Thiên Văn Học

Nguyên Đán là gì? Lịch Pháp Và Các Loại Lịch Đông Phương

Từ xa xưa con người đã làm lịch để tính thời gian. Lịch pháp phương Đông đặc biệt phát triển với cách tính ngày tháng năm và các tiết trong năm.

lich phap phuong dong
40 views

Vài Nét Về Lịch Thư Trung Hoa Cổ Đại

Theo những ghi chép có liên quan, lịch thư đã xuất hiện ở Trung Quốc cách ngày nay hơn 1100 năm. Trong xã hội cũ, người ta gọi lịch thư là hiếm thư hoặc thông thư. Thời đại Đế Chế, nó là một công cụ “lũng đoạn” của Hoàng đế. Bản khắc gỗ Tuyên Minh Lịch ra đời năm 835 là cuốn lịch thư đầu tiên của Trung Quốc. Nghe nói, Đường Văn Tông Lý Ngang từng hạ lệnh lịch thư bắt buộc phải do đích thân Hoàng đế “thẩm định”, và quy định chỉ Triều đình mới được in, không cho phép tư nhân khắc in. Do đó lịch thư còn được gọi là “Hoàng lịch”.

Hiện nay còn tồn tại cuốn Trung Hoa nhị niên lịch thư in năm 877 thời Đường Hy Tông đây là cuốn lịch thư cổ xưa nhất.

Các nhà lịch sử và khảo cổ học nghiên cứu phát hiện lịch thư cổ xưa nhất thực sự được sản sinh vào năm 805 (thời Đường Thuận Tông niên hiệu Vĩnh Trinh nguyên niên). Lúc đó, trong Hoàng cung có ký sự nhật lịch chia làm 12 cuốn, mỗi cuốn có số trang tương ứng với số ngày của mỗi tháng. Mỗi ngày 1 trang, ghi lại mọi việc lớn xảy ra trong ngày tháng của Quốc gia, triều đình và các lời nói của Hoàng đế. Sau này, phát triển ghi lại tất cả nội dung như: can chi, nguyệt lệnh, thời vụ cho đến những việc như: an bần lạc mệnh của nhân dân, rồi đến trị thủy, các ngày giỗ chạp, ngày xấu và ngày lành, tháng tốt, bùa chú, bói quẻ… Sau thời Tống, hàng năm Viện Hàn lâm đều biên soạn chỉnh lý lịch thư, bán cho các Tú tài để họ nắm được thời gian. Sau đó, lịch thư mới từ cung đình dần dần lưu truyền vào dân gian.

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật ấn loát và nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, lịch thư dần dần được phổ cập, đổi mới. Hiện nay, ngoài lịch thư được in đóng thành sách, còn có lịch treo, lịch để bàn, lịch năm… về nội dung, lịch thư hiện đại đã loại bỏ những điểm mê tín, dị đoan, lạc hậu của lịch thư cũ, thay vào đó là những nội dung khoa học hoàn toàn mới phù hợp xu thế thời đại. Đó là những tri thức thực dụng về mặt chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, vệ sinh môi trường, văn hóa và sinh hoạt gia đình, nó đã trở thành một loại sách không thể thiếu cho mọi gia đình.

Ngày, tháng, năm

Ngày, tháng, năm là đơn vị tính toán thời gian. Khái niệm về ngày, tháng, năm được hình thành qua một quá trình quan sát thế giới tự nhiên lâu dài của con người.

Thời xa xưa, tổ tiên chúng ta đã trải qua cuộc sống: “Mặt trời mọc dậy làm việc, Mặt trời lặn thì nghỉ ngơi”, hiện tượng ngày và đêm cứ thay đổi không ngừng như thế khiến con người dần dần hình thành khái niệm thời gian “1 ngày”. Sau này, con người còn chú ý tới sự biến đổi ngày đêm này cùng kết hợp một cách chặt chẽ với hiện tượng Mặt trời mọc lên từ phương Đông lặn ở phương Tây, rồi lại lặn xuống từ phương Tây mọc lên từ phương Đông lặp đi lặp lại nhiều lần, thế là con người liền gọi “1 ngày” là “ngày”.

Trong khi quan sát các Thiên thể, con người còn chú ý tới sự thay đổi của Mặt trăng vào ban đêm. Từ đêm tối đen không thấy ánh sáng, dần biến đổi có trăng non, trăng non lại dần dần biến đổi thành trăng tròn. Sau khi trăng tròn rồi lại khuyết và cuối cùng lại biến đổi thành đêm tối không thấy ánh sáng. Thời gian để hoàn thành sự biến đổi này dài tới 29 ngày. Sự phát hiện ra các quy luật mới này được liên hệ với chu kỳ thay đổi tròn khuyết của Mặt trăng, giúp con người sản sinh ra một khái niệm mới, đó là “tháng”.

Dần dần, con người lại có một nhận thức mới về thời gian. Con người phát hiện ra: sau một thời gian lạnh nhất lại sẽ dần dần đổi thành ấm áp, sau khi từ từ biến đổi thành nóng nhất lại sẽ từ từ trở nên mát mẻ, và đến cuối cùng lại rất lạnh, băng giá. Trong chu kỳ thời tiết thay đổi ấy, phần lớn các loài cây cỏ đều trải qua một quá trình nảy mầm, nảy lộc đến ra hoa rồi kết quả, cuối cùng héo tàn. Chu kỳ thay đổi của thời tiết cũng chính là chu kỳ thực vật sinh sôi nảy nở, và cũng là chu kỳ con người tiến hành sản xuất nông nghiệp, do đó con người hình thành một khái niệm đơn vị thời gian dài hơn ngày, tháng, đó chính là “năm”.

Sau khi con người có khái niệm ngày, tháng, năm thì thường xuyên dùng ngày, tháng, năm làm đơn vị tính toán thời gian. Phương pháp dùng ngày, tháng, năm để tính toán thời gian, đó chính là lịch pháp mà mọi người thường nói.

Hiện nay lịch pháp chúng ta đang sử dụng có Dương lịch và Âm lịch.

Nguyên đán

Ngày đầu tiên của năm mới, người ta gọi là “Nguyên Đán”. Nguyên có nghĩa là “đầu người”, “thứ nhất”, từ này sau mở rộng ra có nghĩa là “đầu tiên” hoặc “thứ nhất”; còn chữ Đán có nghĩa là “trời sáng” hoặc “sáng sớm”. Qua di vật văn hóa tìm thấy được trong lần khai quật ở cửa Sông Vấn Thủy, phát hiện có 1 bức tranh Mặt trời mọc từ đỉnh núi, ở giữa mây khói lượn lờ. Qua khảo chứng, đó là cách viết chữ “Đán cổ nhất của người Trung Quốc. Sau này, trên bản khắc đúc đồng xanh thời Ân, Thương, lại phát hiện chữ “Đán” được viết như Mặt trời mọc trên đường chân trời. Chữ “Nhật” (Mặt trời) trong chữ “Đán” để biểu thị Mặt trời hình tròn, còn chữ “Nhất” bên dưới biểu thị đường chân trời. Chữ “Nhật”“Nhất” hợp lại chính là: Mặt trời mọc lên từ đường chân trời, có nghĩa là “sáng tinh sương trời sáng rồi”. Tiêu Tử Vân – nhà văn, nhà sử học Nam triều đã viết trong cuốn Giới Nhã: “Tứ khí tân Nguyên Đán, Vạn thọ sơ kim triều” (bốn mùa bắt đầu bằng ngày Nguyên Đán,…), như vậy, thời đó đã lấy Nguyên Đán là ngày đầu tiên cho 1 năm.

