Bài dịch từ Newyork Times để cung cấp thêm thông tin về cuộc chiến này, không bàn tới việc ai đúng ai sai.
Cách đây ít lâu thế giới được chứng kiến cảnh tượng như trong thời Chiến Tranh Lạnh, một thời máu lửa tưởng đã lùi về quá khứ. Tổng thống Nga Vladimir Putin, một nhân vật không tài nào đoán định nổi, khởi một đạo quân khổng lồ áp sát biên giới nước láng giềng Ukraine. Nền hòa bình Đông-Tây như treo sợi tóc.
Rồi bất thình lình quân Nga tràn sang lãnh thổ Ukraine, chiến tranh lạnh trở nóng, hậu quả và tác động ngay lập tức lan xa.
Những ngày trước khi xâm lược, dù quân Nga theo ước tính lên tới 190,000 lính, dù Mỹ liên tục cảnh báo chiến tranh là không thể tránh khỏi, nhưng ngài Putin vẫn khẳng định rằng Nga luôn hoan nghênh dùng biện pháp ngoại giao, và các nhà lãnh đạo châu Âu thay phiên nhau thuyết phục điện Kremlin xuống thang.
Ngày 24/2, tổng thống Nga tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Quân Nga ba mặt đánh sang biên giới, mục tiêu rõ ràng là chiếm cho được thủ đô Ukraine. Nhưng người Ukraine có vẻ không buông súng đầu hàng dễ dàng như kỳ vọng của Putin, họ chặn được đà tiến của quân địch.
Hôm thứ Hai, Nga và Ukraine ngồi nói chuyện với nhau ở Belarus, một đồng minh thân cận của Nga, trong khi bom đạn vẫn dội xuống trên chiến trường. Một đoàn xe tiếp tế dài tới 17 dặm của Nga đang tiến về phía thủ đô Kyiv, tên lửa liên tục công phá khu vực dân cư Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cướp đi sinh mạng của ít nhất 9 thường dân, còn bị thương thì không đếm xuể.
Với đà tiến chậm chạm của quân đội, và sức kháng cự mạnh không ngờ của Ukraine, các nhà quan sát e ngại rằng Putin sẽ mất kiên nhẫn mà đẩy mạnh sức tấn công. Đồng nghĩa với việc nhiều dân thường hơn sẽ chết.
Đoàn người di tản đã lên tới nửa triệu. Trong khi đó thì Putin dường như nhất định phải chiếm bằng được thủ đô Kyiv, lật đổ chính quyền dân chủ Ukraine, và đưa đất nước này trở lại quỹ đạo của Nga.
Cuộc xâm lược có thể sẽ làm khu vực hậu Xô Viết vốn đã bất ổn nay sẽ lung lay mạnh hơn, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu tưởng đã ổn định từ thập niên 1990. Putin trước giờ vẫn than khóc về việc Nga bị mất Ukraine và các vùng đất khác khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Giờ đây, có lẽ sứ mệnh thực sự mà ông muốn làm đó là thu hẹp phạm vi của khối liên minh NATO. Trước cuộc xâm lăng, Nga liên tục ra yêu sách tái định hình cấu trúc này, dĩ nhiên Mỹ và NATO không chịu.
Phía sau khủng hoảng Ukraine
Sau khi Liên Xô sụp đổ, NATO bành trướng về phía đông, cuối cùng kết nạp hầu hết các nước châu Âu trước vẫn thuộc Cộng sản. Các nước cộng hòa vùng Baltic gồm Lithuania, Latvia, và Estonia ngày trước là một phần của Liên Xô, giờ đây đã gia nhập NATO, cùng với Phần Lan, Romania và nhiều quốc gia khác.
Thế là NATO đã mở rộng phạm vi thêm hàng trăm dặm về phía biên giới Nga, áp sát Moscow. Năm 2008, NATO tỏ ý sẽ kết nạp Ukraine, tuy không nói rõ thời điểm cụ thể.
Với Putin, Xô Viết tan rã là thảm họa khiến Nga mất đi vị trí siêu cường trên bản đồ thế giới, có nguy cơ phải khuất phục bè lũ phương Tây khát mồi. Ông dành 22 năm cuộc đời để tái dựng sức mạnh quân sự Nga, và tái khẳng định quyền lợi lãnh thổ.
Putin coi sự bánh trước của NATO và nguy cơ Ukraine gia nhập tổ chức này là hiểm họa với đất nước của ông. Vậy nên khi cảm thấy sức mạnh quân sự đã đủ, Putin tỏ ra cứng rắn hơn khi nói tới NATO. Ông liên tục nhắc lại nỗi lo lắng một khi Mỹ mang tên lửa và lực lượng đến Ukraine, dù Mỹ, Ukraine và NATO khẳng định sẽ không có chuyện đó.
Mặt khác, Putin khẳng định rằng Ukraine và Belarus về cơ bản là lãnh thổ của Nga, xét về mặt lịch sử và văn hóa. Ông đã khuất phục được phần lớn Belarus, và đã tính tới chuyện sát nhập quốc gia này.
Nhưng mối quan hệ phương Đông – phương Tây xấu đi trông thấy kể từ đầu năm 2014, khi dân Ukraine lật đổ chính quyền thân Nga. Đáp trả, Nga xâm lược và sát ngập Crimea một cách chóng vánh. Moscow cũng chống lực cho phe ly khai chiếm quyền kiểm soát vùng Donbas thuộc Ukraine, trong một cuộc chiến mà đến nay dư âm vẫn chưa tan, cướp đi sinh mạng của 13 ngàn người.
Putin muốn gì?
