English Study

Thần khúc – Dante | Bản dịch tiếng Việt

9,002 views
thần khúc của dante

Sơ lược bộ Thần Khúc

Thần khúc (La divina commedia) được sáng tác trong thời gian Dante bị trục xuất khỏi quê hương Florence, từ khoảng năm 1308 đến khi ông mất năm 1321, được viết bằng tiếng Ý gồm 100 khổ thơ với 14.226 câu thơ, được chia làm ba phần, mỗi phần bao gồm 33 khổ thơ.

Ba phần của bộ Thần khúc gồm

Hỏa ngục (Inferno)

Luyện ngục (Purgatorio)

Thiên đường (Paradiso)

Tác phẩm được xếp vào hàng những bản trường ca vĩ đại nhất của văn học thế giới. Sức tưởng tượng và tính ẩn dụ về hình ảnh thế giới bên kia trong thế giới quan Thiên chúa giáo là đỉnh điểm sự phát triển nhãn quan về thế giới của Nhà thờ Thiên chúa giáo Tây Âu. Tác phẩm này cũng góp phần vào sự phát triển của thổ âm vùng Tuscane, trong vở kịch được sử dụng như ngôn ngữ Ý tiêu chuẩn.Vì yêu mến tác phẩm, và mong muốn góp một chút sức mọn giúp mọi người tiếp cận với danh tác kinh điển này, mình mạo muội chuyển dịch ra tiếng Việt, giữ đúng bố cục đoạn 3 câu của tác phẩm gốc. Mình biết tiếng Anh thôi nên phải dịch dựa trên tiếng Anh.

Mình dịch bộ thơ này từ các bản tiếng Anh sau:

Bản dịch thơ của nhà thơ Mỹ Henry Wadsworth Longfellow (1807 – 1882)

Bản dịch thơ của dịch giả Mỹ Allen Mandelbaum (1926 – 2011)

Bản dịch văn xuôi của A.S Kline

Bản dịch văn xuôi của Arthur John Butler (1844 – 1910)

Và tham khảo bản dịch tiếng việt của GS Nguyễn Văn Hoàn.

Khúc I

Trong khúc này Dante rơi vào một giấc ngủ sâu và không biết bằng cách nào thấy mình lạc vào một khu rừng tăm tối. Nhà thơ lạc lối và hoang mang. Chợt ông thấy có ánh mặt trời tỏa ra từ đỉnh núi, với hy vọng tìm được lối thoát nhà thơ định trèo lên.Nhưng ông bị ngăn cản một ba con thú liên tiếp xuất hiện. Một con báo, một sư tử dữ tợn, và một con sói cái đói khát. Quá sợ hãi ông phải quay đầu bỏ chạy.Chợt lúc đó vong linh của đại thi hào Virgil hiện đến cùng ông. Đại thi hào giải thích rằng con đường lên trên ngọn núi Bồng Lai đó đã bị con sói chắn lối, và đề nghị sẽ dẫn chàng đi đường vòng băng qua chín tầng hỏa ngục nơi chàng sẽ thấy vong hồn người chết phải chịu án phạt đời đời. Dante đồng ý đi theo.

Thần khúc của Dante thấm đẫm thần học và thế giới quan của Kitô giáo, sử dụng đầy rẫy chất liệu Thánh kinh. Vậy nên tác phẩm gần gũi và dễ hiểu hơn với người phương Tây nơi Kitô giáo thống trị tâm hồn con người 2000 năm nay, nhưng sẽ xa lạ và khó hiểu với người phương Đông nơi quen thuộc hơn với tinh thần Nho, Phật.Dante bắt đầu hành trình của mình vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh, một ngày có ý nghĩa quan trọng trong phụng vụ Kitô giáo, vì ba ngày tiếp theo là Tam Nhật Thánh khi Chúa Giêsu chịu chết và xuống luyện ngục. Hình ảnh ba con thú chắn đường trích từ sách Jeremiah 5:6, biểu tượng cho những bản chất của con người. Con báo là tính Chấp mê, con sư tư là tính Hung bạo, và con sói cái là tính ác độc. Ba bản tính ấy ngăn cản con người đến với đỉnh núi rực rỡ hào quang của Thiên Quốc. Virgil là đại thi sĩ thời La Mã cổ đại.

