Kiến Thức

Khái quát những nét văn hóa của nước Anh

Bài viết này khái quát những nét văn hóa chính của nước Anh mà một người học tiếng Anh cần biết. Nước Anh thuộc các quốc gia lâu đời nhất tại châu Âu, có vai trò quan trọng trong tiến trình văn minh phương Tây và ngày nay là một trong những trung tâm kinh…

văn hóa nước Anh
201 views

Kim Lưu dịch từ sách Adventures in English Literature của tác giả Rewy Belle Inglis và Josephine Spear

Cái nhìn đầu tiên

Khi rời Mỹ đến Anh, bạn đang rời một đất nước rộng lớn để đến một vùng đất nhỏ hơn. Khác biệt đó sẽ khiến bạn ngạc nhiên về mọi thứ. Thử lấy một vài ví dụ mà bạn có thể nhận thấy ngay. Những cánh đồng ở Anh thường nhỏ vì đất đai đã được canh tác từ xưa tới giờ, với các vụ mùa luân phiên, từ lúa mỳ, lúa mạch, yến mạch, rau củ, cho đến cỏ trồng lấy thức ăn cho gia súc.

Tháp Bigbang, biểu tượng của nước Anh
Tháp Bigbang, biểu tượng của nước Anh
Cầu tháp ở London, xây dựng giữa thế kỷ 19
Cầu tháp ở London, xây dựng giữa thế kỷ 19
Toàn cảnh thành phố London, thủ đô nước Anh
Toàn cảnh thành phố London, thủ đô nước Anh

Mùa màng đa dạng này là điểm nổi bật nhất của những cánh đồng nhỏ. Và gần như mọi nông trại đều theo kiểu “vườn ao chuồng”, tức là họ vừa trồng ngũ cốc, vừa nuôi gia súc. Màu xanh mướt của những cánh đồng cỏ nơi đây là nhờ vào khí hậu ẩm ướt, nhiệt độ không lúc nào quá cao hoặc quá thấp.

Giao thông của nước Anh

Bạn sẽ thấy đường phố ở Anh hẹp hơn nhiều so với những đại lộ của đất nước bạn, thực sự không phù hợp với xe ô tô. Lý do là vì những con đường này đã được quy hoạch từ rất lâu về trước, khi mà xe ôtô còn chưa ra đời. Thật ra thì những con đường thẳng nhất ở Anh đã được làm từ thời La Mã cổ đại.

Những con đường sau này chủ yếu làm từ những con đường mòn sẵn có, chạy băng qua những cánh rừng và đầm lầy. Có thể bạn sẽ tự hỏi tại sao không làm mới những con đường thẳng và rộng cho xe cơ giới đi. Có phải là vì không có người làm, hay xưa giờ người Anh chỉ thích đường hẹp? Lý do có thể là cả hai. Nhưng ngành kỹ thuật dân sự thì rất khó khăn ở một đất nước nhỏ và chật chội như Anh, nơi mà quyền sở hữu của mọi mảnh đất đã có từ hàng thế kỷ trước và đi kèm với chúng là vô số các quyền liên quan.

Một con đường ở Anh
Một con đường ở Anh

Dọc theo những cung đường uốn lượn, vòng qua mọi ngóc ngách này là hàng đoàn những chiếc xe trông lạ mắt đối với người Mỹ. Chúng có đủ mọi kích thước và hình thù, từ những chiếc Rolls Royces và Daimlers bóng loáng hầm hố cho tới những chiếc Midget kỳ quặc xóc nảy trên đường. Không có quy định tốc độ như hầu hết mọi con đường tại Mỹ, sự hỗn tạp kiểu Anh giữa những chiếc xe đời mới hầm hồ, những chiếc midgets cổ lỗ, xe thể thao, các loại xe gia đình truyền thống, chen chúc trên các con đường quanh co chật hẹp, khiến cho việc lái xe tại Anh là một công việc nguy hiểm hơn nhiều so với ở Mỹ. Đồng thời cũng là công việc đắt đỏ, vì xe đắt tiền hơn, và phải đóng thuế nhiều hơn, giá xăng dầu cao hơn. Vì có rất nhiều làng mạc thị trấn dọc theo các cung đường của Anh, nên không có những quán cà phê ven đường để đáp ứng nhu cầu của lữ khách mà đâu đâu ta cũng thấy ở Mỹ. Có thể hơi bất tiện, nhưng bù lại lái xe qua những con đường rộng mở ở Anh cảm giác thoải mái hơn nhiều. Và v ì khoảng cách giữa các thị trấn thường khá ngắn, nên bạn có thể dễ dàng đi từ nơi này đến nơi khác bằng xe bus hoặc tàu lửa, không cần dùng tới ôtô. Không đi ôtô thì bạn sẽ không phải lo lắng tìm chỗ đậu xe, là nỗi ám ảnh của nhiều nơi.

