Người hiểu được câu chuyện chuyển tiếp từ người săn bắt thời tiền sử sống trong vùng rừng rậm ở sông Nile thành chính khách và nguyên thủ, kiến trúc sư, kỹ sư và thợ thủ công, nhà hiền triết và nhà chiêm tinh xã hội của một xã hội được tổ chức tốt, hình thành các kỳ quan vĩ đại dọc theo sông Nile vào thời điểm khi toàn bộ châu Âu đang sống trong tình trạng man di Thời kỳ đồ đá và không có ai truyền dạy một nền văn minh trong quá khứ – người hiểu được tất cả những điều này sẽ hiểu được câu chuyện về sự xuất hiện một nền văn minh đầu tiên mang tầm nhìn đạo đức sâu sắc ở khắp mọi nơi trên toàn cầu.
James H. Breasted, The Dawn of Conscience
Các Nền Văn Hóa Và Văn Minh
Định nghĩa văn hóa
Các giai đoạn tiến bộ của nhân loại vừa mô tả được gọi là các nền văn hóa. Từ này thường được dùng để chỉ các xã hội hay giai đoạn chưa có được kiến thức thành văn và mức độ thành tựu chung vẫn còn tương đối nguyên sơ. Nhưng từ này còn mang ý nghĩa khác. Đôi khi từ này được dùng để chỉ các thành tựu tri thức và nghệ thuật, cho đến văn học nghệ thuật, âm nhạc, triết học, và khoa học. Một số sử gia sử dụng từ văn hóa để chỉ toàn bộ mẫu phức hợp các tư tưởng, thành tựu, truyền thống, và đặc điểm của một dân tộc hay quốc gia trong một thời điểm cụ thể.
Ý nghĩa của từ văn minh
Từ văn minh cũng mang nhiều nghĩa khác nhau. Triết gia lịch sử Đức Oswald Spengler ám chỉ văn minh như các giai đoạn sa sút của các nền văn hóa phát triển cao. Khi một dân tộc hay đế chế vĩ đại đang ở thời hoàng kim, ông mô tả đặc điểm mẫu tri thức và xã hội của dân tộc hay đế chế ấy là văn hóa. Khi đã qua thời hoàng kim, bắt đầu trở nên cứng nhắc và trì trệ, ông mô tả đó là “văn minh”. Sử gia Anh nổi tiếng Arnold J. Toynbee cũng nhận xét lịch sử thế giới như một chuỗi tiếp nối của các đơn vị văn hóa. Nhưng ông gọi từng đơn vị trong số các đơn vị cơ bản, trong suốt sự phát triển đơn vị ấy, là “văn minh”. Ông phân biệt giữa các nền văn minh và “xã hội nguyên thủy” trên cơ sở định lượng, là “tương đối sống yểu, chỉ giới hạn trong các khu vực địa lý tương đối hẹp, và bao gồm số lượng người tương đối nhỏ”1.
Các nền văn minh như các nền văn hóa vượt trội
Từ văn minh vẫn còn mang ý nghĩa khác. Vì mỗi nền văn hóa đều có đặc điểm đặc trưng riêng, và vì một số nền văn hóa này phát triển cao hơn nền văn hóa khác, nên chúng ta hoàn toàn hợp lý khi cho rằng một nền văn minh là một nền văn hóa vượt trội. Chúng ta có thể nói rằng văn hóa đáng được gọi là văn minh khi nó đạt đến giai đoạn tiến bộ trong đó chữ viết được sử dụng với một mức độ đáng kể, có một số tiến bộ trong nghệ thuật và khoa học, và các thể chế chính trị, xã hội và kinh tế đã và đang phát triển thích hợp để chế ngự một số vấn đề trật tự, an ninh và tính hiệu quả trong một xã hội phức hợp. Đây cũng là nghĩa của từ được sử dụng trong suốt phần còn lại của quyển sách này.
Yếu Tố Tạo Ra Nguồn Gốc Và Sự Phát Triển Các Nền Văn Minh
Nguồn gốc và sự phát triển các nền văn minh được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Nguyên nhân gì góp phần cho sự ra đời của các nền văn minh? Yếu tố gì giải thích cho sự phát triển của các nền văn minh ấy? Tại sao một số nền văn minh đạt trình độ phát triển cao hơn các nền văn minh khác? Tìm hiểu những vấn đề này là một trong những mục đích theo đuổi chính của các nhà khoa học xã hội. Một số xác định rằng yếu tố địa lý là yếu tố quan trọng nhất. Số khác nhấn mạnh đến các tài nguyên kinh tế, cung cấp lương thực, tiếp xúc với các nền văn minh lâu đời hơn, v.v.. Người ta thừa nhận có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân thường được chọn ra để dành sự chú trọng đặc biệt.