Ngày nay, Trung Quốc tuy cũng giống như các Quốc gia khác sử dụng công lịch (Dương lịch) hàng năm lấy ngày 1/1 Dương lịch làm ngày Nguyên Đán, nhưng theo tập quán truyền thống trong dân gian, vẫn lấy ngày 1 tháng Giêng Âm lịch làm ngày Tết dân tộc lớn nhất trong năm, người dân Trung Quốc và một số nước Châu Á khác cũng đều coi trọng Nguyên Đán Âm lịch, ngày này người ta sum họp vui vẻ hân hoan nhất trong một năm. Thực ra, trên Thế giới, nhân dân các dân tộc của các Quốc gia khác nhau cũng không phải đều lấy ngày 1/1 Dương lịch làm ngày Nguyên Đán, đã có thống kê, trước khi công lịch thông dụng, loài người chí ít cũng đã biên soạn sử dụng hơn 200 loại lịch pháp. Lịch pháp của các Quốc gia phương Đông rất phức tạp, hiện nay vẫn còn dùng tới hơn 50 loại, các Quốc gia thuộc nhiều khu vực khác cũng có lịch pháp không giống nhau. 4000 năm Tr. CN, người Ai Cập phát hiện khi sao Thiên Lang và Mặt trời cùng mọc từ trên đường Chân trời ở phương Đông thì Sông Nile bắt đầu dâng nước và người ta lấy ngày đó làm ngày Nguyên Đán. Babylon và đế quốc Ba Tư cổ đại lấy ngày “Xuân phân” 21/3 “ngày thứ nhất của mùa Xuân” làm ngày mở đầu cho năm mới.

Lấy ngày 1/1 Dương lịch làm ngày đầu tiên của năm mới, là bắt nguồn từ lịch Julius, đây là cuốn lịch do Hoàng đế La Mã Julius Caesa ban bố năm 46 Tr. CN. Đến năm 1582, Giáo hoàng La Mã lại dùng lịch Julius làm cơ sở để hiệu đính và hoàn thành lịch Gregorius, đầu năm vẫn là 1/1 và được dùng từ đó cho đến nay. Đó chính là Công lịch. Có điều thú vị là cùng là Dương lịch, ngày Nguyên Đán cũng có khác biệt. Đầu Thế kỷ XX, Hillal và nước Nga vẫn dùng lịch Julius, mà không dùng công lịch đã được sửa đổi; thế là ngày Nguyên Đán bị muộn hơn ngày Nguyên Đán của Công lịch nhiều ngày. Phương pháp sắp xếp nhuận (thừa) cũng hơi khác nhau, tính chính xác của lịch Gregorius cao hơn lịch Julius. Như vậy đã xảy ra hiện tượng khá lý thú, hồi Thế kỷ XVII ngày Nguyên Đán của họ muộn hơn 1  ngày so với ngày Nguyên Đán Công lịch, Thế kỷ XVIII muộn hơn 11 ngày, Thế kỷ XIX muộn hơn 1 ngày, Thế kỷ XX muộn hơn 13 ngày. Ví dụ như Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng 10 Nga vĩ đại nổ ra ngày 25/10 theo lịch cũ của Nga, còn theo Công lịch thì là ngày 7/11/1917, do vậy trong lịch sử gọi là “Cách mạng Tháng 10”. Ngày Nguyên Đán của họ năm này bị muộn hơn 13 ngày so với ngày Nguyên Đán của Công lịch.

Ở Mexico, có 1 số lịch pháp truyền thống địa phương, 1 năm có 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày còn có 5 ngày xếp ở cuối cùng, đây là 5 “ngày rủi ro” không được cười, sau đó là năm mới. Lịch cũ của Ethiopian mỗi năm có 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày, 5 ngày thừa ra cũng được xếp vào cuối cùng của tháng cuối. Loại lịch cũ 1 năm luôn luôn là 365 ngày này so với Công lịch cứ mỗi 100 năm xê xích hơn 20 ngày. Đó chính là nguyên nhân năm mới truyền thống của Ethiopian hiện nay rơi vào tháng 9 Dương lịch.

Ngày nay trên Thế giới, số các Quốc gia, dân tộc không theo ngày Nguyên Đán Dương lịch mà theo ngày Nguyên Đán năm mới truyền thống của mình không phải là ít. Xuân phân ngày 21/3 là ngày đầu năm của đế quốc Ba Tư cổ đại, cũng chính là năm mới truyền thống của Iran hiện nay. “Đạt cố” (tháng Giêng) của Miến Điện tương ứng với tháng 4 Dương lịch, đây là Tết năm vui nhất của họ, còn gọi là Tết té nước. Nguyên Đán Phật lịch của Thái Lan cũng vào tháng 4 Dương lịch. Năm mới Phật lịch của Lào gọi là “Tống Can tiết”, vào tháng 4 Dương lịch, nhân dân nghỉ Tết 7 ngày. Nhưng năm mới của dân tộc Mèo của nước Lào lại là ngày mồng 1 tháng 11 Âm lịch. Giáo hội người Do Thái lại lấy ngày Thu phân là ngày Nguyên Đán; còn nhân dân Apganistan phần lớn theo Đạo Ixlam thì lại dùng lịch Hồi năm Mặt trời, lấy ngày Xuân phân làm ngày đầu năm mới.

Cũng có nhiều Quốc gia người dân theo Đạo Ixlam (các Quốc gia như Pakixtan, Indonesia, Iran…) vẫn dùng lịch Hồi năm Mặt trời, nó là Âm lịch thuần tuý, cả năm chỉ có 354 ngày, năm nhuận cũng chỉ có 355 ngày, so với Dương lịch thì cứ 5, 6 năm thiếu hụt 2 tháng, nó cũng không giống Âm lịch mà Trung Quốc sử dụng với phương pháp sắp xếp năm nhuận để điều chỉnh, do đó quan hệ giữa tháng và mùa vụ không có sự cố định. Như vậy con người có thể đón ngày Nguyên Đán vào mùa Đông hoặc mùa Hè, cũng có thể vào mùa Thu hoặc mùa Xuân. Năm mới của Arhentia vào mùa Hè nóng bức, do đó họ có thể ra sông tiến hành “Tắm năm mới”. Nơi đây, thuộc Nam bán cầu thời tiết trái ngược với Bắc bán cầu. Có nơi lấy ngày đầu của 1 vòng tuần hoàn mùa vụ làm ngày Nguyên Đán. Ví dụ như nước Uganda Châu Phi nằm trong khu vực nhiệt đới, cứ mỗi 6 tháng lại có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Họ liền lấy 6 tháng thành 1 năm, lấy ngày đầu tiên của mùa mưa làm ngày Nguyên Đán. Ở Châu Mỹ, ngày Tết truyền thống của người Indian tại mỗi số địa phương lại vào lúc cây cao su cho mủ nhiều nhất. Thông thường ngày đó là cuối mùa Hè. Nông thôn, Syrian lấy ngày đầu tiên trăng tròn Tháng 9 làm ngày mới của năm mới. Thổ dân sinh sống trên Đảo Yap Thái Bình Dương, khi loài chim di trú bay đến sớm nhất trong 1 năm, đó là năm mới của họ. Còn người Eskimos, sống ở khu vực hàn đới thì trận tuyết rơi đầu tiên sẽ là bắt đầu 1 năm mới của họ.

