Ngày xưa…
Giữa lúc vua chúa Việt Nam còn phân tranh xô đẩy nhân dân vào những cuộc tương tàn tương sát. Đất Bắc dưới thời Trịnh Nguyễn chống đối lẫn nhau. Miền Trung Nguyễn Huệ xưng vương chống nhà Nguyễn gây cảnh núi xương sông máu khắp trong lãnh thổ.
Năm Ất Vị 1775 tháng hai vua Duệ Tôn chạy vào Bến Nghé, Nguyễn Huệ một bước không rời, năm Bính Thân 1776 mất Saigon và lấy lại lần thứ nhứt.
Tháng hai vua chạy ra Hồ Tràm (Bà Rịa) và vùng Núi Lớn Vũng Tàu (đất này khi xưa thuộc lãnh thổ Cao miên) vì Tây Sơn Nguyễn Lữ chiếm cứ Gia Định và Long Hồ Dinh (Vĩnh Long) tháng năm vua trở lại Bến Nghé vì tướng Đỗ thanh Nhân mộ quân Ba-Giồng (Định Tường) dưới cờ hiệu Đông Sơn thâu phục được Saigon.
Tháng 11 Nguyễn phúc Ánh đến Ba Giồng chiêu dụ quân Đông Sơn để chống lại Tây Sơn, lúc bấy giờ đất nước nhuộm đầy tang tóc, cảnh núi xương sông máu không bút mực nào tả ra cho hết, bước chơn chúa Nguyễn bốn phương trời non nước, trên dãy đất của miền Nam nước Việt đều có ngài để chơn tới, vì thế mỗi nơi trên lãnh thổ ngày nay còn lại lắm di-tích lịch sử của ngài trên đường tẩu quốc. Chúng tôi không dám tự hào sưu-tầm đầy đủ, nhưng cũng cố gắng tìm hiểu ghi chép lại những gì đã thâu lượm được qua các cuộc thăng trầm thay đổi của đất nước, để cống hiến cho bạn đọc hồi tưởng lại những chuyện xa xưa, mà thương đến công nghiệp của tiền nhân dày công gian lao xây dựng, có những trang sử oai hùng lưu lại cho thế hệ sau này…
Thời ấy, Việt Nam tương tranh chống đối lẫn nhau, thì ở thế-giới những dân tộc may mắn có những nhà lãnh đạo khôn ngoan thấy xa hiểu rộng, thừa cơ hội để xâm lấn mở mang bờ cõi, khuyến khích giúp đỡ những nhà hàng hải tài trí và can đảm tổ chức những đoàn tàu buồm xông lướt trùng dương, cợt phong ba bất chấp thời gian, đi tìm những chơn trời lạ mở rộng kiến-thức và tầm sanh hoạt cho nhơn loại.
Định mệnh hay luật tiến-hóa tự nhiên của vật-chất? Trong thời tàu buồm xuyên các biển, các nhà thám hiểm Tây-phương tìm đất mới với thị-trường, một số tàu Bồ-đào-Nha đã đến Vũng Tàu, một làng đánh cá nhỏ của Việt Nam, hồi ấy còn lơ-thơ buồn bã.
Nơi đây người Việt gọi là “Vũng Tàu”, vì tàu ngoại quốc thường ghé đậu tránh gió giông. Người Bồ-đào-Nha gọi là Cap-Saint-Jacques vì tưởng đã tìm ra một đất mới nên lấy tên vị Thánh họ tôn kính là Thánh Jacques mà đặt cho mũi này. Về sau trên họa đồ của các nhà hàng hải Tây phương bắt đầu ghi điểm này dưới tên Cap Sain Jacques.
Còn người Việt, trước kia gọi vùng này là Tam Thắng.
Dưới Thời Gia Long Hoàng Đế, Từ Vũng Tàu Đến Tam Thắng
Đất Nam Kỳ khi xưa ngoài 6 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường là 3 tỉnh miền Đông, 3 tỉnh miền Tây, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Phần đất Vũng Tàu nằm giáp với Mô xoài cách Bà Rịa 22 cây số, cũng thuộc về Trấn Biên tức là Biên Hòa ngày nay, theo sử chép Vũng Tàu xưa gồm có 3 làng với tên bắt đầu bằng chữ Thắng: Thắng Nhứt, Thắng Nhì và Thắng Tam, do đó người ta mới gọi Vũng Tàu là Tam Thắng.
Về lịch sử của 3 làng này có hai giả thuyết khác nhau giải thích nguyên do thành lập.
Một truyền thuyết nói: Vào đời Gia Long (1802-1819) sau 24 năm gian lao chiến đấu dẹp được Tây sơn thống nhứt sơn hà, lấy quốc hiệu Việt Nam, đặt kinh đô tại Phú Xuân tức Huế ngày nay.
Để kiến tạo lại một quốc gia đã suy sụp vì nạn nội chiến suốt một phần tư thế kỷ, nhà vua muốn lập lại kỹ cương, đã dùng biện pháp mạnh để một mặt bài trừ những phần tử bất hảo phiền nhiễu thủ đô và các tỉnh, một mặt dùng binh sĩ và nhơn công bắt buộc mở mang khai thác những vùng hoang vu hẻo lánh.
Một hôm nhà vua đã ra lịnh cho binh sĩ trang bị ba chiếc thuyền lớn chở những phần tử “không ai thích” ở thủ đô, đưa vào an trí ở Vũng Tàu.
Gia Long Hoàng đế khi phái một số quân sĩ và những phần tử bất hảo đi ghe thuyền vào Vũng Tàu, chắc chắn không dè chừng một thế kỷ sau, dải đất nghèo nàn hẻo lánh chìm lĩm giữa rừng cây, giữa hai hòn núi cheo leo hiểm trở chưa có vết chơn người léo hánh, lại có thể biến đổi thành một thị trấn phồn hoa xinh đẹp đứng vào hạng hữu danh trong các tỉnh thành của đất nước.
Cả ba làng dân Việt ở Vũng Tàu có tên Thắng Tam, Thắng Nhì và Thắng Nhứt, cũng có tên chung là “Tam Thoàn” để kỷ-niệm ba chiếc thuyền đầu tiên đến cặp bến này và dựng nhà lập ấp – đều có một nguồn gốc giống nhau; một gốc nguồn mờ ẩn trong thời gian, lịch sử và huyền-thoại tranh giành giải-thích sự sáng lập.
Về nguồn gốc của 3 làng lấy chữ “Thắng” làm đầu, huyền-thoại nói rằng ngày xưa Vua Gia Long một hôm nhận thấy ở các thị trấn trong đất nước mới gom về một mối, nhứt là tại kinh đô có quá nhiều tay du thủ du thực không nghề nghiệp nhứt định, nào là dân tứ chiến quen sống trong thời loạn, nào binh lính đào ngũ hay được giải ngũ trong thời bình, nào những dân nghèo ở nông thôn bị nạn đói lên tìm sanh kế ở tỉnh thành, tất cả hợp thành một đạo binh “vong mạng” dám liều, dám làm tất cả để nuôi miệng qua ngày, một đe dọa cho trật tự quốc-gia và an-ninh của dân chúng. Muốn giải quyết bài toán này một cách ổn thỏa và lưỡng lợi, một mặt giải-phóng thị thành khỏi sự đe dọa của những phần tử bất hảo, một đàng dùng độc trị độc, dùng đám “anh chị không kiêng nể của tư hữu” này khai thác một vùng khỉ ho cò gáy rừng thiêng nước độc chẳng ai dám đặt chơn. Ngày xưa, ngồi tại Phú Xuân tưởng tượng Ô Cấp là một hiểm địa xa xôi tận góc bể chân trời. Một dải đất ở ven rừng, núi non chớn chở chận hai đầu, biển và sông ngăn cách với dân gian, Vua Gia Long hay cố vấn của ông coi “Ô Cấp” là một tử địa đáng làm giang sơn của đám anh hùng liều mạng mộc. Đưa họ đến đây là thượng sách! Nếu bị cọp, cá sấu, cá mập “xơi tái” hết thì khỏe, nhà vua khỏi mất công lo nuôi dưỡng đám ba trợn và hành khất vô dụng này; bằng nhờ Trời phò hộ kẻ bất lương, bọn người ấy không chết non mà làm nên chuyện được lại càng tốt, nhà vua sẽ được tiếng anh-minh và được thêm một làng, một quận hay một tỉnh đóng thuế nữa. Tính kỹ với mấy ông cố rồi, vua Gia Long ra lịnh trang-bị ba chiến thuyền chở hết đám người thừa thải kia vượt biển hiểm-nguy vào Vũng Tàu lập nghiệp. Nhà vua không quên tỏ dạ nhơn từ và lượng khoan hồng sau cùng với đám người bị khai trừ và lưu đày: những làng xã do đám người này lập được tại Vũng Tàu sẽ vĩnh-viễn được miễn thuế.
Hình Thể Vũng Tàu Ngày Xưa
Vốn là một mõm đất nhô ra biển, Vũng Tàu chỉ có phía Bắc là đất liền với tỉnh Bà Rịa (Phước-Tuy bây giờ), còn ba mặt nước biển Nam bao bọc.
Diện-tích bây giờ là 6,727 cây số vuông, song ngày trước ắt khác hẳn nhiều vì lục địa bị sức nóng trong lòng đất phát nổ và bị ảnh hưởng sự xoay cuốn của thủy triều, đã làm thay đổi hình thế đi nhiều. Hiện tượng này từng xảy ra nhiều nơi trên thế giới, khiến nơi thì cồn dâu hóa biển, nơi ngày trước là biển nay biến thành đất liền. Bằng chứng: tại trung-tâm thị xã Vũng Tàu, khi người ta đào sâu xuống đất khoảng 20 thước thì gặp toàn là vỏ hào và ốc lẫn lộn trong cát, hiện-tượng này chứng tỏ thời xưa nơi đây là biển. Người xưa nói đến câu tang hải thương điền là thế.
Dưới mắt ta hàng ngày không trông thấy được sự đổi thay ngày một chút của vạn-vật, nhưng trải qua từng thế-kỷ này qua thế kỷ khác, có sự vật gì không biến đổi trong vũ trụ với thời gian?
Cũng như vào thời thật xa xưa, làng Long Thạnh (nay là chợ Bến của Phước-Tuy) vẫn dính liền với Long Thạnh của Cần Giờ, nên cả hai nơi này lâu đời cùng mang chung một tên, cái làng bị thiên-nhiên phân tách ấy nay đã rời nhau xa lơ xa lắc. Và sắc thần của làng Long-Thạnh được cất giữ tại chợ Bến, trong khi làng Long Thạnh ở Cần Giờ tuy cũng có đình thần nhưng không có sắc thần của Triều-đình phong tặng.
Các vị kỳ lão còn xác nhận cửa biển Cần giờ hiện nay so với ngày trước thật khác xa. Theo lời các cụ thì ngày xưa gà gáy ở Cần giờ, người ở Vũng Tàu vẫn nghe tiếng ó o vẳng lại. Ngay như ở bãi biển Cần giờ hiện thời, cứ lâu lâu người ta nhận thấy cát cứ lở bồi theo cùng sóng nước. Ở làng Long-Thạnh cũng vậy, chỉ vài năm là thấy bãi biển khác đi.
Tóm lại, hình thể Vũng Tàu xưa có bao nhiêu ngàn thước vuông diện tích không ai biết rõ vì ngày xưa vua chúa chưa dùng tới khoa đo đạc, nhưng sự thay hình đổi dạng của lõm đất doi ra biển này thật hiển nhiên.