Giả thuyết địa lý: giả thuyết khí hậu
Có lẽ phổ biến nhất trong số các giả thuyết giải thích sự xuất hiện của các nền văn hóa vượt trội thường được đặt dưới tiêu đề địa lý. Nổi bật nhất trong số này là giả thuyết khí hậu. Giả thuyết khí hậu, trong quá khứ được sự tán thành của nhiều nhân vật đáng kính như Aristotle và Montesquieu, được giải thích thuyết phục nhất trong trước tác của nhà địa lý người Mỹ, Ellsworth Huntington. Tiến sĩ Huntington công nhận tầm quan trọng của các yếu tố khác, nhưng ông nhất mực cho rằng không có dân tộc nào, dù thời cổ đại hoặc thời hiện đại, phát triển đến vị thế văn hóa cao nhất ngoại trừ dưới sự ảnh hưởng của yếu tố khí hậu. Ông mô tả khí hậu lý tưởng là khí hậu trong đó nhiệt độ trung bình thường thấp hơn mức hoạt động tối ưu của trí tuệ – 38 độ F, hoặc cao hơn mức hoạt động tối ưu của cơ thể – 64 độ F. Nhưng nhiệt độ không phải là yếu tố quan trọng duy nhất. Độ ẩm cũng là yếu tố cơ bản, và độ ẩm bình quân phải ở mức 75%. Sau cùng, thời tiết không phải lúc nào cũng như nhau: bão theo chu kỳ, hoặc bão thông thường thường phát sinh do thời tiết thay đổi từ ngày này sang ngày khác, cũng phải có tần số thích hợp và cường độ làm cho trời quang mây tạnh ngay lập tức và tạo ra nhiều biến thể đột biến trong nhiệt độ có vẻ là điều cần thiết để giúp cho con người hưng phấn và có thêm sức sống2.
Chứng cứ ủng hộ giả thuyết khí hậu
Có thể nói nhiều người ủng hộ giả thuyết khí hậu. Chắc chắn một số nơi trên bề mặt trái đất, trong điều kiện khí quyển hiện tại, sẽ không bao giờ tạo ra được một nền văn hóa vượt trội. Hoặc quá nóng, quá ẩm, quá lạnh hoặc quá khô. Các khu vực như thế thường ở vòng Cực Bắc, khu vực hoang mạc rộng lớn, và các khu rừng nhiệt đới ở Ấn Độ, Trung Mỹ và Brazil. Chứng cứ hiện có cho thấy một số trong những nơi này lúc nào cũng có khí hậu bất lợi. Nhiều nơi có khí hậu khắc nghiệt ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ có nhiều dấu hiệu không thể nhầm lẫn được nơi đây trong quá khứ có khí hậu trong lành hơn. Đó đây vẫn còn nhiều tàn tích thị trấn và thành phố nơi mà hiện nay việc cung cấp nước dường như hoàn toàn không đủ dùng. Nhiều con đường băng qua hoang mạc hiện nay không thể đi được. Nhiều cây cầu bắc ngang qua sông cạn khô chỉ trong vài năm. Những hiện tượng này và những hiện tượng tương tự, theo nhận xét của du khách đến các vùng hoang mạc, dường như cung cấp chứng cứ cho thấy yếu tố khí hậu trong lịch sử không thể xem thường.
Văn minh Maya
Chứng cứ nổi tiếng nhất về ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa của sự thay đổi khí hậu là chứng cứ về nền văn minh của người Maya. Văn minh Maya phát triển cực thịnh ở Guatemala, Honduras và trên bán đảo Yucatan ở Mexico từ khoảng 400 đến 1500 năm TCN. Một số những thành tựu quan trọng mà nền văn minh này đạt được là làm giấy, nghĩ ra số 0, hoàn thiện dương lịch, và phát triển hệ thống chữ viết một phần dựa theo ngữ âm. Nhiều thành phố được dựng lên, có nhiều tiến bộ đáng kể trong ngành thiên văn học, điêu khắc và kiến trúc phát triển ở đỉnh cao. Hiện nay hầu hết nền văn minh này trở thành đống gạch vụn. Chắc chắn có nhiều yếu tố dẫn đến sự kết thúc không đúng lúc, bao gồm các cuộc chiến đẫm máu giữa các bộ tộc, nhưng thay đổi khí hậu cũng góp phần không nhỏ. Tàn tích còn lại của các thành phố to lớn khi xưa hiện đang bị rừng già nhiệt đới bao phủ, nơi bệnh sốt rét hoành hành và khó làm nông nghiệp. Nền văn minh Maya hay nền văn minh khác có thể phát triển đến mức cực thịnh trong những điều kiện như thế này là chuyện khó tin được. Vì thế, có lẽ khí hậu trong vùng Maya cách đây năm, sáu thế kỷ khác với khí hậu bây giờ.
Phê phán giả thuyết khí hậu
Nhưng giả thuyết khí hậu cũng bị nhiều người phê phán. Chứng cứ thay đổi khí hậu trên quy mô rộng vẫn chưa được kết luận dứt khoát. Chẳng hạn, không có gì chứng minh rằng khí hậu Hy Lạp và La Mã trong thời cổ đại có lợi cho sức khỏe hơn hiện nay. Điều kiện ẩm ở Hy Lạp cổ đại chắc chắn có nhiều thuận lợi hơn, nhưng không có chứng cứ nào về sự thay đổi nhiệt độ. Sự suy tàn của nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà cũng không thể giải thích bằng những thay đổi cơ bản của điều kiện khí hậu. Hầu hết chứng cứ dường như cho thấy rằng các yếu tố kinh tế và xã hội, chẳng hạn như sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên, sự phát triển nạn mua bán nô lệ, và thói lười biếng, có ảnh hưởng còn nhiều hơn.
