Thiên Văn Học

Chòm sao là gì và truyền thuyết về các chòm sao

Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về các chòm sao, nguồn gốc tên gọi của chúng, cách phân loại, và các truyền thuyết về các chòm sao trên bầu trời

Đăng ngày:

Chòm sao là một nhóm các ngôi sao được người ta liên kết với nhau để tạo thành những hình thù theo trí tưởng tượng của họ. Trong thời cổ đại con người thuộc các nền văn hóa khác nhau thường gắn những truyền thuyết của dân tộc mình với sự ra đời của các chòm sao mà họ hình dung trên bầu trời. Một điều thú vị là tuy cách biệt địa lý và văn hóa, tư tưởng, nhưng các nền văn minh đều tìm ra được những chòm sao giống nhau. Số lượng các chòm sao ngày nay đã được cơ quan thiên văn quốc tế ấn định là 88, và được vẽ trên thiên đồ, hay starmap.

Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về các chòm sao, nguồn gốc tên gọi của chúng, cách phân loại, và các truyền thuyết liên quan. Nếu các bạn chưa nắm rõ các khái niệm cơ bản trong thiên văn, mời đọc bài Thiên văn học nhập môn và những khái niệm căn bản của nhóm.

Khi nhìn lên bầu trời chúng ta sẽ thấy ngay rằng các vì sao tạo thành những hình thù. Từ xa xưa, con người đã đặt tên cho những hình thù ấy, và ta gọi đó là các chòm sao. Mỗi nền văn minh lại có cách gọi tên khác nhau, người Ai Cập gọi khác, và người Trung Quốc gọi khác. Còn hệ thống tên gọi chúng ta đang sử dụng ngày nay là của người Hy Lạp. (Nhưng không ai chắc chắn được chúng bắt nguồn từ đâu, nhiều người cho rằng là từ đảo Crete, nơi phát sinh nền văn minh đầu tiên của loài người, hoặc từ một nền văn hóa gọi là Minoan).

Tên gọi của các chòm sao

Ptolemy, nhà thiên văn học cổ đại vĩ đại cuối cùng, liệt kê bốn mươi tám chòm sao, tất cả đều còn nguyên đến ngày nay, tuy rằng có một chút đổi khác. Tên của các chòm sao này lấy một phần lấy từ các truyền thuyết, một phần từ đời sống hàng ngày. Chẳng hạn ta có chòm sao Orion, tức là chòm Thợ Săn; chòm Hercules, chòm Pegasus, tên của một con người có cánh đã chở người anh hùng Bellerophon tới giao chiến với con quái vật Chimaera, theo thần thoại Hy Lạp. Ta có chòm Triangle, chòm Wolf, và chòm Altar. Tuy nhiên, Ptolemy sống tại Alexandria, và không thế thấy các vì sao ở phía nam. Một số chòm sao có những cái tên khá hiện đại, như chòm Kính Viễn Vọng, chòm Kính Hiển Vi v.v. Ngoài ra, có thời các nhà thiên văn còn thêm vào danh sách vốn đã phức tạp những chòm sao với tên gọi rối rắm như: Sceptrum Brandenburgicum (Vương trượng của Brandenburg), Officina Typographica (Tòa Soạn Báo), hay Globus Aerostaticus (Bong Bóng Bay). Cuối cùng, năm 1932, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế mất kiên nhẫn với hệ thống rối rắm ấy, và chỉ chấp nhận tám mươi tám chòm sao.

