Tìm hiểu về cấu trúc câu trong tiếng Anh

76 views

Trật tự từ trong 1 câu

Nghĩa của một câu tiếng Anh phụ thuộc vào trật tự từ trong câu ấy

– Đặt chủ ngữ lên trước động từ và túc từ ra sau động từ:

The cook | burnt | the dinner.

– Trạng ngữ (adverbials) (how? Where? When?) thường đặt sau động từ, hoặc trước túc từ.

He read the note quickly (How). I waited at the corner (where?) till 11.30 (When?)

– Trật tự từ cơ bản của một câu không phải dạng nghi vấn hoặc mệnh lệnh đó là:

– Chúng ta cũng đặt thời gian ở đầu cơ: Yesterday I bought a hat.

Các dạng câu trong tiếng Anh

1/ Một câu bất kỳ trong tiếng Anh có thể thuộc về một trong bốn dạng sau:

Câu phát biểu (statement): VD: The shops close/don’t close at 7 tonight.

Câu hỏi (question): Do the shop close at 7 tonight?

Câu mệnh lệnh (command): Shut the door/Don’t shut the door.

Câu cảm thán (exclamation): What a slow train this is!

2/ Phải viết hoa đầu câu tiếng Anh, và kết câu phát biểu bằng dấu chấm (.), câu hỏi bằng dấu hỏi (?), hoặc câu cảm thán bằng dấu chấm cảm (!).

Nếu trích dẫn thì phải dùng ngoặc kép (“”) đặt ở đầu và cuối câu trích dẫn, và đặt các dấu khác nếu có ở bên trong ngoặc kép.

VD: “I’m tired,” she said. Không viết: “I’m tired”, she said.

Câu đơn: động từ có và không có túc từ

Thế nào là một câu hoàn chỉnh trong tiếng Anh?

– Khi nói, chúng ta thường nói những câu đại khái như: All right! Good! Want any help?

Chúng là những ‘đơn vị ngữ nghĩa hoàn chỉnh’, nhưng không phải một câu hoàn chỉnh.

– Câu hoàn chỉnh là một đơn vị nghĩa hoàn chỉnh chứa một chủ ngữ và một động từ, và nếu cần thiết thì sẽ có thêm các loại từ khác để làm rõ nghĩa.

Viết Made in Germany không có gì sai trong tiếng Anh, nhưng nó không phải một câu vì thiếu chủ ngữ.

My car was made in Germany mới là một câu hoàn chỉnh vì có chủ ngữ và động từ.

Chúng ta không thể nói đại khái như “is tired” vì như vậy không có chủ ngữ. Phải nói He is tired mới được.

– Chủ ngữ trong nhiều trường hợp có thể ẩn: Open the door có nghĩa là You open the door.

Động từ có và không có túc từ

– Có một số động từ luôn luôn phải có túc từ đi kèm: beat, contain, enjoy, hit, need.

Chúng ta gọi những động từ như vậy là ngoại động từ (transitive verbs). Tức là những động từ ấy cần phải có đối tượng chịu tác động của chúng.

Arsenal beat Liverpool. Không thể nói Arsenal beat được.

– Một số động từ không bao giờ có túc từ đi kèm, như: ache, arrive, come, faint, go, sit down, sleep, snow.

Chúng ta gọi những động từ như vậy là nội động từ (intransitive verbs)

VD: We arrived at 11. Không thể nói We arrived the station at 11.

– Một số động từ không từ vừa là nội mà cũng vừa là ngoại động từ, tùy tình huống ta sử dụng chúng, như: begin, drop, hurt, open, ring, win.

Chúng ta có thể nói Arsenal won the match (ngoại động từ), hoặc Arsenal won (nội động từ) đều được.

Những câu có các động từ nối như be seem

– Những động từ như beseem gọi là những động từ nối (linking verbs). Chúng không thể có túc từ. Sau be hoặc seem chúng ta sẽ dùng những từ nói về chính chủ ngữ. Trong văn phạm, chúng ta gọi chúng là bổ ngữ, tức là làm cho câu văn nói hết ý về chủ ngữ của nó.

Ví dụ trong câu He is ill. She seem tired .v.v những từ ill tired cho chúng ta biết thông tin về he she.