Giả thuyết đất bạc màu
Liên quan với giả thuyết khí hậu là giả thuyết đất bạc màu. Một nhóm các nhà bảo vệ môi trường hiện đại tán thành giả thuyết này, cho đó là cách giải thích duy nhất về sự suy tàn và sụp đổ của các đế chế vĩ đại trong quá khứ và xem đó là mối đe dọa chung đối với các dân tộc hiện tại và tương lai. Ở mức độ chính xác nhất, đây chỉ là giả thuyết một phần, vì không đưa ra được giả thuyết về sự ra đời hoặc phát triển các nền văn minh. Nhưng những người ủng hộ giả thuyết có vẻ nghĩ rằng gần như tất cả môi trường nào không bị con người hủy hoại đều có khả năng nuôi dưỡng một nền văn hóa vượt trội. Các vùng đất khô cằn và hoang mạc rộng lớn trên trái đất, theo họ không phải là do nguyên nhân tự nhiên mà do con người gây ra, qua các tập quán canh tác và chăn thả gia súc không phù hợp. Những người bảo vệ môi trường tìm thấy vô số chứng cứ về đất bỏ hoang và sao nhãng dẫn đến nhiều thiệt hại ở những khu vực như Lưỡng Hà, Palestine, Hy Lạp, Ý, Trung Hoa và Mexico. Các nền văn minh một thời phát triển cực thịnh ở các nước này sau cùng phải bị diệt vong bởi một thực tế đơn giản đất đai trong nước không còn khả năng cung cấp đủ lương thực nuôi sống dân số. Do đó, những người thông minh hơn di cư đi nơi khác, để lại những người kém hơn mình lâm vào cảnh trì trệ thống khổ. Nhưng số phận bi đát không chỉ xảy ra đối với nhóm người thua kém. Con người đã tàn phá tài nguyên rừng, khai thác đất đến mức bạc màu, chăn thả gia súc trên vùng đất cho đến khi gia súc không còn rễ cỏ để ăn. Trong số các hậu quả bi kịch là lũ lụt xen kẽ với hạn hán, vì không còn rừng để điều tiết dòng chảy của nước mưa hay tuyết tan. Đồng thời, phần lớn lớp đất mặt trên các sườn đồi bị thâm canh hoặc canh tác quá mức đã bị cuốn trôi hoặc chảy xuống các dòng sông, sau cùng chảy thẳng ra biển. Thiệt hại không thể khắc phục, vì phải cần khoảng 300 năm mới phủ được lớp đất mặt dày chỉ một inch (2,54 cm).
Giả thuyết địa hình
Tuy nhiên một giả thuyết địa lý khác là lập luận cho rằng địa hình bề mặt trái đất là yếu tố chính trong sự ra đời của các nền văn minh. Người tiên phong nổi tiếng trong giả thuyết này là Karl Ritter, một người Đức sống vào nửa đầu thế kỷ 19. Ritter cho rằng hình thức và hình dạng của các lục địa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo ra lợi thế phát triển văn hóa. Các lục địa đều có đường bờ biển không đều và điều kiện địa lý đa dạng tạo ra môi trường thuận lợi duy nhất cho các dân tộc phát triển. Lục địa nào càng cô đọng và đồng nhất thì cư dân sống trên lục địa ấy càng chậm tiến hơn. Trên toàn bộ lãnh thổ, nền văn hóa của họ sẽ đồng nhất, và việc không có các hải cảng thuận lợi sẽ hạn chế sự tiếp xúc, liên lạc với thế giới bên ngoài. Hậu quả sẽ là sự trì trệ. Trái lại, các dân tộc sống ở lục địa như châu Âu chẳng hạn, có đường bờ biển đứt gãy đột ngột và đặc điểm địa lý đa dạng, nên có nhiều lợi thế đáng kể. Người ta có thể tiếp cận lục địa này bằng đường thủy vào tận trung tâm. Có rất nhiều vịnh, hải cảng, đảo nằm ngoài khơi bờ biển là nơi tránh bão an toàn. Do đó, không có gì phải ngạc nhiên khi châu Âu có thể phát triển đến mức “cao nhất trong các nền văn minh”3.
Thậm chí còn nổi tiếng hơn nữa là một giả thuyết địa hình điển hình của sử gia người Anh Henry Thomas Buckle (1821-1862). Buckle chia các môi trường chính của con người thành hai nhóm: (1) nhóm môi trường kích thích trí tưởng tượng, và (2) nhóm môi trường tăng cường sự hiểu biết. Để minh hoạ cho nhóm môi trường kích thích trí tưởng tượng, ông dẫn chứng Ấn Độ, nơi tác động của thiên nhiên ở “biên độ gây sửng sốt”, làm cho con người phải khiếp sợ và tạo cho con người có cảm giác mình không phải là yếu tố quan trọng. Vì thế, cư dân bản địa tự hành xác mình, nghĩ ra nhiều vị thần ác, khủng khiếp, và theo tín ngưỡng có nhiều cuộc vui điên cuồng gớm guốc.
