Lịch Sử và Văn Minh

Aristole, Plato, Socrates và nền triết học Hy Lạp cổ đại

Một trong những di sản lớn lao và có tính nền tảng nhất mà nền văn minh Hy Lạp cổ đại để lại cho nhân loại chính là triết học. Đến nay, những triết gia Hy Lạp vẫn là tượng đài minh triết cho nhân loại, trong đó có thể kể tới những tên tuổi…

aristole và triet hoc hy lap co dai
Văn Minh Hy La
1,289 views

Nguồn gốc triết học Hy Lạp

Từ những gì đã đề cập trong các chương trước, điều thấy rõ là khái niệm chung cho rằng tất cả triết học có nguồn gốc từ người Hy Lạp thì thật là ảo tưởng. Trước đó nhiều thế kỷ, người Ai Cập đã có nhiều suy nghĩ về tính chất vũ trụ, cũng như các vấn đề xã hội, đạo đức của nhân loại. Thành tựu của người Hy Lạp đúng ra là sự phát triển triết học với ý nghĩa bao quát hơn trước đó. Họ cố tìm câu trả lời đối với tất cả vấn đề về tính chất vũ trụ, vấn đề chân lý, ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Mức độ thành tựu của họ được xác nhận qua thực tế triết học xưa nay phần lớn là cuộc tranh luận về tính giá trị của một số kết luận của họ.

Triết học theo trường phái Miletus

Triết học Hy Lạp có từ thế kỷ 6 TCN trong tác phẩm của cái gọi là trường phái Miletus, với các thành viên là cư dân bản địa sống trong thành phố thương mại lớn Miletus bên bờ biển Tiểu Á. Triết học của họ về cơ bản là triết học khoa học và theo chủ nghĩa duy vật. Vấn đề thu hút sự chú ý của họ là tìm hiểu tính chất của thế giới tự nhiên. Họ cho rằng vạn vật có thể được thu gọn thành một số chất cơ bản hoặc chất nguyên thủy vốn là nguồn hình thành thế giới, các vì sao, động vật, thực vật và con người, để sau cùng tất cả đều trở về chất cơ bản ấy. Thales, người sáng lập trường phái, nhận thức rằng vạn vật đều có độ ẩm, ông cho rằng chất cơ bản chính là nước.

Anaximander nhất quyết rằng không thể có một chất đặc biệt nào như nước hay lửa mà là một số chất “không được tạo thành và không thể biến mất” và chất này “hàm chứa và dẫn dắt vạn vật”. Ông gọi chất này là chất Vô hạn. Điều dễ nhận thấy là những gì ông suy nghĩ là một khối lượng vật chất không thể xác định, từ khối lượng này hình thành các sự vật riêng rẽ. Thành viên thứ ba trong trường phái, Anaximenes, tuyên bố rằng chất nguyên thủy trong vũ trụ là không khí. Lúc đầu, mặc dù điều này có vẻ là bước thụt lùi so với quan điểm cho rằng một trong số các nguyên tố là nguồn gốc hình thành vạn vật. Nhưng thật ra không phải như thế, vì Anaximenes thật sự chọn không khí là chất mầm vì nó có thể đưa ra lời giải thích vũ trụ về lượng. Nói cách khác, ông cho rằng sự khác biệt chủ yếu giữa sự vật chỉ đơn thuần nằm trong số lượng chất cơ bản mà các sự vật chứa đựng. Không khí khi loãng biến thành lửa, khi đặc dần dần biến thành gió, hơi nước, nước, đất và đá.

Ý nghĩa các quan điểm của trường phái Miletus

Mặc dù trông có vẻ ngây ngô trong kết luận, nhưng triết học thuộc trường phái Miletus có ý nghĩa rất quan trọng, nó phá vỡ niềm tin thần thoại của người Hy Lạp về nguồn gốc hình thành thế giới và thay bằng một cách giải thích hoàn toàn duy lý. Nó làm sống lại và phát triển quan niệm của người Ai Cập về tính vĩnh hằng của vũ trụ và tính không thể phá hủy vật chất. Nó đưa ra thật rõ ràng, nhất là trong quan điểm của Anaximander, khái niệm về sự tiến hóa hiểu theo nghĩa thay đổi nhịp nhàng, về sự hình thành và suy tàn liên tục. Kết luận trông có vẻ cũng logic khi cách giải thích vũ trụ về lượng của Anaximenes mở đường cho khái niệm nguyên tử trong vật chất.

