Kiến Thức

Những niềm tin và giá trị truyền thống Mỹ

Lịch sử Mỹ
1,194 views

1. Bối cảnh của những giá trị truyền thống Mỹ: chủng tộc, sắc dân, tôn giáo và đa dạng văn hóa

Trong thế kỉ 21, tính đa dạng về chủng tộc, sắc dân, văn hóa và các nhóm tôn giáo ở nước Mỹ có lẽ là lớn hơn cả so với các quốc gia khác trên trái đất. Nước Mỹ từ thuở đầu của lịch sử vốn đã đa dạng – người Mỹ bản xứ rải khắp lục địa, người Tây Ban Nha định cư ở vùng tây nam và Florida, các nhà truyền giáo Pháp và những nhà buôn da thú dọc bờ sông Mississipi, các nô lệ da đen được mang đến từ các nước Phi châu, người Hà Lan cư trú tại New York, người Đức tại Pennsyvania, và tất nhiên là thực dân Anh, mà nền văn hóa của họ thậm chí đã mang đến ngôn ngữ và nền tảng cho hệ thống chính trị lẫn kinh tế phát triển sau này của nước nước Mỹ

Hầu hết người Mỹ sớm đã chấp nhận sự đa dạng, hoặc khác biệt này, như là thực tại của cuộc sống. Sự khác biệt lớn lao về chủng tộc, văn hóa, và các nhóm tôn giáo khiến cho việc chấp nhận tính đa dạng là lựa chọn tích cực duy nhất, dù cho một số người không hẳn đã đồng tình, hay thậm chí còn đe dọa nó. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều người Mỹ đã nhận ra sức mạnh trong tính đa dạng của đất nước họ. Ngày nay, những giá trị về sự đa dạng văn hóa được công nhận nhiều hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử nước Mỹ.

Khi chúng ta tìm hiểu về hệ thống những giá trị căn bản vốn đã hòa trộn với nhau từ cuối những năm 1700 và dần tạo ra những đặc trưng của người Mỹ, chúng ta phải luôn nhớ tới bối cảnh đa dạng văn hóa này. Làm thế nào mà một quốc gia với sự khác biệt lớn đến thế lại tạo ra được một danh tính dân tộc dễ nhận ra như vậy?

John Zogby, một nhà thăm dò dư luận người Mỹ, người đã thực hiện khảo sát ý kiến cộng đồng, nói rằng điều nối kết người Mỹ lại với nhau đó là “tất cả chúng ta cùng sẻ chia một nhóm giá trị chung là thứ biến chúng ta thành người Mỹ… Chúng ta được nhìn nhận bởi những quyền chúng ta có… Quyền của chúng ta là lịch sử của chúng ta, tại sao những người định cư đầu tiên từ châu Âu lại đến đây và tại sao kể từ đó lại có thêm hàng triệu người khác đến”.

Nói theo lịch sử, nước Mỹ được xem như “vùng đất của cơ hội”, hấp dẫn những di dân từ khắp nơi trên thế giới. Những cơ hội mà họ tin họ sẽ tìm thấy tại nước Mỹ và những kinh nghiệm họ thật sự đã có khi họ nhận được nhóm giá trị này. Chúng ta sẽ tìm hiểu sáu giá trị căn bản đã trở thành những giá trị truyền thống của người Mỹ. Ba đại diện cho những lý do truyền thống cho việc tại sao di dân lại tìm đến nước Mỹ: thời cơ cho tự do cá nhân, công bằng về cơ hội, và giàu có về vật chất. tuy nhiên để đạt những điều đó thì có những cái giá phải trả: sự tự lực cánh sinh, sự cạnh tranh, và làm việc tận tụy. Theo thời gian, những cái giá này cũng đã trở thành một phần trong hệ thống những giá trị truyền thống.

