Antony và Cleopatra là vở bi kịch năm hồi nổi tiếng của đại thi hào William Shakespeare. Vở kịch lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử về mối tình giữa hoàng đế Antony của đế quốc La Mã và nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập. Mối tình đượm màu sắc chính trị nhưng cũng đầy bi thương, lãng mạn này đã trở nên bất hủ qua tài năng của Shakespeare
Đọc toàn văn kịch Antony và Cleopatra bản tiếng Anh
✥Mua trọn bộ bản dịch 5 hồi vở kịch này: 200.000
✥Mua combo bản dịch 9 bộ kịch nổi tiếng nhất của Shakespeare: 350.000đ (Hamlet, Romeo & Juliet, Macbeth, King Lear, Antony and Cleopatra, Julius Ceasar, Giấc Mộng Đêm Hè, Đêm Thứ Mười Hai, và Người Lái Buôn Thành Venice)
☎Call/zalo: 0968017897
Giới thiệu vở kịch Antony Và Cleopatra của William Shakespeare
Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định được niên đại cụ thể của Antony và Cleopatra. Theo Edmond Malone chuyên gia nổi tiếng về Shakespeare, có lẽ tác giả đã viết vở này vào năm 1608, còn Frederick James Furniwall thì cho rằng nó được hoàn thành vào năm 1606.
Vấn đề nguồn xuất xứ của vở là điều khá rõ ràng. Nó hầu như duy nhất dựa vào Cuộc đời Antoine trong bộ Những người lỗi lạc của Plutarch. Không một tác phẩm nào khác của Shakespeare lại “nợ nần” Plutarch nhiều như Antony và Cleopatra. Có thể nói đây giống như một sự chuyển thể từ tiều thuyết sang sân khấu, do một bàn tay thiên tài thực hiện.
Tác phẩm kể lại sự suy tàn của Antony, con người đã từng là một anh hùng cái thế, giờ trở thành nô lệ sắc đẹp của Cleopatra. Quá trình sa đọa của Antony cả về tinh thần và thể chất rất nhanh chóng. Cũng có đôi lúc khí phách dũng tướng thuở xưa bùng lóe để rồi lại tắt ngấm ngay. Kết thúc bi thảm của con người này được mô tả như sự sụp đổ của một thế giới cố tìm cách quên đi trong khoái lạc thấp hèn cái nguy cơ tiêu vong đang tới. Sân khẩu đã nhiều lần đưa lên hình tượng Antony và Cleopatra, nhưng phải đến Shakespeare, câu chuyện “anh hùng và giai nhân” này mới được nâng tới mức trở thành một kiệt tác. Trên cùng một bình diện, người chinh phục thế giới thì tàn lụi thành một nạn nhân khốn khổ của hành lạc trác táng, còn người đẹp tà dâm thì, trong tiến trình kịch, phát triển phần tính chất trong bản ngã để đến màn cuối ngời lên trong tư thế kiêu hãnh của một nữ vương thật sự. Cả hai nhăn vật chính đều phô những nhược điểm của mình hơn là những nét đẹp đẽ, cao cả. Nhưng chính sự giao tiếp của hai yếu nhược đồ sộ ấy đã tạo nên một mãnh lực bất ngờ – suốt năm hồi kịch, nó lớn lên, lừng lững đe dọa như mây dông, rồi chao chạnh, rồi sụp đổ. Sự thống ngự thế giới tiêu tan trong một dam mê tình dục tột đỉnh.
NHÂN VẬT
MARK ANTONY, OCTAVIUS CAESAR, LEPIDUS | Tam đầu chế (ba người đứng đầu chính quyền La Mã) |
SEXTUS POMPEIUS | |
DOMITIUS ENOBARBUS VENTIDIUS EROS SCARUS DERCETUS DEMETRIUS PHILO | Phe Antony |
MAECENAS AGRIPPA DOLABELLA PROCULEIUS THIDIAS GALLUS | Phe Caesar |
MENAS MENECRATES VARRIUS | Phe Pompey |
TAURUS | Phó tướng của Caesar |
CANIDIUS | Phó tướng của Antony |
SILIUS | Một sĩ quan dưới quyền Ventidius |
EUPHRONIUS | Sứ giả của Antony |
ALEXAS MARDIAN SELEUCUS DIOMEDES | Hầu cận của Cleopatra |
Thầy bói Bác nông dân | |
CLEOPATRA | Nữ hoàng Ai Cập |
OCTAVIA | Em gái Caesar và vợ Antony |
CHARMIAN IRAS | Thị nữ của Cleopatra |
Cùng nhiều sĩ quan, lính, liên lạc chạy tin và tùy tùng khác |
Chuyện xảy ra ở nhiều nơi thuộc đế quốc La Mã
HỒI MỘT
CẢNH I
Thành Alexandria
Một căn phòng trong cung điện của Cleopatra
Demetrius và Philo ra
PHILO – Này, sự mê lú của chủ tướng ta thật đã đến chỗ quá quắt. Cặp mắt xưa tinh anh lướt trên trùng trùng binh mã, rực cháy như bộ giáp của thần Chiến Tranh, nay đờ dại, lụp cụp xuống khuất phục, khi lại dồn hết dạ tôn thờ, cúc cung tận tụy vào ánh nhìn đặt trên một vầng trán ngăm đen. Trái tim dũng tướng trong những trận giáp chiến lớn đã từng làm bật tung đai nịt trên ngực, giờ khước từ mọi hào khí và trỏ thành cái bễ để quạt mát cơn dâm của một ả Digan. Trông kìa! Họ đang đến.
Một hồi kèn, Antony và Cleopatra cùng tùy tùng ra; một số quan thị quạt hầu Cleopatra
CLEOPATRA – Nếu quả thực chàng yêu em, xin hãy nói cho em biết là yêu đến độ nào.
ANTONY – Phàm tình yêu mà đã có thể ước lượng được thì chỉ là bần tiện nhỏ nhen.
CLEOPATRA – Em sẽ đặt một cái mốc buộc tình yêu của chàng phải vươn tới.
ANTONY – Nếu vậy, nàng cần phải tìm ra những cõi trời, đất mới.
Một người hầu ra
NGƯỜI HẦU – Trình đức ông, có tin từ La Mã.
ANTONY – Đừng làm rườm tai ta. Nói gọn lại.
