Lịch Sử và Văn Minh

Luật Pháp và thuyết vị dân của Khổng Tử

luat phap cua khong tu
Triết Học
106 views

Vì lợi ích của dân

Khổng Tử cho rằng nhà nước tồn tại vì lợi ích của dân chúng. Bước đầu tiên, và nhất thiết, của một nhà nước tốt là lập ngôn cho thuận và lập danh cho chính để mọi người biết điều gì đang diễn ra và phải ứng xử thế nào.

Chăm sóc dân chúng tức là đảm bảo những nhu cầu thiết yếu, như cơm ăn áo mặc, phải được đáp ứng. Nhất thiết phải có một nền kinh tế giúp người dân xây dựng một cuộc sống ấm no. Thuế không nên phi lý. Khi một vị quân chủ than phiền rằng mùa màng thất bát và tiền thuế thu năm đó khó mà đủ để trang trải chi tiêu, thì ta nói rằng vị quân chủ ấy nên thu thuê 10% thay vì 20%. Sau hết, nếu gặp thời khốn khó, cần phải giảm thuế để người dân đủ sống. Một khi người dân đủ sống thì quân chủ sẽ hạnh phúc vì điều đó.

Khi được hỏi về nhà nước, Khổng Tử nói rằng quân chủ cần phải đảm bảo đủ lương thực và đủ vũ khí, và vị quân chủ ấy phải tin vào dân chúng. Nếu có vị quân chủ nào buộc phải thiếu đi một trong ba điều trên, thì ông ta nên chọn từ bỏ vũ khí. Nếu phải chọn giữa thực phẩm và lòng tin của dân chúng thì ông ta nên từ bỏ thực phẩm. Ấy là vì nhà nước không thể đứng vững một khi mất đi lòng tin của dân chúng.

Khi dân chúng tự thấy mình là một phần của tập thể chung, cùng chia sẻ những quãng thời gian sung túc và khốn khó với quân chủ của mình thì họ sẽ tin vào vị quân chủ ấy. Nếu dân chúng tin vào nhà nước thì họ sẽ sẵn sàng chịu đựng mọi thứ gian khổ. Công việc của một vị quân chủ chính là xây dựng lòng tin ấy. Và xây dựng bằng cách vun trồng phẩm hạnh của mình và trở thành người quân tử. Vì khi dân chúng nhìn vào hành vi của ông ta họ sẽ phỏng theo. Tình huống lý tưởng đó là khi vị quân chủ ấy cũng là một hiền triết đích thực – một con người đạo đức toàn vẹn. Khổng Tử  nghĩ rằng đây là lý do tại sao – các vị vua trong quá khứ lại thành công đến thế: họ kết hợp nhân cách và lễ nghi theo cách sao cho dân thường sẵn lòng theo họ.

Dù cho một vị quân chủ nào đó không phải là hiền triết thì ông ta cũng có thể bổ nhiệm những cận thần khôn ngoan, tức người quân tử theo quan điểm của họ Khổng, là những người sẽ cho lời khuyên đúng đắn và tận trung với ông ta. Về phần họ, những vị quân tử đã tu thân này nên ra làm quan tại những nước mà họ có cơ hội hướng vị quân chủ theo điều tốt hoặc tại những nước mà có quân chủ đã tốt sẵn rồi. Nhận bổng lộc của một vị quân chủ xấu là điều đáng xấu hổ và người quân tử cần tránh xa những nước được cai trị một cách tồi tệ rồi sẽ khiến họ sa đọa. Quyền lực thực tế phải được trao cho người quân tử có học thức và qua rèn luyện, họ sẽ là quan chức cho nhà nước. Họ sẽ chăm lo cho dân chúng và khuyên bảo quân chủ một cách khôn ngoan. Họ là những người chỉ dẫn cho dân thường và thiết lập một nhà nước tốt.