Bài viết bạn đang đọc được đăng tải bởi Nhóm Dịch thuật Lightway. Nhóm chuyên nhận dịch thuật các tài liệu lịch sử, văn hóa, khoa học, triết học, tôn giáo với giá chỉ 29k/300 từ bản gốc

2. Tự do cá nhân và tự lực cánh sinh

Những người định cư thuở ban đầu đến lục địa Bắc Mỹ để xây dựng một nước thuộc địa tự do tách khỏi sự kiểm soát vốn luôn tồn tại tại các xã hội châu Âu. Họ muốn thoát khỏi sự khống chế về mọi mặt đời sống bởi các vị vua, các chính quyền, giáo sĩ và giáo hội, bọn quý tộc và hoàng thân quốc thích. Để gia tăng quy mô, họ kế tục nhau. Năm 1776,  những thực dân Anh định cư tại đây đã tuyên bố độc lập tách khỏi nước Anh và thiết lập một quốc gia mới, Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.  Với một hành động như vậy, họ đã khước từ vua Anh và tuyên bố rằng quyền cai trị sẽ nằm trong tay dân chúng. Bấy giờ họ đã tự do khỏi vương quyền. Năm 1789, họ viết bản hiến pháp cho quốc gia sơ khai của mình, họ phân tách giáo hội và nhà nước để không bao giờ còn có một kiểu chính phủ thân giáo hội nữa. Đó là sự giới hạn mạnh mẽ quyền lực của giáo hội. Cũng vậy, trong văn bản Hiến Pháp, họ cũng dứt khoát ngăn cấm những tước vị quý tộc để đảm bảo rằng sẽ không đẻ ra một tầng lớp quý tộc nào nữa. Sẽ không còn một tầng lớp quý tộc thống trị  nào trong đất nước mới.

Những quyết định có tính lịch sử được đưa ra bởi những người định cư đầu tiên đã có một tác động sâu sắc đến việc hình thành đặc điểm người Mỹ. Qua việc giới hạn quyền lực của chính quyền lẫn giáo hội và loại trừ tầng lớp quý tộc sáo rỗng, những người định cư đầu tiên đã tạo ra một môi trường tự do chú trọng đến cá nhân.  Nước mỹ đã được liên kết với nhau trong tâm trí qua ý tưởng về tự do cá nhân. Điều này có lẽ là căn bản nhất trong số những giá trị truyền thống Mỹ. Các học giả và những nhà quan sát bên ngoài thường gọi giá trị này là chủ nghĩa cá nhân, nhưng nhiều người Mỹ thì lại sử dụng từ tự do. Đó là một trong những từ ngữ phổ biến và được xem trọng hơn cả tại nước Mỹ ngày nay.

Với tự do, người Mỹ tức là khát vọng và là quyền của mọi cá nhân được nắm giữ số phận của chính mình mà không có bất cứ sự can thiệp bên ngoài nào từ phía chính quyền, giới quý tộc, giáo hội, hay bất cứ thẩm quyền của tổ chức nào. Khát vọng được tự do định đoạt là giá trị căn bản của đất nước sơ sinh ấy vào năm 1776, và nó vẫn tiếp tục hấp dẫn di dân đến xứ sở này.

Tuy nhiên, có một cái giá phải trả cho sự tự do cá nhân: tự lực cánh sinh. Mỗi cá nhân phải học cách dựa vào chính mình bằng không sẽ có nguy cơ sẽ mất tự do. Theo truyền thống, điều này nghĩa là đạt được sự độc lập về tài chính và tình cảm khỏi cha mẹ càng sớm càng tốt, thường là đến tuổi 18 hoặc 21. Nghĩa là người Mỹ tin rằng họ có thể tự lo liệu được, tự giải quyết được mọi sự, và “đứng trên đôi chân của mình”. Tocqueville đã quan sát niềm tin của người Mỹ về tự lực cánh sinh từ những năm 1830:

Họ chẳng nợ gì ai, cũng chẳng trông đợi gì vào ai; họ có thói quen luôn tự xem mình ở thế độc lập, và họ có khuynh hướng hình dung rằng số phận họ nằm trọn trong tay họ.

Tocqueville

Niềm tin mạnh mẽ này vẫn tiếp tục đến ngày nay như là giá trị truyền thống căn bản của người Mỹ. Nó có lẽ là một trong những mặt khó khăn khăn nhất phải hiểu về đặc điểm người Mỹ, nhưng cũng vô cùng quan trọng. Hầu hết người Mỹ tin rằng họ phải tự lực cánh sinh để giữ sự tự do của mình. Nếu họ cậy dựa quá nhiều vào sự giúp đỡ từ phía gia đình hay chính quyền hoặc bất cứ tổ chức nào, họ có thể sẽ phần nào mất đi tự do được làm điều mình muốn.