CLEOPATRA – Antony, chàng hãy nghe họ nói, có thể là Fulvia nổi giận chăng. Hoặc giả biết đâu chẳng phải là gã Caesar cằm nhẵn thín không một sợi râu truyền uy lệnh đến chàng: “Ngươi hãy làm việc này việc nọ; chiếm vương quốc này, tha tiểu bang kia. Hãy thi hành lệnh, kẻo chúng ta sẽ kết tội ngươi”.
ANTONY – Kìa, tình yêu của ta, sao nàng nói vậy!
CLEOPATRA – À, mà dễ thường thế này thì có lý hơn cả. Chàng không được lưu lại đây nữa. Caesar đã xuống lệnh triệu hồi chàng. Cho nên Antony chàng ơi, hãy nghe trát đòi. Nào đâu, trát của Fulvia? Quên, ta định nói của Caesar. Hay là của cả hai? Hãy gọi bọn chạy tin vào. Antony, chàng đỏ mặt kìa, đúng thế đấy, đúng như ta thật sự là Nữ hoàng Ai Cập vậy. Và sắc mầu hồng lên trên mặt chàng biểu hiện sự tôn sùng đối với Caesar. Hoặc giả, đôi má chàng thường lộ vẻ xấu hổ như thế chăng, mỗi khi Fulvia nhiếc mắng. Cho bọn đưa tin vào!
ANTONY – Mặc cho thành La Mã tan vào sóng nước của sông Tibơ và thây kệ cái vòm mênh mông của đế quốc rộng lớn ấy sụp đổ! Đây là bờ cõi của ta. Mọi vương quốc đều là đất sét cả thôi: trái đất nhớp nhúa của chúng ta nuôi cả thú vật lẫn người. Cái cao quý của cuộc sống là ở chỗ làm như thế này (Ôm hôn Cleopatra) khi mà hai người yêu nhau như đôi ta, một cặp uyên ương như đôi ta có thể làm như thế. Và về điểm này, ta cam đoan rằng khắp gầm trời, đôi ta là độc nhất vô nhị, cả dương gian hãy biết lấy điều đó, nói sai ta xin chịu tội.
CLEOPATRA (nói riêng) – Ôi, lời dối trá tuyệt vời! Cớ sao chàng lấy Fulvia mà không yêu mụ? Mình sẽ làm như bị lừa, nhưng thực ra thì không. (Nói to) Antony sẽ vẫn là Antony.
ANTONY – Song bị Cleopatra khuynh đảo – Thôi nhé, vì tôn quý tình yêu, ta đừng phí thì giờ cãi vã nữa. Chớ để một phút nào của đời chúng ta trôi đi ngoài dòng lạc thú. Đêm nay, ta tiêu khiển trò gì nhỉ?
CLEOPATRA – Nghe đám sứ giả.
ANTONY – Chao! Nữ hoàng gây gổ! Nàng làm gì cũng hợp: trách móc, cười, khóc, đều duyên dáng. Ớ nàng, mọi dục vọng đều phát huy đến hoàn mỹ khiến ai nấy đều ngưỡng mộ. Ta không tiếp sứ giả nào, ngoài sứ giả của nàng. Và đêm nay, chỉ riêng đôi ta sẽ lang thang các phố quan sát sinh hoạt của dân chúng. Lại đây, nữ hoàng của ta.
– Đêm trước nàng tỏ ý muốn thế mà. (Với đám hầu) – Đừng có nói gì với chúng ta.
ANTONY và Cleopatra cùng tùy tùng vào
DEMETRIUS – Chẳng lẽ Antony coi thường Caesar đến thế sao?
PHILO – Phải, ông ta thỉnh thoảng vẫn vậy khi ông ta không còn là Antony, khi ông ta bỏ rơi mất cái phẩm cách cao cả mà ngay đến giờ Antony vẫn cần giữ.
DEMETRIUS – Tôi thật đau lòng thấy chính ông ta xác nhận những lời nhảm nhí do bọn ngồi lê đôi mách tầm thường đồn đại về ông ta ở La Mã. Nhưng tôi hy vọng ngày mai ông ta sẽ hành động khá hơn. Hãy nghỉ ngơi thoải mái.
Cùng vào
CẢNH 2
Vẫn cung điện ấy, một căn phòng khác
Charmian, Iras, Agrippa và một thầy bói ra
CHARMIAN – Ngài Agrippa, Agrippa thân yêu. Agrippa mọi bề ưư tú, Agrippa hồ như tuyệt đỉnh, đâu rồi lão thầy bói mà anh ca ngợi hết lời với hoàng hậu? ôi, sao mà tôi muốn biết các đức ông chồng mà, theo lời ngài, sẽ phải mang đôi sừng che đậy dưới những vòng hoa.
AGRIPPA – Thầy bói!
THẦY BÓI – Ngài muốn gì ạ?
CHARMIAN – Ông ta đây ư? Thưa, phải chăng thầy là người biết trước mọi sự.
THẦY BÓI – Trong pho sách vô tận những kỳ bí của trời đất, tôi có đọc được đôi điều.
AGRIPPA – Cô hãy đưa tay cho ông ta xem.
ENOBARUS – Dọn tiệc mau lên. Sao cho đủ rượu vang để uống mừng sức khỏe Cleopatra.
CHARMIAN – Xin thầy hãy ban cho tôi may mắn.
THẦY BÓI – Tôi không tác tạo mà chỉ tiên đoán thôi.
CHARMIAN – Ông ta muốn nói về mặt xác thịt đấy.
IRAS – Không, ý ông ta muốn nói là về già, chị sẽ bôi son trát phấn bự lên.
CHARMIAN – Để che lấp những nếp nhăn.
AGRIPPA – Thôi đừng có làm rối tai tiên tri của thầy. Hãy chăm chú lắng nghe nào!
CHARMIAN – Suỵt!
THẦY BÓI – Cô sẽ yêu nhiều hơn là được yêu.
CHARMIAN – Nếu vậy, thà tôi uống rượu cho cháy ruột gan còn hơn.
AGRIPPA – Kìa, nghe thầy nói chứ!
CHARMIAN – Bây giờ, hãy đoán cho tôi một vận may tuyệt đỉnh nào đó. Sao cho tôi, một buổi sáng cưới liền ba vị hoàng đế, để rồi ba lần thành quả phụ luôn, sao cho tôi năm mươi tuổi còn sinh một con trai mà Hirôđ-vua Do Thái-cũng phải bái phục, sao cho tôi lấy Octaviax Caesar và sánh vai ngang hàng với nữ chúa của tôi.
THẦY BÓI – Cô sẽ sống lâu hơn vị phu nhân mà cô đang hầu hạ. Charmian – Ồ, tuyệt! Tôi thích sống lâu hơn là thích ăn sung ăn vả.
