Thế kỷ 19 đánh dấu sự bành trướng của Mỹ về lĩnh vực thương mại và chính trị. Chính sách đối ngoại của Mỹ nửa cuối thế kỷ thứ 19 là hướng tới nâng cao vị trí của đất nước trên chính trường quốc tế. Thế kỷ này cũng đánh dấu việc sát nhập đảo Hawaii vào lãnh thổ Mỹ.
Đây là chuyên mục Lịch sử Mỹ của nhóm dịch thuật Lightway. Chuyên mục cung cấp miễn phí các bài viết độc quyền về lịch sử nước Mỹ theo hướng dễ đọc với mọi người.
Trong suốt nửa sau của thế kỷ 19 thì nước Mỹ không quan tâm nhiều tới chuyện của các nước khác. Chuyện trong nước đã đủ rối bời rồi. Khi đó, nước Mỹ đang hồi phục sau cuộc nội chiến, và mở rộng về phía tây. Đồng thời Mỹ cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp.
Khi nền sản xuất gia tăng, nước Mỹ bắt đầu buôn bán nhiều hơn với các nước khác. Và khi đó nó cần phải có một chính sách ngoại giao để bảo vệ quyền lợi của mình.
Đó chính là bối cảnh cho sự hình thành chính sách ngoại giao của Mỹ cuối thế kỷ thứ 18 đầu thế kỷ 19 mà bài viết này sẽ tìm hiểu.
Mỹ thúc đẩy bành trướng kinh tế
Nhiều nhà lập pháp lên tiếng yêu cầu cần phải có chính sách ngoại giao mới cho bối cảnh mới. Trong số đó có Henry Cabot Lodge ở Massachusetts. Lodge nói rằng các nước lớn trên thế giới đang nắm quyền kiểm soát các khu vực kém phát triển hơn. Và là một trong những nước lớn, Lodge nói, Mỹ cũng không nên đứng ngoài cuộc tranh giành này.
Một nhà lập pháp khác nói: “Định mệnh đã viết lên chính sách của chúng ta. Nền thương mại toàn cầu phải và rồi sẽ là của chúng ta.” Một số ý tưởng này đến từ các văn bản của thuyền trưởng Alfred Mahan. Ông ấy là thủ trưởng trường đại học Hải Chiến Mỹ.
Mahan viết rằng tất cả những nước lớn trong lịch sử đều nắm giữ sức mạnh trên biển. Theo ông thì nước Mỹ phải thiết lập quyền lực trên đại dương, nếu muốn trở thành nước lớn.
Sức mạnh trên biển, Mahan nói, không chỉ là hải quân. Nhưng nó còn là kinh tế, phải sản xuất được hàng hóa để xuất khẩu. Các tàu buôn có thể chuyên chở hàng hóa. Các thuộc địa có thể cung cấp nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ. Và các căn cứ hải quân sẽ bảo vệ quyền lợi của Mỹ trên khắp địa cầu.
Tờ Washington Post mô tả sức mạnh đang tăng trưởng của Mỹ như thế này:
“Dường như chúng ta đang có một cách hiểu mới, một cách hiểu về sức mạnh của chúng ta. Và với cách hiểu này là một niềm cảm hứng mới – chúng ta muốn phô trương sức mạnh. Chúng ta đang mặt đối mặt với một định mệnh lạ lùng. Hương vị đế quốc đã đọng trên môi của người dân Mỹ.”
Tất nhiên tờ Washington không phải nói tất cả mọi người. Trên thực tế thì nhiều tổng thống Mỹ cuối thế kỷ 18 đã không được nếm hương vị đế quốc ấy. Nhưng họ đã buộc phải đối mặt tương lai. Những thay đổi đang xảy ra. Và trách nhiệm của họ là phải hướng dẫn đất nước vượt qua những thay đổi ấy.
Vì lý do này nên nước Mỹ đã ký nhiều thỏa ước với các nước khác vào cuối thế kỷ 18.