Thường thì những người trưởng thành trở về nhà để sống với cha mẹ vì tình trạng kinh tế hay đổ vỡ trong hôn nhân. Cha mẹ luôn vui vẻ giúp đỡ họ, nhưng hầu hết  thành viên trong gia đình muốn đó chỉ là sự sắp xếp ngắn hạn thôi. Khi người ta phải phụ thuộc, họ có nguy có mất đi tự do và có thể mất luôn cả sự kính trọng của bạn bè đồng nghiệp. ngay cả khi không thể tự lực cánh sinh được, người Mỹ cũng tin rằng họ ít nhất cũng phải làm ra vẻ có thể. Để hòa nhập vào dòng chảy của cuộc sống – để có quyền/hoặc sự kính trọng- mỗi người phải được xem là có thể tự lực cánh sinh.

Tuy nước Mỹ đưa ra rất nhiều sự trợ giúp kinh tế đối với nhu cầu của dân chúng thông qua các tổ chức hoặc chương trình của chính phủ, họ mong rằng sự giúp đỡ đó cũng chỉ là ngắn hạn. Thậm chí, người ta nên tự chăm sóc mình. Mặc dù nhận trợ giúp tài chính từ tổ chức từ thiện, gia đình, hoặc chính phủ  là được cho phép, nhìn chung cũng không được trông mong lắm. Một số người tin rằng những cá nhân như thế sẽ tạo thành tấm gương xấu, phá hỏng tổng thể đặc tính của người Mỹ. Cảnh tượng của những người xin ăn trên đường phố hoặc tình trạng vô gia cư có thể được thông cảm nhưng cũng đáng ngại, vì lí do tương tự.

Tìm hiểu thêm về nước Mỹ

    3. Công bằng về cơ hội và sự cạnh tranh

    Lý do thứ hai tại sao di dân thường thích dời đến nước Mỹ là bởi tin rằng mọi người đều có cơ hội thành công tại đây. Các thế hệ di dân, từ những người định cư đầu tiên cho tới ngày nay, đều đến Mỹ với niềm mong đợi này. Họ cảm thấy thế bởi vì  mọi người được tự do khỏi những chính sách hà khắc, tôn giáo, và các ràng buộc xã hội, họ có cơ hội tốt hơn cho sự thành công của bản thân. Trong đó quan trọng là không có một tầng lớp quý tộc kế thừa.

    Bởi vì các danh xưng quý tộc bị cấm trong Hiến Pháp, không có hệ thống tầng lớp sang trọng nào được phát triển ở Mỹ. Trong những năm đầu lịch sử Mỹ, nhiều di dân đã chọn rời khỏi những xã hội châu Âu cổ xưa hơn vì họ tin rằng họ có cơ hội thành công tốt hơn tại Mỹ. Tại “cố quốc” là nơi họ đã ra đi, vị trí của họ trong cuộc sống tùy thuộc vào việc họ sinh ra trong tầng lớp xã hội nào. Họ biết rằng tại Mỹ họ sẽ không phải sống giữa những gia đình quyền quý nắm giữ sức mạnh to lớn và tài sản kếch sù được kế thừa và tích lũy qua hằng trăm năm

    Hi vọng và mơ ước của nhiều di dân đầu tiên được đáp ứng tại xứ sở mới này. Tầng lớp xã hội thấp đã không còn là rào cản cho những người sinh ra trong đó nỗ lực vươn đến vị trí xã hội cao hơn. Nhiều người thấy rằng họ hiển nhiên có cơ hội tươi sáng hơn để thành công trên đất Mỹ hơn là cố quốc của mình. Bởi vì hàng triệu những di dân đã thành công trước đó, người Mỹ  tin vào sự công bằng về cơ hội. Khi Tocquille thăm nước Mỹ năm 1830, ông đã bị ấn tượng bởi điều kiện đồng nhất trong cuộc sống tại đất nước mới này. Ông viết:

    càng học nhiều về xã hội Mỹ, tôi càng nhận ra rằng…sự công bằng về điều kiện là nền tảng thực tế mà mọi người đều nhận được.

    Tocquille

    Quan trọng là phải hiểu được điều người Mỹ muốn nhấn mạnh khi họ nói họ tin vào công bằng về cơ hội. Họ không có ý rằng mọi người đều được – hoặc nên được – công bằng. Tuy nhiên, ý họ là mỗi cá nhân nên có một cơ hội công bằng để thành công. Người Mỹ xem phần lớn cuộc đời như là cuộc đua để thành công. Với họ, công bằng tức là mọi người đều sẽ có một cơ hội công bằng để tham gia vào cuộc đua ấy và chiến thắng. Nói cách khác, công bằng về cơ hội có thể hiểu như là một quy tắc về luân lý. Nó giúp đảm bảo rằng cuộc đua để thành công là một cuộc đua công bằng và sẽ không chuyện một người chiến thắng chỉ bởi vì họ được sinh ra trong một gia đình giàu có, hoặc thất bại chỉ bởi chủng tộc hoặc tôn giáo. Quan niệm của người Mỹ về “chơi đẹp” là một mặt quan trọng trong niềm tin công bằng về cơ hội.

