Sợ hãi nhưng tò mò, hai tính cách ấy thúc đẩy con người lần mò khám phá những điều ẩn giấu. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực thiên văn học.
Từ xa xưa, con người đã ngước lên bầu trời và tự hỏi những vì tinh tú lấp lánh trong đêm đen sâu thẳm ấy là gì? chúng từ đâu mà có? Chúng có quan hệ gì tới nhân gian?
Các ý tưởng thiên văn học cổ đại ra đời để lý giải cho những gì quan sát thấy.
Các nhà thiên văn học cổ đại chỉ có hai công cụ để nghiên cứu bầu trời: đôi mắt và trí tưởng tượng.
Họ quan sát tỉ mỉ sự chuyển động của bầu trời, hai vầng nhật nguyệt, các vì tinh tú, sự thay đổi luôn phiên của bốn mùa trên mặt đất, và cố gắng giải thích điều gì nằm phía sau các hiện tượng ấy. Khi thì bằng lý thuyết khoa học, khi thì bằng thần thoại.
Tuy có nhiều ý tưởng ngô nghê sai lầm, nhưng các nhà thiên văn cổ đại cũng có nhiều quan sát chính xác và giải thích hợp lý nhiều thứ. Ngoài ra, ẩn sâu trong các câu chuyện thần thoại, những cách lý giải vũ trụ vận hành là triết lý sống và quan niệm về mối quan hệ giữa con người với trời đất.
Phương tây có nền văn minh Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, phương đông có văn minh Ấn Độ, Trung Quốc, Lưỡng Hà. Chúng ta cùng tìm hiểu xem họ nghĩ gì về bầu trời, Trái Đất, và con người
Nền thiên văn học cổ đại nghĩ gì về nguồn gốc vũ trụ?
Hầu hết mọi nền văn minh đều đồng ý rằng có một đấng tạo hóa dựng nên trời đất cùng muôn vàn tinh tú trên bầu trời.
Con người là tạo vật đặc biệt, được giao trọng trách cai trị thế giới, làm chủ muôn loài.
Đấng tạo hóa ấy là Đức Giêhôva trong văn minh Do Thái. Ngài dựng nên “Trời Đất, muôn vật hữu hình và vô hình” trong sáu ngày, ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. (Xem Sách Sáng Thế, chương 1)
Người Ai Cập kể câu chuyện về thần Re, vị thần tối cổ thuở trời đất còn là một cõi hồng hoang, mênh mang một đại dương bất tận gọi là biển Nun. Hơi thở của Re sinh ra thần Shu, không khí, nước dãi của Re sinh ra thần Tefnut, hơi ẩm. Re rút nước đại dương cho đất liền trồi lên, tạo ra cây cối và muông thú bằng cách gọi tên chúng, gọi thứ gì thì thứ đó thành hình. Thần Shu và thần Tefnut ăn ở với nhau sinh ra mặt đất là thần Geb, bầu trời là thần Nut. Ban đầu trời đất còn dính liền với nhau, nhưng rồi thần Shu tách chúng ra, đội trời lên vai, đạp trên mặt đất. Các vì tinh tú trên trời chính là con cái của Nut và Geb.
Đối với người Babylon cổ đại thì vũ trụ được sinh ra nhờ hai thần tối cổ Apsu và Tiamat, hiện thân của nước ngọt và nước mặn. Thần Marduk, kéo theo một đám thần khác, phân thây Tiamat để tạo thành trời và đất. Marduk sau đó tự xưng là vua của các vị thần và cai trị con người. Các vua Babylon xưng vương đều tự nhận là kế vị thần Marduk.
Truyền thuyết của các dân tộc bắc Âu thì tin rằng thần Odin, cha của các vị thần, và những người anh em là thần Vili và thần Ve đã cùng nhau tạo ra thế giới từ thân thể của sinh vật đầu tiên, gọi là Ymir, một quái vật băng giá, kẻ mà họ đã giết. Xương của nó thành núi, đầu nâu thành vòm trời, máu thành biển. Trên bãi biển mọc ra hai cây đại thụ – ash và elm. Các thần lấy hai cây này để tạo ra người đàn ông đầu tiên, tên gọi Ask, và người đàn bà đầu tiên là Embla. Odin thổi hơi cho họ, Vili ban cho họ tư duy và cảm xúc, còn Ve cho họ giác quan.
Các bản bản kinh Vệ Đà của đạo Hindu khẳng định rằng vũ trụ là do thần Brahma tạo ra. Thần sinh ra từ một quả trứng thần trôi lềnh bềnh trên một đại dương vô tận. Sau đó thần dựng lên trời đất cùng muôn vật.
Truyền thuyết về thời hồng hoang của người Trung Hoa có nhân vật Bàn Cổ. Ban đầu trời đất giáp nhau, Bàn Cổ đứng ở giữa, mỗi ngày ông cao lên một trượng, đội trời lên theo. Cứ thế cho đến khi tách biệt trời và đất tới 9 vạn dặm. Tứ chi, huyết mạch, và các bộ phận của Bàn Cổ hình thành núi non sông ngòi ruộng đồng và các loài muông thú. Sau đó có Nữ Oa nặn đất sét tạo ra con người.
