Văn học Gothic là dòng văn học thịnh hành ở nước Anh và Tây Âu thế kỷ XVIII-XIX, đặc trưng bởi sự hòa trộn giữa kinh dị và lãng mạn, sự u ám của không gian, cùng những con quái vật bí hiểm và rùng rợn. Bài viết này tổng hợp về những con ma, quỷ của dòng văn học Gothic đã đi vào tiềm thức của nhân loại, như Bá tước Dracula, Người Sói, Quái vật của Frankenstein, Mr. Hyde, Kỵ sĩ không đầu…
Bá tước Dracula
Bá tước Dracula là một gã ma cà rồng lừng danh bắt nguồn từ tiểu thuyết Dracula của Bram Stoker, nhưng đã trở thành một hình mẫu ma cà rồng được rất nhiều tác phẩm điện ảnh và văn học đại chúng sau này noi theo.
Nhân vật Dracula vốn được nhà văn Bram Stoker lấy cảm hứng từ hình tượng của vương công Vlad III, người cai trị vương quốc Wallachia (Romania ngày nay) vào thế kỷ XV. Gã bị đế quốc Ottoman bắt làm con tin từ nhỏ như một tù binh chính trị, và chỉ được thả ra sau khi cha và anh trai gã bị sát hại vào năm 1447. Gã được người Ottoman hộ tống về Wallachia và trao trả quyền cai trị. Những bi kịch đầu đời đã hình thành nên nhân cách của một gã độc tài khát máu. Vlad trả thù những kẻ đã ám sát gia đình mình, bắt tất cả bọn chúng cùng gia đình họ, người già thì đóng cọc xuyên người, người trẻ thì bắt khổ sai đến chết. Gã cũng trừng phạt những tù binh bằng cách đóng cọc xuyên người tương tự, chính vì vậy mà hắn được người đời đặt cho biệt danh là Vlad the Impaler (Kẻ Xuyên Người), hoặc Vlad Dracula (Dracula nghĩa là Con của Rồng, do cha gã là Vlad Dracul – Vlad Rồng). Sự tàn bạo của gã cũng lan tới những nước láng giềng, trở thành những truyền thuyết không rõ thực hư xoay quanh gã bá tước hắc ám. Có tích truyện kể rằng gã gọi tất cả người nghèo khổ tới bàn tiệc, hỏi rằng họ có muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo hay không. Họ đồng thanh đáp có. Thế là Vlad Dracul dồn họ lại một chỗ rồi phóng hỏa. Kể từ đó, gã tuyên bố vương quốc của gã không còn bóng dáng của sự nghèo khó.
Câu chuyện về Vlad Dracul được nhà văn Bram Stoker phóng tác thành hình tượng gã bá tước ma cà rồng độc ác Dracula trong cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1897. Gã là một thực thể ma cà rồng bất tử sống trong tòa lâu đài ma quái ở xứ Transylvania. Không rõ gã đã sống từ bao giờ, chỉ biết rằng gã đã dành rất nhiều thời gian của cuộc đời bất tử để học binh pháp, luật pháp, thuật giả kim và ma thuật. Hắn lãnh đạo quân đội đánh bại đoàn quân Thổ trên sông Danube, và được ban tước, trở thành Bá tước xứ Transylvania.
Gã được mô tả là một người đàn ông cao lớn, râu tóc bạc phơ, nhưng rồi sẽ trẻ lại sau khi hút máu người. Gã có sức khỏe tương đương với 20 người đàn ông, có thể nâng dễ dàng các vật nặng. Gã không có bóng, và cũng không hiện hình trên tấm gương. Gã cũng bất hoại trước những đòn tấn công vật lý như dao kiếm. Dracula siêu nhanh nhạy, thoắt ẩn thoắt hiện, trèo tường thoăn thoắt, thậm chí có thể teleport trong giới hạn nhất định. Gã có quyền năng thôi miên và ngoại cảm, có thể điều khiển thời tiết, gọi bão tố, sương mù. Gã có thể điều khiển những sinh vật của bóng đêm như chuột, dơi, cú, sói… làm theo ý mình, cũng như có thể biến hình thành chính những sinh vật đó. Đã có lần gã biến thành dơi, chó, thậm chí có lần biến thành một làn sương mờ, hòa vào ánh trăng bạc len qua cửa sổ. Nhưng nguy hiểm nhất là quyền năng của ma cà rồng, với khả năng hồi phục tuổi trẻ và sức mạnh thông qua việc hút máu người, và biến kẻ được hút máu thành ma cà rồng nếu hắn muốn, rồi bắt kẻ đó làm theo lệnh hắn.
