Trong bài viết trước Lightway đã nói về tính tin cậy của một dịch phẩm khi nhìn từ góc độ của người đọc, khách hàng, hay người sử dụng dịch phẩm ấy. Họ đơn giản chỉ cần dịch phẩm truyền tải đúng những ý nghĩa và thông điệp của văn bản gốc theo thể loại bản văn ấy. Tính tin cậy của một dịch phẩm đối với khách hàng tức là họ có thể tin tưởng vào dịch phẩm và dựa vào đó để hành động. Trong bài viết hôm nay chúng ta sẽ nói tiếp về tính tin cậy này, nhưng là khi xét về góc độ của dịch giả, hay biên dịch viên.
Tính tin cậy không chỉ quan trọng với người đọc, mà với người dịch cũng vậy.
Những điểm chính dưới đây là tiêu chí truyền thống đòi hỏi người dịch phải “chính xác”, phải “chú ý tới tiểu tiết”, nhưng lưu ý rằng ở đây tập trung vào sự nhận thức về tính tin cậy chứ không chỉ là kỳ vọng vào sự đúng đắn của dịch phẩm. Một biên dịch viên tin cậy là người chuyên nghiệp. Khách hàng đưa ra yêu cầu và nhận lại một bản dịch “chuẩn xác” và “đáng tin” thì chưa đủ để gọi dịch giả đó là tin cậy. Một dịch giả nhạy cảm và tài năng sẽ nhận định một văn bản dưới nhiều khía cạnh ngoài tính chính xác. Nếu khách hàng không đưa ra những chỉ dẫn cụ thể thì biên dịch viên cũng cần tự mình biết phải làm gì.
Tính tin cậy của dịch giả bao gồm những điểm chính sau:
Liên quan tới văn bản
Chú ý tới tiểu tiết
Dịch giả phải chú ý đến ngữ cảnh và các cách kết hợp từ ngữ được sử dụng.
Nhận biết nhu cầu của người đọc
Dịch giả cần lắng nghe các chỉ dẫn của khách hàng liên quan đến loại dịch phẩm họ cần, nắm bắt nhanh chóng và đầy đủ các chỉ dẫn ấy. Cố gắng hoàn thành chúng một cách chính xác và linh hoạt.
Nghiên cứu
Dịch giả không chỉ phải tra cứu những từ khó hiểu hoặc không rõ nghĩa, mà còn phải nghiên cứu tìm hiểu cẩn thận về kiến thức liên quan đến tài liệu. Việc tìm hiểu này sẽ thực hiện bằng bất kỳ phương tiện nào khả dụng: sách, internet, gọi điện hỏi thông tin khách hàng v.v.
Kiểm tra
Dịch tới đâu cần kiểm tra cẩn thận tới đó, nhất là những chỗ còn hoài nghi và đặc biệt là khi dịch ra tiếng nước ngoài. Nên cần một chuyên gia đọc kiểm trước khi giao dịch phẩm cho khách hàng.
Liên quan tới khách hàng
Tính chuyên nghiệp
Dịch giả cần đủ chuyên nghiệp để có thể dịch cả những tài liệu nằm ngoài kiến thức chuyên môn của mình, bằng ngôn ngữ mà mình không thực sự xuất sắc (khi đó phải luôn nhờ chuyên gia đọc kiểm.) Dịch giả cũng cần phải biết phân biệt giữa một thể loại tài liệu mới và thể loại tài liệu vượt quá khả năng của mình, khi đó nên khéo léo từ chối.
Hứa hẹn
Dịch giả biết rõ khả năng và thời gian của mình. Hãy dựa vào đó để đưa ra kỳ hạn đề xuất cho khách hàng, và giữ đúng thời hạn đã định. Nếu trường hợp không thể hoàn thành đúng hạn định hãy chủ động trao đổi với khách hàng để thay đổi thời hạn, hoặc nhờ người khác phụ hoàn thành đúng thời hạn.
Thân thiện
Dịch giả cần phải tỏ ra thiện chí và sẵn sàng trợ giúp qua điện thoại hoặc gặp mặt. Đưa ra các lời khuyên chuyên môn cho khách hàng.
Bảo mật
Dịch giả cần chú ý bảo mật dịch phẩm của khách hàng không tiết lộ ra ngoài trước, trong, và sau khi dịch xong. Đảm bảo không một bên thứ ba nào có thể biết được tài liệu thông qua mình.