Người Pháp đến giăng dây thép họa địa đồ, Lý do được đặt tên Vũng Tàu
Theo biến chuyển của thời gian, cùng chia sớt số phần của một đất nước vinh quang một lúc dưới tay khai quốc của Hoàng-đế Gia Long, tiếp nối với Minh Mạng, rồi suy yếu dần dưới thời Thiệu Trị Tự Đức để đến đỗi phải mất dần các tỉnh miền Tây và Đông, Vũng Tàu bắt đầu được thấy quân đội dị chủng bước chơn lên mõm đất núi rừng hẻo lánh xa xôi đối với Nam Triều nhưng là ải địa đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Quân đội Pháp đổ bộ lên Vũng Tàu.
Là một ải địa đầu, là cửa ngỏ vào nội địa miền Nam, nhưng Tam Thắng tức Vũng Tàu của ta xưa không mấy được Triều-đình chăm nom săn sóc. Việc phòng thủ thật là lưa thưa yếu đuối.
Lực lượng quân sự của Việt Nam ở Vũng Tàu hồi ấy vỏn vẹn có một đồn quân Nam Triều đóng trên triền núi ngay chỗ về sau người Pháp dẹp phá đi để xây cất biệt thự Blanche hay Bạch-ốc của phủ Toàn-quyền và hiện thời là nhà nghỉ mát của chính phủ Việt Nam. Đồn quan Nam gìn giữ cửa vào Vịnh Bãi Dừa, với số quân ít ỏi, đại bác thô-sơ không sao chống lại được hỏa lực mạnh và bắn xa hơn của tàu binh Pháp mở màng cho một cuộc đổ bộ ào ạt.
Chiếm dễ dàng bãi biển và các đồi núi, Pháp quân bắt đầu giăng giây thép họa địa đồ núi, lập nền tản đầu tiên của đô hộ.
Danh hiệu Vũng Tàu được đặt từ khoảng này. Vì người Việt thấy ở Vũng thường xuyên đậu 3 chiếc tàu lo việc đặt dây cáp dưới biển, chuyên trách về điện tín.
Vũng Tàu Trong Những Ngày Đầu Bị Đô Hộ
Nơi Đày Đọa, Nếp Sống Khắc Khổ Và Sự Giành Mối Chết Người Của Những Hoa Tiêu
Cách đây non một thế kỷ thôi, Vũng Tàu còn là một làng nhỏ dân chài, được người trong xứ coi là một nơi đọa đày tội phạm. Ngay sau thời Pháp thuộc, mỗi năm tới mùa gió nồm, mỗi tuần chỉ có một chuyến tàu liên-lạc giữa Vũng Tàu và Saigon, chiếc tàu duy nhứt chạy trên sông Saigon qua Nhà Bè rồi sông Lòng Tảo Rừng Sát cà rịch cà tang mỗi tuần là chiếc Francis-Garnier. Hồi đó người ta khâm phục sự can đảm của những người dám đem thân ra ở chốn xa xôi hẻo lánh bị coi như đất đọa đày này. Cửa nhà thưa thớt, biển cả minh-mông, tại bãi có những cây dừa người ta cất một dãy nhà lá khá rộng làm dưỡng đường cho những người bịnh hoạn. Hồi đó đường bộ chưa giao thông, chiếc tàu chở thơ từ chạy cà rịch cà tang phải mất 7 tiếng đồng hồ để chạy xuống sông Saigon, khi gặp gió và nước ngược phải mất tới 10 tiếng. Về mùa có gió Tây Nam, tàu phải cặp bến Gành Rái ở cách Vũng Tàu 6 cây số. Từ đó muốn vào nơi Tỉnh-lỵ bây giờ hành khách dưới tàu hay thuyền lên phải mượn phương-tiện chuyên chở duy nhứt là hai chiếc xe bò cót két chậm rì; bánh xe lăn trên đường lồi lõm lắc lư hành khách hơn một tiếng đồng hồ; nhằm lúc trời mưa đường lầy lội, lắm lúc bánh xe sụp lút xuống những vũng bùn, hành khách phải xuống ì-ạch đẩy giúp bò kéo tới.
Ngay tới lúc người Pháp đến, Vũng Tàu cũng hãy còn là chốn u buồn xa lạ ít có người đến ở nếu không vì nhu-cầu sự sống buộc ràng. Số dân cư chẳng có bao nhiêu. Ngoài dân đánh cá ở đàng xa, những người đầu tiên đến cất nhà ở bãi dừa là những hoa tiêu sanh nhai với nghề dẫn dắt tàu bè đến Cấp chạy vào sông Saigon cho khỏi mắc cạn. Hồi đó nghề hoa-tiêu chưa có đoàn-thể và luật lệ nào quy định, mạnh ai nấy làm để kiếm tiền. Và vì tiền, họ tranh giành mối không khác lơ xe đò. Họ cạnh tranh nhau rất nguy hiểm. Cách làm ăn của họ là đi thuyền nhỏ chèo ra khơi đón tàu bè ở xa đến để hiến công làm hoa tiêu đưa tàu vào bến Saigon. Vì cần giành nhau để giựt mối trước, có những kẻ ra khơi thật xa để mong gặp tàu lạ trước, do đó có khi vì sóng gió lật chìm thuyền, một số hoa tiêu bị mất tích vì giành mối. Về sau, thấy sự cạnh tranh này nguy hiểm và bất lợi, các hoa tiêu họp nhau lập thành đoàn-thể, phân công chia lợi hẳn hòi. Họ không còn phải tranh nhau đâm thuyền ra kiếm mối ngoài khơi nữa, cứ ở trong vịnh chờ tàu ngoại quốc đến kiếm, họ mới phái người đi ghe máy ra tàu để hành nghề.
Vũng Tàu Từ 1890 Tới 1900
Những Dinh-Thự Đầu Tiên Công Lao Của Tội Phạm
Vũng Tàu khởi đầu được kiến thiết từ năm 1890 vào cuối thế-kỷ 19.
Nhận thấy Vũng Tàu có thể là nơi cho người ra dưỡng bịnh và nghỉ mát, một viên tham biện Pháp cai trị tỉnh Bà-Rịa lưu tâm xây cất sửa sang theo phương tiện tài chánh nghèo nàn của Bà-Rịa lúc đó. Sở công chánh đóng góp một phần sửa sang con đường Bến Đình cho xe cộ chạy được dễ dàng, một hai con đường mới được khai phóng. Vài tư nhơn có tiền bắt đầu xây cất nhà trên bãi biển để ra ở nghỉ mát. Song đó chỉ là một vài sáng kiến riêng tư, sự tiến bộ chỉ nhỏ hẹp và chậm-chạp. Phải đợi đến năm 1895 mới có những nỗ-lực thật sự để sáng lập một thành phố nghỉ mát và dưỡng bịnh xứng đáng với hòn ngọc Viễn-Đông.
Ngày 1 tháng 5 năm 1895 một nghị định tách rời Vũng Tàu khỏi tỉnh Bà-Rịa và đặt nó dưới sự cai-trị của một viên tham biện dân sự. Nhờ được biến đổi thành thị xã trên giấy tờ, Vũng Tàu mới có đủ tư cách pháp-lý và ngân khoản để kiến-thiết. Viên tham biện đầu tiên đến cai-trị và lo mở mang Vũng Tàu là ông Ernest Outrey, về sau được cử làm Nghị viên đại diện thuộc-địa Nam-kỳ tại quốc-hội Pháp.
Trong 30 năm kiến thiết, khởi đầu họ cho làm rộng và lát đá con đường chính của Vũng Tàu chạy theo bờ biển, hai bên trồng cây bàng, me và dừa. Đường này chạy dài một đầu đưa lên tới ngọn Hải-đăng (đèn pha), một đầu chạy quanh đèo núi.
Bạch Dinh, Nhà Nghỉ Mát Của Ông Toàn Quyền
Người Pháp đi đến đâu cũng lo chỗ ăn ở cho ngon lành trước đã.
Dưới chơn Núi lớn, về hướng bắc, họ xây cất một biệt thự nguy nga đồ sộ nhìn ra biển làm nơi nghỉ mát của viên Toàn quyền. (Bây giờ biệt thự này để lại cho Tổng-Thống V.N ra nghỉ mát và đi câu cá). Vị trí của biệt thự này khác đặc biệt: cất trên đồi cao 20 thước chiếm chỗ đồn binh Nam triều trú đóng trước kia. Biệt thự trắng toát nổi bật giữa nền xanh của rừng cây lá, phía trước có những bồn cỏ, có đường xe lên được, phía sau dựa núi rừng. Một cầu thang khu ốc kiến trúc khá mỹ thuật, đưa xuống tận bãi biển và nối liền với một ngôi nhà khác làm văn phòng và chỗ nghỉ cho đám tùy tùng.
Dọc dài theo bờ biển, ngoài những tư thất của người Pháp hay Việt dư dã lần hồi cất lên, chánh-quyền Pháp đã cất Tòa Bố (Tòa Hành-chánh bây giờ), bịnh xá, và trên miếng đất của đồn lính pháo thủ ngày xưa, họ cất một khách sạn lấy tên là “Grand hotel », ngày nay là khách-sạn Tam-Thắng.
Trong những kiến-trúc thời xưa của người Pháp còn để lại, đáng kể ngọn hải-đăng trên chóp núi mà chúng tôi sẽ nói đến nhiều hơn nơi chương khác, và một sở nhà ở gành Rái trên đường đi Bến đình. Sở nhà này gọi là “Lazaret », ngày xưa dùng làm nơi ăn ở cho hành khách những chiếc tàu từ những xứ có bịnh dịch truyền nhiễm đến hoặc có bịnh ấy dưới tàu bị cầm lại không cho vào sông Saigon.
Một số hình ảnh Bạch Dinh ngày nay, vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu của nó
CÔNG LAO KHAI TRIỂN BỞI AI?
Người Pháp đã đi và để lại một vài cơ sở, nhưng công lao kiến-trúc không phải của họ mà là của một số tù tội Việt Nam. Ngày xưa mỗi buổi sáng sáu bảy trăm tù tội ở khám đường bị lùa ra đi làm khổ sai suốt cả ngày. Nhơn công này không được thù lao chút nào, mà đã làm việc rất đắc lực vì roi da, dùi cui hay roi cá đuối. Trong đám này kẻ bất lương có, mà cũng có nhiều tay anh hùng chí sĩ, bởi thất cơ đành chịu khổ dưới sự hành hạ của quân thù.
Bởi vậy du khách đi viếng Vũng Tàu trong khi gió mát trăng thanh an hưởng những tiện-nghi của một thị-xã trên bờ biển, cũng nên có một phút suy tư nghĩ đến những người đau khổ đã rưới máu và mồ-hôi cho thành mọc trên bãi cát.
Tại Sao Kẻ Kêu Vũng Tàu Người Kêu Ô Cấp?
Danh từ Ô Cấp đã có từ… “hồi Tây mới lại” và được Việt Nam hóa cho người bình dân ta dễ nhớ, dễ nói. Nó do nơi hai tiếng “AU CAP” của Pháp ngữ, để gọi tắt danh từ cũng của Pháp đặt cho nó, nghe rất “Dài Xòn” khó đọc và khó nhớ cho người dân Việt không hề học qua chữ Pháp bao giờ. Đó là tên “Cap Saint Jacques” tức là “Mũi Thánh Jacques ».