Dân thường không thể tự kiểm soát mình. Chúng ta đã thấy Khổng Tử nói rằng dân thường có thể bị dẫn dắt đi theo một con đường dù họ không hiểu gì về nó. Sự chăm lo và hướng dẫn phải đến từ chính quyền để hướng dân chúng theo chính đạo, và đó là lý do tại sao người quân tử ra làm quan là điều quan trọng. Khi Khổng Tử nói về một nhà nước vì lợi ích người dân thì ông không có ý nói về dân chủ. Quan điểm về nhà nước của ông là một dạng nhà nước phụ tử: nhà nước hành động hướng đến lợi ích của dân chúng như một người cha hành động hướng đến con cái mình, hướng dẫn, chăm sóc và dạy bảo chúng. Trong mối quan tâm của họ Khổng, chỉ nhóm tinh hoa có học thức mới thật sự thiểu đạo đức, xã hội, và mục tiêu chính trị liên quan là gì – họ được “định hướng tự bên trong”; tức là, họ có thể giữ vững lập trường đạo đức của mình trong thời thịnh cũng như thời suy. Còn dân thường cần phải có một môi trường tốt, với những khuân mẫu tốt và một nền kinh tế tốt thì mới có thể hành động đúng đắn; họ bị “định hướng tự bên ngoài”, thay đổi theo thời thịnh suy.

Đọc thêm:
Danh chính ngôn thuận trong cái nhìn của Khổng Tử
Mario Puzo và thế giới Mafia trong tác phẩm Bố Già

Luật pháp

Một điểm khác cũng quan trọng đó là những vị quan quân tử này chính là khuân mẫu về đức hạnh cho dân thường noi theo. Việc ban bố luật pháp đơn thuần sẽ không tạo ra được sự hướng dẫn kiểu như vậy. Luật pháp có lẽ chỉ cần thiết cho những ai, bất kể là thuộc loại nhà nước nào, không bao giờ hành cư xử. Nhưng luật pháp và hình phạt không dạy cho người dân đức hạnh. Thay vào đó Khổng Tử cho rằng luật pháp và hình phạt chỉ giúp người dân biết tránh để bị bắt. Khổng Tử tin rằng dù cho có áp dụng luật pháp và hình phạt đi nữa thì người dân hoặc có thể theo luật hoặc tìm cách tránh luật, nhưng sẽ không bao giờ hình thành nên được cảm thức về sự hổ thẹn.

Điều này là vì chúng ta tuân theo luật chỉ vì sợ bị bắt và chịu phạt. Tuy nhiên, luật không dạy gì cho chúng ta về đạo đức: đó đơn giản là một rào cản. Mặt khác, nếu đức hạng và lễ nghi được truyền bá cho dân thì tự họ sẽ hình thành cảm thức nội tâm về sự hổ thẹn và cách ứng xử.

Sự khác biệt ở đây là sự khác biệt giữa việc lái xe quá tốc độ giới hạn và việc bị bắt do khiêu dâm trẻ em. Trong trường hợp đầu tiên, luật đặt ra tốc độ giới hạn trên xa lộ và, nếu tôi không thấy có xe cảnh sát, thì kiểu gì tôi cũng vượt tốc. Nếu tôi bị bắt thì đơn giản chỉ là thua trong một trò mèo vờn chuột với cảnh sát, còn thì tôi khó mà cảm thấy xấu hổ do phóng nhanh, có lẽ chỉ đôi chút e ngại do bị bắt. Trong trường hợp thứ hai, không chỉ là việc phạm tội khiêu dâm trẻ em trái luật nhưng còn bị xem là đáng xấu hổ trong xã hội. Chúng ta đã thiết lập những tiêu chuẩn đức hạnh loại trừ hành vi này, nên nếu có ai bị bắt thì sẽ cảm thấy xấu hổ. Giới hạn tốc độ là thứ ngoại thân; sự ghê tởm với việc khiêu dâm trẻ em đến từ sự phán xét đạo đức nội tậm. Đây là lý do tại sao Khổng Tử cho rằng lễ nghi quan trọng hơn luật pháp. Bạn sẽ luôn cần tới luật pháp để giải quyết những kẻ không thể sửa trị được, nhưng lễ nghi và đức hạnh sẽ giúp tạo thành cảm thức đạo đức nội tâm cho người dân. Một khi làm được điều đó, nhà nước sẽ không cần tới công an đứng khắp mọi ngóc ngách nữa.

