Lịch Sử & Văn Hóa Anh Mỹ

Mark Twain và Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

Mark Twain (1835-1910) là một nhà văn hiện thực và trào phúng Mỹ, nổi tiếng trên thế giới. Đời Mark Twain cũng kỳ lạ, phong phú và độc đáo như tác phẩm của ông: một chú bé học việc ở nhà in, trải qua nghề phóng viên, xuất bản, thủy thủ, thợ mỏ, rồi trở thành nhà…

Nhà văn Mark Twain
Đăng ngày:

Vài nét về nhà văn Mark Twain

Mark Twain (1835-1910) là một nhà văn hiện thực và trào phúng Mỹ, nổi tiếng trên thế giới. Đời Mark Twain cũng kỳ lạ, phong phú và độc đáo như tác phẩm của ông: một chú bé học việc ở nhà in, trải qua nghề phóng viên, xuất bản, thủy thủ, thợ mỏ, rồi trở thành nhà báo, nhà văn tên tuổi. Ông đã trải qua nhiều cuộc phiêu lưu, nhiều chuyến du lịch; có những lúc phải ẩn mình ở nơi hẻo lánh để làm việc, trốn chạy những người quá hâm mộ hoặc quá tò mò.

Đọc online tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

Samuel Langhorne Clemens (tên thật của Mark Twain) ra đời ở một làng nhỏ thuộc bang Mizuri, miền Bắc nước Mỹ. Mười hai tuổi, Clemơnz đã phải thôi học, tìm việc kiếm sống. Mười lăm tuổi ông viết bài báo đầu tiên. Truyện ngắn của nhà văn lần đầu tiên được in vào năm ông vừa mười sáu tuổi. Bốn năm sau, nghề thủy thủ trên sông Mixixipi rộng lớn hấp dẫn Clemơnz, hy vọng khai thác vàng ở miền Tây Mỹ hoang dã và cuối cùng, lòng say mê sáng tác lại thôi thúc ông trở về với nghề văn. Ông lấy biệt hiệu Mark Twain – từ chuyên môn mà các thủy thủ trên sông Missisipi dùng để chỉ mực nước – như một kỷ niệm về những năm tháng tươi vui xuôi ngược trên dòng sông bao la.

 Samuel Langhorne Clemens , tức Mark Twain, năm 15 tuổi
Samuel Langhorne Clemens , tức Mark Twain, năm 15 tuổi

Mark Twain đã chứng kiến nhiều biến cố chính trị, xã hội to lớn của nước Mỹ: nội chiến 1861-1865 giữa phương Bắc muốn giải phóng nô lệ, tiến theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa và các bang phía Nam lạc hậu, kết thúc bằng thắng lợi của phương Bắc, bước chuyển mình của nước Mỹ thành một nước công nghiệp mạnh, sự hình thành và lớn mạnh của phong trào công nhân, cuộc đình công nổi tiếng ngày 1-5 năm 1886 lan khắp đất nước như “đám cháy trên thảo nguyên” (Ăngghen), những cuộc đấu tranh mãnh liệt của nhân dân Mỹ những năm 80-90, phong trào chống chủ nghĩa đế quốc vào những năm đầu thế kỷ 20…

Tài năng văn chương

Khi còn rất trẻ, Mark Twain đã bộc lộ tài quan sát thông minh sắc sảo, tính hài hước ưa bông đùa và niềm cảm thông tự đáy lòng với những đau khổ của người chung quanh. Ông am hiểu đời sống nhân dân và yêu mến những con người bình thường. Trong khi nhiều người Mỹ mù quáng, tin tưởng một cách ngây thơ vào nước Mỹ “dân chủ”, lối sống Mỹ “tươi đẹp”, vào tiến bộ kỹ thuật sẽ đem lại cho xã hội Mỹ “sự phồn vinh”, thì Mark Twain đã nhìn thấy những mâu thuẫn xã hội gay gắt, những bất công, sự đối lập giữa “hai nước Mỹ, một nước giải phóng cho con người bị áp bức tù đày và một nước Mỹ tạo ra những cảnh tù đày áp bức ấy, nước Mỹ gây sự, gây chiến, giết người và xâm lược“. Cũng chính Mark Twain đã coi văn minh Mỹ là “cơn sốt vàng” và chua chát nhận xét về đất nước mình: “Nước cộng hòa vĩ đại đã thối rữa đến tận cốt lõi“.

Cái cười của Mark Twain là phương tiện độc đáo bộc lộ tình cảm của nhà văn, cái cười rất nhiều dạng, nhiều sắc thái: khi công khai bộc trực, khi ngấm ngầm tinh vi, khi hiền hòa độ lượng, khi độc địa sâu cay. Thường thường khi đọc một tác phẩm của Mark Twain, ngay từ những trang đầu, người đọc đã mỉm cười, và tiếp tục cười trong khi đọc, hoặc chia sẻ niềm thú vị với tác giả, hoặc xót xa giận dữ. Mark Twain luôn luôn lôi cuốn chúng ta vì bản thân ông luôn luôn chân thành trong sự bông đùa hoặc niềm công phẫn, dù đả kích, châm biếm, hay hài hước, không bao giờ ta thấy Mark Twain lãnh đạm.