Tuy vậy hắn cũng có những điểm yếu nhất định. Hắn sợ cây thánh giá, bánh thánh, hay bất kỳ những biểu tượng nào của Thiên Chúa Giáo. Gã sợ mùi tỏi, gã không thể vào một căn phòng nếu không được chủ nhân của nó “mời vào”. Chính vì vậy gã phải lợi dụng những kẻ tâm thần bất ổn như Lucy Westenra hay Reinfield để họ rước hắn đột nhập vào phòng. Ban ngày và ánh mặt trời khiến hắn trở nên yếu đi (chứ không đến nỗi bị thiêu rụi (hay thân mình lấp lánh ánh vàng :v ) như nhiều con ma cà rồng hiện đại khác). Hắn không thể biến hình vào ban ngày, sức khỏe cũng giảm sút. Lúc đó hắn phải ngủ một giấc say như chết, giấu mình trong một chiếc quan tài hòng đợi màn đêm. Lúc này thì ai làm gì cũng chịu, đó chính là điểm yếu nguy hiểm nhất để những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết tiêu diệt Dracula. Cách để tiêu diệt Dracula và ma cà rồng là nhét đầy tỏi vào mồm nó, đóng cây thánh giá vào trái tim của nó, và chặt đầu nó.
[Đoạn kế tiếp có SPOILERS nếu bạn có ý định đọc cuốn tiểu thuyết này]
Trong cuốn tiểu thuyết Dracula, sau khi lợi dụng anh chàng cố vấn luật Jonathan Harker để thu xếp chỗ ở tại Anh, lão rời Transylvannia tới London và hoành hành tại đó. Dracula đã dùng quyền năng của mình để biến cô gái Lucy Westenra thành ma cà rồng, và thao túng gã bệnh nhân tâm thần Reinfield. Nhưng với sự hợp sức của Mina Harker (hôn thê của Jonathan Harker), bác sĩ John Seward (bác sĩ điều trị của Reinfield và cũng là người đem lòng yêu mến Lucy), giáo sư người Hà Lan Abraham Van Helsing,… kế hoạch của Dracula đã thất bại, gã phải chạy trốn về quê hương để rồi bị những người anh hùng đuổi theo và tiêu diệt.
Frankenstein’s Monster
Quái vật của Frankenstein là gã quái vật nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết Frankenstein của nữ văn sĩ Mary Shelley, sáng tác năm 1818.
Gã là sinh vật được tạo ra bởi nhà khoa học Victor Frankenstein, nhưng đôi khi mọi người vẫn quen gọi gã quái vật là Frankenstein – chính bằng cái tên của người tạo ra hắn. Lấy nguyên liệu từ những tử thi, bằng sự kết hợp của khoa học và thuật giả kim, nhà khoa học đã tạo ra một sinh vật mà chính anh ta cũng phải nguyền rủa vì quá gớm ghiếc. Hắn ta cao 2.4m, nước da vàng vọt, đôi môi thâm sì và hàm răng trắng ởn, với sức khỏe đáng kinh ngạc, nhưng trí tuệ thì vô cùng hạn chế. Ngay khi được tạo ra, gã làm Victor đổ bệnh vì khiếp sợ, gã chạy trốn, hoang mang khi lạc vào một xã hội đầy phức tạp.