Họ là những người theo chủ nghĩa bi quan và theo thuyết định mệnh, phủ nhận mọi giá trị của cuộc sống và bác bỏ khả năng của con người trong việc tìm hiểu và kiểm soát thế giới. Minh hoạ cho nhóm môi trường thứ hai, Buckle ám chỉ Hy Lạp, nơi chuyện đối mặt với tự nhiên là chuyện thông thường và “ít mang tính de dọa đối với con người” hơn. Theo ông, một môi trường như thế, thúc đẩy sự phát triển ở con người, tạo ra thái độ lạc quan, và kích thích cảm giác tự tin vào khả năng suy nghĩ của mình. Vì thế, ông nghĩ không phải là phép màu khi Hy Lạp đã có khả năng tạo ra một trong những nền văn hóa vĩ đại nhất trên thế giới và sản sinh ra một số nhà tư tưởng phê phán vĩ đại nhất trong mọi thời đại4.
Phê phán giả thuyết địa hình
Giả thuyết địa hình dường như ít có người ủng hộ. Không nhà địa chất học nào đồng ý rằng các vết cắt ở bờ biển và độ cao của các dãy núi lại thay đổi quá nhiều trong suốt thời gian lịch sử. Số lượng hải cảng của Hy Lạp ngày nay không nhiều hơn số lượng dưới thời Pericles, núi Olympus trong những năm gần đây cũng không thay đổi đến mức “biên độ gây sửng sốt”. Nhưng người Hy Lạp hiện đại không thể sánh với tiền nhân trong thành tựu tri thức. Nếu ảnh hưởng của địa hình có thể dẫn đến tư duy duy lý và phát triển cảm giác tự tin, hân hoan trong thành tựu thì tại sao ảnh hưởng ấy lại ngưng tác động? Giả thuyết không giải thích được một quốc gia như Thụy Sĩ lại có thể trở thành một trung tâm khai sáng hàng đầu trong thời hiện đại. Mặt khác, cũng không thể chối cãi rằng đường bờ biển không đều là một tài sản đáng giá trong phát triển thương mại, do đó là một lợi thế quan trọng trong việc phổ biến và tiếp nhận kiến thức.
Giả thuyết du mục
Theo một số triết gia lịch sử, hầu hết các nền văn hóa lịch sử vĩ đại đều do dân du mục sáng lập. Nhân vật tiêu biểu cho giả thuyết này là một người Đức, Franz Oppenheimer. Ông cùng các môn đệ cho rằng dân du mục là những người đầu tiên chinh phục các nền văn hóa nguyên thủy và cũng là những người sáng lập nhà nước và xã hội phức hợp. Khai thác sức lao động của kẻ bị chinh phục và tịch thu tài sản của họ đã giúp cho những người chinh phục sống xa hoa, an nhàn. Họ tự xem mình như tầng lớp quý tộc, ra lệnh mua hoặc ra lệnh để đáp ứng thú tiêu khiển của riêng mình bằng bất kỳ thứ gì mà quốc gia có thể cung ứng. Có lúc họ tích cực khuyến khích việc học và nghệ thuật được xem là biểu tượng trong sinh hoạt giải trí và vị trí đặc quyền của họ. Chỉ có họ mới có thời gian thưởng thức những thứ như thế, ngoài ra họ còn là người bảo trợ nuôi giới văn nghệ sĩ để họ phục vụ như một hình thức thể hiện tiện nghi xa hoa.
Oppenheimer cho rằng chế độ ăn kiêng của người chăn thả gia súc, chỉ gồm thịt và sữa, có nhiều chất dinh dưỡng. Do đó, dân du mục có nghị lực vô biên. Họ truyền dẫn một sức sống mới cho các dân tộc trì trệ ở bất kỳ nơi nào họ đi qua. Mặc dù dân du mục có thể là những người hung ác, độc đoán nhưng dù sao họ đã thiết lập tổ chức, áp đặt kỷ luật và hình thành sự bất bình dẳng trong giai cấp và đẳng cấp dường như là nền tảng cần thiết để phát triển văn hóa. Ngoài ra, tập quán và chế độ ăn kiêng của dân du mục chăn thả gia súc dẫn đến việc gia tăng dân số nhanh chóng. Hình thức hôn nhân thông thường là đa thê, và việc cung cấp sữa động vật dư thừa “rút ngắn thời gian mẹ cho con bú, do đó làm cho số lượng trẻ sinh ra và sống đến tuổi trưởng thành nhiều hơn”5. Kết quả là dân du mục theo chu kỳ phải mở rộng lãnh thổ của mình, xâm chiếm và chinh phục nhiều vùng đất của các dân tộc định cư khác.