    Tổng thống Abraham Lincoln diễn tả niềm tin này vào những năm 1860 khi ông nói:

    Chúng ta…mong muốn cho những người bé mọn nhất một cơ hội công bằng để giàu có như mọi người khác. Khi ai đó bắt đầu từ sự nghèo khó, như hầu hết mọi người khi bước vào đường đời, thì với xã hội tự do này anh ta biết có thể cải thiện điều kiện của mình; cũng như biết rằng trong cuộc đời không phải lúc nào điều kiện lao động cũng thuận lợi.

    Abraham Lincoln

    Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự công bằng về cơ hội này đó là sự cạnh tranh. Nếu ví cuộc đời gần như là một cuộc đua, thì một người phải chạy đua để thành công; người ta phải cạnh tranh với nhau, dù chúng ta biết rằng không phải ai cũng sẽ thành công. Nếu tất cả đều có cơ hội công bằng để thành công tại nước Mỹ, thì nhiều người sẽ nói rằng nó nghĩa là bổn phận phải cố gắng của mọi người. Nhiều người Mỹ thích cân đo năng lực và tài trí của mình với người khác trong một cuộc đấu để thành công. Những người thích cạnh tranh thường thành công hơn những người khác, và nhiều người thấy vinh dự khi được gọi là người thắng cuộc. Mặt khác, những ai không thích cạnh tranh và những ai dù đã cố gắng cũng không thành công thường phải hổ thẹn khi bị gọi bằng kẻ thua cuộc.

    Những áp lực khi cạnh tranh trong cuộc sống của một người Mỹ bắt đầu từ thuở thiếu thời và cứ kéo dài tới khi đã nghỉ hưu. Học cạnh tranh một cách thành công là một phần của sự trưởng thành tại nước Mỹ, và sự cạnh tranh được thúc đẩy bởi những chương trình thi đấu thể thao mạnh mẽ do các trường công cộng và các nhóm cộng đồng tổ chức. Những môn thể thao cạnh tranh hiện nay phổ biến ở cả nam lẫn nữ.

    Áp lực phải cạnh tranh khiến người Mỹ trở nên giàu nghị lực, nhưng cũng đặt lên họ một khuynh hướng cảm xúc cứng nhắc. Khi họ nghỉ hưu (thường vào tuổi 65), họ cuối cùng cũng thoát khỏi áp lực của cạnh tranh. Nhưng một vấn đề mới lại phát sinh. Một số người cảm thấy mình vô dụng và bất lực trong một xã hội vốn chỉ xem trọng những ai giỏi cạnh tranh. Đây có lẽ là một lí do tại sao người già tại Mỹ đôi lúc không được kính trọng như tại những nước khác, là những xã hội ít cạnh tranh hơn. Trên thực tế, nói chung, bất cứ nhóm người nào cạnh trạnh không thành công – vì bất cứ lí do nào – thì không phù hợp với dòng chảy của cuộc sống Mỹ  như những người cạnh tranh và thành công.

    4. Giàu có vật chất và làm việc tận tụy

    Nguyên nhân thứ ba khiến di dân thường đến Mỹ là để có cuộc sống tốt đẹp hơn-tức là-, nâng cao mức sống của họ. Vì với một phần lớn những di dân đến đây, điều này có lẽ là nguyên nhân mạnh nhất thôi thúc họ rời khỏi quê hương mình. Bởi vì với những nguồn tài nguyên thiên nhiên dư thừa đến đáng kinh ngạc, nước Mỹ dường như là một vùng đất trù phú nơi hàng triệu người đến để tìm kiếm vận số của mình. Tất nhiên, hầu hết các di dân đã không “phất lên sau một đêm”, và nhiều người trong số họ đã phải chịu đau khổ kinh khủng, nhưng phần đông họ rốt cuộc cũng cải thiện được mức sống vốn có của mình. Dù cho họ không thể đạt được thành công về kinh tế như họ muốn, thì họ vẫn có thể đoan chắc rằng con cái họ sẽ có cơ hội cho một cuộc sống khấm khá hơn. Cụm từ “giàu từ trong đống giẻ rách” trở thành một khẩu hiệu cho “Giấc Mơ Mỹ”. Dựa vào sự giàu có bao la của lục địa Bắc Mỹ, giấc mơ có thể thành hiện thực với nhiều di dân. Họ đạt được thành công về vật chất và nhiều người trở nên gắn bó với tài sản. Sự giàu có về tài sản trở thành một giá trị đối với người Mỹ.