Giao thông nước Anh, đặc trưng bởi đủ các loại phương tiện từ cổ xưa tới hiện đại
Giao thông nước Anh, đặc trưng bởi đủ các loại phương tiện từ cổ xưa tới hiện đại

Thoạt tiên có thể bạn sẽ thấy tàu hỏa của Anh chỉ như đồ chơi. Chúng chỉ to bằng một nửa tàu hỏa chỗ bạn, tuy là kích thước đường ray bằng nhau. Thời tôi còn trẻ, chúng tôi coi đường sắt ở Anh thuộc loại tốt nhất thế giới, động cơ xe lửa, tuy nhỏ, nhưng nhanh và mạnh; đường ray mượt mà; trải nghiệm đi xe lửa rất thoải mái và tốc độ. Nhưng giờ tôi phải thú thật rằng hệ thống đường sắt của Anh sau hai cuộc chiến lớn đã không còn được như xưa, về cả tốc độ lẫn trải nghiệm. Ngày xưa chúng tôi có ba hạng vé, hạng một, hạng hai, và hạng ba, nhưng sau đó người ta bỏ vé hạng hai, giờ chỉ còn hạng ba và hạng nhất. Gần như tất cả nhà ga của chúng tôi đều được xây dựng từ rất lâu về trước. Cái hay nhất của chúng có lẽ là nét cổ kính quyến rũ, không gian xưa cũ như trong những cuốn tiểu thuyết của Dicken và các câu chuyện về Sherlock Holmes, miễn là bạn không phải chờ tàu quá lâu hoặc bị trúng mưa ở đây.

Nhà ga ở Anh
Nhà ga ở Anh

Sự pha trộn của lịch sử và hiện đại

Tôi xin chia sẻ vài lời than phiền đã nghe nhiều từ du khách Mỹ khi họ đến Anh. Ở Anh, bạn giống như du hành qua không gian và thời gian. Cuộc sống của thế kỷ 20 và mọi thứ xung quanh bạn. Tôi viết cuốn sách này trên hòn đảo Wight nhỏ bé, cách South Coast vài dăm. Từ cửa sổ nhìn ra, tôi có thể nhìn thấy trên những ngọn đồi đối diện những mô đất nơi chôn cất những vị tù trưởng từ Thời Đồ Đồng. Lái xe nửa giờ tôi sẽ đến khu phế tích của một dinh thự tỉnh trưởng thời La Mã. Chạy thêm 15 phút sẽ gặp lâu đài Carisbrooke, nơi vua Charles đệ nhất bị cầm tù; và bản thân tôi đã từng sở hữu một căn hộ có từ thế kỷ thứ 17, chỉ cách đây vài dặm, mà có lẽ hương hồn của chủ cũ vẫn còn vất vưởng. Mỗi sáng Chủ Nhật tôi rảo bộ trên vùng quê với cảnh sắc như được Tennyson miêu tả trong bài thơ Maud và các bài thơ khác của ông. Cứ thế di chuyển, bạn sẽ du hành qua các thời đại khác nhau.

The Rows in Chester là một khu bảo tàng ngoài trời với những dày nhà nối tiếp nhau, bao quanh một quảng trường. Đây là một thành phố cổ, với những bức tường đã có từ thời trung cổ, đặc trưng văn hóa của nước Anh
The Rows in Chester là một khu bảo tàng ngoài trời với những dày nhà nối tiếp nhau, bao quanh một quảng trường. Đây là một thành phố cổ, với những bức tường đã có từ thời trung cổ, đặc trưng văn hóa của nước Anh

Khi nước Anh bị Hitler đe dọa vào năm 1940, trong tư cách là thành viên của lực lượng Cảnh Vệ, tôi canh giữ hằng đêm, trên đỉnh một ngọn đồi gần đây, cùng với những người khác, có khi chúng tôi cùng nguồn gốc với nhau, những tổ tiên cũng từng canh giữa ở đây để trông chừng hạm đội Armada của Tây Ban Nha, và sau đó là hạm đội của Napoleon. Thời đó, đứng ở đây là bạn đang đứng ngay trên những tàn tích lịch sử.