Chứng cứ khẳng định giả thuyết du mục
Chứng cứ cho loại giả thuyết này được tìm thấy rất nhiều. Không chỉ có một vài nền văn hóa vĩ đại trong quá khứ dường như do người du mục xâm chiếm sáng lập. Ba nguồn xuất xứ nhân loại theo từng thời điểm dường như để cho nhiều người đổ xô đến các khu vực có đất đai phì nhiêu hơn ở Cựu Thế giới. Người Babylonia, người Assyria, và người Chaldea đến từ các đồng cỏ phía bắc hoang mạc Ả Rập lần lượt xâm chiếm thung lũng sông Tigris-Euphrates. Người Mede, người Ba Tư và người Ấn Độ, và có lẽ hầu hết tổ tiên của các dân tộc châu Âu đến từ thảo nguyên Trung Á. Bản thân hoang mạc Ả Rập là điểm xuất phát sự di cư của người Do Thái vào vùng đất Canaan và cũng là điểm xuất phát các cuộc xâm chiếm của tín đồ Hồi giáo. Tất cả những khu vực tiêu điểm này đều không thích hợp với nông nghiệp, cho đến nay chỉ có dân du mục mới sinh sống ở đây. Tiếp theo sau là các dân tộc vừa nêu ban đầu ắt phải sống trong nền kinh tế chăn thả, cho dù một số đã bỏ bầy đàn gia súc trong lúc họ tiến hành các cuộc xâm chiếm quan trọng.
Phê phán giả thuyết du mục
Nhưng giả thuyết du mục có hạn chế không giải thích được sự ra đời của các nền văn hóa vượt trội. Chắc chắn giả thuyết này không thể áp dụng để giải thích nguồn gốc xuất xứ tất cả các nền văn hóa. Chẳng hạn văn minh Ai Cập dường như do những người sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, chuộng hoà bình tạo ra. Người Phoenicia, đến từ Babylonia khoảng 2000 năm TCN để hình thành một nền văn hóa biển ở thung lũng Lebanon ắt hẳn từ lâu đã quen với phương pháp canh tác đất trước khi di cư. Ngoài ra, còn có lý do để cho rằng hầu hết các phát minh và khám phá quan trọng tạo ra nền tảng ban đầu cho nền văn minh là do những người làm nông nghiệp, chuộng hoà bình mà ra. Dường như kỹ thuật tưới tiêu, toán học, thiên văn học, hệ thống chữ viết cũng từ những người ấy mà ra. Nhà kinh tế học kiêm triết gia người Mỹ Thorstein Veblen cho biết các dân tộc du mục cho dù không có đóng góp nào quan trọng đi nữa, nhưng với ngoại lệ thi ca, tín điều tôn giáo và hệ thống thờ cúng6. Nhưng vấn đề là các dân tộc du mục xâm chiếm đã truyền dẫn sức sống mới cho các nền văn hóa trong khu vực định cư và có lẽ hướng dẫn cư dân trong khu vực tham gia các hoạt động sau cùng đạt được thành tựu. Ngoài ra, tình thế vào lúc mở rộng đầu tiên của các dân tộc như Babylonia, Assyria, Do Thái và tín đồ Hồi giáo cho thấy điều kiện sống du mục một phần dẫn đến việc họ tạo ra các nền văn minh.
Giả thuyết nghịch cảnh của Arnold J. Toynbee
Giả thuyết trong thời gian gần đây nhất giải thích nguồn gốc hình thành các nền văn minh là giả thuyết nghịch cảnh của sử gia nổi tiếng người Anh, Arnold J. Toynbee. Theo giả thuyết này, nghịch cảnh hoặc hoàn cảnh khó khăn là nguyên nhân thật sự dẫn đến sự ra đời của các nền văn minh vượt trội. Những điều kiện như thế tạo ra một thử thách không những kích thích con người phải cố gắng khắc phục mà còn tạo ra nghị lực mới vươn đến thành tựu mới. Thử thách có thể mang hình thức của một hoang mạc, khu vực rừng già, địa hình trắc trở, hay vùng đất bạc màu. Người Do Thái và Ả Rập bị thử thách trước tiên, thổ dân da đỏ trên cao nguyên Andes bị thử thách sau cùng. Thử thách có thể là hình thức đại bại trong cuộc chiến hoặc thậm chí bị bắt làm nô lệ. Do đó, người Carthaginian, khi đánh thắng trong Chiến tranh Punic lần thứ nhất, được kích thích xâm chiếm một đế chế mới ở Tây Ban Nha, trong khi nhiều thế kỷ sau này, số tù binh phương Đông bị người La Mã bắt làm nô lệ, đã củng cố phát triển di sản tôn giáo thừa kế của mình cho đến khi chính La Mã phải phục tùng. Nói chung thực tế là thử thách càng lớn thì thành tựu càng nhiều, nhưng dù sao cũng có nhiều hạn chế. Thử thách đừng nên khắc nghiệt quá nếu không sẽ là đòn chí tử nhắm vào tất cả những ai muốn đối mặt với thử thách. Các môi trường chẳng hạn như Greenland, Labrador, và Tierra del Fuego có điều kiện đất đai và khí hậu vô cùng khắc nghiệt đến mức không bao giờ tạo ra được nền văn minh.