Những người theo thuyết Pythagoras

Trước khi thế kỷ 6 TCN kết thúc, triết học Hy Lạp phát triển thành triết học siêu hình, nghĩa là, triết học không còn quan tâm duy nhất đến các vấn đề thế giới tự nhiên, và chuyển hướng chú ý sang các vấn đề sâu sắc hơn về tính chất của hữu thể, ý nghĩa của chân lý, vị trí của thần thánh trong sơ đồ sự vật. Người đầu tiên điển hình cho khuynh hướng mới là những người theo thuyết Pythagoras, giải thích triết học phần lớn theo nghĩa tôn giáo. Người ta biết về họ không nhiều ngoại trừ người lãnh đạo, Pythagoras, từ đảo Samos di cư đến miền nam nước Ý, và sáng lập một cộng đồng tôn giáo ở Croton.

Ông cùng các môn đệ rao giảng rằng cuộc sống tự biện là cuộc sống tốt đẹp nhất, nhưng để có được cuộc sống như thế, người ta phải tự làm cho mình trong sạch, không có những ý nghĩ, ham muốn xác thịt đen tối. Họ cho rằng bản chất của sự vật không phải là một chất cụ thể mà là một nguyên tắc con số trừu tượng. Ý nghĩa chính của họ nằm trong sự phản biệt rạch ròi mà họ đưa ra giữa tinh thần và vật chất, sự hòa hợp và bất hòa, điều thiện và điều ác. Có thể không phải là không chính xác khi xem họ là những người sáng lập đích thực thuyết nhị nguyên trong tư tưởng Hy Lạp.

Tiếp tục cuộc tranh luận về tính chất vũ trụ

Có công trình nghiên cứu của những người theo thuyết Pythagoras thúc đẩy cuộc tranh luận về tính chất vũ trụ. Một số người đương thời với họ, nhất là Parmenides, lập luận rằng tính ổn định hoặc thường trực là tính chất thực của sự vật, thay đổi và đa dạng là những ảo giác từ các giác quan. Parmenides qua điều này hàm ý rằng bên dưới tất cả những thay đổi bề mặt đang diễn ra quanh chúng ta là những sự vật thật sự kéo dài. Chúng ta không thể nhận biết chúng bằng các giác quan của mình, mà chúng ta chỉ có thể khám phá sự tồn tại của chúng bằng lý trí.

Trực tiếp đối lập với quan điểm này là quan điểm của Heracleitus, ông lập luận rằng sự thường trực là ảo giác, chỉ có thay đổi mới là thực. Ông cho rằng, vũ trụ đang ở trong tình trạng thay đổi liên tục đến mức không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Sự tạo thành và hủy diệt, sống và chết, là những mặt phải trái của cùng một bức tranh. Trong khi khẳng định những quan điểm như thế, Heracleitus thật ra cho rằng sự vật chúng ta nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy, là tất cả những gì có trong thực tại. Sự tiến hóa hoặc thay đổi liên tục là định luật trong vũ trụ. Cây hoặc đá ở đây và hôm nay, nhưng ngày mai không còn nữa, không có chất cơ bản nào tồn tại mà không thay đổi trong suốt sự vĩnh hằng.

Giải quyết vấn đề của những người theo thuyết nguyên tử

Câu trả lời cuối cùng đối với vấn đề tính chất vũ trụ do những người theo thuyết nguyên tử đưa ra. Người sáng lập thuyết nguyên tử là Leucippus, nhưng triết gia phát triển thuyết này chính là Democritus, sống ở Abdera, ven bờ biển Thracian vào nửa sau thế kỷ 5 TCN. Theo tên gọi hàm ý, những người theo thuyết nguyên tử cho rằng những chất cấu thành vũ trụ cơ bản là nguyên tử, số lượng vô hạn, không thể hủy diệt và không thể phân chia. Mặc dù những nguyên tử này khác nhau về hình dạng, kích thước, nhưng chúng giống hệt nhau về thành phần cấu tạo.

