Ngày 1 tháng Hai, 1861, bảy bang miền nam đã rút ra khỏi Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Họ tự tạo một đất nước độc lập, gọi là Liên Bang Mỹ. Miền Nam ly khai là vì một đảng viên Cộng hòa, ông Abraham Lincoln, đã được bầu làm tổng thống. Những người miền nam tin rằng Lincoln sẽ ủng hộ lệnh cấm của quốc hội đối với chế độ nô lệ. Họ sợ đường sống của họ sẽ bị cắt đứt.
Chào mừng các bạn đến với chuyên mục Lịch sử Mỹ của nhóm dịch thuật Lightway. Như chúng ta đều biết, học bất kỳ ngôn ngữ nào thì cũng phải hiểu biết về văn hóa lịch sử của dân tộc nói ngôn ngữ ấy. Vậy nên Dịch thuật Lightway mở chuyên mục này để cung cấp cho các bạn những bài viết về lịch sử Mỹ, ngắn gọn và lôi cuốn, giúp các bạn biết rõ hơn về đất nước này.
Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ nói về nhiệm kỳ tổng thống của Abraham Lincoln, một trong những tổng thống nổi tiếng nhất của nước Mỹ, người đã đặt dấu chấm hết cho chế độ nô lệ tại quốc gia tự do này.
Tổng thống Abraham Lincoln đắc cử
Tổng thống tân cử Lincoln đi tàu từ nhà tại bang Illinois đến Washington D.C để nhận nhiệm sở. Trên đường đi, ông dừng lại một số địa phương để phát biểu. Càng đến gần Washington, ông càng nhận được cảnh báo rằng có một toán người đang lên kế hoạch tấn công chuyến tàu. Vậy nên ông phải tiếp tục hành trình của mình trong bí mật.
Lincoln đến Washington trước khi nhậm chức 9 ngày. Đó là một khoảng thời gian bận rộn. Ông nói chuyện với nhiều người, có cả các đại biểu, về một hội nghị hòa bình. Tất cả mọi bang đều hiện diện tại hội nghị, trừ những bang đã ly khai. Các đại biểu thúc giục Lincoln hãy ủng hộ chế độ nô lệ. Họ không muốn xảy ra chiến tranh về vấn đề này.
Lincoln chỉ nói rằng ông sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm của Tổng thống Mỹ. Ông nói rằng ông sẽ bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Lựa chọn nội các
Trong khi đợi đến ngày nhậm chức, Lincoln chọn nội các cho mình. Ông muốn các thành viên nội các đến từ tất cả các phe phái đối lập trong đảng Cộng Hòa. Ông hy vọng sẽ đoàn kết đảng này lại, và ủng hộ ông trong những năm tháng khó khăn trước mắt.
Lincoln chọn William Seward làm Thư ký chính phủ. Salmon Chase làm Chưởng quỹ kho bạc. Gideon Welles làm Thư ký hải quân. Và Montgomery Blair làm Giám đốc bưu điện.
Seward không thích Chase, Welles, hay Blair. Ông nói với Lincoln rằng ông không muốn phục vụ trong nội các với những người đó. Với ông thì họ không bao giờ có thể làm việc chung. Lincoln trả lời rằng nếu không chịu chức vụ ấy thì Seward sẽ được gửi đến Anh làm đại sứ. Nghe vậy Seward nhượng bộ, đành tham gia nội các chứ không muốn đi Anh.
Ngày nhậm chức là ngày 4 tháng Ba. Tổng thống tân cử Lincoln đến buổi lễ cùng với tổng thống sắp mãn nhiệm James Buchanan. Buchanan đã sẵn sàng trao lại quyền lực. Ông nói với Lincoln: Nếu ông tựu nhiệm mà cũng vui sướng như tôi mãn nhiệm, thì ông hẳn phải là người hạnh phúc nhất còn sống.
Nghi lễ nhậm chức diễn ra ngoài điện Capitol. Lincoln sẽ đọc diễn văn trước khi tuyên thệ.
Diễn văn nhậm chức của Abraham Lincoln
Ông đã dành rất nhiều tâm sức cho bài diễn văn này. Ông muốn nó sẽ diễn tả rành mạch chính sách của ông đối với vấn đề nô lệ và ly khai. Đó là những vấn đề đang chia rẽ đất nước, và đẩy nước Mỹ vào nguy cơ nội chiến.
Và sau đây là những gì Lincoln đã nói:
Dường như dân chúng những bang miền nam đang có chút sợ hãi, vì một người Cộng Hòa lên nắm quyền, tài sản, sự bình yên, và an sinh của họ bị đe dọa. Sợ như vậy là rất vô lý. Bằng chứng chỉ ra điều ngược lại, và hiển hiện trước mắt họ, có thể nhận thấy trong tất cả các bài phát biểu gần đây của tôi.
Một trong số đó, tôi nói rằng tôi không có mục đích – dù trực tiếp hay gián tiếp – can thiệp vào vấn đề nô lệ tại các bang mà chế độ ấy tồn tại. Tôi nói rằng tôi tin mình không có quyền làm vậy, và cũng không muốn làm vậy.
Phát biểu ấy của tôi hiện vẫn là sự thật. Tôi chỉ nói rằng không có bất kỳ nơi nào trên đất nước này mà tài sản, sự bình yên, và an sinh bị đe dọa theo bất cứ cách nào bởi chính quyền sắp tới.