Nhưng bây giờ thì đã khác, qua thời gian, những thứ mới mẻ và hiện đại đã mọc lên, nhiều thiết bị tiện nghi và thoải mái. Nếu một quán trọ có tuổi thọ hai hay ba thế kỷ thì nó không thể có các tiện nghi của một khách sạn xây vài năm trước. Rất khó để có thể vừa giữ được nét cổ kính nguyên sơ, sự yên tĩnh trầm mặc, vừa có các trang thiết bị hiện đại tiện nghi. Bạn có thể sẽ phải chọn một trong hai, một bên là gian phòng có điều hòa, tủ lạnh, truyền hình và bên kia là những gì của quá khứ. Nhiều khách sạn ở Anh không có đủ phòng tắm, một phần vì chúng được xây trước khi người ta nghĩ tới phòng tắm (bạn phải mang theo phòng tắm vào phòng, như tôi vẫn làm hồi còn đi học ở Cambridge, một cái thùng thiếc tròn đổ được vài xô nước), và một phần vì theo quy định của pháp luật có một loại tòa nhà mà mọi phòng tắm phải nằm bên ngoài.

Hầu hết những căn nhà tại Anh vẫn không có lò sưởi trung tâm, hay những lò sưởi đặt trong từng phòng như các nước Trung và Bắc Âu, nhưng được sưởi ấm bằng các bếp lửa kiểu cổ. Một số cồng kềnh đến độ bạn có thể ngồi vào bên trong cái ống khói. Khách du lịch Mỹ, vốn đã quen với những căn nhà và căn hộ luôn luôn được điều hòa không khí, cảm thấy rét run tại Anh nếu họ ngồi xa ngọn lửa.

Còn một lý do khác khiến người ta phải phàn nàn về cái lạnh ở Anh. Sự thật là – và là một bí mật mà tôi tin là bạn chưa biết – quá nửa những lời than phiền ấy là vì một điều rất đơn giản: du khách ăn mặc quá phong phanh với những bộ trang phục vốn dành cho nhiệt độ ở những nước như Mỹ, và hoàn toàn không phù hợp với nhiệt độ bình thường ở Anh, dù trong nhà hay ngoài phố. Vào thời điểm giữa tháng Một tôi thường phải mặc quần áo ấm rất dày, gấp đôi so với cách mặc của người Mỹ. Nhưng tại sao không cởi bởi quần áo và tăng nhiệt độ phòng lên cho thoải mái? Vì tôi cảm thấy không thoải mái nếu phải hít thở không khí ấm hơn. Cũng vậy, tôi không thể ngủ được nếu phòng quá ấm, tôi muốn tận hưởng cái lạnh trĩu nặng trên tấm chăn của mình.

Tìm hiểu thêm về nước Anh
Cuộc đời Nữ hoàng Elizabeth I của nước Anh
Vua Henry VIII của nước Anh, người thành lập Anh giáo

Người Anh yêu vùng quê

Tôi xin tiết lộ thêm một bí mật khác còn quan trọng hơn, manh mối của mọi bí ẩn làm hầu hết du khách đến Anh phải bối rối. Kể từ thời Cách Mạng Công Nghiệp, nước Anh (England chứ không phải Britain, vì phải tách rời Scotland và xứ Wales ra) là đất nước đô thị hóa nhất trên thế giới, phần lớn dân cư sống và làm việc trong các thành phố và thị trấn. Thế nhưng, họ không bao giờ muốn và tin là mình sẽ sống hoài trong các thị trấn. Đây là một manh mối quan trọng thưa các bạn. Vì nó giải thích tại sao một thị trấn ở Anh thường tồi tàn, ảm đạm và tối đen vào ban đêm. Tất nhiên không phải thị trấn nào cũng vậy, vẫn có những nơi rất rực rỡ và cuốn hút như Canterbury, Salisbury, Wells; Oxford và Cambridge; hay một thị trấn nghỉ dưỡng trong đất liền như Bath; hay một thành phố biển nhưu Regency, Brighton. Nhưng phần lớn các thị trấn cỡ nhỏ khác thường đều ảm đạm, tẻ nhạt, và các thị trấn công nghiệp thì tồi tàn đến mức kinh khủng. Du khách từ Mỹ hoặc các nước châu Âu nếu buộc phải qua đêm ở một trong những thị trấn như vậy thì cả đêm sẽ phải nhìn chằm chằm vào những bảng hiệu ảm đạm, những con đường tù mù tăm tối và chỉ muốn bay ngay tới nơi khác. Không có gì để chơi, không có chỗ nào để đi. Cửa hàng thì đóng cửa, không có những bảng hiệu neol gợi mời, không có những nhà hàng lộng lẫy, không có sàn nhảy, không có nơi nào vui chơi.

