kịch đồng quê và kịch câm nổi tiếng nhất là Theocritus xứ Syracuse, sáng tác vào nửa đầu thế kỷ 3 TCN. Thơ đồng quê của ông, cũng như kịch câm ngụ ý, ca ngợi sự quyến rũ của đời sống thôn dã và lý tưởng hóa thú vui giản dị, đơn sơ của người dân nông thôn. Kịch câm, trái lại, mô tả cuộc đối thoại nhiều màu sắc những vụ cãi vặt, tham vọng và hoạt động đa dạng của tầng lớp thương nhân trong các thành phố lớn.
Sử gia, người viết tiểu sử tự truyện, và tác gia tiểu thuyết không tưởng
Lĩnh vực văn xuôi chủ yếu do sử gia, các nhà viết tiểu sử tự truyện và tác gia tiểu thuyết không tưởng chiếm lĩnh. Có năng lực nhất trong số các tác gia lịch sử là Polybius xứ Megalopolis, sống vào thế kỷ 2 TCN. Từ quan điểm tiếp cận khoa học và lòng nhiệt thành tìm kiếm chân lý, có lẽ ông xứng đáng được xếp ở hạng thứ hai chỉ sau Thucydides so với tất cả các sử gia trong thời cổ đại, nhưng ông hay hơn Thucydides ở chỗ nắm bắt được ý nghĩa quan trọng của các tác động xã hội và kinh tế. Gần như hầu hết các tiểu sử đều mang tính chất nhẹ nhàng, tán gẫu, được nhiều người biết đến cho thấy những tác phẩm này là thị hiếu văn học trong thời đại. Thậm chí có ý nghĩa quan trọng hơn nữa là sự phổ biến các loại tiểu thuyết không tưởng, hay những giải thích mô tả nhà nước lý tưởng.
Hầu hết tất cả đều mô tả một cuộc sống bình đẳng xã hội và kinh tế, không có sự hám lợi, áp bức, và đấu tranh, trên một hòn đảo tưởng tượng hay ở một vùng nào đó xa xôi, xa lạ. Nói chung trong các thiên đàng này người ta không biết đến tiền, thương mại bị ngăn cấm, tất cả tài sản đều thuộc quyền sở hữu tập thể, mọi người phải ra sức làm việc để tạo ra những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống, Có lẽ chúng ta hợp lý khi cho rằng sự phát triển thể loại văn học không tưởng này là kết quả trực tiếp của sự mục nát và bất công trong xã hội cổ Hy Lạp thời kỳ này và nhận thức sự cần thiết phải tiến hành cải cách.
Nghệ thuật Hy Lạp
(Xem bản khắc mục 5 chương 8). Nghệ thuật cổ Hy Lạp chỉ có một vài đặc điểm vượt trội so với nghệ thuật của người Hy Lạp trước đó. Thay cho chủ nghĩa nhân văn, sự quân bình và kiềm chế vốn là đặc điểm trong kiến trúc và tượng điêu khắc trong Thời hoàng kim, thì lúc này chủ nghĩa hiện thực cường điệu, thuyết duy cảm, thích khoái lạc thịnh hành. Các đền thờ đơn giản, giá trị theo kiểu Doric và Ionic nhường chỗ cho các cung điện nguy nga, dinh thự đắt tiền, công thự cầu kỳ và nhiều công trình tưởng niệm tượng trưng cho quyền lực và sự giàu có. Minh họa điển hình là hải đăng Alexandria đồ sộ, cao gần 400 feet (khoảng 130 mét), ba tầng thu nhỏ và 8 cột đỡ ô lấy sáng trên đỉnh. Tương tự, tượng điêu khắc thể hiện khuynh hướng cường điệu và duy cảm.