Do chuyển động vốn có trong chúng, nên sau cùng chúng kết hợp, tách rời, rồi tái kết hợp trong các sắp xếp khác nhau. Tất cả cơ thể sống hoặc vật thể riêng lẻ trong vũ trụ, vì thế là kết quả của sự tập hợp nguyên tử ngẫu nhiên. Khác biệt duy nhất giữa người và cây là sự khác biệt về số lượng và sự sắp xếp nguyên tử. Đây là triết lý tượng trưng kết quả cuối cùng của các khuynh hướng theo chủ nghĩa duy vật trong tư tưởng Hy Lạp ban đầu. Democritus phủ nhận sự bất tử của linh hồn và sự tồn tại của một thế giới tâm linh bất kỳ. Có vẻ khó hiểu trong suy nghĩ của một số người, ông là một người theo chủ nghĩa duy tâm đạo đức, khi quả quyết rằng “Điều thiện không có nghĩa là hoàn toàn không làm điều ác mà đúng ra không có mong muốn làm điều ác”3.

Cách mạng tri thức do những người theo phái Ngụy biện khởi xướng

Khoảng giữa thế kỷ 5 TCN, một cuộc cách mạng tri thức bắt đầu ở Hy Lạp. Sự gia tăng thường dân, sự phát triển chủ nghĩa cá nhân, và yêu cầu phải có cách giải quyết nhiều vấn đề thực tế tạo ra phản ứng chống lại cách tư duy lỗi thời. Do đó, giới triết gia không còn nghiên cứu, tìm hiểu vũ trụ tự nhiên nữa và chuyển sang các chủ đề có quan hệ mật thiết với con người hơn. Những người đầu tiên thể hiện khuynh hướng tri thức mới là những người thuộc phái Ngụy biện.

Ban đầu, từ này có nghĩa “những người thông thái”, nhưng về sau được sử dụng theo nghĩa hạ thấp giá trị đối với những người sử dụng lập luận bề ngoài có vẻ hợp lý. Vì hầu hết hiểu biết của chúng ta được xuất phát từ những người theo phái Ngụy biện trong thời kỳ sau, từ Plato, một trong số những nhà phê bình nghiêm khắc nhất của họ, nên người ta thường xem họ là kẻ thù của tất cả những gì tốt nhất trong văn hóa Hy Lạp. Nghiên cứu hiện đại phơi bày tính chất ngụy biện trong một kết luận cực đoan như thế, cho dù một số thành viên trong nhóm thiếu ý thức trách nhiệm xã hội và hoàn toàn vô liêm sỉ trong việc “làm cho nguyên nhân tệ hại hơn trở thành nguyên nhân tốt hơn”.

Luận điểm của Protagoras

Nổi tiếng nhất trong số những người thuộc phái Ngụy biện chắc chắn là Protagoras, một cư dân bản địa Abdera nhưng thường truyền bá hầu hết các bài thuyết giảng của mình ở Athens. Luận điểm nổi tiếng nhất của ông: “Con người là thước đo vạn vật”, của những tồn tại, bởi vì chúng đang tồn tại, của những vật không tồn tại, bởi vì chúng không tồn tại”. Qua câu nói này, ông hàm ý tính thiện, chân lý, công lý, và cái đẹp đều có liên quan với nhu cầu và quyền lợi của con người. Không có chân lý nào tuyệt đối hoặc tiêu chuẩn công lý và đều phải vĩnh hằng. Vì sự nhận thức bằng giác quan là nguồn hiểu biết duy nhất, nên chỉ có chân lý đặc biệt có giá trị trong một thời gian và địa điểm nhất định. Do đó, hệ thống đạo đức cũng khác nhau ở mọi người.

Người Sparta khuyến khích ngoại tình trong một số trường hợp đối với người vợ cũng như người chồng, người Athens tách biệt phụ nữ, thậm chí không cho phép họ có được cuộc sống xã hội bình thường. Trong số những tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn nào đúng? Không có tiêu chuẩn nào đúng hiểu theo nghĩa tuyệt đối, vì không có chuẩn mực tuyệt đối nào về cái đúng, cái sai theo quy định vĩnh hằng trên trời phù hợp với mọi trường hợp, nhưng cả hai đều đúng hiểu theo nghĩa tương đối rằng chỉ riêng sự đánh giá của con người là đủ để xác định điều gì là đúng.