Tư gia của Mark Twain tại Hartford, Connecticut

Tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

Đọc online tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

Cũng như nhiều tác phẩm khác của Mark Twain, “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” sẽ hấp dẫn chúng ta với phong thái riêng của nó, với hương vị tươi mát đầy chất thơ của nó.

Ra đời năm 1876, hơn 100 năm nay, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer đã được người đọc ở nhiều lứa tuổi, nhiều dân tộc khác nhau yêu mến, và chắc chắn sau này sẽ còn được yêu mến, nâng niu. Các độc giả tí hon bị thu hút vì câu chuyện tươi vui, rực rỡ, giàu biến cố và cảm xúc, được kể lại một cách sinh động, hồn nhiên, đầy sức hấp dẫn. Trí tưởng tượng của các em luôn luôn kinh ngạc theo dõi những hành động táo bạo, những cuộc phiêu lưu kỳ lạ, tâm hồn các em sẵn sàng tiếp nhận cách xử sự đôn hậu, cao cả của con người, tất cả được rọi sáng bằng cái nhìn hóm hỉnh, bằng nụ cười đầm ấm thân tình của tác giả. Mark Twain gọi tác phẩm Tom Sayer là một “khúc ca về tuổi thơ, chuyển thể sang văn xuôi“. Nhưng cũng theo Mark Twain, “cách viết truyện cho trẻ em đúng đắn nhất là phải viết sao cho tác phẩm không chỉ thú vị đối với các em bé, mà còn cực kỳ thú vị đối với bất kỳ ai đã từng là một em bé“. Bởi vậy, trong một lá thư gửi bạn, ông khẳng định Tom Sawyer “Không phải là truyện cho trẻ em” Nó được viết riêng cho người lớn, sẽ được người lớn đọc”.

Trang bìa sách Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, xuất bản lần đầu năm 1876
Trang bìa sách Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, xuất bản lần đầu năm 1876

Truyện thiếu nhi và thông điệp cho người lớn

Tác giả không chỉ thuật lại – dĩ nhiên là rất có duyên – một câu chuyện có hậu về chú Tom tinh nghịch và chú Huck lang thang, mà còn dựng lên một bức tranh hiện thực về môi trường bao quanh các nhân vật bé nhỏ, đặc biệt đi sâu vâo thế giới bên trong của con người, miêu tả giản dị và chính xác tâm lý trẻ em.

Thông qua những xúc cảm trong trẻo và bộc trực chỉ có thể có ở trẻ thơ, tác giả còn muốn phê phán một số quy ước được người lớn phục tùng, muốn đánh giá lại một số giá trị được xã hội đương thời thừa nhận, cái xã hội, theo ông, làm cho vẻ tươi mát, hồn nhiên trong tâm hồn các em bị nhợt nhạt, thui chột và cái lành mạnh, cái thiện trong tâm hồn người lớn bị hủy diệt. Sự tương phản thấm đượm tư tưởng trên dường như quán triệt toàn tác phẩm. Cuộc sống uể oải của thị trấn St. Petersburg buồn chán đối lập với “cuộc sống sôi nổi, đầy những trò tinh nghịch, những cuộc phiêu lưu kỳ thú của các em, sự thiển cận khuôn sáo của người lớn, của những cô cậu bé “gương mẫu” đối lập với trí tưởng tượng mãnh liệt phóng khoáng của những chú bé bất trị; không khí ngột ngạt của nhà thờ, nhà trường đè nén con người bằng những thành kiến ngu muội, những kiến thức cũ mòn đối lập với thiên nhiên bao la, diễm lệ, đầy bí ẩn, luôn luôn tươi mát và trong sáng“…

Tom Sawyer, biểu tượng cho sự nổi loạn

Tom Sawyer, nhân vật chính cũng như Huck bạn em khao khát một cuộc sống khác thường, một cuộc sống huy hoàng lừng lẫy, sao cho mọi chú bé quen biết đều sầu não vì ganh tị, còn người lớn thì sững sờ vì kinh ngạc, một cuộc sống tự do, sôi động, sao cho thói thường nơi thị trấn ngưng trệ không làm cho các em biến thành những chú bé “ngoan”, những con rối tầm thường. Các em bướng bỉnh đấu tranh với sự ràng buộc bất công của những ước lệ trong đời sống hàng ngày, trong gia đình, trường học. Tất nhiên sự chống đối của các em có tính chất bản năng, các em chưa thể có ý thức về sức mạnh tha hóa của đạo đức tư sản, của giáo lý nhà thờ bóp nghẹt những khát vọng tự nhiên, thù địch với những biểu hiện của trí tuệ thông minh, của tình cảm say mê. Vả chăng tác phẩm hiện thực này của Mark Twain còn đượm chút lãng mạn, một mặt châm biếm nhẹ nhàng cái tẻ ngắt trống rỗng của vùng St. Petersburg, một mặt thể hiện thiện cảm đối với thị trấn nhỏ hiền cùng những người dân chất phác ấy.