THẦY BÓI – Quãng đời trước đây cô đã thấy và trải qua còn tốt đẹp hơn số phận đang chờ cô.
CHARMIAN – Vậy dễ thường con cái tôi sẽ không có tên chắc. Xin thầy cho biết tôi có bao nhiêu trai, bao nhiêu gái?
THẦY BÓI – Nếu mỗi dục vọng của cô đều là một dạ con và đều mắn đẻ thì cô phải có tới triệu đứa.
CHARMIAN – Cút khỏi đây, đồ ngu! Ta tha cho ngươi vì lẽ ngươi là một lão phù thủy.
AGRIPPA – Cô tưởng chỉ có tấm mền trải giường cô mới biết những dục vọng thầm kín của cô chăng?
CHARMIAN – Thôi, đoán luôn số mệnh của Iras xem sao nào.
AGRIPPA – Rồi tất cả chúng ta đều biết số mệnh của mình.
ENOBARUS – Số mệnh của tôi và của đa số trong chúng ta đêm nay là sẽ say khướt khi về giường ngủ.
IRAK – Đây là một bàn tay báo hiệu sự trong trắng, chí ít là như thế. Charmian – ừ, cũng như sông Nil tràn bờ là điềm báo nạn đói vậy.
IRAS – Thôi đi, cô bạn cùng giường rồ dại, cô không biết đoán tương lai đâu.
CHARMIAN – Này chứ, nếu một bàn tay mồ hôi dầu không phải là dấu hiệu tốt nái, thì quả là tôi thậm chí gãi tai cũng không nên. Xin thầy đoán cho chị ta một số mệnh xoàng xĩnh thôi.
THẦY BÓI – Số phận của hai cô cũng như nhau.
IRAS – Sao? Sao kia? Xin thầy cho biết kỹ hơn một chút.
THẦY BÓI – Tôi đã nói rồi đó.
IRAS – Liệu tôi có may mắn hơn chị ấy được một phần nào không?
CHARMIAN – Ồ, ví thử chị được hơn tôi một phần may mắn thì chị muốn nó ở đâu nào?
IRAS – Tất nhiên không phải ở mũi chồng tôi.
CHARMIAN – Lạy trời uốn nắn cho những ý nghĩ xấu xa hơn của chúng ta! Nào, đến lượt Agrippa, số mệnh anh ấy, phải, hãy nói xem số mệnh anh ta ra sao? Ôi Isis, nữ thần hôn nhân và gia đình hiền dịu, xin hãy kết se cho anh ta lấy một cô vợ bán thân bất toại, rồi làm cho cô ấy chết đi, để anh ta lấy một cô khác còn tệ hơn nữa. Và tiếp theo là những cô ả đốn đời nhất trong bọn vừa cười khanh khách vừa tiễn đưa anh chàng năm mươi lần mọc sừng đến mồ. Isis chí thiện, xin hãy nghe lời cầu nguyện đó của tôi, cho dù nữ thần có phải từ chối tôi một điều quan trọng hơn thế, Isis chí thiện, tôi cúi xin người.
IRAS – Amen! Nữ thần kính yêu, xin hãy nghe lời nguyện cầu này của người trần. Bởi lẽ trai khôn lấy phải vợ dại là một nghịch cảnh đau lòng bao nhiêu, thì một gã khờ khốn kiếp mà không bị cắm sừng cũng đáng buồn bấy nhiêu, buồn đến chết được. Vì thế cho nên, nữ thần Isis quý mến, xin hãy giữ thuận lẽ trời và cho anh ta một duyên số phù hợp.
CHARMIAN – Amen!
AGRIPPA – Xem kìa, giá các cô ấy có thể định đoạt tôi thành một kẻ mọc sừng thì các cô dù có phải biến thành gái điếm cũng cam, miễn là làm được điều ấy.
ENOBARUS – Suỵt! Antony đến kìa!
CHARMIAN – Không phải tướng quân. Hoàng hậu đấy!
Cleopatra ra
CLEOPATRA – Các người có thấy tướng quân của ta không?
ENOBARUS – Không, thưa Lệnh bà.
CLEOPATRA – Vừa nãy, người có tới đây không?
CHARMIAN – Tâu Lệnh bà, không ạ.
CLEOPATRA – Người đang vui vẻ, nhưng rồi đùng một cái, người chợt nghĩ đến La Mã. Enobarus!
ENOBARUS – Dạ, thưa Lệnh bà!
CLEOPATRA – Hãy đi tìm người về đây. Agrippa đâu?
AGRIPPA – Có tôi đây, xin phụng mệnh hoàng hậu. Tướng quân đang tới kia ạ!
Antony cùng một người đưa tin và tùy tùng ra
CLEOPATRA – Chúng ta sẽ không giáp mặt chàng. Theo ta.
Cleopatra, Enobarus, Agrippa, Iras, Charmian, thầy bói và đám người hầu vào
NGƯỜI ĐƯA TIN – Fulvio, phu nhân của tướng quân, đã dẫn đầu xung trận.
ANTONY – Để đánh lại em trai ta Lucius?
NGƯỜI ĐƯA TIN – Dạ… Nhưng chẳng bao lâu cuộc chiến đó đã chấm dứt. Tình thế buộc họ phải kết thân, hợp sức lại chống Caesar. Ngay trong trận giao chiến đầu tiên, Caesar đã thắng và đuổi họ ra khỏi.
ANTONY – Chà, còn chuyện gì là tệ hại nhất?
NGƯỜI ĐƯA TIN – Tin dữ vốn bao giờ cũng làm nhiễm độc miệng kẻ nói ra.
ANTONY – Nhưng chỉ khi nó liên quan đến những kẻ ngu dại hoặc hèn nhát mà thôi. Nói tiếp đi! đối với ta, những gì đã qua là xong đứt. Thế này nhé: kẻ nào nói sự thật với ta, dù chuyện đó chứa đựng chết chóc, ta sẵn sàng nghe như lời tán tụng.
NGƯỜI ĐƯA TIN – Đây là tin dữ: Labienus cùng với đạo quân Parthia đã tràn sang châu Á. Xuất phát từ sông Euphrates, ngọn cờ chiếu thẳng của y đã phất phới từ Syria qua Lydiai tới Ionia, trong khi đó thì…
ANTONY – Ngươi định nói trong khi đó thì Antony…
NGƯỜI ĐƯA TIN – Ồ, thưa tướng quân!