Học thuyết cực đoan của những người thuộc phái Ngụy biện sau này

Một số người thuộc phái Ngụy biện sau này đã đi quá xa so với lời dạy của bậc thầy nổi tiếng của họ. Chẳng hạn, Gorgias, xuyên tạc thái độ hoài nghi của Protagoras thành học thuyết cho rằng trí tuệ con người không hề hiểu được bất cứ chuyện gì ngoại trừ suy nghĩ chủ quan của chính minh, Ông tuyên bố”, “Không có gì tồn tại, nếu có gì tồn tại thì người ta vẫn không thể biết, nếu người ta có cơ hội tìm hiếu nó; thì nó vẫn là một bí ẩn, con người không có khả năng nói cho đồng loại của mình biết điều ấy”.

Chủ nghĩa cá nhân ngụ ý trong lời dạy của Protagoras bị Thrasymachus làm méo mó thành học thuyết cho rằng tất cả luật pháp và tập quán là những thể hiện ý muốn của kẻ mạnh nhất, khôn ngoan nhất để giành lợi thế cho riêng mình, do đó người khôn ngoan là “người hoàn toàn bất công”, người ở trên luật pháp và chỉ quan tâm đến việc làm hài lòng những mong muốn của riêng mình.

Đóng góp giá trị của những người thuộc phái Ngụy biện

Nhưng những gì đáng phục trong luận điểm của những người thuộc phái Ngụy biện cho dù họ là người cực đoan nhất đi nữa, không có ngoại lệ, họ luôn lên án nạn mua bán nô lệ, và tính độc quyền chủng tộc của người Hy Lạp. Họ là chiến sĩ đấu tranh vì tự do, quyền của thường dân, quan điểm thực dụng và tiến bộ. Họ hiểu rõ hành động điên rồ của chiến tranh, chế giễu chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiến ngớ ngẩn của nhiều người Athens. Có lẽ công việc quan trọng nhất của họ là phát triển triết học, bao gồm không những vật lý học và siêu hình học, mà còn đạo đức học, chính trị học và nhận thức luận, hay khoa học kiến thức. Theo Cicero, họ “đưa triết học từ trên trời xuống nơi ở của con người”.

Phản ứng chống lại phái Ngụy biện

Điều chắc chắn là thuyết tương đối, thái độ hoài nghi, và chủ nghĩa cá nhân của những người thuộc phái Ngụy biện đã dấy lên làn sóng phản đối. Theo đánh giá của nhiều người Hy Lạp có quan điểm bảo thủ hơn, thì những học thuyết này dường như dẫn đến tình trạng vô chính phủ và thuyết vô thần. Nếu không có chân lý sau cùng, và nếu điều tốt và công lý chỉ mang tính tương đối đối với ý thích chợt nảy ra của cá nhân, thì tôn giáo, hệ thống đạo đức, nhà nước, cũng như xã hội không thể duy trì được lâu dài. Kết quả của sự thú nhận này là sự phát triển một phong trào triết học mới trên cơ sở lý thuyết cho rằng chân lý là thực và các tiêu chuẩn tuyết đối đang thật sự tồn tại. Lãnh đạo của phong trào này có lẽ là ba nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử tư tưởng – Socrates, Plato và Aristotle.

Sự nghiệp của Socrates

Socrates sinh ở Athens năm 469 TCN, trong một gia đình có địa vị khiêm tốn, bố ông là thợ tạc tượng, mẹ ông là bà mụ. Chưa ai rõ ông đi học bằng cách nào, nhưng chắc chắn ông quen thuộc với các lời dạy của các nhà tư tưởng Hy Lạp trước mình, người ta cho rằng do ông đọc nhiều,