Tem thư kỉ niệm tác phẩm Tom Sawyer năm 1972, vẽ một cảnh trong truyện
Tem thư kỉ niệm tác phẩm Tom Sawyer năm 1972, vẽ một cảnh trong truyện

Bà cụ Polly thật ra “chỉ muốn cái hay cái tốt” cho thằng cháu “thiên tinh địa quỷ” mà bà thật lòng yêu mến. Bà khờ dại cả tin, luôn bị cháu trêu. Ngay từ trang đầu, bà đã nhọc công tìm Tom qua cặp kính “thứ kính để đeo cho bảnh, chứ không cốt để nhìn, giá có lấy đôi vòng sắt lò thay vào thì cũng thế thôi”. Chi tiết hài hước vừa vẽ được hình ảnh bà già quê mùa, vừa miêu tả sở thích “diện bảnh” ngây thơ, lại vừa tượng trưng cho sự mù quáng của bà. Độ lượng và giễu cợt, nhà văn chỉ ra sự mù quáng ấy: vì dốt nát thiển cận, bà sẵn sàng đánh đòn Tom để cứu vớt linh hồn em, làm tình làm tội thằng bé khỏe mạnh với đủ loại thuốc lang băm, không hiểu nổi nỗi buồn bên trong, còn định tước đi mọi niềm vui của em. Còn Mari, cô con gái tốt bụng của bà, cũng tích cực tắm rửa, chải chuốt cho Tom, khuyên nhủ, Tom nhưng nếu noi gương cô, Tom sẽ biến thành cái máy học thuộc làu làu hàng nghìn câu trong Kinh Thánh.

Tom ương ngạnh vùng ra khỏi khuôn khổ ấy. Trước khi em xuất hiện trong tác phẩm, dì Pôly tìm em “giữa đám cà chua dại và táo gai trong vườn”. Đám cỏ dại ngỗ ngược mọc lên rậm rạp bất chấp quy củ trong vườn, mang ý nghĩa biểu tượng, báo trước bản chất Tom, báo trước những trò nghịch ngợm của em.

Tom Sawyer là sự khát khao tự do

Ý thức trẻ thơ của em hoàn toàn khinh thường những gì được thế giới người lớn trọng vọng – có khi chỉ trọng vọng vì sợ dư luận, vì thói quen phục tùng các quy ước được coi là bất khả xâm phạm. Vì nghi thức tôn giáo là quy ước lớn nhất, trang nghiêm nhất, em hồn nhiên nhận định với Becky “ở nhà thờ làm thế quái nào được như ở rạp xiếc“. Em đã nói lên ý nghĩ thật của hầu hết các bạn cùng lứa tuổi, vì những em nhỏ như Mary, Sid chỉ là “những tảng đá đạo đức lẻ loi” ở trường Chủ nhật. Những trang miêu tả sự chịu đựng buồn rầu của Tom trong buổi thuyết giáo ở nhà thờ gợi nhớ lại tâm trạng chú bé David Copperfield của Dicken trong khung cảnh tương tự.

Nhưng David là một chú bé Anh sống trong một nhà nề nếp, ưa mơ mộng, nên chỉ vừa quan sát con cừu lạc vừa ao ước một trò chơi trận mạc trong tưởng tượng, còn Tom, em bé Mỹ hiếu động và ngỗ nghịch, không thể theo dõi mãi con ruồi đang rửa mặt mà không nghĩ ra một trò giải trí thực tiễn. Và con bọ càng tai quái của em, cùng chú chó con tội nghiệp đã phá tan không khí trịnh trọng của buổi lễ. Chỉ bằng vài nét phác họa đơn giản, rất gọn mà cực kỳ sinh động Mark Twain ý nhị hé ra tâm lý không những của trẻ em, mà còn của những người dân Mỹ bình thường đối với tôn giáo. Giống như Tom, người lớn nghe mục sư giảng thấy “chán ngắt”, nhiều người “ngủ gà ngủ gật”, do đó họ sẵn sàng “nhìn theo con bọ càng, lấy đó làm một trò giải trí”. Và khi con chó bị quắp đau, rú lên thì “khán giả ngồi gần đấy khoái thầm, nhiều người lấy quạt và mùi soa che mặt“, cuối cùng “tất cả mọi người trong nhà thờ mặt đỏ ửng, cố nhịn cười tưởng đến tắc thở” và “hết thảy con chiên đều cảm thấy nhẹ nhõm cả người” khi mục sư ban phúc. Thì ra với những nghi lễ của nhà thờ, sự chịu đựng một cách hình thức chẳng phải của riêng ai!