    Đề cao giá trị việc sở hữu tài sản thì gọi là người thực dụng, nhưng đây lại là một từ mà hầu hết người Mỹ đều thấy chướng tai. Nói ai đó thực dụng là một sự xúc phạm. Với người Mỹ, nói vậy tức là bảo người này xem vật chất hơn hẳn tất cả những thứ khác. Người Mỹ không thích bị gọi là thực dụng vì họ cảm thấy thật không công bằng khi kết tội họ là chỉ yêu chuộng vật chất mà không có chút giá trị tâm linh nào.  Trên thực tế, hầu hết người Mỹ còn có các giá trị và tư tưởng khác. Tuy nhiên, đạt được và duy trì một lượng lớn tài sản vẫn là một điều vô cùng quan trọng với hầu hết người Mỹ. Tại sao lại như vậy?

    Một lí do đó là giàu có về vật chất theo truyền thống vẫn là một thước đo về địa vị xã hội được chấp nhận rộng rãi tại nước Mỹ. Vì người Mỹ từ chối hệ thống quý tộc thừa kế và các danh hiệu quý tộc, họ phải tìm ra một thứ khác thay thế để phân định địa vị xã hội. Chất lượng và số lượng tài sản vật chất của một cá nhân trở thành một thước đo về thành công và địa vị xã hội được chấp nhận. Hơn thế nữa, như chúng ta sẽ thấy trong chương sau, đạo đức làm việc của Thanh Giáo đã kết hợp thành công về vật chất liên tưởng tới sự sùng đạo.

    Tuy nhiên, Người Mỹ có một cái giá phải trả cho sự giàu có về vật chất của họ: làm việc tận tụy. Lục địa Bắc Mỹ là nơi tài nguyên thiên nhiên phong phú khi những cư dân đầu tiên đến đây, nhưng tất cả những tài nguyên đó không thể tự sinh sôi được. Chỉ có cách chăm chỉ làm ăn mới biến những tài nguyên đó thành tài sản vật chất cho phép một mức sống thoải mái hơn. Làm việc tận tụy vừa là điều cần thiết vừa là phần thưởng cho hầu hết những người Mỹ trong lịch sử của họ. Vì điều này, họ đã xem tài sản vật chất như phần thưởng tự nhiên cho sự lao động của mình. Theo cách nào đó, tài sản vật chất không chỉ được xem như bằng chứng hữu hình về công việc của con người, mà còn về khả năng của họ. Cuối những năm 1700, Jame Madison, cha đẻ của hiến pháp Hoa Kỳ, phát biểu rằng sự khác biệt về tài sản vật chất phản ánh sự khác nhau về năng lực mỗi người.

    Khi nước Mỹ chuyển từ nền kinh tế công nghiệp thành nền kinh tế dịch vụ, hoặc thông tin, thì những công việc lương cao của các công nhân nhà máy cũng suy tàn. Giờ đây đã khó hơn rất nhiều cho những công nhân trung bình muốn bước ra khỏi  đống giẻ rách mà phất lên, và nhiều người vẫn tự hỏi điều gì đã xảy ra cho giấc mơ Mỹ truyền thống. Vì nước Mỹ cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, nên nhiều công nhân đang mất đi công việc cũ của mình và thấy rằng họ và các thành viên gia đình họ giờ đây phải làm việc nhiều giờ hơn cho số tiền ít hơn và lợi nhuận cũng thấp hơn. Khi nền kinh tế suy yếu, mọi người đều phải chịu thiệt, và có một số lớn nhóm công nhân nghèo-là những người làm lụng vất vả nhưng lương lại thấp đến nỗi không thể đáp ứng được mức sống no đủ cũng như bảo đảm về sức khỏe.

