Mindset cần có về chiến lược học tiếng Anh
Trước tiên và trên hết, cái bạn cần có là một mindset đúng đắn, một quyết tâm không gì lay chuyển nổi, và một kế hoạch bên bì, thì mới có thể để có thể đạt tới cảnh giới làm chủ tiếng Anh.
Đây là một thực tế khắc nghiệt nhưng hiển nhiên, thế giới ngày càng thu hẹp, và vì thế tiếng Anh, trong tư cách là ngôn ngữ toàn cầu, ngày càng quan trọng và là thứ không thể thiếu. Nó là ngôn ngữ của thế kỷ 21.
Ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh, và nhận ra rằng để tiến xa trong sự nghiệp học tập và làm việc, bạn đơn giản không thể bỏ qua tiếng Anh, mà phải bằng mọi cách chinh phục nó. Tiếng Anh không phải một lựa chọn, nó là một cuộc chiến phải thắng. Mindset của bạn phải như vậy thì mới có thể đi đến cùng cuộc chiến này, bất kể có ngã xuống bao nhiêu lần.
Đó là một vài lời mào đầu trước để làm rõ vấn đề quan trọng đầu tiên là mindset, là sựquyết tâm của người học. Ta hỏi nói tới vấn đề chính của bài viết này: cách xây dựng kế hoạch học tiếng Anh toàn diện.
Tiếng Anh là ngôn ngữ cả đời
Điều đó có nghĩa gì. Tức là bạn không nên tiếp cận tiếng Anh từ quan điểm ESL (English as second language), hay EFL (English as Foreign Language).
Hay nói cách khác, bạn đừng giới hạn việc học tiếng Anh trong những giờ lên lớp, các tiết học ở trung tâm, hay trong bốn bức tường của nhà trường.
Điều quan trọng là bạn phải nhận ra rằng làm chủ tiếng Anh đòi hỏi bạn phải thành thạo cả năm kỹ năng của một ngôn ngữ bất kỳ:
1 – Nghe bằng tiếng Anh
2 – Nghĩ bằng tiếng Anh
3 – Đọc bằng tiếng Anh
4 – Nói tiếng Anh
5 – Viết bằng tiếng Anh
Và bạn phải có khả năng áp dụng cả năm kỹ năng ấy trong đời sống hàng ngày.
Năm kỹ năng đó giống 5 chiếc căm nối liền vành xe với trục xe, nếu một chiếc bị yếu thì cả cái bánh xe sẽ sụp đổ khi lăn trên đường, nhất là những con đường gồ ghề.
Hãy tận dung mọi cơ hội và hoàn cảnh trong cuộc sống hàng ngày để thực hành tiếng Anh, tiến tới cảnh giới làm chủ ngôn ngữ này.
Và sau đây là những gợi ý về những việc bạn có thể làm để phát triển từng kỹ năng một
1) Đọc bằng tiếng Anh
Hãy cố gắng tìm đọc sách tiếng Anh. Tất nhiên không thể vồ vập vác về những cuốn tiểu thuyết kinh điển, những tập sách khảo cứu chuyên ngành. Bạn sẽ choáng ngợp và gục ngã ngay những trang đầu tiên. Hãy bắt đầu với những cuốn đơn giản nhất, viết cho trẻ em. Để bạn thấy rằng việc đọc sách tiếng Anh cũng không phải cái gì ghê ghớm hay không thể làm được.
Tiến thêm một bước, bạn hãy bắt đầu với những bài báo viết theo lối đơn giản phù hợp với trình độ của bạn. Chẳng hạn chương trình VOA Special English của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, cung cấp những bản tin thời sự được viết cực kỳ đơn giản và theo cấp độ của người học. Quả là một kênh tuyệt vời để không chỉ luyện đọc, mà còn luyện nghe và luyện phát âm nữa.
Đọc nhiều chính là cách duy nhất để cho ngôn ngữ thẩm thấu vào tư duy của chúng ta
Tiếp theo, bạn hãy từ từ tiếp cận với các tác phẩm văn học. Nhưng bạn sẽ chưa thể đọc ngay được những cuốn sách văn học tiếng Anh đâu, nhưng hãy đọc các bản rút gọn của chúng. Dịch thuật Lightway cực kỳ khuyên bạn nên bắt đầu với bộ sách Oxford Bookworm, được đại học Oxford biên soạn chính cho mục đích đó: luyện đọc tiếng Anh theo từng cấp độ.
Bộ sách này là tổng hợp rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng và kinh điển, được rewrite (viết lại, tóm tắt lại) theo trình độ của người học tiếng Anh. Có tới 6 cấp độ đọc tất cả, dù khả năng của bạn đang ở mức nào cũng đều có tác phẩm phù hợp cho bạn đọc. Không chỉ thế, bộ sách này còn có audio để bạn nghe người ta đọc, qua đó luyện được kỹ năng nghe và phát âm tiếng Anh. Tốc độ đọc cũng tùy theo cấp độ người học.