Putin dường như muốn xoay ngược kim đồng hồ về 30 năm trước, thiết lập một vùng ảnh hưởng rộng lớn như thời Liên Xô. Giờ đây ở tuổi 69, sự nghiệp chính trị đang sắp tới buổi hoàng hôn, rõ ràng Putin muốn chơi lớn, giành lại Ukraine, đất nước với 44 triệu dân, về vùng ảnh hưởng của Nga.
Hồi tháng 12 Nga gửi cho NATO và Mỹ một loạt các yêu sách nhằm đảm bảo an ninh, trong đó kiên quyết nhất là phải đảm bảo Ukraine không được vào NATO, và NATO phải rút lực lượng khỏi các quốc gia Đông Âu đã trót gia nhập, phải như thế thì mới bàn tiếp tới thỏa thuận ngừng bắn năm 2015 tại Ukraine, một thỏa thuận mà Moscow và Kyiv hiểu theo những cách khác nhau.
Phương Tây không chỉ từ chối hầu hết các yêu sách như thế, mà còn đe dọa áp thêm các lệnh trừng phạt và nhiều thứ khác. Thái độ thù địch của Moscow cũng thổi bùng tinh thần yêu nước của người Ukraine, mà ta có thể thấy rõ trong những toán dân binh đánh du kích quân Nga xâm lược.
Việc chọn thời điểm xâm lược của Putin có lẽ cũng liên quan tới sự chuyển giao quyền lực tại Mỹ, từ tổng thống Trump, vốn có vẻ thân thiện với Putin và không ưa NATO, sang tổng thống Biden, người không ưa Kremlin và xem trọng NATO.
Putin có lẽ cũng muốn kích động tinh thần dân tộc ở quê nhà, bằng cách nhấn mạnh tới hiểm họa ngoại bang, như ông đã từng làm trong quá khứ. Putin đã dẹp yên các chống đối trong nước, nhưng năm rồi đại dịch bùng nổ, kinh tế bết bát, các thế lực thù địch ngủ yên bấy lâu lại bùng lên chống đối ông. Kể từ khi tiến hành cuộc xâm lăng, hàng ngàn người Nga, nhiều nhân vật rất có tiếng tăm, đã xuống đường biểu tình phản chiến.
Mỹ phản ứng thế nào
Hồi tháng 12, tổng thống Biden nói rõ rằng Mỹ không tính gửi quân tham chiến ở Ukraine vì chủ yếu đây không phải là thành viên NATO, tức không có cam kết phòng thủ chung.
Thay vào đó, Mỹ gửi vũ khí chống tăng, bắn máy bay cho Ukraine, tăng hiện diện quân sự tại các quốc gia NATO giáp biên giới với Nga, và lệnh cho 7000 quân tới châu Âu. Lầu Năm Góc cũng lệnh triển khai lữ đoàn tác chiến vũ trang đến Đức để vỗ yên các đồng minh NATO phía Đông Âu.
Nhưng đòn đánh chủ lực là tài chính.
Trước cuộc xâm, Biden đe dọa Putin rằng sẽ có “những hậu quả kinh tế mà ông chưa từng thấy.” Và quả ông làm thật. Biden thề sẽ làm Putin khánh kiệt, tuyên bố những đòn trừng phạt nhằm cắt đứt khả năng liên kết hệ thống tài chính toàn cầu của nhiều ngân hàng và tài phiệt Nga, ngăn chặn quốc gia này nhập khẩu công nghệ quốc phòng, hàng không, và hàng hải cốt lõi của Mỹ. Án phạt còn áp lên công ty đứng đằng sau đường ống năng lượng nối giữa Nga và Đức.
Biden cũng tuyên bố Mỹ sẽ đóng băng hàng tỷ đô tài sản của Nga, bao gồm các quỹ do giới tài phiệt Nga kiểm soát, buộc họ phải trả giá cho cái mà tổng thống Mỹ gọi là “cuộc tấn công cố tình” vào một quốc gia có chủ quyền ở châu Âu.
Các chính phủ phương Tây cũng cùng nhau thề rằng sẽ phong tỏa tài sản của Putin, nhưng khó mà biết được ông ta có những gì và để ở đâu.
Chính quyền Biden cũng ra những án phạt mà hậu quả là người Nga có thể sẽ phải chia tay với điện thoại thông minh, laptop thế hệ tiếp theo, và các mặt hàng công nghệ khác.
Rủi ro cho châu Âu là gì?
Cấu trúc an ninh đảm bảo hòa bình cho châu Âu từ Thế Chiến II tới giờ có thể sẽ sụp đổ. Châu Âu vốn đã chia rẽ về việc đáp trả các hành vi hung hăng của Nga, và mâu thuẫn này phơi bày sự chia rẻ trong nội bộ Liên Minh Châu Âu và khối NATO. Nhưng sự hiếu chiến của Putin đã làm châu Âu nổi giận và sát lại với nhau, cùng nhau đưa ra những hình phạt mà theo họ là chưa từng có tiền lệ cả về quy mô lẫn mức độ.
Châu Âu có những mối làm ăn quan trọng với Nga, và sẽ hứng chịu hậu quả của các đòn trừng phạt nặng nề hơn nhiều so với Mỹ. Ngoài ra còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, một điểm yếu mà Putin đã tận dụng triệt để mỗi khi đôi bên có xích mích.
Khi bà Angela Merkel thôi giữ chức thủ tướng Đức, châu Âu mất đi một nhà đàm phán quan trọng với Moscow. Bà lớn lên ở phương Đông, nói thành thạo tiếng Nga, và có mối quan hệ rất tốt với Putin. Kế nhiệm bà là Olaf Scholz, vừa tựu nhiệm thì khủng hoảng leo thang, ông đình chỉ dự án ống dẫn khí Nord Stream 2 kết nối Đức với Nga – một trong những động thái mạnh mẽ nhất nhằm trừng phạt điện Kremlin.