Thiên Đồ của người Hà Lan, vẽ khoảng thế kỷ thứ 19
Thiên Đồ của người Hà Lan, vẽ khoảng thế kỷ thứ 19

Đọc thêm:
Bầu trời được phân chia như thế nào?
Vành đai hoàng đạo, thiên cầu và bầu trời xoay vòng

Các chòm sao khác nhau về hình dạng, kích thước, và mức độ quan trọng. Lớn nhất là chòm Hydra (Trường Xà), bao phủ diện tích 1303 độ vuông. Nhỏ nhất là chòm Southern Cross (Thập Tự Phương Nam), chỉ 68 độ vuông. Một số chòm có những vì sao rất sáng, một số khác thì mờ và khó nhận ra hình thù. Tuy nhiên, hệ thống các chòm sao hiện nay đã ổn định, và khó có thể thay đổi gì thêm. Người ta cũng đã cố gắng thực hiện một số thay đổi, chẳng hạn như đổi tên các chòm sao theo tên những chính trị gia lỗi lạc. Nhưng may mắn thay, ý tưởng đó không ai ủng hộ.

Trong thiên văn học người ta sử dụng tên La Tinh của các chòm sao. Tiếng La Tinh tuy không còn được dùng trong đời sống, nhưng vẫn còn là một ngôn ngữ phổ biến. Tên La Tinh thì được cái là đơn giản dễ gọi.

Các ngôi sao còn có tên riêng, thường là bằng tiếng Ả Rập, một phần là vì có thời gian thiên văn học Ả Rập là trung tâm của cả thế giới. Vậy nên chúng ta có một tổng hợp các loại ngôn ngữ khi nói về các chòm sao: Các chòm sao Hy Lạp, tên gọi bằng tiếng La Tinh, và tên các vì sao bằng tiếng Ả Rập. Hiện nay, chúng ta chỉ dùng tên cho những vì sao rất sáng mà thôi, còn các vì sao mờ người ta đặt mã số. Vì không thể nào mà nhớ cho hết nếu sao nào cũng dùng tên gọi riêng của chúng. Năm 1603, nhà thiên văn học người Đức là Johan Bayer đề xuất một hệ thống gọi tên khác, rất tiện lợi và được sử dụng cho tới ngày nay.

Bản đồ các chòm sao của người Ai Cập
Bản đồ các chòm sao của người Ai Cập

Đối với mỗi chòm sao Bayer dùng ký tự La Mã để gọi tên cho những vì sao của nó. Ba ký tự đầu là alpha, beta, và gamma. Như vậy, ngôi sao sáng nhất của chòm sẽ là sao alpha, xếp thứ hai là sao Beta, cứ thế cho đến Omega. Ký tự Hy Lạp sẽ đi kèm thêm tên của chòm sao để cho rõ ràng hơn. Ví dụ ngôi sao sáng nhất của chòm Cygnus thì ta gọi là Alpha Cygni. Của chòm Canis Major thì gọi là Alpha Canis Majoris. Và cứ như thế. Rõ ràng, giới hạn của hệ thống này là ta chỉ có 24 ký tự Hy Lạp. Về sau, nhà thiên văn John Flamsteed đánh số cho các ngôi sao. Theo cách đó thì sao Deneb sẽ được gọi là 50 Cygni.

Cấp sao biểu kiến

Điểm quan trọng thứ hai ta cần lưu ý, đó là độ sáng biểu kiến của một ngôi sao (tức là độ sáng mà mắt thường nhìn thấy), gọi là cường độ sáng của nó, và tính từ dưới tính lên, tức là ngôi sao càng sáng thì chỉ số càng nhỏ. Như vậy, những ngôi sao sáng nhất sẽ có cường độ là 1, mờ hơn là 2, rồi 3, cứ thế mà tính. Những ngôi sao có cường độ lớn hơn 6 thì mắt thường không nhìn thấy được nữa. Bắt đầu từ zero, cường độ các ngôi sao được tính như sau:

0 – là những ngôi sao cực sáng, như sao Capella của chòm Auriga (chòm Chiến Xa) và sao Vega của chòm Lyra (đàn Lya)

1: những ngôi sao rất sáng so với những gì chung quanh nó. Đại khái thì những ngôi sao có độ sáng biểu kiến lớn hơn 1,5 cũng đề được tính là 1. Trên bầu trời có khoảng 21 ngôi sao cấp 1.

