Lịch Sử và Văn Minh

Khoa học và văn học nghệ thuật của người Hy Lạp xưa

Văn minh Hy Lạp cổ đại có những thành tựu rực rỡ về nghệ thuật, đặc biệt là kiến trúc và điêu khắc. Và cũng là nơi phát xuất những ý tưởng đầu tiên về khoa học

nghe thuat hy lap co dai
Đăng ngày:

Khoa học Hy Lạp

Trái với suy nghĩ thông thường, giai đoạn văn minh Hy Lạp, nói cho đúng ra, không phải là thời hoàng kim của khoa học. Đại đa số thành tựu khoa học thường được xem là của Hy Lạp trong giai đoạn cổ Hy Lạp, khi văn hóa không còn mang đặc điểm Hy Lạp chi phối nữa mà là sự hỗn hợp đặc điểm Hy Lạp và phương Đông. Quan tâm của người Hy Lạp trong thời kỳ Pericles và trong thế kỷ tiếp theo sau chủ yếu là tự biện và nghệ thuật, họ không quan tâm đến các tiện nghi vật chất hoặc sự hiểu biết vũ trụ tự nhiên. Do đó, với ngoại lệ một số phát triển quan trọng trong toán học, sinh học và y học, tiến bộ khoa học tương đối ít.

Toán học

Người sáng lập toán học Hy Lạp rõ ràng là Thales xứ Miletus, người ta cho rằng ông đưa ra một số định lý sau này được đưa vào hình học Euclid. Trong số này là các định lý như sau: (1) một đường kính bất kỳ cắt đôi hình tròn, (2) hai góc ở cạnh đáy tam giác cân bằng nhau, (3) nếu hai đoạn thẳng cắt nhau hai góc đối diện theo chiều thẳng đứng thì chúng bằng nhau. Có lẽ ý nghĩa hơn là công trình của phái Pythagoras, phát triển định lý phức tạp về các chữ số, phân chúng thành nhiều nhóm khác nhau, như số chẵn, số lẻ, số nguyên tố, số phức hợp, số chẵn-nhân-số chẵn, số hoàn toàn, v.v..

Người ta cũng cho rằng họ tìm ra lý thuyết tỷ lệ và lần đầu tiên chứng minh rằng tổng ba góc trong một tam giác bất kỳ bằng hai góc vuông. Nhưng nổi tiếng nhất trong số các thành tựu của họ là sự tìm ra định lý được quy cho bản thân Pythagoras: bình phương của cạnh huyền trong một tam giác vuông bất kỳ bằng tổng bình phương hai cạnh còn lại. Người Hy Lạp đầu tiên phát triển hình học thành một môn khoa học lúc này được cho là Hippocrates xứ Chios, không nên nhầm với thầy thuốc, Hippocrates xứ Cos.

Sinh học

Người Hy Lạp đầu tiên thể hiện sự quan tâm trong sinh học là triết gia Anaximander, người phát triển lý thuyết cơ bản về sự tiến hóa hữu cơ trên cơ sở nguyên tắc sống còn thông qua sự thích nghi dần với môi trường. Ông khẳng định động vật tổ tiên đầu tiên, sống dưới biển, ban đầu chiếm toàn bộ bề mặt trái đất. Khi nước rút, một số cơ thể sống có khả năng thích nghi với môi trường mới nên trở thành động vật sống trên cạn. Kết quả sau cùng của quá trình tiến hóa này là con người. Tuy nhiên, người sáng lập ngành sinh học thật sự là Aristotle.

Trong nhiều năm ông cất công nghiên cứu tìm hiểu cấu trúc, thói quen, và sự phát triển động vật, ông phát hiện nhiều vấn đề cho mãi đến thế kỷ 17 hay sau này vẫn chưa phát hiện được. Sự biến hình của nhiều loại côn trùng, thói quen sinh sản của lươn, sự phát triển phôi của hải cẩu (phôi được nuôi trong dạ con bằng nhau nhỏ kiểu động vật có vú sau này) – đấy chỉ là một số minh họa về phạm vì hiểu biết đáng kinh ngạc của ông. Thật không may, ông phạm một số sai lầm. Ông phủ nhận hoạt động giới tính của thực vật, và ông chấp nhận không phê phán một số” truyện thần thoại cổ đại về loài dê thở bằng tai, trong khi kền kền do gió làm thụ thai. Mặc dù ông tán thành lý thuyết tiến hóa, nhưng ông tin vào sự phát sinh tự phát của một số loài sâu và côn trùng.

