Lịch Sử và Văn Minh

Văn minh Crete, nền văn minh cổ xưa nhất châu Âu

Nền văn minh Crete được coi là nền văn minh đầu tiên của châu Âu và là nền tảng cho văn minh Hy Lạp. Người ta khai quật được các phế tích tại đảo Crete

văn minh crete
229 views

Nền văn minh Crete được coi là nền văn minh đầu tiên của châu Âu và là nền tảng cho văn minh Hy Lạp phát triển rực rỡ sau này. Người ta khai quật được các phế tích của nền văn minh này tại đảo Crete, hòn đảo lớn nhất của Hy Lạp và lớn thứ năm vùng Địa Trung Hải, mở ra những khám phá mới của thế giới cổ đại

Vùng Địa Trung Hải

Đi vào nơi tuyệt mỹ nhất của biển khơi, bỏ lại sau lưng Đại Tây Dương và eo biển Gibraltar, chính là vũ đài lịch sử Hi Lạp. “Chúng tôi đã định cư trên bờ biển này,” Plato nói, “như ếch quần tụ bờ ao.”1 Chính trên những vùng duyên hải xa xôi này, nhiều thế kỷ trước chúa Giêsu, người Hi Lạp đã khai phá những thuộc địa còn hoang sơ và man rợ: tại vùng Hemeroscopium và Ampurias của Tây Ban Nha, tại Marseilles và Nice của Pháp, và gần như khắp vùng phía nam Italy và Sicily. Thực dân Hi Lạp đã kiến thiết những thị trấn tại Cyrene vùng bắc Phi, tại Naucratis đồng bằng châu thổ sông Nile; những thương nhân miệt mài của họ đã khuất động quần đảo Aegean, và sau đó là vùng duyên hải Tiểu Á của chúng ta ngày nay; dọc theo eo biển Dardanelles, biển Marmora và Biển Đen họ đã xây dựng thị trấn thành bang phục vụ ngành thương mại viễn dương của mình. Mẫu quốc Hi Lạp chỉ là một phần nhỏ trong thế giới Hi Lạp cổ xưa mà thôi.

Tại sao nhóm văn minh lịch sử thứ hai lại hình thành tại Địa Trung Hải, trong khi nhóm thứ nhất phát triển dọc theo các dòng sông xứ Ai Cập, Mesopotamia và Ấn Độ, và nhóm thứ ba triển nở trên Đại Tây Dương, và nhóm thứ tư xuất hiện bên bờ Thái Bình Dương? Có phải do khí hậu thuận lợi? Ở đây, thời đó cũng như bây giờ 2, những con mưa mùa đông nuôi dưỡng đất đai, cái se lạnh kích thích con người; ở đó, gần như quanh năm, người ta có thể ở ngoài trời cả ngày dưới cái nắng dịu mát. Thế nhưng đất đai ven Địa Trung Hải và các hải đảo nơi đây không có nơi nào trù phú như tại thung lũng màu mỡ sông Hằng, sông Ấn, sông Tigris, sông Euphrates hay sông Nile; hạn hán mùa hè thường đến quá sớm hoặc kéo dài quá lâu; đâu đâu cũng là đá sỏi khuất dưới lớp đất nông bụi cát. Phương bắc ấm áp và phương nam nhiệt đới đều màu mỡ hơn những vùng đất lịch sử nơi đây, nông dân phải kiên nhẫn vất vả với đất đai để trồng nho làm rượu. Và động đất, vì lỗi lầm này nọ trong số hàng trăm lỗi lầm, lúc nào cũng có thể xẻ đôi mặt đất dưới chân người, khiến họ phải hoảng sợ với thần linh. Khí hậu không tạo ra văn minh cho Hi Lạp; mà có lẽ cũng chưa từng tạo ra văn minh nơi đâu.

Cái lôi kéo người ta đến vùng Aegean chính là hải đảo nơi đây. Những hải đảo này rất đẹp; dù có là một thủy thủ bận bịu cũng phải động lòng trước sắc màu biến đổi của những dải đồi vươn lên tựa những đền thờ đổ bóng trên mặt biển. Ngày nay ít có cảnh quan nào trên đời đẹp hơn nơi đây được; và đi thuyền qua biển Aegean ta sẽ hiểu tại sao cư dân ven biển và hải đảo tại đây lại yêu chúng hơn cả cuộc sống, như với Socrate, lưu đày còn cay đắng hơn phải chết. Đi xa hơn, người thủy thủ sẽ hài lòng nhận ra rằng những hòn đảo châu báu tràn lan mọi hướng, thuyền dù sang đông hay tây, lên bắc hay xuống nam, thì cứ một khoảng ngắn chưa đầy bốn mươi dặm sẽ lại gặp đảo. Và những hải đảo này, tựa như đất liền nối dài, chính là những đỉnh núi của một lãnh thổ liền mạch đã bị biển khơi nhận chìm3, có đỉnh vươn cao thu hút tầm nhìm, tựa cột mốc chỉ đường cho những con thuyền không có la bàn. Lại nữa, chiều gió và dòng nước chung tay đưa người thủy thủ đến đích. Có một dòng trung tâm chảy mạnh từ Biển Đen vào biển Aegean, cùng các dòng đối lưu về hướng bắc dọc theo bờ biển; đồng thời gió mùa đông bắc thổi vào mùa hè sẽ giúp những con tàu buôn gạo, buôn cá, buôn lông thú từ biển Euxine quay trở về những hải cảng phương nam. Sương mù ít thấy tại Địa Trung Hải, và cái nắng triền miên biến đổi gió biển đến nỗi tại hầu hết các bến cảng, từ xuân sang thu, người ta có thể ra khơi vào buổi sáng và trở về bằng gió chiều vào buổi tối.

Ở nơi biển đảo hiền hòa này người Phoenicia bản xứ và người Hi Lạp di cư đã phát triển nghệ thuật và khoa học hàng hải. Tại đây họ đã chế tạo những con tàu vừa nhanh vừa lớn, dễ điều khiển hơn bất kỳ loại tàu nào từng đi trên biển Địa Trung Hải trước đó. Dần dà, tuy cướp biển hoàn hành và loạn lạc không ngừng, nhưng những hải trình từ Âu Phi đi châu Á – ngang qua Cyprus, Sidon, và Tyre, hay băng qua biển Aegean và Biển đen – đỡ tốn kém hơn đường bộ vừa dài, vừa gian nan và nguy hiểm, đã vận chuyển hầu hết nền thương mại của Ai Cập và vùng Cận Đông. Giao thương có những cung đường mới, dân số gia tăng và tạo ra thêm của cải. Ai Cập, rồi tới Mesopotamia, rồi Ba Tư dần kiệt quệ; xứ Phoenicia đặt sự đô hộ trên các thành bang dọc vùng duyên hải châu Phi, tại Sicily, và tại Tây Ban Nha; và Hi Lạp nở rộ như đóa hồng được vun tưới.