Có Quốc gia lại ấn định năm mới vào ngày Tết truyền thống của dân tộc, như năm mới của Ấn Độ là “Tết Hòa Lợi” vào tháng 11 Dương lịch. Cũng có nước quy định năm mới là ngày Tôn giáo, như năm mới của Nêpan năm trong tháng 4 Công lịch, người dân nơi đây gọi là “Tết Quang Minh”(Tết ánh sáng). Đây là ngày Tết sùng bái Nữ thần Laks. Lại có Quốc gia quy định ngày Nguyên Đán là ngày kỷ niệm, ngày 30/12 là ngày hy sinh của vị anh hùng dân tộc Philippin Azen Momsae, để kỷ niệm ông, nhân dân Philippin đã lấy ngày này làm ngày Tết. Người Nhật Bản cũng vẫn sử dụng ngày 1 tháng Giêng Âm lịch là ngày Tết Nguyên Đán, nhưng từ sau thời Meiji Restoration dần dần mới đổi sang lấy ngày Nguyên Đán Công lịch làm năm mới, và cũng chuyển ngày đón năm mới theo phong tục sang ngày Nguyên Đán Công lịch. Nhưng vẫn có một số người Nhật lại theo truyền thống cổ xưa, đón một Tết Dương lịch và lại ăn cả Tết Âm Lịch.

Vào thời cổ đại Trung Quốc, ngày tháng “Nguyên Đán” cũng không hoàn toàn giống nhau. Thời Hạ, lấy ngày 1 tháng Giêng làm ngày mở đầu năm mới, thời Thương lại lấy ngày 1 tháng 12 (Tháng chạp) làm ngày mở đầu năm mới, thời Chu thì lại đổi sang ngày 1 tháng 11 là ngày đầu năm mới, thời Tần và đầu thời Hán lại đổi sang ngày 1 tháng 10 là ngày Nguyên Đán. Đến tận thời Hán Vũ Đế mới lại quy định ngày 1 tháng Giêng là ngày mở đầu một năm mới, ngày mùng 1 gọi là “Nguyên Đán” và cũng gọi là “Tam Nguyên”, tức là mở đầu một năm, bắt đầu vào ngày mùng 1 tháng Một ngày này được sử dụng cho đến ngày nay. Cho đến ngày 27-9-1949, Hội nghị toàn thể khoá 1 Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc đã thông qua quyết định sử dụng “Công nguyên kỷ niên pháp”, quy định ngày mùng 1 tháng Giêng Âm Lịch là “Tết Âm lịch”, ngày mùng 1 tháng 1 Dương lịch là ngày “Nguyên Đán”.

Hoàng đạo và ngày lành hoàng đạo

“Hoàng đạo” là một danh từ dùng trong Thiên văn học. Nó chính là đường di chuyển của Mặt trời giữa các hành tinh trong thời gian một năm mà con người khi đứng trên Trái đất nhìn thấy được, cũng chính là vòng tròn lớn giao nhau giữa mặt phẳng mà Trái đất quay xung quanh quỹ đạo và Thiên cầu. Hoàng đạo và Thiên xích đạo tạo thành một góc 25°26’, giao nhau tại điểm Xuân Phân và điểm Thu Phân. Người ta chia một vòng tròn 360° thành 12 phần, mỗi phần được một góc 30°.

Trước đây vì mê tín nên người ta tin rằng có ngày tốt và ngày xấu, vì thế làm bất cứ việc gì như kết hôn, ma chay, xây nhà, đi xa, thậm chí là cắt tóc hay tắm gội, người ta đều giở Hoàng lịch, xem ngày nào là “ngày lành Hoàng đạo”.

Hoàng lịch cổ lẩn lượt ghi chú dưới mỗi ngày bằng 12 chữ: kiến, trừ, mãn, bình, định, chấp, phá, nguy, thành, thu, khai, bế. Ngày nào đối ứng với 6 chữ: trừ, nguy, định, chấp, thành, khai thì là ngày lành Hoàng đạo; còn ngày nào đối ứng với 6 chữ: kiến, mãn, bình, phá, thu, bế được coi là ngày xấu Hắc đạo.

Dương lịch

Dương lịch là Công lịch Quốc tế thông dụng.

Dương lịch là lịch pháp (cách tính lịch) căn cứ vào vòng quay của Trái đất quanh Mặt trời được một vòng gọi là một năm. Và cũng chính là 1 năm Mặt trời (năm hồi quy). Ví dụ, từ Xuân Phân năm nay đến Xuân Phân năm sau là 1 năm Mặt trời. Độ dài của một năm Mặt trời là 365,2422 ngày, tức là 365 ngày 5 giờ 48 phút 46 giây. Tổng cộng 4 năm thiếu giờ 15 phút 4 giây, như vậy gần bằng thời gian một ngày. Do vậy người ta quy định: năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba đều là 365 ngày, gọi là năm bình thường; năm thứ 4 có 366 ngày, gọi là năm nhuận. Trong năm nhuận nhiều hơn một ngày vào Tháng 2. Để tiện cho việc tính toán, người ta quy định cứ năm khi mà số năm chia hết cho 4 thì đó là năm nhuận, đều có 366 ngày. Tuy nhiên lại xuất hiện một vấn đề mới do thời gian dư ra tích lũy của 4 năm bình thường chỉ có 23 giờ 15 phút 4 giây, sau khi mỗi năm nhuận tăng thêm một ngày. Song trên thực tế, mỗi năm sẽ thiếu 44 phút 56 giây, tương đương với 0.0312 ngày.

Do vậy năm 1582 năm cải cách lịch của Giáo hoàng Gregorius người ta đưa ra cứ 4 năm có một năm nhuận, nhưng trong 400 năm phải bớt đi 3 năm nhuận. Quy ra, cứ năm tròn trăm thì không phải năm nhuận. Ví dụ năm 2100, năm 2200, năm 2300… đương nhiên các năm này chia hết cho 4, nhưng nó vẫn có thể là năm bình thường. Chỉ có năm tròn trăm chia hết cho 400 thì mới là năm nhuận, ví dụ năm 2000, năm 2400, năm 2800… là năm nhuận. Như vậy cứ mỗi 4 năm tròn thì chỉ có một năm nhuận, còn 3 năm còn lại là năm bình thường. Vì 4 năm thiếu 0,0312 ngày, sau 400 năm sẽ thiếu 3,12 ngày (74 giờ 53 phút 20 giây), lại bỏ đi 3 ngày (72 giờ), càng khiến lịch pháp chuẩn xác, 400 năm mới có sai số 0,12 ngày.

Dương lịch quy định mỗi năm đều có 12 tháng, các tháng 1,3.5,8,10,12 là tháng đủ, mỗi tháng có 31 ngày; các tháng 4,6,9,11 là tháng thiếu, mỗi tháng có 30 ngày, Tháng 2 chỉ có 28 ngày, vào năm nhuận mới có 29 ngày.

Tháng đủ, tháng thiếu

Tháng đủ, tháng thiếu năm Dương lịch, hoàn toàn do con người quy định. Tiền thân của Dương lịch hiện hành là lịch Ai Cập. Năm 46 Tr. CN, Vị Tổng tài quyền hạn ngang Hoàng đế La Mã là Julius Caesar đã phỏng theo lịch pháp cổ Ai Cập, chế định Dương lịch hiện hành. Căn cứ vào kiến nghị của một nhà Thiên văn học lúc đó, đã quy định mỗi năm có 365 ngày, một năm có 12 tháng.

Khi đó, tháng được sắp xếp rất hợp lý, tháng đủ tháng thiếu xen kẽ nhau, lẻ sẽ là tháng đủ (31 ngày), chẵn là tháng thiếu (30 ngày). Trong 1 năm có 6 tháng đủ và 6 tháng thiếu, tổng cộng là 366 ngày, so với bao năm nay nhiều hơn 1 ngày. Khi đó theo phong tục cổ của La Mã, Tháng 2 là tháng hành hình cuối năm (lấy Tháng 3 Xuân phân là đầu năm), theo tập tục này của người La Mã thì Tháng bị coi là tháng không may mắn, thế là họ bèn bớt đi 1 ngày, chỉ còn 29 ngày. Như vậy, độ dài của năm là 365 ngày.

