Ngày nay tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới, và có lẽ sẽ là ngôn ngữ chung trong tương lai. Bất kỳ một ngôn ngữ chúng ta biết tới ngày nay cũng đều trải qua một thời gian dài thay đổi và định hình, đến nỗi nếu đọc lại những văn bản sơ khai của cùng một thứ tiếng chúng ta không hiểu gì. Ngôn ngữ hiện đại thường khác hẳn với phiên bản gốc của chúng, và tiếng Anh cũng không ngoại lệ. Sự phát triển của tiếng Anh song hành với các giai đoạn lịch sử và văn hóa. Các biến động lịch sử sẽ tác động tới ngôn ngữ, như tiếp nhận từ vựng mới, sáng tạo ra những cách diễn đạt mới, hoặc lớn lao hơn thì thay đổi toàn bộ quy mô chữ viết.
Giai đoạn tiếng Anh cổ
Dưới đây là một trang tiếng Anh cổ vào thời còn dùng bảng chữ cái runic. Bạn đọc hiểu không? Các dạng chữ viết về sau, như trong tác phẩm Beowulf, vẫn còn rất giống với một thứ tiếng nước ngoài nào đó.
Ngay cả khi in tác phẩm bằng bảng chữ cái hiện đại thì chúng ta cũng không đọc ra được nghĩa của chúng. Nhưng các học giả, qua thời gian dài nghiên cứu tự dạng và lịch sử, đã có thể dịch các bản văn cổ tiếng Anh để chúng ta nhận ra được gốc gác của tiếng Anh hiện đại trong những bản văn trông lạ lẫm ấy.
Dưới đây là một đoạn văn nguyên bản của tác phẩm Beowulf tả nơi ở tồi tàn của Grendel:
Tiếng Anh cổ (in bằng bảng chữ cái hiện đại)
Hie dygel lond
Warigeath, wulf-hleothu, windige naessa
Frecne fen-gelad, thaer fyrgen-stream
Under naessa genipu, nither gewiteth
Flod under foldan
Bản dịch nghĩa đen ra tiếng Anh hiện đại
They [a] darksome land
Ward, wolf-cliff, windy nesses.
Frightful fen-paths, where mountain-stream
Under nesse’s mists nether wanders,
A flood under earth.
Bản dịch thơ
Lonely and waste is the land they inhabit
Wolf-cliffs wild and windy headlands,
Ledges of mist, where mountain torrents
Downward plunge to dark abysses
And flow unseen.
Tuy nhiều ngôn ngữ khác đã đóng góp nhiều vào tiếng Anh hiện đại ngày nay, nhưng những từ căn bản chủ yếu vẫn bắt nguồn từ tiếng nói của người Anglo-Saxon. Một nghiên cứu thú vị cho thấy rằng trong số một ngàn từ được sử dụng thường xuyên nhất khi viết và nói, thì 61,7% đến từ tiếng Anh cổ, 30,9% đến từ tiếng Pháp, và 2,9% là tiếng La Tinh. Và một phần nhỏ còn lại là từ những ngôn ngữ Germanic khác.
Không chỉ trong văn phạm mà ta thấy mối liên hệ huyết thống với tiếng Anh cổ, mà cả trong cấu trúc câu. Nếu bạn nghiên cứu các biến thể phức tạp của danh từ và sự kết hợp của động từ trong tiếng La Tinh, bạn sẽ thấy các dạng từ của tiếng Anh đơn giản hơn nhiều. Tiếng Anh chỉ cần thay đổi một chút trong nội bộ một từ để diễn tả số, thì, trường hợp, và thể hiện hầu hết các mối quan hệ bằng cách dùng những từ đơn giản như to, for, of, have, had, will cùng nhiều từ khác. Tiếng Anh cổ ban đầu có âm điệu cao hơn tiếng Anh hiện đại, vì trong tiếng Anh luôn có xu hướng đơn giản hóa mọi thứ, rút ngắn từ lại, và bỏ bớt những dạng không cần thiết. Một số phương ngữ tiếng Anh cổ có nhiều biến thể hơn số còn lại. Và thường thì những phương ngữ đơn giản hơn, dễ nhớ hơn sẽ tồn tại và tác động đến sự phát triển của ngôn ngữ sau này. Chúng ta hãy lấy ví dụ với quá trình đơn giản hóa của từ had để minh họa.
Tiếng Anh cổ | Tiếng Anh trung cổ | Tiếng Anh hiện đại |
Số ít | Số ít | Số ít |
1. haefde 2. haefdest (t) 3. haefde | 1. hadde 2. haddest 3. hadde | 1. had 2. had 3. had |
Một số dạng bất quy tắc của tiếng Anh hiện đại, như hậu số số nhiều en trong oxen và children, là những biến thể của tiếng Anh cổ còn tồn tại.