Cảm nhận về ông như một người nói lắp giữa chợ là một suy nghĩ không căn cứ. Ông trở thành triết gia chủ yếu là do tranh luận các giáo điều của những người theo phái ngụy biện, ít lâu sau, ông tập hợp quanh mình nhiều người hâm mộ, trong đó có hai quý tộc trẻ, Plato và Alcibiades. Năm 399 TCN ông bị xử tử hình vì tội “làm cho thanh niên hư hỏng, truyền bá thần thánh mới”, Lý do thật sự của vụ xử bất công này là kết quả bi kịch đối với Athens, với Cuộc chiến Peloponnesia. Vô cùng bất bình và tuyệt vọng, người dân chống lại Socrates vì ông quan hệ với giới quý tộc, kể cả kẻ phản bội Alcibiades, và do ông phê phán niềm tin của quần chúng.

Triết học của Socrates

Vì lý do Socrates không viết gì về bản thân mình, nên giới sử gia gặp rắc rối khi xác định phạm vi các luận điểm triết học của ông. Người ta thường xem ông như một người thầy dạy đạo đức, không quan tâm đến triết học trừu tượng, cũng như không ham muốn sáng lập một trường phái tư tưởng mới. Tuy nhiên, việc thu nhận Plato, cho thấy phần lớn học thuyết Tư tưởng nổi tiếng thật ra là của Socrates. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng có lý khi chắc chắn rằng Socrates tin tưởng tuyệt đối vào kiến thức có giá trị phổ biến và ổn định, mà con người có thể sở hữu nếu chỉ theo đuổi phương pháp thích hợp.

Phương pháp này bao gồm sự trao đổi và phân tích ý kiến, trong việc hình thành và kiểm tra định nghĩa tạm thời, cho đến sau cùng bản chất chân lý được tất cả công nhận, có thể chắt lọc ra. Socrates lập luận theo cách tương tự con người có thể khám phá ra các nguyên tắc về công lý và điều phải có giá trị lâu dài độc lập với những ham muốn ích kỷ của con người. Ngoài ra, ông cho rằng việc khám phá những nguyên tắc đạo đức duy lý như thế sẽ là kim chỉ nam không thể sai lầm cho một cuộc sống đức hạnh, vì ông phủ nhận rằng bất kỳ ai thật sự hiểu được điều thiện thì không hề chọn điều ác.

Plato

Người học trò nổi tiếng nhất của Socrates là Plato, sinh ở Athens năm 427 TCN, trong một gia đình quý tộc. Tên thật của ông là Aristocles, “Plato” là tên riêng, do một người thầy của ông đặt, vì dáng người của ông to bè. Khi 20 tuổi, ông tham gia trường phái triết học Socrates, vẫn còn là thành viên cho đến khi thầy bị chết bi thảm. Dường như ông cũng được truyền cảm hứng từ các luồng tư tưởng khác nhau, nhất là từ lời dạy của Parmenides và những người theo thuyết Pythagoras. Không như người thầy nổi tiếng của mình, ông sáng tác rất nhiều, mặc dù một số tác phẩm quy ông là tác giả, nhưng cũng thật đáng ngờ. Nổi tiếng nhất trong số các tác phẩm của ông là những cuộc đối thoại như Apology, Protagoras, Phaedrus, Timaeus và Republic. Ông cũng dự định hoàn tất tác phẩm nổi tiếng khác, Laws, nhưng ông mất ở tuổi 81.

Triết học ý niệm của Plato

Mục đích của Plato trong phát triển triết học cũng giống như mục đích của Socrates mặc dù có phần nào rộng hơn: 1) Đấu tranh cho học thuyết xem thực tại như một sự thay đổi xáo trộn, và thay cách giải thích vũ trụ bằng cách giải thích có mục đích, chủ yếu về mặt tinh thần; 2) Phản bác thuyết tương đối và thái độ hoài nghi của những người theo phái Ngụy biện và 3) Cung cấp một nền tảng vững chắc cho đạo đức học. Để thực hiện những mục đích ấy, ông phát triển học thuyết Ý niệm nổi tiếng. Ông thừa nhận rằng tính tương đối và sự thay đổi liên tục là đặc điểm của thế giới gồm các sự vật tự nhiên, thế giới chúng ta nhận thức bằng chính các giác quan. Nhưng ông phủ nhận rằng thế giới này là một vũ trụ phức tạp.