Tuy trí tuệ thấp, nhưng gã quái vật cũng có cảm xúc và mong muốn học hỏi từ thế giới con người, dù cho vẻ ngoài đáng sợ của gã khiến người người xua đuổi. Gã kết bạn với một ông già mù, người duy nhất đối xử tốt với gã, không phán xét, không định kiến. Nhưng con trai ông già trở về và lại đuổi đánh hắn đi, khiến mọi niềm tin của hắn vào thế giới loài người vụt tắt. Gã quái vật tìm về quê hương của Victor Frankenstein, và trút giận lên những người thân của nhà khoa học. Gã giết chết Henry Clerval – bạn thân của Victor, và cả cậu em trai William Frankenstein, rồi đổ oan cho cô hầu gái Justine bị xử tử. Gã đòi Victor tạo ra một phiên bản nữ để yêu thương hắn, nhưng ghê tởm trước sinh vật thứ hai mình tạo ra, Victor điên cuồng phá hủy ‘nàng dâu của Frankenstein’. Để trả thù, gã quái vật giết chết Elizabeth, vợ của Victor ngay trong ngày cưới rồi bỏ chạy.
Victor đuổi theo gã lên tận Bắc Cực, nhưng bị viêm phổi vì lạnh mà chết. Chứng kiến thi hài của kẻ tạo ra mình, gã quái vật ân hận vì đã phá hoại cuộc đời và gia đình của Frankenstein. Gã chạy trốn về Bắc Cực, thề rằng sẽ tự thiêu mình, để không ai phải trông thấy vẻ ngoài gớm ghiếc của gã nữa
Đọc thêm:
Tác phẩm ‘Ritter Tod Und Teufel’ của Albrecht Durer
Kị sĩ đoàn Teutons trong những cuộc Thập Tự Chinh
Chiến dịch diệt chim sẻ thời cách mạng văn hóa Trung Quốc
Bride of Frankenstein (Cô dâu của Frankenstein)
Ai xem Penny Dreadful chắc hẳn rất ấn tượng với nhân vật Lily – Nàng dâu của Frankenstein và nghĩ rằng trong nguyên tác chắc cô ta cũng phải đặc sắc lắm. Nhưng thực tế trong tiểu thuyết gốc và bộ phim kinh dị Bride of Frankenstein (1935) thì vai trò của cô ta còn hơn cả phụ.
Trong tiểu thuyết Frankenstein của nữ văn sĩ Mary Shelley, gã quái vật của Frankenstein đòi Victor Frankenstein tạo ra một phiên bản nữ để hắn có thể yêu thương, bầu bạn. Tuy nhiên khi nhìn thấy sinh vật thứ hai mình tạo ra, Victor ghê tởm xé xác cô ta, khiến gã quái vật cuồng nộ, giết chết hôn thê của Victor ngay trong ngày cưới để trả thù.
Bộ phim kinh dị trắng đen nổi tiếng Bride of Frankenstein là lần đầu tiên nàng quái vật này được cho một hình hài cụ thể. Nàng ta có một mái tóc xù có vạch sét trắng, khuôn mặt trắng lợt và đôi môi thâm sì. Tuy nhiên, đến nàng cũng sợ hãi trước bộ dạng của gã quái vật, khiến gã vô cùng thất vọng, cho nổ tung cả tòa tháp, giết chết cả hai để chấm dứt nỗi đau của những kẻ quái thai bị giấc mộng khoa học điên rồ hồi sinh từ cõi chết. Tổng thời lượng từ khi xuất hiện đến khi chết: 2 phút, tổng lời thoại: 2 tiếng – Á, á. Thôi thì ít ra còn nhiều hơn trong tiểu thuyết rồi, được hét 2 câu xong mới chết.
Dorian Gray
Dorian Gray đích thị là một tiểu mỹ nam trong mơ của những cô gái trẻ và cả các chàng trai trẻ. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết The Picture of Dorian Gray (1890) của tác giả Oscar Wilde mang một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành thách thức thời gian, thách thức mọi giới tính và lứa tuổi. Nhưng chính vẻ đẹp đó lại là khởi nguồn cho sự sa ngã về nhân cách, từ một chàng trai thơ ngây lãng tử hào hoa biến thành một con quái vật trong tâm tưởng.