2: những ngôi sao tương đối sáng, như sao Polaris (Bắc Cực)

3: Những ngôi sao mờ, nhưng vẫn dễ thấy ngay cả khi những hôm sáng trăng.

4: Những sao mờ, có trăng thì không nhìn thấy được.

5: Những ngôi rất mờ, chỉ khi nào trời thật tối và quang đãng thì mới thấy.

6: Những ngôi sao cực mờ, phải mắt có thị lực tốt mới nhìn thấy vào một đêm trời quang.

Tinh vân tarantula
Tinh vân Tarantula

Thước đo trên có thể mở rộng theo cả hai hướng. Sao Venus có độ sáng biểu kiến là -4. Kính viễn vọng lớn nhất thế giới có thể nhìn thấy những ngôi sao có độ sáng biểu kiến lên tới 30. Những cường độ này được đo rất chính xác bằng các thiết bị hiện đại được biết đến với tên gọi Quang trắc. Nhưng mắt thường của con người chỉ có thể nhìn trong quãng 10 đơn vị. Ví dụ, sao Lupi, ngôi sáng nhất của chòm Lupus, có độ sáng 2,3, hơi mờ hơn sao Bắc Cực có độ sáng là 2. Bốn ngôi sao có độ sáng dưới 0 là Sirius (-1,5), Canopus (-0,7), Alpha Centauri (-0,3), Arcturus (-0,04). Theo thước đo đó thì Mặt Trời có độ sáng là -27.

Một cách tình cờ, những độ sáng biểu kiến này còn mang nhiều ý nghĩa khác. Các số đo này tăng giảm theo tỉ lệ logarith. Tức là, một ngôi sao có độ sáng 1.0 sẽ sáng hơn ngôi sao 6.0 đúng 100 lần.

Lưu ý rằng cường độ sáng tức là độ sáng biểu kiến của một ngôi sao mà mắt chúng ta nhìn thấy, chứ không phải độ sáng trên thực tế của nó. Những ngôi sao xa gần khác nhau đối với chúng ta, vì lý do đó nên mắt chúng ta mới thấy chúng sáng tối khác nhau. Ta lấy ví dụ ngôi sao Sirius của chòm Đại Hùng, và sao Rigel của chòm Thợ Săn (Orion). Cường độ của Sirius là -1,5, còn của Rigel là 0,1. Vậy thì hiển nhiên Sirius phải sáng hơn Rigel. Nhưng trên thực tế sao Sirius chỉ cách chúng ta 8.6 năm ánh sáng, và to Mặt Trời 26 lần. Còn sao Rigel cách chúng ta 900 năm ánh sáng, và to gấp 26,000 lần Mặt Trời. Nếu sao Rigel ở gần chúng ta như Sirius thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với sức nóng đó của nó. Trong thiên văn, những gì bạn nhìn thấy có thể đánh lừa bạn.

sao sirius

Hình dạng thực của các chòm sao

Và nhớ rằng cái mà chúng ta gọi là “chòm sao” thì thực ra chỉ là cách chúng ta nối những ngôi sao mà mắt chúng ta nhìn thấy, tự đặt tên cho chúng, tự gán cho chúng những hình ảnh, chứ trong không gian những ngôi sao ấy có thể cách rất xa nhau. Chẳng hạn như sao chòm sao Thiên Nga có năm ngôi sao tạo thành hình chữ X mà ta gọi là Bắc Thập Tự, gồm: sao Alpha có độ sáng 1,2 cách chúng ta 1800 năm ánh sáng, sao Gamma 2.2 và 750 nas, sao Delta 2.9 và 160 nas, sao Epsilon 2.5 và 81 nas, và sao Beta 3.1 và 390 nas.