Đóng góp từ những ngôn ngữ khác không đáng kể trong thời Anglo-Saxon. Chủ yếu chúng đến từ hai nguồn. Người Danes, những người chiếm lĩnh phần đông bắc của nước Anh, bổ sung nhiều từ, nhất là những từ liên quan tới biển và tên địa danh. Những cái tên của khoảng sáu trăm thị trấn ở Anh đều có đuôi by của tiếng Danes, nghĩa là thị trấn. Ta còn có những từ phổ biến khác như fellow, skin, happy, ugly, và knife. Đối với người Danes chúng ta còn nợ họ cách nhấn trọng âm vào vấn đầu tiên, và lướt các nguyên âm trong những vần tiếp theo. Đặc điểm này trong tiếng Anh được gọi là quy tắc lướt trọng âm (the law of recessive accent). Những từ vựng du nhập sau này từ những ngôn ngữ có quy tắc nhấn trọng âm khác hẳn, như tiếng Pháp, thường được Anh hóa bằng cách thay đổi trọng âm và cách đọc. Từ tiếng Pháp quantite, tương đương với quantity trong tiếng Anh, là một ví dụ.
Ảnh hưởng ngoại lai thứ hai là tiếng La Tinh, theo chân Kitô giáo vào nước Anh, mang đến nhiều từ vựng liên quan đến giáo hội. Ở những trung tâm học thuật đương thời, như triều đình của vua Alfred, tiếng La Tinh đóng vai trò một phần, nhưng việc tiếp nhận rộng rác các từ tiếng La Tinh vào tiếng Anh trở nên phổ biến và các giai đoạn sau. Có lẽ sự thay đổi đáng kể nhất trong những thế kỷ sơ khai này là việc bảng chữ cái tiếng La Tinh dần thay thế bảng chữ Run của người German, mà ta có thể nhận ra qua những bản văn cổ khai quật được trong thời gian gần đây.
Trong sáu trăm năm, tiếng Anh tách biệt và hạn hẹp như một con sông chảy gần nguồn. Các phần sau sẽ cho thấy nó dần được mở rộng như thế nào khi nó đón nhận những yếu tố mới, và cuối cùng góp phần làm phong phú cho toàn bộ thế giới.
Bài viết được biên soạn bởi nhóm dịch thuật Lightway. Nhóm chuyên cung cấp dịch vụ dịch thuật giá rẻ, chất lượng nhanh chóng, với đơn giá dịch thuật tiếng Anh theo từ thấp nhất thị trường.
Thời kỳ tiếng Anh trung cổ
Sau cuộc chinh phạt của người Norman năm 1066, Anh quốc trở thành vùng đất của ba thứ tiếng, và phải mất nhiều thế kỷ để chúng hòa trộn với nhau trở thành tiếng Anh thực sự. Người Anh bị xâm lược nói tiếng Anh cổ, người Norman xâm lược nói tiếng Pháp, và giới tăng lữ nói tiếng La Tinh. Vì đất nước không có ngôn ngữ chính thức nên hiển nhiên mất một thời dài rơi vào hỗn loạn.
Một vài tác phẩm ít ỏi được sáng tác bằng ngôn ngữ của độc giả mà nó muốn hướng tới. Các bản ballads, như Robin Hood, là văn chương của giới bình dân. Nếu chúng không giống tiếng Anh cổ lắm thì nhớ rằng các khúc ca và chuyện kể này đã được truyền miệng qua một thời gian dài. Các phiên bản ta thấy hiện nay được viết sau khi ngôn ngữ đã biến đổi qua hàng thế kỷ. Giới quý tộc chủ yếu thích những câu chuyện về hiệp sĩ đạo, ban đầu được soạn bằng tiếng Pháp, tôn vinh những anh hùng người Pháp, như Roland hay Charlemagne. Trong các tu viện thì giới tăng lữ thích viết bằng tiếng La Tinh, về giáo lý của giáo hội, triết học, và hạnh các thánh. Nhưng dân chúng thuộc các tầng lớp khác nhau thì phải giao tiếp với nhau, nên dần hình thành một thứ ngôn ngữ chung, với nền tảng là tiếng Anh cổ, bổ sung thêm tiếng Pháp và từ vựng La Tinh. Dần dần, sự lai ghép này trở nên ổn định. Năm 1362, ba thế kỷ sau cuộc xâm lược, Nghị viện lần đầu tiên khai mạc bằng diễn văn tiếng Anh, thay vì tiếng Pháp.
Thế kỷ thứ 14 xuất hiện một vài tác giả có danh tính. Nổi bật nhất trong số này là Geoffrey Chaucer, với tác phẩm Truyện kể Canterbury. Đoạn văn ngắn dưới đây minh họa cho tiếng Anh của sáu thế kỷ trước.
Cùng thời gian đó còn xuất hiện bản dịch Thánh Kinh tiếng Anh của Wyclif. Nên nhớ rằng Kinh Thánh thời ấy chỉ có tiếng La Tinh và vì thế là một cuốn sách giới hạn độc giả là giới tăng lữ. Tuy bấy giờ người ta chưa biết đọc, nhưng có thể nghe các trích đoạn về Chúa Ki-tô bằng ngôn ngữ họ hiểu được.