Có vấn đề gì với người dân nơi này vậy? Họ thích cuộc sống tẻ nhạt này sao? Thưa không phải vậy. Chỉ là họ chưa bao giờ muốn mình là thị dân, và họ luôn tìm mọi cách để không phải sống trong thị trấn. Nếu họ chưa lên kế hoạch về quê sống, thì ít nhất họ cũng khao khát một ngày nào đó sẽ rời khỏi thị trấn vĩnh viễn. Vậy nên họ chẳng mặn mà gì với việc làm cho nơi đây sinh động, rực rỡ, thu hút. Hơn thế nữa, họ muốn dành thời gian ở nhà, sau những ô cửa, chứ không như người dân ở nhiều nơi khác. Vậy nên đường phố vắng vẻ hay không, tẻ nhạt hay đông vui không phải là điều họ bận tâm. Tất cả những gì họ muốn làm trên đường là mau mau trở về nhà. Tất nhiên vẫn có nhiều quán trọ, quán rượu, quán nhậu, nhưng ngay cả những nơi lẽ ra phải ồn ào náo động này cũng rất bình lặng, cửa đóng then cài, tách biệt với bên ngoài.

Tất cả những người Anh như vậy, một phần lớn dân số đất nước, có lẽ chịu ảnh hưởng lâu dài bởi hình mẫu tầng lớp quý tộc địa chủ, trong thâm tâm luôn xem mình là người vùng quê.

Rời xa những thị trấn và du hành đến những vùng quê, bức tranh phong cảnh sẽ thay đổi chóng mặt. Nói không ngoa, những vùng quê truyền thống của Anh thuộc vào loại đẹp nhất thế giới với những ngôi làng, những mái nhà, điền trang như thể bước ra từ thế giới cổ tích. (Và đây chính là lý do thôi thúc người ta rời bỏ thị trấn). Những khu vườn rực rỡ muôn hoa, vì người Anh bẩm sinh là những nhà làm vườn. Nhưng cánh đồng, rừng cây, bãi cỏ rộn ràng tiếng chim, ngập tràn hoa thơm cỏ lạ, những bức tường cổ kính rêu phong, đây đó là những vườn nho sum suê trĩu quả: tất cả đều lôi cuốn, tất cả đều tuyệt mĩ mà thanh bình. Đây chính là cảnh sắc của những nhà thơ. Chính vì cảnh quê thanh bình này mà hầu hết người Anh đều ghét cay ghét đắng cuộc Cách Mạng Công Nghiệp và tất cả những tiến bộ hiện đại, những thành quả công nghiệp, vì chúng biến những cánh đồng rừng cây thành xi măng và bê tông. Cảnh quê hương xinh đẹp bị tàn phá không thương tiếc.

Thời tiết ở Anh thích hợp với tính tình người Anh

Nước Anh nằm cao hơn nước Mỹ về phương bắc, trên cùng một cao độ với Labrador. Nhưng khí hậu khác hẳn Labrador là vì Anh là một hòn đảo, không nối liền với bất kỳ lục địa nào, một phần được gột rửa bởi dòng hải lưu Gulf Stream, và được biển khơi bao bọc thời tiết không quá nóng mà cũng không quá lạnh. Có thời người ta cho rằng khí hậu ở Anh là lý tưởng, vì khó có ngày nào mà người ta không thể đi dạo ngoài trời. Nhưng họ cần phải là một nông dân lực lưỡng hoặc một vận động viên lành nghề, vì khí hậu ở Anh sẽ rất khó chịu đối với những người hiện đại ít phải chịu nắng chịu gió. Trên thực tế có rất nhiều ngày lạnh lẽo, u ám, ẩm ướt, và ngay cả những ngày đẹp trời nhất ở Anh vào đầu hè hoặc đầu thu tôi cũng còn cảm thấy không thoải mái lắm.