ANTONY – Cứ nói trắng ra cho ta nghe, đừng có làm giảm nhẹ miệng tiếng chung của dân dã. Cứ gọi Cleopatra bằng cái tên người ta dùng để chỉ nàng ở La Mã. Cứ việc xỉ vả bằng giọng lưỡi của Fulvia và bêu riếu những lầm lỗi của ta thả cửa, bằng những lời nanh nọc mà sự thật cùng với thói gièm pha độc địa có thể thốt ra. Ôi! Hễ bặt gió lành là y như rằng cỏ dại mọc ra. Được ai nói cho hay những tật xấu của mình, thật tựa như đâm bông nảy hạt vậy. Thôi tạm biệt ngươi!
NGƯỜI ĐƯA TIN – Xin phục tùng ý muốn cao cả của tướng quân.
Vào
ANTONY – Bớ sứ giả mang tin từ Sicyon. Lên tiếng đi nào!
HẦU CẬN THỨ NHẤT – Có ai từ Xixiơn đến không?
HẦU CẬN THỨ HAI – Y đang chờ lệnh tướng quân.
ANTONY – Cho y vào. Ta phải phá tung những xích xiềng Ai Cập nặng trĩu này, kẻo sẽ chết phí đời trong mê muội mất.
Một người đưa tin khác vào
– Ngươi là ai?
NGƯỜI ĐƯA TIN THỨ HAI – Fulvia, phu nhân của ngài, đã chết.
ANTONY – Nàng chết ở đâu?
NGƯỜI ĐƯA TIN THƯ HAI – Ở Sicyon. Thời gian phu nhân lâm bệnh là bao lâu, cùng những điều nghiêm trọng khác mà ngài cần biết, đều được ghi trong này.
Chìa ra một bức thư
ANTONY – Hãy lui ra, để ta một mình.
Người đưa tin thứ hai vào
Thế là một linh hồn vĩ đại ra đi và chính ta đã muốn thế! Những gì thói khinh bạc của ta vứt bỏ, rồi có lúc ta ước ao lấy lại được. Nỗi lạc thú hôm nay, do sự thể xoay vần, sẽ giảm sút và trở thành điều trái ngược hẳn lại. Giờ đây, Fulvia ra đi rồi ta mới thấy giá trị của nàng; bàn tay từng xô đẩy nàng đi, giờ những muốn kéo nàng trở lại. Ta phải dứt khỏi nữ hoàng yêu ma này. Tình trạng nhàn cư dông dài của ta đã ươm mầm cho muôn vàn tai hại còn tệ hơn những điều xấu xa đã trải. Ôi, Enobarus!
ENOBARUS – Tướng quân cần gì ạ?
ANTONY – Ta phải cấp tốc đi khỏi nơi đây thôi.
ENOBARUS – Thế thì chúng ta giết đám mỹ nhân của ta mất. Chúng ta lạ gì, một điều bất nhã cũng đủ làm họ tử thương. Nếu phải chịu ly biệt với chúng ta, các cô nàng sẽ chết cầm chắc.
ANTONY – Ta phải đi.
ENOBARUS – Nếu hoàn cảnh bắt buộc, thì cũng đành phải hy sinh bầy đoàn tỳ thiếp vậy thôi. Dù sao, nếu không có nguyên cớ mà bỏ rơi họ thì kể cũng đáng tiếc. Nhưng khi phải cân nhắc giữa họ với đại nghĩa, thì phải coi nó là chuyện thường tình không đáng kể. Cleopatra chỉ cần loáng thoáng nghe tin này cũng đủ chết ngay tức khắc. Tôi đã thấy nàng chết giấc hàng hai chục bận vì những chuyện vặt vãnh hơn nhiều. Thậm chí tôi đâm nghĩ vẩn vơ là có khi cái chết chứa đựng một nhục cảm yêu đương nào đó, nên nàng mới hăm hở muốn lăn đùng một cách sốt sắng đến thế.
ANTONY – Nàng giảo quyệt ngoài mức tưởng tượng của đàn ông chúng ta.
ENOBARUS – Chao ôi! Không phải thế đâu, tướng quân. Lòng say đắm của nàng được tạo nên bởi phần tinh túy nhất của tình yêu trong trắng! Những cơn sầu não của nàng là cuồng phong và mưa lũ, làm sao ta có thể gọi đó là những tiếng thở dài và những giọt nước mắt được. Các sách biên giám chưa từng ghi chép những cơn dông bão nào lớn hơn thế; không thể có sự giảo quyệt ở nàng được. Nếu có, thì ắt nàng hô phong hoán vũ chẳng kém gì thần Jupite.
ANTONY – Giá như ta không bao giờ gặp nàng!
ENOBARUS – Ổ, nếu vậy, thưa tướng quân, là ngài lỡ mất dịp được xem một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, và không được hưởng cái diễm phúc đó, cuộc hành trình của ngài sẽ đâm nhạt nhẽo, mất giá trị.
ANTONY – Fulvia chết rồi!
ENOBARUS – Sao, thưa tướng quân?
ANTONY – Fulvia chết rồi.
ENOBARUS – Fulvia!
ANTONY – Chết rồi!
ENOBARUS – À, vậy thì tướng quân hãy lập một đàn tế thần để tạ ơn. Khi các thần linh muốn bắt đi vợ một gã đàn ông, điều đó chứng tỏ con người ta cũng như đám thợ may trên trái đất này. Kể cũng là điều an ủi khi mà những chiếc áo dài cũ đã xơ xác lại có những bàn tay sửa thành mới. Nếu thế gian này không còn phụ nữ nào khác ngoài Fulvia thì quả là ngài bị một tổn thất đáng tiếc, không gì đền bù được. Song nỗi đau buồn này, rút cục, lại có mặt an ủi: chiếc áo cũ của ngài sản sinh ra một cái váy ngắn mới. Vả chăng, một củ gừng cay, cũng đủ làm chảy nước mắt để tưới cho nỗi buồn này, thật vậy.
ANTONY – Công việc nàng khởi xướng lên ở trong nước không cho phép ta vắng mặt.
ENOBARUS – Về công việc ngài xúc tiến ở đây cũng chẳng thể thiếu ngài. Đặc biệt, công việc của Cleopatra hoàn toàn tùy thuộc vào sự có mặt của ngài.