Như vậy ta thấy rằng trong không gian các ngôi sao này hoàn toàn không liên quan gì với nhau. Có một điểm lạ trong số năm ngôi sao phía trên, đó là sao Beta lẽ ra nên là ngôi sáng thứ hai mà lại xếp thứ 5. Điều này đôi khi cũng xảy ra. Những cái tên như Beta hay Albireo thường được dùng cho những ngôi sao đặc biệt sáng đẹp, phát ra ánh sáng vàng và hào quang màu lam – tuy rằng mắt thường chúng ta chỉ nhìn thấy một màu.

Giả sử chúng ta thử lập một mô hình thể hiện đúng vị trí của những ngôi sao ấy trong không gian. Nếu bạn đứng ở Trái Đất thì sẽ nhìn thấy những ngôi sao ấy tạo thành hình chữ X. Nhưng nếu bạn đổi vị trí quan sát, chẳng hạn đứng đâu đó giữa sao Deneb và sao Gamma, thì khi đó sao Deneb sẽ nằm ở một phía bầu trời và sao Gamma ở phía còn lại, không còn chữ X nào nữa.

Một ví dụ khác là chòm Thập Tự Phương Nam, với hai ngôi sao sáng là Alpha và Beta Centauri (ở châu Âu không thể nhìn thấy chòm sao này). Sao Alpha Centauri là ngôi sao sáng gần chúng ta nhất, chỉ cách có 4.3 năm ánh sáng, sao Beta Centauri (tên riêng là Agena) cách 460 năm ánh sáng. Hai ngôi sao này hoàn toàn không liên quan gì tới nhau trong không gian, dù khi nhìn từ Trái Đất chúng có vẻ ở cạnh nhau.

Đó chính là sự rắc rối của thiên văn mà chúng ta phải nhớ trong đầu. Các nhà chiêm tinh tin rằng tên các chòm sao rất quan trọng. Chẳng hạn chòm Song Ngư, là dấu hiệu thuộc hành Thủy. Trên thực tế thì chòm sao này được tạo thành từ một vài ngôi sao mờ nhạt mà người ta tự gán cho chúng hình ảnh con cá, hay bất kỳ hình ảnh nào khác họ thích. Nếu mà theo hệ sao của người Trung Quốc hay người Ai Cập cổ đại thì chòm sao này hoàn toàn không tồn tại. Cũng không có chòm Đại Hùng, tuy rằng trong hệ sao của người Ai Cập thì có chòm Con Mèo, hay chòm Hà Mã.

Mười hai chòm sao Hoàng đạo

Các hành tinh, Mặt Trời, và Mặt Trăng, nằm trên vành đai hoàng đạo, có đường hoàng đạo chạy qua ở giữa. Chúng ta có mười hai chòm sao hoàng đạo, bắt đầu từ chòm Aries (Bạch Dương), cho tới chòm Pisces (Song Ngư), tuy rằng còn có chòm Ophiuchus (Người Mang Rắn) cũng cắt vành đai hoàng đạo, nhưng không được tính. Một lần nữa, có sự khác biệt về kích thước và tầm quan trọng giữa các chòm sao trong vành đai hoàng đạo: chòm Scorpio (Thiên Yết) và chòm Gemini (Song Sinh) rất lớn và sáng. Còn chòm Cancer (Ma Kết) và Libra (Thiên Bình) thì lại mờ nhạt và không có hình thù rõ ràng như chòm Pisces. Hình dạng các chòm sao là do con người gán cho chúng, và hoàn toàn không có cơ sở nào cả, chỉ là ngẫu hứng.