Y học Hy Lạp cổ đại

Y học Hy Lạp cũng có nguồn gốc chung với triết học. Tiên phong là Empedocles với thuyết bốn nguyên tố (đất, không khí, lửa và nước), và Alcmeon, một thành viên thuộc trường phái Pythagoras. Empedocles phát hiện rằng máu chảy đến tim và từ tim chảy đến nơi khác, lỗ chân lông trên da hỗ trợ nhiệm vụ của đường hô hấp trong khi thở. Alcmeon là người đầu tiên thực hiện việc mổ xác động vật, phát hiện thần kinh thị giác và các ống Eustachian, ông hiểu rằng não là trung tâm của hệ thần kinh.

Quan trọng hơn vẫn là công trình của Hippocrates xứ Cos trong các thế kỷ 5 và 4 TCN. Nếu người thầy thuốc nổi tiếng này không có đóng góp nào ngoài việc đả phá mọi cách giải thích nguyên nhân bệnh là do siêu nhiên, thì ông vẫn xứng dáng được gọi là cha đẻ ngành y. Ông lặp đi lặp lại với học trò học thuyết cho rằng “tất cả bệnh tật đều có nguyên nhân tự nhiên, nếu không có nguyên nhân tự nhiên, thì không có bệnh gì cả”. Ngoài ra, theo phương pháp nghiên cứu tỉ mỉ và so sánh triệu chứng, ông đặt nền móng cho y học lâm sàng, ông phát hiện hiện tượng khủng hoảng trong khi mắc bệnh và cải thiện thông lệ phẫu thuật. Mặc dù ông có kiến thức sâu rộng về thuốc, nhưng cách điều trị chủ yếu của ông vẫn dựa vào chế độ ăn kiêng và nghỉ ngơi. Nguyên nhân chính khiến người ta không tin tưởng ông là do ông phát triển thuyết bốn thể dịch – khái niệm cho rằng bệnh tật là do số lượng dư thừa của mật vàng, mật đen, máu và đờm dãi trong hệ thống. Thông lệ làm cho bệnh nhân xuất huyết là kết quả tự nhiên đáng tiếc của thuyết này.

Văn học Hy Lạp cổ đại

Sử thi của những kỳ công phi thường. Nói chung, phương tiện thể hiện văn học phổ biến nhất trong thời kỳ tạo thành của một dân tộc là sử thi của những kỳ công phi thường. Đây chính là hình thức rất thích hợp với những ngày mở đầu cuộc chiến và thám hiểm tràn đầy nhiệt huyết nơi con người không có thời gian để kính sợ sự bí ẩn của vạn vật. Nổi tiếng nhất trong số sử thi Hy Lạp, trường ca Iliad và Odyssey, dưới dạng thành văn vào cuối Thời kỳ Homer. Trường ca Iliad với chủ đề tình yêu và sự phẫn nộ của Achilles, trường ca Odyssey mô tả những chuyến đi lang thang và trở về của Odysseus.

Cả hai đều có giá trị văn học quan trọng nhất trong các tình tiết được đan kết cẩn thận, trong âm nhạc của thi ca, trong sức hấp dẫn khoái cảm từ trí tưởng tượng, trong chủ nghĩa hiện thực khi mô tả nhân vật, và trong sự hiểu rõ tường tận cường độ cảm xúc. Hai trường ca này có ảnh hưởng rất nhiều đối với các tác gia sau này. Phong cách và ngôn ngữ trong trường ca truyền cảm hứng thi vị, cảm xúc nồng nhiệt trong thế kỷ 6 TCN, và cũng là nguồn không bao giờ cạn cho các tình tiết và chủ đề đối với các tác gia bi kịch nổi tiếng trong Thời hoàng kim.