Nhiều người Mỹ cảm thấy bức bối vào những ngày âm u ẩm ướt, hoặc mùa đông mây giăng sương phủ, trái ngược hoàn toàn với thời tiết sục sôi thường thấy ở những bang bên Mỹ. Tôi không trách họ, nhưng khí hậu của Anh cũng có những cái bù lại: nó giúp làm tâm hồn bạn an tĩnh, không cần phải có điều hòa không khí như bên Mỹ, và nếu người Anh nổi tiếng vì giữ được sự bình tĩnh và điềm nhiên trong khủng hoảng, thì tôi đồ rằng đó là vì khí hậu đã định hình tính cách của họ.

Một lần nữa, trên lục địa mênh mông như nước Mỹ thì lụt lội, hạn hán, sóng nhiệt, bão tuyết, bão, lốc xoáy thường xuyên xảy ra, như thể bà mẹ thiên nhiên muốn trừng phạt sự hiện diện của con người. Ở Anh thì hiếm khi có những thiên tai như vậy, vì nắng gió và mưa rất hài hòa và đúng mực.

Cuối cùng, không ai ở Anh thực sự cách xa biển, chỉ một quãng ngắn là họ đã có thể trông thấy đại dương mênh mông. Bản thân tôi không phải người cuồng biển, nhưng có nhiều lần, ở Trung Tây, Đông Âu, hay châu Phi, những khi cảm thấy áp lực và căng thẳng, tôi chợt nhận ra mình cách xa biển biết là chừng nào.

Scotland, xứ Wales, và vùng tây bắc nước Anh đều là núi non. Những đỉnh núi quan trọng chỉ có độ cao khoảng 2500 đến 4000 feet, nhưng đẹp nhất trong số chúng là những ngọn núi dốc đứng hiểm trở, địa điểm lý tưởng cho những người leo núi, và mỗi năm đều lấy mạng một vài người. Quận Lake nổi tiếng, quê hương của các nhà thơ, giống một Thụy Sĩ thu nhỏ, và có nhiều cảnh đẹp ngoạn mục đủ cho bạn chiêm ngưỡng cả ngày. Hồi sau Thế Chiến thứ nhất tôi sống ở đây một thời gian dài, thường hay lên xuống những rặng núi, nhưng về sau, khi bắt đầu lớn lên thì tôi thích những vùng đất hoang vu, những thung lũng xanh mướt, những dòng suối trong veo, và những ngôi làng bằng đá xám, hoặc Yorkshire Dales, gần nơi tôi sinh ra.

Công nghiệp sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu

Vùng trung và đông nước Anh gồm có hai đồng bằng; xa hơn về phía nam, gần như song song với bờ biển, là những ngọn đồi thoai thoải như ở Downs. Các khu vực công nghiệp hóa hầu hết nằm ở vùng trung tâm, gọi là Midlands, và vùng phía Bắc, vì ở những nơi đó có các mỏ than lớn. Nơi đây, trong thời Cách Mạng Công Nghiệp và suốt thế kỷ 19, các nhà máy, xưởng đúc, và nhà kho trải dài, hàng ngàn những con đường tăm tối chật chội mà các nhà văn thời Victoria như Dickens, Carlyle, Ruskin thường xuyên mô tả. Chỉ trong vòng ba mươi năm đã xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới, gọi là “công nghiệp nhẹ”. Họ xây thêm nhà máy, không dựa vào nguồn than nữa, nên có thể nằm cách xa các khu vực công nghiệp cũ, về phía tây nam (nơi đặt trụ sở của hầu hết các hãng hàng không, gần Bristol và Gloucester) hoặc cách London khoảng 50 dặm.