Nghe đọc

Đến giữa đường trần tôi lạc lối
Sa chân vào rừng tối âm u
Nẻo chính đạo mịt mù đã mất

Ôi làm sao tả xiết thành lời
Giữa chơi vơi rừng sâu hoang dại
Nghĩ lại lòng còn hãi sợ thay

Tuy cay đắng muôn phần tưởng chết
Nhưng cũng xin thuật hết điều hay
Ở nơi ấy mắt trần tôi đã thấy

Vậy tại sao tôi lạc vào chốn đây
Có lẽ khi tôi chìm say giấc ngủ
Trong u mê chính đạo đã rời xa

Tôi thấy mình đứng dưới ngọn núi cao
Cuối thung lũng nơi tận cùng biên giới
Dâng trong tim sợ hãi rụng rời

Ngước nhìn lên rạng ngời trên sườn núi
Chói lọi muôn tia sáng mặt trời
Soi tỏ lối cho những người công chính.

Nỗi sợ hãi hành hạ tôi đêm dài
Xao động mặt hồ tim tê tái
Cực chẳng đã cũng phần nào nguôi ngoai

Ví những kẻ mệt nhoài thân xác
Từ biển khơi thoát nạn lên bờ
Còn ngơ ngẩn nhìn trùng dương sóng dữ

Cũng như tôi còn bàng hoàng kinh hãi
Nhìn lại con đường mới vượt qua
Nơi vốn chẳng tha kẻ nào sống sót

Tôi nghỉ ngơi thân xác rã rời
Rồi dời bước lên một con dốc vắng
Chân liêu xiêu bên nặng bên khinh

Bất thình lình! Nơi ngay đầu con dốc
Lướt nhẹ nhàng một con báo xộc ra
Với bộ da chấm đen lốm đốm

Trước mặt tôi báo cuộn mình bất động
Chắn ngang đường không thể vượt qua
Nên nhủ lòng hay ta đành quay lại

Đó là lúc bình minh ló dạng
Mặt trời lên rạng rỡ giữa ngàn sao
Cùng Tình Yêu Linh Thiêng xao động

Giục muôn loài xinh đẹp thức dậy ngay
Ấy vì thế tôi cơ may hy vọng
Nơi con báo có bộ da vui mắt

Vào lúc rạng ngày một mùa đẹp thay;
Nhưng sợ hãi nào mảy may tan biến
Vì kìa con sư tử hiện hình

Phải chăng nó đến nghịch cùng tôi
Đầu ngẩng cao cơn đói cồn cào
Cả bầu không còn lặng đi kinh hãi;

Rồi lại thêm con sói cái gầy còm
Nom điệu bộ hung hăng thèm khát
Đã bao người bất hạnh bởi sói ta

Nó chất lên tôi nỗi sợ nặng nề
Toát ra từ khuân mặt thê lương
Tôi còn mong gì lên phía trước

Như một kẻ ngỡ mình thắng cuộc
Nhưng vào hồi buộc phải buông xuôi
Chỉ còn biết muộn phiền rên rỉ

Con thú kia muốn tôi như vậy
Nó đến đây để nghịch cùng tôi
Dồn tôi đến nơi mặt trời tắt nắng

Đang khi tôi vội bước xuống đồi
Giữa lối đi một người ra ngăn cản
Có giọng khàn như tắt tiếng từ lâu

Trên dốc hoang vừa ban đầu gặp mặt
Tôi thốt lên: “Xin hãy xót thương tôi!”
“Dù ngài là ma, hay một người còn sống”

Người ấy đáp: “thuở trước ta người trần
Song thân vốn ở Lam-ba-đi
Nhưng Man-tua ấy mới là nguyên quán”

Ta sinh ra cuối thời vua Xê-da
Sống tại Roma, đời Au-gút trị vì
Quả đấy là thời thần thánh thị phi.