Sự phát triển của thơ bi ai

Ba thế kỷ tiếp theo sau Thời kỳ Homer rất đáng lưu ý, như chúng ta đã thấy, với nhiều sự thay đổi rất lớn trong xã hội. Hình thái đời sống nông thôn nhường chỗ cho xã hội đô thị với tính phức tạp ngày càng tăng. Sự hình thành thuộc địa và sự phát triển thương mại tạo ra nhiều sự quan tâm mới và cách sống mới. Cá nhân cho đến lúc này ngày càng nhận thức rõ về quyền lực và tầm quan trọng của mình. Điều chắc chắn là những thay đổi này được phản ánh trong các hình thức văn học mới, nhất là loại mang tính riêng tư nhiều hơn.

Điều trước tiên cần phải phát triển là thể thơ bi ai, có lẽ nhằm mục đích để ngâm hơn là ca kèm với nhạc. Thể thơ này với chủ đề đa dạng từ phản ứng cá nhân cho đến sự mến mộ chủ nghĩa lý tưởng của những người ái quốc và những nhà cải cách. Tuy nhiên, nhìn chung, các bài thơ cũng là những hồi tưởng u sầu về sự vỡ mộng trong cuộc sống hay lời ca ai oán thông thiết về sự mất uy tín. Trong số các tác gia thơ bi ai thời kỳ này, nổi bật là Solon Nhà lập pháp, Mimnermus và Theognis.

Thơ trữ tình

Trong thế kỷ 6 và đầu thế kỷ 5 TCN, khúc bi thương dần dần được thay bằng bài thơ trữ tình (lyric), sở dĩ có tên gọi này là do người ta thường ngâm, ca kèm với nhạc đệm của đàn lyre. Loại thơ mới tỏ ra đặc biệt thích hợp với sự thể hiện các cảm xúc nồng nàn, thái độ yêu ghét mãnh liệt do cuộc đấu tranh giai cấp mà ra. Thơ trữ tình cũng được sử dụng cho các mục đích khác. Cả Alcaeus lẫn Sappho đều dùng thơ trữ tình để mô tả vẻ đẹp sâu sắc của tình yêu, nét duyên dáng yêu kiều của mùa xuân, và sự rực rỡ của đêm hè dưới ánh sao trời. Trong khi đó các nhà thơ khác phát triển loại thơ trữ tình hợp xướng, nhằm mục đích thể hiện cảm xúc của tập thể hơn là tình cảm của một cá nhân bất kỳ. Nổi tiếng nhất trong số các tác gia thể loại này là Pindar xứ Thebes, ông sáng tác vào khoảng nửa thế kỷ 5 TCN, thơ trữ tình của Pindar mang hình thức tụng ca tôn vinh chiến thắng của các lực sĩ và vinh quang của nền văn minh Hy Lạp. Chúng cũng có ý nghĩa quan trọng đối với nhận thức tôn giáo và đạo đức. Pindar chấp nhận quan niệm cho rằng thần Zeus là vị thần công chính, thần trừng phạt kẻ ác bằng “sự phán quyết trực tiếp” và phần thưởng dành cho điều thiện có cuộc sống “không hề biết khóc”.

Nguồn gốc bi kịch

Thành tựu văn học tuyệt vời nhất của người Hy Lạp là bi kịch. Cũng như nhiều loại hình tác phẩm nổi tiếng khác, bi kịch có nguồn gốc từ tôn giáo. Trong các lễ hội để tưởng nhớ thần Dionysus, nam thần mùa xuân và rượu vang, một nhóm hợp xướng gồm nam giới trang phục như những vị thần Rượu hay thần-dê ca múa quanh bàn thờ, nhiều đoạn trong các bài ca thần rượu hay thơ trừ tình hợp xướng kể lại câu chuyện về các vị thần. Vào thời điểm thích hợp, một diễn viên chính tách khỏi nhóm hợp xướng kể lại các phần chính của câu chuyện. Kịch đích thực ra đời vào khoảng thế kỷ 5 TCN khi Aeschylus đưa vào một “diễn viên” thứ hai và chuyển nhóm hợp xướng vào hậu cảnh. Tên “bi kịch” cũng được dùng để gọi thể loại kịch này có lẽ phát xuất từ tiếng Hy Lạp tragos nghĩa là “con dê”.