Có một vương quốc tinh thần, cao hơn, gồm các hình thức vĩnh hằng hoặc Tư tưởng chỉ có trí tuệ mới có thể nhận thức được. Tuy nhiên, đây không phải là những điều trừu tượng do trí tuệ của con người nghĩ ra, mà là thế giới các thực thể tinh thần. Mỗi sự việc là nguyên mẫu hoặc mẫu của một số loại đối tượng hoặc mối quan hệ cụ thể giữa các sự vật trên trái đất. Vì thế, có ý niệm của con người, cây cối, hình dạng, kích thước, màu sắc, tỉ lệ, cái đẹp và công lý. Cao nhất trong số tất cả chúng là ý niệm về Điều thiện, là một nguyên nhân chính, và cũng là mục đích định hướng toàn bộ vũ trụ. Sự vật chúng ta nhận thức bằng giác quan chỉ là những mô phỏng không hoàn hảo thực tại siêu phàm, Ý niệm.

Triết học đạo đức và tôn giáo của Plato

Triết học đạo đức và tôn giáo của Plato có quan hệ mật thiết với học thuyết Ý niệm. Như Socrates, ông cho rằng đức hạnh thật sự có nền tảng trong kiến thức. Nhưng kiến thức có được từ các giác quan mang tính khả biến, hạn chế, vì đức hạnh thật sự phải bao gồm việc hiểu đúng duy lý về Ý niệm vĩnh hằng của điều thiện và công lý. Bằng cách chuyển thể xác xuống vị trí thấp hơn, ông tạo cho đạo đức học của mình một sắc thái khổ hạnh. Ông cho rằng thể xác là sự cản trở đối với tinh thần, và dạy rằng chỉ có phần duy lý trong nhân tính mới là điều tốt, cao thượng.

Trái với một số môn đồ sau này, ông không yêu cầu rằng nên phủ nhận lòng ham muốn và cảm xúc, nhưng thúc giục phải nên phục tùng lý trí. Plato chưa hề cho biết quan niệm của ông về Chúa. Đôi khi ông ám chỉ Ý niệm về Điểu thiện như thể đây là một sức mạnh thần thánh phải phục tùng, nhưng có lúc như thể đây là đấng tạo thành tối cao và cũng là người cai quản vũ trụ. Có lẽ ông muốn nói ý thứ hai. Dù sao đi nữa, điều chắc chắn là ông hiểu vũ trụ mang tính chất tinh thần, được kiểm soát bằng mục đích tri thức. Ông phủ nhận cả chủ nghĩa duy vật lẫn thuyết cơ giới. Đối với linh hồn, ông xem nó không những là bất tử mà còn hiện hữu từ trước từ mọi vĩnh hằng,

Plato với tư cách triết gia chính trị

Trong tư cách triết gia chính trị, Plato thúc đẩy quan điểm xây dựng nhà nước không bị xáo trộn, tự tìm kiếm đối với cá nhân và giai cấp. Không phải chế độ dân chủ, tự do mà là sự hòa hợp và tính hiệu quả là những mục tiêu mà ông khao khát đạt được. Do đó, trong quyển Republic ông đề ra một kế hoạch nổi tiếng để xây dựng xã hội, lẽ ra nên chia dân số thành 3 giai cấp theo chức năng của linh hồn. Giai cấp thấp nhất, tượng trưng cho chức năng thèm ăn, gồm nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Giai cấp thứ hai, tượng trưng thành phần tinh thần hoặc ý chí, gồm binh lính. Trong khi giai cấp cao nhất, tượng trưng cho lý trí, gồm giới quý tộc hiểu biết. Mỗi giai cấp trong số các giai cấp này thực hiện các nhiệm vụ nào thích hợp với mình nhất.

Chức năng của giai cấp thấp nhất là sản xuất và phân phối hàng hóa vì lợi ích của toàn cộng đồng, chức năng của binh lính là bảo vệ, trong khi giới quý tộc với lý do có thiên hướng đặc biệt đối với triết học nên được độc quyền nắm giữ quyền lực chính trị. Sự phân chia con người thành một số cấp như thế không dựa trên cơ sở thân thế lúc mới sinh hoặc của cải, mà thông qua một quá trình sàng lọc tính đến khả năng của từng cá nhân hưởng lợi từ giáo dục đến mức nào. Vì thế, nông dân, thợ thủ công và thương nhân là những người thể hiện khả năng trí tuệ kém nhất, trong khi vua-triết gia là những người thể hiện khả năng trí tuệ cao nhất.

