Lịch Sử và Văn Minh

Đời Sống Của Người Athens và thành tựu của văn minh Hy Lạp cổ đại

Athens là trung tâm của nền văn minh Hy Lạp cổ đại, và có lẽ cũng là trung tâm của thế giới văn minh cổ đại. Từ Athens người Hy Lạp thống trị thế giới về mọi phương diện: hàng hải, kinh tế, thương mại, khoa học, nghệ thuật.

đời sống Athens
Đăng ngày:

Công dân, người nhập cư và nô lệ. Dân cư Athens trong các thế kỷ 5 và 4 TCN chia thành ba nhóm riêng biệt: công dân, người nhập cư và nô lệ. Công dân, dân số khoảng 160.000, chỉ gồm những ai là con của bố mẹ công dân, ngoại trừ một vài người đôi khi được đạo luật đặc biệt cấp quyền công dân. Người nhập cư, có lẽ không vượt quá con số 100.000, là người nước ngoài thường trú, chủ yếu là người Hy Lạp có nguồn gốc ngoài Athens, mặc dù một số là người Phoenicia và người Do Thái. Ngoại trừ việc không có đặc quyền chính trị và nói chung không được quyền sở hữu ruộng đất, thì người nhập cư cũng có cơ hội ngang bằng với công dân. Họ có thể làm một nghề nghiệp bất kỳ theo ý muốn và tham gia mọi hoạt động xã hội và tri thức. Trái với suy nghĩ của nhiều người, nô lệ ở Athens chưa hề chiếm đa số trong dân số. Số lượng cao nhất của họ dường như không quá 140.000. Nói chung, họ được đối xử rất tốt, và thường được thưởng công phục vụ trung thành bằng việc được trả tự do. Họ có thể làm việc ăn lương và sở hữu tài sản, một số đảm nhận các chức vụ đầy trọng trách như quan chức công nhỏ và quản lý ngân hàng.

Mức độ bình đẳng xã hội và kinh tế đáng ngạc nhiên. Đời sống Athens tương phản với đời sống trong hầu hết các nền văn minh khác thời đó. Một trong những đặc điểm hàng đầu của nó là mức độ bình đẳng xã hội, kinh tế đáng ngạc nhiên, dành cho mọi cư dân. Mặc dù đa số đều nghèo nhưng có một vài người rất giàu. Mức lương trung bình đều bằng nhau đối với tất cả các nhóm thợ, lành nghề cũng như mới vào nghề. Gần như mọi người, cho dù là công dân, người nhập cư, hay nô lệ đi nữa, đều ăn cùng một loại thức ăn, mặc cùng một loại quần áo, và tham gia cùng một loại hình giải trí. Sự bình đẳng cơ bản này được thực thi một phần bởi hệ thống nghi thức tế lễ, là sự phục vụ thành phố-thành bang của những người giàu có, chủ yếu trong hình thức đóng góp để giúp đỡ kịch nghệ, trang bị hải quân, hoặc cung cấp nhu yếu phẩm cho người nghèo.

Sự nghèo khó trong đời sống Athens. Đặc điểm nổi bật thứ hai trong đời sống Athens là sự nghèo khó trong tiện nghi và các mặt hàng xa xỉ. Một phần của điều này là do thu nhập thấp của đại đa số quần chúng. Thầy giáo, thợ điêu khắc, thợ nề, thợ mộc, và lao động phổ thông, tất cả đều nhận cùng một mức lương tiêu chuẩn là 1 drachma (khoảng 30 cent) mỗi ngày. Một phần có thể là do khí hậu ôn hòa, nên làm cho cuộc sống giản dị. Cho dù nguyên nhân nào đi nữa, nếu so sánh với các tiêu chuẩn hiện đại, thì người Athens sống quá nghèo. Họ không biết gì về những vật dụng thông thường như đồng hồ, xà phòng, báo chí, vải bông, đường, trà hay cà-phê. Giường của họ không có lò xo, nhà của họ không có cống thoát nước, thức ăn của họ chủ yếu là bánh lúa mạch, hành tây và cá, rửa tay bằng rượu pha loãng. Nếu xét về trang phục, họ cũng không khá giả gì. Một mảnh vải hình chữ nhật quấn quanh người, đính bằng kim gút ở vai, và một dây thừng quấn quanh thắt lưng, một mảnh vải lớn hơn phủ quanh người như một lớp áo choàng mặc khi ra phố. Không ai mang bít tất, một vài người cũng có đồ đi ở chân là dép lê.

