Lịch Sử và Văn Minh

Giovanni Lorenzo Bernini và tuyệt tác L’estasi Di Santa Teresa

Tác phẩm L'Estasi di Santa Teresa của Bernini hiện trưng bày tại thánh đường Santa Maria della Vittoria tại Rome. Đây là một kiệt tác điêu khắc theo phong cách Baroque.

164 views

Suốt gần bốn trăm năm nay, hàng vạn du khách mỗi năm trên toàn thế giới vẫn đến viếng Vương cung Thánh đường Santa Maria della Vittoria nằm ở quận Sallustiano trong thủ đô Rome nước Italia. Họ đến đó không những để dâng thánh lễ và cầu nguyện mà còn để chiêm ngưỡng tác phẩm của một điêu khắc gia lừng danh: bức tượng cẩm thạch L’Estasi di Santa Teresa của Bernini. Không chỉ là một tuyệt tác nghệ thuật đặc thù, bức tượng này còn là một diễn tả hữu hình kinh nghiệm thần bí đầy huyền diệu của một trong những vị thánh Tiến sĩ vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo…

Cận cảnh tác phẩm điêu khắc Cận cảnh tác phẩm điêu khắc L'Estasi di Santa Teresa (Cơn xuất thần của thánh Teresa)
Cận cảnh tác phẩm điêu khắc Cận cảnh tác phẩm điêu khắc L’Estasi di Santa Teresa (Cơn xuất thần của thánh Teresa)

Người hùng của nghệ thuật Baroque

Giovanni Lorenzo Bernini (1598-1680) là một kiến trúc sư và điêu khắc gia người Ý, được ghi nhận là người đã gợi hứng cho phong cách kiến trúc Baroque. Bernini được xem như là “nhà điêu khắc đầu tiên trên toàn châu Âu sở hữu các tác phẩm có sức ảnh hưởng to lớn và có thể được nhận diện ngay lập tức…” Sự đa năng về kỹ thuật, khả năng sáng tạo vô biên và kỹ năng chế tác đá cẩm thạch tuyệt vời của Bernini đã vượt xa các nhà điêu khắc cùng thế hệ với ông, đến độ ông được coi là tương đương với thiên tài Michelangelo.

Bernini sinh ở Napoli trong một gia đình có cha là nhà điêu khắc Pietro Bernini, người quê ở Florence, và mẹ là Angelica Galante, một người Napoli; ông là người con thứ sáu trong một gia đình mười ba người con. Năm 1606, lúc lên tám tuổi, cậu Giovanni đi cùng cha đến Rome, nơi Pietro đang thực hiện một số dự án cao cấp. Tại đó, tài năng thiên phú của cậu bé Giovanni đã được phát hiện bởi họa sĩ Annibale Carracci; cậu cũng đã thu hút sự chú ý của Giáo hoàng Paulus V bằng một bức tranh phác thảo thần sầu. Khi đã trưởng thành, Bernini phục vụ như một kiến trúc sư và nhà quy hoạch chính của Rome. Ông thiết kế rất nhiều nhà thờ, nhà nguyện cũng như các đài kỷ niệm, trong đó phải kể đến đài phun nước ‘Bốn dòng sông’ trứ danh tại Piazza Navona.

Đại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, sau hơn 150 năm quy hoạch và xây dựng, cuối cùng được Giáo hoàng Urban VIII thánh hiến vào ngày 18 tháng 11 năm 1626, ngay sau đó, ngài truyền lệnh Bernini phải hoàn thành phần trang trí nội và ngoại thất cho Đại Vương cung Thánh đường. Với sự sáng tạo tuyệt luân của mình, Bernini đã cho phủ một loạt các trần thiết lộng lẫy khắp các khung vòm, trán tường và cột đỡ nhà nguyện của Mình Thánh Chúa ở gian bên phải và toàn bộ gian giữa mới. Đặc biệt, ngay chính giữa thánh điện, Bernini đã thiết kế cho các Giáo Hoàng một Baldacchino thật kì vĩ và tráng lệ, một công trình tuyệt thế vô song, ngay lập tức trở thành điểm thu hút mọi ánh nhìn trong Đại Vương cung Thánh đường. Nằm ngay dưới mái vòm, Baldacchino được tạo ra để đánh dấu một cách minh nhiên vị trí đặt lăng mộ của Thánh Phêrô ngay bên dưới nền đền thờ. Vươn cao lên tới gần 30m, được thiết kế như một tán đồng mạ vàng đặt trên bốn trụ đồng xoắn ốc khổng lồ theo phong cách điêu khắc Baroque, nhìn từ xa trông nó có vẻ như đang lơ lửng trên các tầng mây trong khi được bao phủ trong một vầng hào quang rực rỡ huy hoàng. Hiện diện ngay dưới tán của Baldacchino là Bàn thờ Giáo Hoàng của Đại Vương cung Thánh đường. Điều này khiến Baldacchino trở thành một mốc đối chiếu trực quan giữa sự khổng lồ của ngôi đền thờ và tầm vóc thực tế của vị chủ tế đang cử hành các nghi thức phụng vụ đại triều tại Bàn thờ bên dưới tán của nó. “Rất đơn giản,” một sử gia nghệ thuật viết về Baldacchino, “đó là chưa từng thấy có gì giống như nó trước đây!”