Ý nghĩa giáo dục trong truyện Tom Sawyer

Lại cũng giống như Dicken, Mark Twain phê phán cách giáo dục trong nhà trường tư sản thế kỷ 19 làm trẻ em đần độn đi, mất ý thức tự trọng, mất phẩm cách, với những ông thầy tàn ác, thô bạo, những trận đòn, cách học nhồi sọ, những trường học mà bản thân hai nhà văn đều nếm trải và đều căm ghét đến nỗi về sau nhớ lại còn run lên vì tức giận. Cách giáo dục như thế làm sao thu hút được Tom!

Và đây, đối lập với sự oi bức chật chội của lớp học giữa trưa hè, thiên nhiên mời gọi qua khung cửa sổ, sao mà lôi cuốn: “xa xa đồi Cacđíp hiện ra với những sườn đồi xanh dịu sau lần khói bóng rung rinh trông xa như phơn phớt màu tím nhạt”. Cho nên, nếu Tom có phát huy mọi sáng kiến để trốn học, lúc đọc bài có “biến hồ thành núi, núi thành sông, sông thành đại lục, làm thế giới trở lại thời hỗn mang khi mới khai thiên lập địa” thì em đáng trách, nhưng còn cái chú bé dòng dõi người Đức, niềm kiêu hãnh của hiệu trưởng trường Chủ nhật, vì học gạo mà đâm ngớ ngẩn gần như mất trí, thì thật vô cùng đáng thương. Và biết đâu, trong khi say mê lăn mình vào một cuộc sống khác thì Tom lại may mắn thoát khỏi ảnh hưởng của những nhà trường kiểu ấy!

Tom Sawyer và Becky lạc trong hang động
Tom Sawyer và Becky lạc trong hang động, tranh minh họa của True Williams trong ấn bản năm 1876

Trong chương “Tài hùng biện và cái chỏm thếp vàng”, rất nhẹ nhàng mà không kém sâu sắc, Mark Twain đã nhại thứ văn chương công thức hoa mỹ, rỗng tuếch do nhà trường rèn đúc cho các nữ sinh lớn, và đã thuật lại – mà không giấu hoặc không giấu nổi sự khoái trá ngầm – cuộc trả thù “huy hoàng” của lũ học trò bé con đối với ông giáo Đôphin độc ác “lấy việc trừng phạt đến cả những khuyết điểm hết sức nhỏ nhặt làm một cái thú”. Sự thù địch giữa hai phe lên đến đỉnh cao vào mùa thi. Và bọn trẻ, trong cuộc chiến tranh dai dẳng suốt năm, luôn “bị thua tơi bời và phải rút khỏi trận địa” đã thắng lợi rực rỡ khi cái đầu hói của thầy tỏa hào quang sáng chói trước đông đủ các bô lão hào trưởng và phụ huynh trong vùng.

Coi nhẹ giá trị của nhà thờ và trường học, các em càng ít đếm xỉa đến ý nghĩa của nền văn minh tư sản, cùa địa vị xã hội, là niềm tự hào của nhiều người lớn. Sau khi đóng giả Robin Hood, Jô và Tom “lấy làm buồn là ngày nay không còn những tay lục lâm hảo hán sống ngoài vòng pháp luật như xưa kia và bất giác tự hỏi không hiểu nền văn minh hiện đại đã mang lại những gì để đền bù những điều thiệt thòi đó. Chúng nói chúng thà được làm nghề lục lâm trong rừng Sơút một năm còn hơn làm Tổng thống nước Mỹ suốt đời“. Phải chăng qua miệng trẻ thơ, tác giả muốn gợi cho người đọc xem lại những giá trị đang được tôn sùng?

Về mặt này, thái độ của Huck, bạn Tom còn quyết liệt hơn.

Huckleberry Fin, tranh minh họa của E. W. Kemble trong ấn bản năm 1884

Nhận định của thế giới người lớn và trẻ con về Huck hoàn toàn đối lập: “Tất cả các bà mẹ đều hết sức ghét và sợ Huck vì nó là một đứa chơi bời lêu lổng, hai nữa vì lũ trẻ phục Huck quá và tuy bị cấm đoán nhưng vẫn thích chơi với nó và chỉ mong ước mình cũng giống như nó“. Chú bé nghèo lang thang ấy có tâm hồn nhân hậu và phóng khoáng. Em đã cứu bà quả phụ Đaglơt, em thường xách nước giúp bác Jêko “người da đen tốt đáo để“, thỉnh thoảng còn ngồi ăn cùng với bác, tuy em phải giấu giếm việc ấy cũng như bác Jêko phải giấu việc cho em ăn. Với một tính cách như thế – tính cách sau này phát triển trong tác phẩm viết riêng về em, “Những cuộc phiêu lưu của Huckerberry Fin” – Huck chịu đựng sao được xiềng xích của “văn minh”, của những quy ước gò bó ùa vào cuộc sống tự do của em cùng với số vàng tìm được! Sau khi Huck trốn khỏi nhà bà quả phụ, Tom tìm thấy bạn sung sướng thoải mái trong vỏ thùng rượu bỏ không ở sau lò sát sinh. Em khuyên bạn thỏa hiệp “người ta ai cũng làm như thế cả đấy Huck ạ” và bị Huck kiên quyết phản đối, vì theo Huck “giàu sang kbông phải như người ta thường khoe, giàu sang chỉ là mua lấy cái khổ, cái vất vả vào thân…”. Đây là ý nghĩ ngây thơ của nhân vật hay là sự phủ định của tác giả đối với đồng tiền, vị Chúa tể đầy quyền uy của xã hội tư sản?