Tái khám phá nền văn minh Crete cổ xưa

“Có một vùng đất gọi là Crete, nằm giữa biển đậm màu rượu vang, một vùng đất trù phú xinh tươi biển khơi bao bọc; và nơi ấy có chín mươi thành bang4, dân chúng đông không sao kể xiết.” Khi Homer xướng lên những lời này, có lẽ khoảng thế kỷ thứ chín trước công nguyên, thì người Hi Lạp gần như đã lãng quên, tuy rằng thi sĩ thì không, rằng hải đảo này với sự thịnh vượng họ cho là vĩ đại ấy một thời còn giàu có hơn; rằng một thời với hạm đội hùng mạnh nó thống trị gần như cả vùng biển Aegean và một phần đất liền Hi Lạp; và rằng một thời nó đã gầy dựng, hàng ngàn năm trước cuộc chiến thành Troy, một trong những nền văn minh hoa lệ nhất trong lịch sử. Có lẽ chính văn hóa Aegean – cổ xưa với Hi Lạp như Hi Lạp cổ xưa với chúng ta – đã được Homer gợi lại khi ông nhắc tới Thời đại Hoàng kim, là thời dân chúng văn minh hơn và đời sống thanh tao hơn thời loạn lạc ông đang sống.

Khám phá ra nền văn minh đã mất ấy là một trong những thành tựu lớn của khảo cổ học hiện đại. Đây là một hòn đảo lớn gấp hai mươi lần hòn đảo lớn nhất của quần đảo Cyclades, mưa thuận gió hòa, sản vật phong phú, và thuở ấy đầy những ngọn đồi rừng xanh bao phủ, và nằm ở vị trí chiến lược, về mặt thương mại cũng như chiến tranh, chính giữa Phoenicia và Italy, giữa Ai Cập và Hi Lạp. Aristotle đã chỉ ra vị trí này tuyệt vời đến nhường nào, và “đã giúp Minos đô hộ Aegean”5 ra sao. Nhưng câu chuyện của Minos, tuy được hầu hết các nhà văn cổ điển nhìn nhận là sự thật, bị các học giả hiện đại xem là truyền thuyết; và đến tận sáu mươi năm trước thì người ta mới nhất trí với Grote rằng lịch sử văn minh Aegean đã bắt đầu từ cuộc xâm lược của người Dorian, hay đại hội thể thao Olympic. Đến 1878 sau công nguyên (SCN), một thương nhân xứ Crete, hình như tên là Minos Kalokairinos, đã khai quật ra một số di tích lạ lẫm trên một sườn đồi phía nam Candiay. Schiliemann lớn, người sau đó đã hồi sinh lại thành Mycenae và thành Troy, đã đến khu vực này năm 1886, cương quyết cho rằng mảnh đất này đang che phủ tàn tích xứ Cnossus cổ đại, rồi thương lượng với chủ đất để tiến hành khai quật. Nhưng chủ đất là tay xảo quyệt, còn Schiliemann, là thương nhân trước khi làm nhà khảo cổ, đã bực tức rút lui, để mất cơ hội vàng bổ sung thêm một nền văn minh vào lịch sử. Vài năm sau ông qua đời.6

Năm 1893, nhà khảo cổ người Anh là tiến sĩ Arthur Evan mua của những phụ nữ Hy Lạp tại Athen những viên đá cuội họ đeo trên người như bùa chú. Ông tò mò về những chữ khắc trên đá mà không học giả nào đọc được. Lần theo những viên đá đến Crete, ông tìm đường đến đó, và lang thang trên hòn đảo ấy để nhặt nhạnh những thứ mà ông tin là chữ Crete cổ. Năm 1895 ông mua một phần, 1900 toàn bộ, khu vực mà Schilemann và Học viện Pháp tại Athen xác định là thành Cnossus; và trong 9 tuần mùa xuân ấy, với một trăm năm mươi nhân công ra sức đào bới, ông đã khai quật được kho báu quý giá nhất của ngành nghiên cứu lịch sử hiện đại – cung điện vua Minos. Không có gì trong thời cổ đại rộng lớn bằng cấu trúc phức tạp này, mọi thứ hiển hiện được xác định là Mê cung gần như vô tận rất nổi tiếng trong những thần thoại Hi Lạp kể về Minos, Daedalus, Theseus, Ariadne và Minataur. Trong những đống đổ nát này và nhiều nơi khác theo đúng trực giác của Evan, tìm thấy hàng ngàn con dấu và bảng đất sét chép đầy những ký tự giống với những ký tự đã làm ông lần mò đến đây. Hỏa hoạn đã thiêu hủy cung điện Cnossus nhưng giữ lại những tấm bảng này, những chữ tượng hình và văn tự chưa được giải mã viết trên đó đang che đậy câu chuyện sơ khai về vùng Aegea.

Nghiên cứu sinh khắp nơi đổ về Crete. Trong khi Evan đang công tác tại Cnossus thì một nhóm người Ý cuồng nhiệt – Halbherr, Pernier, Savignoni, Paribeni – đã khai quật tại Hagia Triada (Bộ ba Thần thánh) một cái quách đá vẽ cảnh sinh hoạt của người Crete, và tìm thấy tại Phaestus một cung điện chỉ kém rộng hơn cung điện của các vua thành Cnossus. Cùng lúc ấy hai người Mỹ là Seager và bà Hawes đã có những khám phá tại Vasiliki, Mochlos, và Gournia; những người Anh – Hogarth, Bosanquet, Dawkins, Mires – thì tìm kiếm tại Palaikastro, Psychro, và Zakro; rồi chính những người Crete cũng phải quan tâm, và Xanthoudidis và Hatzidakis đào lên được những khu nhà cổ đại, những hang động, và mộ chí tại Arkalochori, Tylissus, Koumasa và Chamazi. Phân nửa các quốc gia châu Âu đoàn kết dưới lá cờ khoa học trong khi những chính khách cùng thời đang sửa soạn chiến tranh với nhau.