Thái độ thờ ơ đối với việc kiếm sống bằng nghề kinh doanh. Nhưng thiếu tiện nghi và đồ dùng xa xỉ là một vấn đề không đáng quan tâm đối với công dân Athens. Vì họ hoàn toàn không thể nhận biết rằng những mặt hàng này là những nhu yếu phẩm quan trọng nhất trong cuộc sống. Mục đích của họ là phải sống càng thú vị, càng hài lòng càng tốt, không cần phải lao động quần quật suốt ngày để có được một chút thoải mái, tiện nghi cho gia đình. Họ cũng không quan tâm đến việc tích lũy của cải như một nguồn quyền lực hoặc uy tín. Những gì mà tất cả công dân thật sự mong muốn là một trang trại nhỏ hoặc buôn bán nhỏ giúp cho họ có được thu nhập hợp lý và đồng thời giúp họ có nhiều thời gian tiêu khiển trong các hoạt động chính trị, tán gẫu ngoài chợ, bàn luận về các hoạt động tri thức hoặc nghệ thuật nếu như họ có khả năng thưởng thức.

Thái độ đối với công việc. Người ta thường cho rằng người Athens quá lười biếng hoặc quá hợm mình đến mức không thể làm việc chăm chỉ để có được sự an toàn và mua sắm hàng xa xỉ. Nhưng thật ra không phải như thế. Thật ra có một số nghề nghiệp họ không làm vì họ cho đó là việc làm giảm giá trị hoặc làm hỏng tự do đạo đức. Họ không còng lưng đào bạc, đồng ở mỏ, vì công việc như thế chỉ thích hợp cho nô lệ có trình độ trí tuệ kém nhất. Mặt khác, có nhiều chứng cứ cho thấy đa số công dân Athens không có thái độ khinh miệt đối với lao động chân tay. Hầu hết trong số họ đều tự mình làm việc trong các nông trại, hoặc trong các cửa hiệu như những người thợ thủ công độc lập. Hàng trăm người khác kiếm sống như những người lao động làm thuê do thành phố-thành bang hoặc do người Athens tuyển dụng. Có nhiều chứng cứ cho thấy công dân, người lai và nô lệ làm việc sát cánh bên nhau, tất cả hưởng cùng một mức lương trong việc xây dựng các công trình công cộng, và ít nhất có một trường hợp đốc công là nô lệ”.11

Hoạt động kinh tế cơ bản. Mặc dù có sự phát triển thương mại và gia tăng dân số, tổ chức kinh tế của xã hội Athens vẫn còn tương đối đơn giản. Nông nghiệp và thương mại là những hoạt động quan trọng nhất. Ngay cả trong thời của Pericles, tuyệt đại đa số công dân vẫn còn sống ở nông thôn. Công nghiệp chưa phát triển cao. Sử sách ghi lại một vài hoạt động sản xuất quy mô lớn, chủ yếu trong ngành sản xuất đồ gốm và khí cụ chiến tranh. Cơ sở sản xuất lớn nhất xưa nay là nhà máy sản xuất khiên, do một người lai làm chủ, thuê 120 nô lệ. Không có cơ sở nào lớn bằng một nửa cơ sở này. Hoạt động thu hút số lao động đông nhất là các khu mỏ, thường do thành phố-thành bang sở hữu hoặc cho các nhà thầu nhỏ thuê lại từng phần rồi họ mướn nô lệ làm việc. Khối lượng hàng công nghiệp được lưu thông trong các cửa hiệu nhỏ, do thợ thủ công làm chủ, họ sản xuất hàng theo đơn đặt hàng của khách.

Thay đổi trong tôn giáo. Tôn giáo trải qua một số thay đổi đáng kể trong Thời hoàng kim. Thuyết đa thần và thuyết tính người nguyên thủy trong truyện thần thoại Homer phần lớn được thay thế, ít nhất trong giới trí thức, bằng một niềm tin tuyệt đối vào một Chúa như đấng tạo thành và cũng là người duy trì luật đạo đức. Nhiều triết gia, nhà thơ Pindar, nhà soạn kịch Aeschylus và Sophocles rao giảng giáo điều như thế.