    Tuy nhiên, hầu hết người Mỹ, vẫn tin vào giá trị của làm việc tận tụy. Hầu hết tin rằng người ta nên giữ lấy công việc và không sống phụ thuộc vào tiền phúc lợi từ chính phủ. Có nhiều nỗ lực cải tổ hệ thống phúc lợi để người dân sẽ không dựa dẫm vào đó mà ngưng tìm kiếm công việc phục vụ cho chính mình. Những giới hạn được đặt lên số năm một gia đình có thể được hưởng phúc lợi, nhưng hệ thống này vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những vấn đề then chốt nhất đó là chi phí cho y tế tại Mỹ và thực tế nhiều chủ lao động không còn chi trả bảo hiểm y tế cho công nhân của họ nữa. Thường thì trẻ em phải chịu thiệt nhiều nhất, đặc biệt là trong các gia đình lao động nghèo. Một vấn đề khác là sự trợ cấp của chính phủ dành cho di dân và con cái của họ; nhiều gia đình vẫn còn phải sống cảnh nghèo khổ.

    5. Giấc mơ Mỹ

    John Kenneth White, trong cuốn The values Divide: American Politics and Cultural in Transition ( Sự phân chia các giá trị: Chính Trị và Văn Hóa Mỹ Thời Kỳ Quá Độ), quan sát thấy rằng mặc cho mọi biến đổi về dân số, kinh tế, và văn hóa, thái độ và giá trị của người Mỹ vẫn luôn được giữ rất vững:

    Người Mỹ vẫn yêu đất nước mình và tin rằng họ có thể hoàn thành hầu như mọi thứ. Một cuộc thăm dò phát hiện rằng 91% đồng ý với phát biểu, “Là người Mỹ là một phần lớn con người họ”. Chỉ 11% nói rằng họ muốn di cư đến đâu đó… Clotaire Rapaille, người Pháp, phát hiện ra khía cạnh độc đáo này của chủ nghĩa Yêu nước của người Mỹ: “Nước Mỹ không phải là một nơi chốn, Nó là một giấc mơ.”

    John Kenneth White

    Để hiểu mối quan hệ giữa những gì người Mỹ tin và cách họ sống, điều quan trọng là phải phân biệt giữa lý tưởng và thực tế. Các giá trị Mỹ, như sự công bằng về cơ hội hay tự lực cánh sinh, là những lý tưởng, chúng không hẳn diễn tả thực tế cuộc sống tại Mỹ. Lấy ví dụ, công bằng về cơ hội là một lý tưởng, nhưng không phải lúc nào nó cũng được đưa vào thực tế. Trên thực tế, một số người có cơ hội thành công tốt hơn người khác. Những người giàu từ trong trứng có nhiều cơ hội hơn những người sinh ra đã nghèo. Việc kế thừa tiền bạc giúp họ có ưu thế quyết định. Nòi giống có lẽ vẫn là những yếu tố tác động tới thành công, dù có những điều luật được soạn ra để đẫy mạnh sự công bằng về cơ hội cho mọi cá nhân. Và tất nhiên, những di dân mới đến tiếp tục phải đối mặt với những thử thách riêng biệt để có được vị trí của mình.

    Thực tế những lý tưởng Mỹ chỉ được thực hiện phần nào trong đời sống nhưng cũng không mất đi tầm quan trọng của chúng. Hầu hết người Mỹ tin vào chúng và bị chúng ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống hàng ngày. Sẽ dễ hiểu hơn người Mỹ nghĩ gì và cảm thấy gì nếu chúng ta hiểu những giá trị truyền thống căn bản của người Mỹ là gì và chúng ảnh hưởng thế nào lên mọi mặt đời sống tại Mỹ.

    Sáu giá trị căn bản trình bày trong chương này- tự do cá nhân, tự lực cánh sinh, công bằng về cơ hội, sự cạnh tranh, giàu có về vật chất, và làm lụng siêng năng- không kể trọn vẹn được câu chuyện về đặc điểm của người Mỹ. Đúng hơn, chúng nên được xem như là những bối cảnh sẽ được triển khai trong những cuộc thảo luận của chúng ta về tôn giáo, đời sống gia đình, giáo dục, kinh doanh, và chính trị. Những bối cảnh này sẽ xuất hiện xuyên suốt cả cuốn sách khi chúng ta tiếp tục khám phá thêm nhưng khía cạnh về đặc điểm người Mỹ và chúng ảnh hưởng thế nào tới đời sống tại đất nước này.

    5/5 - (1 vote)

    BÀI LIÊN QUAN