ANTONY – Thôi đủ rồi, những câu trả lời phù phiếm. Hãy bảo cho các sĩ quan biết ý định của chúng ta. Ta sẽ giải thích cho hoàng hậu rõ nguyên nhân sự ra đi vội vã của chúng ta và thuyết phục nàng đồng ý chia tay với ta. Bởi vì không phải chỉ riêng cái chết của Fulvia cùng với những việc khẩn cấp khác giục giã chúng ta mạnh mẽ, mà cả những bức thư của biết bao bạn bè đang mưu sự ở La Mã cũng kêu gọi ta trở về. Sextus Pompeius đã thách thức Caesar và khống chế cả vùng biển. Dân tộc hời hợt bất nhất của chúng ta – vốn chẳng bao giờ dành sự kính yêu cho người xứng đáng vào đúng thì đúng lúc, trước khi công lao họ đi vào quá khứ – giờ đây mới bắt đầu, còn mọi công đức phẩm hạnh của Pompey Đại đế vào con trai người. Và gã này, tiếng tăm, quyền lực đã cao, sức sống và đởm lược lại cao hơn, đường đường một bậc dũng tướng, cứ đà này phát huy thanh thế sẽ đe dọa lật nhào thế giới. Biết bao điều đang âm ỉ, tựa như chiếc lông ngựa ngâm vào nước phân, mới bắt đầu mang hình hài và sinh lực của rắn, nhưng chưa có nọc độc. Hãy nói cho mọi kẻ dưới quyền chúng ta rằng ý ta muốn mau chóng rời khỏi đây.
ENOBARUS – Tôi sẽ làm việc đó.
Hai người vào
CẢNH III
Vẫn cung điện ấy. Một căn phòng khác
Cleopatra, Tsamitm, Iras và Agrippa ra
CLEOPATRA – Tướng quân đâu?
CHARMIAN – Từ nãy đến giờ, em chẳng thấy người đâu cả.
CLEOPATRA (với Alexas) – Tìm xem người ở đâu, với ai và đang làm gì. Đừng bảo là ta cử ngươi đến. Hễ thấy chàng buồn thì bảo ta đang nhảy múa. Nếu thấy chàng vui thì thưa rằng ta đột nhiên lâm bệnh. Nhanh lên, rồi quay lại đây.
Alexas vào
CHARMIAN – Tâu Lệnh bà, em thiển nghĩ nếu Lệnh bà yêu tướng quân tha thiết, thì Lệnh bà vẫn chưa biết cách buộc người phải đáp lại bằng một mối tình tương xứng.
CLEOPATRA – Có điều gì cần làm mà ta chưa làm?
CHARMIAN – Hãy chiều ý người trong mọi việc, đừng ngăn cản người trong bất kỳ việc gì.
CLEOPATRA – Ngươi khuyên ta điều rồ dại, làm thế chỉ tổ mất chàng.
CHARMIAN – Chớ có khích người quá. Xin Lệnh bà hãy bao dung. Đến một lúc nào đó, ta sẽ căm ghét cái điều ta thường e sợ. Nhưng thôi, Antony tướng quân đang đến kìa.
Antony ra
CLEOPATRA – Ta ốm và buồn bực.
ANTONY – Ta rất ân hận phải nói ra ý định…
CLEOPATRA – Đỡ ta về, Charmian thân yêu, kẻo ta ngã mất. Kéo dài thế này, sức người đâu chịu nổi.
ANTONY – Nữ hoàng thân yêu nhất đời của ta…
CLEOPATRA – Xin ông hãy đứng xa tôi ra.
ANTONY – Có chuyện gì vậy?
CLEOPATRA – Nhìn mắt ông, tôi biết là có tin đại cát. Thế bà nhà bảo sao? Ông có thể đi được rồi đấy. Ôi, giá mà bà ấy đừng bao giờ cho phép ông đi tới đây! Đừng có để bà ấy nói rằng tôi giữ chân ông lại đây, tôi đâu có quyền lực gì đối với ông. Ông thuộc về bà ấy kia mà!
ANTONY – Thần linh chứng giám cho…
CLEOPATRA – Chao ôi! Chưa bao giờ có nữ hoàng nào bị phụ bạc đau đớn như thế này. Vậy mà ngay từ đầu, tôi đã thấy mầm phản bội nảy sinh.
ANTONY – Cleopatra…
CLEOPATRA – Tại sao tôi lại đi tin răng ông thuộc về tôi, rằng ông thực bụng với tôi, mặc dầu ông thề thốt lay động cả các thần linh trên ngai vàng, ông, người đã lừa dối Fulvia. Thật điên rồ quá đáng mớĩ mắc vào cạm bẫy những nguyện ước suông thơn thớt đầu lưỡi, miệng vừa thề thốt đã vội nuốt lời!
ANTONY – Nữ hoàng dịu dàng nhất đời…
CLEOPATRA – Thôi, xin ông đừng có màu mè tìm cách biện bạch cho việc ra đi của mình. Hãy chào từ biệt và đi đi. Khi trước ông cầu xin ở lại, đó mới là lúc trả lời bay bướm. Bây giờ, đâu có chuyện ra đi. Môi, mắt chúng ta nói điều vĩnh cửu, hạnh phúc đậu trên vầng trán chúng ta ghé sát vào nhau. Những gì xoàng xĩnh nhất của chúng ta cũng thuộc về dòng dõi thiên giới. Mọi sự lẽ ra vẫn nguyên vẹn như thế nếu chàng, người dũng sĩ vĩ đại nhất thế giới, không biến thành kẻ dối lừa tệ hại nhất.
ANTONY – Kìa, hậu, sao nàng nỡ nói vậy?
CLEOPATRA – Ước gì có được tầm vóc như chàng để cho chàng biết đến Ai Cập này cũng có một trái tim dũng mãnh.
ANTONY – Nữ hoàng, xin hãy nghe ta nói. Tình thế rất bức thiết đòi hỏi chúng tôi ghé vai phụng sự một thời gian, nhưng cả trái tim ta nguyên vẹn vẫn thuộc về nàng. Đất nước Italia của chúng tôi lấp loáng ánh gươm nội chiến, Sextus Pompeius đang tiến quân đến gần cửa ngõ thành La Mã. Hai lực lượng nội bộ đồng cân đồng lạng ủ ấp mưu đồ phe phái, tranh giành quyền bính. Những kẻ trước bị căm ghét, giờ lớn mạnh lên lại được yêu thương. Gã Pompey mà người đời lên án, nay chói ngời công đức hiển hách của cha, đang luồn lách vào trái tim những kẻ không phất được trong chính thể hiện nay và bọn này đang đông đúc lên đến mức trở thành một mối đe dọa. Và nếp sống phẳng lặng do quá ngán nỗi nhàn cư, sẵn sàng tự tẩy rửa bằng bất kỳ biến động nào. Lý do đặc biệt nữa của ta – và điều này hẳn khiến nàng an tâm nhất về chuyện ra đi của ta – là cái chết của Fulvia.