Nêu gương

Quan điểm về luật pháp và nhà nước dựa trên suy tư của Khổng Tử về “mẫu gương”. Khi có luật, người dân tuân theo vì sợ bị bắt; còn khi họ tuân theo lễ nghi và một vị quân chủ đạo đức thì là họ tuân thủ theo khuynh hương. Khổng Tử rất tin rằng những mẫu gương sẽ thay đổi hành vi con người, và khi con người thấy những bậc quân tử đạo đức trong nhà nước, họ cũng sẽ có khuynh hướng ngả về hành vi đạo đức.

Xét thời đại chúng ta, những mẫu gương của chúng ta – nhưng người mà ta bàn tới và nhìn thấy trên tin tức hoặc trên các tạp chí. Họ là chính trị gia, diễn viên, nghệ sĩ, vận động viên. Bạn có thấy ngạc nhiên rằng, nếu thường dân thấy có hành vi xấu đến từ những mẫu gương này, họ cũng sẽ làm theo y hệt?

Rất ít người ngày nay biết đến cái tên Dr. Paul Farmer, người sáng lập tổ chức Cộng tác Y tế (một tổ chức chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận thành lập 1987 tại Mỹ), thiết lập những bệnh viện miễn phí tại Haiti, Rwanda, Peru, và các quốc gia nghèo khác, nhưng lại rất nhiều người biết tới Tom Cruise và cả những chuyện đời tư của anh ta. Xung quanh ta có nhiều người tốt, nhưng chúng ta không chọn nói về họ. Những mẫu gương chúng ta có thường xác định và thúc đẩy những hành vi xấu của chúng ta.

Mặt khác, ta lùi lại một chút và tưởng tượng như sau. Thử hình dung rằng bạn sống ở một nơi mà tất cả những người làm việc tại các cấp chính quyền đều là người tốt. Họ miệt mài giải quyết những vấn đề. Họ trung thực và tận tâm, và còn không ngừng cố gắng làm việc với người dân một cách cẩn thận và tôn trọng. Bạn có cảm thấy gì khác trong một xã hội như thế không? Bạn có bận tâm đến việc nộp thuế không? Người dân được dẫn dắt bởi một chính quyền như thế có xem trọng giáo dục và nhà nước không? Họ có đạo đức hơn không? Có lịch thiệp hơn không?

Khổng Tử cho rằng viên chức nhà nước hành động như những mẫu gương cho người dân. Nếu người dân thấy họ làm việc trung thực và tận tâm, thì cũng sẽ trở nên trung thực và tận tâm trong công việc. Ông nói, “Đức hạnh của bậc quân tử như gió còn đức hạnh của thường dân như cỏ: gió lay tất cỏ động.” Thường dân sẽ chuyển động theo hướng mà bậc quân tử dẫn dắt họ. Cả hành vi xấu cũng thế. Nếu bậc quân chủ và quan viên triều đình sa đọa, người dân cũng sẽ thế. Khi một viên quan triều đình nước Lỗ than phiền với Khổng Tử về nạn trộm cắp gia tăng, Khổng Tử bảo ông ta rằng nếu ông ta biết giũ bỏ vinh hoa phú quý, thì dân thường sẽ không trộm cắp nữa dù có cho họ tiền. Khi thèm muốn tiền tài quý giá, viên quan đó làm cho người dân thấy rằng đó mới là những thứ có giá trị vậy nên họ trộm chúng. Nếu viên quan trung thực và cần mẫn thì người dân cũng sẽ thế.

Nhà nước lý tưởng của Khổng Tử là một nhà nước cai trị thông qua mẫu gương đạo đức và quyền lực đạo đức chứ không phải thông qua luật pháp, hình phạt và cưỡng bức. Đây là nhà nước của đạo đức, không phải nhà nước của quyền lực.