Vùng canh tác nông nghiệp trù phú nhất của đất nước nằm ở các quận đồng bằng miền Đông, khí hậu khô hơn miền Tây; và có truyền thống nông nghiệp lâu đời, từ mãi thế kỷ thứ 18, trải dài từ Suffolk cho đến East Yorkshire. Đâu đâu cũng là đồng cỏ xanh tốt, nên gia súc nơi đây thuộc vào loại hảo hạng nhất thế giới: cừu, heo v.v. Nếu dân số giảm đi một nửa thì Anh có thể tự túc lương thực. Nhưng với hơn 50 triệu người sống trên hòn đảo này thì thì không đủ. Vậy nên chúng tôi phải xuất khẩu hàng hóa để có tiền mua lương thực và các nguyên vật liệu thô cho ngành công nghiệp. Bối cảnh ấy đặt nước Anh vào một tình thế khó xử.

Những đặc tính trái ngược của người Anh

Người Anh đến từ đâu? Cũng giống người Mỹ, người Anh pha trộn các dòng máu, nhưng tại Anh quốc (Britain) thì sự pha trộn đã xảy ra từ rất rất lâu về trước, có lẽ hơn một ngàn năm. Thành phần chính trong sự pha trộn ấy là dòng máu của người Celts, những cư dân đầu tiên định cư trên mảnh đất này, tiếp đó là làn sóng nhập cư của những người Nordic – người Anglex, Saxons, Jutes, và người Danes. Không khó giải thích đặc tính Anh khi xét đến sự pha trộn các dòng máu này. Người Anh bên ngoài thì mang nét lạnh lùng, thực dụng, và bướng bỉnh của dòng máu Anglo-Saxon. Bên trong thì lại lãng mạn, giàu trí tưởng tượng như người Celt. Những đặc tính trái ngược này thể hiện đầy đủ trong đời sống và văn chương của người Anh. Có người đánh giá người Anh từ vẻ bên ngoài mà quên rằng trong họ có dòng máu người Celt. Mà người ta thường có cách đánh giá vậy cũng là bởi người Anh, họ lãng mạng và giàu trí tưởng tượng một cách tự nhiên.

Điều ngốc nghếch nhất mà người ta từng nói về người Anh đến từ Napoleon, ông ta gọi chúng tôi là “đất nước của đám quân buôn.” Chúng tôi không phải như thế. Chúng là là những thương nhân kém cỏi nhất thế giới. Những thương nhân Anh thường rất tệ hại. Các quốc gia khác liên túc qua mặt và hớt tay trên của chúng tôi. Làm sao chúng tôi cứ để điều đó diễn ra, hơn 50 triệu con người trên hòn đảo đông đúc này? Không phải bởi làm việc siêng năng, vì nhiều dân tộc khác có thói quen làm việc siêng năng hơn chúng tôi rất nhiều. Thực ra, chúng tôi không thích làm việc quá vất vả. Mặt khác, chúng tôi có thể thực hiện những cố gắng phi thường khi thời thế đòi hỏi – chẳng hạn như sau vụ Dunkirk, chính những con người nơi đây đã tạo ra phép lạ về sản xuất, chính chúng tôi đã cố thủ trong những cỗ máy và chiến hào cho đến hơi thở cuối cùng. Winston Churchill, bản thân cũng là một người lãng mạn, giàu trí tưởng tượng, đã trở thành một nhà quân sự thành công vì ông biết gác lại đặc tính lãng mạn của người Anh, giấu đi trí tưởng tượng bay bổng, và đón nhận trọng trách khi những mối đe dọa đang dồn ông và dân tộc ông đến chân tường.

Không phải vẻ bình thản, thực dụng bên ngoài, nhưng chính những gì ẩn chứ bên trong, chính dòng máu Celt chảy bên trong, đã thực sự giúp chúng tôi tiến bước. Các nước khác thường có thành kiến chúng tôi như những con người thực dụng và vụ lợi. Nhưng cái chúng tôi giỏi nhất đó là những công việc đòi hỏi sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Nếu chúng tôi không phải là dân tộc có sức sáng tạo cao độ thì không thể tồn tại trên hòn đảo này, đừng nói tới việc đương đầu với những cuộc chiến khốc liệt mà chúng tôi đã dồn hết sức người sức của. Vậy nên, thời đại mới thống trị bởi những thứ như radar, máy bay, truyền hình, penicillin, tất cả đều là khám phá của người Anh. Chúng tôi là những người sử dụng năng lượng hạt nhân theo con đường hòa bình nhất, và tất nhiên vì mục tiêu ấy chúng tôi đã hy sinh rất nhiều.

5/5 - (5 votes)

BÀI LIÊN QUAN

Leave a Comment