Phần lớn các tượng và nhân vật khắc trong phù điêu đều khổng lồ, một số thuộc dạng kỳ cục. Sự đa cảm mãnh liệt và chủ nghĩa hiện thực bần tiện là đặc điểm chung đối với đa số. Trong số nhiều minh họa cho loại tượng điêu khắc này có thể kể ra như Laocoön và trụ ngạch ở Bàn thờ lớn thờ thần Zeus ở Pergamum với các vị thần khổng lồ, động vật dữ tợn, và quái vật lai đang lăn xả trong cuộc chiến tuyệt vọng tượng trưng cho cuộc đấu tranh giữa người Hy Lạp với người xứ Gaul. Nhưng tuyệt nhiên không phải toàn bộ tượng điêu khắc cổ Hy Lạp đều quá cầu kỳ và kỳ cục. Một số thể hiện nét điềm tĩnh, tư thế đĩnh đạc, tự tin, và có lòng trắc ẩn trước sự thống khổ của nhân loại, vẫn được xem là tuyệt tác của giới nghệ sỹ nổi tiếng trong thế kỷ 4 TCN. Tượng điêu khắc thể hiện những đặc điểm vượt trội này là tượng Aphrodite of Melos (Venus de Milo) và Winged Victory of Samothrace.
4. Buổi Đầu Quan Trọng Của Khoa Học
Yếu tố dẫn đến sự tiến bộ đáng kể của khoa học
Thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử khoa học trước thế kỷ 17 là giai đoạn văn minh cổ Hy Lạp. Thật ra, phần lớn thành tựu trong thời hiện đại hầu như không thể có được nếu không có những khám phá của các nhà khoa học ở thành Alexandria, Syracuse, Pergamum, và các thành phố lớn khác trong thế giới cổ Hy Lạp. Lý do giải thích sự phát triển khoa học vượt bậc này trong nhiều thế kỷ sau sự sụp đổ của đế chế Alexander không phải tìm kiếm đâu xa. Bản thân Alexander đã hỗ trợ tài chính cho khâu nghiên cứu. Quan trọng hơn là sự khuyến khích tìm tòi nghiên cứu bằng sự hợp nhất khoa học giữa người Chadean và người Ai Cập cùng với hiểu biết của người Hy Lạp. Có lẽ yếu tố thứ ba là sự quan tâm mới về sự xa xỉ, tiện nghi, và nhu cầu hiểu biết thực dụng giúp cho con người có khả năng giải quyết vấn đề trong sự sinh tồn hỗn độn và bất mãn.
Các nhà khoa học nổi tiếng nhất. Khoa học được nhiều người chú ý nhiều nhất trong Thời kỳ cổ Hy Lạp là thiên văn học, toán học, địa lý học, y học và vật lý học. Hóa học như một ngành khoa học thuần túy thật ra chưa ai biết. Ngoại trừ công trình của Theophrastus, ông là người đầu tiên nhận biết khả năng sinh sản của thực vật, các ngành khoa học sinh học phần lớn cũng bị xem thường. Hóa học cũng như sinh học không hề có mối quan hệ dứt khoát nào với thương mại hay với các hình thức công nghiệp tồn tại lúc đó và rõ ràng hai ngành này không được xem là ngành học có giá trị thực tiễn.
Thiên văn học
Nổi tiếng nhất trong số các nhà thiên văn đầu tiên trong thời kỳ này là Aristarchus xứ Samos (310-230 TCN) đôi khi được gọi là “Copernicus cổ Hy Lạp”. Do sự khám phá của ông rằng sự bất động biểu kiến của các vì sao “cố định” là do chúng có khoảng cách quá xa so với trái đất, ông là người đầu tiên đưa ra quan niệm thích hợp về kích thước khổng lồ của vũ trụ. Nhưng sự nổi tiếng của ông chủ yếu là do sự suy luận rằng trái đất và các hành tinh khác xoay quanh mặt trời. Thật không may, sự suy luận này không được những người kế vị ông chấp nhận, vì nó mâu thuẫn với lời dạy của Aristotle và mâu thuẫn với quan niệm theo thuyết tính người của người Hy Lạp.