Nhà nước tốt sẽ chiếm được lòng tin và được dân chúng ủng hộ. Khi xảy ra chiến tranh, thường dân sẽ sẵn lòng chiến đấu cho nó. Giả như Khổng Tử sống trong thời chiến thì rất có thể ông sẽ nói đến điều đó. Thay vào đó, sách kể rằng Vệ Linh Công nước Vệ hỏi Khổng Tử về chiến sự, Khổng Tử nói ông tuy biết về vấn đề lễ sự, nhưng chiến sự thì không. Hôm sau ông rời nước ấy. Khổng Tử nói rằng nhà nước có trách nhiệm đào tạo dân thường thành quân lính không phải chỉ để ném họ ra chiến trường. Việc đào tạo này, ngay cả trong một nhà nước của những bậc quân tử, có thể sẽ mất một vài năm. Nhưng Khổng Tử không đưa ra lời khuyên nào về chiến sự khi ông bàn đến nhà nước. Ông tin rằng chính nhà nước tốt, chứ không phải sự thành công trong chiến tranh, sẽ mang lại thành công cho vị quân chủ.

Một nước, đi theo một xu hướng đạo đức, chăm sóc cho dân chúng, sẽ hấp dẫn muôn người kéo, cũng như họ muốn đào thoát khỏi những nhà nước tàn bạo. Có một câu chuyện kể rằng trên đường lữ hành Khổng Tử gặp một người phụ nữ nghèo cùng con cô ta sống tại một nơi hay bị cọp quấy nhiễu. Khi ông hỏi tại sao cô ta không mang con đi chỗ khác, cô ta bảo cọp không nguy hiểm bằng khi sống dưới sự cai trị của tên hôn quân nước lân cận. Vậy cũng như con người ta tự nhiên sẽ lảng tránh những tên bạo chúa, họ cũng mong muốn được sống trong một nước của bậc minh quân.

Khổng Tử phê phán những lãnh đạo đương thời. Họ chỉ quan tâm đến bản thân, vui hưởng vinh hoa, phô trương phú quý địa vị. Tham vọng khiến họ chỉ hành động vì lợi ích bản thân, và hậu quả là dẫn đến chiến tranh. Tất cả những điều này đều đổ lên đầu dân thường cho họ gánh chịu, dù bằng cách này hay cách khác. Họ bị đánh thuế nặng và sung quân phục vụ cho những cuộc chiến mà họ không được lợi gì.

Nhà nước lý tưởng mà Khổng Tử đề xuất sẽ không vận hành như vậy. Nếu người quân tử phục vụ cho nhà nước, họ sẽ không tìm kiếm lợi ích cho bản thân. Họ sẽ không quan tâm đến phú quý hay địa vị. Họ sẽ không có tham vọng chinh phạt nước khác. Đời sống của dân chúng sẽ được cải thiện, đơn giản vì trước tiên chính quyền sẽ cất bớt gánh nặng cho họ.

Chính quyền và xã hội lý tưởng của Khổng Tử đều dựa trên lễ nghi và đạo đức. Một người vun trồng đức hạnh và học tập lễ nghi, trước hết là tại gia, sau qua giáo dục. Lý tưởng mà nói, gia đình vừa dạy cách cư xử đúng mực vừa là nơi quan trọng để thể hiện cách cư xử đúng mực ấy. Người quân tử dược dạy về các bài học và nghệ thuật trong quá khứ giúp anh ta tự tu thân, học tập lễ nghi, và học tiêu chuẩn phân biệt đúng sai. Người quân tử có trách nhiệm lập thân trong đời, nhất là khi có thể, thì là trong nhà nước.