Các kết quả có ý nghĩa quan trọng khác phát xuất từ hệ thống thờ cúng huyền bí. Những hình thức tôn giáo mới này lần đầu tiên thịnh hành trong thế kỷ 6 TCN do sự khao khát một niềm tin xúc cảm để bù đắp cho tâm trạng vỡ mộng trong cuộc sống. Quan trọng hơn trong số này là hệ thống thờ cúng Orphic, xoay quanh truyện thần thoại về sự chết đi sống lại của thần Dionysus. Hệ thống thờ cúng khác, hệ thống thờ cúng Eleusinian, với chủ đề trung tâm là Persephone bị Pluto bắt cóc, Pluto là nam thần cai quản cõi âm, và sau cùng Demeter, Mẹ Đất vĩ đại, bỏ tiền ra chuộc. Cả hai hệ thống thờ cúng này với mục đích ban đầu là quảng bá các thế lực ban phát sự sống trong tự nhiên, nhưng có lúc mang ý nghĩa sâu sắc hơn, truyền bá quan điểm chuộc lỗi thay cho người khác, cứu rỗi trong kiếp sau, và sự kết hợp trong trạng thái mặc khải với thần thánh. Mặc dù hoàn toàn không phù hợp với tinh thần tôn giáo cổ đại, nhưng chúng có sức hấp dẫn thuyết phục đối với một số nhóm người Hy Lạp và phần lớn là nguyên nhân dẫn đến sự phổ biến niềm tin vào sự bất tử của cá nhân. Tuy nhiên, đa số mọi người dường như vẫn trung thành với niềm tin máy móc, lạc quan, cho thế giới này của tiền nhân và thể hiện sự quan tâm không nhiều đối với sự chuộc lỗi hoặc khao khát có được sự cứu rỗi trong kiếp sau.

Gia đình ở Athens trong Thời hoàng kim. Phần còn lại nên điểm qua vị trí của gia đình ở Athens trong các thế kỷ 5 và 4 TCN. Mặc dù hôn nhân vẫn còn là một thể chế quan trọng trong việc sinh con, sau này trở thành công dân của thành phố-thành bang, nhưng cũng có lý do để cho rằng đời sống gia đình đã sa sút. Nhiều người trong các tầng lớp giàu có hơn ít ra lúc này phần lớn thời gian không dành cho gia đình. Các bà vợ được hạ xuống vị trí thấp kém hơn và vẫn còn bị biệt lập trong nhà. Vị trí của họ như những người bạn đời xã hội và tri thức đối với chồng lúc này bị phụ nữ xa lạ tước đoạt, hetaerae, nổi tiếng, phần lớn trong số này là cư dân bản địa có trình độ sống trong các thành phố Ionian. Bản thân hôn nhân cũng mang đặc điểm của sự xếp đặt chính trị và kinh tế, không còn thành phần lãng mạn nữa. Nam giới lấy vợ chỉ để đảm bảo rằng ít nhất một vài đứa con của mình trở thành người thừa kế hợp pháp và để chiếm hữu tài sản dưới dạng của hồi môn. Dĩ nhiên, cũng là điều quan trọng khi có người nào đó chăm sóc, cai quản trong gia đình.

Nhưng chồng không xem vợ ngang hàng mình, khi ra dường không cho vợ di theo, hoặc không khuyến khích vợ tham gia các hoạt động xã hội hoặc tri thức.

9. Thành Tựu Của Người Hy Lạp Và Ý Nghĩa Của Nó Đối Với Chúng Ta

Biên độ thành tựu của người Hy Lạp. Không một sử gia cẩn thận nào lại phủ nhận việc cho rằng thành tựu của người Hy Lạp là một trong những thành tựu nổi bật nhất trong lịch sử thế giới. Không có diện tích đất phì nhiêu bao la hay tài nguyên khoáng sản phong phú, nhưng họ thành công trong việc phát triển một nền văn minh cao hơn, đa dạng hơn bất kỳ quốc gia được đặc ân nhất ở phương Đông đến thời kì đó từng đạt được. Chỉ với một di sản văn hóa kế thừa hạn chế từ quá khứ, và dùng nó làm nền tảng để xây dựng tiếp, người Hy Lạp tạo ra nhiều thành tựu tri thức và nghệ thuật, được dùng làm nguồn truyền cảm hứng chính cho nhân loại trong khi đi tìm sự hiểu biết và cái đẹp.

Dường như hợp lý khi kết luận rằng họ đạt được cách sống bình thường hơn và duy lý hơn hầu hết các dân tộc khác từng sống trên hành tinh này. Vì không có cuộc cách mạng bạo lực ngoại trừ trong giai đoạn ban đầu, không xảy ra các vụ tội phạm dã man, và thái độ hài lòng với thú tiêu khiển đơn sơ, và của cải ở mức khiêm tốn nhất, tất cả đều cho thấy một cuộc sống tương đối hạnh phúc và thỏa mãn. Ngoài ra, thái độ đạo đức lành mạnh của người Hy Lạp đã giúp họ hoàn toàn tránh được tình trạng thần kinh bất ổn và xung đột cảm xúc vốn gây nhiều tác hại như trong xã hội hiện đại. Chẳng hạn, ở Hy Lạp rất hiếm các vụ tự tử12.