Chắc không ai còn lạ ở điểm này cả. Và người ta còn cho rằng: Ô Cấp đây, tức là “Mũi Thùy-Vân », mà cũng có người vẫn quen gọi “Ô Vắn ». Có lẽ lại do nơi sự phát âm của hai tiếng “Au Vent” 3, cũng của Pháp ngữ nữa mà ra.
Viết đến điểm này, chúng tôi lại không khỏi nhớ đến cái đặc tánh… sính ngoại ngữ của hạng “trí-thức” người mình. Hết Tàu đến Pháp, rồi bây giờ đến Mỹ, đến Anh. Người ta cứ “mượn” ngoại ngữ để đệm vào tiếng Việt, tuy không phải thứ tiếng của mình không có, nhưng cứ “đốp” dùng, hầu tỏ ra là người có học rộng! Chẳng hạn như Bến-Tre nghe nó có tánh cách địa-phương và rất chất phác thật thà của người bình-dân, thì bị người ta đặt lại thành “Trúc-Giang” cho nó… “Văn Hoa », không cục mịch!
Nhưng thôi xin miễn phê bình về “vụ” này, vì chúng tôi đã đi lạc đề hết một đoạn rồi! Vậy xin trở lại…
Hai tiếng “Ô CẤP” đã rõ. Còn Vũng Tàu thì sao? Do đâu mà có tên ấy?
Nếu truy nguyên danh từ, thì VŨNG là cái VỊNH nhỏ. Theo V.N. Tự-điển của Khai-Trí Tiến-Đức (Bản in năm 1954, của Văn Mới, tại bên Pháp), thì “VŨNG” nghĩa là “chỗ nước sâu, làm bến cho thuyền, tàu đậu được”. Trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh-tịnh-Của (Paulus Của) xuất bản năm 1896 tại Saigon thì nghĩa càng không khác mấy, tuy có nhiều giải-thích rõ-ràng hơn đối với chữ VŨNG dùng ở nơi khác, chẳng hạn như VŨNG LẦY, hoặc chỗ bãi trâu cả vũng, hoặc ướt đọng vũng.
Vậy Vũng Tàu ở đây, tức là cái chỗ nước sâu, một cái vịnh nhỏ gần bờ biển mà tàu bè các nước ngoài tới đó có thể đậu sóng to gió lớn được, hoặc đậu chờ phép tắc, trước khi ngược dòng sông Nhà Bè vào Saigon.
Nhưng Vũng Tàu thời xưa ấy, nay đã trở thành một Thị xã phồn-thịnh, bây giờ ở đâu? Tại ngoài khơi Bãi Trước, như du khách đến đó tắm biển, nhìn ra thấy có tàu ngoại-quốc neo đậu ở đó không?
Thưa, không!
Căn cứ theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” về “Lục-Tỉnh Nam-Việt” quyển thượng, do Tu Trai Nguyên Tạo, cử nhân Hán học dịch, và Nhà Văn hóa Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục xuất bản năm 1959, thì Vũng Tàu thuộc huyện Phước-An, Phủ Phước-Tuy, tỉnh Biên-Hòa.
(Từ huyện lỵ qua phía đông đến biển, giáp giới huyện Tuy-Định, tỉnh Bình-Thuận 24 dặm, tây đến giới huyện Long-Than 65 dặm; nam đến biển giáp huyện Phước-Lộc tỉnh Gia-Định 37 dặm; bắc đến huyện Long-Khánh 24 dặm) Đ.N.NTC trang 4 và 5.
Bây giờ trở lại câu hỏi: Vũng Tàu ở đâu?
Thì đây, cũng theo Đại Nam Nhất Thống Chí Lục tỉnh Nam Việt (tập thượng, trang 13 Nha Văn Hóa Bộ Quốc-Gia Giáo Dục xuất bản năm 1959) đã nêu như sau: Ở đông nam huyện Phước-An 26 dặm, đầu ghềnh (gành) thường có con rái biển bơi lặn ở đấy, nên gọi là Lái Ky (Gành Rái). Núi này sơn mạch từ phía bắc, giữa chằm lớn băng qua sông qua ngòi, nhóm cái tụ đá, lại chạy về hướng đông quanh qua hướng tây uốn lưng như con rồng xanh vươn mình theo bờ biển đót khi ba hòn núi đá đứng sửng như trụ biển ở giữa biển nêu làm tiêu chỉ cho ghe thuyền năm bắc qua lại, sóng biển đập vào cuồn cuộn cả ngày. Đầu núi làm cửa hữu chỗ Ngọc-Tỉnh, đuôi núi làm ngoại hình cho Cần-Giờ, ở trong có Vũng lớn gọi là Vũng Tàu. Vũng này bảo vệ cho ghe thuyền đậu nghỉ. Trên núi có suối nước ngọt, dưới chân có dân chài nhóm ở đông đúc, làm cho cửa bể rất xinh đẹp. Ngoài biển có giới thủy hiệp khâm, tục gọi là giáp cảng (hai ngọn nước giáp lại một chỗ tức là giáp nước), mùa gió nam là giáp thủy rời ra phía bắc; mùa gió bắc (gió bấc) thì giáp thủy rời vào phía nam.
Các hải thuyền đã am thạo tránh trước đi, thì khỏi tai hại.
Như thế, nếu do theo vị-trí mô tả, chúng ta có thể “hiểu” cái “Vũng lớn” để ghe thuyền qua lại đậu nghỉ và núp sóng gió, gọi là “Vũng Tàu” nơi đây, có lẽ bắt đầu từ “Bãi Dâu” chạy vòng qua đến tận “Bến Đình”. Và địa danh này đã thành ra một thị-xã Vũng Tàu rộng lớn với một thành phố, và phong cảnh thu hút du khách, đồng thời cũng là một căn-cứ quân sự quan trọng ngày nay.
Nhưng đến đây, chúng ta cần nhận định… “không được lầm lẫn” do thói quen… lười biếng thường tình, khi nói đến Vũng Tàu hay Ô Cấp. Nếu ta chịu khó để ý đến “chữ nghĩa” một chút thì ta sẽ thấy ngay Vũng Tàu, không thể cùng một chỗ với Ô-Cấp. Bởi Vũng Tàu là thứ vũng nước sâu, để cho tàu thuyền đậu. Còn “Ô Cấp” là mũi (mõm) đất hay đá chạy thọt ra ngoài mặt biển. Tuy rằng nói “Ô Cấp” theo âm tiếng Pháp, hay nói “Vũng Tàu” theo tiếng nôm, tức là thuần-túy tiếng Việt Nam ta, mọi người đều hiểu: chỉ một chỗ mà thôi. Vì “bờ cõi” Vũng Tàu ngày nay được mở rộng hơn xưa từ lâu, và “nó” đã “nuốt trững” Ô Cấp vào thành một khối thị-xã rồi.
Nhưng “Ô Cấp” là chỗ nào đây chớ, khi chúng ta “đã” tìm ra vị-trí Vũng Tàu.
Như trên đây đã nêu rằng: “Ô CẤP” tức là mũi Thùy-Vân, mà “hồi đời Tây” người Pháp cũng gọi nó là mũi “Ô Quan”. Có lẽ họ âm theo hai chữ Thùy Vân qua giọng người niềm Nam chăng?
Vũng Tàu những năm 1970
Và nếu đúng Ô Cấp là mũi Thùy-vân (vì nhìn xem hình thể bờ biển nơi đây, ta không thấy có mũi nào khác nữa) thì cũng theo Đ.N.N.T.C. Lục Tỉnh Nam Việt, quyển thượng trang 13 ghi rằng:
Ở Đông Nam huyện Phước An 12 dặm, đứng dựa mé biển, trông như vòm mây từ trên rũ xuống, nên gọi là Thùy-Vân (mây rũ). Trên núi có chùa Hải Nhật tương truyền chỗ ấy là chỗ trông ra biển suy trắc bóng mặt trời. Phía Bắc chân núi cây cối xanh um, là nơi heo rừng cư trú. Dưới chân núi có vũng biển hay có sóng lớn. Lại có Nhật-Sơn, Trư Úc, những thương thuyền khi tránh gió Nam thường đậu núp nơi ấy. Ngoài mõm có Thần Nữ Phong, tục gọi là mõm Dinh Cô, có gò cát đá, xưa có người con gái ước 17, 18 tuổi gặp nạn gió táp chết dạt ở đấy thổ-dân đem chôn; đêm sau người ta mộng thấy nữ nhân ấy. Từ đó hay đến giúp đỡ cho người, người lấy làm thân nên lập đền thờ ở đầu núi, nay vẫn còn.
“Nay vẫn còn” nhưng “nay” đây là thời tác-giả soạn bộ ĐNNTC chớ đã khá lâu rồi, Dinh Cô ấy không còn thấy dấu vết gì đâu nữa. Hoặc có còn, nhưng chúng tôi không gặp biết và cũng không có phương-tiện, cũng như cơ-hội, để tìm ra.
Trên đây là câu chuyện Vũng Tàu hay Ô Cấp mà chúng tôi nêu, để quí vị độc giả biết danh từ Ô Cấp và Vũng Tàu.
Riêng về cảm tưởng của chúng tôi, thì nhân được đi đó, đi đây ở nhiều nơi tận nước ngoài chúng tôi xét thấy rằng: người Pháp là hạng thực dân chỉ biết thụ hưởng hơn là “mở mang” thuộc địa đánh chiếm như họ từng rêu rao. Vì nếu thật sự họ chí tình mở mang cũng để họ thụ hưởng, và thụ hưởng nhiều hơn nữa thì chắc chắn thị-xã Vũng Tàu đã cực kỳ phồn thịnh, chẳng những chỉ loanh quanh một thành phố nhỏ hẹp như bây giờ. Mà trọn vùng Núi Lớn Núi Nhỏ và từ Bến Đình ra Bãi Trước đến Bãi sau, đã dẫy đầy đường xá, dinh thự nhà cửa, bến đá, bãi cát khang trang còn hấp dẫn hơn trăm ngàn lần bây giờ nữa kia! Người Pháp không có lý-do hãnh-diện bất cứ 1 “công trình” nào của họ tại xứ ta, khi họ phải rút đi, kể cả Vũng Tàu, một nơi quan trọng về du lịch, hiểm yếu về quân sự.
Di tích lịch sử, Vài Nét Về Danh Nhân Và Nhân Vật Vũng Tàu
Di Tích Lịch Sử
Vũng Tàu là một Thị Xã tương đối mới phát triển không có sự tích lâu đời bằng nhiều tỉnh khác ở miền Nam, nên di tích lịch sử không được dồi dào, không có lăng tẩm và đền đài cổ tích như chùa non nước ở Đà-Nẵng hay Đế-Thiên Đế Thích. Người ta chỉ tìm thấy một dấu vết của thời xưa là một pho Tượng Phật ngày xưa ở trên núi lớn về sau được thỉnh về chùa Thắng Tam.
Lịch sử của Vũng Tàu thật ra là lịch sử tỉnh Bà-Rịa.
Vũng Tàu đã chịu chung số phần của đất nước, lịch sử cùng chia với các tỉnh miền đông. Những cuộc khởi nghĩa kháng chiến chống xâm-lăng, những phong trào tôn giáo đều ăn rập một nhịp với những phong trào của tỉnh Bà-Rịa và Biên-Hòa.