Bi kịch Hy Lạp so sánh với bi kịch hiện đại

Bi kịch Hy Lạp có sự tương phản đáng kể với bi kịch của Shakespeare hay Arthur Miller. Trước tiên, ít có động tác được thể hiện trên sân khấu, công việc chính của diễn viên là phải kể lại sự cố của một tình tiết vốn quen thuộc với khán giả, vì cốt truyện lấy từ các truyền thuyết trong dân gian. Thứ hai, bi kịch Hy Lạp ít chú ý đến việc tìm hiểu nhân cách cá nhân phức tạp. Cũng không có sự giãi bày, thổ lộ nhân cách theo những thay đổi tuần hoàn khi lâu năm trong nghề. Nói chung những tình tiết ấy hầu như không liên quan đến cá nhân mà chỉ thể loại. Trên sân khấu, diễn viên mang mặt nạ để hóa trang thành một nhân vật bất kỳ để phân biệt họ với những người khác.

Ngoài ra, bi kịch Hy Lạp khác với bi kịch hiện đại ở chỗ chủ đề xung đột giữa con người và vũ trụ, chứ không phải xung đột trong các nhân tính, hay xung đột nội tâm. Số phận bi kịch thường đến với nhân vật chính trong những vở kịch này đều là yếu tố bên ngoài bản thân con người. Số phận đến với họ khi họ phạm tội chống lại xã hội, bằng hành động phạm tội này anh ta đã chống lại trật tự đạo đức trong vũ trụ. Hình phạt phải đến tiếp theo sau để làm cho cán cân công lý quân bình. Sau cùng, mục đích của bi kịch Hy Lạp không chỉ đơn thuần là mô tả sự đau khổ và giải thích hành động của con người, mà còn mô tả “đạo đức lý tưởng của người Hy Lạp lý tưởng trong một hoàn cảnh đau khổ”, và để’ làm cho cảm xúc của người xem được trong sạch bằng cách mô tả chiến thắng của công lý.

Aeschylus và Sophocles

Như đã nêu, người sáng lập bi kịch Hy Lạp là Aeschylus (525-456 TCN). Mặc dù người ta cho rằng ông đã sáng tác khoảng 80 vở kịch, nhưng chỉ có 7 vở nguyên vẹn còn sót lại, trong số này là The Persians, Seven against Thebes, Prometheus Bound, và một bộ ba bi kịch gọi là Oresteia. Tội lỗi và trừng phạt là những chủ đề thường gặp trong hầu hết các vở kịch ấy.

Nhà soạn kịch nổi tiếng thứ hai, Sophocles (496-406 TCN), thường được xem là nhà soạn kịch vĩ đại nhất. Phong cách của ông trau chuốt hơn và triết học của ông thâm thúy hơn triết học của những người đi trước. Ông là tác giả của hơn 100 vở kịch, 18 vở trong số này giành giải nhất nhì. Hơn bất kỳ tác gia nào khác trong lịch sử Hy Lạp, ông là hiện thân của quan điểm Hy Lạp “không có gì thái quá”. Thái độ của ông rõ nét với sự yêu mến hòa hợp và hòa bình, tôn trọng chế độ dân chủ bằng sự hiểu biết, và đồng cảm sâu sắc với những điểm yếu của nhân loại. Nổi tiếng nhất trong số các vở kịch của ông hiện nay còn tồn tại là Oedipưs Rex, Antigone và Electra.

Euripides

Tác phẩm của người cuối cùng trong số các tác gia bi kịch, Euripides (480-406 TCN), phản ủng một tinh thần khác hẳn. Ông là người có thái độ hoài nghi, theo chủ nghĩa cá nhân, theo chủ nghĩa nhân văn, thích thú khi chế giễu truyện thần thoại thời cổ đại và “bò thiêng” trong thời đại của mình. Một người có thái độ bi quan, cay đắng phải gánh chịu bao lời châm chọc của giới phê bình đương đại, ông thích hạ thấp cái kiêu ngạo và tôn vinh cái tầm thường trong các vở kịch của mình. Ông là người đầu tiên dành cho thường dân, thậm chí hành khất và nông dân, một chỗ đứng trong kịch trường.