– Bổ ngữ có thể là:

+ Một tính từ: Frank is clever

+ Một danh từ: Frank is an architect

+ Một ngữ danh từ (adj + N) Frank is a clever architect

+ Một đại danh từ (pronoun): This book is mine

+ Một trạng ngữ chỉ thời gian hoặc nơi chốn: The meeting is here. The meeting is at 2.30

+ Một ngữ giới từ (prepositional phrase): Alice is like her father

Câu đơn tiếng Anh: túc từ trực tiếp và túc từ gián tiếp (direct and indirect objects)

Cấu trúc: Subject + verb + indirect object + direct object – Show me that photo

– Sau những động từ như give buy chúng ta sẽ dùng hai túc từ

Thay vì viết: Give the book to me, ta có thể viết: Give me the book

Thay vì viết: Buy the book for me, ta có thể viết: Buy me the book

– Một số động từ sẽ kết hợp với TO: bring, give, lend, pay, post, sell, send, show, tell, write:

Bring that book to me -> Bring me that book

– Một số động từ sẽ kết hợp với FOR: Buy, choose, cook, cut, do fetch, find, get, make, order:

Please order a meal for me –> Please order me a meal

– Chúng ta có thể đặt it them sau động từ: Give it to me. Buy them for me. Do it for me.

Với những động từ như give buy, chúng ta có thể nói: Give me it. Buy me them. (Không nói: Do me it)

Hoặc nói: Give it to john. Buy them for John. (Không nói: Give john it, buy John them.)

Cấu trúc Verb + object + to + noun/pronoun – Explain it to me

Có một số động từ như explain sẽ có cách dùng không giống như give.

Ví dụ, chúng ta có thể nói: Give the book to me, hoặc Explain the situation to me.

Give me the book. (Nhưng không được nói Explain me the situation).

– Chúng ta không được dùng một túc từ gián tiếp đặt ngay sau explain. Chỉ có thể dùng theo cấu trúc sau:

Verb + object + ‘to’

He explained the situation to me

He confessed his crime to the court

– Các động từ khác tương tự explain confess có thể kể ra gồm: admit, announce, declare, demonstrate, describe, entrust, introduce, mention, propose, prove, repeat, repost, say, suggest.

Hai nghĩa của từ ‘for’

– Chúng ta có thể dùng for sau mọi động từ có hai túc từ.

– Khi dùng for sau các động từ như give, post, read, sell, show, tell v.v. nó thường mang nghĩa ‘instead of’: I’ll post it for you = I’ll post it instead of you (Tôi sẽ đăng cái này thay cho bạn)

– Khi dùng for sau những động từ như buy, choose, do, find, keep, order v.v. nghĩa của nó sẽ phụ thuộc vào ngữ cảnh. Nó có thể nghĩa là ‘for someone’s benefit’

Mother cooked a lovely meal for me (= tôi sẽ nấu cho bạn ăn)

Nó cũng có thể nghĩa là ‘on someone’s behalf/instead of’ (thay cho ai đó)

I’ll cook the dinner for you (Tôi sẽ nấu ăn thay cho bạn)

Câu ghép (compound sentence)

Hình thức của câu ghép

Khi chúng ta nối hai hoặc nhiều câu đơn lại với nhau thì sẽ tạo thành câu ghép (compound sentence)

Tom phoned. He left a message -> Tom phoned and left a message.

– Từ dùng để nối hai câu lại với nhau ta gọi là conjunction (từ nối)

Một số conjunction dùng để nối câu gồm: and, and then, but, for, nor, or, so, yet; either…or; neither…or; not only…but… (also/as well/too).

– Chúng ta có thể dùng các từ nối để thể hiện những mối quan hệ sau:

+ Sự bổ sung (and): He washed the car and polished it

 + Sự tiếp nối (and then): He washed the car and then polished it

+ Sự tương phản (but, yet): She sold her house, but/yet she can’t help regretting it

+ Sự lựa chọn (or): You can park your car on the drive or on the road

+ Kết quả (so): He couldn’t find his pen, so he wrote in pencil

+ Lý do (for): We rarely stay in hotels, for we can’t afford it.

– Thường chúng ta không đặt dấu phẩy trước and, nhưng đối với các conjunction khác thì có

He washed the car and polished it (không có dấy phẩy)

He washed the car, but didn’t polish it (Có dấu phẩy trước but)

– Dưới đây là trật tự từ căn bản trong một câu ghép

– Khi chủ ngữ của mọi thành phần câu là một thì không cần lặp lại:

Cùng chủ ngữ: Tom phoned. He left a message -> Tom phoned and left a message

Khác chủ ngữ: Tom phoned. Frank answered -> Tom phoned and Frank answered.

– Thường chúng ta sẽ lặp lại chủ ngữ sau so: He couldn’t find his pen, so he wrote in pencil.

– Phải luôn luôn lặp lại chủ ngữ sau for. For được dùng nhiều hơn trong văn viết, và không được dùng nó ở đầu câu.

We rarely stay at hotels, for we can’t afford it.

Câu phức: các mệnh đề danh từ (noun clauses)

Chúng ta có thể nối hai hoặc nhiều câu đơn để tạo thành câu phức (complex sentence)

The alarm was raised. The fire was discovered

-> The alarm was raised as soon as the fire was discovered.