Phải tính đến nhiều yếu tố khi giải thích nguồn gốc hình thành các nền văn minh
Đa số các sử gia cho rằng nguồn gốc hình thành các nền văn minh không thể giải thích nếu không dựa trên nền tảng tính phức hợp các nguyên nhân. Không phải chỉ một yếu tố bất kỳ, mà phải tính đến sự kết hợp một số yếu tố. Trong số những yếu tố này, người ta nhấn mạnh yếu tố địa lý và kinh tế gồm khí hậu thuận lợi, đất phì nhiêu, tiếp cận với các hải cảng tốt, và tài nguyên khoáng sản. Chúng cũng phù hợp với vị trí thuận lợi, tạo cơ hội trao đổi tư tưởng với các dân tộc khác có trình độ tiến bộ đáng kể. Các nền văn minh không phát triển trong các góc biệt lập với thế giới. Sự chậm tiến của Úc, New Zealand, và Nam Phi trước khi người châu Âu đến có lẽ là do nguyên nhân này. Những bộ phận này nằm ở vị trí thuận lợi về mặt tài nguyên và khí hậu, nhưng ở quá xa đến mức không bị ảnh hưởng bởi sự kích thích phát triển ở nơi khác. Các sử gia cũng thường nhấn mạnh đến sự tập trung dân số trong các khu vực hạn chế và nghĩ ra nhiều cách xử lý và kỹ năng mới, như chữ viết tượng hình, nung chảy kim loại, là các yếu tố trong nguồn gốc hình thành các nền văn hóa phát triển cao. Giới sử gia cũng công nhận tầm quan trọng của tín ngưỡng, xem đó là một tác động trong sự chuyển tiếp từ đời sống nguyên thủy sang đời sống văn minh. Các hình thái điều tiết xã hội sớm nhất có lẽ do mục đích tín ngưỡng. Tín ngưỡng cung cấp bộ luật và hệ thống đạo đức lâu đời nhất, và có lẽ cũng là nền tảng triết học và khoa học. Các thầy tu cấu thành một giai cấp gồm những người có học từ thời xa xưa nhất, và cũng có lý do cho rằng chính họ là người nghĩ ra hệ thống chữ viết đầu tiên.
Tại Sao Các Nền Văn Minh Đầu Tiên Bắt Đầu Ở Nơi Như Thế
Thung lũng sông Nile và sông Tigris Euphrates có lẽ là trung tâm của các nền văn minh lâu đời nhất. Nền văn minh vĩ đại nào trong thời cổ đại là nền văn minh lâu đời nhất cho đến nay vẫn còn nhiều tranh luận. Đánh giá của nhiều học giả thiên về người Ai Cập, mặc dù một tập hợp các nhân vật đáng kính trong ngành ủng hộ khẳng định thung lũng sông Tigris Euphrates. Vẫn còn nhiều chuyên gia khác ủng hộ Elam, một vùng nằm phía đông thung lũng sông Tigris Euphrates, giáp vịnh Ba Tư. Trong khi ý kiến của số học giả không am hiểu thường thờ ơ với vấn đề, nhưng dù sao người ta vẫn cho rằng thung lũng sông Nile và sông Tigris Euphrates là quê hương của các nền văn hóa lâu đời nhất trong lịch sử. Hai khu vực này về mặt địa lý là khu vực được ưa chuộng nhất trong toàn vùng thuộc cái gọi là Vùng đất phì nhiêu hình lưỡi liềm7, ở đây có nhiều đồ tạo tác chắc chắn thuộc thời cổ đại được tìm thấy nhiều hơn các khu vực khác trong vùng Cận Đông.
Ngoài ra, tiến bộ trong nghệ thuật và khoa học đã đạt được những đỉnh cao vô song trong cả hai lĩnh vực này vào đầu những năm 3000 TCN, trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới đang chìm đắm trong sự mông muội. Nếu nền tảng của sự tiến bộ này thật sự đặt ở nơi khác, thì cũng có vẻ kì lạ khi lẽ ra chúng phải biến mất, mặc dù dĩ nhiên không ai biết được lưỡi xẻng nào của nhà khảo cổ có thể khai quật được chúng trong tương lai. Khả năng có thể rằng các nền văn minh lâu dời nhất thế giới có nguồn gốc hình thành ở Ấn Độ hoặc Trung Hoa phải được loại trừ. Không có chứng cứ nào cho thấy nền văn hóa nguyên thủy ở Ấn Độ có trước năm 3250 TCN, và đỉnh điểm phát triển văn hóa mãi đến sau này rất lâu vẫn chưa đạt tới. Trước năm 1500 TCN, ở Trung Hoa chưa có nền văn minh nào thật sự phát triển.
