Hội kín là gì và nên hiểu thế nào về hội kín
Khi nói về hội kín thì chúng ta hình dung chúng thế nào? Không có một định nghĩa thống nhất thế nào là một hội kín. Vì có hội xét theo tiêu chí này thì kín, tiêu chí khác thì không.
Và không phải hội kín nào cũng “kín bưng”. Một số hội có những thành viên rất nổi tiếng (như Hội Tam Điểm), một số hội có giáo thuyết phổ quát (như Hội Assassin). Tính bí mật của một hội cũng không phải lúc nào chỉ giới hạn ở một vài thành viên. Và một hội kín lập ra thường không phải để đánh đổ một quyền lực nào đó như chúng ta thường nghĩ, nhưng là để củng cố nó.
Một hội kín luôn bao gồm nhiều yếu tố mà ta thường thấy trong đời sống hàng ngày. Quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên chẳng hạn, hội nào mà chả có. Rồi việc sử dụng các biểu tượng, mật mã, đồng phục v.v. cũng đều là những thứ phổ biến của hầu như mọi tổ chức. Và mục tiêu hướng tới. Bất kỳ tổ chức nào cũng đều có.
Một hội bất kỳ cũng có những nghi thức và niềm tin riêng của mình. Như một bộ lạc, đất nước, hay thậm chí một gia đình cũng đều có truyền thống riêng tạo nên ý nghĩa cho thành viên.
Vậy thì, điểm độc đáo của một hội kín đích thực nằm ở ý niệm trong suy nghĩ của họ, mà từ đó họ mới đào tạo thành viên để hoạt động theo một định hướng cụ thể.
Hành động lạ lùng và mang vẻ bí mật khiến cho các hội kín trở nên nổi tiếng. Nhưng, khi những gì họ tin tưởng trở nên đại chúng thì họ không còn bất thường nữa.
Thường thì hầu hết các hội kín bị xem là bài xích xã hội. Họ có những đặc điểm mà người ta cho là có hại với mọi người. Vấn đề nằm ở đó. Chủ nghĩa Cộng Sản và chủ nghĩa Phát Xít hoạt động như hội kín ở một số quốc gia mà luật pháp cấm họ. Kitô giáo là một hội kín tại La Mã thời cổ đại, và bị chính quyền xem là đưa ra những ý tưởng nguy hiểm. Hồi giáo cũng tương tự. Nhưng ta thấy rằng nhiều tín đồ của những niềm tin này tin rằng họ đang phấn đấu vì ích chung cho xã hội. Người Ả Rập ngày nay xem người Do Thái là một hội kín nguy hiểm có âm mưu lật đổ thế giới. Người druses và Yezidis tại Syria và Iraq cũng nghĩ người Do Thái như vậy. Hội Tam Điểm và Công giáo cũng thù địch lẫn nhau.
Một thực tế là khi tìm hiểu về các hội kín ta không thể tách rời chúng ta khỏi tôn giáo, vì thậm chí ngay cả những hội có xu hướng tội phạm nhất cũng có nguồn gốc tôn giáo. Nếu bạn lấy tiêu chuẩn đúng sai của xã hội để đánh giá một hội kín, thì chính tiêu chuẩn của xã hội sẽ làm bạn bối rối. Tại Borneo, săn đầu người được coi là phẩm chất và sự cần thiết cho những thành viên nhập hội đi săn. Tại Polynesia, giết trẻ sơ sinh và hãm hiếp phụ nữ là những thủ tục cần thiết để “vào đời”, lề luật của bộ lạc buộc thành viên phải đáp ứng điều ấy, và được xem là trụ cột của xã hội. Tại châu Phi, Bắc Mỹ, Melanesia và một số nơi khác, muốn trèo cao trong xã hội thì thường phải trải qua những thử thách đánh đổi bằng mạng sống.
Từ thuở sơ khai thì bất kỳ chính quyền nào trên trái đất cũng đều quan tâm đến việc duy trì trật tự xã hội, tránh tính trạng một số nhóm người lập hội để tìm cách thao túng xã hội, hoặc lật đổ chính quyền đương thời, tuy không phải lúc nào cũng thành công. Con người đời nào cũng muốn mình là những kẻ được chọn, khát vọng ấy không gì có thể dập tắt được. Và khát vọng ấy tốt hay xấu thì còn tùy vào quân điểm phán xét của từng thời đại hay thời điểm hay tùy người.
