Lịch Sử và Văn Minh

Vũ khí đánh giáp lá cà trong chiến tranh cổ đại

Ngay từ thời tiền sử con người đã bắt đầu biết chế tác các loại vũ khí để chiến đấu và tự vệ. Xã hội phát triển, chiến tranh liên miên giữa các bộ lạc, quốc gia dẫn đến sự ra đời của các loại vũ khí cận chiến

chien-tranh-can-chien-thoi-co-dai
Đăng ngày:

(Kim Lưu của nhóm dịch thuật Lightway dịch nguyên văn từ sách Weapons and Warfare in Ancient Times của tác giả Rivka Gonen, 1976)

Thời hiện đại ngày nay vũ khí chúng ta dùng là súng ống, bom đạn, tên lửa v.v. Tất cả đều cho phép huỷ diệt quân địch từ khoảng cách xa. Tất nhiên chúng ta cũng có thể bị quân địch tấn công khi chưa kịp biết họ ở đâu. Chiến tranh hiện đại đã đến đến cái tầm mà binh lính hai bên không cần phải nhìn thấy mặt nhau nữa. Họ có thể phát hiện ra nhau bằng những công cụ như radar, có thể ngắm tên lửa bằng máy tính, khai hoả chỉ bằng một nút bấm. Và không cần quan sát xem quân địch sống chết thế nào.

Loại hình chiến tranh hiện đại như ngày nay là ‘thành quả’ của những bước tiến dài từ chiến tranh thời cổ đại. Ngày ấy, các bên giao chiến sẽ đánh giáp lá cà. Họ hò la, hoặc nói những lời khích bác, với đối phương ngay trên chiến trường. Họ đánh nhau mặt đối mặt, mạnh được yếu thua.

Những vũ khí hiện đại đang dùng ngày nay chúng ta chỉ mới biết tới cách đây vài trăm năm. Hàng ngàn năm trước binh lính đánh nhau bằng rất nhiều loại vũ khí khác nhau, nhưng không có cái nào phát nổ được. Trong loạt bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về việc con người đã sử dụng vũ khí như thế nào trước khi khoa học công nghệ biến đổi hoàn toàn bản chất của vũ khí và chiến tranh.

Khởi nguồn của vũ khí thời cổ đại

Có thể nói tạo hoá không ban cho con người những vũ khí tự nhiên. Chúng ta không có răng nhọn và dài, không có vuốt nhọn, không có móng cứng, không có sừng hay gạc như các loài động vật. Chúng ta cũng không to lớn như voi, càng không mạnh mẽ như hổ. Con người hoàn toàn yếu thế.

Những gì chúng ta có là đôi bàn tay, có thể tát, đấm, quá lắm là làm đối phương bất tỉnh nhân sự. Hoặc dùng răng cắn xé, dùng móng tay cào cấu lẫn nhau. Những ‘vũ khí’ tự nhiên này chỉ vừa đủ cho con người đánh lộn với nhau, chứ không thể mang ra chống chọi với thú dữ được. Để khuất phục và tiêu diệt các loài thú lớn, dữ tợn như gấu, sói, trâu bò, sư tử, hổ, hà mã, cá voi thì tổ tiên chúng ta đã học được cách dùng gậy gộc, đá, và xương. Những loại vật liệu này có thể vót nhọn thành vũ khí dễ dàng mang theo. Từ ban đầu chúng ta chỉ là những con thú biết sử dụng vũ khí với mục đích tấn công và tiêu diệt con mồi vì miếng ăn.

Châu Phi là nơi xuất hiện những con người đầu tiên, khoảng ba triệu năm trước. Tuy họ có thể đi thẳng đứng, nhưng não bộ chỉ khá hơn một con vượn đôi chút. Nhìn chung họ giống vượn hơn là người. Nhưng những con người đầu tiên này đã biết chế tạo vũ khí. Đó là những mảnh xương động vật.

Rồi họ biết dùng đá. Rất hiệu quả vì có thể ném thẳng vào con mồi từ khoảng cách xa. Họ cũng biết dùng gậy gộc để nới rộng tầm với của đôi tay, và tăng thêm lực đánh. Từ đó vũ khí ra đời. Có loại dùng cận chiến, có loại đứng từ xa mà đánh.