Julius Caesar – vị Tổng tài chấp chính Viện Nguyên lão (quyền ngang ngửa như Hoàng đế) sinh vào Tháng 7, để biểu thị sự “Tôn nghiêm” của bậc Đế vương, khi làm lịch, Ngài đã nghĩ ra một cách mới: lấy tên của mình làm tên Tháng 7 (tức là Tháng Julius). Sau khi ngài qua đời, cháu trai của ngài lên nối ngôi, vị Hoàng đế này tên là Augustus. Năm 27 Tr. CN, Augustus khi sửa lại lịch, cũng học chú mình là vị Tổng tài Julius Caesar, để lưu danh muôn thủa, ông cũng lấy tên mình đặt cho Tháng là tháng sinh của ông, tức Tháng Augustus. Nhưng điều khiến ông đau đầu là Tháng 8 chỉ có 30 ngày như vậy so với Julius Caesar ông ta cảm thấy thua kém và cũng thiếu tôn nghiêm của bậc Đế vương. Thế là ông lại rút 1 ngày của Tháng 2 bù thêm cho Tháng 8, Tháng 8 được sửa đổi thành tháng đủ (2 ngày). Tháng 2 bất hạnh chỉ còn 28 ngày.

Augustus còn nghĩ đến: Tháng 7 và Tháng 8 đều là tháng đủ, nếu theo quy định cũ, Tháng 9 vẫn là tháng đủ, thế thì sẽ có 3 tháng đủ liên tục, xem ra cũng không hay. Thế là ông lại quyết định, từ sau Tháng 9 thiếu, nếu tháng lẻ là tháng thiếu, tháng chẵn là tháng đủ.

Từ đây, chúng ta có thể thấy, sở dĩ có sự không đồng đều giữa các tháng Dương lịch như ngày nay, hoàn toàn là do con người của giai cấp thống trị trong lịch sử tạo nên, nó không hề có căn cứ nào về mặt Thiên văn, khí tượng.

Công nguyên – thế kỷ – thập niên

Công nguyên, có nghĩa là kỷ nguyên Công lịch, cũng có nghĩa là bắt đầu dùng Công lịch (Dương lịch) để ghi niên đại.

Dương lịch như trên đã nói được phát triển từ lịch La Mã cổ tương đối hỗn loạn. Năm 46 Tr. CN vị Tổng tài đệ nhất vô nhị của Đế chế La Mã Julius Caesar quyết định sửa đổi lịch pháp, quy định mỗi năm có 365 ngày, cứ 4 năm thì có 1 năm nhuận thêm 1 ngày; 1 năm chia thành 12 tháng, gọi là lịch Julius.

Đến năm 1582, Giáo hoàng La Mã Gregorius 13, đã triệu tập các học giả tới thảo luận cải cách những gì chưa hoàn hảo của lịch Julius. Lịch mới sau khi cải cách được gọi là lịch Gregorius. Đó chính là Dương lịch hiện hành. Trung Quốc dùng Dương lịch từ năm 1912, sau cách mạng Tân Hợi. Nhưng cách ghi năm kỷ nguyên của Trung Hoa Dân Quốc lúc đó cùng song song tồn tại. Sau khi nước Trung Hoa Mới thành lập, mới thực sự dùng Công lịch, đó là năm 1949. Số ngày trung bình của lịch Gregorius là 365,2425 ngày. Lịch Thụ thờichế định năm 1281 của Trung Quốc đã quy định thời gian mỗi năm là 365, 2425 ngày, lịch này có sớm hơn lịch Gregorius 300 năm. Độ chính xác của lịch Gregorius tương đối cao, 3320 năm mới chênh lệch 1 ngày so với năm Hồi quy.

Có điều thú vị, năm Công nguyên theo truyền thuyết là lấy “năm chúa ra đời (năm Giáng sinh Cơ Đốc)” là năm đầu tiên. Cùng thời với Nam triều Lương Vũ Đế Trung Đại Thống năm thứ 4 (năm 525, của Trung Quốc). Ở, có một thầy tu Đạo Cơ Đốc tên tích là Dionosius đưa ra ý kiến: Kỷ nguyên phải được tính bắt đầu từ “năm Chúa ra đời”, và tuyên bố “năm Chúa ra đời” là năm 532. Cách ghi năm như vậy đã được sự ủng hộ của Giáo hội và vào năm 532 đã được sử dụng trong Giáo hội. Đến khi Giáo hoàng La Mã chế định ra lịch Gregorius, tiếp tục dùng cách ghi năm này, do độ chính xác của nó cao, nên được dùng phổ biến trên Thế giới. Do “năm Chúa ra đời được gọi là năm đầu Công nguyên, năm – trước năm Chúa ra đời gọi là Trước Công nguyên, năm – sau Chúa ra đời gọi là Sau Công nguyên. Ngày đầu năm Dương lịch (Tết Dương lịch) năm đầu Công nguyên tương đương với ngày 19 tháng 11 năm thứ Nguyên Thọ Hán Viêm Đế cuối thời Tây Hán Trung Quốc.

Thế kỷ và Thập niên: Là đơn vị tính toán thời kỳ lịch sử. Một Thế kỷ là 100 năm. Ví dụ như nói, một sự kiện nào đó trải qua 2 Thế kỷ, có nghĩa là nó trải qua 200 năm. Theo thói quen, ranh giới của Thế kỷ nhìn chung luôn luôn gắn liền với Công nguyên. Năm 1 đến năm 100 là khởi điểm của Thế kỷ, gọi là Thế kỷ 1; năm 101 đến năm 200 gọi là Thế kỷ 2 …năm 1701 đến năm 1800 gọi là Thế kỷ XVIII; năm 1901 đến năm 2000 gọi là Thế kỷ XX.

Công nguyên không có năm 0.

Mỗi một Thế kỷ lại chia thành 10 thập niên 1 thập niên bao gồm 10 năm. Ví dụ, Thế kỷ XX thì thập niên đầu tiên là từ năm 1901 đến 1910.

Tinh kỳ (tuần lễ) và lễ bái

Tinh kỳ (tuần lễ) có nguồn gốc từ khoa học, lễ bái bắt nguồn từ tôn giáo. Tinh kỳ là một phương pháp ghi ngày đặc biệt của Dương lịch, nó lấy 7 ngày là một chu kỳ, tuần hoàn lặp đi lặp lại.

Phương pháp ghi ngày tinh kỳ (tuần lễ – từ đây trở xuống sẽ viết là tuần lễ) đã được sử dụng từ trước khi Dương lịch ra đời. Như chúng ta đã biết 7 ngày là một tuần lễ, cũng xấp xỉ như 4 giai đoạn của Mặt trăng, từ trăng non (Sóc) đến trăng lưỡi liềm (Thượng huyền). Rồi lại từ trăng lưỡi liềm đến đầy tháng. Rồi lại từ đầy tháng đến trăng khuyết (Hạ huyền). Và từ trăng khuyết đến lúc không nhìn thấy Mặt trăng. Theo khảo cứu, người Trung Quốc đầu thời kỳ nhà Chu cũng đã từng chia một tháng Sóc, Vọng thành 4 phần, và đặt tên theo thứ tự là: sơ cát, ký sinh bá, ký vọng, ký tử bá. Sơ cát tương đương với thời gian từ Mồng 1 đến Mồng 8, ký sinh bá tương đương với thời gian từ Mồng 9 đến 15, ký vọng tương đương với thời gian từ 16 đến 22, ký tử bá tương đương với thời gian từ 23 đến Mồng 1. Nhưng cách ghi này không được lưu truyền về sau.