Ngoài ra, quan điểm này không phù hợp với niềm tin của người Do Thái và các dân tộc phương Đông khác, vốn là các dân tộc chiếm đa số trong dân số Hy Lạp hóa. Nhà thiên văn duy nhất khác cũng rất quan trọng trong Thời kỳ Hy Lạp hóa là Hipparchus, với công trình nghiên cứu giá trị nhất ở thành Alexandria vào nửa sau thế kỷ 2 TCN. Những đóng góp chính của ông là phát minh dụng cụ đo khoảng cách thiên thể, phác họa sơ đồ thiên thể rõ ràng nhất trong thời cổ đại, tính toán gần đúng đường kính của mặt trăng và khoảng cách từ mặt trăng đến trái đất, và khám phá sự tiến động của các điểm phân. Tuy nhiên sự nổi tiếng của ông sau cùng bị lu mờ bởi tiếng tăm của Ptolemy thành Alexandria, nhà thiên văn cuối cùng trong số các nhà thiên văn thời Hy Lạp.
Mặc dù Ptolemy có một vài khám phá độc đáo, nhưng ông hệ thống hóa công trình của người khác. Tác phẩm chính của ông, Almagest, dựa trên lý thuyết cho trái đất là trung tâm, được lưu truyền đến châu Âu thời Trung cổ như một công trình tóm lược kinh điển thiên văn học thời cổ đại.
Toán học và địa lý học
Có quan hệ mật thiết với thiên văn học là 2 ngành khoa học khác, toán học và địa lý học. Lẽ đương nhiên, nhà toán học nổi tiếng nhất thời cổ Hy Lạp là Euclid (khoảng 323- khoảng 285 TCN), được nhiều người nhầm lẫn xem ông như là thành lập nên môn hình học. Cho đến giữa thế kỷ 19, quyển Elements of Geometry của ông vẫn còn được chấp nhận như cơ sở nghiên cứu môn học đó. Phần lớn dữ liệu trong tác phẩm này không phải là nguyên bản mà được biên soạn như một tác phẩm tổng hợp các khám phá của người khác. Độc đáo nhất trong số các nhà toán học thời cổ Hy Lạp có lẽ là Hipparchus, người đặt nền móng cho cả lượng giác học mặt phẳng cũng như hình cầu.
Địa lý học thời kỳ Hy Lạp hóa cũng vay mượn hầu hết từ Eratosthenes (khoảng 276 – khoảng 194 TCN), nhà thiên văn, nhà thơ, nhà sinh lý học, và quản thư ở thành Alexandria. Bằng đồng hồ mặt trời đặt cách xa vài trăm dặm, ông tính được chu vi trái đất với sai số chưa đến 200 dặm. Ông vẽ được bản đồ chính xác nhất, bề mặt trái đất chia thành nhiều vĩ độ và kinh độ. Ông đề xướng lý thuyết cho rằng tất cả các đại dương thật ra chỉ là một, và ông là người đầu tiên cho rằng khả năng đến được Ấn Độ bằng đường thủy đi về phía tây. Một trong những người kế thừa ông chia trái đất thành 5 đới khí hậu, hiện nay vẫn còn được công nhận, và giải thích hiện tượng thủy triều là do ảnh hưởng của mặt trăng.
Y học: sự phát triển giải phẫu học
Có lẽ không có tiến bộ khoa học nào trong thời kỳ Hy Lạp hóa có tầm quan trọng nhiều hơn tiến bộ trong y học. Đặc biệt có ý nghĩa là công trình của Herophilus xứ Chalcedon, tiến hành nghiên cứu ở thành Alexandria khoảng đầu thế kỷ 3 TCN. Chắc chắn ông là nhà giải phẫu học nổi tiếng nhất trong thời cổ đại, theo Galen, ông là người đầu tiên tiến hành phẫu thuật ở con người. Trong số các thành tựu quan trọng nhất của ông là mô tả bộ não chi tiết, với nỗ lực phân biệt giữa các chức năng của nhiều bộ phận khác nhau, tìm hiểu ý nghĩa của mạch và áp dụng trong việc chẩn đoán bệnh, phát hiện rằng chỉ có động mạch mới có máu hồng, chứ không phải là hỗn hợp gồm máu và khí như Aristotle đã dạy, và chức năng của chúng là đưa máu từ tim đến tất cả bộ phận trên cơ thể. Giá trị của khám phá này đặt nền tảng cho kiến thức về sự tuần hoàn máu.