CLEOPATRA – Tôi chưa đến tuổi hết rồ dại nhưng cũng không còn là con nít nữa: có thể nào Fulvia lại chết được?
ANTONY – Nàng đã chết, nữ hoàng của ta ạ. Hãy coi đây và mắt rồng hãy hạ cố đọc thư xem nàng đã gây hỗn loạn như thế nào. Nhất là hãy đọc xem nàng chết khi nào và ở đâu.
CLEOPATRA – Ôi, môi tình chân thực thay! Đâu rồi những chiếc bình thiêng liêng để chàng trút đầy những giọt nước mắt buồn thương? Bây giờ, thì ta thấy rồi, thấy rồi: qua cái chết của Fulvia, ta đã biết rồi đây cái chết của bản thân ta sẽ được đón nhận như thế nào.
ANTONY – Thôi, đừng đôi co nữa, mà hãy chuẩn bị nghe tâu trình những dự định của ta. Những dự định này sẽ tồn tại hay bị phế bỏ là tùy thuộc ý nàng. Xin thề trên ngọn lửa hồng đượm lớp phù sa sông Nil, ta rời nơi này với tư cách là tên lính của nàng, tên nô bộc của nàng, gây dựng hòa bình hay tiến hành chiến tranh cũng theo nàng định đoạt.
CLEOPATRA – Charmian em, cắt hộ ta cái dải buộc nào. Nhưng mà thôi cứ để nguyên thế. Ta thoắt đâm bệnh, thoắt cái lại lành. Antony thích thế mà.
ANTONY – Nữ hoàng quý giá vô ngần của ta, đừng giễu cợt nữa mà hãy xác nhận mốì tình của kẻ đang chịu một sự phán xử danh dự.
CLEOPATRA – Fulvia cũng nhử ta làm thế mà. Ta xin chàng hãy quay sang bên, khóc cô ta một chút, rồi chào từ biệt ta và nói những giọt nước mắt đó là dành cho đất Ai Cập. Thế, hãy đóng một màn kịch, vờ vĩnh cho thật khéo và làm thế nào để sự trả giá giống như danh dự hoàn mỹ vậy.
ANTONY – Nàng làm ta nóng máu. Đừng nói nữa.
CLEOPATRA – Chàng có thể đóng khá hơn nữa, nhưng thế cũng tạm được rồi.
ANTONY – Thề trên lưỡi gươm của ta…
CLEOPATRA – Và lá chắn nữa chứ. Mỗi lúc một cải tiến. Nhưng chưa trổ hết tài năng, chưa phải là hoàn hảo nhất. Này Charmian, hãy xem chàng Heracles La Mã này nhập vai nổi cơn bất bình như thế nào.
ANTONY – Tôi xin cáo biệt Lệnh bà đây.
CLEOPATRA – Các hạ lịch thiệp, cho tôi nói một lời nữa thôi. Ngài và tôi phải chia tay, nhưng đó không phải là điểm chính. Chúng ta đã yêu nhau, nhưng không, đó cũng không phải là vấn đề. Cái đó, ngài biết quá rồi. Tôi muốn nói một điều gì đó… Ôi, ý nghĩ của tôi cũng chính là một Antony: nó lãng quên tôi hoàn toàn rồi.
ANTONY – Nếu dưới trướng Lệnh bà không có kẻ điên rồ hầu hạ, thì tôi dám nghĩ rằng Lệnh bà sẽ chính là hiện thân của sự điên dại.
CLEOPATRA – Cực nhọc thay, phải mang sự điên rồ đó kề bên trái tim, như Cleopatra này. Nhưng thôi, hãy thứ lỗi cho em, vì những tình cảm phù hợp với em mà chẳng đẹp lòng chàng, thì chính chúng sẽ kết liễu đời em. Danh dự kêu gọi chàng rời khỏi nơi đây. Vậy hãy làm ngơ đừng thương tiếc gì nỗi điên dại của em. Và cầu cho tất cả thần linh đi theo phù hộ chàng, cầu cho vòng nguyệt quế chiến thắng ngự trên lưỡi gươm chàng! Và thắng lợi rắc hoa trên từng bước đi của chàng!
ANTONY – Nào ta đi thôi. Thế đó, cuộc chia tay của đôi ta vừa đậu lại vừa bay đi, như nàng, trong khi ở đây, vẫn đi theo ta và như ta, tuy rời bỏ nơi này, vẫn luôn luôn ở bên nàng. Lên đường.
Tất cả cùng vào
CẢNH IV
La Mã – Một căn phòng trong nhà Ceasar
Octavius, Caesar, Lepidus và tùy tùng ra
CAESAR – Ông xem đây (đưa mật bức thư) và qua đó ông sẽ thấy rằng nỗi hằn học với kẻ tình địch lớn của chúng ta không phải là một thói xấu tự nhiên của Caesar này. Đây, tin tức từ Alexandria cho hay: y câu cá, rượu chè, đêm đêm thắp phí phạm đèn nến trong những cuộc truy hoan; y chẳng còn khí thế nam nhi gì hơn Cleopatra và nữ hoàng quả phụ của Ptolemy cũng chẳng liễu yếu đào tơ gì hơn y: chả mấy khi triệu tập quần thần, thậm chí chẳng buồn nghĩ là mình còn có người cộng sự nữa. Ông sẽ nhận ra ở đây một con người đúc kết mọi tật xấu của nhân loại.
LEPIDUS – Tôi không thể nghĩ rằng ông ta nhiều thói xấu đến mức nhuốm đen cả đức độ. Những khuyết ộiểm, của chúng ta cũng như những tinh tú trên bầu trời, càng rực rỡ vào những đêm đen thẳm, những khuyết điểm có tính di truyền chứ không phải tự chuốc lấy không chọn lựa, nên cũng chẳng thể đổi thay.
