Nếu ở đời biết tuân theo Đạo, tức Con đường, thì sẽ tỏ được chính mình; nếu bất tuân thì hãy lui về quy ẩn. Một quốc gia có Đạo mà lại nghèo và thấp kém thì hãy lấy đó làm điều xấu hổ; một quốc gia vô Đạo mà lại giàu và nổi danh thì cũng đáng phải tự xấu hổ vậy.
Cho đến lúc này ta thấy có một vấn đề dai dẳng, đó là tuy nổi tiếng là một ông già bảo thủ nhưng Khổng Tử lại tái thiết triệt để nhiều vấn đề trong thời của ông để khớp chúng với tư tưởng của mình. Chính ông nói rằng ông chỉ truyền lại sự khôn ngoan trong quá khứ chứ không tạo ra gì mới. Quả là một điều lạ lùng khi nói rằng, như chúng ta đã thấy, ông đã tái định nghĩa lễ nghi, sự hiếu thảo, lòng can đảm, lòng nhân đạo và vai trò của người quân tử. Có lẽ ông đã tự cho thấy mình là người mang những ý tưởng đột phá bằng cách nói rằng tất cả những điều ấy vốn đã tồn tại trong quá khứ.
Nhắc lại, có nhiều phẩm chất đạo đức mà ta cần vun trồng: hiếu thảo, trách nhiệm, lòng trung thành, chân thật, ngay thẳng, khôn ngoan, can đảm và sự thấu hiểu hay lòng trắc ẩn. Vun trồng những đức tính ấy sẽ giúp ta có được phẩm hạnh làm người. Khổng Tử đã tái định nghĩa lễ nghi để bao gồm các lễ nghi tôn giáo và các nghi thức quý tộc để biến lễ nghi thành các hành động đạo đức dẫn đến một xã hội văn minh và đúng chất. Lễ nghi là cách thức hành động trong một mạng lưới xã hội và các mối quan hệ chính trị; lễ nghi, khi được thực hành với mục đích đạo đức, sẽ sinh lợi cho cá nhân và xã hội. Làm việc dựa trên nền tảng phẩm chất đạo đức, với nhân cách, và áp dụng các lễ nghi, sẽ biến ta thành người quân tử – hoặc, nếu ta trở nên hoàn hảo về những điều ấy, sẽ thành một hiền triết. Vun đắp các phẩm chất đạo đức cần phải qua giáo dục, không phải chỉ học trên thực tế, nhưng phải thấu hiểu hành vi đạo đức. Việc vun đắp và giáo dục này là một quá trình trọn đời.
Khi Khổng Tử giải thích điều này cho các quân chủ đương thời thì họ không lấy làm hứng thú cho lắm. Dù họ không có ý định thực hiện bất cứ điều gì trong việc vun đắp ấy, và dù họ là những kẻ bê bối nhất về phẩm chất, thì dường như họ cũng đồng tình với ông, dù chỉ để làm họ trông có vẻ tốt lành. Vậy tại sao Khổng Tử không nhận được chức quan lớn? Tại sao, nếu chúng ta tin vào truyền thống, lại có kẻ muốn ám sát ông?
Lý do Khổng Tử không nhận được chức quan lớn tại bất kỳ nước nào thời đó không phải vì điều mà ông phải nói về đạo đức và lễ nghi. Đó là vì tư tưởng chính trị của ông. Khổng Tử có một tư tưởng mang tính phá bỏ, khó chịu đối với những quân chủ thđương thời cũng như bây giờ: Khổng Tử tin rằng chính quyền tồn tại là vì lợi ích của nhân dân.
Danh chính ngôn thuận
Chính quyền cần được cải tổ, hoặc không chỉ là cải tổ mà là đại tu từ thượng tới hạ. Nhưng trước khi thực hiện cải tổ thì phải dựng nên chính quyền, có một số điều cần phải được làm trước.
Một trong những học trò của Khổng Tử, Tử Lộ, hỏi Khổng Tử rằng ông sẽ là gì trước tiên nếu nhận một chức quan. Khổng Tử đáp rằng ưu tiên hàng đầu của ông là phải “lập danh cho chính và lập ngôn cho thuận.” Tử Lộ, cũng như chúng ta, không lấy làm ấn tượng lắm. Tử Lộ lại hỏi rằng có phải thầy mình đã nghĩ đến một chuyện quá tầm thường khi muốn bắt đầu bằng việc danh chính ngôn thuận.
