Sau năm 600 TCN các trung tâm văn minh trong thế giới phương Tây không còn giới hạn ở vùng Cận Đông nữa. Vào thời điểm ấy, các nền văn hóa mới đã phát triển đến mức hoàn thiện ở Hy Lạp và ở Ý. Cả hai đã bắt đầu phát triển có lẽ sớm hơn nhiều, nhưng nền văn minh Hy Lạp cho đến khoảng 600 năm TCN mới bắt đầu đạt mức hoàn thiện, trong khi người La Mã ít cho thấy triển vọng đạt được thành tựu độc đáo trong những năm 500 TCN. Nền văn minh Hy Lạp khoảng 300 năm TCN nói cho đúng ra đã đi đến kết thúc và được thay thế bằng một nền văn hóa mới tượng trưng cho sự hợp nhất các thành phần Hy Lạp và Cận Đông. Đây là nền văn minh cổ Hy Lạp, kéo dài cho đến đầu Công nguyên và bao gồm không những bán đảo Hy Lạp mà còn Ai Cập và hầu hết châu Á, phía tây sông Ấn. Đặc điểm nổi bật để phân biệt 3 nền văn hóa này với các nền văn hóa trước đó là chủ nghĩa thế tục. Tín ngưỡng không còn hấp dẫn con người ở mức độ như nó đã từng hấp dẫn trong Ai Cập cổ đại hoặc trong các dân tộc vùng Lưỡng Hà. Nhà nước lúc này quan trọng hơn giáo hội, và quyền lực của thầy tu quyết định hướng phát triển văn hóa đã bị chao đảo toàn diện. Ngoài ra, quan niệm tự do cá nhân và chú trọng đến phúc lợi của con người như một cá thể phần lớn thay thế cho chính thể chuyên chế và chủ nghĩa tập thể của Cận Đông cổ đại.
Văn Minh Hy Lạp
Nơi đây lề luật ban hành cùng các sắc luật khác
Pindar, nhận xét về thành phố Corinth, Olympian Ode XIII
Nền tảng thành phố vững chắc.
Công lý và Hòa bình, được nuôi dưỡng cùng với
Những người phân phát của cải cho con người
Những đứa con vàng có Quyền tư vấn khôn ngoan.
Lúc này, bất kỳ điều gì mang tính đặc trưng là những gì tốt nhất đối với nó và tạo ra sự vui thú nhất. Đối vời con người cuộc sống như thế là theo lý trí vì chính lý trí này giúp anh ta trở thành con người.
Aristotle, Nichomachean Ethics
Đặc điểm nền văn minh Hy Lạp. Trong các dân tộc sống ở thế giới cổ đại, dân tộc có nền văn hóa minh họa rõ nhất tinh thần của người phương Tây là người Hellenic hay Hy Lạp. Trong số các dân tộc này, không có dân tộc nào hết lòng với tự do hay có niềm tin vào tinh cao thượng trong thành tựu của nhân loại như thế. Người Hy Lạp ca ngợi con người như một sinh vật quan trọng nhất của vũ trụ và không chịu phục tùng sự sai khiến của các thầy tu, bạo chúa hay thậm chí khiêm nhường trước thần thánh của mình. Thái độ của họ về cơ bản là thái độ thế tục, theo chủ nghĩa duy lý, họ tôn vinh tinh thần tự do tìm kiếm và đặt kiến thức lên trên niềm tin. Chính vì những lý do này nên họ đã đưa văn hóa lên đến giai đoạn cao nhất mà người ta cho là thế giới cổ đại đã đạt được. Nhưng người Hy Lạp không bắt đầu mà không có nền tảng. Điều cần nhớ là họ đạt được những thành tựu như thế dựa trên nền tảng của một số dân tộc phương Đông. Nguyên lý cơ bản trong triết học và khoa học của họ đã được người Ai Cập chuẩn bị. Bảng chữ cái Hy Lạp có nguồn gốc từ Phoenicia. Và có lẽ trong một chừng mực nào đó, sự nhận thức về cái đẹp và tự do của người Hy Lạp là do ảnh hưởng từ Aegea.
