Khi các bộ tộc Anglo-Saxon di cư từ bắc Âu xuống các hòn đảo của Anh vào khoảng thế kỷ thứ 5, có lẽ họ đã tìm thấy phế tích của các thị trấn và một vài con đường mà người La Mã đã bỏ lại sau khi họ rút khỏi Anh chừng 50 năm trước đó. Trong ba trăm năm chiếm đóng, người La Mã đã dần khai thác hết rừng, các đầm lầy, hồ nước. Trước khi họ đến, người Celts bản địa đã định cư trên hòn đảo này, nền văn minh của họ tồn tại song song với nền văn minh mà người La Mã mang tới. Vì người Celts không có chữ viết, nên các thần thoại và truyền thuyết của họ truyền miệng hàng thế kỷ mà cũng không ghi chép lại. Văn học Anh chỉ thực sự bắt đầu với những cư dân đến sau người La Mã – người Anglo-Saxon.
Tại sao lại chọn khoảng thời gian 449 -1066 là thời kỳ Anglo-Saxon?
Năm 449 một nhóm người Jutes đến từ bán đảo Jutland, hay Đan Mạch, đã giong thuyền vượt qua Bắc Hải đầy bão tố đến định cư tại Kent. Theo sau họ là từng làn sóng người Jutes, người Angles (hookmen), và người Saxon (swordmen). Trước khi Anglia ra đời, thì chưa có nước Anh.
Thời điểm thứ hai, năm 1066, đánh dấu cuộc xâm lăng của người Norman-French, và là cuộc xâm lăng cuối cùng trên đất Anh. Kể từ đó khai sinh ra một tầng lớp cai trị, một lối sống mới, và một ngôn ngữ mới.
Đế quốc La Mã tại Anh
Chúng ta hãy đi ngược lại khoảng năm trăm năm trước 449 để nhìn lại cuộc chinh phạt của đế quốc La Mã, và sau đó là hàng thế kỷ cai trị của họ trên đất Anh.
Julius Caesar tấn công Anh khoảng năm 55 và 54 TCN. Trong vòng một trăm năm La Mã đã chinh phạt hòn đảo này. Chỉ với vài trăm binh lính, họ chiếm đóng vùng đất này trong hơn ba trăm năm. Trong suốt khoảng thời gian ấy, văn minh tiến bộ và thương mại mở rộng. Người ta dựng những dinh thự và xây thị trấn bằng đá. Họ có những nhà tắm bồn, cửa sổ kính, và lò sưởi trung tâm. Phế tích các phòng tắm công cộng thời La Mã ngày nay vẫn còn ở thành phố Bath.
Người La Mã ở Anh chủ yếu là vì nhiệm vụ quân sự (Từ castra trong tiếng La Tinh nghĩa là camp trong tiếng Anh – có lẽ vẫn còn hiện diện trong tên của Chester, Manchester, Lancaster.) Bức tường Hadrian, một pháo đài đồ sộ chạy dọc hòn đảo gần biên giới Scottish, được xây khoảng năm 123 để đề phòng các bộ tộc Picts và Scots đột kích, cuộc sống của dân chúng nhìn chung là thanh bình và thịnh vượng.
Người German xâm lăng
Tuy được gọi bằng nhiều tên khác nhau, nhưng người Jutes, người Angles, người Saxon thuộc về cùng một chủng tộc German (German tuy ta thường dịch là người Đức, nhưng từ này không nói tới người Đức hiện đại, mà bao trùm một giống người cư trú vùng trung tâm châu Âu thời cổ đại). Họ đến Anh để chinh phạt và định cư. Trong một khoảng thời gian ngắn, họ gặp phải sự kháng cự của người Britons (người Celts) bản xứa dưới sự lãnh đạo của vị vua nhuốm màu huyền thoại Arthur. Cuối cùng thì bộ lạc bản địa tháo chạy tới xứ Wales và Ireland. Người Angles và người Saxons biến nơi đây thành ngôi nhà mới của họ. Họ khai sinh nhiều vương quốc, lớn nhất là Mercia, và chia nhau đất đai vùng trung tâm nước Anh. Tên của các vương quốc Saxon vẫn còn lưu giữ nơi tên gọi của hạt Essex, Sussex, và middlesex.
