Giới thiệu về trường ca Odyssey
Cùng với Iliad, trường ca Odyssey là một trong hai thiên sử thi của Hy Lạp cổ đại được viết dưới ngòi bút của thi hào Homer. Tuy có đúng là ông viết hay không thì không rõ, nhưng chắc chắn Homer là linh hồn của hai bộ trường ca này.
Chúng ta cần lưu ý rằng vào thời cổ đại hầu như tất cả các tác phẩm văn chương lớn đều sáng tác dưới dạng thơ, trường ca, để dễ dàng học thuộc và truyền miệng. Văn học cổ đại tức là thơ. Tương tự như ở Ấn Độ có bộ trường thi Mahabrahata.
Nhiều người cho rằng Odyssey và Iliad đã được truyền miệng lâu đời trong dân gian trước khi Homer tập hợp và nhuận sắc lại thành tác phẩm chỉn chu và chính quy, nhưng dù thế nào thì dưới bàn tay Homer, hai thiên sử thi này đã sống mãi với thời gian, đi từ văn học truyền miệng vào văn học viết, và đến nay vẫn còn được thời hiện đại đọc.
Nội dung chính của Odyssey kể về người anh hùng Odysseus, vua xứ Ithaca, và hành trình trở về nhà của chàng sau khi kết thúc cuộc chiến thành Troy. Cuộc chiến kéo dài 10 năm, và Odysseus phải tha hương thêm 10 năm nữa, đối mặt với những hiểm nguy trên đường về, các đồng bạn của chàng bị thiết mạng, và nhiều gian nan khác. Trong khi đó thì vợ chàng là nàng Penelope xinh đẹp, cùng con trai Telemachus, ở quê nhà thì thường xuyên bị các nước lân bang tới quấy nhiễu. Họ tranh nhau cầu hôn Penelope, một phần để chiếm đoạt nàng, và một phần để chiếm xứ Ithaca.
Dịch thuật Lightway giới thiệu với các bạn trường ca Odyssey bản dịch tiếng Việt, do Kim Lưu thực hiện, dựa theo các bản dịch tiếng Anh.
Đọc thêm về văn học:
Đại văn hào Leo Tolstoy, nhân tài nhiều nỗi truân chuyên
Mark Twain và Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer
Quyển I – Trường ca Odyssey
Chư thần trong hội đồng – cuộc viếng thăm của Miverva đến Ithaca – thử thách của Telemachus với các bên nguyên
Kể tôi nghe, hỡi Thi tiên, về con người đa mưu túc trí, đã phiêu bạt góc bể chân trời, sau khi hạ bệ thành Troy thần thánh. Biết bao thành bang chàng đã ghé thăm, và thấu hiểu nếp ăn nếp ở. Biết bao khổ ai chốn biển khơi chàng đã vượt qua, khi cùng đồng bạn tìm lối về nhà. Nhưng dù cố công chàng đã không cứu được họ, vì họ ngu dốt, dám cả gan ăn thịt thú nuôi của Thái dương thần Helios, nên thần chặn lối họ hồi hương. Hãy kể chúng tôi nghe những chuyện ấy, bắt đầu từ nơi đâu người muốn, hỡi Thi tiên, con gái thần Zeus.
Bấy giờ, mọi kẻ thoát kiếp diệt vong đã yên ổn về nhà, rời xa chiến tranh và biển cả. Chỉ riêng chàng, vò võ nỗi nhớ quê hương và hiền thê, bị nữ Sơn thần Calypso giữ chân trong hang sâu hòng ép làm phu quân. Cả đến khi theo thời gian xoay vần chư thần quyết định cho chàng trở về Ithaca cũng không cất được nỗi hiểm nguy, dù giữa vòng bè bạn. Vì chư thần xót thương chàng, ngoại trừ Hải thần Poseidon, người không nguôi cơn giận tàn khốc đối với Ô-đi-sê cho tới khi chàng về tới quê nhà.
