Lịch Sử & Văn Hóa Anh Mỹ

Nước Anh thời Elizabeth – Phục hưng, khám phá, và tri thức

nuoc anh thoi elizabeth
Đăng ngày:

Không có thời đại nào tại Anh mà sôi động và đầy màu sắc cho bằng thời Elizabeth. Làn sóng tri thức và nghệ thuật khuấy đảo châu Âu trong hai thế kỷ trước đó, được biết đến với tên gọi Thời Phục Hưng, bắt đầu lan tới Anh vào cuối thế kỷ 15. Người Anh đầy tò mò bắt đầu khám phá một nền văn minh tái sinh – trong sách vở, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, và trên biển. Đây là một thời đại đầy biến động và phức tạp, một trong những thời đại hừng hực sức sống nhất, và cái tôi cá nhân lớn nhất.

Các đời vua Tudor đầu tiên, ông nội của nữ hoàng Elizabeth, vua Henry VII (1485-1509), và cha của bàn, Henry VIII (1509-1547), đã khai phá một thời kỳ tiến bộ, và đạt đến đỉnh cao rực rỡ dưới thời của chính bà, nữ hoàng Elizabeth (1558-1603). Trong thời đại trị vì của nữ hoàng có rất nhiều tác phẩm lớn ra đời, và những tác gia vĩ đại nhất sống trong thời đại này. Nói theo nghĩa đen thì toàn bộ thời kỳ từ 1485 đến 1625 có thể gọi là Thời Đại Elizabeth.

Trong thế kỷ 16, nước Anh trung cổ tiến lên thành một đất nước hiện đại. Nước Anh trung cổ được cai trị bởi hệ thống phong kiến, và hiệp sĩ đạo là đặc tính nổi bật nhất của lối sống. Giáo dục chỉ giới hạn trong các tu viện, và cả đất nước được điều hướng bởi Giáo hội Công giáo. Giờ đây, nước Anh thời Elizabeth tiến lên thể chế quốc hội, cố gắng tách mình ra khỏi quyền lực tôn giáo. Kịch nghệ trở thành một hình thức giải trí mới, và thế giới tự nhiên là một lĩnh vực nghiên cứu mới lạ.

Chiến Tranh Hoa Hồng, trong đó một nửa giới địa chủ Anh giao tranh với nửa còn lại, đã đưa nhà Tudor lên ngai vàng. Vua Henry VII – với cái đầu nóng và trái tim lạnh – đã thống nhất đất nước và mang lại hòa bình. Con ông, vua Henry VIII, là một trong những vị quân vương mạnh mẽ và lôi cuốn nhất của Anh quốc. Sự nghiệp lừng lẫy của ông còn được tô điểm với 6 cuộc hôn nhân.

Khi giáo hội từ chối không cho Henry ly hôn với Catherine xứ Aragon để cưới Anne Boleyn, một quý bà đang chờ kế vị, Henry tranh cãi với Giáo hoàng, và ly khai. Vì sự ly khai ấy mà khai sinh ra Giáo hội Anh giáo, tách biệt hoàn toàn với quyền lực của Giáo hoàng. Giới tăng lữ Anh và Quốc hội tuyên bố vua mới là đầu của Giáo hội Anh. Henry lệnh phá hủy mọi tu viện và tịch biên mọi tài sản giáo hội, sung vào công quỹ. Quyền lực của nhà nước, tập trung vào một cá nhân, phát triển đến cực điểm.

Phong trào cải cách

Thậm chí sau khi ly khai với Giáo hội Công Giáo La Mã, Henry VIII vẫn ôm lấy danh hiệu Hộ Vệ Đức Tin mà trước đó Giáo hoàng phong cho ông nhờ công đàn áp Martin Luther. Tại Đức, Luther là người đầu tiên công khai lên án sự suy đồi của Giáo hội Công giáo: buôn thần bán thánh. Luther đi tiên phong trong việc đả phá mọi công việc của Giáo hội, và khai sinh ra phong trào mà về sau được biết đến với tên gọi Phong Trào Kháng Cách. Hưởng ứng phong trào này, John Calvin tại Thụy Sĩ, john Knox tại Scotland lãnh đạo những người kháng cách công khai bày tỏ suy nghĩ độc lập trong một thời đại mới.

Sự ra đời của Anh giáo xét về nhiều mặt khá giống với phong tráo do Luther khởi xướng. Tuy Vua Henry VIII ly khai với Rome là hành động mang tính cá nhân, nhưng ý tưởng về tôn giáo đại đồng thời trung cổ đã mở đường cho những ý tưởng khác biệt cá nhân và nhận thức cá nhân.