Khổng tử có hai ý khi nói đến việc danh chính ngôn thuận. Thứ nhất, danh phải chính, tức là phải gọi tên mọi điều cho chính xác; và ngôn phải thuận, tức phải dùng từ ngữ cho đúng khi bàn về điều gì đó. Ta thấy rằng “giảm thiểu” không phải là một từ đúng đắn; đó là một từ khó hiểu. Phải nó là “sa thải” thì mới đúng. “Thiệt hại dân thường” không phải là cụm từ đúng đắn cho điều đang xảy ra; “sát hại dân thường” mới là từ ngữ đúng. Tương tự thế, “tăng cường thẩm tra” nghe có vẻ vô tội, nhưng nó vẫn là “tra tấn”. Người trên điện thoại là tổng đài không phải là một “chuyên gia đáp ứng khách hàng” chừng nào họ chưa đáp ứng được khách hàng – và thậm chí khi làm được thế họ cũng chưa chắc là một chuyên gia.
Những dạng biệt ngữ, từ ngữ mơ hồ, hay phương ngữ này không chỉ gây khó chịu. Đó là nói dối. Khi cơ quan nhà nước gọi tôi là “khách hàng” hay “thân chủ”, là họ đang nói dối về mối quan hệ thật của chúng tôi. Tôi không phải khách hàng hay thân chủ, tôi là một công dân. Nếu họ có thể làm tôi hiểu mối quan hệ này là mối quan hệ khách hàng thì tức là họ đang chào mời một sản phẩm mà tôi có thể chọn mua hoặc không. Nhưng mối quan hệ thực của chúng tôi đó là tôi đóng thuế để hỗ trợ chính quyền và tôi có thể bỏ phiếu để giữ hoặc loại bỏ chính quyền ấy. Đây không phải là mối quan hệ giống với mối quan hệ tôi có với Wal-Mart (một dạng siêu thị).
Nói dối bằng cách sử dụng sai từ ngữ sẽ giúp tạo ra những lời nói dối lớn hơn. Gọi đến một “trung tâm hỗ trợ khách hàng” người ta sẽ trả lời bạn, qua tin nhắn đã ghi sẵn, rằng “cuộc gọi của bạn quan trọng đối với chúng tôi”. Rõ ràng là sai sự thật; nếu đúng là thế thì họ phải trả lời điện thoại. Gán cho một người nào đó có sở hữu vũ khí tiêu diệt hàng loại là “khủng bố” sẽ dẫn đến chiến tranh và cái chết của mười ngàn người. Nói về “danh chính ngôn thuận” thì không hề có sự khác biệt giữa hai điều này. Dùng từ ngữ lầm lẫn sẽ dẫn đến nói dối, bất kể đó là công ty viễn thông hay là chính quyền. Khi ngôn từ bị hạ thấp, thì sẽ dễ dàng nói dối hơn.
Cái khó trong việc giải quyết hiện tượng này đó là bạn phải trở lại với nền tảng và gọi sự vật đúng với tên của nó và dùng những ngôn từ chuẩn xác trước khi bàn đến các vấn đề liên quan. Đặc biệt chính quyền thường muốn làm cho mọi thứ càng mù mờ càng tốt.
Loại vấn đề này cũng xảy ra trong thời của Khổng Tử. Vua của những nước nhỏ tự xưng mình là vua tuy họ không hề có quyền như danh xưng ấy. Một gia đình quý tộc ở nước Lỗ của Khổng Tử dâng tế vật ở núi Thái, là điều vốn chỉ dành cho hoàng đế. Từ ngữ mù mờ, lạc hướng, và dối trá chính là thứ thường thấy trong thời của ông cũng như trong thời của chúng ta. Không dễ để quyết định xem điều ấy là để làm thoải mái hay gây đau khổ.
Đọc thêm:
Tìm hiểu về vũ khí cận chiến thời cổ đại: kiếm, lao, giáo
Hội kín Assassins – những sát thủ cuồng tín
Luật Pháp và thuyết vị dân của Khổng Tử
Khổng Tử nhắm đến một nghĩa thứ hai liên quan khi nói “danh chính ngôn thuận”. Nếu chúng ta cần một cái bàn thì cái bàn ấy phải làm bằng gỗ, sắt hay một loại vật liệu nào đó; nó phải có bốn chân, hai chân hoặc loại bàn một chân; nó có thể mang màu sắc bất kì. Sự đinh ninh duy nhất trong chúng ta khi nói tới từ “cái bàn” đó là một thứ đồ vật có bề mặt phẳng.