Những năm cuối Triều Minh, khi Đạo Cơ Đốc được truyền vào Trung Quốc, chế độ tuần lễ cũng được truyền vào theo, cho đến nay vẫn có người cho rằng đây là sản phẩm của phương Tây. Kỳ thực, chế định tuần lễ là sản phẩm của đất nước Do Thái và Babylone ở phương Đông. Trước năm 2000 Tr. CN, người Babylone đã dùng: Mồng 1, Mồng 7, ngày 14, ngày 28, chia một tháng Sóc, Vọng thành 4 phần, mỗi phần vừa đúng 7 ngày. Cách chia này tuyệt đối không phải ngẫu nhiên, nó có khả năng là hình mẫu đầu tiên của chế độ tuần lễ. Sau này, người Babylone đã dùng chế độ tuần lễ 7 ngày và đặt tên lần lượt cho 7 ngày này theo tên của mỗi thiên thể, ví dụ như chủ nhật ứng với Mặt trời, thứ 2 ứng với Mặt trăng, thứ 3 ứng với Sao Hỏa, thứ 4 ứng với Sao Thủy, thứ 5 ứng với Sao Kim, thứ 6 ứng với Sao Mộc, thứ 7 ứng với Sao Thổ. Như vậy, tuần lễ cũng có ý nghĩa là ngày của sao, biết được sao tương ứng của một ngày nào đó, là biết được đó là ngày nào. Cũng có lúc tuần lễ được gọi là diện nhật (tuần lễ, lễ bái, diện nhật còn có nghĩa là thứ (chỉ ngày trong tuần) – Người dịch). Ví dụ: “Nhật diện nhật có nghĩa là chủ nhật, nguyệt diện nhật nghĩa là ngày thứ 2”. Cách ghi này, người Do Thái đã truyền đến Ai Cập, rồi từ Ai Cập sang La Mã. Sau Thế kỷ III lại được truyền rộng rãi tới Châu Âu. Cho đến nay, trong ngôn ngữ của một số Quốc gia Châu Âu vẫn còn giữ lại cách gọi tên các ngày trong tuần như đã nêu. Từ những điều trên ta có thể thấy sự ra đời của chế độ tuần lễ có liên quan mật thiết đến sự thay đổi tròn khuyết của Mặt trăng, còn “lễ bái” lại là từ mà đạo Cơ Đốc sử dụng. Họ tin rằng Thượng đế đã sáng tạo ra Thế giới trong 7 ngày và 7 ngày Giêsu sống lại, do vậy, quy định ngày thứ 7 cử hành nghi thức tôn giáo yết kiến Thượng đế, gọi là “lễ bái nhật” (chủ nhật).

Ngày đầu tiên của “tuần lễ” Dương lịch gọi là chủ nhật, là ngày nghỉ ngơi được công nhận, vì ngày này trùng với ngày “lễ bái nhật” của Cơ Đốc giáo. Do vậy, có người gọi chủ nhật là lễ bái nhật, sự thực chúng ta nghỉ ngày chủ nhật và ngày lễ bái nhật Cơ Đốc giáo đi lễ không hề có liên quan đến nhau.

Mặt     TrăngSao   HỏaSao  ThủySao  MộcSao KimSao   ThổMặt      Trời
Thứ 2Thứ 3Thứ 4Thứ 5Thứ 6Thứ 7Chủ      nhật
Nguyệt diện nhậtHỏa diện nhậtThủy diện nhậtMộc diện nhậtKim diện nhậtThổ diện nhậtNhật  diện nhật
Tên các ngày trong tuần

Giờ của một số thủ đô các nước

Trên Trái đất, con người ở những địa điểm khác nhau sẽ nhìn thấy thời khắc Mặt trời đi qua kinh tuyến Thiên thể (tức 12 giờ trưa) cũng khác nhau. Để thống nhất, các nhà Thiên văn học quy định 2 miền Đông Tây cách nhau 15° kinh độ, thời gian sẽ chênh nhau 1 giờ. Trái đất tự quay 1 vòng là 360°, 1 ngày đêm chia làm 24 tiếng, do đó mỗi giờ trên Trái đất cũng tự quay 15°. Trên Thế giới chia Trái đất thành 24 múi giờ, Trung Quốc sử dụng thời gian tiêu chuẩn là 120° kinh độ Đông, thuộc múi giờ Đông thứ 8. Thời gian Bắc Kinh là thời gian múi giờ Đông thứ 8. Hà Nội múi giờ 7. Khi giờ Bắc Kinh là 23 giờ, thì thời gian của thành phố khác trên Thế giới là: Tokyô là 24 giờ, Manila là 23 giờ, Băng Cốc là 22 giờ, Moskova là 1! giờ, Cairo là 17 giờ, Athène là 17 giờ, Pissar là 1 giò, Pudapest là 16 giờ, Berlin là 16 giờ, Roma là 1 giờ, Paris là 16 giờ, London là 15 giờ, Washington là 10 giờ. Hà Nội 22 giờ.

Trăng non – trăng lưỡi liềm – trăng rằm – trăng khuyết.

Chúng ta đều biết, Mặt trăng hình cầu, bản thân nó không phát sáng, ánh sáng mà chúng ta thường nhìn thấy, là ánh sáng Mặt trời chiếu vào bề mặt của Mặt trăng rồi từ Mặt trăng phản xạ đến Trái đất. Trong cùng một thời gian, Mặt trăng chỉ được Mặt trời chiếu sáng một nửa, do vậy nửa không được chiếu sáng vẫn là bóng tối. Đồng thời, Mặt trăng quay quanh Trái đất, và lại cùng Trái đất quay quanh Mặt trời, do vậy vị trí giữa Mặt trăng – Trái đất và Mặt trời là không ngừng thay đổi. Mặt trăng chiếu sáng về phía chúng ta, có lúc nhiều, có lúc ít, có lúc không và điều này đã tạo nên sự tuần hoàn tròn, khuyết của Mặt trăng. Khi Mặt trăng ở giữa Mặt trời và Trái đất, lúc này bán cầu bóng tối Mặt trăng quay lưng vào Mặt trời, chúng ta sẽ không nhìn thấy ánh sáng trăng đó là thời kỳ “trăng non” hiện tượng này xuất hiện vào ngày Mồng 1 Âm lịch hàng tháng.

Ngày thứ nhất sau ngày Mồng 1 Âm lịch, Mặt trời vừa lặn thì Mặt trăng đã ở trên đường chân trời phía Tây, và sau đó cứ cách 1 ngày, vị trí của Mặt trăng lại dịch chuyển về phía Đông một chút, hình dáng của nó lại giống như cái lưỡi liềm nhỏ hẹp. Sau 7, 8 ngày mỗi một nửa sáng và nửa tối của Mặt trăng đều có một nửa hướng vào Trái đất. Hàng ngày khi Mặt trời xuống núi, Mặt trăng đã treo một nửa vầng sáng trên bầu trời, lúc này người ta gọi là Trăng lưỡi liềm (Trăng Thượng Huyền). Hiện tượng đó thường xuất hiện vào ngày Mồng 7 hoặc Mồng 8, Mồng 9, Mồng 10 Âm lịch hàng tháng.

Về sau, phần sáng của Mặt trăng càng ngày càng lớn, đến khi Trái đất ở giữa Mặt trời và Mặt trăng, lúc này bán cầu được Mặt trời chiếu sáng của Mặt trăng hướng thẳng vào Trái đất, đúng lúc Mặt trời lặn, Mặt trăng sẽ mọc lên từ phía Đông, chúng ta có thể ngắm vầng trăng sáng tròn vành vạnh suốt đêm, đó là lúc người ta gọi là “trăng Rằm”, xuất hiện vào ngày 15 hoặc ngày 16, 17 Âm lịch hàng tháng.