Lincoln lưu ý rằng đã 72 năm trôi qua kể từ khi tổng thống đầu tiên nhậm chức. Và kể từ khi ấy, ông nói, 15 người đàn ông đã lãnh đạo đất nước này vượt qua nhiều hiểm nguy, và nhìn chung là thành công. Ông tiếp tục:
Giờ đây tôi bắt đầu công việc của họ dưới sự khó khăn khôn cùng. Sự chia rẽ khối đại đoàn kết trước đây vốn chỉ là hiểm họa, giờ đang diễn ra. Tôi tin rằng theo luật phổ quát và Hiến pháp, khối Liên Minh của tất cả các bang là vĩnh cửu. Điều ấy được thể hiện trong lịch sự của chính khối đại đoàn kết đất nước chúng ta.
Khối Liên Minh này còn lâu bền hơn cả Hiến pháp. Trên thực tế nó đã được hình thành từ Hiệp Ước Tương Hỗ năm 1774, nối tiếp bằng Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776, và tiếp tục phát triển thành Hiệp Ước Liên Bang năm 1778. Và cuối cùng, năm 1787, một trong những lý do đã được tuyên bố cho việc hình thành Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đó là tạo ra một ” khối Liên Minh hoàn hảo hơn.”
Vì thế tôi tin rằng, trong tầm nhìn của Hiến pháp và luật pháp, khối Liên Minh này không thể phá vỡ. Tôi chắc chắn, như chính Hiến pháp đã ra lệnh cho tôi phải chắc chắn, rằng luật pháp của khối Đại Đoàn Kết phải được tất cả mọi bang tuân thủ. Và để tuân thủ thì không cần phải đổ máu hay xung đột vũ trang. Và sẽ không xảy ra những điều ấy, trừ khi chính quyền quốc gia buộc phải làm thế.
Quyền lực được trao cho tôi sẽ được sử dụng để nắm giữ, chiếm hữu, và sở hữu tài sản và đất đai thuộc về chính quyền, và thu thuế. Còn những gì không cần thiết cho mục đích ấy thì sẽ không bị xâm phạm, không lạm quyền chống lại hoặc gây hỗn loạn trong dân chúng bất kỳ đâu.
Lincoln sau đó lặp lại một số phát biểu mà ông đã đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử. Ông dùng chúng để giải thích những khác biệt nam bắc.
Tìm hiểu Lịch sử Mỹ:
Mỹ tuyên chiến với Tây Ban Nha và cuộc chiến tranh 1898
Chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỷ 19
Tổng thống James Madison, một học giả
Cố gắng cứu vãn hòa bình
Một phần đất nước, ông nói, tin rằng chế độ nô lệ là chính đáng và nên tiếp tục. Phần khác tin rằng nó sai trái và không nên tiếp tục. Đây là tranh cãi quan trọng duy nhất.
Lincoln công nhận rằng dù tranh cãi có thể giải quyết ôn hòa, nhưng có những kẻ muốn nhìn thấy khối Liên Minh tan vỡ. Ông nói rằng những gì ông nói không dành cho họ, nhưng là dành cho tất cả những ai thực sự yêu mến khối đại đoàn kết này. Ông nói:
Nói một cách rõ ràng thì chúng ta không thể chia rẽ. Chúng ta không thể tách rời các bộ phận ra khỏi nhau, cũng không thể xây dựng một bức tượng ngăn cách giữa chúng. Vợ chồng có thể ly hôn và tránh mặt nhau. Nhưng những vùng miền của đất nước này không thể làm vậy. Tất cả sẽ phải mặt đối mặt. Và những mối quan hệ – dù thân tình hay thù địch – vẫn sẽ tiếp tục giữa các vùng miền.
Chia rẽ rồi thì những mối quan hệ ấy có tốt hơn không? Những người xa lạ ký hiệp ước với nhau liệu có dễ chịu hơn những người bạn cùng nhau xây dựng luật pháp không?
Hỡi quốc dân – từng người và tất cả các bạn – hãy cẩn suy về điều ấy. Suy nghĩ thấu đáo không làm suy suyển điều gì quý giá của các bạn đâu.
Hỡi những đồng bào bất mãn, vấn đề nội chiến nằm trong tay các bạn, không phải trong tay tôi. Chính quyền không tấn công các bạn. Trừ khi tự biến mình thành những kẻ hung hăng, không thì không thể có xung đột.
Chúng ta không phải kẻ thù, nhưng là bằng hữu. Chúng ta không được là kẻ thù. Tuy cảm xúc có thể phá hủy tình yêu, nhưng không thể bẻ gẫy sợi dây liên kết của tình yêu.
Sau đó Abraham Lincoln đặt tay ông lên cuốn Kinh Thánh. Thẩm Phán Tối Cao của Hoa Kỳ đọc lời tuyên thệ tổng thống. Lincoln lặp lại từng từ. Và nước Mỹ có tổng thống mới.
Cuộc khủng hoảng đầu tiên nhanh chóng ập đến với Lincoln. Đó là vấn đề chưa được giải quyết của tổng thống tiền nhiệm.
Lincoln phải quyết định ngay phải làm gì với vị trí phòng thủ liên bang tại cảng Charleston, Nam Carolina: Pháo đài Sumter. Pháo đài này đang bị một đội pháo binh quân miền nam bao vây. Thuyền chiến miền nam canh gác bến cảng. Binh lính liên bang bên trong Pháo đài Sumter đang lâm tình cảnh hiểm nghèo khi lương thực dần cạn kiệt. Trong khi đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm gửi tiếp tế hay binh lính tới đó đều sẽ là hành động tuyên chiến.
Tình hình ở Sumter sẽ diễn biến thế nào? Mời bạn đọc bài tiếp theo: Pháo đài Sumter và nguy cơ Nội chiến Hoa Kỳ