Đời sống kinh-tế ngày xưa là nông nghiệp không phát triển được mạnh-mẽ vì địa chất không thuận-lợi và địa thế không phù hợp cho những cuộc doanh điền. Việc chăn nuôi ngày trước chẳng có gì, lâm sản không được khai thác vì triều đình cấm nhặt.
Thương mãi cũng chỉ quây quần trong những cuộc trao đổi hóa phẩm với các ghe thuyền ở Trung-Việt vào, những thuyền tàu từ Trung-Quốc và Ấn-Độ qua ghé lại tìm mua vật thực tươi. Chỉ có một công nghệ thịnh hành và phát đạt là chài lưới, bán cá tươi và khô.
Đời sống xã-hội ngày xưa: dân sở tại không có phong tục tập quán gì khác biệt. Dân chài lưới không giàu, đời sống hàng ngày lam lụ, áo quần bô vãi thô sơ, nhà tranh lụp xụp bị ruồi muỗi xâm-lăng và mùi cá mắm phơi trước sân nhà hay trên nóc.
Tuy không có những cổ tích lâu đời từ tiền sử để lại, Vũng Tàu vẫn không thiếu những di-tích lịch-sử gần từ một hai thế-kỷ lại đây.
Và sau đây là những kỷ niệm đáng biết và đáng bước chơn đến một lần để quan chiêm cho biết.
Linh Sơn Cổ Tự
Ngôi chùa xưa đáng biết nhứt là Linh-sơn cổ tự. Một ngôi chùa nhỏ nằm ở vị-trí rất xinh, được xây cất bên triền núi giây thép ở mút đường thành săn đá Pháp ngày xưa, đó là “Linh-sơn tự ». Ngôi chùa này năm 1919 được dời về gần nhà việc Thắng-Tam, trên nền cũ người Pháp chiếm xây cất biệt-thự cho một viên hoa tiêu người Pháp tên Lheureux. Ngoài biệt-thự có bảng đá khắc tên “Villa des Tamarins ».
Ngôi chùa dời về gần nhà việc Thắng-Tam kế bưng, cảnh trí u-nhàn thanh-tịnh, bên trong có một pho tượng quí. Tượng Phật lớn nhất tại chánh-điện cao 1 thước 20 bằng đá có phết vàng là một pho tượng cổ rất đẹp: nét mặt đức Phật vừa từ bi vừa vui vẻ và linh-động như người sống. Theo hình dáng và nét điêu khắc, người ta đoán là một di-tích của người Chiêm-Thành (Chàm) hoặc Chân-Lạp lưu lại vì rất giống những pho tượng trông thấy ở các đền chùa chàm còn lại.
Theo truyền thuyết, cách đây hơn 100 năm, một đoàn ghe chài lưới Trung-Việt vào đánh cá ở Bãi Trước, trong khi đi lấy củi ở Núi Lớn tình cờ tìm thấy 2 tượng Phật bằng đá vùi dưới đất trên sườn núi, gần Bãi Dâu. Họ hè nhau đào lên rồi hôm sau đem cờ quạt trống đến thỉnh về. Dân làng hay tin kéo ra chận lại, vì đó là những báu vật cổ-tích tìm được ở đâu thì thuộc quyền sở hữu nơi đó. Đám dân chài miền Trung năn nỉ mãi, làng mới cho họ thỉnh một tượng Phật nhỏ về Trung, còn pho tượng lớn làng rước về thờ.
tọa lạc tại 104 Hoàng Hoa Thám, Vũng Tàu. Ngôi chùa được xây năm 1919 trên Núi Nhỏ nhưng do bị người Pháp chiếm dụng để xây hoa tiêu nên một ngôi chùa khác đã được xây ở địa điểm hiện nay và tồn tại đến ngày nay. Đây là ngôi chùa cổ nhất Vũng Tàu
Điện Bà
Một cổ tích khác đáng quan chiêm khi du khách đến Vũng Tàu là Điện Bà.
Xây cất trên những tảng đá rất lớn đứng cheo leo ở triền núi lớn về phía Bến Đình, điện Bà đã xuất-hiện trên 80 năm nay. Khởi thủy là một miếu nhỏ thờ thần Hổ, vì ngày trước có một con cọp lớn về nằm trong kẹt đá nơi đây. Chẳng rõ con cọp này có gì linh thiêng hay tự nơi lòng người sợ cọp sẵn ở vào thời rừng Vũng Tàu còn nhiều cọp nên dân làng dựng miếu thờ. Năm 1945 những người sùng đạo mới tổ chức thành hội điện và xây cất lên để thờ Bà Ngũ hành, thờ Phật và Quan-Thánh. Năm 1956, hội lại cất thêm nhà Trai và một cây Tháp ba từng khá đẹp.
Từ chơn núi lên điện cao lối 60 thước, có nhiều bực đá xây. Vì địa thế kỳ khu và tiếng đồn linh ứng, Điện-Bà thu hút khá nhiều du khách dù mộ đạo hay không. Về tiết xuân thiện nam tín nữ và những kẻ du xuân đến đây cầu xin và ngoạn cảnh càng thêm đông đảo.
Phước Lâm Tự
Chùa Phước-Lâm ở Thắng-Nhì đã có trên 80 năm nay. Chùa cũ đã bị phá bỏ và được cất lại năm 1957 theo kiểu kiến trúc Ấn-độ, nền lót đá hoa, cột kèo đúc bằng xi măng cốt sắt.
Đáng chú ý nhứt là 3 cái tháp chuông giả đột khởi trên nóc chùa, phân biệt hẳn Phước-Lâm-Tự với những ngôi chùa khác. Chùa có pho tượng 8 tay bằng đá đào được trên núi Lớn được liệt vào loại cố tích giá trị của địa phương.
Cảnh trí chùa cô liêu tịch mịch, cũng xứng là một cảnh đáng kể tại Vũng Tàu.
Miếu Năm Bà (Bãi Dâu)
Tại Bãi Dâu cách mặt lộ chừng 500m hướng trên triền núi Lớn, có một con đường thẳng lên Thanh-Tâm đạo viện.
Lịch sử ở cuộc đất này ngày xưa có một tòa cổ miếu nhỏ cất bằng cây lá, nép mình trong cảnh u tịch của núi rừng, miếu đã có gần 100 năm nay, do các ngư phủ dựng lên để thờ Ngũ Hành, tức là năm vị thần: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, đồng bào dân chúng địa phương hết lòng tin tưởng cho là linh-thiêng hiển hách. Ngày xưa đồng bào đi hái củi trên núi Lớn thường xuống nghỉ trưa nơi miếu này dùng bữa, thấy những cặp rắn to có mồng nhưng không cắn mổ ai, van vái một hồi rồi đi mất. Thời-gian sau ngôi miếu được trùng tu lại bằng gạch ngói nhưng nhỏ hẹp, chính giữa thờ một bức tượng xưa hình năm bà lộng kiến xem rất trang nghiêm, mỗi năm vào tháng 3 hoặc tháng 4 có lệ cúng do giới ngư phủ quanh vùng tổ chức, có nhạc, có bóng rổi, múa dâng mâm vàng, mâm bạc cho bà, màn đêm che phủ cả núi rừng cô tịch, gió lộng từng cơn lấp lóe những ngọn đèn Bạch lạp khi mờ khi tỏ, khói hương nghi ngút, một chập lâu có bà về nhập xác cho một cô cốt, bà mách bảo việc này việc kia cho những người có mặt.
Một đêm cúng kiến xong, sáng hôm sau ai về nhà nấy vẻ mặt hân hoan vì đã làm tròn nhiệm vụ. Từ xưa đến nay sự cúng kiến vẫn được liên tục duy trì cho đến hôm nay.
CỔ MIẾU ĐƯỢC XÂY CẤT LẠI: Năm 1968 ban quản trị Thanh Tâm đạo viện, do hai cô 4 Thanh, Hạnh đứng ra xin xâm bà để trùng tu lại ngôi miếu cho rộng rãi khang trang và đầy đủ tiện nghi hơn, thay miếu cũ, xây dựng lại miếu mới, vách tường, nền lót gạch bông, xung quanh chái bắt vần, hai nóc, bên trong vẫn thờ như cũ, trước có dựng thêm một pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao trên 1m, tay cầm Bình tịnh thủy, gương mặt dịu hiền mắt nhìn ra bể cả, hàng ngày có nhiều du khách và người địa phương đến xin xâm lễ bái. Cạnh bên miếu lại có thêm một di tích lịch sử nữa là Giếng Ngự, nước ngọt và trong, quanh năm vẫn đầy, đồng bào ở đây thường kêu là giếng Gia-Long.
Giếng Ngự Và Vua Gia-Long
Một trong những truyền thuyết mà người ở Vũng Tàu, nhứt là miệt Bến-Đình rất tin-tưởng, là tại Bến-Đình, ở khoảng đất trống sau Trung-Tâm Truyền Tin bây giờ, ngày xưa có một cái giếng nước được người ta gọi là giếng Me hay giếng Ngự. (Cái gì có tiếng “ngự” vào là ám chỉ có sự dính dấp tới vua chúa nào đó).
Tương truyền cái giếng ấy đào không sâu lắm, lại cận mé Rạch, nên mỗi lần Thủy-triều lên, nước mặn tràn vào ngập hết. Nhưng lạ một điều khi thủy-triều rút xuống thì nước giếng lại ngọt như thường và uống được. Làm như thể có phép mầu hay trong giếng có chất gì hòa giải được chất muối tan đâu mất.
Nay thì giếng đã bị lấp đâu mất không còn tìm ra dấu vết nữa, nhưng người ta vẫn tin nơi đó có giếng, và nơi đó là giếng ngày xưa vua Gia-Long ra lịnh đào lấy nước uống và nấu ăn cho quan quân trong lúc ngài bôn tẩu đến Vũng Tàu, sau một trận thủy chiến ở cửa Cần-Giờ bị quân Tây-sơn đánh bại.
Theo sử chép: Tháng 3 năm Nhâm-Dần (1872) vua Tây-sơn là Nguyễn-Nhạc và Nguyễn Huệ kéo đại-đội thủy binh trên 100 chiến-thuyền vào cửa Cần-Giờ truy kích quân của Nguyễn-Vương tức Nguyễn-phúc-Ánh sau này tức vị dưới đế hiệu Gia-Long. Quân đôi bên gặp nhau tại Thất kỳ giang tức Ngã Bảy. Một trận kịch chiến xảy ra, quân Nguyễn-Vương đại bại phải bỏ thành Saigon chạy về Tam-Phụ (Ba-giồng) rồi ra lánh ở Phú-Quốc để chỉnh đốn lại tàu binh và cầu ngoại quân tiếp viện.
Truyền thuyết về câu chuyện Vua Gia-Long có ghé lại Vũng Tàu và cho đào giếng ngự có chỗ hữu lý, vì Cần-Giờ và Vũng Tàu xưa kia có lẽ chỉ cách nhau một khoảng ngắn, khi lục địa chưa bị xói lở thì đất liền từ chợ Bến (Phước-Tuy) đến làng Long-Thạnh Cần-Giờ. Như vậy sau cuộc giao tranh ở cửa biển Cần-Giờ vua Gia-Long rất có thể đã xuất hiện ở Vũng Tàu và ra lịnh cho đào 3 cái giếng để quân sĩ có nước uống, (Xin xem về phần huyền thoại sự tích Giếng Ngự ở Bãi Dâu).