Sự trị vì của Elizabeth

Ở tuổi 25, Elizabeth, vị quân chủ cuối cùng và vĩ đại nhất nhà Tudor, lên ngôi, và trị vì liên tục 45 năm. Bằng sự khôn ngoan và tài ngoại giao, bà đã chiếm được lòng của dân Anh. Bà biết khi nào cần cứng rắn, và khi nào cần mềm mỏng, biết cách nắm quyền lực trong tay và cân bằng quyền lực ấy.

Elizabeth – người mà nhà thơ Spenser chọn làm hình tượng cho Gloriana, nữ hoàng Faerie – một cách tài tình luôn biết cách thao túng toàn thể triều thần cùng giới quý tộc. Ăn mặc lộng lẫy nhưng chi tiêu tằn tiện, thích nghe những lời ngọt ngào nhưng không bao giờ mê muội, thích những chàng đẹp trai và cũng thích những người khôn ngoan – Bà chính là biểu tượng vinh quang của nước Anh.

nữ hoàng Anh Elizabeth
Nữ hoàng Anh Elizabeth

Bằng cách thiết lập nền quân chủ vững chắc ở Anh, bà đã khiến cả nước cảm nhận được quyền lực của chính quyền trung ương. Bà hậu thuẫn cho Phong Trào Kháng Cách (nữ hoàng Mary trước bà ủng hộ tái lập Công giáo); Tuy thế, Elizabeth cũng không đàn áp Công giáo. Một cách khéo léo bà đã phá vỡ liên minh giữa Scotland và Pháp, vốn khá nguy hiểm cho Anh. Để ngăn chặn sự tăng giá và khôi phục thịnh vượng, bà yêu cầu đúc lại tiền. Giảm thuế, chăm lo người lao động. Quyền lực của nước Anh được minh chứng một cách hùng hồn vào năm 1588 khi Hạm đội Tây Ban Nha bại trận trước hải quân Anh và thời tiết Anh.

Tuy Elizabeth là người nóng tính và có thể chửi rủa như một bà hàng chợ, nhưng bên trong bà là một người cực kỳ khôn ngoan, có sức hút mãnh liệt, phong thái ngời ngời, và một tinh thần kiên định. Bà tự nhận xét về mình: “Tôi biết bề ngoài tôi chỉ là một người đàn bà chân yếu tay mềm, nhưng bên trong tôi là trái tim một quân vương, vua nước Anh.” Dưới sự trị vì của bà, nước Anh giàu mạnh và an ninh.

Khám phá thế giới mới

Đây là thời đại của những nhà du hành, thời hoàng kim của những người vượt biển. Năm 1581, xuôi dòng từ London, trên con tàu mang tên Golden Hind, nữ hoàng Elizabeth đã phong tước hiệp sĩ cho Francis Drake vì công lao đi tàu vòng quanh thế giới của ông. Thời vĩ đại của những khám phá địa lý và mở rộng thuộc địa đã mở màn.

Hành trình vòng quanh thế giới của Francis Drake

Trên danh sách những nhà du hành thời Elizabeth là Sir Martin Frobisher, người đã đi tàu đến Labrador; Sir Humphrey Gilbert khám phá ra Vùng-Đất-Mới, và người anh em cùng cha khác mẹ là Sir Walter Releigh đã thiết lập những vùng thuộc địa tại Virginia. Để đáp ứng sự tò mò của công chúng tại nhà, Richard Hakluyt đã sưu tầm và xuất bản các khám phá rộng lợn của những nhà hàng hải Anh quốc trong bộ sách nhiều tập với nhan đề Voyages (Những Hành Trình).

Các nhà hàng hải ra khơi vì nhiều lý do: vì niềm phấn khích mà các khám phá mang lại, để thương mại và kiếm tiền, để chinh phục những vùng đất mới. Mọi quốc gia châu Âu đều tham gia vào cuộc đua đế quốc. Đối thủ lớn nhất của nước Anh là Tây Ban Nha, đất nước làm giàu nhờ châu Mỹ. Trong một cuộc chiến không tuyên bố, với sự hỗ trợ của nữ hoàng Elizabeth, những tàu cướp biển Anh đã không ngại ngần tấn công những hạm đội chở vàng của Tây Ban Nha, hoặc cướp bóc những người định cư Tây Ban Nha.

Tên tuổi những nhà cai trị Anh quốc được ghi dấu trên những vùng duyên hải miền đông. Virginia đặt theo tên của Nữ hoàng trinh bạch Elizabeth, vùng định cư đầu tiên của người Anh, Jametown, đặt theo tên của vua Jame I. Carolinas và Georgia theo tên của những vị vua sau này, Charles II (Carolus trong tiếng La Tinh), và George II. Tất cả những cái tên ấy trở thành địa danh của nước Mỹ sau này.