Sinh lý học
Có năng lực nhất trong số những người kế thừa Herophilus là Erasistratus, sống ở thành Alexandria khoảng giữa thế kỷ 3 TCN. Ông được xem là cha đẻ ngành sinh lý học như một ngành khoa học riêng biệt. Không những ông tiến hành phẫu thuật, mà người ta còn nghĩ ông tích lũy rất nhiều kiến thức về chức năng của các bộ phận trên cơ thể từ sự giải phẫu sống. Ông phát hiện các van tim, phân biệt các tế bào thần kinh vận động và nhận cảm, và dạy rằng các nhánh cuối cùng của động mạch và tĩnh mạch đều nối liền nhau. Ông là người đầu tiên hoàn toàn phủ nhận lý thuyết cho rằng bệnh tật do các chất dịch mà ra, và lên án cách điều trị để cho xuất huyết quá nhiều. Thật không may, thuyết này được Galen phục hồi, ông là nhà biên soạn bách khoa toàn thư y học nổi tiếng nhất, sống ở Đế chế La Mã vào thế kỷ 2.
Vật lý học
Trước thế kỷ 3 TCN, vật lý học là một nhánh trong ngành triết học, được Archimedes xứ Syracuse, tách riêng thành một môn khoa học thực nghiệm. Archimedes khám phá định luật vật thể nổi hoặc trọng lực riêng, và phát biểu thành hệ thống với độ chính xác khoa học các nguyên tắc đòn bẩy, ròng rọc và trục vít. Trong số các phát minh đáng nhớ của ông là ròng rọc phức hợp, trục vít hình ống để bơm nước, chân vịt dùng cho tàu thuyền, và thấu kính đốt. Mặc dù ông được gọi là “Yankee kỹ thuật thời cổ đại”, nhưng cũng có chứng cứ cho thấy ông không đánh giá cao về các cỗ máy kì cục do mình sáng chế mà chỉ thích dành hết thời gian để nghiên cứu khoa học thuần túy.
Khoa học ứng dụng
Một số nhân vật khác trong Thời kỳ cổ Hy Lạp hoàn toàn tự nguyện dành hết tâm trí cho môn khoa học ứng dụng. Nổi bật nhất trong số này là Hero hay Heron thành Alexandria, sống vào thế kỷ cuối cùng TCN. Kỷ lục phát minh của ông khiến mọi người đáng nể, gồm thiết bị chữa cháy, ống siphon, bơm đẩy, thiết bị thủy lực, máy bán hàng tự động, máy bắn đá hoạt động bằng khí nén, cái nghiệm nhiệt, và thậm chí là “động cơ” hơi nước. Không thể biết có bao nhiêu trong số phát minh này thật sự là của ông, nhưng chắc chắn rằng những phát minh ấy thật sự tồn tại trong thời của ông hoặc sau đó ít lâu. Tuy nhiên, tất cả sự tiến bộ trong ngành khoa học ứng dụng tương đối nhỏ, có lẽ do lý do sức người vẫn còn nhiều, giá rẻ đến mức không cần phải thay bằng lao động máy móc.
5. Tôn Giáo Vào Thời Kỳ Có Hy Lạp
Xu hướng mới trong tôn giáo
Nếu có một khía cạnh trong nền văn minh cổ Hy Lạp dùng để nhấn mạnh sự tương phản với nền văn hóa Hy Lạp trong số nhiều khía cạnh khác, thì đó là xu hướng mới trong tôn giáo. Tôn giáo dân sự của người Hy Lạp như trong thời kỳ thành phố-thành bang lúc này gần như đã hoàn toàn biến mất. Đối với đa số trí thức, vị trí của tôn giáo này đã bị thay bằng triết lý của khắc kỷ, chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa hoài nghi. Một số ít có thiên hướng triết lý thường quay về sự thờ phụng Thần may mắn hoặc trở thành môn đồ của thuyết vô thần giáo điều.