Trải thêm một khoảng thời gian dài. Cho đến cách đây vài trăm ngàn năm, con người phát minh ra giáo, rìu, dao, gậy, được thiết kế chuyên dụng cho việc đâm, đánh, quật, phóng v.v.

Cho đến cách đây chừng 10,000 năm thì con người đã có một cuộc cách mạng về vũ khí khi họ phát minh ra cung tên và ná có thể bắn vũ khí đi xa hơn tầm ném của mình.

Những loại vũ khí có thể bắn xa ấy là một bước tiến lớn của loài người. Chúng đưa chúng ta tiệm cận tới ranh giới phân cách giữa người với vượn. Vượn cũng biết ném đá hoặc dùng cành cây làm gậy, nhưng không có con vượn nào dù thông minh đến đâu lại biết dùng cung tên.

Khi cung tên ra đời thì những thứ vũ khí cùng đặc tính ‘tấn công từ xa’ khác dần lép vế và biến mất dần. Ngay cả chúng ta ngày nay khi đi săn cũng chỉ dùng những loại vũ khí có khả năng ‘bắn xa’.

Khi các loại vũ khí ngày càng phát triển và tinh vi hơn thì như một hệ quả con người nghĩ tới việc phòng vệ. Trong vấn đề này thì thú vật cũng được thiên nhiên ưu ái hơn. Một số loài có sẵn mai cứng. Một số được trang bị những bộ lông dày và rậm giúp chúng tránh bị nanh vuốt kẻ thủ xuyên thủng. Số khác có thể bay trên trời, lặn dưới nước, hoặc chui xuống đất khi có nguy hiểm. Một số loài còn có khả năng nguỵ trang tài tình khi biết biến đổi màu sắc bộ lông theo môi trường. Còn con người gần như trơ trụi. Chúng ta không có vũ khí tự vệ tự nhiên, đụng chuyện chỉ có thể cắm cổ chạy bằng chân trần.

Khi đã biết cách làm những thứ vũ khí có sức sát thương cao thì con người cũng bắt đầu chế những công cụ tự vệ. Khiên, mũ, và giáp là những thứ xuất hiện đầu tiên trong các sách sử, và có khi đã xuất hiện trước khi có chữ viết rất lâu. Rồi con người nghĩ ra cách xây những ngôi làng, thị trấn, thành phố có tường thành bao bọc. Loại hình phòng thủ này giúp các bộ lạc an toàn trước thú dữ và kẻ địch. Kỹ thuật xây thành cũng là một mảng lịch sử chiến tranh thú vị và phức tạp, rất tiếc không thể nói chi tiết trong loạt bài viết này. Ở đây chúng ta sẽ chỉ bàn tới những công cụ tự vệ cá nhân mà con người mang theo bên mình, như là khiên, mũ, giáp.

Thông tin về những gì trình bày ở đây lấy từ đâu?

Kiến thức về vũ khí cổ đại đến từ nhiều nguồn khác nhau. Thứ nhất là từ chính những vũ khí ấy còn tồn tại đến ngày nay. Qua nhiều năm thì vẫn còn rất nhiều vũ khí sống sót, vô tình cũng có mà cố tình bảo quản cũng có. Chúng nằm trong các ngôi mộ, lâu đài, lăng tẩm, và các phế tích. Khảo cổ học thường đào được các loại binh khí khi khai quật phế tích của những thành phổ cổ đại. Phần lớn số vũ khí tìm được sẽ đi thẳng đến viện bảo tàng, số còn lại sẽ rơi vào các bộ sưu tập cá nhân. Đây chính là nguồn thông tin quan trọng nhất của chúng ta.