Về phần ngoại thất, dưới sự bảo trợ của Giáo hoàng Alexanderus VII, từ 1656 đến 1667, Bernini đã thực hiện công trình được mệnh danh là vinh quang của nền kiến trúc Baroque: quảng trường khổng lồ hình vòng cung tại tiền đường Đại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican. Không gian mở nằm trước vương cung thánh đường đã được Bernini thiết kế như một tiền cảnh thích hợp, để một số lượng tín hữu lớn nhất có thể nhìn thấy Giáo Hoàng ban phép lành cho mình, từ giữa mặt tiền của Đại Vương Cung Thánh đường hoặc từ cửa sổ Cung điện Vatican. Bốn hàng trụ đôi uy nghi đã tạo khung cho lối vào hình thang dẫn từ Vương cung Thánh đường đến quảng trường khổng lồ trước nó. Bernini đã chọn sử dụng những hàng trụ doric với hình dáng đơn giản để tránh cạnh tranh với mặt tiền Đại Vương cung Thánh đường giống như cung điện của Carlo Maderno ở phía sau, nhưng ông đã sử dụng chúng ở một quy mô khổng lồ chưa từng có tiền lệ, và đã thực sự gợi lên cảm giác kinh ngạc cho tất cả các thế hệ tín hữu và du khách nhìn ngắm chúng. Trung tâm hình elip của quảng trường, tương phản với lối vào hình thang, tiếp tục bao bọc du khách bằng bốn hàng trụ đôi, thường được Bernini thích thú gọi là “vòng tay nhân ái của Nhà thờ Mẹ”.

Bên cạnh những đóng góp vô song kể trên vào đại công trình thế kỉ của Vatican, ví dụ đơn lẻ tuyệt vời nhất về nghệ thuật đỉnh cao của Bernini chính là bức tượng cẩm thạch L’Estasi di Santa Teresa thuộc nhà nguyện Cornaro, nằm trong một gian cánh bên của ngôi thánh đường Santa Maria della Vittoria ở Rome. Đây quả là một bức tượng rất đáng để bàn tới, cả về nội hàm nghệ thuật lẫn câu chuyện ẩn đằng sau nó.

Tuyệt phẩm L’estasi Di Santa Teresa tại thánh đường Santa Maria Della Vittoria

Ngôi thánh đường cổ kính nói đến ở đoạn trên đã được xây dựng năm 1608, và cho đến năm 1620, nó là một nhà nguyện các tu sĩ Dòng Cát Minh cải tổ, được dâng kính cho Thánh Phaolô. Nội thất của nó có một gian giữa rộng rãi nằm dưới một mái vòm phân khúc thấp, với ba nhà nguyện cánh bên thông nhau phía sau các mái vòm, được ngăn cách tượng trưng bởi các hoa văn corinthian mạ vàng điểm xuyết những bích hoạ sinh động. Các bức tường bằng đá cẩm thạch được tô điểm các phù điêu thiên thần làm bằng vữa trắng và mạ vàng.