Thủ pháp nghệ thuật của Mark Twain

Một cách thần tình và độc đáo, vẫn thông qua ý thức mấy chú bé, Mark Twain nêu lên nhiều vấn đề có ý nghĩa khái quát lớn, những vấn đề đã từng làm các nhà hiện thực ưu tú thế kỷ thứ 19 băn khoăn. Phải chăng xã hội đương thời còn khủng khiếp hơn những chuyện hoang đường bịa đặt? Mark Twain cho Huck và Tom chứng kiến ở nghĩa địa việc làm ám muội và tội ác, những sự thực rùng rợn quá sức tưởng tượng. Ngay khi mới nhận ra tên lưu manh Jô (chứ không phải u hồn hiện về) các em đã thốt lên “Ấy chẳng thà toàn là một lũ ma quỷ cả lại còn hơn”.

Cùng với tất cả chiều sâu của nó, tác phẩm vẫn nhẹ nhàng tươi tắn, vẫn lấp lánh những sắc màu rực rỡ và đặc biệt là rất vui. Đó là do tài nghệ nhiều mặt của Mark Twain, tài kể chuyện thật cuốn hút, tài miêu tả người và cảnh. Người đọc luôn hồi hộp và luôn bị bất ngờ vì những bước ngoặt, những sự tương phản, những cảnh căng thẳng đầy kịch tính: cảnh ba đứa trẻ “chết đuối” xuất hiện trong lễ cầu hồn, cảnh Tom làm chứng trước tòa án, cảnh Tom và Huck gặp Joe tại ngôi nhà cổ có ma, cảnh Tom bàng hoàng mừng rỡ khi thấy bàn tay người cầm ngọn nến trong hang sâu, thoắt chuyển thành nỗi hãi hùng khi nhận ra bàn tay ấy là của kẻ sẽ đem đến cho em cái chết tàn khốc, chứ không phải là tự do.

Ấn bản đầu tiên tại Mỹ của tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer
Ấn bản đầu tiên tại Mỹ của tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

Những bức chân dung Mark Twain phác họa thường giản dị mà chính xác, nói được cái bên trong: Anfred bảnh bao chải chuốt. Tom đầu bù tóc rối. Huck tả tơi ngộ nghĩnh… Ngôn ngữ nhân vật cũng giàu sức biểu hiện, lời lẽ mộc mạc của bà Poly, lối diễn đạt hài hòa trang trọng của ông thẩm phán Thatsơ, cách nói sống động của Huck… Và thiên nhiên được miêu tả tuyệt vời; dòng sông Mississippi mênh mang, bãi cát trắng ngập ánh mặt trời, khu rừng vắng diễm lệ, hang McDougal huyền bí kỳ ảo. Thiên nhiên có tâm hồn, “trầm tư mặc tưởng”, sáng sáng “rũ cái ngủ để sắp sửa bước vào lao động” rồi “tỉnh hẳn và hoạt động lao xao”, thiên nhiên dịu dàng an ủi khi các em buồn, nghiêm khắc hoặc nổi giận khi các em thấy mình “tội lỗi”. Và nổi bật hơn hết thảy là tài năng hài hước, biểu lộ trí tuệ thông minh, lòng yêu đời, yêu con người của Mark Twain. Theo ông “hài hước là một điều vĩ đại… Chỉ cần một nháy mắt, mọi nỗi lo âu biến mất, sự cáu kỉnh giận dữ tan đi, trạng thái tuyệt diệu của tâm hồn trở lại với ta“. Nụ cười tinh nghịch, hóm hỉnh của tác giả thấp thoáng ẩn hiện ở từng lời từng chi tiết.