Vấn đề với đống vũ khí này là hiếm có cái nào còn nguyên vẹn. Chủ yếu là chỉ còn phần kim loại hoặc đầu cứng bằng xương của chúng là còn, những bộ phận bằng gỗ như thân hoặc tay cầm, những mối nối hoặc vỏ bọc bằng da thì đều đã biến mất theo thời gian. Vấn đề khác là vì kim loại là một thứ của quý thời cổ đại nên người ta không bao giờ giục bỏ những binh khí đã hư hỏng. Lưỡi rìu, lưỡi giáo, hay đầu tên bằng kim loại sẽ được tái chế thành vũ khí mới. Điều này tức là sẽ có rất ít vũ khí cổ còn tồn tại nguyên bản.

Một yếu tố nữa ảnh hưởng tới mức độ bảo tồn của kim loại đó là sự khác biệt về tốc độ ăn mòn của từng kim loại khác nhau. Sắt ăn mòn khá nhanh, nên các vũ khí bằng sắt sẽ hoàn toàn biến mất sau vài trăm năm. Đồng và đồng thiếc thì ăn mòn chậm. Vũ khí bằng đồng có thể sống sót qua hàng ngàn năm. Vậy nên hiện vật vũ khí cổ đại mà chúng ta có chủ yếu là bằng đồng, dù cho chúng có niên đại cao hơn nhiều so với đồ sắt.

Một số vũ khí cổ được tìm thấy trong mộ táng và đền thờ, nơi chúng được bảo quản tốt. Loại vũ khí này dễ tìm hơn là những vũ khí tham gia giao chiến trên những mặt trận rộng mênh mông. Các vũ khí trong mộ táng thường bằng vàng hoặc bạc, trang sức cầu kỳ, thiết kế tỉ mỉ. Nhưng có vẻ những thứ vũ khí đẹp đẽ này không phải dùng để đánh nhau, mà là ‘phụ kiện’ của vua chúa thì đúng hơn. Chúng chủ yếu được dùng cho các nghi lễ. Một số là tặng phẩm vua nọ tăng cho vua kia, hoặc dâng lên cho thần linh. Rồi khi mai táng nhà vua thì chôn theo cho ngài dùng ở thế giới bên kia. Tuy những vũ khí này không phải dùng thực chiến, nhưng chúng có đặc trưng thiết kế, hình dạng của vũ khí cùng thời. Nghiên cứu chúng sẽ giúp ta hiểu rõ hơn các loại vũ khí thực chiến bằng đồng bằng sát có sức sát thương cao hơn nhiều.

Các tác phẩm nghệ thuật cổ đại cũng là một nguồn quan trọng khác để nghiên cứu về vũ khí. Tranh vẽ, tượng tạc, huy hiệu, con dấu, và nhiều vật thể khác thường mô tả nhà vua cùng với quân đội của mình đang giao chiến. Nghiên cứu những tác phẩm ấy sẽ giúp ta biết các loại vũ khí đã từng được chế tạo và sử dụng. Nhưng rất tiếc hầu hết các tác phẩm nghệ thuật chỉ minh hoạ một góc nhìn, hoặc một mặt của vũ khí. Ta sẽ không nắm rõ được các loại vũ khí lớn và phức tạp dùng trong chiến tranh cổ đại nếu chỉ nhìn ảnh hai chiều của chúng.

Nguồn quan trọng thứ ba về vũ khí cổ đại là trong các tài liệu thư tịch còn sót lại. Các tài liệu này không chỉ mô tả vũ khí thực chiến mà còn giải thích cách sử dụng chúng. Nhưng những tài liệu chi tiết kiểu ấy rất hiếm. Chỉ có người Hy Lạp và La Mã là chịu khó ghi chép và để lại nhiều cuộn tài liệu và thư tịch, còn các nền văn minh khác thì có rất ít. Và có những tài liệu chỉ mô tả các cuộc chiến và chiến thuật chứ không mô tả vũ khí.

Vũ khí thời cổ đại đã thay đổi và phát triển thế nào

Bất kỳ đội quân nào cũng muốn sở hữu những vũ khí tốt nhất. Vũ khí kém hơn quân địch thì gần như cầm chắc cái chết trên chiến trường. Vậy nên việc nghiên cứu phát triển các loại vũ khí mới là vấn đề sống còn của binh lính và tướng lãnh xuyên suất lịch sử. Ta không ngạc nhiên gì khi các đạo quân áp dụng mọi thành tựu khoa học công nghệ mới nhất vào việc chế tạo vũ khí để tăng sức chiến đấu và hiệu quả sát thương của chúng.