Aristotle

Người cuối cùng trong số các nhân vật tiêu biểu theo truyền thống Socrates là Aristotle, một cư dân bản địa Stagira, sinh năm 384 TCN. Ở tuổi 17, ông đăng ký tham gia Vườn Academy của Plato5, học và sau đó làm thầy dạy ở đây trong 20 năm. Năm 343 TCN ông được vua Philip xứ Macedon mời làm thầy dạy kèm cho hoàng tử Alexander. Có lẽ lịch sử có quá nhiều minh họa về việc lãng phí nhân tài. 7 năm sau, ông trở về Athens, mở trường dạy học, gọi là Lyceum, cho đến khi ông mất năm 322 TCN. Aristotle thậm chí còn viết nhiều hơn cả Plato, và viết rất nhiều chủ đề. Tác phẩm chính của ông bao gồm chuyên luận về logic, siêu hình học, tu từ học, đạo đức học, khoa học tự nhiên và chính trị học. Rất nhiều tác phẩm được quy cho ông viết nhưng chưa hề tìm thấy.

Aristotle so sánh với Plato và Socrates

Mặc dù Aristotle cũng như Plato và Socrates rất quan tâm đến kiến thức tuyệt đối và tiêu chuẩn vĩnh hằng, nhưng triết học của ông khác với triết học của họ trong một số khía cạnh nổi bật. Thứ nhất, ông xem trọng cái cụ thể và cái thực tế nhiều hơn. Trái với Plato, nhà mỹ học, và Socrates, tuyên bố ông không biết được điều gì từ cây và đá, Aristotle là một nhà khoa học quan tâm sinh học, y học và thiên văn học. Ngoài ra, so với những người đi trước ông ít có thiên hướng quan điểm tinh thần. Và sau cùng, ông không có thái độ đồng cảm với giới quý tộc.

Khái niệm vũ trụ của Aristotle

Aristotle đồng ý với Plato rằng những cái phổ biến, ý niệm (hoặc hình thức như ông gọi chúng) đều thực, và kiến thức ấy phát xuất từ các giác quan, không chính xác và hạn chế. Nhưng ông từ chối, không theo thầy trong việc quy sự tồn tại độc lập cho những cái phổ biến và giảm sự vật cụ thể thành những bản sao mờ nhạt theo mẫu tinh thần. Trái lại, ông khẳng định rằng hình thức và vật chất đều có ý nghĩa quan trọng như nhau, cả hai đều vĩnh hằng, và không có cái nào tồn tại mà thiếu cái kia. Chính sự kết hợp của cả hai tạo cho vũ trụ có được đặc điểm cần thiết.

Hình thức là nguyên nhân tạo ra vạn vật, chúng là những tác động có mục đích định hình thế giới vật chất thành các vật thể và cơ thể sống quanh chúng ta có tính đa dạng khôn cùng. Tất cả sự tiến hóa, cả vũ trụ lẫn hữu cơ, đều do kết quả của sự tương tác giữa hình thức và vật chất với nhau.

Vì thế, sự có mặt của hình thức con người trong bào thai con người đã định hình và định hướng sự phát triển của bào thai cho đến khi cuối cùng bào thai phát triển thành con người. Trong khi chuyển động máy móc của vật chất đóng một vai trò quan trọng trong quá trình, yếu tố xác định là hành động có mục đích của hình thức. Vì thế, triết học của Aristotle có thể được xem là ngôi nhà dừng chân giữa thuyết duy linh và thuyết siêu nghiệm của Plato, và mặt khác là chủ nghĩa duy vật cơ giới của những người theo thuyết nguyên tử. Quan niệm của ông về vũ trụ là cứu cánh luận – nghĩa là, bị mục đích chi phối, nhưng ông phủ nhận không xem duy linh hoàn toàn áp đảo hiện thân vật chất.