Lăng Cá Ông
Ra Vũng Tàu mà không biết đến Lăng Cá Ông cũng là một sự thiếu sót. Tuy không đồ sộ như Lăng Tẩm của các bực Vua chúa tại cố đô. Lăng Cá Ông giống ở lối kiến trúc cổ xưa, cũng ẩn mình dưới những tàn cây rậm mát trong khung cảnh tịch mịch tôn nghiêm tọa lạc cạnh Đình Thần khu phố Thắng-Tam đường Hoàng Hoa Thám Vũng Tàu, cạnh bãi Thùy-Vân tức Bãi sau cũ.
Sự tích lăng cá Ông có những tài liệu nói khác nhau:
Tài liệu của Pháp nói nơi này thì một đầu cá Ông to lớn lâu ngày rả thịt chỉ còn xương. Đầu cá này tấp vào bãi Thùy Vân năm 1868. Đó là di thể của “Nam Hải đại tướng quân” bị Long-Vương Thủy-Tề trừng phạt chém làm ba khúc, vì đã lãng xao nhiệm vụ để cho một chiếc ghe chìm chết 60 người trong một cơn bão. Ba khúc tấp vào bờ, hay tin dân ba làng Thắng-Tam, Phước-Tỉnh và Cần-Giờ đến thỉnh mỗi làng một bộ phận về thờ.
Những tài liệu khác của người Việt Nam nói: cách đây hơn 100 năm có một đầu cá ông thật to trôi dạt vào bờ biển Vũng Tàu (tức bãi Trước, nay được đặt tên thơ mộng hơn là Bãi Tầm-Dương), đầu cá to đến đỗi không thể đem lên bờ, mà ngư dân địa phương phải xóc cừ rào lại cho thịt rã hết rồi đem rửa sạch, tháo từng khúc xương khiêng lên cất Miếu gần đó để thờ.
Cách 40 năm sau, một cá ông khác dài 12 thước, bề ngang 1 thước 50 chết trôi tấp vào bãi sau tức bãi Thùy-Vân. Người thấy xác cá đầu tiên là ông Bang-Thiên tức Trần-Thinh (đã tạ thế từ lâu). Dân làng được tin kéo tới đem xác cá lên bờ theo kiểu lăn gỗ (nghĩa là dùng cây đòn xeo lăn lên lần như cây súc lớn) và chôn cất tử tế tại khu đất cất Lăng hiện nay.
Ngày ông Bang Thiên gặp xác cá nhằm 16 tháng 11 âm lịch không rõ năm nào. Đồng bào ngư phủ chọn ngày 16-11 làm ngày Vía Ông thiết đại lễ cúng tế hàng năm.
Đến năm 1967 nhơn dịp khánh thành Lăng được tái thiết, ngày Vía Ông được đổi lại 16 tháng 8 âm lịch sau khi đã xin keo và được keo ứng trả lời “cho phép”.
Theo các bực kỳ lão trong làng, trước đây, hơn 100 năm Lăng Cá Ông được cất sơ xài tại Bãi Trước tức bãi Tầm-Dương, đến năm 1911 Lăng mới được dời về xây cất cạnh Đình Thần khu phố Thắng Tam, và sau 6 lần tu sửa, đến tháng 4 năm 1967 Lăng được tái thiết và nới rộng bề ngang thêm 10 thước. Bề sâu 14 thước, được chạm trổ trần thiết tân kỳ hơn, phí tổn tất cả lối 600.000 đồng, một phần được Tòa-Thị chính tài trợ, một phần lớn do đồng-bào, đặc biệt là giới ngư-phủ lạc quyên đóng góp.
Bước vào Lăng, người ta thấy ngay ngưỡng cửa có một bức tranh cá ông nổi ngoài biển khơi do họa-sĩ Thái-văn-Ngôn vẽ tặng.
Bên trong chánh điện có 3 bàn thờ đúc bằng xi-măng chạm trổ công phu các hình Long, lân, qui, phụng giao đầu, cá hóa Long giỡn sóng cùng nhiều khuôn tranh ảnh như ta thường thấy ở các Miếu Đình.
Phía sau bàn thờ có 3 tủ kính khá lớn lồng trong khung gỗ sơn son đựng xương cá ông, dân làng gọi là kim tĩnh.
Tủ chính giữa đựng xương đầu cá ông vớt được cách đây trên 100 năm, tủ bên mặt từ ngoài nhìn vào đựng xương cá ông vớt được lần thứ nhì sau đó độ 40 năm, và tủ bên trái đựng xương các cá ông cỡ nhỏ.
Lăng cá ông do một hội lấy danh xưng là “Lương hữu vạn lạch” trông nom và quản trị. Hội qui tụ chừng 150 hội viên hầu hết là ngư phủ. Hội có bầu ra một Ban quý-tế gồm trên 40 người do ông Hồ-văn-Khoa làm chủ tịch.
Hàng năm, tới ngày 16/8 âm-lịch là nhân-viên ban quý-tế chạy chơn không bén đất, ông chủ-tịch bù đầu, lo thiết đại-lễ theo nghi-thức cổ truyền để tế “Linh vật của ông ». Ngày hôm ấy là một ngày vui nhộn cho ngư phủ đến cúng vái cũng như cho hàng ngàn dân-chúng hiếu-kỳ đến xem nghi lễ và nhứt là xem hát.
Đình Thần Thắng Tam
Một ngôi đình xưa đã có mặt ở xã Thắng-Tam trên một thế kỷ qua. Đồng bào ở đây hết lòng sùng bái kiêng nể oai linh vị thần hộ trì cho dân chúng được bình yên, phong điều võ thuận.
Ngôi đình này từ trước tới nay đã tu sửa nhiều lượt, ngày nay càng thêm khởi sắc, bên trong trang trí uy nghi vàng son lộng lẫy, giữa một hương án to, thờ một hộp sắc thần, bên ngoài phủ lên một tấm vải đỏ hai bên trần thiết hai hàng lỗ bộ gươm giáo siêu đao của thời xưa, phía hữu thờ Tả Ban, phía tả thờ Hữu Ban, mỗi bàn thờ đều có chưng đèn, lư hương, lục bình, cảnh trí trang nghiêm tăng thêm phần cổ kính, đã nói lên tinh thần tồn cổ của người Việt Nam ta từ xưa tới nay vẫn được duy trì. Hướng lên mấy nóc đình chúng tôi còn thấy có treo những tấm biển khắc những dòng Cổ-tự thật là cũ kỹ. Ngôi Đình nằm giữa trên một khu đất rộng, day mặt ra đường phía sau Núi Nhỏ. Trước Đình có một cửa Tam-quan, kiến trúc theo lối xưa, màu sắc nổi bật, ai đi ngang qua cũng phải để ý, nhứt là du khách. Trong vuông đất ngôi Đình còn có một Lăng Cá Ông nằm cạnh bên tay mặt, ở mé trái có một cổ miếu nhỏ thờ Bà Ngũ-Hành, và một dãy trường Tiểu-Học cũng có mặt ở đây, hơi ồn-ào kém phần thanh tịnh.
SỰ TÍCH: Ngôi Đình này thờ ba vị Đội trưởng được sắc chỉ nhà vua phong có công tiễu trừ bọn giặc cướp dưới Minh Mạng năm 1822, các vị nầy là người đầu tiên có công khai hoang lập ấp, dựng làng, thành lập ba xã của Vũng Tàu ngày xưa, là ông Phạm-văn Dinh, ông Lê-văn-Lộc, ông Ngô-văn-Huyền đều làm chức Đội Trưởng.
Nhớ đến công nghiệp của tiền nhân, nên triều đình ban hành sắc chỉ mỗi nơi trong nước lập Đình thỉnh sắc thần về thờ, theo chúng tôi biết có nhiều ngôi Đình có tới 5, 10 lá sắc, riêng về ở Vĩnh-Long chúng tôi có đến sưu tầm tài liệu, ở Đình Khao có 75 lá sắc công thần dưới triều nhà Nguyễn Gia-Long vì nơi đây có nhiều người theo ngài phò-tá, đến khi thống nhất được đất nước, nhớ đến công ơn, nhà vua cho lập miếu thờ hiện nay vẫn còn.
Còn riêng về Vũng Tàu ngày xưa thì có 3 lá sắc đều thờ một chỗ tại ngôi Đình Thắng-Tam, còn các Đình khác trong thị-xã chỉ thờ bài vị chớ không có sắc.
Đình Thắng-Tam được giữ 3 lá Sắc Thần, là cả một vấn đề tranh-đấu gay go của các bậc tiền bối ngày xưa, chớ không phải ngẫu nhiên mà được. Chuyện nầy hơi dài dòng, chúng tôi xin miễn bàn.
Đã tìm hiểu qua vài nét đại cương của ngôi Đình Thắng-Tam qua phần Di-tích lịch-sử, ngày nay nơi nào còn giữ được những dấu vết của Tiền-nhân, thì nơi ấy còn phưởng phất nét oai hùng cao đẹp của non sông gấm vóc.
Thắng Cảnh Bãi Trước (Bãi Tắm Tầm Dương)
Ở kế cận thị-trấn Vũng Tàu nên nhiều người đến tắm và đã được kiến-thiết cùng tô điểm từ lâu. Bãi Trước nằm giữa 2 ngọn núi Lớn và Nhỏ, đột khởi từ mặt biển, theo một đường vòng cung khá đều. Dọc theo bãi biển có trồng dừa, dương liễu và rất nhiều bàng. Những hàng cây liên tiếp này che rợp gần hết bãi cát kế biển, du-khách có thể núp nắng được suốt ngày. Dưới những rặng bàng, một dãy quán giải khát và những nhà thay quần áo sơn nhiều màu tươi đẹp và các ghế vải sặc sỡ vừa cung cấp các tiện nghi cho du-khách vừa điểm xuyết cho bãi biển thêm phần lộng lẫy.
Về đêm, những ngọn đèn ống và đèn màu xanh, đỏ, từ những quán trên và các dinh thự, nhà hàng kế cận tỏa ra những tia sáng rất ngoạn mục làm cho vòm lá trở nên huyền ảo, khác thường.
Những ngày lễ lớn như Tết Nguyên-Đán, lễ Phục-Sinh, du-khách khắp nơi đổ về tấp nập. Xe hơi đủ kiểu, đủ màu, xe gắn máy, chen nhau những cỗ xe ngựa “cổ kính” lui tới như thoi đưa, đổ bộ xuống bãi biển hàng ngàn người vui vẻ hân hoan như đi trẩy hội. Tại đây ngoài thú vui tắm biển, giỡn sóng, du-khách còn có thú du-ngoạn trên mặt nước bằng xuồng máy, xuồng đạp nước và ghe buồm do mấy quán cho mướn giờ, cảnh trí nhộn nhịp, thỉnh thoảng thấy những cặp nhân tình vừa tri ngộ cặp tay nhan chẩm rãi trên bãi cát, qua bao tâm sự thề non hẹn biển, cợt cười bất chấp dư luận coi như chỗ không người, nơi đây đã xảy ra biết bao án mạng vì tình và cũng là nơi gây nhiều tội lỗi cho những cặp nhân tình lãng mạn. Thật ra, Vũng Tàu là chỗ tập trung đủ mọi giới. Mỗi người, mỗi tâm tư, mỗi hoàn cảnh khác nhau, kẻ già nua bịnh hoạn đến đổi gió tịnh dưỡng tinh thần, những nhà kinh doanh mua bán đến đây nghiên cứu khai thác công chuyện làm ăn, các anh hùng chiến sĩ chiến thắng ở một vài nơi được phép về đây hoan lạc.