Bộ sách này nếu mua thì khá đắt và cũng khó mua, trên mạng có thể tải miễn phí, nhưng rất nặng và không có hệ thống. Tuy nhiên, dịch thuật Lightway đã biên tập đầy đủ bộ sách này và đăng tải miễn phí trên website này đây, bạn có thể truy cập mục luyện đọc tiếng Anh với Oxfoxd Bookworm và bắt đầu nhé.
Nhưng, vâng, lại là nhưng, bạn đừng đọc thụ động, nhưng phải tích cực tương tác, vì ở đây chúng ta đang luyện đọc mà, đâu phải đọc cho vui. Vậy nên, đối với mỗi nội dung, văn bản, câu chuyện, hay bài báo bạn đọc, chí ít hãy làm một trong những việc sau đây, mà tốt nhất là làm cả:
– Liệt kê từ vựng mới, và rất nên ghi chú cả câu văn mà nó xuất hiện để nắm được ngữ cảnh sử dụng. Tra từ điển để biết nghĩa tham chiếu của nó. Và nếu siêng năng hơn, hãy cố gắng dịch câu văn có xuất hiện từ mới đó ra tiếng Việt.
– Tóm tắt ý chính. Bạn hãy thử viết ra những key ideas, ý tưởng chính của câu chuyện bạn đọc xem sao. Có thể ban đầu bạn sẽ thấy khó, nhưng hãy thử cách này: ở mức khái quát nhất, hãy cho biết câu chuyện đó nói về cái gì. Hãy thử liệt kê những nhân vật xuất hiện trong câu chuyện hoặc bài báo: họ tên gì, họ đã làm gì, và điều gì xảy ra với họ. Mối quan hệ giữa các nhân vật là gì?
Tiếp theo, nếu bạn đủ kiên nhẫn, hãy thử điểm lại những diễn biến chính của câu chuyện hoặc nội dung văn bản. Và nói chung là, vì có rất nhiều dạng văn bản, nên bạn hãy chủ động đề ra phương pháp và quy tắc cho mình đối với những gì bạn đọc. Hãy sáng tạo ra các phương pháp học, chẳng hạn như dùng flashcard để ghi chú từ vựng mới và có thể xem lại; dùng một cuốn sổ để theo dõi quá trình đọc hàng ngày của mình v.v.
Đọc chủ động, tức là tương tác với nội dung bạn đọc, là cách để học tiếng Anh hiệu quả
2. Nghe tiếng Anh
Tiếp theo ta hãy nói tới việc luyện nghe tiếng Anh. Nghe và đọc có mối liên hệ mật thiết. Như vừa trình bày bên trên, các trang web luyện đọc tiếng Anh như VOA Speacial English cũng đều có audio cho mỗi bài đọc, hay bộ Oxford Bookworm cũng có audio cho mỗi câu chuyện, nên luyện đọc cũng tức là đã kết hợp luyện nghe. Tuy nhiên, khi luyện đọc thì ta chú trọng tới đọc thôi, nghe chỉ là phụ. Còn bây giờ, chiến lược luyện nghe tập trung vào việc nghe thôi thì ta có thể làm gì? Sau đây là một vài gợi ý:
– Trước tiên cũng hãy bắt đầu với những gì đơn giản và dễ nhất. Những bộ phim hoạt hình ngắn, thoại ít, hãy xem chúng mà không cần bật phụ đề. Chú ý tới lời thoại, dùng bút và sổ note lại những từ quan trọng bạn nghe được.
– Tương tự như thế, hãy tiếp cận các bản tin được đọc rất chậm trên VOA Speacial English, hay bất kỳ một kênh nào đó bạn tìm được, và cũng làm theo cách tương tự. Trên Youtube, podcast, hay các trang web, có rất nhiều chương trình luyện nghe từ dễ đến khó. Và có rất nhiều giáo trình mà bạn có thể tải về để rèn luyện. Điểm quan trọng là bạn cần kiên trì, và chọn một phương pháp học nhất quán, một giáo trình chính yếu để theo đuổi.
Nhớ rằng, đừng ôm đồm và lan man, nay nghe chỗ này, mai nghe chỗ kia. Bạn sẽ sớm lạc lõng và thấy mình không có tiến bộ gì hết.
Nhiều bạn áp dụng phương pháp gọi là ‘nghe thụ động’, tức là cứ bật lên cho người ta nói mà không quan tâm họ nói cái gì, với niềm tin rằng làm như vậy tiếng Anh sẽ thẩm thấu vào đầu. Nhưng đó là cách nghĩ sai lầm. Bạn phải nghe chủ động, phải cố gắng hiểu những gì bạn nghe, càng về sau khi năng lực của bạn tăng lên thì bạn mới đủ sức ‘nghe thụ động’.
3 – Nói tiếng Anh
Nói là kỹ năng khó luyện nhất, vì lý do đơn giản là chúng ta không có nhiều cơ hội để nói tiếng Anh, không có môi trường, không có “đối tác” để thực hành. Trong khi đó nói lại đòi hỏi phải có “bạn diễn” và phải thực hành thường xuyên, mỗi ngày, thì mới có cơ may thành thạo được, ít nhất là ở mức có thể diễn đạt suy nghĩ của mình một cách lưu loát và chính xác.