Nhưng lúc ấy Poseidon đang ngự giá nơi những người Ethiopia ở tận cùng thế giới, và là một dân bị chia cắt, một nửa sống về nơi Thái dương thần Hyperion gác núi, và một nửa ở nơi ngài đi lên, để thụ lễ tế chiên bò, và ngài lưu lại đó thưởng yến: trong khi hết thảy chư thần đã hội họp nơi đại sảnh Olympia của thần Zeus. Cha của cõi trời và cõi người phát biểu trước hết, vì ngài ưu tư về Aegisthus vô tội, đã bị Orestes tiếng tăm lừng lẫy, con trai của Agememnon, giết chết. Và khi nghĩ về kẻ đó ngài nói với chư thần:
“Giỏi thay cho loài người dám đổ lỗi cho thần thánh, nói rằng rắc rối của chúng từ chúng ta mà ra, dù chúng, với sự ngu dại của mình, đã tự tìm lấy khổ ải nằm ngoài số phận. Như Aegisthus đã dám chống lại định mệnh mà chiếm đoạt vợ của Agamemnon, con trai Atreus, và giết hắn khi hắn trở về, dù biết rõ hậu họa về sau, dù chúng ta đã sớm đã gửi Hermes, đao phủ của Argus, cảnh báo hắn không được giết người, hay ve vãn vợ người, vì Oreste sẽ báo thù cho Agamemnon một khi kẻ ấy trưởng thành và khao khát chiếm lại thành quốc. Vậy Hermes đã cảnh báo hắn, nhưng ý tốt ấy không lay động được lòng dạ Aegisthus: và Aegisthus đã phải trả giá đắt.”
Atena, nữ thần trí tuệ, đáp ngay rằng: “Thưa Thân phụ chư thần, Con trai của Cronos, Quân vương Tối cao, con người thật đáng phải diệt vong: hãy cho tuyệt diệt hết những kẻ dám làm như hắn đã làm. Nhưng tim con xót thương đến Ô-đi-sê, kẻ trí tuệ nhưng rủi vận, phải chịu ngăn cách với bè bạn trên một hòn đảo xa xôi ngoài đại dương. Đảo ấy chỉ có rừng rậm và một nữ thần sinh sống, là con của Thổ thần Atlas nham hiểm, kẻ thấu rõ đại dương sâu thẳm và gánh lấy cột chống trời ngăn cách trời và đất. Chính con gái thần ấy đã kìm giữ chàng trai xấu số và đau khổ: nàng ta thường dụ dỗ chàng bằng những lời đường mật, hòng khiến chàng quên đi Ithaca. Nhưng Ô-đi-sê, hằng khao khát nhìn thấy khói chiều quê hương, chỉ một lòng thà chết. Thế mà, hỡi đỉnh Olimpia, tâm can ngài lại không chút xao động. Chàng ta đã chẳng dâng hi lễ cho ngài ư, là những con tàu Argive, trên những đồng bằng bát ngát xứ Troy? Tại sao ngài lại phó mặc chàng ta trong đau khổ, hỡi Zues.
Zeus, đấng gom các tầng mây, đáp lời nữ thần rằng: “Con ta, những lời môi miệng con thốt ra ấy là gì? Ta nào quên Odysseus, kẻ vượt mọi phàm nhân về trí tuệ, và về cả đức hy sinh cho chư thần bất tử, những đấng ngự trên các tầng trời cao rộng? Chính Poseidon, Đấng Gánh Vác Mặt Đất, mới là người chất chứa thù hận với chàng ta, cũng vì Polyphemus, tên không lồ mạnh bạo nhất đã bị Odysseus chọc mù. Mà thần rừng Thoose lại là người sinh ra hắn, con gái của Phorcys, kẻ trị vì đại dương hoang vắng: nàng ta đã ăn nằm với Poseidon trong những cái hang. Vì tên mù đó mà Poseidon, Đấng Lay Chuyển Mặt Đất, tuy không giết Odysseus, nhưng giữ chân chàng ta không cho hồi hương. Nào, chúng ta hãy bàn cách đưa chàng ta về nhà, khi Poseidon nguôi giận, vì thần ấy cũng không thể một mình đối địch với hết thảy chư thần được.”