Hình ảnh nhân vật Tom Sawyer

Cái ý nhị của tác phẩm còn ẩn trong những quan sát, những phát hiện tinh vi thế giới của các em: các hoạt động, các thói quen, nhất là các nét tâm lý. Tom Sawyer không phải tác phẩm tự thuật, nhưng chứa đựng rất nhiều ấn tượng thời thơ ấu của chính Mark Twain. “Lời nói đầu” của ông cho biết tất cả những sự kiện trong đó đều đã xảy ra trong đời sống thực, trừ truyện tìm thấy vàng và cái chết của tên Jô. Quả thật bất kỳ ai “đã từng là một em bé” đều đã từng nếm trải cảm giác thú vị trong những trò đổi chác giữa con ve của Huck, lấy cái răng của Tom, cái bong bóng và cái phiếu xanh lấy con mèo chết, đều ít nhiều thấy sức hấp dẫn của hòn bi trắng tinh đối với chú Jim. Và dễ ai không tham dự ít ra là một lần cái cảnh gây gổ muôn thuở giữa hai đấu thủ tí hon vừa hung hăng vữa gờm lẫn nhau như hai chú gà chọi nhỏ, được tác giả tái hiện chi tiết và sống động:

 Tao không sợ.
 Mày sợ.
 Không, tao không sợ.
 Mày sợ.
 Thôi cút!
 Chính mày cút đi thì có!
 Không!

– Tao cũng không.
– …
– Mày nói láo.
– Mày nói láo thì có!…

Tạo hình Tom Sawyer của hãng phim Disney

Một cá tính độc đáo

Song linh hồn của toàn câu chuyện chính là Tom Sawyer với tính cách riêng của em – một tính cách nhiều mâu thuẫn và chính vì vậy mà rất thực. Em khăng khăng phủ nhận ước lệ của đời sống nhưng lại tuyệt đối phục tùng mọi ước lệ của sách vở. Đối với em, cái gì viết trong sách cũng là bất di bất dịch. Cho nên nếu đóng Rôbin Hút thì Tom không thể thua Jô và muốn chiều lòng Jô thì phải chơi lại để Jô làm Rôbin Hút, Jô muốn đi tu thì “phải đội khố tải và tro đứng ngoài mưa”, và khi Huck hỏi “để làm gì”, Tom chỉ có một lý lẽ duy nhất “Tao cũng không biết nữa. Nhưng họ bắt buộc phải làm như vậy. Người tu khổ hạnh bao giờ cũng làm như vậy”.

Ở Tom còn nhiều nét mâu thuẫn khác: tính tự phụ và lòng tự ái con nít đôi khi rất cao đi đôi với sự bồng bột độ lượng và khả năng hy sinh cho bạn. Em mơ mộng nhưng cũng khá thực tế, biết dừng lại ở chỗ có nước trong hang, biết buộc sợi dây diều vào người khi lần tìm lối thoát, không quên mang diêm và đẫy, lúc cùng Hâc trở lại hang tìm vàng. Em can đảm nhưng vẫn “sợ rúm cả người vì tiếng chó rú, tiếng mọt trong đêm báo hiệu điềm gở”. Đầu óc em và Hâc, cũng như các bạn cùng lứa tuổi đầy những điều dị đoan mê tín về phù thủy, u hồn, phép lạ… Đây cũng là một nét hiện thực phản ánh trình độ người dân Mỹ bình thường đương thời phản ánh môi trường bao quanh các nhân vật bé nhỏ.

Một trí óc tò mò

Hơn nữa, chuyện thần tiên ma quái bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống trẻ thơ. Và chính những điều này lại làm cho trò chơi của các em thêm mùi vị thần bí, rùng rợn, đẩy kích thích. Với các chú bé táo bạo, thật cũng đáng sợ, nhưng cũng thật hấp dẫn khi phải “chữa hột cơm” bằng cách nửa đêm mang xác một con mèo đến nghĩa địa. Rồi – cũng phải đúng nửa đêm đi đào của chôn giấu ở một nhà cổ có ma, dưới một gốc cây chết khô có cành lớn đâm ngang, khi những u hồn xì xào trong đám lá cây, tiếng chó sủa xa xa, và tiếng rú đáp lại như vẳng lên từ dưới mộ…

Nhưng trí tuệ lành mạnh, óc quan sát, lòng ham hiểu biết sẽ dần dần giúp các em đối chiếu những điều mê tín dị đoan này với thực tại, kiểm tra lại chúng. Khi thấy những hòn bi chôn giấu rất đúng thủ tục không tỏ ra linh nghiệm, Tom đã thấy “toàn bộ cơ cấu lòng tin bị lung lay tận gốc“, tất nhiên, rồi em cũng lý giải bằng sự can thiệp của phù thủy. Nhưng còn chó rú quanh nhà Jôny Milơ, chim hót trên tay vịn cầu thang “mà nhà vẫn chưa ai chết cả” thì sao?

Rồi tên Joe trắng trợn làm chứng gian mà tiếng sét của thượng đế vẫn nhất định không sẹt nổ trên đầu hắn. Các em lập tức nghĩ rằng Jô đã bán mình cho quỉ Xa tăng và trí tò mò đã thúc đẩy các em “đợi có dịp sẽ quan sát Jô lúc ban đêm, mong được xem một tí con quỉ ghê gớm làm chủ linh hồn Jô như thế nào“. Tuy vậy điều này cũng nhất thời làm các em tiêu tan mất ý định vượt qua lời thề khủng khiếp “ngã vật xuống chết tươi ngay” để vạch mặt Joe, cứu Muff Potter oan uổng.