Sau ngày trăng tròn, Mặt trăng tiếp tục di chuyển về phía Đông, thời khắc Mặt trăng lên, mỗi ngày lại muộn hơn, đồng thời phần bán cầu được chiếu sáng của Mặt trăng hướng về Trái đất chia ra ngày mỗi ngày một ít đi, đến ngày thứ 7,8 sau ngày trăng tròn (trăng Rằm) thì mỗi một nửa sáng và nửa tối của Mặt trăng đều có một nửa hướng vào Trái đất, lúc này người ta gọi là “trăng khuyết” (Hạ Huyền), thường xuất hiện vào ngày 20 hoặc 23, 24 Âm lịch hàng tháng.  Đó là thời điểm nửa đêm trăng lên, cho đến nửa sáng ngày hôm sau, vẫn còn có thể nhìn thấy nó trên bầu trời ở bên phải Mặt trời.

Sau ngày trăng khuyết, nửa tròn sáng của Mặt trăng dần dần lõm vào phía trong biến thành hình bán nguyệt khuyết về phía trong. Và Trăng mỗi ngày “gày mòn” đi, lúc này giờ trăng lên càng ngày càng gần với giờ Mặt trời mọc. Cuối cùng lại trở về cùng hướng Mặt trời, cũng chính là lúc Mặt trăng lại quay đến giữa Mặt trời và Trái đất nó lại hướng vào Trái đất với một nửa đen ngòm, thế là lại xuất hiện những ngày không có trăng. Mặt trăng chuyển động từ “trăng non” này đến tuần “trăng non” sau, hoặc từ lần “trăng tròn” này đến lần “trăng tròn” sau, tức là nó đã quay trọn một vòng quanh Trái đất, cũng chính là một tháng, hay còn gọi là “Sóc Vọng Nguyệt”.

Âm lịch

Âm Lịch còn gọi là lịch Mặt trăng, là một lịch pháp lấy Mặt trăng quay quanh Trái đất 1 vòng làm tháng. Mặt trăng quay quanh Trái đất theo hướng từ Tây sang Đông và cũng đồng thời phát sinh ra sự biến đổi tròn khuyết có quy luật. Một chu kỳ tròn khuyết của Mặt trăng được gọi là “Sóc Vọng Nguyệt”. Thời gian của một lần “Sóc Vọng Nguyệt” tương đương với 29,5306 ngày, tức là 29 ngày 12 giờ 44 phút 2,8 giây, nhiều hơn 29 ngày và ít hơn 30 ngày. Để mỗi tháng của lịch được gần nhất với “Sóc Vọng Nguyệt”, Âm Lịch sắp xếp có tháng đủ (30 ngày) và tháng thiếu; tháng phùng đơn là tháng đủ 30 ngày, tháng phùng song là tháng thiếu 29 ngày, trong 1 năm có 6 tháng đủ, 6 tháng thiếu, tổng cộng cả năm có 354 ngày. Nhưng thời gian tổng cộng của 12 “Sóc Vọng Nguyệt” là 354,3667 ngày, tức 354 ngày và 8 giờ 48 phút 34 giây, 30 năm sẽ dôi ra 11 ngày. Do vậy, trong 30 năm Âm Lịch phải sắp xếp 11 năm nhuận, mỗi một năm phùng nhuận cuối tháng 12 tăng thêm 1 ngày. Như thế năm nhuận Âm Lịch có 355 ngày.

Cứ 30 năm Âm Lịch sẽ có 19 năm có 354 ngày, 11 năm có 355 ngày, tổng thời gian bình quân 1 năm có 354 ngày 8 giờ 48 phút. Một năm Âm Lịch so với một năm Dương lịch thiếu hơn 11 ngày. Nếu như cứ để năm Âm Lịch mỗi năm một ít đi thì đến năm thứ 16 sẽ thiếu hơn 170 ngày, tức là gần bằng thời gian của nửa năm. Như vậy, năm nay đón năm mới vào mùa Đông thì 16 năm sau sẽ ăn Tết vào mùa Hè.

Nhưng mỗi một ngày, tháng trên lịch Âm đều có thể biết được hình trạng của Mặt trăng. Đây là điểm tốt duy nhất của loại lịch pháp này. Khuyết điểm cua nó là không có mối liên quan giữa các tháng Âm Lịch và sự thay đổi 4 mùa, gây nhiều bất lợi cho sản xuất và sinh hoạt của con người.

Đọc thêm:
Chòm sao là gì và truyền thuyết về các chòm sao
Vành đai hoàng đạo, thiên cầu và bầu trời xoay vòng
Nguồn gốc hệ đếm (cơ số) từ nền văn minh Mesopotamia

Nông lịch

Lịch pháp truyền thống của Trung Quốc là Nông lịch, thời xưa gọi là Hạ lịch, trong dân gian thường gọi là Âm Lịch. Thực ra Nông lịch không phải là lịch Âm Lịch thuần tuý, cũng không phải là Dương lịch thuần túy, mà đó là lịch pháp kết hợp cả Âm Lịch và Dương lịch. Nông lịch lấy thời gian của “Sóc Vọng Nguyệt” làm thời gian bình quân của lịch tháng về điểm này nó giống như Âm Lịch thuần túy, nhưng nó lại vận dụng biện pháp sắp xếp tháng nhuận và biện pháp 24 mùa vụ, làm cho độ dài bình quân của lịch năm bằng năm Mặt trời. Như vậy, nó lại có thành phần của Dương lịch. Do đó Nông lịch tốt hơn Âm Lịch thuần túy.

Căn cứ vào những ghi chép lịch sử của Trung Quốc, từ đời Hoàng đế đến cuối triều Thanh, tổng cộng nước này đã sử dụng qua 102 loại lịch pháp, về cơ bản các loại lịch đó đều thuộc tính chất của lịch Âm – Dương. Điều này cho thấy nhân dân lao động Trung Quốc từ 3, 4 nghìn năm trước đã biết kết hợp một cách rất tốt giữa Âm lịch và Dương lịch. Loại lịch pháp chú ý tới chu kỳ của “Sóc Vọng Nguyệt” và độ dài của năm Mặt trời đây là một sáng tạo vĩ đại của tổ tiên người Trung Quốc.

Nông lịch hiện hành của Trung Quốc, tương truyền được sử dụng từ thời Hạ (Thế kỷ XVII Tr. CN), do đó người ta còn gọi nó là “Hạ lịch”.

Lịch tháng của Nông lịch lấy “Sóc Vọng Nguyệt” làm căn cứ. Chu kỳ của “Sóc vọng nguyệt” là 29,5306 ngày, tức là 29 ngày 12 giờ 44 phút 12.8 giây do vậy Nông lịch cũng có tháng đủ 30 ngày, tháng thiếu 29 ngày, nhưng Nông lịch và Âm Lịch thuần túy không hoàn toàn giống nhau, vì Âm Lịch thuần túy tháng đủ và tháng thiếu bố trí xen kẽ nhau, nhưng tháng đủ và tháng thiếu của Nông lịch đã được suy tính rồi mới quyết định. Ngày mồng 1 của mỗi tháng Nông lịch đều vừa vặn là “Sóc” (trăng non) hay nói cách khác Mồng 1 của mỗi tháng Nông lịch đều có trăng non. Có khi có thể xuất hiện tháng đủ, cũng có thể liên tục xuất hiện 2 tháng thiếu. Do “Sóc Vọng Nguyệt” có gần 29 ngày rưỡi, cho nên trong 100 tháng của Nông lịch sẽ có khoảng 53 tháng đủ và 47 tháng thiếu.

Về cơ bản Nông lịch lấy 12 tháng là một năm, nhưng thời gian của 12 “Sóc Vọng Nguyệt” là 354,3667 ngày, so với năm Mặt trời có 365,2422 ngày, thì kém khoảng 11 ngày. Như vậy cứ cách 3 năm số ngày sẽ nhiều hơn 33 ngày, tức là nhiều hơn 1 tháng, để xử lý số ngày thừa này, cứ cách mỗi 3 năm lại tăng thêm 1 tháng, đó chính là tháng nhuận của Nông lịch. Năm có tháng nhuận này cũng gọi là năm nhuận. Do đó, năm nhuận của Nông lịch có 13 tháng.