Một vị quân chủ, tốt nhất là một hiền triết hoặc bậc quân tử, nên quy tụ chung quanh mình những người quân tự theo quan điểm của Khổng Tử, tức là những người không chỉ san sẻ gánh nặng của dân chúng, nhưng còn tạo ra một nhà nước giúp dân chúng xây dựng một cuộc sống sung túc và dần thấm nhuần nền đạo đức mà các bậc quân tử ấy nêu gương. Nhà nước phải hết mình vì lơi ích người dân; và đổi lại người dân phải tin vào nhà nước. Đó là bức tranh lý tưởng, nhưng trong cuộc sống mọi thứ không hề đơn giản và dễ dàng. Khổng Tử đã có cơ hội phục vụ trong nhà nước và thấy mình mắc kẹt giữa khát vọng cống hiến cải tổ nhà nước ấy và sự sợ hãi bị ảnh hưởng và sau cùng tạo ra một vị hôn quân.

Trong một cuộc đàm thoại chép trong sách Luận ngữ, Dương Hổ, gia thần họ nhà Quý ở nước Lỗ, có làm Khổng Tử bất mãn. Họ nhà Quý có quyền lớn ở nước Lỗ, chỉ sau vị quân chủ trên danh nghĩa, và họ nhà Quý hành xử như thể là những trung thần. Khổng Tử phê bình hành vi ngạo mạn của một số kẻ thời đó. Dương Hổ đề nghị Khổng Tử ra làm quan trong triều nước Lỗ.

Dương Hổ hỏi Khổng Tử tại sao ông cứ muốn ẩn giấu tài nghệ của mình. Ông hỏi thêm nếu một người có thể được xem là ngôn khoan không nếu bỏ lỡ cơ hội tiến thân. Sau cùng, Dương Hổ chỉ ra rằng thời gian cứ trôi qua và Khổng Tử sẽ già mà không có cơ hội được ra làm quan. Rõ ràng Khổng Tử là một người thông thái và bất kỳ nước nào cũng sẽ trọng dụng ông, nhưng ông không ngừng từ chối địa vị trong triều. Phải mất bao lâu Khổng Tử mới có thể thực hiện được lý tưởng đạo đức cao đẹp của mình, luôn khẳng định có thể cải tổ nhà nước nhưng lại từ chối nhận vị trí trong nó.

Sau cùng, Khổng Tử từ chối lời đề nghị ấy. Xuyên suất cuốn Luận Ngữ ta thấy Khổng Tử rất muốn hành động, nhưng rồi lại rút lui và vẫn giữ sự trung thành với tư tưởng của mình. Điều này làm dấy lên câu hỏi khi nào ta sẽ hành động. Nếu có cơ hội tạo lợi ích cho xã hội, thì liệu Khổng Tử, hay một người quân tử, hay bất kì ai trong chúng ta, có nên hạthấp các tiêu chuẩn của mình để nhận lấy vị trí hay không? Ta nên lượng thứ cho sự sa đọa ở mức nào? Liệu ta có thể phục vụ cho cả những hôn quân không, nếu có cơ hội tác động đến họ? Nếu không có nước nào đi theo Đạo, thì làm sao ta có thể tìm được một nhà nước để phục vụ? Người quân tử nên “nói thật trước quyền lực” nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu họ bị phớt lờ hoặc, như trong thời Chiến Quốc, bị sát hại vì làm như thế?

Nếu ta nhận một chức vụ trong nhà nước hoặc hỗ trợ nhà nước bằng cách nào đó, thì ta có trở thành một phần của sự suy đồi mà ta phản đối? Mặt khác, nếu đứng ngoài cuộc và không để tay vấy bân thì có lẽ sẽ làm ta nên cao thượng về mặt đạo đức nhưng khó mà hữu dụng. Nói một cách lý tưởng thì ta nên có đủ kiến thức để nhận ra lúc nào nên hành động và lúc nào không, nhưng cuộc sống quá ư rối rắm đối với Khổng Tử cũng như đối với chúng ta.