Thế nhưng, khi người Công giáo khắp châu Âu ăn mừng vui sướng sau chiến thắng trận Núi Trắng của quân Công giáo năm 1620 trong Chiến tranh Ba mươi năm, Đức Giáo Hoàng Gregorius XV vào năm 1621 đã đặt tên Santa Maria della Vittoria cho ngôi nguyện đường này để vinh danh Đức Thánh Maria Chiến thắng. Chỉ một năm sau, năm 1622, chính Đức Giáo Hoàng Gregorius XV cũng tuyên hiển thánh cho nữ tu Dòng Cát Minh là Teresa Ávila (1515-1582), vị thánh mà những binh sĩ Công Giáo tham chiến ngày hôm đó tại trận Núi Trắng đã tuyên bố rằng ngài đã xuất hiện ngay trước trận chiến để khuyến khích tinh thần chiến đấu cho hàng ngũ binh sĩ. Về sau, các quân kì đoạt được của quân Ottoman trong Trận vây hãm Vienna năm 1683 cũng được treo trong nhà thờ này, nhấn mạnh thêm cho chủ đề Đức Trinh nữ Maria lãnh đạo quân đội Công giáo chiến thắng. Bài viết được sưu tầm từ trang của cơ sở bán chổi quét nhà giá rẻ Bông May.

Chính trong ngôi thánh đường này, ba mươi năm sau ngày Teresa Ávila được tuyên hiển thánh và bảy mươi năm sau ngày ngài qua đời, vào năm 1652, Giovanni Lorenzo Bernini đã hoàn thành công trình nhà nguyện Cornaro, dưới sự bảo trợ của Đức Hồng y Federico Baldissera Bartolomeo Cornaro (1579–1673). Công trình được đánh giá rất cao này của Bernini này đã thể hiện tài năng thiên bẩm của ông trong việc tích hợp các mảng nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, bích họa và ánh sáng thành “một tổng thể kỳ diệu” (bel composto, thuật ngữ mà nhà viết tiểu sử Filippo Baldinucci đã sử dụng để mô tả cách tiếp cận kiến trúc của ông) và do đó tạo ra cái mà sử gia nghệ thuật Irving Lavin đã gọi là “sự thống nhất của nghệ thuật thị giác”. Tâm điểm của nhà nguyện Cornaro chính là tuyệt phẩm điêu khắc do chính tay Bernini thực hiện: L’Estasi di Santa Teresa, mô tả một trải nghiệm thần bí của vị thánh cải cách Dòng Cát Minh vĩ đại người Tây Ban Nha, Teresa Ávila.

Bernini đã tạo ra tuyệt tác cẩm thạch này căn cứ theo mô tả của chính thánh Teresa về một biến cố thần bí: vào khoảng năm 1559, một thiên thần đã xuất hiện và dùng mũi tên rực lửa đâm vào trái tim thánh nhân để gửi tình yêu trong sáng, nồng nàn của Thiên Chúa vào tâm hồn ngài, đưa ngài vào cực lạc. Trong cuốn El libro de la vida (Tự truyện) xuất bản năm 1565, sáu năm sau khi sự kiện xảy ra, chính Teresa viết: “Tôi nhìn thấy một thiên thần xuất hiện trong hình hài hẳn hoi gần bên trái của tôi… Ngài không cao lớn mà nhỏ nhắn, và cực kỳ xinh đẹp. Qua nét mặt rực sáng của ngài, tôi tin ngài phải là một trong những thiên thần Seraphim hoặc Cherubim cao cấp nhất. Tên của ngài, thiên thần không bao giờ nói với tôi, nhưng tôi biết rõ rằng trên thiên đường có sự khác biệt lớn giữa các phẩm thiên thần khác nhau, mặc dù tôi không thể giải thích được. Trong tay ngài, tôi nhìn thấy một mũi tên vàng, có một đầu bằng sắt ở cuối dường như đang bốc cháy. Thiên thần đâm nó vào lồng ngực tôi nhiều lần, chạm đến tận cùng tâm can của tôi… Khi rút nó ra, dường như ngài đã cũng lôi chúng ra, khiến tôi cảm thấy tình yêu đối với Thiên Chúa như đang thiêu rụi cõi lòng tôi. Nỗi đau do mũi tên gây ra không phải là nỗi đau về thể xác, mà là về tinh thần, mặc dù cơ thể tôi đã cảm nhận được nó rất nhiều. Nó quá lớn đến nỗi khiến tôi rên rỉ nhiều lần, nhưng sự ngọt ngào của nỗi đau lại êm dịu đến độ tôi không thể nào có ý muốn loại bỏ nó. Chưa có khi nào trong đời tôi được hưởng nỗi khoan khoái đến như thế. Linh hồn tôi cảm thấy như không thể còn thoả lòng với bất cứ điều gì ngoài Chúa… Cơn đau này kéo dài nhiều ngày, và trong suốt thời gian đó, tôi không muốn gặp hay nói chuyện với ai, chỉ để trân trọng nỗi đau của tôi, nỗi đau đã cho tôi một niềm hạnh phúc lớn hơn bất kỳ thứ tạo hóa nào có thể cho tôi. Thật nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ, thế nhưng đó lại là ngôn ngữ tình yêu giữa linh hồn tôi và Thiên Chúa. Sự quyến rũ này diễn ra giữa Chúa và linh hồn lớn đến nỗi nếu ai đó nghĩ rằng tôi đang nói dối, tôi cầu nguyện rằng Chúa, với lòng nhân từ, sẽ ban cho họ một số kinh nghiệm về điều đó.”