Mỗi khi đạo quân này sáng chế ra một loại vũ khí tốt hơn thì đạo quân kia sẽ nhanh chóng tìm cách sao chép những cải tiến ấy. Và khi quân địch sử dụng một loại vũ khí mới trên chiến trường thì công cụ tự vệ của bạn sẽ không đủ sức chống lại. Vậy nên vũ khí tấn công và vũ khí phòng thủ sẽ luôn phát triển song song với nhau, đuổi bắt nhau để triệt hạ lẫn nhau.

Chẳng hạn như khi cung tên ra đời và được sử dụng trong chiến tranh thì người ta không ngừng nghĩ cách để làm cho nó có thể bắn xa hơn, mạnh hơn. Trong khi ấy thì phía bên kia sẽ sáng chế ra áo giáp để hộ thân, và cải thiện độ cứng của nó đủ để chống lại lực bắn của cung tên.

Tiến bộ khoa học và công nghệ sẽ cải tiến độ chính xác và hiệu quả của các loại vũ khí, thời xưa cũng vậy và thời nay cũng vậy. Một trong những phát hiện quan trọng nhất trong thời cổ đại là kim loại. Trước khi có kim loại thì con người chỉ biết chế tạo vũ khí bằng đá, xương, và gỗ. Tất cả những vật liệu này đem so với kim loại thì đều kém xa về độ sắc bén và độ bền. Đặc tính dễ gia công của kim loại cũng giúp người ta mở rộng nhanh chóng số lượng và kiểu dáng các loại vũ khí.

Đồng được phát hiện đầu tiên. Với đặc tính mềm người ta có thể chế tác đồng dễ dàng thành các hình dạng mong muốn. Nhưng khuyết điểm của nó là dễ bị cong oằn và gãy.

Vài thế kỷ sau người ta biết cách pha một lượng nhỏ “thiếc” vào đồng để tạo ra một hợp kim cứng hơn, bền hơn gọi là đồng thiếc. Cuối cùng nó thay thế luôn cho đồng nguyên chất để sản xuất vũ khí.

Đến năm 1000 TCN, con người phát hiện ra sắt và biết cách pha chế sắt với những kim loại khác để tăng độ bền và cứng của nó. Không như đồng và đồng thiếc phải thường xuyên sửa chũa và thay thế, sắt có tuổi đời cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên việc thay đổi các loại vật liệu chế tạo vũ khí không phải diễn ra trong một sớm một chiều, mà thường là quá trình kéo dài hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm.

Dù đã có đủ kiến thức, kỹ nghệ, và ý tưởng những không phải lúc nào con người cũng có thể cải thiện các loại vũ khí đang có. Rất khó có thể tìm ra vị trí các mỏ kim loại. Hơn thế nữa, các khu mỏ thường sẽ nằm trong độc quyền quản lý của một vài nhà cai trị hùng mạnh. Họ không muốn những tài nguyên này rơi vào tay kẻ địch. Phương tiện vận chuyển cũng là vấn đề lớn và góp phần cản trở việc phổ biến các dạng kim loại và vũ khí mới.

Trên thực tế, nhiều xã hội cổ đại rất ngại thay đổi đến mức họ phớt lờ những nguồn tài nguyên mới sẵn có và tuỳ ý khai thác. Như Ai Cập cổ đại, tuy là một trong những xã hội văn minh nhất, hùng mạnh nhất, và giàu có nhất, nhưng thường bị các nước láng giềng bỏ xa trong cuộc đua phát triển và sử dụng các loại vũ khí mới. Có lẽ lý do một phần là vì Ai Cập đã được thiên nhiên che chắn bảo vệ quân thù rất khó xâm nhập. Lý do khác là vì chủ nghĩa bảo thủ của Ai Cập cổ đại. Sống trong sự trù phú và an toàn của thung lũng sông Nile người Ai Cấp trở nên tự mãn và không muốn thay đổi bất kỳ điều gì.