Thời Kỳ Homer
Nền tảng văn minh Hy Lạp. Để hiếu được sự phát triển của nền văn minh Hy Lạp, chúng ta cần phải điểm lại giai đoạn đầu tiên trong lịch sử Hy Lạp, Thời kỳ Homer, kéo dài từ khoảng 1200 đến 800 năm TCN. Đất nước Hy Lạp được hình thành vào thời điểm ấy, và đặt nền tảng phát triển chính trị, xã hội cho các thế kỷ tiếp theo sau. Không phải tất cả vinh quang của người Hy Lạp đều có từ thời kỳ Homer, nhưng thật ra một số các thể chế và quan điểm điển hình nhất của người Hy Lạp buổi ban đầu đều là những sửa đổi, bổ sung hình thức đã có từ thời xa xưa.
Nguồn gốc chủng tộc Hy Lạp
Có lẽ quê hương của người Hy Lạp là một nơi nào đó trong thung lũng sông Danube. Khi họ bắt đầu di cư đến bán đảo Hy Lạp khoảng 2000 năm TCN, dường như có sự pha trộn giữa các thành phần Alpine và Nordic, chủ yếu là thành phần Nordic. Sau này họ hòa trộn với các cư dân bản địa Địa Trung Hải đã sống ở Hy Lạp, nhất là ở các phần phía nam và trên các đảo trong biển Aegea. Vì thế thật vô lý khi cố đưa ra lời giải thích về thiên tài Hy Lạp trên cơ sở chủng tộc thuần chủng, vì thật ra không ai biết sự pha trộn chủ yếu nào sau cùng là sự pha trộn chính. Ngoài ra, có thể nói rằng người Hy Lạp là một chủng tộc hỗn hợp, nói ngôn ngữ Ấn-Âu.
Những đợt di cư đầu tiên
Năm 1200 TCN người Hy Lạp sống ở hầu hết các phần phía bắc bán đảo và một vài nơi nằm rải rác dọc theo bờ biển. Lúc đầu, họ thâm nhập từ từ, mang gia súc theo cùng, và định cư ở các vùng dân cư thưa thớt. Phần lớn trong số di dân đầu tiên này thuộc về một nhóm mà sau này người ta gọi là người Ionian. Bộ phận khác, người Achaean, đi xa hơn về phía nam, chiếm Mycenae và thành Troy, sau cùng thống trị cả đảo Crete. Ngay sau năm 1200 TCN, mở dầu cho những cuộc xâm chiếm quy mô của người Dorian, và đạt đỉnh điểm khoảng 2 thế kỷ sau đó. Một số người Dorian định cư ở miền trung Hy Lạp, nhưng hầu hết đều tiến ra phía biển, chiếm các phần phía đông Peloponnesus và các đảo phía nam biển Aegea. Khoảng 1000 năm TCN họ chiếm Knossos, trung tâm chính của nền văn minh Minoan trên đảo Crete.
Đặc điểm nguyên thủy trong văn hóa Homer
Cho dù người Achaean, Ionian, hay Dorian, tất cả những người Hy Lạp trong Thời kỳ Homer về cơ bản có cùng văn hóa đi nữa, nhưng văn hóa này tương đối mang tính nguyên thủy. Cho đến thế kỷ cuối cùng của giai đoạn này người ta mới có kiến thức đại cương về chữ viết. Mặc dù có nhiều chứng cứ cho thấy người Achaean có một hệ thống chữ viết vào đầu những năm 1200 TCN, nhưng trường hợp của họ là ngoại lệ. Vì thế chúng ta phải hình dung người Hy Lạp trong thời kỳ Homer là một dân tộc tiền văn tự trong toàn bộ giai đoạn lịch sử của mình, với những thành tựu tri thức không gì ngoài sự phát triển các bài dân ca, ballad, và sử thi ngắn, được các ca sỹ hát rong ngân nga, tô điểm, khi họ lang thang từ làng này sang làng khác.
Phần lớn số tư liệu này sau cùng được thêu dệt thành một sử thi lớn với một hay nhiều trường ca, và được thể hiện bằng chữ viết vào thế kỷ 9 TCN. Mặc dù không phải tất cả các trường ca trong giai đoạn này đều được lưu truyền đến tận thời chúng ta, hai trường ca quan trọng nhất, trường ca Iliad và Odyssey, cho chúng ta biết kho thông tin phong phú nhất về quan điểm và tập quán trong thời kỳ Homer.