Sử dụng những loại đá cẩm thạch nhiều màu của vùng Tuscany, Bernini đã trình bày với mọi người một khung cảnh thật sống động. Người xem thấy hai nhân vật chính của quần thể điêu khắc như đang ở trên một đám mây, với những luồng ánh sáng đổ xuống từ trên cao dưới dạng những tia màu vàng. Thánh Teresa Ávila ở trong tư thế nằm ngửa mặt lên trên với cặp mắt nhắm nghiền và đôi môi hé mở, ngất ngây trong niềm hoan lạc thiên cung. Còn vị thiên thần, với bàn tay nắm chặt mũi tên để đâm vào trái tim của thánh nhân một cách tinh tế, đang mỉm cười lặng lẽ. Bernini đã chủ tâm gạt bỏ mọi dè giữ khi diễn tả nét mặt của các nhân vật với ý muốn đưa người xem tới một cao độ cảm xúc. Nếu so sánh gương mặt của vị thánh đang ngất trí với bất kỳ tác phẩm nào của những thế kỷ trước đó, ta sẽ thấy Bernini đã sở hữu một tài năng diễn tả biểu cảm nhân diện trên chất liệu đá cẩm thạch theo một cách mà có lẽ nghệ thuật Phục Hưng chưa bao giờ có. Ngay cách xử lý các nếp áo của Bernini vào thời ấy cũng hoàn toàn mới. Thay vì để chúng xuôi xuống một cách đạo mạo theo các kiểu cổ điển cố hữu, ông cho chúng vặn xoắn và xô lệch đầy tự nhiên hầu gia tăng sự sống động và tạo ra hiệu ứng tác động mạnh mẽ lên thị giác người xem. Chẳng mấy chốc, toàn châu Âu đã mô phỏng theo các kĩ thuật mới này.

Quần thể hai nhân vật tượng đá được Bernini bao phủ bằng một quầng ánh sáng vàng óng chói lọi như toả xuống từ thiên đường. L’Estasi di Santa Teresa rõ ràng không chỉ là tác phẩm điêu khắc theo nghĩa thông thường, mà nó đã kết hợp tất cả các hình thức nghệ thuật thị giác và kỹ thuật mà Bernini có theo ý của mình, bao gồm hai mươi loại đá cẩm thạch với màu sắc đa dạng, kiểu không gian kiến trúc hốc lõm, ánh sáng tự nhiên của ban ngày được các thấu kính hội tụ ánh sáng bí mật ẩn phía trên và phía sau chiếu vào các nhân vật, tất cả đã góp thêm phần rực rỡ cho chùm tia sáng mạ vàng. Kết quả là một khung cảnh tâm linh huyền bí, tuy phức tạp nhưng được sắp xếp cực kì tinh tế, cho một ấn tượng liền mạch hoàn hảo, rất kỳ diệu và thoả lòng.

Suốt gần bốn trăm năm nay, hàng triệu du khách và tín hữu đã chiêm ngưỡng tận mắt tuyệt tác L’Estasi di Santa Teresa cũng như rất nhiều người đã nhìn thấy nó qua các bản sao hay postcard. Thế nhưng có lẽ không phải ai cũng nắm rõ những dữ kiện nền về hai nhân vật của tuyệt phẩm điêu khắc này: Vị thiên thần Serephim và Cherubim là ai? Trách vụ của các vị trên thiên quốc là gì? Thánh Teresa Ávila là vị thánh như thế nào? Biến cố xuất thần này xảy ra với ngài trong giai đoạn đặc thù nào trong cuộc đời và nó có ý nghĩa ra sao với ngài? Ngoài những cuộc xuất thần, còn có điều gì nổi bật đáng phải được nhắc đến ở cuộc đời ngài hay không? Chúng tôi sẽ lần lượt thử làm rõ những thắc mắc và vấn nạn thú vị này.