Thế kỷ thứ 8 và thứ 9, người Danes đe dọa sẽ tiêu diệt nền cai trị của người Saxon khi họ cướp bóc làng mạc, chiếm đoạt chiến lợi phẩm, và yêu cầu cống vật. Họ đến bằng thuyền, tập kích và phóng hỏa tất cả những nơi họ đi qua, rồi rời đi. Tuy nhiên về sau họ đánh chiếm, định cư và kiểm soát phần lớn lãnh thổ vùng đông bắc. Trong vùng này, gọi là Danelaw, người Dane xâm lược trở thành một phần của sự pha trộn sắc tộc mà về sau sẽ trở thành nước Anh.
Người Anglo-Saxon trông thế nào?
Người Angles và người Saxon, to cao vạm vỡ, là những bộ tộc du mục và đi biển. Khi đến Anh, họ vẫn còn trong tình trạng bán khai, thờ thần Odin. Đại dương, mùa đông, sấm chớp, và mặt trời đều là thần thánh của họ. Họ có ý niệm mơ hồ về Đinh Mệnh, thứ mà họ gọi là Wyrd (nguồn gốc của từ weird trong tiếng Anh). Khi gặp bão trên biển, hoặc khi lâm trận, người Anglo-Saxon kêu cầu thần thánh, cố làm hết sức, và phó mặc kết quả vào bàn tay của Wyrd.
Các tín ngưỡng mang tính tôn giáo và mê tín của họ gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày. Tên của các ngày trong tuần mà chúng ta sử dụng ngày nay cũng bắt nguồn từ các thần thách của họ: Tuesday là thần bóng tối Tiw; Wednesday là thần chiến tranh Woden; Thursday là thần sấm Thor, Friday là nữ thần tình yêu Frigga.
Người Anglo-Saxon man rợ và tàn bạo, nhưng họ cũng có những phẩm chất rất cao thượng. Họ rất thành thật, nghiêm túc, dũng cảm. Họ không sợ bất cứ thứ gì – từ thuồng luồng dưới biển cho đến hoang thú trên rừng, người Celt hay người La Mã. Họ thích chiến đấu và thi thố các cuộc thi sức lực. Công bằng và tinh thần thượng võ là những điều mà họ rất coi trọng.
Lãnh đạo được cộng đồng ngưỡng vọng vì sự hào phóng, được gọi là ring giver hay bracelet bestower. Đối với quý tộc thì sự thành tín được xem là đức hạnh cao nhất, cho tới lúc chết. Người Anglo-Saxon không để ai xem thường. Họ chân thành, thẳng thắn, và bộc trực trong lời nói cũng như hành động.
Những bộ lạc du mục này đã quen với khổ cực. Đại dương giá lạnh, cô độc, bầu trời lúc nào cũng xám xịt, và sương mù quanh năm của các hòn đảo Anh rất giống với quê nhà của họ trên các vùng duyên hải Bắc Hải và Biển Baltic, nơi rừng rậm bao phủ và sương móc che khuất mặt đất. Họ là giống nòi bi quan, và tính bi quan sầu muộn ấy bén rễ trong văn chương Anh sau này.
Họ ngưỡng mộ sự chịu đựng gian khổ, nó trở thành đặc tính của người Anh kể từ thời Beowulf đại chiến bảy ngày bảy đêm cho tới khi Anh bị Đức dội bom trong Thế Chiến II. Cách Winston Churchill động viên nước Anh trong những tháng đen tối của chiến tranh, khi nước Anh phải đơn độc chiến đấu, rất giống với cách các lãnh đạo Saxon khi xưa thúc giục dân chúng của mình hàng ngàn năm trước:
Heart must be keener, courage the hardier,
Bolder our moods as our ban diminisheth
Đời sống của người Anglo-Saxon
Năm tháng trôi qua, các bộ lạc và vương quốc phát triển, đời sống người Anglo-Saxon đạt đến mức độ như trong mô tả trong tác phẩm Beowulf, một trường ca kinh điển của Anh. Sau mỗi cuộc săn hoặc trận chiến, tùy tùng nhà vua hoặc tù trưởng sẽ tụ tập tại Sảnh Tiệc mà bình thường vẫn là phòng tiếp khách của nhà vua. Ở đó, giới quý tộc và binh sĩ sẽ nhận phong thưởng của nhà vua, chè chén với đồng bạn, và khoe khoang chiến lợi phẩm.