Đó là một vài ý tưởng ban đầu trước khi bắt đầu tìm hiểu về các hội kín. Bây giờ, chúng ta hãy khám phá hội kín đầu tiên: hội sát thủ Hassassin. (Học tiếng Anh: một số thành ngữ tiếng Anh về động vật)
Khởi nguồn của hội kín Assassin
Trên thành của một tòa lâu đài trung cổ có tên gọi Tổ Đại Bàng, có hai người đàn ông đứng đó, một người là đại diện của Hoàng đế, và người che mạng tự xưng là hiện thân của Thượng Đế trên trần gian. Hasan, con trai của Sabah, tự xưng là Sơn trung lão nhân (ông già trong núi), và là lãnh đạo của hội Assassins, cất tiếng nói với đại diện của Hoàng đế: “Ngài có thấy tên lính gác đứng trên tháp canh đằng xa kia không. Hãy xem nhé!”
Nói rồi ông vẫy tay ra hiệu. Ngay lập tức người lính gác mặc áo dài trắng vẫy tay đáp lại, rồi gieo mình xuống dòng nước xiết của con hào bao quanh pháo đài.
“Tôi có bảy mươi ngàn thuộc hả cả nam lẫn nữ khắp châu Á. Bất kỳ ai trong số họ cũng sẵn sàng làm như thế khi tôi ra hiệu. Chủ nhân của ngài, Malik Shah, có làm được vậy không? Thế mà ông ta đòi tôi đầu hàng và giao lại lãnh thổ này ư! Vậy thì đây là câu trả lời của tôi: Cút đi!” Sơn Trung Lão Nhân dằn mạnh.
Cảnh tượng bên trên không phải là phim ảnh, nhưng có thật trong lịch sử, chỉ khác ở chỗ các sử gia cho rằng nhân số của Hasan chỉ vào khoảng 40 ngàn người. Vậy ông già này là ai mà lại có được quyền lực lớn tới vậy, và ông ta đã làm cách nào để thuần hóa hàng chục ngàn người từ Ba Tư cho tới Ai Cập. Những điều đó đã trở thành huyền thoại trong số các huyền thoại về những hội kín. Ngày nay, giáo phái Hashishin (từ này nghĩa là những kẻ nghiện) vẫn còn tồn tại dưới tên gọi Ismailis, một nhánh của Hồi giáo. Giáo chủ của họ gọi là Aga Khan, được tôn sùng như thần thánh.
Như bất kỳ giáo phái bí mật nào, hội Assassin có những nền móng ban đầu với những mục tiêu nguyên thủy, cách thức làm việc. Và chúng ta phải tìm hiểu họ từ những gốc rễ này.
Tín đồ Hồi giáo vào thế kỷ thứ 7 phân tách làm hai nhánh: nhánh chính thống, coi tiên tri Mohammed là cội nguồn đức tin; và nhánh kia là Shia, tôn Ali, người kế nghiệp Mohammed, vị Iman thứ tư, lên vị trí quan trọng hơn. Chính dòng Shia này liên quan trực tiếp đến hội Assassins.
Ngay từ khi ly giáo thì dòng Shia đã phải tồn tại trong bí mật. Tuy chỉ là một nhánh nhỏ của Hồi giáo lúc bấy giờ, nhưng họ tin rằng họ sẽ lật đổ được nhánh chính (và thậm chí là toàn thế giới) bởi cách tổ chức và quyền lực vượt trội. Vì lý tưởng ấy mà họ bắt đầu lập hội, thực hành những nghi thức bí mật sùng bái Ali, và đào tạo các thành viên để thực hiện nhiệm vụ hướng tới sự thống trị thế giới.
Một trong những hội thành công nhất mà dòng Shia lập ra là tại Cairo. Hội này chuyên đào tạo ra những thành viên cuồng tín bằng cách lừa gạt họ tin vào một sứ mệnh thiêng liêng đặc biệt. Để thực hiện điều này, những giảng sư tài ba bài bác các ý tưởng cộng hòa ban đầu của Hồi giáo. Họ hoạt động dưới sự chỉ huy của Caliph dòng Fatimids, những người cai trị Ai Cập lúc bấy giờ.