Làm sao để phân loại tất cả những tư liệu này – cung điện, tranh ảnh, tượng, dấu, bình gốm, đồ kim khí, bảng và những đồ chạm khác? – chúng thuộc về thời kỳ nào trong quá khứ? Một cách cẩn thận, và với bằng chứng ngày một vững chắc khi việc nghiên cứu tiến triển và kiến thức gia tăng, Evan định niên đại cho những phế tích này theo độ sâu địa tầng của chúng, sự thay đổi về kiểu dáng đồ gốm và sự hòa hợp những phát hiện Crete, về hình dạng hay động lực, với những vật dụng tương tự đào được trong đất hay những trầm tích mà niên đại của nó đã được biết tương đối chính xác. Kiên nhẫn đào tiếp xuống dưới Cnossus rồi cuối cùng ông cũng phải dừng lại khi chạm tới lớp đá nguyên thủy nằm ở độ sâu bốn mươi ba feet. Nửa bên dưới của khu vực khai quật là những cổ vật có đặc điểm của thời Đồ Đá Mới – dạng nguyên thủy của những đồ gốm thủ công với họa tiết trơn đơn điệu, những mũi kim khâu, những tượng thần nở hậu nặn bằng đất sét hoặc đất stetít, những công cụ và vũ khí bằng đá đánh bóng, nhưng không có gì bằng đồng hoặc thiếc. Phân loại đồ gốm, và đối chiếu những phế tích ấy với những phế tích của xứ Mesopotamia và Ai Cập cổ, Evan chia nền văn hóa tiền sử và hậu đồ đá xứ Crete thành ba thời đại – Minoan Cổ, Minoan Trung Cổ, và Minoan Hậu Cổ – mỗi thời đại lại phân làm ba giai đoạn.y

Đồng thau nằm ở tầng sâu nhất, thông qua một kỹ thuật khảo cổ, tiết lộ sự trỗi dậy của một nền văn minh mới trong giai đoạn đồ đá mới. Cuối thời Minoan Cổ người Crete đã tìm ra cách trộn đồng với thiếc, và Thời đại Đồng Thiếc bắt đầu. Đến thời kỳ Minoan Trung Cổ thì xuất nhiên những cung điện cổ xưa nhất; quý tộc xứ Cnossus, Phaestus và Mallia xây cho mình những nơi cư trú xa hoa với vô số phòng ốc, chuồng ngựa rộng mênh mông, nhà xưởng, điện đài và ban thờ, những đường cống khổng lồ phải làm những con mắt Tây phương kinh ngạc. Đồ gốm bắt đầu trở nên sặc sỡ, những bức tường phủ kín bích họa, và một dạng văn tự đồng tiến hóa từ dạng chữ tượng hình của thời kỳ trước đó. Sau đó, vào cuối giai đoạn Minoan Trung Cổ II thì một số thảm họa kỳ lạ đã lưu lại dấu tích vào lớp địa tầng; cung điện Cnossus bị khỏa lấp như thế bởi một cơn địa chấn, hoặc một trận tấn công của quân Phaestus, những kẻ đã dư thừa các cung điện. Nhưng chỉ ít lâu sau sự diệt vong cũng đổ xuống Phaestus, Mochlos, Gournia, Palaikastro, và nhiều thành phố khác của hòn đảo; đồ gốm ngập trong tro bụi, những bình vại khổng lồ cất trong nhà kho đầy những mảnh vụn. Minoan Trung Cổ III là giai đoạn tương đối trì trệ, trong giai đoạn này có lẽ thế giới phía đông nam Địa Trung Hải rơi vào hỗn loạn kéo dài do Hyksos chinh phạt Ai Cập.9

Thời kỳ Minoan Hậu Cổ thì mọi thứ lại bắt đầu trở lại. Nhân loại, dù trong tai họa vẫn luôn kiên nhẫn, đã lấy lại hi vọng, lòng dũng cảm, và một lần nữa kiến thiết lại hết thảy. Những cung điện mới tuyệt mĩ hơn mọc lên tại Cnossus, Phaestus, Tylissus, Hagia Triada, và Gournia. Nơi cư trú của những bậc hoàng tử với sự trang hoàng lộng lẫy, cao tới năm tầng và đượm vẻ vương giả cho thấy một sự giàu có mà Hi Lạp sẽ không bao giờ có nổi cho tới tận thời của Pericles. Rạp hát được dựng lên ngay trong hoàng cung, những cảnh đấu trường của đàn ông và phụ nữ trong những trận tử chiến với thú dữ để làm vui mắt giới quý tộc và công nương mà bộ mặt quyền quý của họ, sự bình than, vẫn còn sống động trên những bức bích họa của những bức tượng được phục dựng lại. Ham muốn nhân lên, khẩu vị tinh tế hơn, và văn chương nở rộ; hàng ngàn ngành công nghiệp cho phép người nghèo thoát khổ bằng cách cung ứng sự thoải mái và khoái cảm cho người giàu. Những tòa vương sảnh tấp nập dân viết thuê kiểm kê xuất nhập hàng hóa; dân nghệ sĩ tạc tượng, vẽ tranh, làm đồ gốm, hoặc mua vui; những đại quan nghị bàn, nghe xử án, hoặc phân phát giấy tờ công văn; trong khi đó thì những hoàng tử eo thon và những công nương phục sức hoa lệ, vai trần quyến rũ, đua nhau dự yến trên những bàn ăn sáng loáng bằng đồng thiếc và vàng. Thế kỉ thứ mười năm và mười sáu trước công nguyên ấy chính là đỉnh cao của văn minh Aegea, thời hoàng kim và kinh điển của xứ Crete.

Phục dựng lại nền văn minh Crete

Khi cố gắng khôi phục lại nền văn hóa bị chôn vùi này từ những phế tích còn lại –  sắm vai nhà khảo cổ Cuvier nghiên cứu những mẫu xương rải rác của Crete – thì hãy nhớ rằng chúng ta đang dấn thân vào một chương trình truyền hình lịch sử chênh vênh, trong đó sự tưởng tượng chính là yếu tố sống còn để nối kết những khoảng trống tư liệu tĩnh tại và rời rạc đã thay đổi vị trí qua bao thời đại. Crete vẫn là điều ẩn giấu cho tới khi những tấm bảng đất sét bí ẩn của nó đến tay Champollion.