Liên quan tới công nghệ
Phần cứng và phần mềm
Dịch giả nên trang bị laptop hiện đại, phiên bản word mới nhất, kết nối Internet đầy đủ, có địa chỉ email, máy in v.v. mọi thứ càng đầy đủ càng tốt.
Chúng ta thấy để đạt được tính tin cậy thì dịch giả cần phải có rất nhiều yếu tố cụ thể như trên. Khách hàng luôn muốn bản dịch họ nhận được không cần phải chỉnh sửa gì thêm. Không chỉ thế, họ muốn nhận được theo đúng thời gian đã hẹn. Họ muốn làm việc với những người nhiệt tình, chuyên nghiệp, và sẵn sàng hỗ trợ họ qua mọi phương tiện có thể. Là một dịch giả chuyên nghiệp bạn đừng nên bao giờ nói “không” với yêu cầu của khách hàng, hoặc ngắt ngang cuộc trao đổi. Thay vào đó, đối với những tài liệu nằm ngoài khả năng, hãy đề xuất cho họ những người có thể làm được. Hãy tỏ ra chuyên nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Sự đúng hẹn
Tính tin cậy của dịch phẩm là yếu tố hàng đầu mà dịch giả cần quan tâm. Sau đó là sự đúng hẹn. Đúng hẹn nhưng đảm bảo chất lượng. Sự đúng hẹn này sẽ tùy thuộc nhiều vào thể loại văn bản bạn nhận dịch. Một tác phẩm văn học sẽ khác với một hợp đồng thương mại. Có những văn bản bạn dịch một lần là xong, thường là không hoặc rất ít khi phải chỉnh sửa. Nhưng có những loại văn bản sẽ yêu cầu điều chỉnh tới lui liên tục. Vậy nên khi nhận dịch bạn cần nắm rõ tài liệu này thuộc thể loại gì, và trao đổi trước với khách hàng về tính chất của tài liệu.
Vấn đề rắc rối thường thấy nhất về sự đúng hẹn này đó là khách hàng thường không nắm rõ việc dịch vất vả thế nào và đòi hỏi phải có bản dịch ngay tức khắc.
Có lẽ chính vì việc dịch rất mất thời gian nên những cỗ máy dịch như Google dịch mới ra đời. Chúng có thể thực hiện những tính toán và đưa ra bản dịch trong nháy mắt mà nếu là người dịch có khi phải cần hàng giờ, hàng ngày, thậm chí hàng tuần. Nhưng tất nhiên chúng có những khuyết điểm đôi khi là chí mạng và làm cho bản dịch hoàn toàn vô dụng. Biên dịch viên nên sử dụng chúng như những công cụ hỗ trợ chứ không thể phụ thuộc vào chúng.
Sự đúng hẹn cũng góp phần tạo ra tính tin cậy cho dịch giải. Bạn dịch càng nhanh và càng hay thì càng là người được tin cậy và chọn lựa. “Chúng tôi cần bản dịch này ngay, nhưng phải chuẩn.” Đó là yêu cầu thường thấy ở khách hàng. Họ không quan tâm dịch giả làm thế nào, họ chỉ cần sản phẩm.
Dịch giả đôi lúc phải ngồi hàng giờ liền, vật lộn với tài liệu, đôi khi chán ngán, để kịp deadline và đảm bảo độ chính xác cần thiết. Điều quan trọng đó là trong vai trò biên dịch viên, bạn cần cố gắng dàn xếp được một deadline khả dĩ, không quá áp lực cho bạn mà cũng không làm trễ công việc của khách hàng. Bản dịch phải đủ hay chứ không được lạm dụng máy dịch.
Kết luận
Tính tin cậy của một dịch giả là sự tổng hợp của nhiều yếu tố tạo nên sự chuyên nghiệp của dịch giả ấy: tác phong làm việc, khả năng nghiên cứu đề tài văn bản, sự nhiệt tình và thân thiện, lắng nghe đòi hỏi của khách hàng, và bàn giao dịch phẩm trong thời gian nhanh nhất, nắm vững các công nghệ mới trong dịch thuật, sử dụng hiệu quả các cỗ máy dịch. Không dễ để có thể đáp ứng được tất cả những yếu tố ấy.
Trong vai trò biên dịch viên, ngoài khả năng ngôn ngữ, bạn cần nâng cao mọi kỹ năng khác để có thể xử lý văn bản cách tốt nhất.
Bạn làm tốt, khách hàng tin tưởng bạn. Bạn làm tốt, bạn có quyền đưa ra mức giá hợp lý. Và cách tính chi phí cho công sức của bạn chúng ta sẽ nói tới trong bài tiếp theo.