Sóng xô trên bãi cát vàng,
Vũng Tàu thơ mộng dưới hàng liễu xanh.
Du khách đã biết qua bộ mặt ở Bãi Trước rồi giờ đây xin cùng chúng tôi đến Bãi Dứa.
Một bãi tắm nhỏ hẹp nhưng xinh xắn ở ngay chân núi Nhỏ, cách Bãi Trước 1.000 thước. Bãi Dứa nằm gọn trong những mỏm đá lởm chởm và đen láy, có những bụi dứa tiêu sơ, nhưng vẫn hấp dẫn một số đông du khách ưa cảnh êm dịu và tịch mịch mà người ta không thể tìm thấy ở Bãi Trước ồn ào và rộn rịp, những người có tâm hồn trầm lặng, thích Bãi này hơn đâu hết, ngồi trên tảng đá hướng ra đại dương, thủy triều cuồn cuộn muôn trùng, những chiếc thuyền con chập chờn vượt trên sóng nước.
Thuyền ai thấp thoáng xa xa,
Cành cây rũ ngọn là đà đẹp xinh.
Lăn tăn nước biếc hữu tình,
Phải chăng thắng cảnh thanh-bình tự-do?
Bãi dứa là nơi dành để cho những tâm hồn biết hòa mình với cảnh trời nước bao la, nơi rèn luyện nung nấu chí quật cường cho những đứa con trung-thành của Tổ-quốc, mài gươm tuốt kiếm nuôi chí diệt thù chống xâm-lăng mưu hạnh-phúc cho giống nòi với tinh-thần bất khuất.
Bãi Nghinh Phong (Ô-Quắn)
Bãi này ở về hướng cực Nam của Vũng Tàu cách xa Bãi Trước 2 ngàn thước. Bãi tắm này vừa hẹp, vừa hầm, nhưng nước lúc nào cũng trong sạch, sóng gió dồn dập, rất thích hợp với những người muốn tìm thú vui hoạt-động Ba bề vách đá cheo leo kế tiếp với mũi Nghinh Phong khá hùng vĩ nhô ra Đông-Hải như đầu cá sấu. Quanh mũi có nhiều tảng đá lớn rất kỳ khu, nơi hẹn hò của những bạn say mê thú đi câu và có tính mạo hiểm.
Cách Mũi Nghinh Nghinh Phong không bao xa, về phía Đông có hòn đảo nhỏ, tục gọi Hòn Bà, người Pháp hồi xưa mệnh danh là ĩle Archinard. Hòn đảo này tượng hình như một con hải qui to lớn, trước kia có ngôi Điện Bà do ngư phủ cất lên từ lâu, nay đã hư sập.
Quang cảnh Mũi Nghinh Phong ngày nay đã đổi hẳn dựa trên triền núi mọc lên nhiều nhà san sát, ngoài mũi có những chiếc xà lan túc trực để chở đá người ta lấy trên triền núi di chuyển ra đây, mỗi buổi chiều người địa-phương cũng như du khách thường đi xe ô-tô, xe ngựa, xe gắn máy, có người bách bộ cặp tay nhau đến đây ngắm cảnh:
Quanh co cao thấp ở trên bờ,
Dưới bãi ai nhìn nước ngẩn ngơ.
Kẻ nắm tay nhau vui rảo bước,
Bàng hoàng ngắm cảnh rất nên thơ.
Bãi Thùy Vân (Bãi Sau)
Bãi này ở về Đông Nam thị-xã Vũng Tàu chạy dài từ chân núi Nhỏ đến tận Cửa Lấp trên 8 cây số là bãi biển lớn nhứt, vừa được bắt đầu kiến-thiết trong vòng mấy năm nay.
Tại đây có một nhà mát công cộng khá rộng lớn dành cho du khách có chỗ che mưa đụt nắng.
Trước đây quán xá thưa thớt chỉ năm ba cái, nay người ta cất thêm rất nhiều vách tường nền gạch xinh xắn, trước để bản hiệu tên của mỗi quán, bên trong bán đủ các thức ăn đồ hải sản, nước ngọt và rượu mạnh v.v…
Cạnh bên có những phòng cứu cấp người chết đuối, bữa nào biển động thì có cờ đen cậm để báo-hiệu cho du-khách không nên đến đó là vùng nguy-hiểm.
Xuyên qua con đường cũ đã được mở rộng thêm, tráng nhựa và trồng cột đèn soi sáng ban đêm, chánh phủ thực hiện dự án nối liền Vũng Tàu với Long-Hải qua Phước Tỉnh, chánh-quyền đã đắp được một đoạn đường dài theo ven bãi về phía cửa Lấp. Bãi cát phía ngoài con đường này đã được trồng gần 20.000 cây dương liễu, với dụng ý tô điểm cho thêm phần tươi đẹp và chặn bớt sức gió hằng cuốn cát lấp đường đồng thời che mát bãi tắm.
Bên con đường mới đắp, xa xa lại có một nhà trú nắng công cộng, kèm theo 1 phòng nhỏ thay quần áo để những kẻ ưa sự tịch liêu có nơi tiêu khiển.
Bãi Thùy-Vân, tựa lưng vào những dãy đồi cát và rừng cây hoang vắng, trước mặt là biển đông bao-la vô tận. Kế bên là núi Hải-Đăng với vách đá Hang Dơi và Hòn Bà. Xa tít tận chân trời bên trái là dãy núi Long Hải chạy dài đến mũi Kỳ-Vân. Nước biển ở đây rất trong sạch, nên mặc dầu thiếu bóng mát, vẫn có nhiều người ưa tắm ở đây. Mùa gió Nam, mặt biển im lặng, nhưng mùa gió Bắc thì sóng rất to, gió rất mạnh tạo những luồng nước xoáy rất nguy hiểm cho người bơi lội. Vì vậy, nơi đây có một người thợ lặn túc trực hàng ngày, để tiếp cứu những người đuối sức, hụt chân.
Bãi sau tuy xa nhưng du-khách thường đến đây tắm nhiều, sóng to, biển sạch, có chỗ đậu xe cộ, muốn ăn uống món gì cũng có, chỉ có tiền là được, mỗi ngày chúa nhựt, ngày lễ người ta có thể tiêu tiền nơi đây cả năm bảy trăm ngàn chớ không phải ít.
Bãi Dâu (Phương Thảo)
Bãi Dâu nay gọi là Bãi Phương Thảo nằm ven núi Lớn và cách Bãi Trước gần 3000 thước. Bãi hẹp, nóng nhưng rất sạch sẽ.
Hai đầu có nhiều mỏm đá lớn nhỏ nhô ra sau lưng là vòng chảo có cây cối um tùm bao bọc bởi triền núi Lớn cao vút, cây lá huyền vũ chen nhau rất thơ mộng. Bãi nay cũng nhiều người thích tắm không sợ nguy hiểm như các Bãi khác. Bãi Phương-Thảo có vẻ u nhàn cô tịch, hợp với những tâm hồn trầm lặng, thích tìm nơi tịch mịch.
Từ Bãi Phương Thảo nhìn lên triền núi lớn, du-khách thấy tượng Đức Mẹ lộ thiên giữa cảnh núi rừng hùng vĩ, thỉnh thoảng có nhiều phái đoàn công giáo đến chiêm-ngưỡng, các đoàn hướng-đạo sinh thường lui tới cắm trại trong những ngày lễ.
Theo chúng tôi được biết bãi Dâu trong tương lai sẽ còn kiến thiết đại qui mô, đồ án đã vẽ xong chỉ còn thực hiện trong một ngày gần đây.
Du khách đã cùng chúng tôi thăm viếng qua những thắng cảnh dọc theo bãi biển như đã trình-bày, giờ đây xin tìm hiểu thêm vài chi-tiết núi non ở Vũng Tàu, xuyên qua những đường vòng Núi Nhỏ và Núi Lớn có những gì đặc biệt đáng được đề cao, Vũng Tàu là thắng cảnh của miền Nam nước Việt.
Tìm Hiểu Núi Non Ở Vũng Tàu
Núi Lớn
Đỉnh cao nhứt của núi này chỉ có 249 thước, nhưng đột khởi từ mặt biển, nên trông khá hùng vĩ. Núi Lớn có nhiều cây cối hơn Núi Nhỏ. Trên đỉnh núi cao có đài quan-sát của không quân Pháp trước đây, vừa dùng làm đài Khí tượng, ở lưng chừng núi, gần Gành Rài có một đèn chiếu biển kiểu định hỏa. Cả hai cơ sở trên này không còn dùng nữa. Núi Vũng Mây cao 240 thước. Núi Hòn sụp cao 250 thước.
Ở triền núi kế Bãi Trước, trên một ngọn đồi cao có một dinh thự 2 từng rộng lớn. Đó là Bạch Dinh, nơi tạm trú của cựu Toàn-quyền Pháp ngày xưa mỗi khi đến hứng gió ở Vũng Tàu. Những lối cổng vào ra, trạm gác, tường rào đều kiến-trúc theo lối Tây-phương thời xưa rất công phu và còn mấy biệt thự xây bằng đá đẹp, xây cạnh cảnh sơn dã hiện ra trước mắt cho đến Gành Rái mới trông thấy Ngư cảng Bến Đá. Từ đây, cảnh hoang vu lại tiếp diễn cho đến gần Bến Đình, nơi có nhiều nhà cửa và phố xá.
Ngoài ra Vũng Tàu còn có con đường xuyên đôi, nối liền ngã năm đường Trương-công-Định với con đường đất đi Long-Hải ở Bãi Sau.
Trong dự án mở mang Thị-xã, một ngân khoản lớn được dành cho việc mở mang con đường Long-Hải có thể đến Thị-trấn Vũng Tàu mà không quay trở lại con đường vừa mới đi qua.
Tuy nhiên, ngoài ra nếu chương-trình thành lập khu giải trí và An-Lạc của Bộ Xã-Hội và Thị-xã Vũng Tàu được thành tựu thì Vũng Tàu sẽ còn “ăn khách” hơn nữa và số du khách trên 10.000 mỗi tuần lễ sẽ tăng cao hơn nhiều.
Vịnh đường quanh núi lớn
Phẳng bằng rộng rãi quanh quanh
Êm chân lữ khách bộ hành du phương
Ai ôi! về chốn cố hương
Nhớ chăng? tiểu lộ còn thương giúp người.
Núi nhỏ
Núi này diện tích bằng 1 phần ba Núi Lớn. Ngọn cao nhứt là 175 thước, trên có cơ sở Hải-Đăng, gần một ngôi nhà hai từng khá lớn, vừa dùng làm phòng việc và nhà ở cho ông chủ sự. Nhà này ăn thông với cây hải-đăng bằng đường hầm.
Hải Đăng
Hải-đăng là một tháp xây tròn cao lối 18 thước, trên cũng có ngọn đèn 2 tia sáng rọi ra xa 30 hải lý mỗi phút quay tròn 5 vòng. Từ chơn núi nhìn lên, sở Hải-đăng như một ngôi thánh đường trắng toát của đạo Hồi Hồi.
Trên đài quan-sát của đài hải-đăng có kiếng viễn vọng để theo dõi tàu bè từ xa lại.
Từ nơi đây, người ta nhìn bao quát được tất cả thị xã Vũng Tàu và xa hơn nữa, như quận Cần-Giờ rừng Sát bao la và các núi rừng thuộc 3 tỉnh Phước, Tuy (Bà-Rịa), Biên-Hòa và Bình-Tuy.