12 chòm sao hoàng đạo
12 chòm sao hoàng đạo

Cách tốt nhất để khám phá bầu trời đó là bạn hãy chọn một số chòm sao không thể nhầm lẫn được, và dùng chúng để định hướng. Chòm Đại Hùng đặc biệt hữu dụng với những người quan sát ở bắc bán cầu. Bảy ngôi sao hình “lưỡi cày” của chúng khi nhìn ở Anh sẽ xoay quanh sao Bắc Cực, và không thể có chòm nào khác rõ ràng hơn được. Hai ngôi sao nằm ở đuôi của chòm này (sao Merak và sao Dubhe) chỉ thẳng vào sao Bắc Cực, trong chòm Tiểu Hùng. Ba ngôi sao đuôi của chòm Đại Hùng chỉ vào sao Arcturus, ngôi sao sáng màu cam trong chòm Herdsman, sau đó sẽ chỉ tới sao Spica trong chòm Xử Nữ. Orion là một chòm sao khác cũng rất rõ trên bầu tri72. Ba ngôi sao nằm ở đai lưng của người thợ săn xếp thẳng hàng nhau, một đầu hướng về phía sao Ssirius, và đầu kia chỉ vào sao Aldebaran, ngôi sao sáng màu cam trong chòm Taurus (Kim Ngưu).

Các ngôi sao không có ngôi nào giống nhau. Trong bài viết kế tiếp, dịch thuật Lightway sẽ kể cho các bạn nghe về truyền thuyết liên quan tới những vì sao trên bầu trời.

Truyền thuyết các chòm sao

Chúng ta luôn bị lôi cuốn bởi các câu chuyện thần thoại, nhất là thần thoại Hy Lạp. Có thứ gì đó thật hấp dẫn về những vị thần trên đỉnh Olympia, và rất nhiều anh hùng với đoạn kết không mấy suân sẻ. Nhiều thần thoại đã được lồng ghép cho những vì sao trên bầu trời. Vậy nên trong bài viết này, mời các bạn cùng nhóm dịch thuật Lightway tạm gác những kiến thức khoa học khô khan về thiên văn để đi vào những câu chuyện đầy lôi cuốn này. Và nhớ cho rằng, mỗi thần thoại đều luôn có nhiều phiên bản khác nhau.

Chòm Đại Hùng và Tiểu Hùng

Trước tiên ta hãy nói về hai chòm sao Đại Hùng và Tiểu Hùng. Đại Hùng vốn là một hầu nữ xinh đẹp, con của vua Lycaon xứ Arcadia, theo hầu nữ thần Juno. Buồn thay, nàng còn xinh đẹp hơn chính nữ thần, và đương nhiên nữ thần không thích điều đó chút nào. Vậy nên, nữ thần biến nàng thành một con gấu. Nhiều năm sau, con của Caliisto là Arcas gặp con gấu đó khi đang đi săn. Không nhận ra đó là mẹ mình, chàng giương cung toan bắn. Ngay lúc đó thì Juputor, thần của các vị thần, xuất hiện. Ngài vội vã biến Arcas thành một con gấu khác. Rồi thần túm đuôi hai con gấu ném lên bầu trời, nằm giữa muôn vàn vì sao. Kết quả như ta có thể đoán ra, đó chính là chòm Đại Hùng (gấu lớn) và Tiểu Hùng (gấu nhỏ).

Chòm Đại Hùng

Chòm Orion và Đại Khuyển

Ta hãy kể câu chuyện về chòm sao Orion, hay còn gọi là chòm Cung Thủ, Thợ Săn. Chàng vốn là con trai của thần biển Neptune. Orion tự phụ cho rằng mình có thể giết bất kỳ sinh vật nào trên Trái Đất. Tuy nhiên, thần Juno, vốn ganh tị với Orion, triệu hồi một con bò cạp. Nó bò lên từ một cái hang sâu trên mặt đất, cắn vào gót chân Orion, nọc độc của nó giết chết chàng trai. Sau đó, nữ thần săn bắn Diana, cảm thông với chàng trai, đã hồi sinh chàng và đặt chàng lên bầu trời. Để cho côtng bằng, con bọ cạp cũng bị đưa lên trời, và đặt ở phía đối diện chòm Orion.