Phụ nữ và Đàn ông

Nhìn vào bức tranh tự họa, thật lạ là người Cretan giống với chiếc rìu hai lưỡi nổi bật trong biểu tượng tôn giáo của họ. Người nam cũng như người nữ có kiểu bó thân kì quặc để tạo hình eo thon. Gần như tất cả đều có vóc người thấp, mảnh mai, và thân hình mềm mại, đi đứng uyển chuyển, ăn mặc gọn gàng. Da họ trắng bẩm sinh. Các quý bà, thường trong nơi râm mát, có nước da nhìn chung hơi xanh xao; nhưng đàn ông, kiếm sống dưới ánh mặt trời, thì có nước da rám nắng và hung đỏ nên người Hi Lạp gọi họ là Phoinikes – Mọi đỏ. Đầu dài, đường nét góc cạnh, tóc và mắt đen tuyền, như người Ý ngày nay; có khi người Crete là một nhánh của “Chủng người Địa Trung Hải.”. Đàn ông cũng như phụ nữ để tóc xoăn, có khi xõa xuống trên đầu hoặc trên cổ, có khi rũ xuống mi mắt, có khi để dài phủ xuống vai hoặc ngực. Phụ nữ đội thêm ruybăng cho mái tóc xoăn của mình, còn đàn ông, để cho mặt mũi được gọn gàng, thì thường dùng nhiều loại dao cạo khác nhau, kể cả khi đã xuống mồ.10

Trang phục cũng lạ lùng như con người. Đàn ông thường để đầu trần, đội mũ hoặc cuốn khăn kiểu tam-o’-shanters, phụ nữ thì dùng loại mũ rộng vành như kiểu đầu thế kỷ 20. Chân ít khi mang dép; nhưng nhà giàu thì có kiểu dép da màu trắng, phụ nữ còn thêu hoa văn hai bên, và đính hột vào quai. Thường thì đàn ông ở trần; mặc một loại váy ngắn, thỉnh thoảng đính kèm thêm một chiếc túi bọc bộ hạ khiêm tốn. Người lao động mặc váy xẻ bên hông; ngày lễ lạt thì họ mặc váy dài chạm đất, cả nam và nữ. Cũng có khi đàn ông mặc đồ lót, vào mùa đông thì choàng áo len hoặc lông thú bên ngoài. Trang phục thắt dây ở giữa, vì cả nam lẫn nữ đều muốn thân hình trở nên – hoặc trông có vẻ – thon thả11. Đối lại thì phụ nữ thời gian sau này sử dụng áo nịt ngực, loại áo này sẽ túm váy quấn quanh hông, và tôn lên bộ ngực của họ. Người Crete có một phong tục đẹp đó là ngực phụ nữ thường để trần, hoặc ẩn hiện dưới lớp áo lót mỏng xuyên thấu12; dường như không có ai quấy rối vì điều ấy. Áo lót thắt lại ngay dưới ngực, rồi mở toang ra ở trên, và khi lên phần cổ thì e thẹn khép lại. Tay áo ngắn, có khi phồng ra. Váy, xếp nếp và nhuộm màu sặc sỡ, phồng lên thoải mái từ hông đổ xuống, được tạo hình có lẽ bằng khung kim loại hoặc những chiếc vòng ngang. Trong cách ăn vận và thiết kế trang phục phụ nữ của người Crete ta thấy có sự hài hòa về màu sắc, những đường nét tao nhã, rất có khiếu thẩm mỹ, biểu hiện cho một nền văn minh phong phú và giàu có, đã già dặn về nghệ thuật và những bí quyết. Về những vấn đề này người Crete không có ảnh hưởng gì trên người Hy Lạp; chỉ trong những thành đô hiện đại thì những phong cách của họ mới thắng thế. Ngay cả những nhà khảo cổ thâm trầm cũng phải đặt tên cho bức chân dung một quý bà Crete với bộ ngực bóng bẩy, vành cổ mảnh mai, cái miệng gợi cảm, cái mũi lơ đãng, và một vẻ đẹp hết sức gợi tình là La Parisienne (người Pari); nàng ngồi đó, khiêu khích chúng ta, trên phần diềm tường một thuở các đức ông quyền cao chức trọng từng ngước lên chiêm ngưỡng bức tranh tráng lệ mà chúng ta không bao giờ thấy nữa.13

Đàn ông Crete rõ ràng rất biết ơn vì sự yêu kiều và tính chất phiêu lưu mà phụ nữ đã mang lại cho đời, vì nhờ họ mà phái nam thấy được ý nghĩa của việc tô điểm ngoại hình. Cổ vật còn lại đa phần là trang sức đủ loại: trâm đồng và vàng cài tóc, ghim cài có chạm hình thú hoặc hoa lá bằng vàng, những chiếc đầu tạc bằng pha lê hoặc thạch anh; nhẫn hoặc nữ trang bằng vàng lẫn trong tóc, băngđô đội đầu hoặc mũ miện bằng quý kim; hoa tai, thẻ bài, hạt chuỗi, tràng hạt đeo ngực, dải băng và vòng tay, nhẫn bạc, steatit, mã não, cacnelian, thạch anh tím, hoặc vàng. Đàn ông cũng có một số loại trang sức: nghèo thì đeo vòng cổ hoặc vòng tay bằng các loại đá thông thường; khá hơn thì mang nhẫn có khắc hình chiến trận hoặc săn thú. Bức tượng Người mang cốc nổi tiếng đeo trên hai bắp tay một cái vòng bằng quý kim, trên cổ tay một cái vòng khảm mã não. Mọi nơi mọi lúc trong đời sống Crete, đàn ông luôn thể hiện niềm đam mê đẹp đẽ và đáng hãnh diện nhất của mình– đam mê làm đẹp.

Dùng danh từ đàn ông (man) để chỉ toàn bộ nhân loại là thành kiến trong thời trọng nam khinh nữ, nhưng đem áp dụng cho xã hội nữ quyền của xứ Crete xưa thì khó mà phù hợp. Vì phụ nữ Minoan hoàn toàn không có khái niệm về lối sống khép kín, phong tục che mặt, hay làm vợ lẽ kiểu phương Đông; Không có bằng chứng cho thấy họ phải lánh mình trong xó bếp, hay góc nhà. Nàng làm việc, không nghi ngờ gì nữa, y như phụ nữ ngày nay; nàng vẫn dệt vải và đan rổ, xay bột, làm bánh. Đồng thời nàng cũng lao động với nam giới ngoài đồng và làm đồ gốm, tự do hòa nhập với họ trong các đám đông, ngồi ghế đầu trong rạp hát và đấu trường, đi lại trong xã hội Crete như một quý bà chẳng màng sự hâm mộ; và khi đất nước sáng tạo ra các vị thần thì họ lấy theo hình mẫu của nàng chứ không phải đám đàn ông. Giới nghiên cứu nghiêm cẩn trong thầm kín và cũng chẳng có gì khó hiểu khắc sâu hình ảnh người mẹ trong lòng họ, cúi đầu trước di tích của bà, và ngạc nhiên trước sự thống trị của bà.14

Xã hội

Trên sách vở chúng ta sẽ phác họa Crete là một hòn đảo bị núi non chia cắt thành những lãnh địa của các bộ tộc nhỏ và ích kỷ, sống trong các ngôi làng tách biệt dưới sự lãnh đạo của các tộc trưởng; họ triền miên chém giết nhau, như con người vẫn thế, trong những cuộc chiến bất tận. Rồi xuất hiện một lãnh tụ ưu tú hợp nhất các bộ tộc lại thành vương quốc, rồi xây dựng thành trì tại Cnossus, Phaestus, Tylissus, và nhiều thị trấn khác. Chiến tranh thưa bớt, nhưng mở rộng, và tàn sát khốc liệt hơn; cuối cùng các thành bang giao chiến để làm bá chủ hòn đảo, và Cnossus chiến thắng. Kẻ chiến thắng ấy tổ chức một hạm đội hải quân, thống trị biển Agean, đàn áp cướp biển, đòi cống phẩm, dựng điện đài, và bảo trợ cho nghệ thuật, như thể là tiền kiếp của Pericles vậy19. Khó mà bắt đầu một nền văn minh nếu không có cướp bóc, cùng như khó mà duy trì được nó nếu không có nô lệ.