Chàng trai trẻ Dorian Gray, với một sắc đẹp làm say đắm cả các quý ông lẫn quý bà, được họa sĩ tài năng Basil Hallward vẽ tặng một bức chân dung tuyệt đẹp để lưu lại tuổi thanh xuân. Một người bạn của Basil là Lãnh chúa Henry Wotton tới thăm, thán phục trước sắc đẹp của Dorian, và tỏ vẻ tiếc nuối rằng tuổi tác rồi sẽ làm sắc đẹp tàn phai. Tương lai ảm đạm đó khiến Dorian day dứt hồi lâu, và thốt ra lời ước rằng bức tranh kia sẽ già đi thay cho chính mình.
Và lời ước hiệu nghiệm, dù ban đầu Dorian không hề để ý điều đó. Ban đầu anh ta hết sức ngây thơ, không có kinh nghiệm cuộc sống, dễ bị lôi kéo bởi những lời khuyên độc hại của Henry Wotton rằng anh nên sống hưởng thụ hết mình cho đỡ phí hoài tuổi trẻ. Dorian hứa hôn với cô đào Sibyl Vane ngay lần đầu tiên gặp mặt, nhưng sau khi xem một buổi diễn dở tệ của Sibyl, anh xấu hổ mà hủy hôn với cô đào ngay lập tức. Hôm sau Sibyl uống xianua tự tử, và Dorian chợt nhận ra bức tranh bắt đầu xuất hiện một vệt mờ của sự độc ác. Và cứ thế 18 năm trôi qua, bức tranh nhận mọi sự già nua, bệnh tật qua năm tháng, mọi hành động ăn chơi trác táng hủy hoại cơ thể của Dorian Gray, gã nhân vật trong tranh ngày một xấu xí, nhận lại mọi sự mục ruỗng trong tâm hồn chàng trai trẻ. Nhiều chàng trai, cô gái rơi vào lưới tình với Dorian Gray, để rồi cuộc đời họ kết thúc trong nỗi nhục nhã ê chề, hoặc vết thương lòng sâu sắc.
18 năm sau, nghe lời đồn về sự suy đổi của Dorian Gray, họa sĩ Basil Hallward trở lại thăm Dorian, thú nhận rằng mình đã có tình cảm với Dorian mà vẽ tặng anh bức tranh, rồi hết mực khuyên bảo Dorian hối cải. Nhưng Dorian đổ tội cho Basil và đâm chết anh ta, sau đó tống tiền nhà hóa học Alan Campbell để bắt anh ta hủy xác Basil. Xong xuôi, Alan Campbell cũng khiếp hãi trước tội ác của Dorian mà tự tử.
James Vane, em trai của Sibyl Vane trở về London và đe dọa sẽ báo thù Dorian. Khoảng thời gian sợ hãi thúc đẩy Dorian nhận ra sự sai trái của mình, và anh quyết tâm hối cải. Nhưng kể cả khi đó, bức tranh vẫn xấu xí như vậy, thậm chí còn kinh khủng hơn. Cuồng nộ, Dorian Gray dùng chính con dao đã đâm chết Basil để phá hủy bức tranh, hòng phá hủy quá khứ tàn độc của chính mình. Nhưng ngay khi Dorian đâm vào bức tranh, anh ta lăn ra chết. Những người hầu chạy vào phòng, chỉ thấy nằm trên sàn là một xác chết già nua, xấu xí, ác độc, con dao găm vào trái tim, còn bức tranh treo trên tường trở lại nguyên dạng vô cùng hoàn hảo, mang vẻ đẹp rực rỡ của Dorian Gray thời trẻ.