Đây không phải là cách mà ngôn từ hoạt động: một số ngôn từ phát ra kèm theo sự đinh ninh về hành vi. Nếu ai đó là cha hoặc mẹ, thì chúng ta sẽ đinh ninh rằng họ chăm sóc con cái. Nếu ai đó là giáo viên, thì ta cho rằng họ dạy học. Những từ ngữ như “cha”, “mẹ”, và “giáo viên” phát ra kèm theo sự đinh ninh về hành vi.
Nếu cha mẹ sao lãng hoặc bỏ bê con cái mình, thì họ hành động không đúng với sự đinh ninh mà chúng ta gán cho từ “phụ mẫu”. Nếu giáo viên không hết lòng với việc dạy dỗ học trò, thì họ không sống đúng với hành vi mà chúng ta đinh ninh về danh xưng của họ. Việc sử dụng nguyên lý danh chính ngôn thuận, nếu những người này không hành động như một người cha, người mẹ, hoặc người thầy thì, theo Khổng Tử, họ không xứng với các danh xưng ấy và không nên gọi họ bằng những danh ấy. Con người ta phải hành động một cách có trách nhiệm và có phẩm hạnh trước khi được gọi một cách chính xác là phụ mẫu hoặc giáo viên – ngôn từ phải tương tứng với hành vi thực tại.
Chúng ta có thể áp dụng nguyên lý này cho phụ mẫu hoặc giáo viên, nhưng “danh chính ngôn thuận” cũng có thể áp dụng cho quân chủ. Nếu một quân chủ không cai trị một cách liêm chính, thì ông ta không phải là một quân chủ đúng nghĩa và không xứng với danh hiệu ấy. Tư tưởng này mang theo những hệ quả chính trị nghiêm trọng: nếu một quân chủ nào đó không phải là một quân chủ đúng nghĩa thì ta có thể bất tuân người đó không? Có thể lật đổ người đó không?
Dường như Khổng Tử không muốn bàn sâu đến thế. Ông dùng tư tưởng “danh chính ngôn thuận” như một cách phán xét hơn là lời kêu gọi cách mạng. Sau Khổng Tử, Mạnh Tử (xem chương 6) cũng bàn rằng, nếu một người không xứng đáng trở thành quân chủ và bị lật độ, thì không phải quân chủ đó bị lật đổ, mà chỉ là người không xứng đáng ấy bị.
Tư tưởng “danh chính ngôn thuận” yêu cầu người ta phải sống theo đúng sự đinh ninh mà ta có khi gọi họ bằng một danh xưng cụ thể. Khi Tần Cảnh Công (quân chủ thứ 18 của nước Tần, nước chư hầu của nhà Chu, 576-537 TCN) của nước Tần hỏi Khổng Tử về nguyên lý của chính quyền, Không Tử nói, “Vua ra vua, quan ra quan, cha ra cha, con ra con.” Câu nói khó hiểu này hoàn toàn dễ hiểu nếu ta xét theo “danh chính ngôn thuận”: một vị quân chủ đúng nghĩa phải cai trị như một nhà quân chủ đúng nghĩa sao cho xứng với danh xưng ấy; một vị quan cần phải trung thành và tận tụy để đúng là một vị quan; một người cha phải nuôi dạy con cái mình; và một người con phải hiếu thảo để xứng là một người con.
Khi học trò của Khổng Tử là Tử Lộ than phiền rằng “danh chính ngôn thuận” là một cách tầm thường để khởi dựng một nhà nước, Khổng Tử chỉnh rằng, “nếu danh bất chính và ngôn bất thuận với sự thực thì không làm việc gì thành [… và] người ta sẽ không biết phải làm gì hay cư xử thế nào.” Khổng Tử muốn bắt đầu cải tổ nhà nước bằng nguyên tắc “danh chính ngôn thuận” vì lí do đơn giản ấy, thiếu nó, chúng ta không thể đàm luận với nhau một cách chân thành và cũng không thể hành sự đúng với vai trò của mình.
Khi ta, và nhà nước của chúng ta, sử dụng đúng từ ngữ để mô tả điều gì đó thì có thể trao đổi với nhau một cách chân thành và chính xác về nó. Khi người ta làm trọn những sự đinh ninh trong vai trò của mình, bất kể là phụ mẫu hay giáo viên, thì ta sẽ cư xử một cách chân thành và đúng đắn. Chúng ta sẽ biết phải làm gì và làm thế nào.