Vì là thợ săn, nên Orion có một đoàn tùy tùng; chòm Canis Major (Đại Khuyển) và chòm Canis Minor (Tiểu Khuyển) là những cận thần của chàng, ngoài ra còn có chòm Lepus và chòm Hare nằm dưới gót chân chàng. Vai của Orion có một ngôi sao sáng tên là Betelguex, gót chân có sao Rigel. Nằm phía trên chàng (khi ta quan sát từ bắc bán cầu) là chòm Auriga (Chiến Xa), nổi bật với sao Capella sáng lóa. Theo truyền thuyết thì Auriga tức là Erechthonius, con trai của thần thợ rèn Vulcan. Erechthonius sinh ra đã dị dạng, và được nữ thần Minerva nuôi nấng, và không hay biết gì đến các vị thần khác trên đỉnh Olympian. Đến tuổi trưởng thành, chàng trở thành vua xứ Athen, và phát minh ra loại chiến xa bốn ngựa kéo. Phần thưởng dành cho chàng là được đặt lên nằm giữa các vì sao.

Chòm Sư Tử và Serpentarius

Hercules, vị anh hùng nổi tiếng, cũng được đưa vào các chòm sao, tuy rằng không sáng như chúng ta kỳ vọng. Xung quanh chàng có nhiều chòm sao từng là nạn nhân của chàng: chòm Leo (là con sư tử Nemaean đã bị chàng giết), chòm Hydra (con quái vật trăm đầu bị Hercules tiêu diệt đầm lầy Lernaean), và chòm Cancer (Bọ Cạp). Cancer là một con cua biển khổng lồ do Juno sai đi để tấn công Hercules khi chàng đang chiến đấu với quái vật Hydra. Dĩ nhiên, Hercules hủy diệt con cua này, nhưng Juno không bỏ cuộc, tiếp tục đặt con cua lên một chòm sao trên bầu trời, ở đó cho đến ngàn đời nó sẽ tấn công Hercules.

Chòm Ophiuchus, Người Mang Rắn (Một số nơi gọi là Serpentarius) đại diện cho Aesculapius, con trai của thần Apollo, rất giỏi về nghề thuốc đến mức có thể hồi sinh cả người chết. Tài năng đó khiến thần Pluto, cai quản Âm Phủ, e ngại, sợ rằng sẽ không còn ai chết nữa. Pluto khiếu nại lên thần Jupiter, chúa tể các vị thần, và Jupiter đã dùng sét đánh chết Aesculapius. Sau khi chết, chàng giành được một chỗ trên bầu trời.

Gắn liền với chòm sao Delphinus, Cá Heo, ở bầu trời phương bắc là một truyền thuyết khá thú vị. Câu chuyện liên quan tới Arion, một ca sĩ có giọng ca hay đến nỗi chiến thắng mọi cuộc thi chàng tham gia. Một lần nọ chàng ca sĩ giong buồm đi từ Corinth về quê nhà Sicily, trên thuyền chất đầy những giải thưởng. Thủy thủ đoàn thấy thế thì nổi lòng tham, quyết định vứt chàng xuống biển và cướp đoạt hết giải thưởng của chàng. Tuy nhiên, một con cá heo đã cứu mạng Arion, chở chàng vào bờ, và đưa chàng an toàn đến cảng Jaenarius. Khi con cá heo chết, ở một độ tuổi cũng khá thọ, người ta tưởng nhớ nó và đặt nó lên bầu trời.