Các thiên thần Seraphim và Cherubim

Trong tường thuật của thánh Teresa Ávila, ngài nói rõ là đã không được biết tên vị thiên thần, cũng không thể nhận ra rõ ràng vị thiên thần hiện ra với mình là một Serephim hay Cherubim, mà chỉ biết bằng trực giác rằng đó phải là một vị thiên thần cao cấp trên thiên quốc. Kinh Thánh đã có vài lần đề cập các thiên thần Seraphim và Cherubim, như hai lần trong sách Ngôn sứ Isaiah: “Năm vua Uzziah băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Seraphim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. (Is 6, 1-2); “Vua Hezekiah cầu nguyện với ĐỨC CHÚA rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh, Thiên Chúa Israel, Đấng ngự trên các Cherubim, chính Ngài, và chỉ mình Ngài, mới là Thiên Chúa thống trị mọi vương quốc trần gian. Chính Ngài đã làm nên trời đất.” (Is 37,16).

Sang thời các giáo phụ, một tác giả vô danh sống thế kỷ VI, mượn danh Dionisius, mới bày ra thuyết về 9 phẩm thiên thần trong tác phẩm De Caelesti Hierarchia (Phẩm trật thiên cung). Ông chia các thiên sứ thành ba cấp và mỗi cấp gồm ba đẳng. Theo mô hình của Dionisius, các cấp thiên thần thuộc hạ đẳng và trung đẳng thì phải phụ trách việc quản trị vũ trụ; còn các cấp thượng đẳng thì phục vụ toà Chúa. Lần lượt đi từ dưới lên, ông bắt đầu với các Angelus (Thiên thần), với nhiệm vụ gìn giữ loài người (quen gọi là thiên thần hộ thủ). Cấp thứ hai là các Archangelus (Tổng lãnh Thiên thần) mà chúng ta đã biết danh tánh (Micael, Gabriel, Raphael), được ủy thác các sứ vụ trọng đại nhất. Cấp thứ ba mang danh là Principatus (Lãnh thần), thống lãnh các dân tộc. Cấp thứ bốn mang danh là Potestates (Quyền thần), giao tranh với ma quỷ. Cấp thứ năm mang danh là Virtutes (Dũng thần), bởi dũng cảm thi hành những việc diệu kỳ. Cấp sáu mang danh là Dominationes (Quản thần ), lo việc quản trị vũ trụ. Cấp thứ bảy mang danh là Throni (Bệ thần), nổi về trí hiểu. Cấp thứ tám là các Seraphim, nổi bật về lòng sốt mến. Và cấp cao trọng nhất, thứ chín, là các Cherubim rực sáng, bởi được hằng kề cận sát bên thiên toà Đấng Ngàn Trùng Chí Thánh.

Hai cấp ở dưới cùng là thiên thần và tổng thiên thần thì đã quen thuộc. Hai cấp cao nhất Seraphim và Cherubim thì dựa theo Kinh thánh như đã nói ở trên. Còn danh xưng của năm cấp độ còn lại thì lấy ở các thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Colossus (Cl 1,16; 2,10.15) và Ephesus (Ep 1,21; 3,10; 6,12). Có điều là trong các thư, các danh từ ấy được thánh Phaolô lấy từ văn chương khải huyền Do thái thời đó, ám chỉ các quyền lực thống trị vũ trụ. Thánh tông đồ đã sử dụng các từ ngữ đó với lập luận rằng rằng các quyền lực đã bị Chúa Kitô chế ngự rồi, vì thế các tín hữu không cần phải sợ hãi gì nữa! Theo quan điểm cá nhân, nên xếp phẩm Archangelus (Tổng lãnh Thiên thần) lên đứng cấp thứ chín, cấp cao trọng nhất, vì đó mới là ngôi thứ xứng đáng dành cho các vị thiên thần vĩ đại như Micael, Gabriel, và Raphael.