Chính quyền trong thời kỳ Homer
Thể chế chính trị của người Hy Lạp trong thời kỳ Homer vẫn còn mang đậm nét nguyên thủy. Mỗi cộng đồng làng xã nhỏ độc lập với sự kiểm soát bên ngoài, nhưng quyền bính chính trị ít đến mức không thể nói rằng nhà nước đã từng tồn tại. Nhà vua không thể làm hay thực thi luật pháp cũng như kiểm soát công lý, Nhà vua không được hưởng bất cứ loại thù lao gì, và phải canh tác trên mảnh đất của mình để mưu sính giống như mọi công dân khác. Trên thực tế, chức năng duy nhất của nhà vua là quân đội và thầy tu. Nhà vua chỉ huy quân đội trong thời chiến, tổ chức lễ hiến tế để các vị thần phù hộ cho cộng đồng. Mặc dù mỗi nhóm làng xã nhỏ bé đều có hội đồng quý tộc và một tập hợp chiến binh, nhưng hai tổ chức này không hề có tư cách thành viên hay địa vị dứt khoát, như một cơ quan cai trị. Nhiệm vụ của hội đồng quý tộc là phải cố vấn và hỗ trợ vua, ngăn không cho nhà vua tiếm đoạt quyền lực chuyên chế.
Chức năng của tập hợp chiến binh là phải phê chuẩn lệnh tuyên chiến và tán thành việc ký kết hòa bình. Gần như không có ngoại lệ, tập quán thay cho luật pháp, và sự kiểm soát công lý là sự kiểm soát của cá nhân. Ngay cả kẻ giết người cố tình cũng bị gia đình nạn nhân buộc nộp phạt. Trong khi các vụ tranh chấp đôi khi cũng được chuyển đến nhà vua giải quyết, nhưng trong những trường hợp như thế, nhà vua gần như chỉ có vai trò trọng tài, chứ không phải quan tòa. Thật ra, nhận thức chính trị của người Hy Lạp vào thời điểm này phát triển kém đến mức họ chưa có khái niệm về cai trị như một cơ quan không thể thiếu trong duy trì trật tự xã hội. Khi Odysseus, vua xứ Ithaca, vắng mặt trong 20 năm, không bổ nhiệm quan nhiếp chính nào thay cho vị trí của vua, và cũng không có cuộc họp nào của hội đồng hay tập hợp chiến binh được triệu tập. Dường như không ai nghĩ rằng sự đình chỉ cai trị hoàn toàn, ngay cả trong một thời gian dài như thế, là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Hình thái đời sống kinh tế, xã hội ở dạng sơ khai
Hình thái đời sống kinh tế, chính trị đơn giản đến mức phải ngạc nhiên. Mặc dù sắc thái chung của xã hội được mô tả trong sử thi là sắc thái quý tộc, nhưng thực tế chưa có sự phân tầng giai cấp cụ thể. Một chiến binh bất kỳ thể hiện lòng dũng cảm phi thường trong chiến đấu cũng có thể trở thành quý tộc. Lao động chân tay không bị xem thường, và rõ ràng cũng không có người giàu nào lười nhác. Một số loại lao động phụ thuộc phải canh tác trên đất của quý tộc và phục vụ họ như các chiến binh trung thành dường như rõ nét trong sử thi Homer, nhưng cũng không chắc họ có phải là nô lệ thật sự hay không, vì họ được đối xử như thành viên trong gia đình quý tộc và không ai đem họ ra bán cả. Nông nghiệp và chăn thả gia súc là những nghề cơ bản.
Ngoại trừ một số thợ thủ công lành nghề như thợ đóng xe ngựa, thợ rèn, thợ bạc, và thợ gốm, chưa có sự chuyên môn hóa trong lao động. Nói chung, tất cả hộ gia đình đều tự mình làm công cụ, dệt vải, và nuôi trồng để có lương thực ăn. Ngoài ra cho đến thời điểm này người Hy Lạp vẫn chưa phải là một dân tộc biết kinh doanh vì trong ngôn ngữ của họ chưa có từ nào để gọi “thương nhân”, và sự trao đổi hàng lấy hàng là phương pháp trao đổi duy nhất.