Sự thịnh hành của các tín ngưỡng huyền bí
Trong quần chúng, khuynh hướng tán thành tôn giáo duy cảm có nguồn gốc phương Đông thậm chí được thể hiện rõ hơn hết. Các hệ thống thờ cúng huyền bí Orphic và Eleusinian thu hút tín đồ nhiều hơn trước đó. Sự thờ phụng mẹ-nữ thần Isis của người Ai Cập có lúc đạt đến vị thế như một tôn giáo thế giới. Tôn giáo thờ sao của người Chaldean cũng phát triển rất nhanh, kết quả là sản phẩm chính của tôn giáo này, thuật chiêm tinh, được sự tán thành cuồng nhiệt trong khắp thế giới cổ Hy Lạp. Sức hấp dẫn của nó mạnh đến mức lấn át khoa học và lập luận trong các thế kỷ 2 và 1 TCN. Nhưng ảnh hưởng có tác động mạnh nhất trong số tất cả là sự phát triển Bái hỏa giáo, nhất là từ tục thờ thần Mithras và Thuyết ngộ đạo.
Trong khi tất cả hệ thống thờ cúng có nguồn gốc phương Đông giống nhau về lời hứa hẹn cứu rỗi trong kiếp sau, thì tục thờ thần Mithras và Thuyết ngộ đạo là truyện thần thoại mang ý nghĩa đạo đức nhiều hơn, thái độ xem thường thế giới này sâu sắc hơn, và giáo điều chuộc lỗi thông qua một đấng cứu thế được xác định rõ ràng hơn. Đây là những quan niệm làm thỏa mãn sự thèm khát duy cảm của thường dân, khiến họ tin rằng kiếp sống này là không giá trị, và họ sẵn sàng bị cám dỗ bởi những lời hứa hẹn vô lý, sẽ được hạnh phúc hơn trong kiếp sau.
Nếu đánh giá theo tiêu chuẩn trong thời đại của chúng ta, thì một số giáo điều trong các hệ thống thờ cúng này cũng sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động số thành viên thuộc tầng lớp thượng lưu. Thậm chí người quan sát ngẫu nhiên nhất trong xã hội hiện đại cũng hiểu rằng thái độ bi quan, thuyết huyền bí, và tính chất thuộc thế giới khác vẫn còn tồn tại. Trong một số trường hợp, thái độ bất mãn đối với kiếp sống này và những khao khát huyền bí sâu sắc nhất cũng được tìm thấy ở những người tiền đầy túi.
Ảnh hưởng của người Do Thái
Một yếu tố tuyệt nhiên không phải là không quan trọng trong sự phát triển tôn giáo trong Thời kỳ cổ Hy Lạp là sự sống phân tán của người Do Thái. Do Alexander xâm chiếm Palestine vào năm 332 TCN và người La Mã xâm chiếm đất nước này vào 3 thế kỷ sau đó, hàng ngàn người Do Thái di cư khắp nơi trong thế giới Địa Trung Hải, người ta ước tính rằng 1.000.000 người Do Thái sống ở Ai Cập vào thế kỷ 1 và 200.000 người sống ở Tiểu Á. Họ tự do hòa hợp với các dân tộc khác, chấp nhận ngôn ngữ Hy Lạp, và không có số lượng văn hóa Hy Lạp nào còn tồn tại so với buổi đầu tiên. Đồng thời, họ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá niềm tin phương Đông. Tôn giáo của họ mang đặc điểm tính thần và chúa cứu thế do bị ảnh hưởng của Ba Tư. Triết gia hàng đầu của họ vào lúc này, Philo Judaeus thành Alexandria, phát triển một tập hợp giáo điều tượng trưng cho một quan điểm cực đoan nhất mà thuyết huyền bí xưa nay chưa từng có. Phần lớn người Do Thái trong thời kỳ cổ Hy Lạp sau cùng cải sang đạo Cơ Đốc, và phần lớn là công cụ truyền bá tôn giáo ấy ra khỏi lãnh thổ Palestine.