Với các kiến trúc riêng biệt, nơi sự sắp đặt gọn gàng đẹp đẽ, Hải-đăng là một thắng cảnh của Vũng Tàu, và đã hấp dẫn được rất nhiều du-khách lên ngoạn cảnh.
Muốn lên thăm Hải-đăng thì phải có giấy phép của chính-quyền cấp mới được lên.
Vịnh ngọn hải đăng
Đêm đêm tỏa ánh sáng ngời,
Giúp người thấy rõ ngàn khơi sóng tàu,
Ước mong đèn ấy mai sau,
Chiếu tan bóng tối sầu đau của đời.
Đài Quan Thế Âm Bồ Tát
Xuyên qua ngọn Hải Đăng trên núi Nhỏ, trở về với triền Núi thấy có rất nhiều chùa, am cốc, tịnh-xá cất san sát, đáng chú ý nhứt là một pho tượng Đức Quan Thế-Âm Bồ-Tát, lộ thiên đứng trước Tịnh-Xá Ngọc-Bích của Sư Cô Tạng-Liên bên phái du tăng khất-sĩ.
Tượng đứng trên tòa sen uy nghi hùng vĩ, đôi mắt dịu hiền hướng ra mặt bể, dường như Ngài đang quán xét thế trần nhìn cuộc tang thương của đất nước.
Bể khổ mênh mông sóng ngập trời
Đài sen an tọa hướng ra khơi
Từ bi chẳng ngại bao mưa gió
Tướng hảo quang minh thức tỉnh đời.
Hòn Hải Ngưu (Hòn Trâu)
Từ cổng chính của Bạch-Dinh nhìn ra biển có hòn đá rất lớn như con trâu dầm mình dưới nước, nên gọi là Hải-Ngưu hay hòn Trâu.
Nhiều người thường đến câu cá ở đây hoặc men theo các kẹt đá bắt cua, còng, còm-cọp v.v… Những đêm trăng thanh gió mát, ngồi trên mỏm đá này, phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật quanh mình và lắng nghe tiếng sóng rạt-rào trong khe đá là một thú vui hồn-nhiên và thanh-nhã.
Những đường vòng
ĐƯỜNG VÒNG NÚI NHỎ: Vòng này dài 6 cây số và ôm sát chơn núi Nhỏ cả bốn bề, khởi đầu từ Ty Bưu-điện chạy dài uốn quanh cho đến Mũi Nghinh-Phong mới vươn mình lên những dốc cao. Rồi từ đó đến Bãi sau (Thùy-Vân), đường vừa cao vừa quanh co nguy hiểm, nên Ty Công Chánh đã phá thêm sườn núi mở rộng thêm gần hai thước. Từ Bãi Thùy-Vân về đến Ty Bưu điện, đường trở lại bằng phẳng và lượn theo chơn núi giữa bưng lầy, nhà cửa và vườn cây.
Lượn theo vòng Núi Nhỏ, người ta ngắm được cảnh trời nước bao la của biển Đông-Hải, được thở không khí trong lành và mạnh mẽ từ Đại dương thổi đến, đồng thời đi qua các Bãi Dứa, Bãi Nghinh Phong và Bãi Thùy-Vân, cảnh trí luôn luôn thay đổi, và qua Bồng Đảo và Lăng Cá Ông.
ĐƯỜNG VÒNG NÚI LỚN: Vòng này dài 10 cây số, chạy quanh sườn Núi Lớn cao hơn mặt biển, có nơi trên 40, 50 thước, hai bên lề đường có cây cối rậm-rạp, nên trông hùng vĩ hơn vòng núi Nhỏ. Con đường lúc lên lúc xuống lượn quanh như rắn bò.
Trên đường vòng Núi Lớn có Bạch thự, Hòn Trâu, có Bãi Dâu và tượng Đức Mẹ, Núi Gành Rái, Bến Đá, Điện Bà. Qua khỏi một đỗi tới Thích Ca Phật Đài và Bến Đình, phố xá hai bên mua bán có phần huyên náo, xe cộ ngược xuôi tấp nập.
Đồi Cát Một Thắng Cảnh Nên Thơ
Du-khách đã có dịp ra tắm Bãi Sau, tức là Bãi Thùy-Vân, ngắm xem trời nước bao-la, sóng nhấp-nhô đánh vào gành đá, gió muôn phương bốn mùa thổi lại, cảnh vật hữu tình của non sông nước biếc. Trước mặt xa xa chân trời xanh thẫm, có những dãy núi giăng ngang một màu đen kịch, đó là núi ở về phía Long-Hải thuộc tỉnh Phước-Tuy (Bà-Rịa), hiên ngang sừng sững giữa trời mây, chứng kiến bao cuộc tang thương của đất nước.
Ngoài mặt biển có những chiếc thuyền ngư ông xuôi ngược, giương buồm lướt gió nhấp-nhô trên biển cả, gợi cho khách biết bao nguồn cảm hứng:
Bể cả mênh-mông sóng ngập trời,
Thuyền ai nhấp-nhố giữa dòng khơi,
Chân trời mây nước nhìn xa thẳm,
Lăn-lộn cùng trong bể khổ thôi.
Say sưa với cảnh vật thiên-nhiên, quay nhìn về phía sau của Bãi Thùy-Vân, cách đó không xa, du-khách còn thấy những đồi cao ngất, một màu trắng phao, nằm song song với bãi biển ở hướng Đông-Nam tức là bãi Thùy-Vân, dãy đồi này chạy từ chân núi Tao-Phùng đến Cửa Lấp với chiều dài 10 cây số, đồi thấp nhất cao độ 4, 5 thước thuộc khu phố Thắng-Tam, có độ 32 thước, có nơi rộng 5,3 mẫu tây, cảnh trí rất nên thơ và quyến rũ, những tháng hè, ngày lễ, các đoàn hướng đạo sinh ở thủ đô cũng như các tỉnh kế cận thường đến cắm trại, vừa yên lặng, vừa mát mẻ, để hòa mình với cảnh vật thiên nhiên cho thoải mái tinh-thần trong những ngày mệt nhọc.
Du khách hiếu kỳ muốn tìm thú vui tịch mịch cũng thường đến đây thưởng lãm, nép mình dưới những tàng cây rợp bóng.
Ngày nay tại Đồi Sim bãi sau, chúng tôi còn thấy có dựng lên một ngôi trường Trung-Học mang tên trường Thị-Xã Vũng Tàu, do Trung Tá Thị-Trưởng và thân-hào nhân-sĩ cùng phụ-huynh học-sinh đóng góp, xây cất trên ngọn đồi, diện tích 20.800m2 thuộc về công thổ quốc gia. Ngôi trường khởi công tháng 9-1968, hoàn thành cuối năm 1968, gồm 12 phòng học, 1 văn phòng.
Từ một nơi cô tịch, nay trở thành học đường náo nhiệt, vừa khang trang, vừa đẹp đẽ, những tà áo trắng của nữ-sinh phất-phới tới lui trong những ngày học, các em nam sinh cỡi xe đạp, xe gắn máy leo đồi từng đoàn xem rất nên thơ và ngoạn mục.
Đứng trên đồi cao nhìn xuống thấy cảnh núi non hùng vĩ, biển rộng bao-la và cả thành phố Vũng Tàu rất nên xinh đẹp.
Đồi cát mang lại biết bao niềm thú vị cho khách thừa-lương, và cũng cần nói lên công-trình xây-dựng nền văn hóa cho thế-hệ trẻ sau này đáng khích lệ.
Vua Thành Thái ở Vũng Tàu
Pháp an trí vua Thành Thái ở Vũng Tàu trước khi đày sang đảo Reunion, châu Phi
Nhân dịp chúng tôi sưu-tầm viết quyển “Vũng Tàu Xưa và Nay” tưởng cần nên nhắc đến câu chuyện xảy ra cách nay trên 50 năm mọi người đều biết.
Nói đến vua Thành Thái ở nước Việt Nam, trong lúc còn ngự trị ngai vàng, một ông vua có tinh thần cách mạng, có óc cầu tiến, có nhiều hành động ly kỳ hơn thiên hạ, việc làm của ông gây nhiều sôi nổi, khắp Trung-Nam-Bắc đều nghe danh biết tiếng.
Tìm lại quá trình của người xưa, chúng tôi không nài khó nhọc, lật qua những trang sách báo của thời thực dân đô hộ, tiếp xúc các vị niên trưởng, thâu lượm những tài liệu xác thật, để cống hiến cho quí độc giả hiểu qua vài nét đại dương về cuộc đời của Vua Thành-Thái trong lúc tại vị, khi bị truất ngôi lưu đày nơi một chân trời xa thẳm.
Vài Nét Về Vua Thành Thái
Ngài tự Húy-Bửu-Lân vua thứ IX triều-Nguyễn, con ông Dục-Đức (tức Thoại quốc Công Ưng Châu làm vua từ năm 1889 đến năm 1908 lúc 18 tuổi bị giam với mẹ trong ngục, được rước ra và được tôn lên ngôi. Đến tuổi trưởng thành, ngài nhận thấy quyền bính của Nam Triều cũng như của riêng nằm trong tay người Pháp. Nhà vua bất mãn tỏ ra có óc chống đối với nhà cầm quyền Pháp. Tâm sự của vua Thành Thái bấy giờ đã được diễn tả trong bài thơ sau đây làm sau khi ra Hà Nội dự lễ khánh thành cầu Doumer.
Võ võ văn văn ý cẩm bào,
Ngả vi thiên tử độc gian lao.
Tam bôi hoàng tiểu quần lê huyết,
Sổ trản thanh trà bách tính cao.
Thiên lệ lạc dư nhân lệ lạc,
Ca thanh cao xứ, khắp thanh cao.
Can qua thư hội hưu đàm luận,
Lân tuất tương sanh phó nhi tào.
Vốn thông-minh, cương nghị sở trường về nho học, tuy nhiên cũng chịu ảnh hưởng lớn lao về tư-tưởng các nhà cách mạng Trung-Hoa và Nhật-Bản, nên nhà vua muốn áp dụng các công cuộc cải cách quốc chính, nhà vua đã cắt tóc ngắn, trước các ý tư-tưởng cấp tiến của nhà vua, người Pháp lo ngại, tìm cách ngăn trở.
Lúc bấy giờ vua Thành Thái giả bộ điên rồ, nào là bắt cung phi mỹ nữ mặc đồ võ phục cỡi ngựa đánh kiếm, thao dợt tối ngày, thành lập một đội nữ binh. Ban đêm thì đánh trống tịnh liên hồi làm cho náo động cả hoàng cung, leo tường chạy ra ngoài hoàng thành không cho ai hay biết, giết một con cắc kè làm đám táng linh đình để che mắt ngoại nhân. Có người nói ông mổ bụng một cô đầm có thai để thủ tiêu dòng máu ngoại lai, sợ ảnh hưởng đến tiền đồ Việt Nam sau này. Bên trong ngấm ngầm xướng xuất và khuyến khích thanh niên ra nước ngoài cầu học, để dùng vào việc mưu đồ đại sự sau này.
Năm 1903, Vua Thành Thái định xuất ngoại nhưng không thành, mãi đến năm 1907 Pháp nắm đủ bằng cớ, biết được việc làm bí-mật của nhà vua, cho người liên lạc với phái Đông Du, muốn cầu viện với Nhựt-Bản. Liền đó toàn quyền Đông-Dương Broni và Khâm-sứ Trung Kỳ Lévêque buộc Ngài phải thoái vị, đưa Hoàng Thái Tử Vĩnh San, con thứ 5 vua Thành-Thái được chọn lên ngôi mới 8 tuổi thay thế vua cha bị Pháp truất phế.