Euripides cũng nổi tiếng về thái độ đồng cảm đối với nô lệ, thái độ lên án chiến tranh, và phản đối việc loại trừ phụ nữ ra khỏi đời sống xã hội và tri thức. Vì theo chủ nghĩa nhân văn, nên ông có khuynh hướng mô tả nam giới đúng theo bản chất thật sự (hoặc thậm chí tệ hơn một chút), và ông đưa motif tình yêu của mình vào trong kịch nghệ, người ta thường xem ông là một người theo chủ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên điều cần nên nhớ là trong các khía cạnh khác, kịch của ông hoàn toàn tuân thủ mô hình Hy Lạp, không thể hiện hành động bạo lực, phát triển nhân tính, hay xung đột của bản ngã ở một mức độ đáng kể hơn tác phẩm của Sophocles hay Aeschylus. Trong số các bi kịch nổi tiếng nhất của Euripides là Alcestis, Medea và The Trojan Women.

Hài kịch Hy Lạp

Hài kịch Hy Lạp có nội dung thua xa bi kịch. Cũng giống như bi kịch, hài kịch được phát triển từ các lễ hội tưởng niệm nam thần Dionysiac, nhưng cho đến cuối thế kỷ 5 TCN mới phát triển toàn diện, điển hình là Aristophanes (448-380), nhà quý tộc có phần nào hiếu chiến, thô lỗ, sống ở Athens. Hầu hết các vở hài kịch của ông đều châm biếm quan điểm chính trị và tri thức của chế độ dân chủ cấp tiến trong thời đại.

Trong vở The Knights ông bêu riếu các chính khách bất tài, hám lợi có những hành động mạo hiểm khinh suất trong chủ nghĩa đế quốc. Trong vở The Frogs ông bài bác Euripides vì những đổi mới của Euripides trong kịch nghệ. Trong vở The Clouds ông dùng để châm biếm những người theo phái Ngụy biện, phân loại theo cách ác ý, ngu dốt, xem Socrates là một trong số này. Trong khi ông là một nhà thơ hiểu biết, một điều không phải bàn, hiểu rõ kỹ năng tưởng tượng và khôi hài tế nhị, nhưng quan điểm của ông phần lớn dựa trên thành kiến9.

Sử gia Hy Lạp: Herodotus

Không có mô tả nào về văn học Hy Lạp được xem là mô tả hoàn chỉnh nếu không đề cập đến hai sử gia vĩ đại nhất trong Thời hoàng kim. Herodotus, “người cha của Sử học” (484-425 TCN), là cư dân bản địa Halicarnassus ở Tiểu Á. Ông đi khắp nơi trong đế chế Ba Tư, Ai Cập, Hy Lạp và Ý, thu thập vô số dữ liệu lý thú về nhiều dân tộc khác. Mô tả nổi tiếng của ông về cuộc chiến lớn giữa người Hy Lạp và người Ba Tư bao gồm nhiều dữ liệu chi tiết đến mức tác phẩm có vẻ gần như là lịch sử thế giới. Ông xem cuộc chiến ấy là một cuộc đấu tranh có tính chất sử thi giữa phương Tây và phương Đông, với việc thần Zeus ban chiến thắng cho người Hy Lạp chống lại một lũ người man di hùng mạnh.

Thucydides

Nếu Herodotus xứng đáng được gọi là “người cha của sử học” thì người đương thời với ông nhưng trẻ tuổi hơn, càng xứng dáng được gọi như thế hơn. Thucydides (khoảng 465-399 TCN), xứng đáng được xem là cha đẻ của khoa học lịch sử. Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hoài nghi và phái Ngụy biện, Thucydides chọn phương pháp dựa trên cơ sở chứng cứ được sàng lọc cẩn thận, gạt bỏ quan điểm, truyền thuyết, và tin đồn.