Thành viên được tuyển dụng hiểu rằng họ sẽ được nhận một quyền năng bí ẩn và trí thông minh vô hạn giúp họ trở nên quan trọng đối với cuộc đời cũng như thầy của họ. Và Caliph đảm bảo rằng giới giảng sư không phải là người thường. Trong số họ có một người là thẩm phán tối cao, một người là tổng tư lệnh quân đội, và người khác là quan tể tướng đương triều.
Các lớp được phân chia theo nhóm học tập, một số gồm đàn ông, một số gồm phụ nữ, và đều gọi chung là Hội Khôn Ngoan. Tất cả các bài học được chuẩn bị cẩn thận, viết thành sách và đệ trình cho Caliph phê chuẩn đóng dấu. Cuối bài giảng tất cả mọi người phải hôn lên con dấu ấy: vì Caliph chính là truyền nhân trực hệ của tiên tri Mohammed, nên ngài là hiện thân của thần linh.
Đọc thêm: Vũ khí đánh giáp lá cà trong chiến tranh cổ đại
Phương pháp đào tạo
Nơi đào tạo thành viên được gọi là “Đại học”, được trang bị cơ sở vật chất hết sức đầy đủ và dư dả, và có thể xem là tiền thân của các trường đại học ngày nay. Nhưng mục đích chính của nó là để thuần hóa tâm trí của sinh viên.
Sinh viên phải trải qua chín cấp nhập môn. Ở cấp đầu tiên, giảng sư sẽ làm cho sinh viên nghi ngờ tất cả mọi quan niệm truyền thống về tôn giáo và chính trị. Họ sử dụng phương pháp loại suy ngụy biện và một vài cách thức diễn giải khác để làm cho sinh viên tất cả những gì đã học hoặc đã được dạy trước đây đều sai lầm. Hiệu quả của quá trình này là làm cho tâm trí của học viên gắn chặt với giảng sư của mình. Đồng thời, giảng sư sẽ liên tục mớm cho họ những ý niệm về một thứ chân lý hùng mạnh ẩn giấu sẽ sớm được khai mở khi họ sẵn sàng đón nhận. “Phương pháp tẩy não” này sẽ diễn tiếp cho tới khi nào học viên sẵn sàng thề nguyền sẽ tận trung với giảng sư của họ.
Lời thề này, cùng với một số biểu tượng bí ẩn khác, sẽ được thực hiện trong suốt khóa học, và học viên sẽ được chứng nhận vượt qua vòng kết nạp đầu tiên.
Ở vòng thứ hai, học viên sẽ được dạy rằng các Imams (những người kế nghiệp tiên tri Mohammed) là nguồn chân lý, tri thức, và quyền lực duy nhất. Các Imams hiện thân nơi giảng sư. Vì thế, học viên phải công nhận mọi lời dạy và hành động của giảng sư như là được chính thần linh chỉ bảo. Ở vòng thứ ba, tên thần bí của Bảy Imams sẽ được tiết lộ, và học viên sẽ được dạy cách tụng niệm những câu thần chú mang lại sức mạnh tiềm tàng, nhất là khi sử dụng để phục vụ giáo phái.
Ở cấp thứ tư, học viên sẽ được tìm hiểu về bảy Đấng Ban Pháp Luật, cùng những bí thuật của họ. Những đấng này là Adam, Noah, Abraham, Moses, Jesus, Muhammad, và Ismail. Và còn có thêm bảy Đấng Tương Trợ nữa là: Seth, Shem, Ishmael, Aaron, Simon, Ali, và Muhammad con trai của Ismail. Tất cả những nhân vật này, ngoại trừ tiên tri Muhammad, đều từ Thánh kinh mà ra. Người cuối cùng trong bảy Đấng Tương Trợ tuy đã khuất núi, nhưng ngài vẫn mang sức mạnh huyền bí, là Chúa Tể Thời Gian, được trao quyền để hướng dẫn Dân của Chân Lý, như chính Ismailis đã tự gọi bọn họ [những người theo giáo phái này]. Nhân vật bí ẩn này đã trao quyền cho Caliph để hành động theo những chỉ dẫn thần minh.
Cấp thứ năm sẽ cung cấp tên của mười hai vị sứ đồ của bảy nhà tiên tri mà danh hiệu, chức năng và quyền năng đã được mô tả. Ở cấp này, trên lý thuyết học viên sẽ được dạy phương pháp ám thị, tức là dùng tâm trí của mình để tác động lên kẻ khác. Một tác giả khẳng định rằng phương pháp này được truyền thụ chỉ đơn giả bằng cách cho học viên lặp đi lặp lại câu thần chú AK-ZABT-I trong ba năm liền.