Ở giữa sảnh tiệc có một cái rãnh cạn nơi người ta đốt lửa sưởi ấm. Dọc theo cái rãnh là hai cái bàn dài nơi khách khứa ngồi mặt vào đống lửa dùng bữa. Thịt được bày trong những cái đĩa dùng chung, ai ăn thì lấy, bốc bằng tay hoặc cách bằng dao. Xương xẩu thì quăng cho lũ chó luôn nằm chực dưới chân. Thức uống ưa thích của họ là rượu mật ong, ủ bằng men và mạch nha.
Giữa sảnh sẽ có người ngâm thơ (gọi là scop) hoặc ca sĩ (gleeman) cho thực khách giải trí. Trí nhớ của nhà thơ và ca sĩ phải nói là phi thường, và công việc của họ là lôi kéo sự chú ý của cả người già lẫn thanh niên. Họ hát, kể chuyện, xướng tin, và đố vui. Đối với người Anglo-Saxon thì câu đố là một trò chơi trí tuệ. Bạn thử đoán đáp án của những câu đố sau đây xem:
I’m prized by men, in the meadows I’m found,
Gathered on hill-sides, and hunted in groves;
From dale and from down, by day I am brought.
Airy wings carry me, cunningly store me,
Hoarding me safe. Yet soon men take me;
Drained into vats, I’m dangerous grown.
I tie up my victim, and trip him, and throw him;
Often I floor a foolish old churl.
Who wrestles with me, and rashly would measure
His strength against mine, will straightway find himself
Flung to the ground, flat on his back,
Unless he leave his folly in time.
Put from his senses and power of speech.
Robbed of his might, bereft of his mind.
Of his hands and feet. Now find me my name.
Who can bind and enslave men so upon earth,
And bring fools low in broad daylight.
Tìm hiểu thêm về nước Anh:
Những nét văn hóa chính của nước Anh
Vua Henry VIII của nước Anh, người thành lập Anh giáo
Chính quyền của người Anglo-Saxon
Người Anglo-Saxon tự trị một cách dân chủ thông qua các hội đồng chiến tranh khi họ di chuyển, và các cuộc họp bản khi họ định cư. Chủ soái của quân đội, và ngay cả nhà vua, cũng đều được chọn bằng hình thức bầu cử, tuy rằng các mối quan hệ gia tộc cũng như năng lực của đương sự cũng sẽ được xét tới. Vua quy tụ cận thần và các quý tộc xung quanh mình, bảo vệ và trợ giúp họ. Đổi lại, các quý tộc sẽ canh giữ đất đai ruộng vườn, thu thuế – bằng lúa mì, bơ, hoặc thịt.
Mọi quyết định sẽ được đưa ra trong những cuộc họp bản, hay còn gọi là folkmoot – họp toàn dân – trong đó mọi người đều có thể nêu ý kiến của mình. (Từ đây mà ta có từ moot point nghĩa là một vấn đề cần tranh luận). Các bộ lạc và thậm chí cả những vương quốc nhỏ quy mô cũng chỉ là vài gia tộc hợp lại. Nhưng trong một cuộc họp toàn dân thì bất kỳ người đàn ông nào cũng độc lập và có quyền biểu quyết.
Buổi đầu của Kitô giáo
Ở Anh, Kitô giáo tồn tại bên cạnh các tôn giáo dân gian của những bộ lạc Đức, vì nước Anh thời La Mã phần lớn đã Kitô giáo hóa. Tôn giáo này tiếp tục nở rộ tại các vùng định cư của người Celtic ở Ireland và xứ Wales. Người Jutes, người Angles, người Saxons xâm lược Anh bằng vũ trang; còn các thầy dòng Kitô thì xâm lược Anh bằng con đường hòa bình.
Chuyện kể rằng năm 587, có một cha bề trên nọ, khi chứng kiến người ta bán những đứa trẻ Anh làm nô lệ đã hỏi chúng là ai, và nhận được câu trả lời: “Người Angles”. “Không phải Angles,” cha đáp, quan sát màu tóc tuyệt đẹp của chúng, “angels (thiên thần) mới đúng”. Về sau cha trở thành Giáo hoàng Gregory, và sai thánh Augustine đến Anh truyền giáo để cải đạo cho những angel ấy. Thánh Augustine xây một nhà thờ tại Canterbury, và về sau ngài trở thành giám mục nơi này. Cũng vì thế cho nên Giám mục Canterbury luôn được xem là vị trí lãnh đạo giáo hội tại Anh.