Chủ đề trong quyển History của ông là cuộc chiến giữa Sparta và Athens, được ông mô tả rất khoa học và bình thản, nhấn mạnh tính phức tạp của nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột tai họa. Mục đích của ông là trình bày một mô tả chính xác, có lợi cho các chính khách và bạn đọc nói chung trong mọi thời đại, và phải nói rằng ông thành công trên mọi phương diện. Nếu có bất kỳ khiếm khuyết nào trong phương pháp lịch sử của ông, thì đó là sự quá nhấn mạnh các yếu tố chính trị và xem nhẹ các yếu tố kinh tế, xã hội.

Tầm Quan Trọng Của Nghệ Thuật Hy Lạp

Tầm quan trọng của nghệ thuật Hy Lạp. Có lẽ nghệ thuật thậm chí còn quan trọng hơn văn học khi phản ánh thực chất của nền văn minh Hy Lạp. Người Hy Lạp về cơ bản là người theo chủ nghĩa duy vật, hiểu thế giới của họ theo nghĩa cụ thể. Plato cùng các môn đồ theo tôn giáo huyền bí, lẽ đương nhiên, là một ngoại lệ, nhưng rất ít người Hy Lập khác lại quan tâm nhiều đến vũ trụ gồm các thực thể tinh thần. Vì thế lẽ đương nhiên việc tìm kiếm dấu hiệu cụ thể ấy trong kiến trúc và tượng điêu khắc sẽ minh họa tốt nhất cho quan điểm của người Hy Lạp sống trước thời đại Plato.

Quan điểm thể hiện trong nghệ thuật Hy Lạp

Nghệ thuật Hy Lạp thể hiện điều gì? Trước hết, nghệ thuật Hy Lạp mô tả chủ nghĩa nhân văn – ca ngợi con người như một sinh vật có ý nghĩa quan trọng nhất trong vũ trụ. Mặc dù phần lớn các tượng điêu khắc đều mô tả thần thánh, nhưng điều này không đánh mất tính chất nhân văn dù ở mức độ nhỏ nhất. Thần thánh Hy Lạp tồn tại vi lợi ích của con người, sao cho khi tôn vinh ca ngợi thần thánh, con người đã tôn vinh ca ngợi bản thân mình. Chắc chắn không có gì huyền bí hay thuộc thế giới khác trong các khía cạnh tôn giáo của nghệ thuật Hy Lạp.

Cả kiến trúc lẫn tượng điêu khắc đều thể hiện quan điểm cân đối, hài hòa, trật tự và điều độ. Tình trạng hỗn loạn và thái quá là những điều ghê tởm trong suy nghĩ của người Hy Lạp, vì thế bị hạn chế tuyệt đối. Do đó, nghệ thuật của người Hy Lạp thể hiện tính đơn giản và kiềm chế – một mặt không có sự trang trí thái quá, và mặt khác không có những quy ước hạn chế. Ngoài ra, nghệ thuật Hy Lạp là sự thể hiện đời sống dân tộc. Mục đích của nghệ thuật này không phải đơn thuần là mục đích mỹ học mà là chính trị: thể hiện niềm tự hào dân tộc trong thành phố mình sống và tăng cường nhận thức về sự đoàn kết, thống nhất.

Chẳng hạn, Đền thờ Parthenon ở Athens, là đền thờ Athena, nữ thần bảo vệ, cai quản cuộc sống kết đoàn của thành phố-thành bang. Trong việc dành cho nữ thần một đền thờ nguy nga để nữ thần thường xuyên ghé thăm, người Athens thể hiện chứng cứ về tình yêu của họ dành cho thành phố và hy vọng của họ mong muốn được hưởng phúc lợi mãi mãi.

Nghệ thuật Hy Lạp so sánh với nghệ thuật của các dân tộc sau này

Nghệ thuật của người Hy Lạp khác với nghệ thuật của tất cả dân tộc khác từ thời đại của họ trên nhiều phương diện lý thú.