Bài viết được tổng hợp và giới thiệu bởi nhóm dịch thuật tiếng Anh Lightway. Nhóm chuyên nhận dịch thuật hợp đồng tiếng Anh giá rẻ, chất lượng, dịch trước trả tiền sau.
Mr. Hyde
Nhắc tới Mr. Hyde thì đồng thời cũng phải nhắc tới Dr. Jekyll, hai mà một, một mà hai nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Strange Case of Dr. Jekyll & Mr. Hyde (1886) của tác giả Robert Louis Stevenson. Dr. Jekyll và Mr. Hyde là hai bản thể đối lập cùng tồn tại trong một con người.
Bác sĩ Henry Jekyll là một con người có học thức, được trọng vọng, nhưng ẩn trong ông là những ham muốn, thèm khát không đứng đắn mà ông cố dồn nén lại. Chính vì vậy ông sáng tạo ra một loại huyết thanh mà khi tiêm vào cơ thể, Jekyll sẽ biến thành một con người khác – ông Edward Hyde. Hyde là một kẻ to lớn, khỏe mạnh, xấu xí, lông lá, dáng đi như vượn, tính khí cục cằn, vô đạo đức và rất bạo lực. Khoác lên vẻ ngoài của ông Hyde, bác sĩ Jekyll được ‘thoát xác’, có thể thực hiện mọi hành vi khiếm nhã, trộm cướp, bạo lực, vào lầu xanh… mà không sợ ai biết, chẳng cần để tâm đến những lời bàn tán xôn xao của xã hội. Chính vì điều đó mà hai nhân vật Jekyll và Hyde vẫn được nhắc đến như những điển tích về đa nhân cách, hoặc về sự đối lập giữa bản năng nguyên thủy và quy chuẩn xã hội, về sự đấu tranh hai mặt thiện và ác trong mỗi con người.
Tuy nhiên, Jekyll ngày càng mất kiểm soát bản thể Hyde, mỗi khi bản ngã Jekyll trở nên yếu đuối, Hyde lại trỗi dậy mà không cần tới huyết thanh nữa; trong khi muốn trở lại làm Jekyll, ông vẫn phải tiêm thuốc giải – ý rằng sa ngã vào điều xấu rất dễ nhưng để thoát ra thì rất khó. Cuối cùng Hyde đã phạm đến tội ác lớn nhất – tội giết người và bị truy nã toàn quốc. Trớ trêu thay, nguyên liệu để chế thuốc giải ngày một khan hiếm, và Jekyll có nguy cơ mắc kẹt trong hình hài của Hyde mãi mãi. Không muốn chết trong bộ dạng của Hyde, ông dùng liều thuốc giải cuối cùng để trở lại thành Jekyll và tự sát.
Một số nhân vật comics nổi tiếng như Hulk của Marvel, Two-Face của DC cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ hình tượng Jekyll & Hyde.Invisible Man
Sở hữu năng lực vô hình dễ dụ dỗ con người ta làm những chuyện bất chính, và trường hợp của gã Người Vô Hình Griffin trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng The Invisible Man (1897) của tác giả H.G. Wells cũng không phải ngoại lệ.
Thử tưởng tượng coi, một ngày kia bạn phát hiện ra mình có năng lực vô hình, bạn sẽ làm gì? Griffin, một anh chàng sinh viên xuất chúng bị bệnh bạch tạng đã tìm ra một công thức có thể bẻ cong ánh sáng và giảm khúc xạ của vật thể, khiến chúng trở nên vô hình. Anh ta thử nghiệm trên chính cơ thể mình và thành công, nhưng không thể quay lại trạng thái hữu hình được. Griffin khoác lên chiếc áo măng tô, quấn băng quanh đầu và tay, và đeo đôi kính râm để che giấu thân thể vô hình. Mỗi khi nào cần vô hình, anh ta chỉ việc trút bỏ xiêm y và cứ thế tồng ngồng chạy ra đường là được.