Đặc điểm không đáng mong muốn trong đời sống Hy Lạp. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng đối với một số đánh giá không phê phán đôi khi được thể hiện khi ám chỉ thành tựu của người Hy Lạp. Chúng ta không phải thừa nhận rằng tất cả cư dân bản địa Hellas đều là những người có học, hiểu biết, tự do như công dân Athens và công dân của các thành phố-thành bang Ionian trên khắp vùng biển Aegea. Người Sparta, người Arcadian, người Thessalian, và có lẽ đa số người Boeotian vẫn chưa được giáo hóa và vẫn còn “mông muội” từ đầu đến cuối lịch sử của họ. Ngoài ra, bản thân văn minh Athens không phải là không có hạn chế, nó cho phép bóc lột người yếu, nhất là bóc lột số nô lệ lao dịch trong các hầm mỏ, nó dựa trên nguyên tắc độc quyền chủng tộc nhắc nhở mọi người rằng một người nước ngoài bố mẹ của họ không phải là người Athens và do đó phủ nhận quyền chính trị đối với đa số cư dân trong nước. Thể chế thành phố-thành bang chưa được khai sáng thích hợp để tránh được cạm bẫy của chủ nghĩa đế quốc, và thậm chí tránh được chiến tranh xâm lược. Sau cùng, thái độ của công dân không phải lúc nào cũng công bằng, khoan dung. Socrates bị xử tử vì quan điểm của ông, và hai triết gia khác, Anaxagoras và Protagoras, buộc phải ra khỏi đất nước13.

Ảnh hưởng Hy Lạp đôi khi bị phóng đại. Ảnh hưởng của Hy Lạp thật ra không quá quan trọng như mọi người thường nghĩ. Không một sinh viên hiểu biết nào lại chấp nhận nhận định của Shelley: “Tất cả đều là người Hy Lạp, luật pháp của chúng ta, văn hóa của chúng ta, tôn giáo của chúng ta, nghệ thuật của chúng ta đều có nguồn gốc từ Hy Lạp”. Luật pháp của chúng ta thật ra không có nguồn gốc từ Hy Lạp mà chủ yếu từ các nguồn cổ Hy Lạp và La Mã. Phần lớn thi ca của chúng ta chắc chắn được truyền cảm hứng từ Hy Lạp nhưng đối với hầu hết văn xuôi của chúng ta, thì không phải. Tôn giáo của chúng ta một phần là tôn giáo Hy Lạp ngoại trừ ở chỗ tôn giáo chịu ảnh hưởng của Plato, Aristotle và người La Mã, tôn giáo ấy chủ yếu phản ánh tinh thần của phương Đông. Thậm chí nghệ thuật của chúng ta cũng mang hình thức và ý nghĩa từ La Mã cũng nhiều như từ Hy Lạp. Thật ra, nền văn minh hiện đại là kết quả của sự đồng quy của một số ảnh hưởng đến từ nhiều nguồn khác nhau. Ảnh hưởng từ Hy Lạp một phần bị lu mờ bởi những di sản kế thừa từ vùng Cận Đông, và từ người La Mã cũng như người Germain. Triết học dường như chỉ là một phân mảnh quan trọng duy nhất trong nền văn minh Hy Lạp kết hợp với văn hóa hiện đại hầu như còn nguyên vẹn.

Ảnh hưởng của người Hy Lạp đối với phương Tây. Bất chấp những điều này, sự mạo hiểm của người Hy Lạp có ý nghĩa sâu sắc đối với lịch sử thế giới. Vì người Hy Lạp là những người tạo ra gần như tất cả các quan điểm mà chúng ta thường nghĩ đó là quan điểm đặc trưng của phương Tây. Các nền văn minh ở phương Đông cổ đại, với ngoại lệ, ở mức độ nào đó, của người Do Thái, Ai Cập và Trung Hoa, bị chi phối bởi chính thể chuyên chế, chủ nghĩa siêu nhiên, chủ nghĩa giáo hội, sự phủ nhận cả tinh thần lẫn thể xác, và sự tuân phục của cá nhân đối với tập thể. Chế độ chính trị của họ là sự trị vì bằng vũ lực được thể hiện trong hình ảnh của một nhà vua chuyên quyền, được sự hỗ trợ của giới thầy tu quyền thế.