Cũng nên biết rằng Seraphim không phải là tên của một cá nhân mà là của một đoàn ngũ. Khi kể lại việc được Chúa kêu gọi làm ngôn sứ, ông Isaiah thuật lại thị kiến được thấy trong Đền Thờ: “Năm vua Uzziah băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Seraphim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù. Bấy giờ tôi thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là ĐỨC CHÚA các đạo binh!” Một trong các thần Seraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội.” (Is 6, 1-7). Từ quang cảnh này, người ta đã rút ra hai biểu tượng về Seraphim. Biểu tượng thứ nhất, khá quen thuộc ở Việt Nam, áp dụng cho các ban thánh nhạc. Nhiều người Công Giáo Việt Nam chắc hẳn đã quen thuộc với bộ lễ Seraphim của giám mục Nguyễn Văn Hoà. Biểu tượng thứ hai là lòng sốt mến, dựa theo nguyên ngữ trong tiếng Do thái serap có nghĩa là đốt cháy, bừng cháy. Các tu sĩ dòng Phanxicô quen áp dụng nghĩa này cho thánh tổ phụ Bonaventura của họ, người được mệnh danh là Tiến sĩ Sốt mến Doctor seraphicus.

Các Cherubim cũng được nhắc tới nhiều lần trong Kinh thánh. Danh xưng Cherubim gốc từ tiếng Babilon là karibu, nghĩa là kẻ cầu nguyện, chuyển cầu, chúc tụng. Nguồn gốc của nó từ miền Cận đông, ám chỉ các thần linh đầu người, thân sư tử, chân bò, cánh đại bàng. Các tác giả Kinh thánh đã du nhập từ ngữ này để ám chỉ các thiên thần hầu cận bên nhan Chúa, như viết trong sách Ngôn sứ Ezekiel: “Tôi nhìn, thì kìa một cơn gió bão từ phương Bắc thổi đến; có đám mây lớn, có lửa loé ra và ánh sáng chiếu toả chung quanh… Ở chính giữa, có cái gì tựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta. Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh… Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng” (Ed 1, 4-10). Tuy nhiên, vai trò của các Cherubim trở nên quen thuộc với dân Israel từ khi ông Moses cho phép đúc hai tượng Cherubim bằng vàng đặt ở đầu của Hòm Bia Giao Ước. Đến khi vua Salomon xây cất đền thờ tại Jerusalem, ông cũng duy trì tập tục đó, tạc hai tượng Cherubim bằng gỗ olive dát vàng, đứng hai bên hòm bia, giang cánh chạm nhau che kín Hòm Bia Giao Ước (1V 6 23-28). Sang Tân ước, ta thấy sách Khải huyền khi mô tả các Cherubim hằng hầu cận bên thiên toà Chúa đã lấy lại hình tượng các Con thú đã được nói đến trong sách Edekiel: “Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt. Ngày đêm chúng không ngừng hô lên rằng: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang đến!” (Kh 4, 6-8). Các tác giả tu đức Kitô giáo, khi chú giải các đẳng trật thiên thần dựa theo mô hình của ông Dionisius, thì nhấn mạnh rằng thì càng tiến trên thánh thiện, càng gần gũi với Thiên Chúa, thì con người càng được tăng thêm lửa sốt mến (Seraphim) và sự hiểu biết về Ngài (Cherubim). Cũng nên biết là các hoạ sĩ thường vẽ các Seraphim mặc áo đỏ, tượng trưng cho lửa sốt mến dành cho Thiên Chúa, còn các Cherubim mặc áo xanh dương, tượng trưng cho sự uy nghi của Đấng ngự trên trời cao.

Đã rõ đôi nét về nhân vật thiên thần, ta hãy cùng nhau tìm hiểu đôi điều về nhân vật thứ hai trong quần thể điêu khắc L’Estasi di Santa Teresa của Bernini: thánh Teresa Ávila.

Thánh Teresa Avila, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh

Thánh Teresa (1515-1582), tên gọi đầy đủ là Teresa de Cepeda y Ahumada, sinh tại Ávila, vương quốc Tây Ban Nha, là một nữ tu đã có công cải tổ Dòng Cát Minh. Như đã nói, ngài được tuyên hiển thánh vào năm 1622, và được Giáo Hội mừng kính vào ngày 15-10 hằng năm ở bậc lễ nhớ. Gần 400 năm sau ngày qua đời, năm 1970, ngài được Đức Thánh Giáo Hoàng Paulus VI đưa vào hàng các Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài là nữ Kitô hữu đầu tiên vinh dự được mang danh hiệu này, cùng một dịp với thánh Catarina Siena. Thánh Teresa Ávila là quan thầy nước Tây Ban Nha.