Griffin thuê phòng trong một quán trọ để tìm cách điều chế ra thuốc giải, nhưng cuộc sống bất thường của anh khiến mọi người xung quanh bất an và gọi cảnh sát. Cảnh sát ập vào, khiến Griffin phải tuột hết áo quần ra mà chạy trốn.
Hóa điên vì không thể tìm ra thuốc giải, Griffin giờ đây muốn lợi dụng khả năng vô hình mà khủng bố nhân loại, hắn nhờ tới sự giúp đỡ của người bạn học là bác sĩ Kemp. Nhưng Kemp bí mật báo cảnh sát, và sau một hồi vây bắt, truy đuổi một kẻ vô hình vô cùng kịch tính, họ bắt được và đánh chết Griffin. Thân hình của Griffin lộ ra, ‘lời nguyền’ được giải khi hắn chết.
Werewolf
Cùng với Ma cà rồng, Ma sói (hay Người sói) là một trong những quái vật giả tưởng siêu kinh điển trong tiểu thuyết, phim ảnh và video game nổi tiếng khắp thế giới. Nhiều người nhầm tưởng rằng những truyền thuyết về Người sói bắt đầu từ thời Trung cổ nhưng trên thực tế nó còn có lịch sử lâu đời hơn rất nhiều. Người ta đã tìm thấy những đoạn mô tả về việc biến đổi người thành sói trong sử thi Gilgamesh của người Lưỡng Hà khoảng năm 2100 TCN. Vào năm 425 TCN, nhà sử học Hy Lạp Herodotus cũng mô tả về bộ lạc Neuri ở Scythia có vẻ ngoài lông lá và nghe đồn có khả năng sử dụng phép thuật để biến hình thành sói.
Dù vậy, đến tận đầu thế kỷ 20, nhân vật Người Sói mới trở nên nổi tiếng thông qua các tác phẩm văn học kinh dị giả tưởng. Người Sói lúc này thường được miêu tả là một giống loài thần bí. Một người bình thường sẽ trở thành Người Sói khi nhận một vết cắn của một Người Sói khác và cứ mỗi đêm trăng tròn, anh ta lại trở thành quái vật, quên hết lý trí của một con người, chỉ còn lại bản tính săn mồi của một con thú khát máu và sẵn sàng lao vào cắn giết kể cả những người thân quen. Sau khi tỉnh lại vào buổi sáng và quay về hình dạng con người, anh ta thường sẽ không thể nhớ ra những gì mình đã làm đêm qua và băn khoăn về những vết máu dính trên người.
Người Sói, cũng có những năng lực gần giống với Ma cà rồng. Đó là khả năng bất hoại, hồi phục rất nhanh các vết thương. Ngay cả khi đang ở hình dạng con người, các giác quan như thính giác, khứu giác của Người Sói cũng đặc biệt nhạy bén hơn bình thường rất nhiều. Khi ở trong lốt sói. sức mạnh và tốc độ khiến Người sói trở thành một cỗ máy giết người cực kì nguy hiểm. Thứ duy nhất có thể giết được sinh vật này là những vũ khí bằng bạc.
Nhân vật Người Sói nổi tiếng nhất được đưa vào hàng kinh điển (không phải Wolverines đâu nhé) có lẽ là Larry Talbot trong bộ phim The Wolfman được sản xuất năm 1941. Sau cái chết của người anh trai, Larry Talbot trở về quê nhà ở một điền trang xứ Wales để làm hòa với người cha đang sống cô độc – John Talbot. Trong thời gian ở đây, Larry có tình cảm với cô gái Gwen Conliffe – chủ một cửa hàng đồ cổ. Để làm quen với cô, Larry đến cửa hàng và đã chọn mua một cây gậy chống bằng bạc có gắn hình đầu sói ở tay cầm. Một đêm, Larry đã cứu Jenny – bạn của Gwen khi cô này bị một sinh vật nửa người nửa sói tấn công. Anh đã dùng cây gậy bạc mới mua để giết chết con thú nhưng chính mình cũng lãnh một vết cắn vào ngực. Sau đó, một thầy phù thủy đã nói với Larry rằng sinh vật anh vừa giết thực chất chính là con trai bà ta và rằng vết cắn trên ngực anh sẽ là một lời nguyền đi theo anh suốt đời, biến anh thành chính con quái vật anh đã giết. Cuối cùng điều đó cũng trở thành sự thực, Larry dần biến đổi và đã giết người trong cơn thú tính của mình. Anh luôn đấu tranh và cố gắng thoát khỏi lời nguyền của mình nhưng đến phút cuối lại tấn công ngay cả Gwen – người con gái anh yêu. Cha của Larry, John Talbot đã chiến đấu với con quái vật để bảo vệ Gwen. Ông dùng chính cây gậy bạc của Larry để kết liễu đời anh và sau đó bàng hoàng và đau khổ khi nhận ra con quái vật đang hấp hối dần trở lại hình dáng con trai ông.