Quyền lực nhà vua, hình dung qua những phế tích, dựa trên sức mạnh, tôn giáo, và luật lệ. Để dễ bảo dân chúng hơn ngài lợi dụng thần thánh: giới tăng lữ nói với dân chúng rằng ngài là truyền nhân của Velchanos, và đã nhận từ vị thần này luật pháp mà ngài ban hành; và cứ chín năm một lần, nếu ngài xứng đáng và rộng lượng, thì thần linh tiếp tục ban cho ngài quyền lực linh thiêng ấy. Để hình tượng hóa quyền lực ấy, đức vua, đi trước cả Roma và Pháp, sử dụng biểu tượng cây rìu đôi và hoa Irip. Để cai quản quốc gia, như ta thấy viết trên các tấm bảng và khắc trên đá, ngài bổ nhiệm các viên quan lo việc triều chính, quản lý, và ghi chép. Ngài đánh đủ loại thuế, và trữ đầy những kho lúa mì, dầu, và rượu; từ kho tàng ấy ngài trả lương cho quan lại bằng vật phẩm. Từ trên ngai vàng trong cung điện, hoặc ghế thẩm phán trong hoàng cung, ngài đích thân xét xử các vụ kiện cáo, cũng như thực hiện các hình phạt trong những phiên tòa ngài chỉ định; và danh tiếng của ngài trong tư cách là nhà hành pháp vang dội tới mức khi chết ngài trở thành ma vương Hades, Homer khẳng định như thế, một thẩm phán chung cuộc của kẻ chết21. Chúng ta gọi ngài là Minos, nhưng không chắc đó là tên riêng hay không; có thể là một danh hiệu, tương tự Pharaoh hay Ceesar, dùng chung cho nhiều đời vua.

Khi đạt tới đỉnh cao ngạc nhiên thay nền văn minh này mang tính thành thị. Trường ca Iliad nói về “chín mươi thành bang”, và Hy Lạp chinh phạt họ phải kinh ngạc trước dân số đông đúc; ngày nay giới nghiên cứu cũng phải thảng thốt trước những di tích mê cung lát gạch và những cung đường có cống rãnh, những giao lộ, và vô số cửa hàng công trình tạo thành một thứ như trung tâm thương mại hoặc hành chính trong đám đông quần tụ những người nhỏ mọn và lắm lời. Không chỉ Cnosus vĩ đại với những cung điện rộng lớn đến mức trí tượng tưởng cứ ngỡ chúng là một thị trấn, nguồn của cải và huê lợi chính cho sự giàu có của họ. Băng qua hòn đảo, về phía bờ nam, là Phaestus, từ trên hải cảng của nơi này Homer kể rằng, “những con tàu mũi đen được sóng và gió đưa tới Ai Cập.”22 Thương mại về phía nam của Crete thời Minoan phát đạt từ đây, tấp nập với những hàng hóa từ các thương nhân phương bắc chở hàng vượt đất liền để tránh con đường vòng là biển khơi hung bạo. Phaestus trở thành Piraeus của Crete, say mê thương mại hơn nghệ thuật. Thế nhưng cung điện của hoàng tử vẫn là một dinh thự đồ sộ, dẫn lên bằng một cầu thang rộng bốn mươi năm feet; tường và sân sánh ngang với những cung điện tại Cnossus; tiền đình hình tứ giác lát gạch rộng mười ngàn feet vuông; sảnh đón khách có diện tích ba ngàn feet vuông, lớn hơn cả Đại Sảnh Rìu Đôi ở thủ đô phương bắc.

Hai dặm về phía tây là Hagia Triada, nơi có “khu nghỉ dưỡng” hoàng gia (cách ví von đầy hình ảnh) cho Hoàng tử Phaestus sẽ tránh cái nóng hè gay gắt.  Cực đông của hòn đảo, vào thời Minoan, có nhiều thị trấn nhỏ: các hải cảng như Zakro hoặc Mochlos, các làng mạc như Praesus hoặc Pseira, các khu dân cư như Palaikastro, các trung tâm sản xuất như Gournia. Đường cái tại Palaikastro rất khang trang, thoát nước tốt, và hai bên là những dãy nhà rộng rãi; có nhà tầng trệt tới hai mươi ba phòng. Gournia thì tự hào với những con đường lát thạch cao, những căn nhà xây bằng đá không vữa, một xưởng rèn còn lưu dấu tích, một xưởng mộc có bộ đồ nghề, những nhà máy nhỏ tấp nập với việc chế tạo sắt, làm dép, làm bình vại, luyện dầu, hoặc dệt may; giới khảo cổ hiện đại khi khai quật nơi này, và thu thập những giá ba chân, bình vại, đồ gốm, bếp lò, đèn, dao, gạch vữa, đồ kim khí, móc câu, mũi kim, dao găm, và kiếm, đã phải kinh hoảng trước các sản phẩm và thiết bị đa dạng tại đây, và gọi nơi này là he mechanike polis – “Thị trấn cơ khí”23. Xét theo tiêu chuẩn ngày nay thì đường xá của họ chật hẹp, chỉ là những con hẻm theo lối phương Đông bán nhiệt đới vốn sợ ánh mặt trời; và các ngôi nhà hình chữ nhật, bằng gỗ, gạch hoặc đá, hầu hết chỉ có một tầng. Nhưng một số bảng đất sét thời kỳ Trung Minoan khai quật tại Cnossus cho thấy vẫn có những ngôi nhà hai, ba, thậm chí năm tầng, đây đó còn có tầng thượng hoặc tháp riêng cho các thê thiếp; các tầng trên cùng, trong những ngôi nhà được họa này, là cửa sổ lắp các tấm màu đỏ bằng vật liệu gì không rõ. Cửa kép, gắn vào cột có lẽ bằng gỗ bách, mở từ các căn phòng tầng trệt đi ra một khoảng sân có mái che. Bậc thang dẫn đên tầng thượng và mái nhà, nơi những người Crete sẽ ngủ vào những đêm ấm trời. Nếu ngủ trong nhà thì họ sẽ thắp đèn dầu, tùy theo mức thu nhập mà dùng loại đèn bằng đất sét, Steatit, thạch cao, đá hoa cương, hoặc đồng thau.24