Quan niệm tôn giáo trong thời kỳ Homer
Đối với người Hy Lạp, tôn giáo trong thời kỳ Homer chủ yếu là một hệ thống với những nét đặc trưng: 1) Giải thích thế giới tự nhiên theo cách phải loại trừ những điều bí ẩn đáng sợ và tạo cho con người có cảm giác quan hệ mật thiết với thế giới tự nhiên: 2) Giải thích sự đam mê mãnh liệt choán hết nhân tính và làm cho con người đánh mất sự tự chủ ấy được người Hy Lạp cho là yếu tố cần thiết để dẫn đến thành công trong vai trò của một chiến binh; 3) Có được những lợi ích vật chất chẳng hạn như có cơ nghiệp, gia sản, trường thọ, tài nghệ khéo léo, và mùa màng bội thu. Trong giai đoạn lịch sử này cũng như trong các giai đoạn lịch sử khác, người Hy Lạp vẫn chưa nghĩ rằng tôn giáo sẽ cứu rỗi họ thoát khỏi tội lỗi hay ban cho họ sự chúc phúc tinh thần.
Theo họ nhận thức, lòng mộ đạo không phải là vấn đề hạnh kiểm cũng như niềm tin, Tôn giáo của họ, do đó, không có giao ước và cũng không có giáo điều, không có nghi thức phức tạp và không có phép bí tích. Mỗi người tự do tin tưởng vào những gì mình thích và sống theo cách mình chọn, không hề sợ cơn phẫn nộ của thánh thần. Có lẽ không cường điệu khi cho rằng sự tự do này không bị ràng buộc bởi chủ nghĩa giáo điều và không sợ thế lực siêu nhiên là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự tiến bộ tri thức và nghệ thuật của người Hy Lạp, Các vị thần trong tín ngưỡng thời kỳ Homer. Như mọi người đã biết, thánh thần trong tôn giáo thời kỳ Homer hoàn toàn chỉ là con người. Điều thật sự cần thiết là người Hy Lạp cảm thấy thoải mái như sống ở nhà trong một thế giới mà họ đang ngự trị.
Các hữu thể xa xôi, quyền năng vô hạn như thần thánh trong hầu hết các tôn giáo phương Đông truyền cảm giác sợ hãi hơn cảm giác an toàn. Những gì người Hy Lạp muốn không nhất thiết phải là thần thánh có quyền năng vô hạn, mà là những vị thần họ có thể mặc cả, thương lượng, theo nghĩa hai bên cùng có lợi. Do đó, họ phú cho thần thánh các thuộc tính giống như mình – có cơ thể con người, điểm yếu của con người và nhu cầu của con người. Họ tưởng tượng một nhóm rất đông các vị thần luôn tranh cãi với nhau, cũng cần ăn cần ngủ, hòa hợp tự do với loài người, và thậm chí đẻ con với phụ nữ bình thường. Họ chỉ khác con người ở chỗ chỉ ăn cao lương mỹ vị và rượu tiên, điều này làm cho thần thánh bất tử. Họ không ở trên trời hay trên các vì sao mà ở trên đỉnh núi Olympus, đỉnh núi phía bắc Hy Lạp với độ cao khoảng 10.000 feet (hơn 3.000 mét).
Tính chất của nam và nữ thần
Tôn giáo chủ yếu mang tính chất đa thần, không có vị thần nào được tôn vinh đến mức quá cao, so với các vị thần khác. Thần Zeus, nam thần cai quản bầu trời và cũng là vị thần cầm lưỡi tầm sét, đôi khi được ám chỉ như cha đẻ các vị thần và con người, thường không được chú ý bằng Poseidon, nam thần biển, Aphrodite, nữ thần tình yêu, hay Athena, nữ thần chiến tranh và cũng là nữ thần hộ mệnh của nghề thủ công. Vì người Hy Lạp không có quỷ Satan, nên tôn giáo của họ không thể được mô tả là tôn giáo theo thuyết nhị nguyên.
Gần như tất cả thánh thần đều có khả năng làm điều ác cũng như điều thiện, vì đôi khi họ đánh lừa con người và làm cho con người làm điều ác. Tiếp cận gần nhất với nam thần ác là Hades, cai quản cõi âm. Mặc dù thần được ám chỉ trong các bài thơ thời kỳ Homer như vị thần “không thể làm xiêu lòng và không nhượng bộ”, đối với con người, là vị thần đáng ghét nhất trong số các vị thần. Thần chưa hề có vai trò nào tích cực trong các công việc trên trần thế. Thần không được xem là nguồn tạo ra bệnh dịch hạch, động đất, hay nạn đói. Thần không cám dỗ con người hay tác động để làm thất bại hành động thiện của các vị thần khác. Tóm lại, thật ra thần không được xem là điều gì khác hơn là người bảo vệ vương quốc của người chết.