Một tâm hồn lương thiện

Thế nhưng lương tâm Tom không ngừng cắn rứt, và lòng hào hiệp ngay thẳng, can đảm cuối cùng đã thắng run sợ – sợ cả quỉ dữ lẫn người độc ác. Tính cách Tom là như vậy, vào giây phút quyết định, bản chất nhân hậu vị tha bao giờ cũng chiếm ưu thế. Tom luôn luôn chân thực và nhiệt thành, chân thực và nhiệt thành trong những trò tinh nghịch, trong những sai lầm cũng như trong sự ăn năn hối hận. Bởi vậy, chắc ta cũng đồng tình với cụ Pôly, sau khi tìm thấy miếng vỏ cây chứng tỏ tâm địa tốt của Tom, “có thể tha thứ cho nó dù nó có phạm đến trăm ngàn tội lỗi”.

Quan điểm chủng tộc của Mark Twain

Người đọc có thể băn khoăn ít nhiều vì tác giả xây dựng nhân vật Joe, thủ phạm vụ cướp là người da đỏ. Quả là trong một số tác phẩm Mark Twain có hơi nhấn mạnh những nét thô sơ hoang dã của người da đỏ, trong đời sống của họ. Đó là một hạn chế trong cách nhìn của ông. Nhưng mặt chủ yếu là ông đã cố tình chống lại hình tượng hoang đường về người da đỏ “Kẻ man rợ cao thượng và bi tráng”, sản phẩm của các nhà văn lãng mạn, như Fênimo Cupơ chẳng hạn. Theo Tuên, nhân vật người da đỏ của Cupơ là “kết quả của sự tưởng tượng thuần túy”, ông ta “nhìn người da đỏ qua ánh trăng của chủ nghĩa lãng mạn”. Mark Twain lý giải tình trạng “thiếu văn minh” của người da đỏ không phải do đặc điểm tính cách họ, mà do họ bị bọn thực dân da trắng cướp đoạt đất đai và dồn họ vào cảnh khốn cùng. Nhà sử học tiến bộ Mỹ Philip S.Fônơ có ghi lại lời tuyên bố của Mark Twain trong một buổi chiêu đãi của Hội “Nước Anh Mới”, năm 1881: “Thưa các ngài, tổ tiên của người Mỹ của chúng tôi là người da đỏ, người da đỏ cổ đại. Tổ tiên các ngài đã lột da họ, và tôi thành kẻ côi cút“. Fônơ cũng dẫn một đoạn trích trong sổ tay của Mark Twain năm 1882:

“Chính phủ Hoa Kỳ:
– Chúng ta đã tiêu diệt hai trăm tên da đỏ.
– Việc đó tốn kém hết bao nhiêu?
– Hai triệu đôla.
– Với số tiền ấy, các ngài có thể cho họ học đến Đại học

Bênh vực người da đỏ

Năm 1885, Mark Twain gửi thư yêu cầu chính quyền Mỹ bảo vệ người da đỏ, cấp bách chấm dứt chính sách đối xử dã man của chính quyền địa phương và bọn chủ đồn điền đối với họ. Để dẫn chứng cụ thể, nhà văn kèm theo thư một mẩu thông báo chính thức cắt từ một tờ báo xuất bản ở bang Niu Mêchxicô “thưởng hai trăm năm mươi đôla cho bất kỳ công dân nào nộp bộ da đầu một tên da đỏ bị tiêu diệt”.

Mark Twaion căm ghét chính sách phân biệt chủng tộc, coi đó là “một sự man rợ, một vết nhơ trong lương tâm người da trắng”. Bởi vậy ông cho rằng “Bản tuyên bố của Linoln, giải phóng chẳng những người nô lệ da đen mà còn giải phóng cả người da trắng“.

Năm 1905, dũng cảm vượt bao khó khăn, ông xuất bản một tác phẩm lên án quyết liệt đế quốc Bỉ tàn sát dã man nhân dân Công Gô, gọi đích danh vua Bỉ Leopold II là “con quỷ khát máu”, phẫn nộ đòi hỏi các chính phủ Anh, Mỹ phải tiến hành điều tra tội ác của y ở Công Gô. Ông khẳng định “Bất kể màu da con người như thế nào tâm hồn họ vẫn giống nhau, khắp nơi nơi trên trái đất”.