Là thi sĩ ta hát bài ca ngợi
Con của An-chi-sê, đến từ thành Troy
Khi Ilion tráng lệ điêu tàn khói lửa

Nhưng phần con sao vội vàng kinh hãi
Sao chẳng lên Ngọn Núi Bồng Lai
Nơi lai láng chảy muôn điều khoái lạc

Tôi khiêm hạ cúi đầu thi lễ
“Ngài đây là thi sĩ Vơ-gil
Là mạch nguồn văn chương tuân chảy?

Ôi ánh sáng hào quang muôn thi sĩ!
Với tình yêu và lòng cầu thị
Tôi đọc xiết bao tác phẩm của ngài

Ngài là thầy là tác giả của tôi
Vẻ đẹp thi ca kẻ hậu sinh có được
Đều nhờ năng học hỏi nơi ngài.

Này vì thú dữ tôi quay đầu trở lại
Xin bậc hiền nhân thương hại chở che
Vì sói kia máu huyết tôi run sợ.”

Người trả lời khi thấy tôi nhòa lệ
“Này bạn hỡi chọn đường khác đi thôi
Họa may ta rời khỏi chốn hãi hùng;

Vì con thú bạn đang kinh sợ đó
Khó để ai qua mặt bình yên
Nhưng ve vãn rập rình rồi giết chết

Nó khát mồi tàn bạo hung hăng lắm
Và lòng tham chẳng thể lấp đầy
Càng ăn đẫy càng dày thêm cơn đói

Nó kết đôi cùng đủ loài hoang thú
Và sẽ nhiều thêm, cho đến khi xuất hiện
Một Thần Khuyển khiến nó chết thảm sầu

Thần Khuyển ấy đâu màng chi phú quý
Chỉ tình yêu, đức hạnh sự khôn ngoan
Và sinh quán giữa hai vùng Fe-tro;

Là cứu tinh của nước Ý khiêm nhường
Nơi nàng Ca-mi-la đồng trinh tuẫn nạn
Cùng E-ya-lus, Tu-nus, Ni-sus bị tử thương

Người sẽ đuổi ả khỏi các thành trì
Sẽ tống ả đi về nơi Địa Ngục
Nơi thuở ban đầu ôm dục vọng ra đi

Như thế này ta nghĩ là tốt nhất
Hãy theo ta, ta dắt lối chỉ đường
Dẫn con qua một miền vĩnh cửu,

Con sẽ nghe ngập tiếng than van
Sẽ thấy muôn linh hồn cổ kim đau khổ
Kêu gào cho được chết lần hai.

Cũng sẽ thấy những người thiêu trong lửa
Nhưng mãn nguyện vì biết đến một ngày
Được về nơi dành cho người hằng phúc

Nếu con muốn được vào xem nơi ấy
Sẽ có một linh hồn trinh trong hơn
Thay ta đưa con đi tiếp hành trình

Vì ta đã nghịch cùng luật pháp
Của Quân Vương ngự cõi trời cao
Nên chẳng được vào thành đô vĩnh phúc

Ngài thống trị trên khắp nơi nơi;
Thành đô ngài cùng ngôi cao vinh hiển
Diễm phúc thay được tuyển lựa trong ngài”

Tôi lại nói: “Van xin nhà thơ hỡi
Cậy Chúa Trời ngài còn chưa biết mặt
Hãy giúp tôi thoát khỏi cơn ngặt nghèo,

Hãy đưa tôi đến nơi ngài vừa nói
Để ngắm nhìn cánh cổng Thánh Phê-rô,
Cùng những linh hồn đang triền miên đau khổ.”

Rồi nhà thơ dời bước, tôi theo sau

Khúc II | Khúc III

4.9/5 - (75 votes)

ĐỌC THÊM


BÀI LIÊN QUAN