Vấn đề là: Nông lịch cứ mỗi 3 năm lại cho vào 1 tháng nhuận, vì 1 tháng chỉ có 29 hoặc 30 ngày do vậy Nông lịch cứ mỗi 3 năm số ngày lại ít hơn năm Mặt trời là 33 ngày. Và như thế vẫn còn thiếu 3 ngày, Vậy làm thế nào? Các nhà Thiên văn học cổ đại của Trung Quốc ngay từ năm 600 Tr. CN đã sớm phát hiện ra: nếu trong 19 năm Nông lịch thêm vào 7 tháng nhuận thì sẽ đúng bằng 19 năm Mặt trời. Trong lịch pháp gọi là “19 năm 7 nhuận pháp”, phương pháp này được phát hiện sớm hơn trên 600 năm so với cổ Hy Lạp.

Tháng nào là tháng nhuận trong năm nhuận sẽ được quyết định trên cơ sở xem xét thời tiết của tháng đó. Trong 24 Tiết được chia thành: Tiết khí và Trung khí, ví dụ như: Vũ Thủy, Xuân Phân… Nông lịch lấy 12 làm tiêu chí của 12 tháng, nếu năm nào có tháng nhuận thì có 13 tháng, trong đó có 1 tháng thường không có Trung khí. Tháng không có Trung khí này sẽ là tháng nhuận, và tên của nó lấy tên của tháng liền trước nó và thêm chữ “nhuận”, ví dụ: tháng trước là Tháng 2 thì tháng không có Trung khí này sẽ là “Tháng 2 nhuận”, tháng trước là tháng 3 thì tháng không có Trung khí này sẽ là Tháng 3 nhuận. Sau Đông Chí, do Trái đất ở gần Mặt trời không có tháng không có Trung khí, do vậy Tháng 11, Tháng Chạp, Tháng Giêng không sắp xếp tháng nhuận.

Nông lịch chú ý đến sự thay đổi tròn khuyết của Mặt trăng và Tiết khí nóng, lạnh, do đó rất tiện lợi cho việc chỉ đạo hoạt động sản xuất nông nghiệp nó là loại lịch pháp truyền thống được sử dụng rộng rãi trong dân gian Trung Quốc.

Nhật thực – nguyệt thực – thủy triều

Công lịch (Dương lịch) là lịch pháp thông dụng của Quốc tế, sử dụng thuận tiện. Sử dụng Nông lịch cũng có điểm thuận tiện. Ví dụ: bình thường, người ta nhìn độ tròn khuyết của Mặt trăng, có thể phán đoán ngày tháng của Nông lịch. Ngoài ra, sử dụng Nông lịch còn rất nhiều thuận tiện cho việc dự báo Nguyệt thực và Nhật thực, dự báo và trắc định sự mạnh yếu, lên xuống của Thủy triều.

Đến ngày Sóc (trăng non) Vọng (trăng Rằm) của Nông lịch, phương hướng của Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng là trùng nhau. Vào lúc này, nếu như Mặt trăng vừa vặn quay tới giữa Trái đất và Mặt trời, che hết ánh sáng của Mặt trời chiếu vào Quả đất, thì sẽ xảy ra hiện tượng Nhật thực; Nếu như Trái đất quay đến giữa Mặt trời và Mặt trăng, chắn hết ánh sáng của Mặt trời chiếu vào Mặt trăng, thì sẽ xảy ra hiện tượng Nguyệt thực. Có thể nói Nhật thực và Nguyệt thực đều xảy ra khi Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất cùng nằm trên một đường thẳng, hiện tượng Nhật thực đều xảy ra đúng ngày “Sóc” (ngày trăng non), còn hiện tượng Nguyệt thực thì xảy ra đúng ngày “Vọng” (ngày trăng Rằm). Đây là một quy luật và đó là điểm tốt của việc sử dụng Nông lịch.

Giữa Trái đất và Mặt trăng đều có lực hấp dẫn lẫn nhau. Nước biển trên Trái đất nhận được sức hút của Mặt trăng, mực nước sẽ dâng lên cao rồi đổ vào cửa biển, dòng sông hình thành Thuỷ triều. Thực ra, Mặt trời cũng có sức hút đối với nước biển, chỉ là Mặt trời cách Trái đất quá xa, lực hút không đủ mạnh như Mặt trăng. Mỗi khi gặp ngày “Sóc Vọng” Nông lịch, cũng chính là lúc Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất cùng nằm trên một đường thẳng, tác dụng lực hút Thuỷ triều của Mặt trời và Mặt trăng cùng một hướng, thì sẽ xuất hiện Thuỷ triều lớn. Đến ngày Thượng Huyền (ngày trăng lưỡi liềm) và Hạ Huyền (ngày trăng khuyết), Mặt trăng và Mặt trời ở vào vị trí vuông góc với nhau, sức hút của Mặt trăng đối với nước biển bị Mặt trời làm yếu đi một phần, do vậy sẽ xuất hiện Thủy triều nhỏ. Nếu xem ngày tháng của Nông lịch sẽ biết được thời gian xuất hiện Thủy triều lớn hoặc nhỏ.

Giờ ngày đêm

Trái đất tự quay 1 vòng là 1 ngày đêm, gọi là “Ngày Mặt trời”, ngày và đêm được hình thành khi Trái đất quay về phía Mặt trời là ngày, phần quay lưng về phía Mặt trời là đêm. Sau Xuân Phân, Mặt trời chiếu vào phía Bắc bán cầu dần dần nhiều lên. Do vậy, Bắc bán cầu đêm ngắn ngày dài. Nam bán Cầu thì ngược lại. Sau Thu Phân Mặt trời chiếu vào phía Nam bán cầu nhiều dần lên, lúc này Nam bán cầu ngày dài đêm ngắn, còn Bắc bán cầu thì ngày ngắn đêm dài.

Cách chia 1 ngày và đêm có rất nhiều. Nghe nói thời kỳ Vũ Định thời Ân từng chia 1 ngày đêm thành 8 Ân; thời kỳ Tổ Giáp chia 1 ngày đêm thành 10 thời đoạn. Thời Chu đã tiến bộ hơn chia 1 ngày đêm thành 12 thời đoạn, tức 12 giờ. Đến thời Hán, vẫn dùng 12 giờ để tính 1 ngày đêm, nhưng đã dùng 12 Địa Chi để biểu thị, 12 Địa Chi là: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Tên gọi ở bảng dưới đây là cách gọi thông dụng thời giờ 1 ngày đêm của các thời Ân, Chu, Hán. Cách gọi thông dụng này là do cổ nhân đã mượn một số đặc trưng của tự nhiên và sinh vật để tính thời gian; “gà gáy”, “nhân định” là mượn đặc trưng nửa đêm gà gáy và con người đi vào giấc ngủ. “Thực thời” “phô thời”, mượn giờ ăn để biểu thị thời gian, cổ nhân ăn một ngày hai bữa, bữa sáng diễn ra sau khi Mặt trời mọc, trước buổi trưa, do vậy khoảng thời gian này gọi là “thực thời”; bữa tối được thực hiện sau khi Mặt trời lặn trước khi đi ngủ khoảng thời gian này được gọi là “Phô thời”. Ngoài những cách gọi này, con người còn lấy đặc trưng vị trí Mặt trời để tính toán thời gian.