Nhà thờ và tu viện thời Anglo-Saxon, xây dựng khoảng năm 690, và là một trong số ít những công trình còn nguyên vẹn tới ngày nay
Nhưng Kitô giáo lan truyền tại Anh không chỉ trong một sớm một chiều, cũng không chỉ nhờ công sức một người. Xuyên suốt thế kỷ thứ bảy và tám, nhà thờ và tu viện mọc lên khắp nơi ở miền bắc nước Anh, nơi Kitô giáo được truyền vào qua ngả Ireland, còn Ireland thì đón nhận tôn giáo này từ Rome, qua các hải cảng phía Nam. Nơi đây các thầy dòng đã nhọc công sao chép lại những cuốn sách cổ, viết những cuốn sách mới, và bảo tồn được phần lớn những gì chúng ta còn biết về các thời đại ấy. Đặc biệt, chúng ta chịu món nợ lớn với một thầy dòng tên là Venerable Bede, người đã viết cuốn Church History of the English People bằng tiếng La Tinh. Cuốn sách kể chuyệnCaedmon, một người chăn bò trong tu viện Whitby, bất nhờ được ơn trên ban cho khả năng sáng tác. Một đoạn thánh ca của Caedmon mà Bede trích dẫn lại chính là bài thơ cổ nhất bằng tiếng Anh mà người ta có thể xác định được thời gian và tác giả.
Văn chương của người Anglo-Saxon
Người Anglo-Saxon rời bỏ quê hương mang theo những truyền thuyết và huyền thoại của tổ tiên – chủ yếu kể về những chiến công và sự can trường của các bậc anh hùng mà họ lấy làm tấm gương. Vậy nên, văn chương buổi đầu của họ là những tác phẩm truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Văn chương truyền miệng được soạn thành thơ – là những câu chuyện dài hơi kể về các bậc anh hùng, chuyện về những người hát rong lang thang khắp các làng mạc thị trấn, về những hội hè đình đám, và những câu đố xướng lên trong sảnh tiệc. Ngày nay chúng ta vẫn còn có thể đọc được một vài bài thơ thời chiến ấy, có vài bài kể về những người đi khám phá, nhiều bài hát như bài The Seafarer chứa đựng đầy tinh thần sầu muộn và khát khao rong ruổi không ngừng nghỉ của người Anh. Thơ viết theo dạng dễ đọc, dễ nhớ. Cấu trúc chủ đạo là bốn vần, lặp lại các âm tương tự để dễ ghi nhớ và khó quên, như Peter Piper picked a peck of pickled peppers.
Sự đoàn kết buổi đầu
Khi người Danes tràn vào Anh thế kỷ thứ 8 và thứ 9, họ trở thành hiểm họa khôn lường đối với các vương quốc Northumbria, Mercia, Đông Anglia, và các tiểu quốc khác của người Saxon. Cuối cùng, vua Alfred xứ Wessex (871-900), một lãnh đạo người Saxon khôn ngoan, đã đoàn kết dân chúng đuổi người Danes về vùng đông bắc nước Anh. Sau đó ông phục hồi công tác giáo dục quần chúng vốn đã bị gián đoạn bởi các cuộc tấn công của người Danes. Alfred rất coi trọng việc sử dụng tiếng mẹ đẻ khi viết, và tác động tới Bede để dịch cuốn Church History of the English people ra tiếng Anh, và khởi sự viết cuốn Anglo-Saxon Chronicle để ghi lại lịch sử Anh.
Vua Alfred đã đoàn kết nước Anh, dù chỉ được khoảng 30 năm, chống lại những kẻ địch hùng mạnh. Những người kế nghiệp Alfred thì vừa không khôn ngoan vừa kém may mắn, hệ quả là khiến nước Anh loạn lạc suốt nửa thế kỷ, và cuối cùng bị người Pháp Norman chinh phạt, chấm dứt thời kỳ Anglo-Saxon vào năm 1066.