-> The alarm was raised when the fire was discovered

-> the alarm was raised after the fire was discovered.

Chúng ta có thể dùng nhiều kiểu từ nối (joining word, conjunction) để tạo thành những câu ghép: after, as soon as, when, since, that, if, so that, whether.

Trong một câu ghép sẽ có một ý chính (main idea) và một hoặc nhiều ý phụ (subordinate ideas). Chúng ta thể lấy ý chính (clause) ra khỏi câu và nó có thể đứng một mình:

The alarm was raised main clause (mệnh đề chính). Câu này có thể đứng một mình nó mà không có vấn đề gì về nghĩa.

As soon as the fire was discovered không thể đứng một mình, nó phụ thuộc vào mệnh đề chính.

Những mệnh đề danh từ là câu phát biểu

– Mệnh đề danh từ có vai trò giống như một danh từ, nó trả lời cho câu hỏi Who? Hoặc What?

He told me about his success. (told me about what): his success là một mệnh đề danh từ.

He told me that he had succeed. (…what?): that he had succeed là một mệnh đề danh từ.

– Chúng ta dùng that để dẫn qua các phát biểu bằng mệnh đề danh từ theo sau:

+ một số tính từ: It’s obvious that he’s going to be late.

+ một số danh từ: It’s a pity that he’s going to be late.

+ một số động từ: I know that he’s going to be late.

– Chúng ta thường dùng các mệnh đề danh từ sau những động từ dùng để tường thuật (reporting verd) như say, tell, think, know. Chúng ta có thể lược bỏ that khi dùng những động từ này.

Thay vì nói I know that he’s going to be late

Chúng ta có thể nói I know he’s going to be late.

Những mệnh đề danh từ là câu hỏi

– Câu hỏi có/không

+ Has he signed the contract? Là một câu hỏi Yes/No trực tiếp

+ Chúng ta dùng if hoặc whether để dẫn vào một câu hỏi Yes/No. Và chúng ta sử dụng những reporting verbs như ask, tell me, want to know

Tell me if he has signed the contract. (Tell me what): If he has signed the contract.

Ask him whether he has signed it. (ask him what): whether he has signed it.

– Câu hỏi bằng những từ đặt câu hỏi (Wh-questions)

+ When did you sign the contract? Là một câu hỏi Wh-question

+ Chúng ta có thể dùng những câu hỏi kiểu này như một mệnh đề danh từ theo sau tell me, I want to know, và không dùng dấu chấm hỏi.

Câu phức – đại từ và mệnh đề quan hệ

Đại từ và mệnh đề quan hệ

Giả sử bạn muốn viết một đoạn văn như sau:

The house we moved into is absolutely beautiful. The people who lived here before us took very great care of it. The garden, which is quite small, is lovely. I’m glad we moved. I Don’t think we’ll ever regret the decision we made.

Nếu bạn muốn nói hoặc viết như thế thì cần phải nắm vững những mệnh đề quan hệ (relative clauses). Mệnh đề quan hệ thường bắt đầu bằng những đại từ who, whom, which, thatwhose.

Who, which, that là chủ ngữ của một mệnh đề quan hệ

– Chúng ta dùng who hoặc that để nói về người. Chúng ta dùng chúng ở vị trí chủ ngữ, và không được lược bỏ.

– Chúng không thay đổi theo giới hay số ít số nhiều.

He is the man/She is the woman who/that lives here (Không được viết He is the man who he…)

They are the men/the women who/that live here.

– Chúng ta dùng which hoặc that ở vị trí chủ từ để nói về động vật hoặc đồ đạc

That’s the cat which/that lives next door. Those are the cats which/that live next door

Here’s a photo which/that shows my car. Here are some photos which/that show my car.

Whom, which và that đóng vai trò túc từ trong mệnh đề quan hệ

Chúng ta dùng whom hoặc that để nói về người. Chúng ta đặt chúng ở vị trí của túc từ trong câu. Trong văn nói thì thay vì dùng whom người ta hay nói thành who.

Chúng không thay đổi bất kể giới hay số ít số nhiều.

He’s the man/She’s the woman whom/that I met (Không được viết He’s the man that I met him).

They’re the men/women whom/that I met

Tuy nhiên, whom that có thể lược bỏ.

He’s the man I met.

– Chúng ta dùng which hoặc that ở vị trí túc từ để nói về động vật và sự vật.

That the cat which I photographed. Those are the cats which I photographed.

That’s the photo which I took. Those are the photos which I took

Và chúng ta cũng có thể lược bỏ chúng.

That’s the cat I photographed.

4.8/5 - (9 votes)

BÀI LIÊN QUAN