CAESAR – Ông quá khoan dung. U, cứ cho rằng y chẳng sai phạm gì trong việc bù khú ngay trên giường nệm ân ái của Ptôlimi, trong việc đánh đổi cả một vương quốc lấy một tiếng cười, trong việc ngồi chè chén với một tên nô lệ, chếnh choáng ngoài phô ngay giữa trưa và sẵn sàng quần thảo, đánh vật với bọn du thủ du thực nồng nặc mùi mồ hôi. ừ thì cho rằng cái đó hợp với y và tư chất y thật quả là hiếm thấy nên chăng bị ảnh hưởng gì vì những chuyện đó… Nhưng dù sao Antony cũng không có lý do gì bào chữa cho những điều ô nhục y đã làm khi mà chúng ta phải mang gánh nặng lớn vì sự nhẹ dạ nông nổi của y. Nếu y tiêu thì giờ rảnh rỗi vào khoái lạc, y sẽ phải chịu những cơn óc ách đầy bụng và chứng nhức xương, chuyện đó mặc y. Nhưng khi thời thế gióng trống kêu gọi từ bỏ chuyện vui chơi và lớn tiếng nhắc nhở quốc sự mà y vẫn làm ngơ, thì đó là điều đáng quở trách, như ta thường mắng mỏ những thiếu niên đã hiểu biết chín chắn mà vẫn bỏ hoài tương lai vì chút lạc thú hiện tại và cưỡng lại lời khuyên răn chính đáng.
Một người đưa tin ra
LEPIDUS – Lại có tin mới đây.
NGƯỜI ĐƯA TIN – Lệnh của đức ông đã được thi hành và từ nay, thưa tướng quân Caesar chí tôn chí kính, ngài sẽ nhận được báo cáo tình hình bên ngoài từng giờ một. Pompey hùng cứ ngoài biển và xem chừng hắn chiếm được lòng yêu mến của những kẻ chỉ biết sợ mà tuân phục Caesar. Bọn bất mãn kéo về ẩn náu ở các cảng và dư luận cho rằng Pompey đã chịu nhiều bất công.
CAESAR – Ta cũng đồ là như vậy. Từ buổi thiếu thời, chúng ta đã được dạy rằng người vươn tới quyền bính chỉ được ủng hộ trước khi thành đạt và kẻ thất thế chỉ được yêu mến khi không còn xứng đáng được yêu, họ cao giá lên vì người ta thấy vắng bóng họ. Cái đám bình dân này, tựa hồ như mớ rong biển lênh đênh trên mặt sóng, tới tới lui lui, phụ thuộc vào nước triều lên xuống, để rồi thôi ruỗng dần với nhịp chuyển động qua lại.
NGƯỜI ĐƯA TIN – Thưa đại nhân, kẻ hèn này xin trình để ngài hay là Menecrates và Menas, hai tên hải tặc khét tiếng đã thông ngự biển, tàu bè đủ các loại của chúng cày nát mặt biển và chúng mở nhiều cuộc xâm nhập dữ dội vào Italia. Dân chúng vùng giáp giới hải phận nghĩ đến bọn chúng là sợ hãi cắt không còn hột máu. Đám thanh niên sôi sục phẫn nộ. Không một chiếc thuyền nào ló ra mà không bị bắt ngay. Bởi vì thanh thế của Pompey khiến người ta khiếp sợ hơn cả chính binh mã của hắn.
CAESAR – Antony hãy từ bỏ những cuộc truy hoan dâm dật của ngươi đi. Thuở xưa, khi ngươi bị đánh bật khỏi Modena, nơi ngươi đã giết chết hai viên lãnh tụ Hirsius và Pansa, nạn đói đuổi theo gót ngươi và, mặc dầu được nuôi lớn lên trong nhung lụa, ngươi đã chống lại nó với sức chịu đựng bền bỉ hơn cả bọn man di mọi rợ. Ngươi đã uống nước đái ngựa cùng những vũng nước váng ngầu lên mà ngay những loài thú vật cũng phải tởm. Hồi đó lưỡi ngươi đã hạ cố nếm cả những quả dại khó nuốt nhất trên những bờ rào gai góc nhất. Phải, như con hoẵng, khi tuyết phủ kín những bãi cỏ, ngươi đã gặm đến vỏ cây. Nghe nói trên dãy núi Alp, ngươi còn ăn một loại thịt kỳ quặc mà một số người chỉ nhìn thấy cũng đủ sợ chết ngất. Và tất cả những điều đó – giờ đây ta nhắc lại, chắc làm ngươi phật ý – ngươi đã chịu đựng như một người lính, không vì thế mà hóp má, tiều tụy.
LEPIDUS – Tội nghiệp ông ta!
CAESAR – Cầu sao cho nỗi hổ thẹn thôi thúc y mau trở lại La Mã. Đã đến lúc chúng ta sóng đôi xuất hiện trên chiến trường. Và nhằm mục đích ấy, hãy triệu tập Hội đồng ngay tức khắc cho ta. Trong lúc ta nhàn rỗi, Pompey nhân đà phất lên.
LEPIDUS – Ngài Caesar, ngày mai tôi sẽ có đủ căn cứ để thông báo đích xác cho ngài hay tôi có thể làm gì cả trên biển lẫn trên đất liền để đối phó với tình thế hiện tại.
CAESAR – Từ nay cho đến cuộc họp Hội đồng, đó cũng là điều quan tâm của tôi. Tạm biệt.
LEPIDUS – Tạm biệt chúa công. Trong khi chờ đợi, nếu ngài được tin gì về những biến động bên ngoài, xin cho tôi biết với.
CAESAR – Nhất định rồi, ông hãy yên tâm. Đó là trách nhiệm của tôi.
CẢNH V
Alexandria – Một phòng trong cung điện
Cleopatra, Charmian, Iros và Mardian ra
CLEOPATRA – Charmian!
CHARMIAN – Dạ, thưa Lệnh bà.
CLEOPATRA – Ôi, ôi? Cho ta uống rễ nhân sâm đi.
CHARMIAN – Để làm gì kia ạ, thưa Lệnh bà?
CLEOPATRA – Để ta ngủ cho qua cái quãng thời gian dài dặc này, khi Antony của ta đi xa.
CHARMIAN – Lệnh bà nghĩ tới tướng quân quá nhiều.
CLEOPATRA – Ôi! Đây là sự phản bội.
CHARMIAN – Thưa Lệnh bà, em không tin là thế.
CLEOPATRA – Quan thị Mardian!
MARDIAN – Dạ, hoàng hậu cần chi để mua vui ạ?
CLEOPATRA – Không phải để nghe ngươi hát lúc này. Một tên quan thị thì có cái gì khả dĩ làm ta vui thú được. Ây, cái thân phận quan thị của nhà ngươi thế mà hóa hay, ý nghĩ của ngươi tự do thoải mái hơn, chả cần bay khỏi Ai Cập làm gì. Nhà ngươi có dục vọng ái ân không nhỉ?
MARDIAN – Dạ có, thưa Lệnh bà kiều diễm.