The Phantom
Erik, hay còn gọi là Bóng Ma, là gã nhân vật bí ẩn của cuốn tiểu thuyết The Phantom of the Opera (1910) của tác giả Gaston Leroux.
Erik sinh ra với vẻ ngoài dị dạng, trở thành nỗi khiếp sợ cho gia đình. Thân thể như xác chết, khuôn mặt như đầu lâu, không có mũi và đôi môi vô hồn chết chóc. Theo lời cô đào Christine thì anh ta nhìn như xác chết từ đầu tới chân.
Erik bỏ nhà đi với đám người di gan từ nhỏ, tham gia những buổi xiếc, với tài năng ảo thuật và nói tiếng bụng, cùng giọng hát hào sảng phi thường. Hoàng đế Ba Tư nghe danh, vời anh ta về cung và phát hiện ra anh còn có tài năng kiến trúc và làm sát thủ. Erik thiết kế cho Hoàng đế một cung điện nguy nga tráng lệ, khiến Hoàng đế không muốn ai sở hữu một cung điện như vậy nữa, và ra lệnh làm hỏng mắt Erik, nhưng anh trốn thoát, trở về Paris và giúp thiết kế một nhà hát Opera.
Dưới lòng nhà hát opera, Erik thiết kế cả một thế giới ngầm để lui về ở ẩn, tránh xa thế giới con người, với hệ thống cửa sập và lối đi bí mật, khiến hắn thoắt ẩn thoắt hiện, hành tung bí ẩn, yêu cầu chủ rạp trả ‘tiền lương’ hàng tháng và phải đáp ứng mọi yêu cầu của hắn về vở kịch, vai diễn, nếu không hắn sẽ gây ra những tai họa đổ vỡ trong rạp hát. Hành tung bí hiểm khiến hắn được người ta đồn thổi là Bóng Ma trong Nhà Hát.
Erik đặc biệt quan tâm tới giọng hát của cô đào trẻ Christine, tặng cô chiếc nhẫn vàng, và yêu cầu chủ rạp trao những vai diễn đắt giá nhất để lấy lòng cô, dù cô đã dành tình cảm cho người bạn thuở thơ ấu Raoul. Cô ngưỡng mộ tài năng của hắn nhưng cũng khiếp sợ bộ dạng của hắn. Vào những chương cuối truyện, Erik bắt cóc Christine, Raoul xuống giải cứu thì cũng bị Erik bắt giữ. Erik ép Christine cưới hắn nếu không Raoul sẽ chết. Christine đồng ý, nhận của Erik một nụ hôn lên trán và trao lại cho hắn một nụ hôn. Cảm động vì cả cuộc đời chưa từng được nhận một nụ hôn, kể cả từ mẹ hắn, Erik quyết định trả tự do và chúc phúc cho Christine và Raoul. Ba tuần sau, hắn lặng lẽ qua đời trong tầng hầm nhà hát. Giữ lời hứa, Christine quay lại khi hắn chết, chôn cất di hài Erik cùng chiếc nhẫn vàng.