Khu vực đất phì nhiêu hạn chế ở thung lũng sông Nile
Trong số một vài nguyên nhân có thể dẫn đến sự ra đời của các nền văn minh lâu đời nhất trong thung lũng sông Nile và sông Tigris Euphrates, các yếu tố địa lý dường như là yếu tố quan trọng nhất. Cả hai khu vực đều có lợi thế đáng kể của một khu vực đất phì nhiêu nhưng có hạn. Mặc dù khu vực này kéo dài một khoảng cách khoảng 750 dặm (1.200 km), nhưng ở một số nơi chiều rộng chưa tới 10 dặm (16 km), và chiều rộng ở chỗ rộng nhất là 31 dặm (khoảng 50 km). Toàn bộ khu vực này có diện tích chưa tới 10.000 dặm vuông (25.600 km²), hoặc tương đương với bang Maryland. Trải qua không biết bao nhiêu thế kỷ, dòng sông đã khắc một hẻm hoặc hào rộng, hai bên bờ có nhiều vách đá dựng đứng, có chiều cao thay đổi từ vài trăm đến vài ngàn feet (khoảng 60 đến 600 m). Dưới đáy hẻm núi được bao phủ một lớp trầm tích phù sa dày, có nơi hơn 30 feet (hơn 9 m). Vùng đất có năng suất đáng ngạc nhiên đến mức có thể canh tác ba vụ trên cùng một mảnh đất. Hẻm núi rộng, phì nhiêu này tạo thành khu vực có thể canh tác của Ai Cập cổ đại. Có đến vài triệu người sống tập trung ở đây. Trong thời La Mã, dân số trong thung lũng ước tính có đến 7 triệu người, và có lẽ ít hơn nhiều so với thời Pharaoh. Qua khỏi vách đá dựng đứng không gì khác hơn là hoang mạc – hoang mạc Libya ở phía tây và hoang mạc Ả Rập ở phía đông. Trong ngôn ngữ Ai Cập cổ đại, “người cao nguyên” đồng nghĩa với người nước ngoài. “Đi lên” tương đương với đi nước ngoài, trong khi “đi xuống” là nhóm từ phổ biến để chỉ việc từ nước ngoài trở về quê nhà8.
Điều kiện tương tự ở vùng Lưỡng Hà
Trong thung lũng sông Tigris-Euphrates điều kiện cũng tương tự. Cũng như ở Ai Cập, các con sông này là điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nội địa, là nguồn cung cấp cá, gia cầm, rất giàu chất đạm. Khoảng cách giữa sông Tigris và sông Euphrates có chỗ chưa tới 20 dặm (hơn 30 km), trong khi không có nơi nào ở vùng thung lũng hạ lưu khoảng cách vượt quá 45 dặm (hơn 70 km). Vì bao quanh đất nước là hoang mạc, nên dân chúng tránh việc sống rải rác trên một lãnh thổ quá rộng lớn. Kết quả, như ở Ai Cập, là sự hàn gắn cư dân với một xã hội cô đọng, trong điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi tư tưởng và khám phá.
Khi dân số tăng, nhu cầu phải có các cơ quan kiểm soát, quản lý xã hội trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Phần lớn trong số các cơ quan này là “chính quyền”, trường học, “cơ quan pháp luật” và hệ thống đạo đức, và nhiều thể chế phụ trách việc sản xuất và phân phối của cải. Đồng thời, điều kiện sống trở nên phức tạp, giả tạo hơn, nhất thiết phải có sổ sách ghi chép việc gì đã làm xong và hoàn thiện kỹ thuật mới. Trong số các thành quả là việc phát minh ra chữ viết, kỹ thuật nung chảy kim loại, hoạt động toán học, phát triển thiên văn học và những kiến thức sơ đẳng về vật lý học. Với những thành tựu này, đã vượt qua thử thách quan trọng đầu tiên của nền văn minh.
Lợi thế khí hậu ở Ai Cập
Ảnh hưởng của khí hậu đóng vai trò quan trọng trong cả hai khu vực. Khí hậu của Ai Cập khô, có lợi cho sức khỏe. Ngay cả những ngày nóng nhất cũng không có sự khó chịu như thường có trong mùa hè ở nhiều nước phương Bắc. Nhiệt độ trung bình vào mùa đông thay đổi từ 56 độ F ở vùng Châu thổ đến 66 độ F trong thung lũng. Nhiệt độ trung bình trong mùa hè là 83 độ F và đôi khi đạt mức cao nhất 122 độ F, nhưng ban đêm trời thường mát, độ ẩm cực thấp. Ngoại trừ vùng Châu thổ ra, lượng mưa không đáng kể, nhưng độ ẩm thiếu hụt do sông Nile gây ngập lụt hàng năm từ tháng 7-10 làm mất tác dụng. Điều rất có ý nghĩa xét từ quan điểm lịch sử là hoàn toàn không có bệnh sốt rét ở vùng Thượng Ai Cập, trong khi ở vùng ven biển thực tế có hay không là điều chưa rõ. Hướng gió thịnh hành cũng là yếu tố thuận lợi mang ý nghĩa quan trọng không kém. Hơn 9 tháng trong năm, gió thổi từ phương bắc, thổi ngược dòng chảy sông Nile. Ảnh hưởng của hướng gió này làm nhẹ gánh vấn đề vận chuyển. Vận chuyển ngược dòng, với lực đầy của gió làm mất tác dụng dòng chảy của sông, không gây khó khăn hơn vận chuyển xuôi dòng. Yếu tố này trong thời cổ đại phải được xem là thuận lợi rất lớn trong việc thúc đẩy giao lưu, tiếp xúc giữa nhiều người, sống cách nhau hàng trăm dặm.