Sự tích của người Việt có truyện Thần Trụ Trời, phân tách trời đất theo cách tương tự ông Bành Tổ, khác ở chỗ thần Trụ Trời dựng một cái cột để chống trời. Khi trời đã vững thần phá cột ấy đi, đất đá văng vãi tạo thành núi đồi gò đống, chỗ thần bới đất đắp cột là biển hồ sông ngòi. Sau khi trời đất đã thành, các thần khác lần lượt tạo rác các thứ khác như cây cối, núi non. Ta vẫn còn lưu truyền bài ca dao:
Ông đếm cát
Ông tát bể
Ông kể sao
Ông đào sông
Ông trồng cây
Ông xây rú
Ông trụ trời
Hầu như mọi dân tộc, mọi nền văn hóa, mọi nền văn minh đều kể những câu chuyện kiểu như trên về nguồn gốc vũ trụ và con người.
Trong vũ trụ quan của con người cổ đại, bất kể đến từ nền văn minh nào, vũ trụ trời đất luôn gắn liền với con người. Hay nói cách khác, con người là trung tâm điểm của vũ trụ. Vũ trụ được tạo ra là để dành cho con người, còn con người được dựng nên là để cai quản vũ trụ.
Thiên văn học cổ đại cũng xuất phát từ quan niệm căn bản ấy. Lấy con người làm trung tâm, mọi biến động của các thiên thể trên bầu trời đều là vì con người, liên quan tới nhân sinh.
Thiên văn học cổ đại nghĩ gì về Trái Đất?
Tất cả mọi nền văn minh cổ đại đều đồng ý ở một điểm: Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, toàn bộ bầu trời xoay quanh Trái Đất.
Có hai lý do khiến cho quan niệm này là một điều hiển nhiên mà không cần chứng minh đối với người cổ đại.
Thứ nhất là lý do tâm linh. Con người là tạo vật quan trọng nhất trong trời đất, vậy nên hiển nhiên, mặt đất nơi con người sinh sống, phải là trung tâm của vũ trụ. Cả bầu trời với muôn vàn tinh tú trên kia đều xoay quanh con người.
Thứ hai là hạn chế về mặt quan sát. Nếu không ai nói cho nghe thì liệu bạn có tin rằng, hay đơn giản là có tưởng tượng nổi, bạn đang đứng trên một khối cầu hình tròn không? Dĩ nhiên là không. Trong giới hạn quan sát của con người, ta thấy rõ mình đang bước đi trên mặt đất, một mặt phẳng trải dài vô tận.
Khi ngẩng nhìn vòm trời, con người chỉ thấy hai vầng nhật nguyệt, các vì tinh tú cứ mọc rồi lại lặn, đi từ chân trời đằng đông rồi biến mất ở chân trời đằng tây. Ý tưởng về một Trái Đất hình cầu, nằm lơ lưng trong một khoảng không vô tận là điều không thể tưởng tượng nổi với những logic mà bản thân con người trải nghiệm trên mặt đất nơi họ sinh sống.
Tất cả mọi thần thoại về bầu trời, tất cả các tìm tòi thiên văn của con người cổ đại đều xây dựng trên ý tưởng ấy: Trái Đất là trung tâm của vũ trụ.
Công việc của họ là lý giải chuyển động của các thiên thể, ý nghĩa của chúng, mối liên hệ với các sự kiện xảy ra trên mặt đất.
Các nhà thiên văn cổ đại thấy gì khi quan sát bầu trời?
Trong thời cổ đại, thuật chiêm tinh và thiên văn học còn lẫn lộn với nhau làm một, chưa tách bạch thành hai bộ môn khác biệt. Nhà thiên văn đồng thời cũng là một nhà chiêm tinh. Trừ các nhà thiên văn Hy Lạp cổ đại vốn thuần túy nghiên cứu bầu trời một cách khoa học, còn ngoài ra các chiêm tinh gia của mọi nền văn minh lớn như Trung Hoa, Ấn Độ, Ai Cập, Lưỡng Hà đều tìm cách kết nối những gì xảy ra trên bầu trời với những gì xảy ra trên mặt đất. Họ quan sát và tính toán chính xác nhật thực, nguyệt thực, sự xuất hiện của sao chổi, vị trí sao bắc cực, quỹ đạo di chuyển của các hành tinh v.v. Nhưng với họ, tất cả những điều ấy đều mang một ý nghĩa nào đó dính dáng tới con người, đặc biệt là vua chúa và triều đại.
Mặc dù có những quan sát và tính toán chính xác, nhưng các thiên văn gia cổ đại lại không thể giải thích được những gì họ quan sát. Vậy nên, có khi thì họ xây dựng các lý thuyết tưởng tượng, có khi họ mượn cách giải thích của dân gian để lấp vào chỗ trống tri thức.
Ta hãy nói về người Trung Hoa.
Đang viết tiếp…