Chẳng hạn như năm 1878, nước Mỹ ký một hiệp ước với Samoa. Theo đó thì Mỹ đồng ý giúp đảo quốc Nam Thái Bình Dương này xử lý mọi xung đột với các quốc gia khác. Một vài năm sau, hiệp ước đã gặp thử thách.
Một nhóm người Đức sống tại Samoa đã buộc đảo chủ của Samoa thoái vị. Họ thay ông ta bằng một người khác thiện chí hơn với Đức.
Những tưởng Mỹ và Đức sẽ tiến tới chiến tranh. Nhưng khi tàu chiến của Mỹ đến Samoa thì gặp phải bão lớn. Cơn bão đánh phá tan tành hải đội của cả Mỹ lẫn Đức. Không bên nào còn đủ sức chiến đấu.
Năm 1889, Mỹ, Đức, và Anh đồng ý rằng Samoa sẽ là một vương quốc độc lập. Trong vòng 10 năm, các nhà lãnh đạo địa phương cố gắng thiết lập một chính quyền mạnh mẽ. Nhưng nỗ lực của họ thất bại. Năm 1899, Đức chiếm quyền kiểm soát các hòn đảo lớn phía tây của Samoa. Mỹ nắm giữ các hòn đảo nhỏ hơn về phía đông.
Đọc thêm về lịch sử Mỹ:
Nước Mỹ mở rộng lãnh thổ về phía tây
Sự ra đời của Hiến pháp Hoa Kỳ
Tổng thống James Monroe, một con người dễ mến
Mỹ sát nhập đảo Hawaii
Các sự kiện xảy ra tại một nhóm các đảo thuộc Thái Bình Dương khác đã tác động đến chính sách ngoại giao của Mỹ cuối thế kỷ 19. Giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa Hawaii và Mỹ là cần thiết để mở thông lối đi cho các tàu của Mỹ.
Năm 1891, Liliuokalani trở thành nữ hoàng của Hawaii. Bà không thân thiện lắm với Mỹ. Một nhóm các doanh nhân và chủ đồn điền Mỹ tại Hawaii âm mưu lật đổ bà.
Nhóm này thực hiện một cuộc nổi dậy. Sau đó họ kêu gọi nước Mỹ bảo vệ. Nữ hoàng Liliuokalani buộc phải đầu hàng. Các doanh nhân và chủ đồn điền hình thành một chính quyền mới. Họ muốn Hawaii trở thành một phần của Mỹ. Đến cuối thế kỷ, Quốc hội quyết định Hawaii là lãnh thổ của Mỹ.
Mỹ cũng đề nghị giữ vai trò trung gian cho nhiều vụ tranh cãi quốc tế trong suốt cuối thế kỷ 19. Một tranh cãi trong số đó liên quan đến Anh và Venezuela.
Cả hai nước này đều khẳng định chủ quyền đối với vùng đất tiếp giáp với Guiana, thuộc địa của Anh, nằm ở biển phía đông bắc nam Mỹ. Tình hình trở nên căng thẳng khi người ta phát hiện ra vàng ở vùng đất tranh chấp. Mỹ đề nghị thương lượng một thỏa thuận. Anh từ chối đề nghị. Mỹ lại đề nghị tiếp. Anh lại từ chối.
Cuối cùng, tổng thống Grover Cleveland yêu cầu Quốc hội Mỹ chỉ định một ủy ban quyết định vấn đề biên giới. Trước khi ủy ban của Mỹ có cơ hội nhóm họp thì Anh và Venezuela đã chấp thuận cho một ủy ban quốc tế khác quyết định.
Căng thẳng với Tây Ban Nha tại Cuba
Năm 1895, các phiến quân nổi dậy tại Cuba chống lại chính quyền thực dân. Họ định phá hủy nền kinh tế của hòn đảo bằng cách đốt hết các thứ tài sản.
Tây Ban Nha điều một lực lượng lớn tới dẹp loạn. Hàng ngàn người bị bắt và tống vào các trại giam. Nhiều người chết đói hoặc chết bệnh. Tây Ban Nha bị chỉ trích vì sự tàn nhẫn.