Headless Horseman và truyền thuyết về Sleepy Hollow
Hình tượng gã Kỵ sĩ Không đầu là một motif quen thuộc trong các câu chuyện dân gian, chẳng hạn như hồn ma Dullahan trong thần thoại Ireland, Hiệp sĩ Xanh trong bài thơ cổ Sir Gawain and the Green Knight… Hình tượng này đặc biệt nổi tiếng thông qua cuốn tiểu thuyết “The Legend of Sleepy Hollow” của nhà văn Mỹ Washington Irving.
Năm 1790, ở thị trấn Tarry nơi người Hà Lan định cư ở Mỹ, cư dân đã lan truyền và rỉ tai nhau những câu chuyện truyền thuyết linh dị về những hồn ma bóng quế. Có một ngôi làng gọi là Sleepy Hollow (“Thung lũng Say ngủ”), nơi người ta đồn rằng ở đây ngụ một hồn ma của gã Kỵ sĩ Không đầu. Hắn vốn là một gã lính người Đức đánh thuê cho phe Anh Quốc trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ, và tử trận trong trận Đồng Trắng năm 1776 – một khẩu pháo của quân Mỹ đã bắn bay đầu hắn, chỉ để lại cái xác không đầu được đồng đội chôn cất vội ngoài nghĩa địa ở Sleepy Hollow. Kể từ đó, hắn trỗi dậy thành một hồn ma ác linh, hàng đêm ruổi ngựa quanh ngôi làng để đi tìm cái đầu đã mất, và cầm trên tay quả bí ngô để thay thế cho chiếc đầu của hắn, đôi khi còn được dùng như vũ khí.
Tại Sleepy Hollow thời đó, có một vị hiệu trưởng đáng kính là ngài Ichabod Crane. Ông đem lòng yêu cô gái 18 tuổi Katrina Van Tassel xinh đẹp, con gái rượu của gã điền chủ Baltus Van Tassel. Nhưng Katrina cũng nằm trong tầm ngắm của một gã Abraham Van Brunt cục súc, khiến cho cuộc tranh giành lấy tình cảm của cô gái trẻ giữa Ichabod và Abraham ngày một khốc liệt.
Mùa thu năm đó, Ichabod phải trải qua một đêm hội mùa tồi tệ. Ông bị Abraham chơi khăm, lại phải nghe dân làng kể những câu chuyện ma rùng rợn ám ảnh. Thậm chí, Ichabod dấn thân cầu hôn nàng Katrina những cũng bị nàng cự tuyệt. Thất vọng, Ichabod cưỡi ngựa trở về. Đi ngang qua vùng nghĩa địa đầy ám khí, và trong đầu cứ vương vấn những mẩu chuyện ma, ông bắt đầu run rẩy và kinh sợ, cho đến khi Ichabod nhận ra hắn đang bị đuổi theo bởi chính gã Kỵ sĩ Không đầu trứ danh. Hắn cưỡi ngựa đuổi theo Ichabod xuyên qua đồng vắng và cánh rừng. Ichabod thúc ngựa lên, tưởng rằng đã thoát được gã, ông thở phào, nhưng rồi bị gã Kỵ sĩ Không đầu ném cái đầu lủng lẳng của hắn trúng đầu, ngã ngựa bất tỉnh.
Ngày hôm sau, người ta thấy con ngựa đứt cương của Ichabod Crane chạy về làng, nhưng Ichabod thì hoàn toàn mất tích. Tại hiện trường chỉ còn lại chiếc mũ của Ichabod và một quả bí ngô nát bấy. Không ai hay liệu Ichabod đã bị sát hại hay đã tẩu thoát khỏi Sleepy Hollow trong cơn hoảng loạn. Nhưng tác giả để lại manh mối rằng, dường như thủ phạm đêm hôm đó chẳng phải hồn ma của gã Kỵ sĩ Không đầu, mà chính là Abraham Van Brunt giả dạng, và tất cả những gì ma quái mà Ichabod phải chứng kiến chỉ là do đầu óc loạn trí của hắn tưởng tượng ra…