Tầng thứ sáu sẽ huấn luyện học viên những phương pháp biện luận. Để vượt qua tầng này thì thử thách rất khó khăn. Đến tầng thứ bảy học viên sẽ được khai mở Bí Ẩn Vĩ Đại: rằng tất cả nhân loại và mọi loài thụ tạo chỉ là một và mỗi cá thể là một phần của tổng thể, tổng thể ấy nắm giữ quyền lực kiến tạo và phá hủy. Nhưng, trong tư cách là giáo đồ Ismaili, học viên được phép sử dụng quyền năng ấy một khi nó đã được thức tỉnh trong anh ta, và đương nhiên sẽ dễ dàng chiến thắng tất cả những ai chưa được khai mở. Quyền năng này sẽ đến thông qua một quyền lực khác gọi là Chúa Tể Thời Gian.
Để đạt đến tầng thứ 8, học viên phải giác ngộ rằng mọi tôn giáo, triết lý, và những thứ đại loại như vậy đều là giả dối. Chỉ có cá nhân là quan trọng, và chỉ cần phục vụ cho quyền năng tối thượng – tức là Iman – là đủ để cá nhân trở nên toàn thiện. Lên đến tầng thứ 9, cũng là tầng cuối cùng, học viên sẽ được biết một bí mật rằng không có cái gọi là tín ngưỡng hay niềm tin: chỉ có hành động mới quan trọng.
Và chỉ có người sở hữu những lý do để thực thi hành động bất kỳ mới là chủ của giáo phái.
Là một hội kín, tổ chức Ismailis không nghi ngờ gì rất quyền lực và dường như đã đào tạo được một lượng tín đồ đông đảo mù quáng tuân theo những mệnh lệnh của bất kỳ ai nắm quyền. Nhưng cũng như mọi hội khác, giáo phái này có những giới hạn nghiêm trọng về tính hiệu quả.
Có lẽ kế hoạch lật đổ và thống trị mà hội lập ra đã không đi đến đoạn cuối; có lẽ hội không định làm gì khác ngoài việc đào tạo tín đồ. Dù thế nào thì thành công trên thực tế của hội chỉ lan được tới thành Baghdad và đúc tiền khắc tên của vị Caliph Ai Cấp. Về sau người Thổ tiến đánh Cairo và giết vị quốc vương này. Đến năm 1123, tể tướng Afdal đóng cửa hội. Sự bành trướng của người Thổ dường như đã làm suy yếu mạnh mẽ giáo phái đến nỗi họ gần như tàn lụi, và sau khoảng thời gian đó ít ai còn nghe tới giáo phái này nữa.
Hasan, con trai Sabah, tự xưng là Sơn Trung Lão Nhân, được coi là người đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức của hội này, khiến nó tồn tại trong gần một ngàn năm.
Gợi ý: Tìm hiểu về vũ khí cận chiến thời cổ đại: kiếm, lao, giáo
Hassan – nhân vật trung tâm của hội sát thủ Assassins
Vậy ai là Hasan? Ông ta là con trai của một người theo dòng Shiah tại Khorasan, một kẻ cuồng tín bậc nhất, người tự nhận tổ tiên là người Ả Rập, đến từ Kufa. Giả thuyết này có thể xuất phát từ thực tế rằng giòng ấy cuồng tín bậc nhất trong thế giới Hồi giáo. Những người thân cận của ông ta thì khẳng định rằng vị Ali này là một người Ba Tư, tổ tiên ông ta cũng vậy, và có lẽ giả thuyết này đúng hơn. Giữ chức quan tỉnh trưởng, Ali là một tín đồ Hồi giáo chính cống, và điều này không ảnh hưởng gì tới giáo thuyết ông rao giảng sau này – Giáo Lý về Sự Khôn Ngoan Ẩn Giấu. Vì có lời ra tiếng vào về đời sống đức tin của mình, ông rút vào sống trong một tu viện, và gửi con là Hasan vào một trường chính quy. Trường này không phải trường tầm thường. Nó là nơi đào tạo do chính Imam Muwafiq cai quản. Và người ta nói rằng bất kỳ ai là học trò của ông đều sẽ được quyền cao chức trọng.
