Dịch thuật có thể hiểu từ bên ngoài, từ phía quan điểm của khách hàng hoặc người đọc, cũng có thể hiểu từ bên trong, tức là từ quan điểm của người dịch. Và loạt bài viết này đứng ở quan điểm người dịch, để làm rõ khách hàng, hoặc người đọc cần gì và tại sao.
Nhận thức chuyên môn và quan điểm bình dân
Dịch thuật sẽ khác biệt giữa những nhóm người khác biệt. Đối với những người không phải biên dịch viên thì đó chỉ là một văn bản. Nhưng đối với biên dịch viên thì đó là một hoạt động. Hoặc như một nhà nghiên cứu từng nói, dịch thuật là văn bản khi xét theo “kiến thức ngoại tại”, nhưng là một hoạt động (tức là hành vi tạo ra văn bản) khi xét theo quan điểm “kiến thức nội tại”.
Nhận thức chuyên môn
Biên dịch viên nghĩ và nói về dịch thuật từ bên trong, biết rõ nó được tạo ra thế nào, thấu hiểu những vấn đề liên quan, những giải pháp đưa ra, và giới hạn của những giải pháp ấy (Chẳng hạn như biên dịch viên biết rằng không có bản dịch nào hoàn toàn đúng như bản văn gốc).
Quan điểm bình dân
Một người không phải biên dịch viên (nhất là người chỉ đọc bản dịch, tức là người gián tiếp hoặc trực tiếp trả tiền cho bản dịch – một khách hàng, một người mua sách) nghĩ và nói về bản dịch từ bên ngoài, không biết nó được thực hiện thế nào, cũng giống như một người bình thường không biết cái tủ gỗ được thợ mộc làm ra thế nào. Vì là người có nhận thức chuyên môn nên cái quan trọng với biên dịch viên là sự chuyên môn: nó bao gồm quá trình trở thành một biên dịch viên, nhận và xử lý yêu cầu cho từng bản dịch cụ thể, nghiên cứu, kết nối, và chuyển dịch từ ngữ, cụm từ, phạm vi từ ngữ, chỉnh sửa bản dịch, giao bản dịch hoàn chỉnh đến khách hàng, tính tiền, và nhận thanh toán. Bản dịch là một phần quan trọng của quá trình ấy, tất nhiên là phần quan trọng nhất – nhưng không phải là tất cả. Từ quan điểm bình dân của người đọc thì dịch phẩm, hay hàng hóa trong tình huống này, là quan trọng nhất.
Và tuy bản dịch chủ yếu liên quan tới (và tất nhiên được viết bởi) kiến thức nội tại của nhà biên dịch, và vì thế liên quan tới hoạt động biên dịch – thế nhưng rốt cuộc thì một cuốn sách giáo khoa cho các biên dịch viên tập sự – chúng ta cần xem xét sơ qua quan điểm ngoại tại trong những bài viết đầu tiên này, để phân biệt nó với cách tiếp cận có phương pháp mà ta sẽ bàn tới trong những bài viết sau. Trong quá khứ, đào tạo biên dịch chủ yếu nhắm vào cách tiếp cận theo văn bản, bằng kiến thức ngoại tại mà người ta cho rằng quan trọng với người đọc. Những cách tiếp cận này áp đảo trong lĩnh vực đào tạo dịch thuật. Hài hước là những cách tiếp cận dịch thuật truyền thống dựa trên nhu cầu của người đọc ấy chỉ nhắm vào một trong nhiều nhu cầu của họ: độ tin cậy (thường gọi là “tính tương đương” hay “tính trung thành”). Cách tiếp cận từ phía người đọc như vậy sẽ xem tính hợp thời và chi phí là hai yếu tố ngang nhau. Chúng ta cùng xét ba khía cạnh dịch thuật khi đứng ngoài nhìn vào – mong muốn có được một dịch phẩm đáng tin cậy, nhanh chóng, và rẻ từ phía người đọc.
Tính tin cậy của một dịch phẩm
Người đọc muốn rằng họ có thể tin tưởng vào bản dịch, và có thể dựa vào đó mà hành động. Tức là dịch phẩm cung cấp cho họ những thông tin đúng như bản gốc, và hành động của họ sẽ không sai lầm chỉ vì tin vào bản dịch. Họ muốn biên dịch viên phải làm việc sao cho đáng tin cậy, giao bản dịch đúng hạn, và phải linh hoạt đáp ứng những nhu cầu của người đọc. Tính tin cậy có hai khía cạnh:
Tính tin cậy về ngữ cảnh
Tính tin cậy của dịch phẩm là mức độ mà người đọc có thể đặt niềm tin vào nó như là sự truyền tải chính xác bản gốc. Tính tin cậy của dịch phẩm là khi người đọc sẵn sàng dựa vào nó để hành động vì tin rằng bản dịch và bản gốc là tương đương nhau. Ví dụ, nếu là một dịch phẩm về sự đấu thầu thì người đọc rất có thể sẽ là công ty nhận sự đấu thấu ấy. Trong trường hợp này thì tính tin cậy tức là dịch phẩm phải trình bày chính xác bản chất của sự đấu thầu; cái mà công ty đó cần từ dịch phẩm là căn cứ đáng tin cậy để hành động; tức là, mọi chi tiết về sự đấu thầu phải được chuyển dịch chính xác để người ta có thể căn cứ vào đó mà quyết định có chấp nhận hay không. Hoặc nếu là một dịch phẩm về văn học cổ điển thì người đọc có thể là giáo viên hoặc sinh viên đang tìm hiểu về tác phẩm ấy. Nếu lớp học của họ dạy bằng tiếng mẹ đẻ, hoặc môn học là đối chiếu văn học, thì “tính tin cậy” trong trường hợp này tức là người đọc sẽ hành động như thể dịch phẩm ấy thực sự là tác phẩm gốc. Và với tiêu chí như vậy thì dịch phẩm trong tình huống này thực sự được xem như là viết bằng ngôn ngữ đích. Như chúng ta thấy, nói đến “tính tin cậy” tức là nói tới “độ chính xác” và “sự tương đương”, hay “sự trung thành [với bản văn gốc]”.