Chúng ta biết một vài loại trò tiêu khiển mà họ thường chơi.  Ở nhà thì họ thích chơi cờ, vì trong đống đổ nát của cung điện Cnossus còn lại tới nay sót lại một bàn cờ bằng ngà voi, bo góc bằng bạc và vàng, và đi viền bằng bảy mươi hai bông cúc bằng kim loại hoặc đá quý. Trên đồng họ tìm vui và cảm giác mạnh bằng trò đuổi bắt những con mèo còn bán hoang dã và những con chó săn còn chưa thật thuần. Trong phố thì họ lưu tâm tới các tay đấu sĩ, và trên các bình vại và phế tích còn lại ta thấy có vẽ các cảnh thi đấu giống như quyền anh hạng nhẹ đánh tay không, hạng trung đội mũ có gắn lông chim hết sức quần thảo nhau, và hạng nặng đội mũ, mang giáp má, đeo găng tay dài, chiến đấu cho tới khi một người kiệt sức nằm ra đất, người kia đứng trên anh ta trong tư thế chiến thắng uy dũng.25

Nhưng cái vĩ đại nhất của người Crete xảy đến khi anh ta lao vào đám động tràn ngập trong đầu trường vào một ngày nghỉ để xem những đấu sĩ, cả đàn ông lẫn đàn bà, đối mặt với tử thần là những con bò mộng khổng lồ. Hết lần này đến lần khác họ họa những màn đấu của trò chơi đẫm máu này: tay thợ săn can đảm tóm lấy con bò bằng cách nhảy lên trên cổ nó từ bên hông khi nó gục mặt uống nước trong một cái hồ; Tay dạy thú chuyên nghiệp vặn đầu con vật cho tới khi nó học được cách nghe lời trước những mánh khéo kích động của tay biểu diễn; một diễn viên có nghề, khéo léo và tinh xảo, chặn con bò trong đấu trường, túm lấy sừng nó, tung mình lên không, lộn ra sau lưng nó, rồi tiếp đất trên hai chân trong vòng tay chào đón của bạn diễn nữ, người tạo thêm cảnh sắc cho cuộc diễn26. Ngay ở Crete thời Minoan thì trò này cũng đã là một bộ môn có tuổi; một trục đất sét tìm thấy ở Cappadocia, có niên đại khoảng 2400 B.C, vẽ hình trò túm sừng bò hết sức nguy hiểm và hoành tráng chẳng kém trong những tấm bảng này.26 Trong khoảnh khắc, đầu óc thiển cận của chúng ta thoáng nhận ra sự phức tạp đầy mâu thuẫn của con người khi biết rằng bộ môn đẫm máu và gan dạ này vẫn còn phổ biến ngày nay, cũng cổ xưa như chính nền văn mình.

Tôn giáo của người Crete

Người Crete có thể man rợ, nhưng rất mộ đạo, với cách thức pha trộn giữa loại hình thờ cúng đồ vật và sự mê tín, tính duy tâm và lòng sùng kính. Họ thờ kính núi non, hang động, đá, số 3, cây cối và cột trụ, mặt trời và mặt trăng, dê và rắn, chim bồ câu và bò tốt; khó có thứ gì thoát khỏi nền thần học của họ. Họ cho rằng trong không khí đầy rẫy linh hồn cả thiện lẫn ác, và truyền cho người Hy Lạp một tập thể các thần núi, thần rừng, và thần silen cư ngụ trong thinh không và núi rừng. Họ không trực tiếp tôn thờ biểu tượng sinh thực khí, nhưng lại kính sợ sức sống dồi dào của loài bò và rắn.28  Vì tỉ lệ tử cao nên họ dành sự tôn kính cho tính phồn thực, và khi phát sinh ý niệm thiêng liêng về con người thì họ phác họa một nữ thần mang hình hài người mẹ với bầu ngực đồ sộ và vòng eo thon gọn, với các loài bò sát cuốn quanh cổ và ngực bà, chui vào trong tóc bà, hoặc trườn xuống từ mái đầu bà. Họ thấy nơi nữ thần một thực tại căn bản – kẻ thù lớn nhất của con người, sự chết, bị đánh bại bởi sức mạnh thần bí của người phụ nữ, sự sản sinh; và họ đồng hóa sức mạnh này với thần thánh. Nữ thần mẹ đại diện suối nguồn sự sống, trong cỏ cây muông thú cũng như trong con người; nếu họ bao quanh hình ảnh nữ thần bằng những quần thể động thực vật thì đó là vì chúng tồn tại là nhờ sự phồn thực dồi dào của bà, và vì thế đóng vai trò như biểu tượng và hiện thân của nữ thần. Thỉnh thoảng nữ thần bế trên tay đứa con thiêng liêng của bà là Velchanos mà bà hạ sinh trong một hang núi.29 Chiêm ngưỡng bức tranh cổ xưa này chúng ta thấy hình ảnh của Isis và Horus, Ishtar và Tammuz, Cybele và Attis, Aphoridite và Adonis, và cảm thấy tính nhất quán của văn hóa tiền sử, tính liên tục của các ý tưởng và biểu tượng tôn giáo, nơi thế giới Địa Trung Hải.

Thần Zeus xứ Crete, cách người Hy Lạp gọi Velchanos, theo cảm tình của người Crete thì dưới quyền mẹ ngài. Nhưng ngài lại quan trọng. Ngài được nhân cách hóa trong cơn mưa làm tốt tươi hoa màu, trong làn hơi mà theo tôn giáo này, cũng như trong triết học của Thales, tiềm ẩn nơi mọi sự vật. Ngài chết, lăng mộ ngài nằm đó từ đời nọ đến đời kia trên đỉnh Iouktas, mà nếu giàu trí tưởng tượng du khách có thể nhìn ra được ca khuân mặt vĩ đại của ngài; ngài trỗi dậy từ trong mồ như biểu trưng cho sự hồi sinh của hoa màu, và các tu sĩ Kouretes cử hành các điệu nhảy và đập khiên vào nhau để tôn vinh sự phục sinh chói ngời của ngài.30 Đôi lúc, trong vai trò một vị thần của sự sinh sôi nảy nở, người ta tin ngài nhập thể trong con bò thiêng; và trong hình hài đất ngài ăn ở với vợ của Minos là Pasiphae, rồi nàng ta sinh ra con quái vật Minos-đầu bò, tức là Minotaur, theo thần thoại Crete.