Thánh nhân được nhiều người nhớ đến qua đời sống thần bí thiêng liêng, mà ngài đã thuật lại trong cuốn El libro de la vida (Tự truyện). Thánh Teresa đã viết khá nhiều sách, nổi bật trong số đó là El Camino de Perfección (Đường trọn lành), El Castilo Interior (Lâu đài nội tâm), và Libro de la fundationes (Sách Các Nền Tảng). Không chỉ trong các tác phẩm mà trong chính cuộc sống thường ngày, thánh Teresa đã có một đời sống thiêng liêng sâu sắc, một trái tim yêu mến Thiên Chúa trọn tình, hầu như đạt đến độ kết hiệp thần bí với Thiên Chúa. Ngài thường được đi vào trạng thái ngây ngất, đôi khi còn bay bổng lên, cách riêng là trong các Thánh Lễ. Đặc biệt, ngài thường được diễm phúc nhìn thấy Chúa Giêsu bằng con mắt thiêng liêng, đôi khi bằng chính con mắt phàm trần của ngài. Với một con tim thanh sạch, thánh Teresa Ávila chính là một Kitô hữu tiêu biểu đã được Thiên Chúa thương ban cho điều mà Ngài đã tuyên bố trên núi Bát Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8 ).

Thánh Teresa Ávila đã nhận được trải nghiệm thần bí mà Bernini hình tượng hoá trong tác phẩm L’Estasi di Santa Teresa, khi ngài đang quỳ xuống cầu nguyện ở nhà phu nhân Guiomir, một người quen của ngài, vào khoảng năm 1559. Lúc đó, thánh Teresa đang gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống thánh hiến, do hệ quả những thị kiến và những cuộc xuất thần mà Thiên Chúa gửi đến cho ngài. Vấn đề nảy sinh ở chỗ người ta không tin lời ngài, không tin rằng Thiên Chúa trên trời cao lại cho một nữ tu dòng kín nhìn thấy và lại còn đàm đạo thân tình với cô ta. Thánh nhân chỉ nói sự thật, nhưng người ta lại cho là ngài nói láo. Quả thật, khi Thiên Chúa cho ngài bị vị thiên thần Seraphim dùng mũi tên vàng bừng lửa sốt mến Thiên Chúa đâm thấu trái tim, gây cho ngài một vết thương đầy đau đớn nhưng đồng thời cũng làm ngài khoan khoái đến bàng hoàng ngây ngất, thì lúc đó ngài mới hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của những đau khổ ngài đang chịu lúc đó do bị nhiều người nghi ngờ: những đau khổ ấy sẽ biến thành cực lạc trên trời, vì “Phúc thay ai sầu khổ, họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5, 5).

Trải nghiệm của thánh Teresa Ávila với thiên thần đã ảnh hưởng đáng kể đến phần còn lại của cuộc đời ngài. Ngài thường nói và viết về những đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu để cứu chuộc một thế giới sa ngã, và về việc những nỗi đau mà Thiên Chúa cho phép con người trải qua có thể hoàn thành những mục đích tốt đẹp trong cuộc sống của họ như thế nào. Ngài đã cải tổ một số tu viện Cát Minh hiện có (với các quy tắc nghiêm ngặt hơn về lòng mộ đạo) và thành lập một số tu viện mới dựa trên các tiêu chuẩn khắt khe hơn về sự thánh thiện. Ký ức mãnh liệt về cảm giác sùng kính thuần khiết đối với Thiên Chúa sau khi thiên thần đâm ngọn giáo vào trái tim ngài đã khiến thánh Teresa muốn dâng hết sức mình cho Thiên Chúa và thúc giục những người khác cũng làm như vậy.