Rất khó để phác họa lại bức tranh những gì đã xảy ra tại Cuba. Các tờ báo Mỹ gửi phóng viên tới hòn đảo để nắm bắt tình hình. Nhưng những gì họ viết chẳng bao giờ xảy ra. Các phóng viên biết rất rõ rằng những câu chuyện càng kích động và kinh khủng thì càng ăn khách. Vậy nên họ dựng chuyện về những trận đánh đẫm máu và sự tàn bạo của người Tây Ban nha. Trong số đó có một sự cố đã trở thành điển tích nổi tiếng trong lịch sử báo chỉ Mỹ.
Nhà xuất bản William Randolph Hearst gửi họa sĩ Frederic Remington đến Cuba để vẽ những bức tranh mô tả chiến sự. Remington dành nhiều tháng ở Havana. Ông vốn không hề thấy đánh nhau hay chiến sự gì sất. Ông gửi về tòa soạn một tin nhắn, nói rằng mọi thứ ở đây đều bình lặng. Hoàn toàn không có chiến tranh. Nhà xuất bản phản hồi lại: “Ông hãy vẽ tranh, còn chiến tranh tôi lo.”
Tờ báo đã tạo ra nơi công chúng một cảm xúc mạnh mẽ chống lại Tây Ban Nha. Chẳng bao lâu sau, nhiều người Mỹ kêu gọi tuyên chiến để giải phóng Cuba khỏi ách thống trị của người Tây Ban Nha.
William McKinley khi đó đang là tổng thống. Ông không muốn Mỹ dính dáng gì đến chiến tranh. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị giúp đỡ Tây Ban Nha tìm giải pháp hòa bình cho hòn đảo. Tây Ban Nha từ chối đề nghị ấy. Họ muốn tự mình lo liệu tình hình hòn đảo.
Tây Ban Nha cho triệu hồi tướng lĩnh quân đội về nước vì tội tàn bạo. Họ ngưng bắt người vào các trại giam. Họ đề nghị quyền bình đẳng chính trị cho tất cả người dân Cuba. Và họ hứa Cuba sẽ được tự trị trong tương lai.
Tổng thống McKinley hoan nghênh các quyết sách của Tây Ban Nha. Ông cảm thấy Tây Ban Nha phải tôn trọng những lời hứa với người dân Cuba. Ông nói rằng Mỹ sẽ không can thiệp. Tuy nhiên, khi đó xảy ra bạo loạn tại Havana. Tổng thống McKinley nói rằng Mỹ có trách nhiệm phải bảo vệ tài sản và sinh mạng của công dân Mỹ tại đó. Vậy nên, ông phái tàu chiến Maine tới Havana.
Trong những tuần đầu tiên của thế kỷ 20, tổng thống McKinley chờ đợi Tây Ban Nha thực hiện những gì họ đã hứa với Cuba. Nhưng mọi thứ diễn ra rất chậm chạp. Mối quan hệ giữa Mỹ và Tây Ban Nha trở nên xấu đi. Sau đó, vào đêm ngày 15/2, một vụ nổ lớn làm rung chuyển tàu Maine đậu ngoài cảng Havana. Con tàu bị đắm ngay sau đó. Hơn hai trăm lính Mỹ tử nạn.
Không ai biết nguyên nhân vụ nổ trên tàu Maine. Nhưng Mỹ nói rằng là do một quả ngư lôi. Còn Tây Ban Nha thì một mực khẳng định do tai nạn trên tàu.
Có một số bằng chứng cho thấy vụ nổ là do sự cố với những thùng chứa dầu trên tàu. Nhưng dù thế nào thì người dân Mỹ cũng đổ tội cho Tây Ban Nha. Họ yêu cầu phải chiến tranh. Họ kêu gào: “Hãy nhớ tới Maine!”
Sự việc thế nào, mời các bạn đọc bài viết tiếp theo.