Để chiều chuộng các thần linh này người Crete cử hành một nghi thức cầu đảo và hiến tế long trọng, dùng biểu tượng và lễ nghi, thường do các nữ tu sĩ, nhưng đôi khi là viên chức của thành bang, đảm nhiệm. Để xua đuổi tà ma họ đốt nhang, để đánh thức một quyền phép bị sao nhãng họ thổi kèn, thổi sáo, chơi đàn lia, rồi hát, rồi bè, các bài thánh ca chúc tụng. Để cho giàn nho và đồng lúa nhanh lớn, họ cử hành nghi lễ tưới cây rất trang nghiêm; hoặc các nữ tu sĩ trần tuồng quay cuồng rung những chùm trái chín; hoặc các phụ nữ trong đoàn rước sẽ đội hoa quả như để gợi ý và cũng là của lễ dâng cho nữ thần mà người ta cáng trong kiệu tượng của bà. Dường như họ không có đền thờ, nhưng dựng bàn thờ trong hoàng cung, trong rừng, trong hang, và trên các đỉnh núi linh thiêng. Họ trang hoàng những thánh địa này với những cái bàn để rượu và đồ lễ, đủ các loại ảnh tượng, và “sừng đã làm phép” có lẽ biểu trưng cho con bò thiêng. Họ có vô vàn các loại biểu tượng thánh đại diện cho các thần linh họ tôn thờ: trước tiên là cái khiên, có lẽ là biểu tượng cho nữ thần trong hình hài chiến binh; rồi đến chữ thập – theo phong cách của cả Hy Lạp và Roma, và như thể chữ Vạn – khắc trên trán một con bò hoặc bắp đùi của nữ thần, hoặc khắc lên huy hiệu, hoặc xây bằng đá hoa cương trong cung điện nhà vua; trên hết là rìu đôi, một công cụ thiêng liêng có thần tính nhờ khả năng chảy máu, hoặc một thứ vũ khí thần thánh bách chiến bách thắng của thần linh, hoặc thậm chí là một biểu tượng của Zeus, Thần Sấm, xẻ đôi bầu trời bằng lưỡi sét của ngài.31

Cuối cùng họ dành một chút quan tâm và tôn kính với người quá cố. Họ chôn người chết trong các quan tài đất sét hoặc những chiếc bình khổng lồ, vì nếu không chôn sợ là người chết sẽ trở lại. Để người chết chịu ở yên dưới lòng đất họ chôn theo ít thực phẩm, đồ dụng vệ sinh, và các búp bê phụ nữ bằng đất sét để gần gũi hoặc an ủi người chết trong cõi vĩnh hằng. Đôi lúc, khi bắt đầu có chút hoài nghi và để tiết kiệm, người ta chôn theo các con vật bằng đất sét để thay cho đồ ăn thật. Nếu họ táng một ông vua hoặc một quý tộc hoặc một thương nhân giàu có thì một phần quan tài sẽ làm bằng kim loại quý hoặc trang sức mà sinh thời người quá cố từng dùng; vì cảm thương họ cũng chôn theo một bộ cờ cùng với một kỳ thủ giỏi, một cây đàn kèm theo nhạc công, một chiếc thuyền kèm theo thủy thủ. Định kỳ họ trở lại mộ để cúng tế đồ ăn cho người đã khuất. Họ mong rằng trong miền Elysium thần bí, hoặc trên Quần Đảo Ân Phúc, thần Rhadamanthus, con trai của Velchanos tức thần Zeus, sẽ đón nhận linh hồn đã thanh tẩy của người chết, và ban cho họ hạnh phúc bình an mà sinh thời đã trôi xa tầm tay họ trong cuộc lữ hành trần thế.

Văn hóa

Cái rắc rối nhất của người Crete là ngôn ngữ. Kể từ sau khi người Doian xâm lược, người Crete dùng bảng chữ cái Hy Lạp, hoàn toàn là một ngoại ngữ so với tiếng Hy Lạp ngày nay, phát âm gần giống với tiếng Ai Cập, Cyprus, Hitti, và các phương ngữ Tiểu Á của vùng Cận Đông. Vào thời sơ khai họ chỉ giới hạn ở chữ tượng hình; khoảng năm 1800 TCN thì bắt đầu tinh giản chúng lại thành một thứ chữ viết đồng nhất gồm khoảng chín mươi ký tự; hai thế kỷ sau họ lại tạo ra một chữ viết khác có các ký tự khá giống với bảng chữ cái Phoenicia; có lẽ từ họ, cũng như từ Ai Cập và Semite, người Phoenicia đã tập hợp được các ký tự mà về sau họ sẽ rải khắp vùng Địa Trung Hải để trở thành một công cụ phổ biến, quen thuộc của văn minh phương Tây. Ngày cả thường dân Crete, như mấy vị bồi thẩm kín kẽ, cũng biên soạn, cũng để lại trên các bức tưởng của Hagia Triada những niềm cảm hứng thi ca. Tại Phaestus chúng ta tìm thấy một hình thức in ấn sơ khai: chữ tượng hình trên một cái đĩa lớn khai quật tại đây từ địa tầng Trung Minoan III được khắc lên đất sét bằng những con dấu, mỗi con dấu là một chữ; nhưng cái khó hiểu là ở chỗ những chữ này dường như không phải của người Crete mà là của người nước ngoài; có lẽ cái đĩa này là một sản phẩm nhập khẩu từ phương Đông.32

Những tấm bảng đất sét mà người Crete từng viết trên đó cho thấy họ đã có những thành tựu khoa học. Họ đã biết thuật chiêm tinh, vì họ nổi tiếng là những nhà hàng hải, và truyền thống truyền đến người Crete thời Dorian bộ lịch Minoan cổ. Người Ai Cập nợ họ những bài thuốc, và người Hy Lạp mượn của họ, như còn thấy trong các từ ngữ, những dược phẩm như bạc hà (mintha), ngải tây (apsinthon), và một loại thuốc lý tưởng (daukos) chữa béo phì rất hay mà không làm ảnh hưởng chuyện ăn uống.33 Nhưng đó chỉ là suy đoán của chúng ta, đừng coi là lịch sử.