Nhưng trước tiên, để có thể nói tốt, bạn cần phải luyện phát âm tiếng Anh cho chuẩn. Và đây là một quá trình vất vả đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn. Nhưng một khi bạn đã làm chủ được việc phát âm thì việc nói tiếng Anh sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Nhưng phải luyện phát âm tiếng Anh thế nào cho đạt kết quả? Câu trả lời là hãy luyện theo người bản xứ, họ chỉ sao thì cứ bắt chước làm y như vậy. Và quan trọng là chọn một giáo trình uy tín, khoa học, và toàn diện.
Giáo trình luyện phát âm Well Said là một đề xuất cho bạn. Giáo trình này đi tập trung cải thiện khả năng phát âm của người học, từ những đơn vị nhỏ nhất như là vần và âm của từ tiếng Anh, trọng âm tiếng Anh, cho đến những đơn vị lớn hơn là đọc một câu, một đoạn v.v. Nói chung nó là giáo trình hay.
Giáo trình này đã được Lightway biên tập, Việt hóa và chia sẻ miễn phí trên website này, bạn có thể sử dụng để luyện phát âm nhé.
4- Nghĩ bằng tiếng Anh
Đây có thể coi là cảnh giới cao nhất khi ta học một ngôn ngữ nào đó. Ai đó có thể rất giỏi tiếng Anh, nói liến thoắng, viết ào ào, nhưng thật ra khi tư duy ta vẫn nghĩ bằng tiếng Việt, sau đó mới chuyển ý nghĩ đó sang tiếng Anh. Hay nói cách khác, quá trình “dịch thuật tiếng Anh” đã xảy ra trong đầu chúng ta trước khi nó biến thành lời nói trên miệng hay câu văn trên giấy.
Hãy tập nghĩ bằng tiếng Anh. Từ những từ vựng đơn giản để chỉ sự vật sự việc, rồi kết nối chúng thành câu để mô tả sự vật sự việc. Tiến xa hơn, bạn hãy vận dụng tiếng Anh để suy nghĩ về những thứ trừu tượng hơn.
Nhưng để có đủ từ vựng và cấu trúc câu để nghĩ, thì tất nhiên bạn phải đọc nhiều, phải viết nhiều, phải nghe nhiều. Tới đây ta lại thấy các kỹ năng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tiến cùng tiến, lùi cùng lùi.
5 – Viết bằng tiếng Anh
Cuối cùng, viết văn không dễ. Chưa nói tới tiếng Anh, ngay cả viết văn tiếng Việt, là thứ tiếng mẹ đẻ, dễ gì đã mấy ai làm tốt.
Viết lách nói chung, bất kể ngôn ngữ nào, phải tuân theo rất nhiều quy tắc: về hành văn, chấm câu, dùng từ, sắp xếp ý tưởng, cách lý luận, bố cục v.v. Tất cả những thứ đó khi chúng ta học môn tiếng Việt đều đã được học.
Tiếng Anh cũng y vậy mà thôi, có chăng chỉ là những khác biệt nhỏ, và thay vì dùng tiếng Việt thì ta dùng tiếng Anh.
Văn Phạm tiếng Anh có vai trò rất quan trọng khi viết, nó chính là nền tảng bài viết của bạn. Khi bạn nói, nếu sai một vài từ hay dùng không đúng cấu trúc câu, thì của câu thì người nghe vẫn hiểu bạn nói gì, vì mục đích chính của nói là giao tiếp và cho đối phương biết ý của mình. Nhưng viết là một câu chuyện khác, mọi lỗi lầm của bạn về văn phạm, chính tả, dùng từ v.v. đều hiển hiện rõ ràng trên giấy. Và bạn viết tốt bao nhiêu, chứng tỏ tư duy và năng lực tiếng Anh của bạn tốt bấy nhiêu.
Một vài lời cuối
Không có đường tắt trong việc học bất kỳ ngôn ngữ nào, tiếng Anh cũng không ngoại lệ. Bạn có thể học một vài mẹo, tập trung ôn một vài mảng kiến thức và đạt được số điểm mong muốn trong một kỳ thi nào đó. Nhưng nếu bạn học tiếng Anh để có thể sử dụng thì hãy bỏ qua tư duy học để thi lấy điểm đi, và bắt tay ngay vào “sử dụng” nó dưới mọi hình thức.
Lập chiến lược học tiếng Anh toàn diện đã khó, duy trì và theo đuổi nó lại càng khó hơn. Và trong quá trình tự học ấy, bạn cũng cần phải thường xuyên điều chỉnh để nó phù hợp với mình, sao cho lộ trình học tiếng Anh của bạn đi đúng hướng và đi tới phí trước chứ không phải đi lòng vòng.
Chúc bạn thành công! Và nếu có thắc mắc gì muốn chia sẻ, comment nhé.