Chòm Aries và Argo Navis

Chòm sao Aries, Bạch Dương, thường được xem là chòm sao đầu tiên trên đường hoàng đạo. Chuyện kể rằng Athamas, vua xứ Thebes, có hai người con là Phryxus và Helle. Mẹ kế của hai đứa tré, bà Ino, muốn giết chúng. Vậy nên Mercury, sứ giả của chư thần, sai một con cừu biết bay và có bộ lông bằng vàng tới cứu họ. Khi họ băng qua đại dương thì Hellen trượt chân rớt xuống biển. Nơi chàng rớt xuống được gọi tên là Hellespont. Còn Phryxus thì an toàn đến nơi. Sau khi con cừu chết, bộ lông của nó được đặt vào một hầm mộ bí mật, do một con rồng canh giữ. Bộ lông an toàn ở đó cho đến khi bị Jason cùng đồng bạn cướp đi.

Jason không có chỗ trên bầu trời, nhưng con tàu của chàng, Argo, thì có. Tuy nhiên, chòm sao Argo Navis lớn đến nỗi vào năm 1932, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế quyết định chia nó làm ba, chòm Carina (sàn thuyền), chòm Puppis (đuôi thuyền), và chòm Vela (cánh buồm). Vậy nên sao Canopus, hay tên gọi khác thông dụng hơn là sao Alpha Argus, trở thành sao Alpha Carinae.

Chòm Xử Nữ và Andromeda

Chòm sao Virgo, Xử Nữ, được xác định là một trong những người con gái của thành Jupiter, tên nàng là Astraea, nữ thần công lý, đấng cai quản thế giới trong Thời đại Hoàng kim. Đến khi các chuẩn mực đời sống bị suy đồi thì thần Astraea rất buồn lòng, đến nỗi nàng quyết định trở về Olympus.

Có lẽ nổi tiếng nhất trong số các truyền thuyết là câu chuyện về chàng Perseus, người đã giết Gorgon, Medusa, con quái vật có bộ tóc toàn là rắn và nếu nhìn ai thì người đó sẽ hóa đá. Perseus sở hữu một lợi thế không ai có, đó là chư thần đã ban cho chàng một đôi giày biết bay, và một cái khiên mà chàng có thể dùng để đối phó với Medusa. Khi giao chiến với con quái vật, chàng sẽ nhìn hình phản chiếu của nó trên tấm khiên. Sau khi chặt đầu Medusa, Perseus trở về nhà, trên đường đi chàng bắt nàng nàng công chúa Andromeda vô cùng xinh đẹp đang bị trói vào một cái cọc trên bờ biển. Câu chuyện của nàng cũng khá nhiêu khê. Mẹ nàng là nữ hoàng Cassiopeia đã xúc phạm hải dương thần Neptune. Đáp lại, thần sai một con thủy quái đến tấn công vương quốc. Vua Cepheus gieo quẻ để hỏi ý kiến các thần linh, và được cho biết chỉ có một cách duy nhất làm thần Neptune nguôi giận, đó là dâng công chúa cho con thủy quái. May mắn thay Perseus đến kịp lúc, và đập chết con thủy quái. Sau đó chàng cưới Andromeda. Đây là câu chuyện hiếm hoi có kết thúc tốt đẹp trong thần thoại Hy Lạp. Perseus, Cepheus, Cassiopeia, Andromeda, và ngay cả con thủy quái (Cetus) đều được đưa lên bầu trời trở thành các chòm sao, tuy rằng trước đó quái vật Cetus đã bị biến thành một con cá voi vô hại.

Các chòm sao hiện đại không phát xuất từ những truyền thuyết nữa, nên cũng mất đi cái vẻ thần bí và lãng mạn. Có rất ít các chòm sao mà hình dạng của chúng giống với cái tên chúng mang, như chòm Tam Giác, chòm Vương Miện. Ta cũng có thể nối các vì sao của chòm Trường Xà thành hình một con rắn ngoằn nghèo trên bầu trời. Tất nhiên rằng sử dụng hệ thống trật tự và khoa học thì sẽ dễ dàng sắp xếp các chòm sao hơn, nhưng nếu thiếu đi các thần thoại thì có lẽ chúng sẽ không còn hấp dẫn nữa.

4.7/5 - (8 votes)

BÀI LIÊN QUAN