Đề cao người da đen

Những nhân vật da đen cực kỳ đẹp đẽ, phong phú do ông sáng tạo đã đập tan các luận điệu dối trá, các hình ảnh giả tạo về người nô lệ phục tòng, ngây thơ ấu trĩ như đứa trẻ, hoặc “kẻ man rợ cao thượng” kiểu lãng mạn. Râychơn người đàn bà da đen dũng cảm, nhân hậu, tràn đầy yêu thương, căm giận trong thiên truyện ngắn “Câu chuyện có thật” được các nhà phê bình tiến bộ Mỹ coi như “một trong những hình tượng phụ nữ tuyệt vời nhất của văn học Mỹ“.

Và Jim, người nô lệ bỏ trốn trong “Những cuộc phiêu lưu của Huck Fin” là một hình tượng nghệ thuật xuất sắc… tượng trưng cho những gì tốt đẹp nhất trong con người, một nhân vật hết sức hiện thực chẳng những tự mình khắc phục những thành kiến do chế độ nô lệ gieo rắc trong bản thân, mà “tâm hồn cao thượng tỏa sáng toàn tác phẩm” ấy còn giúp cho tinh thần nhân đạo của các em bé da trắng Tom Sawyer và Huck Fin chiến thắng được những gì trong các em còn liên quan đến ý thức của một xã hội áp bức nô lệ và phân biệt chủng tộc.

Bước tiến mới trong truyện Huckleberry Finn

Năm 1885, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn ra đời, trong đó, tính cách của Huck phát triển thành một hình tượng mới, hoàn chỉnh và cao hơn; Mark Twain còn nhiều lần định quay lại với các nhân vật thân yêu, và khoảng hai mươi năm sau khi “Tom Sawyer” xuất hiện, ông đã hoàn thành được hai tác phẩm về Tom (năm 1894 và 1896), nhưng không thể đem lại cho những cuốn này chất thơ trong trẻo như “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” và “Những cuộc phiêu lưu của Huck Fin”. Phải chăng đó là màu sắc, là hương vị riêng của “khúc ca tuổi thơ” buộc phải nhạt phai khi các em đã thành người lớn phục tùng quy luật của thế giới người lớn?

Nhà văn Anh R.Kiplinh kể lại một lần lặn lội tìm gặp được Mark Twain tại nơi “ở ẩn” hẻo lánh:

Cảm thấy đằng sau mình có hàng chục vạn người chờ đợi, tôi đã đánh bạo hỏi xem Tom Sawyer sau này có lấy con gái ông thẩm phán Thatsơ hay không và liệu chúng ta có được thấy Tom đến tuổi trưởng thành hay không?“. Và Mark Twain trả lời:

Tôi đã nghĩ đến hai cách viết tiếp Tom Sawyer. Một là để Tom đạt tới những vinh quang cao nhất, và thành nghị sĩ, hai là treo cổ Tom – Như vậy, thù và bạn của tác phẩm tha hồ chọn”.

Hai khả năng trên đã được đề cập đến ngay trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer. Sau khi nói sự thật về vụ giết người, cứu Muff Potter, “tên của Tom từ nay đã đi vào sử xanh và trở nên bất tử: tờ báo địa phương đã lên tiếng đề cao Tom thành một vĩ nhân, có người còn tin là Tom về sau sẽ làm đến Tổng thống, ấy là nói giả thử từ nay đến lúc đó Tom thoát khỏi bị treo cổ“.

Dòng Missisippi chảy qua địa phận bang Iowa, Mỹ. Bối cảnh của hai cuốn truyện Tom Sawyer và Huckleberry Fin

Đây cũng là một vấn đề từng khiến các nhà hiện thực lớn quan tâm. Một nhân vật của Bandắc đã nói là trong xã hội tư bản đương thời, nếu không cố gắng làm đao phủ thì sẽ làm nạn nhân, vấn đề là có thích nghi được với quy luật lang sói, với đạo đức tàn nhẫn của xã hội ấy và lợi dụng nó hay không? Chàng Giuyliêng Xôren của Xtăngđan chẳng đã leo nhanh đến chóng mặt trên bậc thang danh vọng khi ép mình thích nghi với nó, và chẳng đã bị rơi đầu khi phủ nhận nó, thách thức nó đó sao?

Vậy quả thật Tom Sawyer cũng chỉ có hai con đường: trở thành kẻ đàn áp hay bị đàn áp. Cũng còn những cách phản kháng tiêu cực kiểu ẩn sĩ đi tu như ý định của Jô Hacpơ, phản kháng vô chính phủ kiểu “lục lâm” hiện đại như những người hippi ngày nay, lại còn con đường cách mạng triệt để và hiệu lực, thay đổi hẳn chế độ xã hội. Nhưng đó là chuyện người lớn. Mà theo Mark Twain viết truyện về trẻ con phải biết dừng lại ở chỗ nào tốt nhất có thể dừng lại được. Nhà văn đã dừng lại rất đúng ở chỗ mà người đọc vừa lòng với những diễn biến đã qua và hình dung được cái gì sẽ tới.

Hồng Sâm – Tiểu dẫn vào tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

5/5 - (3 votes)

BÀI LIÊN QUAN

Leave a Comment