Thái độ thờ ơ đối với kiếp sống ở thế giới bên kia
Người Hy Lạp trong thời kỳ Homer gần như hoàn toàn thờ ơ với những gì sẽ xảy ra đối với mình sau khi chết. Không những họ không quan tâm chăm sóc đến thi hài, mà thường hỏa táng. Tuy nhiên, họ tin rằng các hồn ma bóng quế của con người vẫn còn nấn ná một thời gian sau khi cơ thể của họ chết. Với một vài ngoại lệ, tất cả đều đến cùng một nơi – đến vương quốc âm u của thần Hades nằm dưới mặt đất. Vương quốc này không phải là thiên đường cũng chẳng phải là địa ngục: không ai được thưởng vì hành động thiện của mình trên trần thế, và cũng không có ai bị trừng phạt vì tội lỗi mình gây ra.
Mỗi hồn ma có vẻ như tiếp tục sống cuộc sống trong hiện thân con người đã từng sống trên trần thế. Các bài thơ trong thời kỳ Homer thường vô tình đề cập đến hai vương quốc khác, đồng bằng Elysian và vương quốc Tartarus, mới thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn với quan điểm không có thưởng phạt ở thế giới bên kia. Nhưng một vài cá nhân thích sự thoải mái, tiện nghi ở đồng bằng Elysian không có gì xứng đáng để hưởng phúc như thế, họ chỉ là những người được thần thánh chọn vì ân sủng. Vương quốc Tartarus thật ra không phải là nơi ở của người chết mà là một nơi giam cầm các vị thần ưa chống đối, nổi loạn.
Đặc điểm bên ngoài và máy móc của sự thờ phụng
Thờ phụng trong tôn giáo thời kỳ Homer chủ yếu gồm lễ hiến tế. Tuy nhiên, lễ vật hiến tế không phải là để bồi thường cho tội lỗi, mà chỉ đơn thuần làm cho các vị thần vui lòng, để họ ban nhiều đặc ân khác. Nói cách khác, thông lệ tôn giáo mang tính chất bên ngoài, máy móc, vẫn chưa thoát khỏi ma thuật. Thái độ tôn trọng, khiêm nhường, và tâm hồn trong sạch không phải là những điều cơ bản trong tôn giáo này. Người thờ phụng chỉ phải thực hiện phần mặc cả của mình bằng cách có lễ vật hiến tế thích đáng, và thần thánh sẽ làm phần việc của mình. Đối với một tôn giáo như thế không cần đến thể chế cầu kỳ. Ngay cả chức thầy tu chuyên nghiệp cũng không cần đến. Vì không có điều huyền bí cũng không có phép bí tích, nên một người cũng có khả năng thực hiện nghi thức đơn giản cũng giống như bao người khác.
Nói chung, mỗi gia chủ đều cầu khẩn đặc ân của thánh thần dành cho gia đình mình, và nhà vua thực hiện cùng một chức năng như thế đối với cộng đồng nói chung. Mặc dù thật ra người ta cũng hỏi ý kiến các thầy chiêm tinh hay nhà tiên tri vì họ nghĩ rằng thầy chiêm tinh được thánh thần truyền cảm hứng trực tiếp, do đó họ biết chuyện vị lai, nhưng các thầy chiêm tinh này vẫn chưa phải là một tầng lớp thầy tu. Ngoài ra, tôn giáo trong thời kỳ Homer không bao gồm hệ thống thờ cúng hay thánh tích, không có ngày lễ thánh, cũng không có hệ thống thờ phụng trong đền thờ. Đền thờ Hy Lạp không phải là nhà thờ hay nơi nhóm họp tôn giáo, cũng không có nghi lễ nào diễn ra trong đền thờ. Thay vào đó, đền thờ là nơi thần thánh thỉnh thoảng ghé thăm và sử dụng đền thờ như ngôi nhà ở tạm.