Giống như hầu hết các bi kịch của Aeschylus và Sophocles, nghệ thuật mang tính phổ biến, gồm một vài chân dung cá nhân được thế hiện bằng tranh vẽ hoặc bằng tượng điêu khắc10. Con người được mô tả thường theo nhóm chung, chứ không phải theo cá nhân. Thêm lần nữa, nghệ thuật Hy Lạp khác với nghệ thuật của hầu hết các dân tộc sau này trong mục đích đạo đức. Nghệ thuật này không phải là nghệ thuật vì mục đích chỉ để trang trí đơn thuần hoặc thể hiện triết lý cá nhân của người nghệ sĩ, mà nó được xem là phương tiện làm cho con người thêm phần cao thượng. Điều này không có nghĩa là nó mang tính mô phạm đến mức giá trị của nó được xác định bằng bài học đạo đức mà nghệ thuật này truyền bá, mà đúng ra là để thể hiện tính chất nghệ thuật về cơ bản hằng sống.

Người Athens, ít nhất, chưa có sự phân biệt rõ nét giữa các lĩnh vực đạo đức và mỹ học, cái đẹp và cái thiện thật ra giống như nhau. Vì thế, đạo đức thật sự bao gồm sự sống duy lý, tránh cái quá mức, xem thường cái thái quá, và bất kỳ hình thức đạo đức nào di ngược với mỹ học. Sau cùng, nghệ thuật Hy Lạp có thể tương phản với hầu hết các hình thức nghệ thuật sau này ở chỗ nó không theo “chủ nghĩa tự nhiên”. Mặc dù người ta chú ý nhiều nhất trong việc mô tả thân hình đẹp, nhưng điều này không có liên quan gì đến lòng trung thành với tự nhiên. Người Hy Lạp không quan tâm đến việc tìm hiểu tự nhiên vì lợi ích của riêng mình, mà chỉ quan tâm đến việc thể hiện quan điểm của con người.

Các giai đoạn phát triển nghệ thuật Hy Lạp

Lịch sử nghệ thuật Hy Lạp chia thành 3 giai đoạn chính. Giai đoạn 1, có thể gọi là giai đoạn cổ đại, trong thế kỷ 7 và 6 TCN. Phần lớn giai đoạn này, tượng điêu khắc chủ yếu chịu ảnh hưởng của Ai Cập, như có thể nhìn thấy trong cách điêu khắc theo mặt trước và vẻ cứng nhắc của tượng, bờ vai vuông, chỉ bước về phía trước một bàn chân. Tuy nhiên, gần cuối giai đoạn này, những quy ước bị loại trừ. Phong cách kiến trúc chủ yếu cũng xuất phát từ giai đoạn này, người ta xây dựng một vài đền thờ ở dạng thô. Giai đoạn 2, khoảng thế kỷ 5 TCN, chứng kiến sự phát triển hoàn hảo của cả kiến trúc lẫn tượng điêu khắc. Nghệ thuật trong giai đoạn này chủ yếu theo chủ nghĩa duy tâm. Trong thế kỷ 4 TCN, là giai đoạn cuối cùng trong nghệ thuật Hy Lạp, có kiến trúc sa sút, tượng điêu khắc mang tính chất mới, phản ánh rõ ràng hơn phản ứng của cá nhân người nghệ sĩ, kết hợp các đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực, và đánh mất một số tính chất của nó như sự thể hiện lòng tự hào công dân.

Tượng thần Apollo bằng cẩm thạch, có lẽ vào cuối thế kỷ 7 TCN. Vào thời điểm này, tượng điêu khắc Hy Lạp vẫn còn chịu ảnh hưởng của Ai Cập, có thể nhìn thấy ở khăn dội đấu, nét mặt điềm tĩnh, cánh tay và bàn chân trong tượng này.