Tôn giáo của họ là sự thờ phụng các vị thần quyền năng, yêu cầu con người phải khiêm nhường, xem thường bản thân với mục đích mang lại vinh quang nhiều hơn cho họ. Văn hóa trong những đế chế hùng mạnh này chủ yếu được dùng làm công cụ tăng thêm quyền lực của thành phố-thành bang và làm tăng thêm uy tín của nhà cai trị và thầy tu.

So sánh quan điểm Hy Lạp với phương Đông. Trái lại, văn minh Hy Lạp, nhất là trong hình thức Athens, được hình thành trên quan điểm tự do, thái độ lạc quan, chủ nghĩa thế tục, tính duy lý, tôn vinh cả tinh thần lẫn thể xác, tôn trọng chân giá trị và giá trị của cá nhân con người. Ngoài ra, cá nhân phải tuân phục, sự tuân phục của cá nhân là tuân phục sự thống trị của đa số. Tôn giáo mang tính thực dụng, thuộc về thế giới này, phục vụ quyền lợi của con người. Thờ phụng thánh thần là cách để làm cho con người trở thành cao thượng. Trái với chủ nghĩa giáo hội của phương Đông, nói chung, người Hy Lạp không có chức thầy tu nào chính thức cả. Họ giữ thầy tu trong hậu trường, trong mọi hoàn cảnh, không cho phép họ đưa ra giáo điều và chi phối lĩnh vực tri thức. Ngoài ra, họ loại trừ thầy tu ra khỏi sự kiểm soát lĩnh vực đạo đức. Văn hóa của người Hy Lạp trước tiên dựa vào tính cơ bản của tri thức – dựa vào uy thế của tinh thần tự do tìm hiểu. Họ không ngại điều nghiên bất kỳ chủ đề nào cả, hay bất kỳ vấn đề mà họ xem là được loại trừ từ lĩnh vực lý trí. Ở mức độ nào đó, xưa nay chưa hề có, trí tuệ quan trọng hơn niềm tin, logic và khoa học quan trọng hơn mê tín14.

Bi kịch lịch sử Hy Lạp. Bi kịch đau thương nhất của người Hy Lạp, lẽ đương nhiên, là do họ không giải quyết được vấn đề mâu thuẫn chính trị. Ở mức độ rộng, mâu thuẫn này là hệ quả của những bất đồng xã hội và văn hóa. Do các điều kiện địa lý và kinh tế khác nhau, nên các thành phố-thành bang Hy Lạp phát triển với một tiến độ không đều. Một số tiến quá nhanh đạt đến trình độ văn hóa vượt trội, trong khi số khác ì ạch phía sau, có ít hoặc không có sự tiến bộ tri thức nào cả. Kết quả là bất hòa, nghi kị, dần dần dẫn đến thù ghét và sợ hãi. Mặc dù một số nhà tư tưởng tiến bộ hơn cố gắng truyền bá khái niệm cho rằng người Hellene là một dân tộc luôn có thái độ xem thường đối với những người không phải Hellene, hoặc “những người man di”, khái niệm này chưa bao giờ trở thành một bộ phận trong đặc tính dân tộc. Người Athens thù ghét người Sparta, và ngược lại, cũng như họ thù ghét người Lydia hoặc người Ba Tư. Ngay cả nguy cơ của cuộc xâm lăng châu Á cũng không đủ xua tan thái độ hoài nghi và chống đối của người Hy Lạp đối với dân tộc khác. Sau cùng cuộc chiến nổ ra giữa người Athens và Sparta đặt dấu chấm hết cho nền văn minh Hy Lạp cũng như do hậu quả xưa nay từ các cuộc xâm chiếm của nước ngoài. Có lúc dường như thể một thế giới mới, phần lớn là do không có sự phân biệt sắc tộc, đứng lên từ đống tro tàn của các thành phố-thành bang Hy Lạp, do những cuộc xâm chiếm của Alexander Đại đế. Alexander mơ đến một thế giới như thế, trong thế giới này không có người Athens, Sparta, Hy Lạp, Ai Cập, thật không may ông cùng các tướng lĩnh không biết cách nào để có được ngoại trừ việc áp đặt bằng vũ lực. Những sự tương đồng giữa các giai đoạn cuối cùng trong lịch sử Hy Lạp và lịch sử trong thời đại của chính chúng ta ít nhất cũng rất thú vị, nếu không nói mang tính quyết định.

4.7/5 - (7 votes)

BÀI LIÊN QUAN