Quan niệm về đức hạnh và điều ác
Như đã đề cập, hệ thống đạo đức của người Hy Lạp trong thời kỳ Homer chỉ có mối quan hệ mơ hồ nhất với tôn giáo của họ. Trong khi thực tế luôn tồn tại quan điểm cho rằng các vị thần thường hay sẵn sàng giúp đỡ điều phải, nhưng họ không nghĩ nhiệm vụ của mình là phải đấu tranh chống điều ác và làm cho điều phải luôn thắng thế. Khi ban phát phần thưởng cho con người, có vẻ như họ bị tác động của ý thích chợt nảy ra của chính mình và lòng biết ơn vật hiến tế hơn là mọi xem xét, cân nhắc về đặc điểm đạo đức. Tội duy nhất mà họ trừng phạt là phản bội lời thề, và cũng không có biện pháp nào nhất quán.
Kết luận dường như có cơ sở, khi đạo đức trong thời kỳ Homer không dựa trên sự thưởng phạt siêu nhiên. Có lẽ nền tảng thật sự của nó là quân sự. Gần như tất cả đức hạnh được ca ngợi trong sử thi đều là đức hạnh làm cho cá nhân trở thành một chiến binh tốt hơn – dũng cảm, tự chủ, tinh thần ái quốc, hiểu biết (theo nghĩa xảo quyệt), yêu mến bạn bè, thù ghét kẻ thù. Không có quan niệm về tội lỗi hiểu theo nghĩa Cơ Đốc về hành động xấu phải ăn năn hay chuộc lỗi.
Quan niệm cơ bản của người Hy Lạp
Cuối thời kỳ Homer, người Hy Lạp đã chuẩn bị tốt để phát triển quan điểm xã hội đến mức họ theo đuổi quan điểm này trong nhiều thế kỷ sau này. Họ là những người lạc quan, nghĩ rằng cuộc sống đáng sống vì lợi ích của sự sống, và không có lý do nào để nghĩ cái chết là sự giải thoát hạnh phúc. Họ là người ích kỷ, phấn đấu hoàn thành ước nguyện của mình. Do đó, họ phản đối sự hành xác, và tất cả hình thức phủ nhận ngụ ý sự thất vọng trong cuộc sống. Họ không thấy giá trị nào trong sự khiêm nhường hay nhẫn nhục chịu đựng. Họ là người theo chủ nghĩa nhân văn, tôn thờ cái hữu hạn và tự nhiên hơn là thế giới khác hay cái siêu phàm. Vì lý do này, họ không quy các thuộc tính truyền cảm hứng – kính sợ cho thần thánh, hay có quan niệm xem con người là sinh vật tội lỗi, trụy lạc. Sau cùng, họ hết lòng vì tự do trong một hình thức thậm chí còn cực đoan hơn hầu hết thế hệ con cháu trong giai đoạn cổ đại sẵn sàng chấp nhận.
Sự Phát Triển Của Các Thành Bang-Nhà Nước
Nguồn gốc hình thành và tính chất của thành bang-nhà nước. Khoảng 800 TCN, các cộng đồng làng xã trong thời kỳ Homer, chủ yếu được hình thành trên cơ sở tổ chức thị tộc, bắt đầu nhường chỗ cho các đơn vị chính trị lớn hơn. Khi nhu cầu phòng thủ gia tăng, họ xây dựng vệ thành hay thành trì trên địa thế cao, và thành phố bao quanh vệ thành như nơi đặt trụ sở chính quyền cho toàn cộng đồng. Vì thế thành phố-thành bang ra đời, vốn là đơn vị xã hội chính trị nổi tiếng nhất do người Hy Lạp phát triển.
Minh họa được tìm thấy hầu như ở khắp nơi thuộc thế giới Hy Lạp. Athens, Thebes và Megara nằm trên phần đất liền; Sparta và Corinth trên Peloponnesus; Miletus trên bờ biển Tiểu Á; Mitylene và Chalcis trên các đảo ở biển Aegea là những minh họa điển hình nhất. Chúng khác nhau rất nhiều trong cả diện tích lẫn dân số. Sparta có diện tích hơn 3.000 dặm vuông trong khi Athens 1.060, các thành phố-thành bang khác trung bình chưa đến 1.000. Ở đỉnh điểm quyền lực, Athens và Sparta, mỗi thành phố-thành bang này có dân số khoảng 400.000, gấp ba lần so với các thành phố-thành bang láng giềng.