Ngoài việc sử dụng 12 giờ trên, còn 1 cách tính giờ, đó là “bách khắc”. Cách này chia 1 ngày đêm thành 100 khắc, đây là sản phẩm của việc sử dụng đồng hồ cát, nguồn gốc cách sử dụng tính thời gian này không thể có trước thời Thương. Lúc đó, ban ngày người ta dựa vào việc đo bóng Mặt trời, đến đêm thì dựa vào đồng hồ cát.

Một nháy mắt

Người ta thường dùng “một nháy mắt” (nháy mắt) để biểu thị thời gian rất ngắn. Thế “một nháy mắt” khoảng bao nhiêu thời gian?

Trong cuốn Từ nguyên giải thích “thời gian 1 đạn chỉ của Vân tráng sỹ hết 60 nháy mắt” giải thích trong cuốn Lã thị Xuân thu “một đạn chỉ là 20 thuấn”, như vậy 1 thuấn bằng 3 nháy mắt.

Trên thực tế “một nháy mắt” bắt nguồn từ Ấn Độ cổ đại, căn cứ vào ghi chép trong cuốn Tăng chích luật từ điển Phạn cổ đại “1 nháy mắt là 1 niệm, 20 niệm là 1 thu ấn, 20 thu ấn là 1 đạn chỉ, 20 đạn chỉ là một la, 20 la là một tu, một ngày 1 đêm có 30 tu”.

So sánh với thời gian hiện đại, 24 tiếng (một ngày một đêm) có 480 vạn “nháy mắt”, có 14 vạn “thuấn”, có 12000 đạn chỉ, có 30 tu. Nếu ta tính ra giây, 1 ngày 1 đêm có 864.000 giây, như vậy một tu tương đương với 2880 giây, một la bằng 144 giây, 1 đạn chỉ bằng 7,2 giây, một thuấn bằng 0,36 giây. Vậy một nháy mắt bằng 0,018 giây.

Lịch Tạng

Từ xưa tới nay, dân tộc Tạng đã có riêng nền văn hóa của dân tộc mình, bắt đầu từ triều đại nhà Đường, dân tộc Tạng và dân tộc Hán đã có sự giao lưu về Văn hóa. Khi Văn Thành công chúa của nhà Hán sang dân tộc Tạng làm dâu, đã mang theo không ít sách vở đồ đạc, xúc tiến việc dung hòa giữa 2 nền văn hóa Hán – Tạng. Lịch dân tộc Tạng cũng dần được hoàn thiện. Trong lịch dân tộc Tạng có cả thành phần lịch Ấn Độ.

Lịch Tạng mỗi năm có 12 tháng, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày. Cứ 2 năm rưỡi đến 3 năm thêm 1 tháng nhuận để điều chỉnh quan hệ giữa mùa vụ thời tiết. Lịch Tạng cũng được tạo thành trên cơ sở kết hợp lịch Mặt trăng và lịch Mặt trời.

Lịch Tạng dùng Can – Chi để ghi năm, nhưng về sắp xếp có một chút thay đổi. 10 Thiên Can dùng Ngũ hành: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy để thay thế: Giáp, Ất là Mộc, Bính Đinh là Hỏa, Mậu, Kỷ là Thổ, Canh, Tân là Kim, Nhâm, Quý là Thủy. 12 Địa Chi dùng 12 con vật thay thế: Tý dùng Chuột thay thế, sau đó lần lượt là Sửu (Trâu), Dần (Hổ), Mão (Thỏ), Thìn (Rồng), Tị (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Lợn). Như vậy năm Giáp Tý Nông lịch là năm Mộc chuột Tạng lịch, năm Bính Dần Nông lịch là năm Hỏa hổ Tạng lịch.

Lịch Hồi

Lịch Hồi được Muhammad – người sáng lập ra Đạo Hồi sáng tạo ra. Do đó còn gọi là lịch Muhammad. Lịch Hồi là sự kết hợp giữa lịch Mặt trăng và lịch Mặt trời.

Lịch Mặt trăng là Âm lịch thuần tuý, cả năm có 12 tháng, mỗi tháng có 31 ngày, không có tháng nhuận. Cứ khoảng 32 hoặc 33 năm so với Hạ lịch Trung Quốc, Công lịch nhiều hơn 1 năm, cứ 786 năm so với Hạ lịch Trung Quốc, công lịch nhiều hơn năm. Tháng lẻ có 30 ngày, tháng chẵn có 29 ngày, cứ cách 2, 3 năm bố trí một ngày nhuận vào cuối tháng 12, do vậy năm bình thường có 354 ngày, năm nhuận có 355 ngày.

Năm Mặt trăng lấy 30 năm làm 1 vòng, trong mỗi vòng có 19 năm bình thường, 11 năm nhuận. Năm nhuận trong mỗi vòng là các năm 2, 5, 7,10,13,16, 18, 21, 24, 26, 29. Do một năm Mặt trăng so với năm Mặt trời ít hơn từ 10 đến 11 ngày, do vậy lạnh, nóng biến đổi bất thường. Khi ăn Tết, có lúc tuyết rơi, có lúc lại ăn kem. Loại năm Mặt trăng này chỉ dùng cho việc ghi chép lịch sử và các ngày tế lễ tôn giáo.

Năm Mặt trời của lịch Hồi, mỗi năm có 365 ngày năm nhuận có 366 ngày. Trong 128 năm thì có 31 lần nhuận. Năm lịch Hồi và năm Mặt trời phải 8 vạn năm mới chênh nhau 1 ngày.

Lịch Thái

Dân tộc Thái là dân tộc anh em có lịch sử lâu đời, chủ yếu sinh sống ở Tỉnh Vân Nam. Trong quá trình lịch sử, dân tộc Thái đã sáng tạo nên lịch pháp mang đặc điểm riêng của dân tộc mình. Lịch Thái là hợp lịch của Mặt trăng và Mặt trời; năm bình thường có 12 tháng, năm nhuận có 13 tháng, tháng lẻ có 30 ngày, tháng chẵn có 29 ngày. Tháng nhuận được quy định đặt sau tháng 9. Theo lịch này, cứ 19 năm thì 7 năm nhuận. Lịch Thái cũng dùng Can – Chi ghi năm, ghi ngày, cách này làm giống như Nông lịch của dân tộc Hán. Lịch Thái gọi Mồng một là Nguyệt xuất Mồng hai; Ngày Vọng (ngày trăng tròn), giữa tháng gọi là “Đăng bính”. Ngày 16, nửa cuối tháng gọi là Nguyệt Hạ Mồng một, ngày 17 gọi là Nguyệt Hạ Mồng hai… Trong lịch Thái có chế độ ghi ngày: 7 ngày là một vòng (gọi là “châu”), “châu 1” tương đương với “chủ nhật” của công lịch, “châu 7” tương đương với “thứ bảy” của công lịch. Trong lịch Thái còn có quy định riêng biệt điều chỉnh sắp xếp nhuận, đó là cứ cách từ 3 đến 6 năm lại thêm cho tháng 8 một ngày, thành 30 ngày, gọi là “tháng 8 đầy tháng”. Về điểm này giống với nhuận tháng 2 của công lịch, đây là điểm tương đối đặc biệt của lịch Thái.

Lịch Thái bắt đầu ra đời từ ngày 21/03/639 Dương lịch. Hàng năm lịch Thái lấy tháng 6 làm tháng đầu năm. Trong tháng 6,7 của lịch Thái, khoảng một tuần sau Tiết Thanh Minh, cũng vào khoảng trước sau ngày 12/04 Dương lịch là ngày “Tết té nước” của đồng bào dân tộc Thái. “Tết té nước” tương truyền là ngày sinh của Phật, do vậy cũng gọi là “Tết tắm Phật”. Đồng bào Thái rất coi trọng “Tết té nước” cũng giống như người Hán coi trọng Tết Âm lịch

3/5 - (5 votes)

BÀI LIÊN QUAN