Nhưng bất kể chủ nghĩa bảo thủ, hệ thống giao thông vận tải nghèo nàn, khan hiếm tài nguyên, và sự ích kỷ của các ông vua, vũ khí và kỹ thuật chiến tranh vẫn thay đổi mạnh mẽ qua hàng ngàn năm. Một số loại vũ khí, như gậy và giáo, là tối quan trọng trong thuở ban đầu dần mất đi tính hiệu dụng và bị từ bỏ. Một số loại vũ khí, như kiếm, hoàn toàn nằm ngoài sự tưởng tượng của các xã hội sơ khai nhưng về sau lại trở thành vũ khí quan trọng nhất của binh lính.

Trong các phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu từng loại vũ khí sử dụng trong các trận đánh giáp lá cà, và kết thúc bằng những cổ máy chiến tranh đồ sộ có thể phóng đá tảng để công phá thành trì.

Các loại vũ khí đánh cận chiến trong chiến tranh thời cổ đại

Có ba loại vũ khí cận chiến. Loại thứ nhất dùng để đập vào người đối phương, không gây chảy máu. Điển hình cho loại này là gậy. Loại thứ hai dùng để chém, gây ra vết thương sâu cho địch thủ. Loại này ta có đao, rìu .v.v. Và loại thứ ba dùng để đâm, xuyên thủng cơ thể đối phương. Có các loại như dao găm, giáo, kiếm rất thông dụng.

Những loại vũ khí này sẽ luân phiên nhau phát triển. Người ta sẽ dần dần sử dụng các loại mới thay cho những loại trước đó. Chẳng hạn khi rìu ra đời thì quân lính sẽ sử dụng chúng thay cho gậy. Khi công nghệ luyện kim phát triển, người ta sẽ rèn được những lưỡi kim loại bén hơn, mỏng hơn cho giáo và kiếm. Và chúng sẽ thay thế rìu trở thành loại vũ khí thông dụng trên chiến trường.

Trượng các loại

Gậy là một trong những vũ khí cổ xưa nhất. Người tiền sử dùng nhiều loại gậy khác nhau. Nhưng vì chúng bằng gỗ nên dùng được ít lâu là phải bỏ. Gậy trở nên phổ biến khắp các xã hội cổ đại, dùng trong cả việc tế lễ và chiến tranh.

Gậy cổ đại sẽ được thiết kế sao cho đầu tấn công sẽ to và nặng hơn đầu tay cầm. Nhưng phải tính toán làm sao đó để sự chênh lệch về độ dày hai đầu không ảnh hưởng đến sức chiến đấu.

Người vùng Trung Đông nghĩ ra cách gắn thêm các loại vật liệu nặng khác vào đầu tấn công đến một độ nặng mà họ cho là thích hợp, lúc đó cây gậy sẽ được gọi là “trượng” (dịch từ ‘mace’ trong tiếng Anh)

Trượng có hai phần: tay cầm bằng gỗ và một vật nặng bằng kim loại hoặc đá gắn vào đầu bên kia. Vật nặng này chế theo hình cái bánh rán – hình tròn có cái lỗ ở giữa. Người ta sẽ nhét cây gậy vào trong cái lỗ này, buộc chặt lại để vật nặng không bị văng đi khi quật vào đối tượng. Một số loại đầu trượng còn được khắc hoạ tiết hoa văn với mục đích trang trí.

Một số cộng đồng thích dùng trượng hơn các loại vũ khí khác. Người Ai Cập và các nước hàng xóm xem trượng là vũ khí quan trọng nhất. Và đương nhiên trượng pháp của họ rất điêu luyện.

Người Mesopotamia, cách xa Ai Cập về hướng đông, thì lại không chuộng trượng. Binh lính của các nước vùng này luôn đội mũ khi ra trận. Loại mũ này tỏ ra rất hiệu quả khi đối chọi với các loại trượng, gậy khác nhau. Vậy nên người Mesopotamia bỏ hẳn gậy chuyển qua dùng giáo và rìu. Hai món này có thể xuyên thủng cơ thể, hoặc chặt bay đầu kẻ địch.