Có thể bạn quan tâm
Những thuật ngữ này đều nhằm chỉ tới “tính tin cậy” mà người đọc dịch phẩm mong muốn. Tính tin cậy về văn bản có nhiều tiêu chỉ và không có một công thức hay tiêu chuẩn bao quát nào cho mọi trường hợp. Cái mà người đọc dịch phẩm cần đó là bản dịch phải đủ tin cậy theo các kỳ vọng của họ: chính xác hoặc hiệu quả, hoặc cả hai; văn phong lưu loát; đáp ứng đúng mục đích cụ thể của người đọc. Một văn bản thỏa mãn được các đòi hỏi ấy sẽ được xem là một bản dịch “hay” hoặc “thành công” với đối tượng người đọc ấy, cho dù khi đưa cho đối tượng khác với những kỳ vọng khác thì sẽ thành ra “dở” hoặc “không thành công”. Nhưng chúng ta vẫn cần phải khái quát các tiêu chí hoặc tiêu chuẩn phù hợp với một nhóm các người đọc, hoặc các tình huống sử dụng. Vì một số người đọc đòi hỏi các bản dịch thoát ý; một số khác muốn một bản dịch sát nghĩa.
Như truyện kể cho trẻ em thì cần thoát ý chứ không cần sát nghĩa; bản dịch quảng cáo thì cần chuyển tải được hiệu ứng ấn tượng của văn bản gốc nhắm đền người đọc trong ngôn ngữ đích. Để thỏa mãn được đối tượng người đọc/khách hàng của mình thì biên dịch viên cần chú ý tìm hiểu xem họ muốn gì, cần gì, hoặc kỳ vọng điều gì, đồng thời đừng cố tranh luận với họ về những điều ấy. Nhiều khi những đòi hỏi của khách hàng rất vô lý, thậm chí là không thể được, khi đó thì biên dịch viên cần tự cân nhắc xem có nên nhận công việc đó hay không, có thể tìm được cách thỏa mãn khách hàng đồng thời không phải đáp ứng những yêu cầu vô lý của họ không. Trên thực tế thì dù biên dịch viên là người có kiến thức chuyên môn nhưng không thể bỏ qua được các kỳ vọng và đòi hỏi của khách hàng, vì họ là người trả tiền. Một nhà nghiên cứu từng hài hước nhận xét: khi đối thoại với khách hàng bạn đừng cố giải thích yếu tố “diễn giải sáng tạo” mà mọi dịch phẩm đều có; chỉ làm cho khách hàng thêm hiểu lầm mà thôi.
Từ quan điểm của khách hàng, tức là người đọc, “diễn giải sáng tạo” là một sự bóp méo bản văn gốc, và vì thế dịch phẩm không đáng tin, còn từ quan điểm của biên dịch viên thì “diễn giải sáng tạo” là việc không thể tránh khỏi, nó là mức độ hiểu và vì thế cũng là mức độ tái tạo, và xa hơn là cảm thức của biên dịch viên về việc ngôn ngữ đích có thể diễn giải lại ở mức độ nào.
Dưới đây là một số dạng dịch phẩm khi xét theo “tính tin cậy của bản văn”
Sát nghĩa văn bản gốc
Dịch phẩm bám sát từng từ trong văn bản gốc, càng sát ý càng tốt. Trong trường hợp này cấu trúc ngữ nghĩa của bản văn gốc là một thách thức thực sự đối với dịch phẩm.
Hành văn nước ngoài
Bản dịch tuy đọc khá lưu loát nhưng vẫn có cảm giác hành văn không thật sự tự nhiên như ngôn ngữ người đọc. Với một chút lưu ý chúng ta có thể nhận ra đang đọc một dịch phẩm chứ không phải tác phẩm gốc.
Sự trôi chảy
Bản dịch rất dễ đọc trong ngôn ngữ đích như thể được viết bằng thứ tiếng ấy. Người đọc sẽ rất khó nhận ra đang đọc một bản dịch. Tóm lược Bản dịch diễn lại những ý chính của văn bản gốc
Chú giải
Bản dịch phân tích những hàm ý của văn bản gốc, khám phá các ẩn dụ mà văn bản gốc không nói thẳng hoặc chỉ gợi mở.
Tóm lược – chú giải
Bản dịch tóm lược một số đoạn văn và chú giải các đoạn khác. Các đoạn văn gốc liên quan nhất đến người đọc sẽ được nói kỹ. Các đoạn văn ít liên quan hơn sẽ được tóm lược.
Sự thích nghi
Dịch phẩm truyền tải những hiệu ứng mong muốn của văn bản gốc đến với người đọc. Tác phẩm gốc sẽ được thay đổi tùy mức độ; chẳng hạn như một câu chuyện vốn dành cho người lớn được viết lại cho đối tượng thiếu nhi; hoặc một tác phẩm văn xuôi được viết lại cho truyền hình; một chiến dịch quảng cáo với những hình ảnh sinh động cần phải được truyền tải đúng cách trong ngôn ngữ đích.
Mã hóa
Bản dịch sẽ diễn lại văn bản gốc theo cách ẩn ý nghĩa hoặc thông điệp của nó mà chỉ một nhóm độc giả nhất định mới có thể đọc hiểu được, đó là nhóm có chìa khóa giải mã.