Tượng Bà lão đi chợ. Trong thời kỳ cổ Hy Lạp, chủ nghĩa duy tâm và sự kiềm chế trong nghệ thuật Hy Lạp được kế tiếp bằng khuynh hướng mô tả các khía cạnh khiêm nhường trong cuộc sống và thể hiện lòng trắc ẩn trước nỗi khổ của nhân loại. Tượng nguyên bản được đặt trong Viện bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York.
6. Có Phải Là Sự Mường Tượng Tính Hiện Đại?
Văn minh cổ Hy Lạp so sánh với văn minh trong thời hiện đại.
Với ngoại lệ có thể là người La Mã, không có nền văn hóa vĩ đại nào trong thời cổ đại có vẻ thể hiện được tinh thần trong thời hiện đại hoàn toàn dứt khoát như nền văn minh Hy Lạp hóa. Trong nền văn minh này, cũng như trong thế giới hiện đại, người ta tìm thấy sự đa dạng đáng kể các hình thức cai trị, sự phát triển chủ nghĩa quân phiệt, thái độ tôn trọng chế độ dân chủ giảm sút, và xu hướng cai trị độc tài. Phần lớn sự phát triển kinh tế và xã hội đặc trưng trong Thời kỳ cổ Hy Lạp cũng gần giống như thời hiện đại: sự phát triển doanh nghiệp lớn, mở rộng kinh doanh, khao khát khám phá và thám hiểm, quan tâm đến các phát minh cơ khí, cạnh tranh gay gắt giữa các thương nhân, thích sống tiện nghi và đua đòi vật chất, sự phát triển các thành phố thủ phủ cùng các khu ổ chuột chật ních người, và khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng tăng.
Trong lĩnh vực tri thức và nghệ thuật, văn minh cổ Hy Lạp cũng mang đậm nét hiện đại, được thể hiện bằng sự chú ý thái quá đối với khoa học, chuyên môn hóa kiến thức theo dạng hẹp, chuộng chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên, sản xuất đại trà tác phẩm văn học hạng xoàng, và sự thịnh hành của thuyết huyền bí song hành với chủ nghĩa hoài nghi cực đoan và không tin tưởng vào giáo điều.
Sự khác biệt cơ bản
Do những sự tương đồng này, ở một số tác gia, thường có khuynh hướng nghĩ rằng nền văn minh của chúng ta là một nền văn minh sa sút. Nhưng điều này một phần dựa trên giả định sai lầm cho rằng văn hóa thời kỳ Hy Lạp hóa chỉ là một giai đoạn sa sút trong nền văn minh Hy Lạp. Thay vào đó, đây là cơ thể sống văn hóa, xã hội mới, được ra đời do sự pha trộn giữa các thành phần Hy Lạp và phương Đông. Ngoài ra, sự khác biệt giữa văn minh thời kỳ Hy Lạp hóa và văn minh của thế giới đương đại có lẽ chỉ là những điểm tương đồng quan trọng.
Quan điểm chính trị thời kỳ Hy Lạp hóa yếu là quan điểm theo chủ nghĩa thế giới, không có gì có thể so sánh với chủ nghĩa yêu nước dân tộc trong thời hiện đại đang thịnh hành. Mặc dù có sự phát triển thương mại đáng kể trong Thời kỳ Hy Lạp hóa, nhưng chưa có cuộc cách mạng công nghiệp nào diễn ra, vì những lý do chúng ta vừa nêu. Sau cùng, khoa học thời kỳ Hy Lạp hóa có phần nào hạn chế hơn khoa học trong thời hiện đại. Khoa học thuần túy thời hiện đại, ở mức độ rộng, là một nhánh triết học – một cuộc mạo hiểm của trí tuệ trong vương quốc xa lạ. Cho dù thường xuyên có nhiều giả định trái ngược, phần lớn đều không thực tế và có thể mãi là như thế.