Tuy văn chương Crete vẫn là một cuốn sách khóa kín, nhưng ít nhất chúng ta có thể chiêm ngưỡng phế tích rạp hát của họ. Tại Phaestus, khoảng năm 2000, họ xây mười dãy ghế bằng đá, dài tám mươi feet, dọc theo bức tường nhìn qua một khoảng sân lát đá; tại Cnossus họ dựng lên mười tám dãy ghế cũng bằng đá, dài ba mươi ba feet, và vuông góc với chúng là 6 dãy ghế dài mười tám đến ba mươi feet. Những rạp hát này, với sức chứa bốn đến năm trăm người, là những hí trường cổ xưa nhất chúng ta từng biết tới – cao tuổi hơn Rạp hát Dionysus tới mười năm thế kỷ. Chúng ta không biết những gì diễn ra trong những sân khấu này; các bức bích họa tả cảnh khán giả đang theo dõi một cảnh tượng, nhưng không rõ là cảnh gì. Rất có thể là một màn tạp kỹ. Một bức tranh tại Cnossus vẫn còn giữ được lại được hình ảnh một nhóm các quý bà, có các chàng vây quanh, đang theo dõi các cô gái mặc đồ lót nhảy nhót trong lùm cây ôliu; một bức khác vẽ hình Người Phụ nữ Nhảy múa, xõa tóc, hai tay giang rộng; các bức tranh khác thì vẽ cảnh nhảy múa dân gian, hoặc vũ điệu cuồng loạn của các tu sĩ, nữ tu sĩ, và các tín đồ trước một bức tượng hoặc một cái cây thiêng nào đấy. Homer mô tả “sàn nhảy mà thời ấy Daedalus xây cho Adriadne tóc bồng tại đại điện Cnossus; ở đó thanh niên thiếu đan tay trong những điệu nhảy… và một thi sĩ thánh thiêng nào đấy sẽ điểm thời gian để tấu đàn lia”34. Đàn lia 7 dây, mà người Hy Lạp cho là sự sáng tạo của Terpander, được tạo hình trên một cái quách đá tại Hagia Triada một ngàn năm trước khi Terpander sinh ra. Cũng trên cái quách đấy là hình sáo đôi, có hai ống, tám lỗ, và mười bốn nốt, đúng như kiểu Hy Lạp cổ điển. Trên một viên ngọc khắc hình một người phụ nữ thổi kèn làm bằng cái vỏ ốc khổng lồ, và trên một cái vại chúng ta thấy cái trống lắc để đánh nhịp cho bước đi của vũ công.

Sự tươi trẻ và duyên dáng thổi hồn cho điệu nhảy và các trò chơi của người Crete cũng nhuộm sắc cho nghệ thuật của họ. Ngoài kiến trúc thì người Crete không để lại bất kỳ tác phẩm nào có tầm vóc vĩ mô hay tráng lệ; họ giống người Nhật Bản thời samurai, thích tập trung vào những bộ môn tinh tế, sinh động hơn, thích trang điểm những vật dụng hàng ngày, và kiên nhẫn hoàn thiện các đồ vật nhỏ nhặt. Như trong mọi nền văn minh cao quý, họ chấp nhận các quy tắc về hình thức và đối tượng công việc, tránh các phóng đại quá mức, và thiên về tự do ngay cả trong những giới hạn về gu thẩm mỹ và thận trọng. Họ rất giỏi về nghề gốm, mài ngọc, khắc cạnh, và chạm nổi, vì ở đây kỹ năng tỉ mỉ của họ tìm thấy động lực và đất sống. Họ gia công đồ bạc và vàng, các vật dụng bằng đá quý, và tạo ra rất nhiều loại trang sức. Họ khắc những con dấu làm chữ ký hành chính, làm nhãn thương mại, hoặc các tờ đơn kinh doanh, họ chạm trổ các chi tiết đời thường nhiều đến nỗi chỉ cần quan sát chúng ta cũng có thể hình dung được nền văn minh của họ. Họ rèn đồng thiếc thành bồn chậu, bình nước, dao găm, kiếm, trang điểm bằng san hô và các họa tiết động vật, và khảm vàng bạc, ngà voi cùng các loại đá quý. Tại Gournia, bất chấp đã bị trộm cắp suốt 30 thế kỷ, vẫn còn sót lại một cái chén bạc được gia công rất tinh tế; và đây đó họ còn để lại những chiếc tù và, sừng uống rượu, cắm trên đầu người hoặc đầu động vật mà đến nay trông còn mang hơi thở sự sống.

Khi làm nghề gốm họ thử đủ các hình thù, và cái nào cũng đạt tới sự điêu luyện. Họ làm vại, tách, chén, ly, đèn, bình, hình thú, và các thần thánh. Lúc đầu, tức thời Cổ Minoan, họ chủ yếu tạo hình bình bằng tay theo các dây truyền kế thừa từ thời Đá Mới, sơn màu nâu hoặc đen, và nung trong lửa để màu đấy chuyển sang các màu sắc ngẫu nhiên. Đến thời Trung Minoan họ học được cách sử dụng con quay, và đạt đến đỉnh cao nghệ thuật này. Họ tạo ra thứ men sánh ngang về độ ổn định và tinh xảo của sứ; họ tạo các màu sắc đen và nâu, trắng và đỏ, vàng và cam, tía và son, rồi trộn lẫn chúng thành các hình thù tuyệt đẹp; Họ làm mịn đất sét hoàn thiện đến mức trong sản phẩm hoàn hảo nhất của mình – các vật dụng “hình trứng” có màu sáng tìm thấy trong hang động Kamares, sườn núi Ida – họ dám mài mỏng thành bình tới 1mm, và tô điểm lên đổ tất cả các hình hài từ trí tượng tượng phong phú của họ. Từ năm 2100 đến 1950 là thời kỳ đỉnh đỉnh cao của đồ gốm Crete; họ biết ký tên vào tác phẩm, và thương hiệu của họ được tìm thấy khắp Địa Trung Hải. Đến thời Hậu Minoan thì họ đã hoàn thiện kỹ nghệ đồ sứ, và biến loại bột hảo hạng này thành các đồ trang trí, bình vại có màu xanh biển, tượng thần đa sắc màu, và các phù điêu sinh vật biển trông thật đến mức Evan tưởng nhầm một con cua bằng sứ là hóa thạch.35 Bấy giờ nghệ nhân yêu chuộng thiên nhiên, và trang trí các bình vại bằng hình động vật sinh động nhất, hình cá cầu kỳ nhất, hình hoa lá tinh xảo nhất, và hình thực vật rực rỡ nhất. Trong thời Hậu Minoan I họ đã tạo ra các tác phẩm trường tồn, Bình Đấu Sĩ và Bình Nông Dân:

5/5 - (5 votes)

BÀI LIÊN QUAN

Leave a Comment