Không ngạc nhiên gì khi người Ai Cập tiếp tục dùng trượng suốt một quãng thời gian dài. Một mặt họ cố gắng cải tiến cây trượng bằng cách đập dẹp đầu tấn công và mài bén nó. Tuy làm vậy có thể giúp cây trượng có khả năng cắt vào da thịt địch thủ, nhưng đem ra đấu với mũ bảo vệ và áo giáp thì chắc chắn thua. Vậy nên cuối cùng thì những người Ai Cập bảo thủ cũng phải vĩnh viễn từ bỏ cây trượng của mình.

Nhưng kỳ lạ là món trượng tưởng đã bị quên lãng này 4000 năm sau lại hồi sinh, trong thời Trung Cổ tại châu Âu và châu Á. Đây là thời gian thường xuyên xảy ra các trận giáp chiến giữa bộ binh hạng nặng mặc giáp của các bên đối địch. Để đáp ứng nhu cầu của loại hình chiến tranh mới, trượng được cải tiến về hình dạng và độ tàn ác: người ta gắn vào đầu trượng một chùm kim loại vót nhọn. Những mũi kim loại này nhằm mục đích công phá áo giáp sắt của kẻ địch và đả thương họ.

Tuy trượng, gậy trong gần 5000 năm ít khi được dùng như vũ khí chính trên sa trường, nhưng nó lại là biểu tượng cho quyền lực. Trong những bức hoạ Ai Cập cổ, nhà vua hoặc các vị thần luôn cầm trên tay một cây trượng biểu trưng cho sự chiến thắng. Trượng luôn là vật đặc trưng cho quyền hành và sức mạnh. Biểu tượng này tồn tại cho tới thời hiện đại. Chúng ta thấy, vương trượng của nhà vua hay cây batong của các nguyên soái thật ra cũng chỉ là phiên bản hiện đại của loại vũ khí cổ xưa này.

Rìu chiến

Trượng dần dần mất đi vị trí trên sa trường vì nó không thể xuyên thủng mũ và giáp của quân địch. Vậy nên người ta chế ra một thứ vũ khí ‘chém cũng được và đập cũng được’, có khả năng công phá mũ và áo giáp đối phương. Đó chính là rìu. Quan sát kỹ thì ta có thấy rìu là một phiên bản cải tiến của trượng bằng cách gắn lưỡi kim loại sắc bén cho nó. Thời ấy có hai loại rìu thông dụng. Một loại bản lớn, lưỡi bầu, dùng để tấn công những đối tượng không mặc giáp bảo hộ, ta tạm gọi là rìu chém. Một loại dài, lưỡi nhọn, dùng xuyên thấu mũ và áo giáp đối phương, ta tạm gọi là rìu phá giáp.

Bài toán khó nhất đặt ra cho các bác thợ rèn là làm sao gắn chắc được cái lưỡi rìu kim loại vào cán gỗ. Quy trình gắn lưỡi rìu này có tên gọi là “tra cán”. Có hai phương pháp tra cán thông dụng. Cách thứ nhất là thao tác ở phần cán. Người ta sử dụng một thứ gọi là ‘chuôi’ gắn vào cán rìu. Trên cái chuôi này có khoan lỗ để nhét lưỡi rìu vào, rồi cố định bằng đinh tán. (Mấy con dao làm bếp chế tác theo kiểu này)

Cách ‘tra cán’ thứ hai là thao tác trên phần lưỡi. Họ sử dụng một công cụ gọi là “đế” (socket). Đó là một cái ống bằng kim loại gắn vào lưỡi rìu. Sau đó tra cán vào trong cái đế này rồi cố định bằng đinh tán đóng xuyên qua. Nếu bạn không hình dung cái ‘đế’ này nó thế nào thì cứ lấy một cái xẻng mà quan sát.

Mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng. Ưu điểm chính của đế là nó chắc và bền, nên người ta mới sử dụng cho những vật dụng to nặng như là cuốc, xẻng. Với đặc tính bền chắc này thì thợ rèn sẽ áp dụng phương pháp tra cán bằng đế cho loại rìu dùng phá giáp. Vì khi nhắm mục đích này quân sĩ phải ra đòn mạnh hết sức có thể. Họ cần lưỡi rìu phải thật chắc.