Một Tân Thế Giới đã được khai phá, trong đó Cựu Thế Giới được tái sinh và bành trướng. Chân trời đầy sức hút của thế giới mới đã mang đến những cơ hội mới để người ta lên đường dấn thân vào những cuộc phiêu lưu. Trong trí tưởng tượng của họ là muôn vàn viễn cảnh về những lối sống mới chưa từng được biết tới.

Những ý tưởng được khai phá

Biên giới tư duy của con người cũng được mở rộng theo biên giới địa lý. Đây là một thời đại đầy tự tin và lạc quan. Tư tưởng của con người tiến mạnh trên lĩnh vực khoa học, trước tiên là trên toàn Lục Địa và sau đó là tại nước Anh.

Francis Bacon, với sự tò mò về thế giới, đã nghiên cứu mọi thứ trong tự nhiên cũng như trong sách vở. Sự tìm tòi tri thức cuối cùng đã đưa ông tới cái chết: để xem tuyết lạnh có khả năng bảo quản thịt thế nào, ông đã đắp tuyết phủ lên một con gà. Nhưng cũng vì thế mà ông bị lạnh tới chết. Vì ông chú trọng tới thực nghiệm thay vì chấp nhận những lý thuyết không có cơ sở, Bacon được gọi là “Cha đẻ của khoa học hiện đại.” Thời đại thực nghiệm khoa học bắt đầu, các khám phá khoa học mở rộng tri thức của con người.

Cổ điển và chủ nghĩa nhân văn

Thật sự mà nói thì thời Elizabeth, văn minh tiến bộ phần lớn là nhờ sự tái khám phá những giá trị cổ xưa về mặt văn hóa mới chứ không phải là khám phá thế giới mới về mặt địa lý. Một thứ văn hóa mới ra đời, dựa trên nền thành tựu của các nền văn minh cổ đại. Trào lưu học thuật này gắn liền với sự tìm hiểu các công trình văn chương thời La Mã và Hy Lạp cổ đại, mà ta gọi là classics (Tác phẩm kinh điển).

 La Mã và Hy Lạp cổ đại đã sáng tác những tác phẩm văn chương và tư tưởng vĩ đại mà vẻ đẹp cùng với sự sâu sắc của chúng chưa bao giờ bị vượt qua. Thế nhưng trong thời Trung Cổ, các tác phẩm kinh điển này đã bị con người lãng quên. Khi đế quốc La Mã sụp đổ và châu Âu bị các bộ lạc phương bắc càn quét, người ta tìm đến với Giáo hội để được hướng dẫn. Họ xem nhẹ đời sống trần thế, một lòng hướng tới thiên đường sau khi chết. Nhưng khi các tác phẩm kinh điển được tái khám phá tại Ý và Pháp, sau đó tới Anh, thì mối quan tâm của con người đã thay đổi.

Đối với thời Trung Cổ, Chúa là trung tâm của vũ trụ, nhưng đến thời Phục Hưng thì đó là con người. Trào lưu tư tưởng đặt con người vào trung tâm được gọi tên là Chủ nghĩa nhân văn – Chủ nghĩa này tập trung vào những cách thức hoàn thiện khả năng của con người. Sir Thomas More, nhà nhân văn người Anh lỗi lạc nhất, nghiên cứu tiếng Hy Lạp và La Tinh tại đại học Oxford. Trong một chuyến đi ngoại giao đến Đại Lục ông viết cuốn Utopia (Vương quốc lý tưởng), mô tả một đất nước trong mơ. Ngày nay, từ utopia được dùng để chỉ một đất nước hoàn hảo, nhưng bất khả thi, cho con người.

Nhu cầu mở rộng và kiện toàn đời sống trần thế được thể hiện rõ nét trong những câu thơ của Christopher Marlowe, một nhà soạn kịch sống vào thời Elizabeth:

Our souls, whose faculties can comprehend
The wondrous architecture of the world,
And measure every wandering planet’s course,
Still climbing after knowledge infinite,
And always moving as the restless spheres,
Will us to wear ourselves and never rest
Until we reach the ripest fruit of all,
That perfect bliss and sole felicity,
The sweet fruition of an earthly crown.
Tạm dịch:
Linh hồn chúng ta, nơi những tiềm năng có thể lĩnh hội
Kiến trúc kỳ diệu của thế giới,
và đong đếm mọi tiến trình của hành tinh,
Vẫn hằng theo đuổi tri thức vô tận,
Và luôn tiến lên như con thoi không ngơi nghỉ,
Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc hay nghỉ ngơi
Cho tới khi hái được trái chín mọng,
Chính là niềm vui tột cùng và hạnh phúc viên mãn,
Trái ngọt chính là vương miện trần gian này.
Những dòng này đã tóm gọn những gì ta nói bên trên về Cuộc Phục Hưng thời Elizabet: khát khao sức mạnh trần thế, tìm kiếm tri thức, và theo đuổi sự kiện toàn con người.

5/5 - (2 votes)

BÀI LIÊN QUAN