Ở ngôi trường này Hasan đã gặp Omar Khayyam, một thi sĩ và nhà thiên văn. Một bạn học khác của ông là Nizam-ul-mulk, người này từ một nông dân leo lên tới chức tể tướng. Ba người họ kết nghĩa anh em, thề rằng bất kỳ ai thành công đều sẽ giúp hai người còn lại.
Nizam, quan cận thần, làm tể tướng cho Alp-Arslan, vị Thổ vương của đất Ba Tư, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Theo đúng lời thề kết nghĩa, ông ta cấp cho Omar một tòa biệt phủ khang trang nằm tại Nishapur, nơi ông từng sáng nhiều vần thơ. Đồng thời, Hasan vẫn hoạt động bí mật, đi khắp vùng Trung Đông để đợi thời cơ nắm được quyền lực mà ông ao ước. Arslan Sư Tử đã chết, Malik Shah kế vị. Bất ngờ, Hasan diện kiến Nizam, yêu cầu một chức quan trong triều. Một lần nữa giữ lời thề, vị tể tướng thu xếp cho bạn cũ một vị trí khá tốt.
Vua Malik Shah còn trẻ, và Hasan thì thành thạo kỹ năng mưu đoạt nhân tâm. Nhưng Nizam vẫn là một nhân vật trọng yếu trong vương quốc, có nhiều công trạng và nắm phần lớn quyền hành. Hasan thấy rằng cần phải loại bỏ ông bạn tốt lành của mình.
Năm 1078, nhà vua yêu cầu thống kê toàn bộ ngân sách của vương quốc. Nizam nói rằng cần phải mất một năm. Nhưng Hasan thì khẳng định chỉ cần 40 ngày là đủ, và nhận sẽ làm được. Nhà vua trao nhiệm vụ này cho ông. Và các sổ sách giấy tờ đã được làm đúng hạn. Nhưng có chuyện không hay xảy ra. Có lẽ đến phút cuối Nizam nhận ra dã tâm của người bạn và ông quyết định cần phải loại trừ trước khi quá muộn. Bằng cách nào đó Nizam đã thêm bớt vài nét trong bản chép tay các báo cáo cuối cùng. Đến khi Hasan đọc lên trước triều thì nó vô lý tới mức khiến nhà vua nổi trận lôi đình, lập tức ra lệnh trục xuất Hasan.
Hasan trốn sang Isfahan, nơi ông có vài người bạn. Ở đó, cùng với Hazal, Hasan lập một kế hoạch để phục thù. Rồi ông đến Ai Cập để thực hiện kế hoạch của mình.
Hasan đã lớn lên trong giáo lý của hội Ismaili, và ông nhận ra sức mạnh trong một hệ thống cố kết như thế. Ông biết rằng tại Cairo có một hạt nhân hùng mạnh. Và chính tại Cairo ông đã đào tạo được những tín đồ sẵn sàng xả thân chết cho lãnh tụ. (Học tiếng Anh: Thành ngữ It will not wash nói về sự vô ích)
Phương pháp đào tạo tín đồ của Hasan
Kế hoạch của ông ta là gì. Hasan hiểu rằng hứa hẹn suông về thiên đàng với những khoái lạc vĩnh cửu thì chưa đủ. Ông tiến thêm một bước, cho tín đồ trải nghiệm trước những khoái lạc xác thịt ấy ngay trên trần thế.
Hasan chọn một nơi thung lũng để xây dựng thiên đường của ông. Marco Polo từng đi qua nơi này và mô tả nó như một nơi hoa thơm cỏ lạ, lâu đài đền các xa hoa, rượu ngon và gái đẹp không khi nào thiếu, âm nhạc và đủ các thứ giải trí khác đều được chuẩn bị kỹ lưỡng cho con người ta hưởng thụ.
Xây dựng xong thiên đường trên trần thế của mình, Hasan bắt đầu tuyển mộ những thanh niên trai tráng từ những vùng quê lân cận, trong độ tuổi từ 12 đến 20, càng to cao vạm vỡ càng tốt. Mỗi ngày ông sẽ tổ chức các buổi hội kiến để rao giảng về những khoái lạc nơi Thiên đàng và khẳng định ông có quyền năng đưa họ lên Thiên đàng để “trải nghiệm” trước những khoái lạc ấy.