Teresa sống cho đến năm 1582, hai mươi ba năm sau cuộc gặp gỡ đầy kịch tính với thiên thần. Thánh nhân lâm cơn hấp hối vào đêm ngày 4 rạng ngày 5 tháng 10 năm 1582 ở Alba de Tormes, lúc đang trên đường trở về Avila sau khi thiết lập nữ tu viện Cát Minh ở Burgos. Người ta đã ghi lại được những lời khiêm tốn cuối cùng của thánh Teresa Ávila: “Sau tất cả mọi sự, tôi ra đi như một người con của Giáo Hội”. Thưa cùng Chúa, ngài nói: “Lạy Chúa của con, lạy Đức Lang Quân của con, thời điểm mà con hằng chờ đợi bấy lâu đã đến. Xin cho con được thấy tôn nhan Ngài, lạy Chúa của con”. Thời điểm đó, có một sự kiện hy hữu đã diễn ra. Đức Giáo hoàng Gregorius XIII ra Tông chiếu Inter Gravissimas (Trong những điều nghiêm trọng) để ban hành niên lịch mới mang tên ngài, niên lịch Gregorius. Theo đó, để ngày xuân phân, đương thời vào khoảng ngày 11 tháng ba, sẽ một lần nữa rơi vào ngày 21, Đức Giáo hoàng Gregorius XIII chỉ thị ngày đi sau ngày 4 tháng 10 năm 1582 sẽ được gọi là ngày 15 tháng 10. Trớ trêu thay, điều đó đã vô tình khiến cho Teresa có một cơn hấp hối có thể tính là kéo dài tới 11 ngày.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy thiên chúa (mt 5,8 )

Sau khi tìm hiểu sơ qua vài nét về hai nhân vật chính, vị thánh nhân và vị thiên thần, chúng ta hãy trở lại với tuyệt tác điêu khắc L’Estasi di Santa Teresa của Bernini. Với con tim trong trắng, thánh Teresa Ávila đã được tận mắt nhìn ngắm tôn nhan Thiên Chúa; với lòng yêu mến bừng cháy khôn nguôi, ngài hiện đang được sống vĩnh hằng trong cung lòng Đấng ngài hằng yêu mến với hết cả thần trí, linh hồn và thể xác ngài. Thế nhưng liệu rằng chúng ta có thể nắm bắt được đôi chút ý niệm rõ ràng nào về sự kiện huyền diệu đã diễn ra ngày hôm đó với thánh Teresa Ávila? Câu trả lời có thể là có, mà cũng có thể là không. Vì lẽ kinh nghiệm thần bí là một điều quả thật rất hiếm gặp, lại mang tính cá nhân rất cao, gần như mang tính bất khả tư nghị đối với người được nghe thuật lại, khiến sự nhiệm hiệp thần bí với Thiên Chúa Ngàn Trùng Chí Thánh thật không hề dễ để người ngoài cảm nhận và thấu hiểu hết được.

Tuy vậy, nếu đọc kĩ tiểu sử của thánh Teresa Ávila, chúng ta sẽ thấy không chỉ những điểm sáng này trong đời sống của thánh nhân. Nói cách khác, thánh Teresa Ávila không phải là một người “thánh từ trong trứng”! Vậy, đừng dừng lại ở bức tượng L’Estasi di Santa Teresa của Bernini, mà nếu có dịp, bạn hãy thử tìm hiểu kĩ hơn về thánh Teresa Ávila, vị thánh Tiến sĩ thần bí với con tim trong trắng và bừng lửa yêu mến Thiên Chúa. Để nhờ hiểu hơn về ngài, biết đâu chúng ta cũng sẽ được như ngài: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8 ).

Lạc Vũ Thái Bình – Mary D. Han

Huế – Sài Gòn, 1-2022

Danh mục tham khảo

A.Sách

1.Đức Giáo Hoàng Benedictus XVI – 36 Thánh Tiến sĩ

2.René Fulop Miller – Thánh Teresa Ávila, vị thánh hay xuất thần

3.Mortimer Chamber – Lịch sử Văn minh Phương Tây

B.Bài viết

1.Phan Tấn Thành, O.P. – Thiên thần Sêraphim là ai?

2.Nguyên Hưng – Sự nhập định của Thánh Têrêsa của Gian Lerenzo Bernini

3.Michel de Certeau, S.J. – Nền thần bí của một thời đại: Thánh Teresa Ávila

4. Whitney Hopler – Một thiên thần đâm vào trái tim của Thánh Teresa Ávila

5.Theresa Civantos Barber – Bài học từ cuộc đời thánh nữ Teresa Ávila cho người Kitô hữu hiện đại

5/5 - (3 votes)

BÀI LIÊN QUAN