Ảnh hưởng của khí hậu ở vùng Lưỡng Hà
Điều kiện khí hậu ở Lưỡng Hà có vẻ không hoàn toàn thuận lợi như ở Ai Cập. Cái nóng trong mùa hè gay gắt hơn, độ ẩm có phần nào cao hơn, và các bệnh nhiệt đới cũng hoành hành nhiều hơn. Tuy nhiên, gió nóng như thiêu đốt thổi từ Ấn Độ Dương, trong khi làm suy yếu con người, thổi qua thung lũng chỉ theo mùa, giúp cho quả chà là chín rục. Quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác là sản lượng chà là bội thu, sản phẩm ăn kiêng chủ yếu của phương Đông, khuyến khích nhiều người đến thung lũng giữa hai con sông định cư. Sau cùng, tuyết trên núi phía bắc tan làm cho vùng đồng bằng Babylonia hằng năm lụt, giống như ở Ai Cập. Tác động này làm cho đất đai tăng thêm độ ẩm, và được phủ một lớp bùn có độ phì nhiêu đặc biệt.
Ý nghĩa quan trọng của lượng mưa ít như một động lực dẫn đến sáng kiến. Điều có ý nghĩa nhất trong số các ảnh hưởng địa lý là lượng mưa ít ở cả hai khu vực, tạo ra một động lực thúc đẩy sáng kiến và kỹ năng sáng tạo. Mặc dù lũ lụt hằng năm, nhưng trong đất độ ẩm không đủ để có được mùa màng bội thu. Sau khi nước rút được một vài tuần, đất bị mặt trời thiêu đốt cứng như đá. Đòi hỏi phải có hệ thống tưới tiêu mới tận dụng hết độ phì nhiêu trong đất. Do đó, ở cả Ai Cập lẫn Lưỡng Hà, cách đây 5000 năm người ta đã xây dựng nhiều hệ thống đập và kênh tưới tiêu. Kỹ năng toán học, khả năng kỹ thuật, sự hợp tác xã hội rất cần cho sự phát triển các dự án này cũng như được áp dụng trong các mục đích khác, do đó nuôi dưỡng thành tựu của nền văn minh.
Chứng cứ chọn Ai Cập
Vấn đề còn lại phải được trả lời, trong số hai nền văn minh, văn minh Ai Cập và văn minh Lưỡng Hà, nền văn minh nào lâu đời hơn? Vấn đề này từ lâu chưa có được lời đáp thỏa mãn. Người ta đưa ra nhiều lý do khác nhau có vẻ thiên về Ai Cập nhiều hơn. Quan trọng nhất trong số này, số cư dân sống trong thung lũng sông Nile có được lợi thế địa lý nhiều hơn cư dân bản địa vùng Lưỡng Hà: khí hậu có lợi cho sức khỏe hơn, khí hậu tương đối không mang bệnh tật, và tính khả dụng kim loại và đá xây dựng chất lượng tốt. Ngoài ra, Ai Cập được bảo vệ tốt, tránh được sự xâm nhập và đồng hóa của các dân tộc chậm tiến hơn. Ở phía đông và tây là hoang mạc không có đường đi, ở phía bắc là đường bờ biển không có hải cảng, ở phía nam là dãy rào chắn bằng đá với một loạt cơn mưa như trút nước ngăn đường tiến của các bộ tộc man rợ châu Phi. Chỉ có hai góc phía bắc mới vào được thung lũng dễ dàng. Trái lại, Lưỡng Hà tương đối không được bảo vệ. Không phải đường biên nào cũng có mức độ an toàn đáng kể. Lưỡng Hà luôn cám dỗ các bộ tộc du mục thèm khát sống ở các vùng núi và hoang mạc xung quanh. Do đó, quá trình phát triển văn hóa thường xuyên bị gián đoạn do sự xâm chiếm của các bộ tộc hay cướp phá này.
Không chắc nền văn minh nào lâu đời hơn
Cho đến gần đây, hầu hết các sử gia đều mặc nhiên công nhận nền văn minh Ai Cập lâu đời hơn. Họ dựa vào kết luận của hai nhà Ai Cập học nổi tiếng nhất thế giới James H. Breasted và Alexandre Moret. Tuy nhiên, giữa hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20, nhiều vấn đề được khám phá dường như chứng minh rằng ảnh hưởng đáng kể của Lưỡng Hà ở thung lũng sông Nile có từ 3500 TCN. Ảnh hưởng này được minh hoạ bằng việc sử dụng dấu niêm hình trụ, phương pháp xây dựng công trình, motif nghệ thuật, các thành phần trong hệ thống chữ viết chắc chắn có nguồn gốc Lưỡng Hà. Thành tựu như thế có thể từ thung lũng sông Tigris-Euphrates tỏa sáng đến tận Ai Cập từ lâu đời chắc chắn cho thấy nền văn minh Lưỡng Hà là nền văn minh lâu đời hơn. Mặc dù không cần phải chứng minh, người ta cũng hiểu văn minh Lưỡng Hà lâu đời hơn văn minh Ai Cập. Vì những thành tựu vừa nêu không được xem trọng và được sao chép mù quáng. Thay vào đó, người Ai Cập tự sửa đổi những thành tựu ấy một cách cơ bản để chúng phù hợp với mẫu văn hóa của riêng mình. Dựa trên cơ sở chứng cứ này, có vẻ như có thể rút ra được kết luận duy nhất rằng cả hai nền văn minh đều rất lâu đời và nói chung cả hai phát triển cùng lúc.