Phương pháp dùng chuôi cũng có ưu điểm của nó. Nhanh, dễ, và rẻ hơn kiểu kia. Ngoài ra nó còn nhẹ vì chuôi đỡ tốn sắt hơn loại đế cồng kềnh. Có lẽ vì lý do này nên là những loại rìu bản rộng dùng bổ trực tiếp vào da thịt kẻ địch được chế tác bằng phương pháp chuôi.

Tuy rìu dùng chuôi ra đời trước, nhưng loại dùng đế cũng xuất hiện ít lâu sau đó. Năm 2500 TCN, các nền văn minh dọc vùng Mesopotamia (Irắc ngày nay) đã phát triển các loại rìu dùng đế, có lẽ là để cân những loại giáp trụ đang được dùng phổ biến hồi ấy.

Như bình thường, Ai Cập bị bỏ lại phía sau. Người Ai Cập cùng những người hàng xóm của mình không bao giờ mặc giáp, nên cũng chẳng cần rìu chiến làm gì. Mãi về sau này khi Ai Cập phải đối mặt với những đạo quân mặc giáp thì họ mới vội vã chế tạo những lưỡi rìu dùng chuôi để đâm thâu kẻ địch.

Càng về sau thì rìu phá giáp càng trở nên quan trọng, còn rìu chém, loại dùng chuôi, càng bị lép vế. Lý do là vì việc mặc giáp đội mũ đã trở thành bình thường trong thế giới cổ đại, và một lý do khác quan trọng hơn đó là sự phát triển của kiếm. So với rìu chém thì kiếm là thứ vũ khí hiệu quả hơn hẳn trong việc xiên que và cắt thịt kẻ thù. Và món binh khí này nhanh chóng trở thành ‘hàng nóng’ trang bị trong những đội quân hùng mạnh nhất thời cổ đại.

Trên thực tế thì đế quốc Roma chưa bao giờ xài rìu. Còn bộ lạc kém văn minh hơn ở bắc Âu và châu Á thì vấn tiếp tục chế tạo và sử dụng rìu chiến kể cả sau khi La Mã sụp đổ và tan biến cùng với những binh đoàn của nó.

Rìu chiến là một trong những loại binh khí cơ động và hiệu quả nhất của thời cổ đại. Ngoài những loại rìu phá giáp, chặt thịt tiêu chuẩn ra thì còn có những loại ‘XXL’ siêu to và nặng dành cho những chiến binh to khoẻ. Khi dùng loại rìu này phải cần tới cả hai tay mới thao tác được. Ngoài ra còn có những loại rìu mini được thiết kế chuyên dùng để phóng vào kẻ địch. Trên thực tế thì loại rìu như vậy không được xếp vào hạng binh khí cận chiến. Chính xác hơn thì ta có thể gọi nó là ‘tên lửa tầm trung’.

Cũng như trượng, rìu chiến là một thứ binh khí lễ nghi quan trọng. Loại rìu Đan Mạch bản rộng là biểu tượng cho hoàng gia Anh suốt thời Trung Cổ. Trước đó thì người La Mã dùng hình ảnh cái rìu có hai sợi dây thừng cuốn quanh cán làm biểu tượng cho sự cai trị. Các loại vũ khí lễ nghi này được sử dụng trong những nghi thức hoàng gia và là nghi trượng dẫn đường khi các quan chức cao cấp đi lại. Rìu biểu tượng của La Mã được gọi là fasces. Nó còn được dùng làm logo cho một phong trào chính trị xuất hiện tại châu Âu thập niên 1930. Những người của phong trào này tự gọi mình là “fascist” (phát xít) và dùng fasces làm biểu tượng cho mình.

Đọc phần tiếp theo: Tìm hiểu về vũ khí cận chiến thời cổ đại: kiếm, lao, giáo

Đánh giá

BÀI LIÊN QUAN

Leave a Comment