Cả Chaucer và Wyclif đều dùng phương ngữ Midland, là tiếng nói của vùng London và trung du nước Anh. Hòn đảo này có rất nhiều phương ngữ. Người miền nam và người miền bắc cũng khó lòng hiểu nhau, nếu như không muốn nói là mù tịt. Vậy thì phương ngữ nào sẽ nổi bật và trở thành ngôn ngữ chính? Chaucer và Wyclif có công lớn trả lời cho câu hỏi này. Họ chỉ xếp sau William Caxton, người vào năm 1476 đã mang tới London một công nghệ làm kinh ngạc dân chúng – máy in. Ông sản xuất hàng trăm bản công trình của Chaucer và các tác giả khác. Thời ấy, có khi phải mất hàng năm người ta mới sao được một bản chép tay, sách là một loại xa xỉ phẩm không phải ai cũng có được. Vì công nghệ in luôn mang lại sự ổn định, đồng đều, và phân phối rộng rãi dù là thứ tiếng gì, nên ta dễ dàng hiểu tại sao phương ngữ miền Trung chứ không phải các phương ngữ khác cuối cùng đã trở thành tiêu chuẩn chung.
Dễ hiểu tại sao một số cách viết cụ thể có tính ký âm vẫn được lưu giữ lâu dài sau khi cách phát âm của chúng đã thay đổi theo thời gian. Vì tiếng Anh luôn có xu hướng rút gọn cách phát âm nên trong cách viết vẫn có nhiều ký tự dư thừa của cách phát âm ngày xưa của chúng. Ví dụ rõ ràng nhất là âm e câm, xuất hiện thường xuyên trong các văn bản của Chaucer như một vần riêng biệt. Một số âm e cuối này đã biến mất trong tiếng Anh hiện đại; các âm khác vẫn được giữ nguyên, chủ yếu để cho biết rằng nguyên âm đi trước là, hoặc ban đầu là, nguyên âm dài (trường âm). Các âm câm khác như trong từ often, knight, cough, drought v.v.
Với công nghệ in thì ngôn ngữ được thanh lọc nhanh tới mức vào cuối thế kỷ 15 thì một trang văn xuôi tiếng Anh đã rất giống với tiếng Anh hiện đại, chẳng hạn như tác phẩm của Chaucer. Đọc lướt qua một trích đoạn về chuyện kể của Malory, bạn sẽ thấy rõ như vậy. Tác phẩm Morte d’Arthur cũng viết bằng phương ngữ miền Trung.
Các phương ngữ khác không mất hẳn nhưng trở thành xương sống cho các phương ngữ còn nói tới ngày nay ở miền tây nam, miền đông, và miền bắc nước Anh, và ở Scotland. Trên thực tế thì các phương ngữ miền bắc và của người Scot đã sản sinh ra một nền văn chương phong phú của họ.
Tiếng Pháp và tiếng La Tinh đã tác động đến tiếng Anh thế nào trong thời Trung Cổ? Không phải về cấu trúc câu, vì không như tiếng Pháp, chúng ta vẫn đặt tính từ phía trước danh từ. Tiếng La Tinh lẽ ra đã tác động đến tiếng Anh khiến nó giữ lại các biến tố phức tạp của tiếng Anh cổ, nhưng không phải như vậy. Trong thời Trung Cổ các thay đổi cú pháp dường như phát xuất từ các xu hướng tiếng Anh bản xứ. Chúng ta vẫn dùng những từ nối như of, to, for, để nối kết các câu với nhau. Chúng ta thường tuân theo trật tự chủ ngữ – động từ – túc từ (Subject-verb-object). Có ý kiến cho rằng chúng ta có thể viết các câu tự nhiên chỉ bằng những từ tiếng Anh cổ, trong khi không thể viết một câu có thể chấp nhận được nếu chỉ dùng các từ gốc Pháp hoặc La Tinh.
Riêng danh từ cũng có thể cho chúng ta biết nhiều thứ về lịch sử xã hội thời Trung Cổ. Hãy nhìn các nhóm từ dưới đây, các bạn có kết luận nào không?
Gốc Anglo-saxon: man, woman, child, house, home, horse, dog, cow, king, sheriff, outlaw, arrow.
Gốc Pháp: chilvalry, armor, homage, government, nobility, madam, mansion, tournament, royalty, banquet,
Gốc La Tinh: cathedral, chaplain, charity, miracle, paradise, apostle, saint, sacrament, salvation.
Các tiếp xúc gần giữa tiếng Anh và tiếng Pháp trong thời Trung Cổ đã biến tiếng Pháp thành ngôn ngữ ngoại lai có ảnh hưởng lớn nhất. Những từ vay mượn ban đầu dần trở thành một phần của tiếng Anh đến mức nhiều khi ta không nhận ra được gốc từ của nó, mà tưởng là tiếng Anh thuần. Chẳng hạn những từ như: place, large, change, pay, state, rule, judge.
Dòng chảy của tiếng Anh, băng qua khe hẹp thời Anglo-Saxon, đã được mở rộng bởi hai ngôn ngữ khác là tiếng Pháp và tiếng La Tinh. Cũng như dòng Mississippi biến thành một con sông khác sau khi hợp lưu với hai dòng Missouri và Ohio. Tiếng Anh thời Trung Cổ cũng khác với tiếng Anh cổ như vậy.