Học thuyết tôn giáo của Aristotle

Việc Aristotle hiểu Chúa chủ yếu như Nguyên nhân Thứ nhất không gì khác hơn chúng ta nghĩ từ sự chi phối của thái độ khoa học trong triết học của ông. Không như ý niệm Điều thiện của Plato, Chúa của Aristotle không thực hiện mục đích đạo đức. Đặc điểm của Người là đặc điểm của Người thay đổi chính, nguồn nguyên thủy của sự thay đổi có mục đích được hàm chứa trong hình thức. Người không hề mang nghĩa Chúa cá nhân, vì tính chất của người là trí tuệ thuần túy, không có cảm xúc, ý muốn, hoặc mong muốn. Dường như Aristotle trong sơ đồ tôn giáo của mình không chừa chỗ cho sự bất tử của cá nhân: tất cả chức năng của linh hồn, ngoại trừ lý do tạo thành nói chung không mang tính cá nhân, lệ thuộc thể xác và tan biến với thể xác.

Triết học đạo đức, sự dung hòa của Aristotle

Triết học đạo đức của Aristotle không khổ hạnh bằng triết học của Plato. Ông không xem thể xác là nhà tù giam hãm linh hồn, ông cũng không nghĩ sự ham muốn của thể xác nhất thiết là điều xấu. Ông dạy rằng điều thiện tốt nhất đối với con người gồm sự nhận biết cái tôi, nghĩa là trong việc sử dụng phần nhân tính phân biệt rõ nhất mình như con người. Vì thế, sự nhận biết cái tôi cũng giống như hoạt động lý trí. Nhưng hoạt động lý trí lệ thuộc vào sự kết hợp thích hợp giữa các điều kiện thể xác và tinh thần. Thể xác phải luôn trong tình trạng sức khỏe tốt và cảm xúc trong điều kiện kiểm soát thích hợp. Giải pháp được tìm thấy trong giá trị trung bình, trong việc duy trì sự quân bình giữa một mặt là nuông chiều thái quá và mặt khác là phủ nhận khổ hạnh. Điều này chỉ là sự tái khẳng định quan niệm đặc trưng của người Hy Lạp sophrosyne (“không có gì quá nhiều”).

Sự dung hòa áp dụng cho chính trị học

Mặc dù trong Politics Aristotle đưa vào quá nhiều dữ liệu mô tả và phân tích cấu trúc và chức năng của chính quyền, nhưng chủ yếu ông giải quyết các khía cạnh lý thuyết chính trị rộng hơn. Ông xem nhà nước như một thể chế cao nhất để thúc đẩy cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, do đó, ông rất quan tâm đến nguồn gốc, sự phát triển và hình thức tốt nhất có thể có ở nhà nước. Tuyên bố rằng con người là một động vật chính trị, ông phủ nhận nhà nước là một sản phẩm nhân tạo của tham vọng của một thiểu số hoặc mong muốn của đa số.

Trái lại, ông cho rằng nhà nước được hình thành trong bản năng của chính con người, và cuộc sống văn minh bên ngoài giới hạn của nó là điều không thể. Ông cho rằng nhà nước tốt nhất không phải là chế độ quân chủ, tầng lớp quý tộc, chế độ dân chủ mà là polity – theo ông định nghĩa như một khối thịnh vượng chung trung gian giữa chính thể đầu sỏ và chế độ dân chủ. Về cơ bản, đây là nhà nước dưới sự kiểm soát của tầng lớp trung lưu, nhưng Aristotle hàm ý phải đảm bảo rằng thành viên trong tầng lớp ấy có số lượng thích hợp, vì ông tán thành các biện pháp ngăn chặn sự tập trung của cải. Ông tán thành thể chế tài sản cá nhân, nhưng ông phản đối việc tích lũy của cải vượt quá mức cần thiết cho cuộc sống trí tuệ. Ông khuyên rằng chính quyền nên giúp người nghèo tiền bạc để mua đất hoặc “bắt đầu làm ăn mua bán và nuôi trồng”, do đó sẽ làm tăng lòng tự trọng và giúp họ giàu lên.

5/5 - (4 votes)

BÀI LIÊN QUAN