Sự phát triển của thành bang-nhà nước
Với một vài ngoại lệ, thành bang – nhà nước Hy Lạp trải qua một sự phát triển chính trị tương tự. Chúng khởi đầu lịch sử của mình như các chế độ quân chủ. Trong thế kỷ 18, chúng thay đổi thành chính thể đầu sỏ. Khoảng 100 năm sau, chính thể đầu sỏ bị các nhà độc tài, hay “bạo chúa” lật đổ, như người Hy Lạp thường gọi như thế, nghĩa là những kẻ tiếm quyền cai trị không có quyền hợp pháp cho dù có mang tính đàn áp hay không. Sau cùng, vào các thế kỷ 6 và 7 TCN, các chế độ dân chủ cũng được hình thành, hoặc trong một số trường hợp là “timocracy”, nghĩa là, chính quyền trên cơ sở năng lực tài sản để sử dụng quyền chính trị, hoặc trong đó sự yêu chuộng danh dự và vinh quang là nguyên tắc cai trị.
Nguyên nhân của chu kỳ chính trị
Nói chung, không khó khi xác định nguyên nhân của sự phát triển chính trị này, sự thay đổi đầu tiên diễn ra do tập trung của cải đất nông nghiệp. Trong tư cách chủ sở hữu các thái ấp rộng lớn tăng dần thành quyền lực kinh tế, họ quyết định tranh giành quyền bính chính trị với nhà vua và giao quyền lực này cho hội đồng, thường được họ kiểm soát. Cuối cùng, họ xóa bỏ hoàn toàn vương quyền. Sau đó là giai đoạn thay đổi kinh tế thật nhanh và xáo trộn chính trị, Đất dai ngày càng khan hiếm buộc nhiều người Hy Lạp phải di cư và tìm quê hương mới cho chính mình ở những vùng chưa có người ở. Kết quả, có vô số thuộc địa được thành lập, hầu hết nằm dọc theo bờ biển Aegea và biển Ionian, nhưng một số ở cực đông đến tận Biển Đen và cực tây đến tận Ý và Tây Ban Nha. Nhu cầu cần phải có nhiều lối ra mới cho thương mại cũng nhanh chóng thúc đẩy một số sự bành trướng này chổi cọng dừa.
Kết quả là cuộc cách mạng kinh tế thật sự trong thế giới Hy Lạp. Thương mại và thủ công nghiệp phát triển thành những ngành chủ đạo, dân số đô thị tăng, và sự giàu có mang hình thức mới. Giai cấp trung lưu đang tăng nhanh lúc này kết hợp với số nông dân bị mất quyền sở hữu đất đai trong cuộc tấn công nhắm vào chính thể đầu sỏ chủ đất. Kết quả tự nhiên của cuộc đấu tranh giai cấp khốc liệt này dẫn đến chính thể độc tài. Bằng cách cổ vũ những hy vọng ngông cuồng và hứa hẹn dẹp tan sự xáo trộn, những kẻ mỵ dân tham vọng lôi kéo được một lượng quần chúng thích hợp đủ giúp họ có khả năng nắm lấy quyền lực bất chấp hiến pháp và luật pháp. Tuy nhiên, sau cùng, thái độ bất bình đối với sự cai trị chuyên chế và quyền lực kinh tế cùng như nhận thức chính trị ngày càng tăng của thường dân dẫn đến sự thành lập chế độ dân chủ hay chính thể đầu sỏ tự do.
Sự phát triển tương tự của thành bang-nhà nước
Do khuôn khổ của sách có hạn không cho phép phân tích lịch sử chính trị của từng thành phố-thành bang Hy Lạp. Ngoại trừ trong các phần sau đề cập Thessaly và Peloponnesus, cũng thật hợp lý khi kết luận rằng sự phát triển bên trong trong tất cả thành phố-thành bang này cũng giống như phần mô tả trong phần trước, mặc dù có nhiều biến thể không đáng kể do điều kiện địa phương chắc chắn phải có. Hai thành phố – thành bang quan trọng nhất của Hy Lạp, Sparta và Athens, đáng được nghiên cứu chi tiết hơn.