Cứ ít lâu ông sẽ chọn khoảng một tá tín đồ cho những cuộc trải nghiệm như vậy. Họ sẽ bị thuốc cho nửa tỉnh nửa mê. Rồi trong tình trạng mơ màng ấy họ sẽ được mang đến “Thiên đàng” ông đã xây dựng. Khi tỉnh dậy họ sẽ thấy mình năm trên chăn êm nệm ấm, của ngon vật lạ trước mặt, âm nhạc du dương, và đặc biệt xung quanh là các mỹ nữ tuyệt trần âu yếm chiều chuộng hết mực. Tất cả mọi thú vui nhục dục và khoái lạc xác thịt đều được cung cấp hết mức.
Sau khi đã trải nghiệm xong họ sẽ lại bị đánh thuốc cho mê man rồi đưa trở lại hiện thực. Khi tỉnh dậy họ sẽ được hỏi “các ngươi đã đi đâu.” Và họ sẽ không ngần ngại trả lời “Nhờ ơn của ngài, chúng tôi đã được thấy thiên đàng.” Và trước mặt toàn thể tín đồ, những người này sẽ thuật lại chi tiết những gì họ đã thực sự được trải nghiệm. Cuối buổi hội kiến, Hasan sẽ tự tin tuyên bố: “Ta cam đoan rằng Nhà Tiên Tri là đấng bảo vệ của Thượng Đế, ngài sẽ ban Thiên đàng cho kẻ nào tuân thủ mọi mệnh lệnh của ta, và những khoái lạc nơi ấy đang chờ đợi các ngươi sau khi chết.” Một vài người nghe vậy lập tức liền tự tử. Nhưng phần lớn sẽ được bảo rằng chỉ có chết khi đang thi hành mệnh lệnh của Hasan thì mới được vào thiên đàng.
Câu chuyện trên nghe tưởng như đùa và khó tin. Nhưng xét trình độ dân trí và sự mê tín phổ biến của thời ấy thì việc các thanh niên quê mùa ấy tin sái cổ vào thiên đường của Hasan là điều hoàn toàn bình thường.
Hasn còn một chiêu trò khác. Ông ta cho đào một cái hố sâu trên sàn nhà nơi họp mặt tín đồ. Một tín đồ sẽ đứng vào cái hố đố, vừa đủ để chỉ nhô thủ cấp lên trên sàn. Rồi Hasan cho bao quanh cổ người đó một cái đĩa gắn từ hai phần lại với nhau làm sao trông cho thật giống là cái đầu đó đang nằm trên đĩa. Để trông cho sống động hơn thì Hasan còn cho bôi máu xung quanh cổ và trên cái đĩa. Người không biết nhìn vào sẽ chỉ thấy một cái đầu vừa chặt rời khỏi thân thể đặt trên mâm.
Bấy giờ trước mặt toàn thể tín đồ Hasan sẽ hỏi cái thủ cấp: “Nói đi, ngươi đã thấy gì?” Cái thủ cấp sẽ mô tả lại chi tiết những cảnh tượng thiên đường mình đã trải nghiệm. Sau đó Hasan nói với tín đồ: “Các người thấy chưa, đây là thủ cấp của một người đã chết, một người anh em mà ai trong các ngươi cũng quen biết. Ta đã hồi sinh hắn để đích thân hắn nói cho các ngươi nghe về thiên đường mà hắn đã tới sau khi chết.” Kết thúc buổi họp mặt, Hasan sẽ cho chặt đầu người kia thật, rồi trưng thủ cấp ở đâu đó mà ai cũng sẽ nhìn thấy trong vài ngày.
Hiệu ứng của chiêu trò này khiến hết thảy tín đồ phải sửng sốt và cuồng nhiệt. Họ chỉ muốn chết ngay lập tức để được vào cảnh thiên đàng.
Có nhiều tài liệu nói về những tín đồ Ismailis. Bá tước Henry xứ Champagne là đặc phái viên của Đế quốc Seljuk đến gặp Hasan và được chứng kiến một cảnh tượng làm ông kinh sợ mà chúng ta đã nhắc tới ở đầu bài viết này. Nhằm thị uy với vị khách của mình, Hasan ra hiệu cho hai tín đồ trên vọng gác, và hai người lập tức gieo mình xuống tự vẫn.
Đang cập nhật tiếp