CLEOPATRA – Thực thế?
MARDIAN – Dạ, thưa Lệnh bà thực thế nhưng không thực tế. Bởi lẽ hạ thần còn có thể làm gì thực tế được, ngoài những điều lương thiện cần làm. Tuy nhiên, thần vẫn có những dục vọng dữ dội và tưởng tượng đến cuộc ái ân giữa thần Vệ nữ và thần Chiến tranh.
CLEOPATRA – Ôi, Charmian! Theo em, giờ đây chàng ở đâu? Chàng đứng hay chàng ngồi? Hay chàng đang dạo bước? Hay trên lưng ngựa? Ôi hạnh phúc thay con ngựa được mang Antony trên mình! Tuấn mã hỡi, hãy làm nhiệm vụ cho dũng cảm, bởi vì mi có biết mi đang chở ai đó không? Á thần Atlax của trái đất này, cánh tay và giáp sắt của nhân loại đó. Chàng đang nói hoặc đang thầm thì: “Con rắn sông Nil của ta đâu rồi?” vì chàng thường gọi ta thế mà. Giờ đây ta tự nuôi dưỡng bằng chất độc tuyệt diệu nhất. Thử ngẫm về mình coi, những vuốt ve yêu đương của thần Mặt Trời làm sạm đen da ta và thời gian cày những vết nhăn sâu trên mặt ta. Ôi Caesar [Đây là Julius Caesar, bố của Octaviax trong vở này.] với vầng trán rộng, thuở chàng còn thống ngự trên đất này, ta là món thượng hảo hạng dành để tiến vua và Pompey vĩ đại chỉ biết đứng ngây người, dán mắt vào khuôn mặt ta như muốn cắm neo cái nhìn của mình vào đó và chết đắm trong sự chiêm ngưỡng người đàn bà tượng trưng cho cả cuộc đời của ông ta.
Agrippa ra
AGRIPPA – Xin kính chào nữ vương Ai Cập.
CLEOPATRA – Sao mà ngươi khác xa Marcus Antony đến thế! Tuy nhiên do ở chỗ chàng trở về, ngươi cũng nhuốm chút hào quang vàng rực. Macus Antony của ta ra sao?
AGRIPPA – Hoàng hậu quý mến, cử chỉ cuối cùng của tướng quân là hôn lên viên ngọc trai phương Đông này, nụ hôn cuối trong vô vàn nụ hôn liên tiếp. Lời người chôn chặt trong tim tôi.
CLEOPATRA – Vậy thì tai ta phải rứt nó ra khỏi đó.
AGRIPPA – Người nói: “Anh bạn hãy thưa rằng tráng sĩ La Mã kiên cường gửi tới nữ đại vương Ai Cập báu vật này từ trong lòng một con trai. Để bù thêm cho món quà nhỏ mọn đặt dưới chân nàng, ta sẽ đem một loạt vương quốc nạm vào ngai báu của nàng. Toàn thể phương Đông sẽ gọi nàng là nữ chúa, ngươi hãy nói thế”. Nói rồi, người gật đầu và ung dung nhảy lên mình một con chiến mã. Con ngựa hí vang lừng át mọi lời tôi định nói.
CLEOPATRA – Thế chàng vui hay buồn?
AGRIPPA – Giống như thời kỳ giữa hai cực nóng, lạnh trong năm, người không buồn mà cũng chẳng vui…
CLEOPATRA – Ôi, một tâm thể dung hòa đúng mức làm sao! Lưu ý xem, Charmian, hãy lưu ý xem, đích thị tính cách chàng. Này nhé: chàng không buồn, bởi vì nếu vậy, chàng sẽ hóa ra tươi rói trước mắt những kẻ rập khuôn bắt chước vẻ bề ngoài của chàng; chàng cũng không vui, vì làm thế có vẻ như nói với họ rằng chàng chỉ một mực hoài nhớ về giữa hai tâm trạng. Ôi, sự hỗn hợp thần thánh! Dù chàng vui hay buồn thì độ mãnh liệt của hai tình cảm đó đều hợp với chàng hơn bất cứ người đàn ông nào khác. Người có gặp những tên chạy thư của ta không?
AGRIPPA – Chà, thưa Lệnh bà, có tới hai mươi tên đưa tin khác nhau. Sao Lệnh bà phái đi dồn dập thế ạ?
CLEOPATRA – Kẻ nào sinh ra vào cái ngày mà ta quên không gửi thư cho Antony, sẽ mang thân phận ăn mày lúc lìa đời. Charmian, mang giấy mực lại đây. Hoan nghênh Agrippa thân mến. Charmian em, trước kia có bao giờ ta yêu Caesar đến thế không?
CHARMIAN – Ôi, Caesar, con người quả cảm ấy.
CLEOPATRA – Cầu sao cho ngươi chết nghẹn nếu ngươi mở mồm nhấn mạnh như thế một lần nữa. Hãy nói: ANTONY quả cảm.
CHARMIAN – Caesar anh dũng!
CLEOPATRA – Thề có nữ thần Iris, ta sẽ vả hộc máu gãy răng ngươi, nếu ngươi dám so sánh Caesar với người ta yêu, đệ nhất trượng phu trong toàn thể trượng phu.
CHARMIAN – Xin Lệnh bà đại xá, em chỉ bắt chước hót theo Lệnh bà cả thôi ạ.
CLEOPATRA – Nhưng ngày trẻ dại, suy xét nông cạn, khí huyết còn lạnh lùng, ta mới thốt ra những điều như vậy. Nhưng thôi, lại đây. Mang giấy mực cho ta. Mỗi ngày, chàng sẽ nhận được một lời chào mùng khác, dù có phải huy động vãn dân Ai Cập để chạy thư, ta cũng chẳng từ.
Cùng vào
✥Mua trọn bộ bản dịch 5 hồi vở kịch này: 200.000
✥Mua combo bản dịch 9 bộ kịch nổi tiếng nhất của Shakespeare: 350.000đ (Hamlet, Romeo & Juliet, Macbeth, King Lear, Antony and Cleopatra, Julius Ceasar, Giấc Mộng Đêm Hè, Đêm Thứ Mười Hai, và Người Lái Buôn Thành Venice)
☎Call/zalo: 0968017897
Các vở kịch khác của Shakespeare:
✤ Romeo và Juliet của Shakespeare – Bản dịch tiếng Việt
✤ Kịch Vua Lear của Shakespear – Bản dịch tiếng Việt
✤ Kịch Hamlet – Hồi I – bản dịch tiếng Việt – Shakespear