Athene, nữ thần trí tuệ, đáp lời: “Thưa thân phụ, Con trai Cronos, Quân Vương Tối Cao, nếu quả thật chư thần vui lòng với việc Odysseus khôn ngoan được hồi hương, thì chúng ta hãy sai Hermes, Thần Báo Tin, Kẻ đã hạ sát Argus, đến đảo Ogygia, báo cho Nữ thần rừng có mái đầu xinh đẹp về quyết định không thể thay đổi của chúng ta, rằng Odysseus, kẻ đã chịu dày vò bấy lâu, nên được về nhà. Còn con sẽ đến Ithaca để báo tin cho con chàng, và thúc giục cậu ấy tụ họp những người tóc dài đất Hy Lạp, và nói rõ ý của của cậu với những Kẻ cầu hôn đã tàn sát đàn cừu của câu, và bầy gia súc của cậu bằng những chiếc sừng uốn cong. Sau đó con sẽ đưa cậu ấy đến Sparta và xứ Pylos để báo tin người cha chung thủy của cậu trở về, và nếu có thể, cậu sẽ giành được sự tán dương.”
Nói thế rồi nữ thần dời gót ngọc trong đôi sandal tuyệt mỹ làm bằng vàng ròng có thể nâng đôi chân nàng đi trên sóng biển, vượt ngàn dặm đất, nhanh tựa một cơn gió. Nàng mang theo ngọn trường thương, cứng cáp và uy mãnh, mũi thương làm bằng đồng vuốt ngọn, với vũ khí này nữ thần sẽ tru diệt hết thảy người phàm và anh hùng, nếu chẳng may nàng nổi cơn thịnh nộ. Rồi từ trên đỉnh Olympus, nàng bay tới Ithaca, đứng trước cửa nhà Odyseeus, ngay bậc thềm dẫn vào sân. Nữ thần xuất hiện như một vị khách trong hình hài Mentes, tù trưởng tộc người Taphian, ngọn giáo sáng loáng nằm trong tay. Ở đó nàng bắt gặp những Kẻ cầu hôn xấc xược, ngồi lỳ trước cửa, trên những bộ da thuộc của những con thú họ đã giết và xả thịt, mở trại ngay trước cửa ngôi nhà: những tên lính hầu và chạy việc bận rộn pha rượu cho chủ nhân trong những chiếc tô, số khác thì lau dọn bàn rồi bày lên trên đó, số khác nữa thì đang chuẩn bị đồ ăn thức uống thịnh soạn.
Telemachus là người đầu tiên nhìn thấy nữ thần xuất hiện. Chàng đang ngồi bồn chồn trong số các kẻ đến cầu hôn, tưởng tượng rằng người cha cao quý của chàng sẽ bất thần trở về, đuổi cổ hết lũ cầu hôn này ra khỏi nhà, nếu ông có trở về thành công và được vinh dự như những ngày tháng đã qua. Đang lúc ủ dột như vậy, nhìn thấy Athene, chàng chạy ngay tới bậc cửa, cảm thấy xấu hổ vì để một người lạ phải chờ lâu như vậy. Tới trước nữ thần, chàng nắm tay nàng, đón lấy ngọn giáo đồng, và nhã nhặn nói: “Xin chào người khách lạ, nơi đây ngài sẽ nhận được lòng hiếu khách, và sau dùng bữa thì xin ngài vui lòng cho biết lý do tới đây.”
Nói đoạn chàng dẫn đường, và nữ thần Athene trong hình hài Pallas đi theo. Khi đã vào bên trong tường bao, chàng đón lấy ngọn giáo và gác nó lên một cái kệ, nơi đó đã có sẵn những cây giáo khác của Odysseus.
Đang cập nhật…