Một vấn đề khác trong tư tưởng của Khổng Tử về nhà nước ta cần bàn tới đó là Thiên mệnh (tức sự lựa chọn bởi Trời). Không nước nào trong thời Chiến Quốc có thể khẳng định mình có thiên mệnh: nếu họ có điều đó, họ sẽ chinh phạt tất cả những nước khác. Khổng Tử phản đối chính quyền sinh ra từ bạo lực, nhưng tư tưởng về thiên mệnh hàm ý việc sử dụng vũ lực để lật đổ triều đại cũ. Điều này khiến ông bối rối trước việc trung thành với nhà Chu đã mãn thời và thiên mệnh đòi buộc phải có một nước khác lật đổ nước ấy. Sau này những người theo Khổng Tử trong thời Chiến Quốc sẽ rút lại lòng trung thành của mình với triều đại cũ và nghiên về tư tưởng cho rằng Thiên mệnh sẽ đến với nước nào chính trực hơn và sẽ lật đổ nhà Chu.

Có người nói rằng tư tưởng của Khổng Tử chỉ đúng cho những nước nhỏ đương thời và không thể áp dụng cho những quốc gia lớn ngày nay. Đúng là cấu trúc nhà nước trong hình dung của Khổng Tử là cấu trúc theo ta thấy như sau: có vua, quan và dân chúng. Khổng Tử không định ra khuân mẫu cho bất kỳ thứ gì giống như một nhà nước hiện đại hay chế độ dân chủ. Nhưng tư tưởng của ông về chính trị vẫn có thể áp dụng. Có lẽ khá thú vị khi ta thấy một nhà nước đạo đức sẽ trông như thế nào.

Tóm lại, tư tưởng chính trị của Khổng Tử dựa trên quan niệm rằng nhà nước tồn tại vì lợi ích của dân chúng. Một nhà nước do những bậc quân tử hoặc hiền triết theo cách hiểu của Khổng Tử điều hành sẽ bắt đầu bằng cách làm sao cho danh chính ngôn thuận. Họ sẽ chăm sóc dân chúng bằng cách tạo ra một nền kinh tế thịnh vượng, không lạm thu thuế của dân, và không thí mạng sống dân chúng ngoài chiến trận. Người dân sẽ tin tưởng vào một nhà nước như thế, khi nhà nước tạo ra mẫu gương cho hành vi, thì đồng thời cũng sẽ giáo dục dân chúng về đạo đức và lễ nghi. Nhà nước nên dùng đức trị và gương mẫu đạo đức, không nên dùng luật pháp, hình phạt và cưỡng bức. Việc tu thân phải mang tính thể hiện trong xã hội và chính trị. Bất kể là trong gia đình, giữa bạn bè hay đồng nghiệp, hay trong nhà nước, các đức hạnh mà ta vun trồng sẽ giúp tạo ra một xã hội tốt hơn và một nhà nước tốt hơn. Khổng Tử, “ông già bảo thủ”, kêu gọi cải tổ toàn diện cho cá nhân và cho nhà nước. Chúng ta sẽ trở nên có giáo dục, có đạo đức và có khả năng hoạt động chính trị. Quốc gia phải tạo ra một nhà nước tốt, và nhà nước tốt ấy sẽ thúc đẩy nền đạo đức. “danh chính ngôn thuận” và nhà nước trong tay những người quân tử đạo đức, việc hướng dẫn dân chúng, trợ cấp cho họ, và hành động như như mẫu gương, tất cả sẽ giúp xã hội và nhà nước trở nên tốt đẹp hơn.

Hầu hết những điều chúng ta xem xét tới lúc này được nhiều học giả diễn giải theo những cách khác nhau. Ví dụ, bạn có thể tìm thấy một cách hiểu khác về nhân đạo và về lễ nghi trong một số văn bản và bản dịch khác. Phần tiếp theo mô tả một số lãnh vực còn bất đồng về tư tưởng của Khổng Tử. Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét những tư tưởng của ông về giáo dục. Giáo dục tự bản thân nó không phải là một vấn đề; vấn đề là theo tư tưởng của Khổng Tử ai mới có thể, và nên, được giáo dục, và điều này đưa chúng ta đến quan điểm của họ Khổng về phụ nữ. Thứ hai, chúng ta sẽ tìm hiểu quan điểm của Khổng Tử về sự siêu nhiên – thần thánh, vong hồn người chết, Trời, và tư tưởng về định mệnh.

5/5 - (3 votes)

BÀI LIÊN QUAN