Vua Duy Tân bị đày cùng vua cha
Tuổi tuy còn nhỏ, nhưng vua Duy Tân đã tỏ ra có tinh thần yêu nước rất mãnh liệt.
Bản tính cương nghị và đau lòng vì thấy dân tình cực khổ dưới ách thống trị của ngoại nhân. Năm 13 tuổi, vua giao cho Thượng Thơ lễ bộ Lễ Huỳnh-Côn một bức thơ gởi cho Pháp không thi-hành đúng đắn hòa-ước 1884 và yêu cầu duyệt lại các khoản bất bình đẳng trong hòa-ước ấy.
Thấy người Pháp không thành-thật, thêm nữa mang nặng mối thù nhà (phụ-hoàng là vua Thành-Thái bị đưa ra an trí ở Vũng Tàu rồi đày qua Phi-Châu) nhà vua phẫn uất. Tương truyền, có lần nhà vua đang ngự câu ở Cửa-Tùng (Quảng-Trị) tự nhiên than thở: “Ngồi trên nước mà không ngăn được nước, buông câu ra đã lỡ phải lầm ».
Vua Duy Tân làm vua được 9 năm đến năm 17 tuổi cũng bị lưu đày ở Phi-Châu, đoạn này chúng tôi sẽ nói sau.
Sau khi vua Thành Thái bị truất phế, dư-luận trong nước hết sức sôi nổi xôn xao Sĩ phu ở kinh-đô hợp lại thảo hịch kể tội những kẻ chủ mưu là Trương-như-Cương và đồng lõa gắt gao.
Đầu tiên vua Thành Thái đặt chân trên đất Vũng Tàu
Đến Vũng Tàu người Pháp đem Ngài ở tạm trên tòa nhà Bạch Dinh kêu là dinh Ông Thượng hồi xưa, hàng ngày có lính canh gác, nhưng được tự do đi đứng trong châu thành, ở nơi tòa nhà ít lâu rồi dời xuống ở dãy nhà nghỉ mát của Pháp gần bãi Trước cách đó không xa, đồng bào ta thời ấy đi ngang qua đều chỉ trỏ đây là nhà ông Vua. Vua Thành-Thái lúc vào đây cùng với hai hoàng-tử, một công chúa, bà thứ phi và tất cả cung nữ tùy tùng trên 7 người, vua Thành-Thái có rất nhiều vợ và con nhưng hoàn cảnh không cho phép đem theo phải ở lại Huế một số.
Đứng trước cảnh cá chậu chim lồng, núi non ngăn cách, biển cả gào thét quanh năm, ngài mới động lòng xúc cảm dệt lên những vần thơ uất hận.
Sống thừa nào có biết hôm nay,
Nhìn thấy non sông đất nước này.
Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ,
Ruột tầm đòi đoạn mối sầu “Tây ».
Xuân thành nghìn dặm mây mù mịt,
Bể Cấp bốn bề sóng bổ vây.
Tiếng súng đêm ngày nghe nhạc khúc,
Dầu cho sắt đá cũng châu mày!
Nước đã mất chủ-quyền, vua thì bị kết tội lưu đày, không biết ngày nào được trở về cố quán, ngài rất đau buồn cho vận nước ngửa nghiêng, mộng lớn không được đạt thành, đành phải ôm sầu lìa xứ, ngày ngày thường đi dạo quanh châu thành để giết chết thì giờ lãng quên sự tủi nhục, có lúc người ta thấy ngài cỡi ngựa chạy theo vòng Núi Lớn ra Bến Đình, lúc ngồi ca-nô lướt trên mặt bể, khi bách bộ dòm trời ngó đất suy nghĩ đâu đâu. Ngài đến đây có dịp quen lớn với nhiều người, trong số có một người Tàu lai 5 thân với Ngài lắm, Ngài thường tâm sự và đánh cờ với người ấy.
Từ ngày vua Thành Thái ở Vũng Tàu mỗi lần Ngài đi đâu thì có lính mật thám theo dõi tới đó, để dò xét hành động.
Đồng bào dân chúng ở Vũng Tàu ngày xưa rất ngán và sợ Vua Thành Thái quở
Đi sâu vào câu chuyện nhà vua bị lưu đày, người thì trề môi ngạo báng, ông vua điên rồ có gì mà phải nhắc nhở đến, người có tâm chí nặng lòng với non nước xót thương ông, một ông vua dám coi rẻ ngai vàng, quyết tâm mở ách bức xiềng cho con cháu Lạc Hồng, thoát ách ngoại bang, nên giả điên, giả khùng mới dễ bề hành động chẳng may bị kẻ lòng lang, dạ thú phản lại giống nòi, làm tay sai cho giặc, khám phá việc làm của nhà vua, nên cơ mưu bại lộ, bị bắt lưu đày, sự thật vua Thành Thái nào có điên đâu?
Nhiều người ở Vũng Tàu thâm niên, họ rất cảm mến vua Thành-Thái một ông vua bình dân, đi đứng ăn mặc lẫn lộn trong dân chúng, ông thường mặc quần sọt lở màu đen khỏi đầu gối, trên mặc áo sơ-mi trắng ngoài choàng một cái ba-lơ-tô, chân mang giày đen, mắt đeo kính, tay cầm ba ton, khi đội nón lúc để đầu trần, khi mặc áo dài ngắn. Tướng người ốm yếu, mặt xương, mắt có thần, đi đứng khoan thai tỏ ra oai vệ, ông đi bộ rất nhanh, cỡi xe đạp cũng giỏi. Đồng bào ở đây ít ai dám đến gần ông, vì sợ mật thám để ý, mỗi lần ông ghé nhà ai đều sợ trối chết. Nhứt là lời nói của ông rất quan hệ, làm cho nhiều người phải sợ, phải nể, người nào mà bị ông quở, ông chê, làm ăn lụn bại khổ sở điêu đứng chớ không phải vừa, người nào có phước được ông khen kể như là hên lắm và làm ăn phát đạt. Tại Vũng Tàu ngày nay còn nhiều người mạnh giỏi đã mục kích và xác nhận qua lời nói của vua Thành-Thái.
Lúc tôi còn nhỏ cũng nghe nhiều ông già bà cả đồn đến vua Thành Thái rất nhiều, mỗi lần ông vô sở thú cọp thấy phải quì, lăng ông Bà Chiểu ngày xưa linh hiển lắm, từ ngày ông vô mở xiềng thì bớt linh, sự việc có hay không chỉ nghe lời truyền thuyết, chúng tôi không hề đề cao một cá nhân nào, hay thần thánh hóa gieo rắc sự mê tín cho độc-giả, chỉ nghe sao ghi chép vậy, trên tinh thần vô tư của nhà cầm bút.
Chuyện vua Thành Thái bị tráo đi trong một đêm
Đồng bào sinh trưởng ở Vũng Tàu ngày nay không ngớt bàn tán về câu chuyện vua Thành Thái thiệt và giả và xuyên qua tờ báo Xuân Vũng Tàu 1967, ông Hà Phương có thuật một chuyện ly kỳ quanh cuộc sống của vua Thành Thái, ông đã kể rõ một huyền-thoại như sau, chúng tôi trích ra đây hiến quí bạn đọc suy-luận không đến đỗi là vô bổ.
Một đêm kia có một ngư phủ ở xã Thắng Tam đang nằm trên mõm đá để chờ nước lớn, buông chài… Về khuya giữa lúc trăng rằm sáng tỏ, bỗng thấy có nhiều người mặc quần áo dài, sắc phục của dân miền ngoài, thay nhau cõng hai người 6 áo quần cũng một màu sắc ấy, một tốp cõng một người đi trong sương mù gió lạnh, tiến theo mé bãi, còn một tốp thứ hai thì cõng người nữa đi lần ra mé nước, đưa lên một chiếc thúng khá to, là loại thúng của ghe bầu từ từ bơi ra khỏi rồi mất dạng, câu chuyện bao phủ một màn bí-mật khó ai đoán được sự việc ra sao?
Chính người Pháp ở Vũng Tàu thời ấy cũng không thấy hành-động gì, hàng ngày kiểm điểm thì cũng đủ số người không thiếu dường như không hay biết gì cả.
Vua Thành Thái bị an trí ở Vũng Tàu thời gian mấy năm, rồi qua năm 1919, Pháp bí mật đem Ngài và gia quyến qua Phi-châu ở đảo Réunion 30 năm. Kể từ ngày vua Duy-Tân thế ngôi cha nhưng bị Pháp ép buộc làm nhiều việc phản lại Nam-Triều, thấy người Pháp không thành thực, thêm nữa mang nặng mối thù nhà, phụ hoàng bị đưa an trí nơi một phương trời xa lạ. Từ năm 1915 thừa lúc Pháp đang mắc chiến-tranh với Đức, Vua Duy Tân ngấm ngầm liên kết với các nhà chí sĩ cách-mạng, Trần-cao-Vân, Lê-Ngung, Phan-thành-Tài, nhóm Bảo-Hoàng định khởi nghĩa chống Pháp, chẳng may bị phát giác, vua Duy-Tân bị bắt lưu đày sang đảo Réunion nữa, ở đây một ít lâu vua Duy-Tân gia nhập vào quân đội Đồng-minh làm tới Thiếu-tá, bỏ mình trong một tai nạn máy bay ở xứ Banghi thuộc Phi-châu, ngày 26-12-1945, đây là theo tài-liệu của Pháp, theo sự suy-luận của các giới quanh cái chết của vua Duy Tân là một nghi vấn về chính-trị.
Chơn dung cựu hoàng Thành Thái bị lưu đày ở đảo Réunion 30 năm, khi được trả tự do về Vũng Tàu kỳ hai. Lúc nầy ông 70 tuổi, chụp chung với bà Hoàng đích Mẫu Chánh Hậu, cũng đồng tuổi với ngài (ảnh sưu-tầm)
Vua Thành Thái được tự do trở về xứ
Thời cuộc Việt Nam biến chuyển, ngày tàn của thực-dân sắp sụp đổ ở Đông-Dương, chúng muốn gây cảm-tình với dân-tộc ta, mãi đến tháng 5-1947 Cựu Hoàng Thành-Thái và gia quyến được đưa về nước để ở tại Vũng Tàu nữa cũng như chuyến đi. Kỳ này ngài ngụ tại biệt thự An-Na của ông Lê-Phát-An ở bãi trước, cách Bạch dinh chừng 300m, lúc này niên kỷ ngài lên 70 tuổi, da nhăn tóc bạc, gương mặt rắn rỏi, nước da đen trông ra dày dạng phong sương nhiều, về Vũng Tàu kỳ này có người quen biết xầm xì nói rằng không phải là vua Thành-Thái năm xưa. Chuyện ấy không có gì minh chứng.
Ngài ở Vũng Tàu ít lâu rồi trở vô Saigon vào năm 1949, ngài ngụ tại một căn phố nhỏ hẹp ở đường Nguyễn-Trãi bây giờ, sau dời về ngụ tại một biệt xá, đường Lucien Mossard. Lúc này Ngài thường đau ốm luôn, vì tuổi già sức yếu không chống nổi với tử thần hưởng thọ 76 tuổi, linh cữu đưa về cố đô Huế mai táng.