Kiến trúc

Vì tất cả những đặc điểm xuất sắc trong nghệ thuật, kiến trúc đền thờ Hy Lạp là một trong những kiến trúc đơn giản nhất trong các hình thái cấu trúc. Thành phần cơ bản của nó thực ra gồm 5 điểm: 1) Phần nội diện hoặc tâm công trình, là một căn phòng hình chữ nhật nơi để tượng thần; 2) Cột, hình thành hành lang và bao quanh phòng nội điện, 3) Rầm đỡ, đặt trên cột để đỡ mái; 4) Mái có đầu hồi; và 5) Trán tường hay phần hình tam giác nằm dưới đầu hồi. Người Hy Lạp cũng phát triền 2 kiểu kiến trúc khác, là những sửa đổi, bổ sung một số thành phần này.

Phổ biến hơn là Doric, sử dụng cột khá nặng, khoét rãnh sâu đặt lên trên đầu cột thường. Kiểu khác, lonic, sử dụng nhiều cột thon, duyên dáng hơn, được tạo rãnh phẳng, ba lớp chân, đầu cột trang trí hình xoắn ốc. Cái gọi là kiểu Corinthian, chủ yếu vào thời kỳ cổ Hy Lạp, khác với kiểu Ionic ở chỗ có nhiều trang trí hơn. Đền thờ Parthenon, minh họa điển hình cho kiến trúc Hy Lạp, về cơ bản là một công trình xây dựng theo kiểu Doric, nhưng phản ánh một số nét duyên dáng và tinh tế của Ionic. Đền thờ Nike ở Athens là một trong những tiêu bản đẹp nhất theo kiểu Ionic. Do Pericles lên kế hoạch xây dựng vào năm 450 TCN, nhưng có lẽ gần cuối thế kỷ 5 TCN mới hoàn thành.

Tượng điêu khắc

Theo quan điểm thịnh hành của nhiều nhà phê bình, tượng điêu khắc Hy Lạp đạt đỉnh điểm phát triển trong tác phẩm của Phidias (500?-432?). Tuyệt tác của ông là tượng nữ thần Athena đặt trong đền thờ Parthenon và tượng nam thần Zeus đặt trong Đền thờ Thần Zeus trên núi Olympus. Ngoài ra, ông còn thiết kế và giám sát việc thực hiện các phù điêu trong đền thờ Parthenon. Đặc điểm chính trong tác phẩm của ông là vẻ rực rỡ trong quan niệm, tinh thần yêu nước, tỉ lệ, chân giá trị và kiềm chế.

Gần như tất cả các tượng của ông đều là sự mô tả thần thánh và sinh vật thần thoại có hình dạng con người được lý tưởng hóa. Nhà điêu khắc quan trọng nhất thế kỷ 5 TCN đứng hàng thứ hai là Myron, nổi tiếng với các tượng người ném đĩa và các tượng tôn vinh vẻ đẹp lực sĩ khác. Tên tuổi của 3 nhà điêu khắc nổi tiếng trong thế kỷ 4 TCN vẫn còn được lưu truyền cho đến thời của chúng ta.

Có tài nhất trong số những người này là Praxiteles, nổi tiếng với các tượng mô tả thần thánh nhân cách hóa bằng phần thân mình mảnh mai, duyên dáng, nét mặt điềm tĩnh. Nổi tiếng nhất trong số các tác phẩm của ông là tượng Hermes cùng con là Dionysus. Người cùng thời với ông, nhưng lớn tuổi hơn, Scopas, nổi tiếng như một nhà điêu khắc cảm xúc. Một trong những tác phẩm thành công nhất của ông là tượng một người mộ đạo trong trạng thái xuất thần, một tín đồ thờ thần Dionysus, trong tình trạng xuất thần huyền bí. Đến cuối thế kỷ 4 TCN, Lysippus thậm chí còn đưa các đặc điểm rõ nét hơn về chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa cá nhân vào trong tượng điêu khắc. Ông là bậc thầy đầu tiên trong mô tả hiện thực cùng như nghiên cứu đặc điểm nhân vật.

Discobolus, hoặc tượng Người Ném đĩa, của Myron. Tượng này ca ngợi đặc điểm thể hình của người Athens trong Thời hoàng kim. Tỉ lệ của tượng, sự phát triển và kết hợp cơ bắp, thái độ điềm tĩnh, tự tin trên nét mặt hoàn hảo. Discobolus hiện ở trong Viện bảo tàng Vatican.

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN