English Study

Cộng hoà – Plato | Chương 2

134 views
Cộng hòa Plato dịch tiếng Việt

Dịch bởi: Kim Lưu – nhóm dịch thuật Lightway

Nếu bạn chưa đọc chương 1: Kích vào đây

Chương 2

POLEMARCHUS: CÔNG BẰNG LÀ GIÚP ĐỠ BẠN BÈ VÀ LÀM HẠI KẺ THÙ

Cuộc tranh luận bắt đầu. Rõ ràng việc nói sự thật và trả những món nợ nhìn chung là lẽ phải và công bằng; nhưng khi phân tích kỹ hơn thì những hành vi này không nói rõ được nghĩa của từ công bằng mà ta nghĩ rằng chúng có. Cũng thế, việc trả nợ có thể sẽ hoàn toàn thay đổi ý nghĩa của nó nếu ta xét đến hậu quả và nguyên do của nó.Polemarchus viện dẫn châm ngôn của một thi sĩ Hy Lạp nổi tiếng. Tại Hy Lạp, vốn không có quyển sách nào tương tự Thánh kinh, thi sĩ được xem là những tác giả đầy thẩm quyền về tôn giáo và đạo đức; nhưng Socrates, khi chất vấn họ, đã nhận ra họ không hề có nền tảng lý luận trong những lời giảng dạy của mình. Polemarchus cũng vậy, không bao giờ nghĩ tới những hàm ý của từ ‘công bằng’ khi nói ‘trả công cho mỗi người’. Vậy công ấy là gì, và trả cho ai?Phản đối đầu tiên của Socrate là khiến cho Polemarchus nhận ra sự mập mờ trong ý tưởng của anh ta khiến anh ta có kết luận ấu trĩ như vậy. Khi tiếp cận một vấn đề lớn và mơ hồ thì bước đầu tiên là phải thuyết phục ai đó rằng câu trả lời mà anh ta nghĩ rằng anh ta biết chỉ là sự tưởng tượng và chính anh ta cũng không thể hiểu được câu trả lời của mình.Ở đây Plato thường so sánh việc thực hành đạo đức với những môn nghệ thuật hữu dụng: y khoa, hàng hải, làm dép. Qua đó triết gia nói tới “nghệ thuật công bằng.” Ông tích hợp niềm tin của Socrates rằng có một thứ nghệ thuật sống, tương tự với kiến thức và năng lực của một nghệ nhân khi cố gắng đạt được mục đích nhắm tới. Một thợ xây, người xây những căn nhà, biết anh ta sẽ làm gì và làm thế nào; anh ta có thể cân nhắc hành động của mình để đạt được mục đích. Kiến thức và năng lực ấy tạo thành ‘nghề’ biểu hiện nơi người thợ xây và kỹ năng chuyên môn, hay ‘phẩm hạnh’ của anh ta, trong tư cách là người thợ xây. Tương tự thế, một người có thể sống tốt là người biết rõ mục đích của cuộc sống, những gì là giá trị thực, và đạt được bằng cách nào. Kiến thức này là phẩm hạnh đạo đức của con người, trong tư cách là con người, và tạo thành nghệ thuật sống. Nếu một người tưởng tượng rằng mục đích của cuộc sống tiền tài và quyền lực, là những thứ tự chúng vốn không có giá trị, thì tất cả mọi hành động của anh ta sẽ chệch hướng. Lý thuyết này có tính căn bản trong Cộng hoà. Nó dẫn đến luận điểm trung tâm là xã hội phải do những người có học thức quản trị, những người được đào tạo lâu dài và khắt khe, đó không chỉ là mục đích thật sự của đời sống con người, mà còn là ý nghĩa của “cái tốt” dưới mọi dạng.

Có thể bạn quan tâm

Socrate

Vậy thì xin cho tôi biết, hỡi người kế thừa, Simonides đã nói gì, và bản thân của cậu sẽ nói gì, về công bằng?

Ông ấy nói rằng việc trả nợ chính là hợp lẽ công bằng, và bản thân tôi cũng thấy vậy là đúng.

Tôi rất lấy làm tiếc phải nghi ngờ lời nói của một bậc thông thái nhường ấy, nhưng ý ông ta muốn nói, có lẽ hoàn toàn rõ ràng với cậu, nhưng trái lại không rõ ràng với tôi lắm. Vì chắc hẳn ông ta không định nói rằng, như chúng ta vừa nêu, khi một người đang ở trong tình trạng mất tỉnh táo đòi lại vũ khí hoặc bất cứ thứ gì đã gửi nơi tôi thì tôi cũng phải trả lại cho họ; trong khi rõ ràng đã nhận đồ người khác gửi cũng là một món nợ.

Đúng

Thế tức là khi ai đó đang mất tỉnh táo mà đòi tôi điều gì đó thì tôi không cần phải trả đúng không?

Nhất định không.

Vậy khi Simonides nói rằng công bằng tức là nợ ai cái gì phải trả lại, ông ấy không định bao hàm  trường hợp kể trên sao?

Chắc chắn không; vì ông ấy nghĩ rằng đã là bạn bè thì phải làm điều tốt cho nhau, không làm điều xấu.

Ý cậu là trong trường hợp việc trả lại một số tiền đã mượn làm hại đến người nhận thì đó không có nghĩa là trả nợ đúng không, nếu hai người là bạn, – Có phải đấy là điều cậu nghĩ Simonides sẽ nói đúng không?

Đúng

Vậy ngay cả kẻ thù chúng ta cũng phải trả nợ cho họ đúng không?

Chắc chắn rồi, cậu ta nói, nợ họ cái gì chúng ta phải trả cái ấy, và giữa hai kẻ thù thì thứ họ nợ nhau, theo ý vãn bối, là thù oán.

Nếu vậy thì Simonides, bằng cung cách của các thi sĩ, có vẻ như không rõ ràng lắm khi nói về bản chất của công bằng; vì ông thật sự định khẳng định rằng công bằng tức là trả cho người ta những gì thuộc về họ, và ông gọi cái này là nợ.

Đấy chắc chắn là điều ông ấy muốn nói, cậu ta đáp.

Ôi trời ơi! Tôi đáp; vậy giả như chúng ta hỏi rằng nghề thuốc sẽ trả cho ai và trả cái gì, thì ông ấy sẽ trả lời sao?

Ông ấy hẳn sẽ nói rằng y khoa mang đến thuốc thang, đồ ăn, thức uống cho cơ thể con người.

Thế còn nghề bếp thì sao, mang đến cái gì và cho ai?

Mang gia vị cho món ăn.

Vậy thì công bằng mang đến cái gì, và cho ai?

Thưa ngài Socrate, nếu dựa vào những sự tương đồng xảy ra trong dòng lịch sử, thì công bằng là nghệ thuật mang đến điều tốt cho bạn bè và điều xấu cho kẻ thù.

Đấy là ý của ông ta sao?

Vãn bối nghĩ vậy

Thế thì ai sẽ là người hữu hiệu nhất trong việc mang đến điều tốt cho bạn bè và điều xấu cho kẻ thù, trong trường hợp cả hai bị ốm.

Là thầy thuốc.

Thế còn trong trường hợp cả hai đang long đong trên biển.

Là thuyền trưởng.

Vậy bằng hành động nào, hoặc với mục đích gì thì một người công bằng có thể làm điều xấu cho kẻ thù và điều tốt cho bạn bè một cách hữu hiệu nhất?

Đó là gây chiến tranh chống lại kẻ thù và liên minh với bạn bè.

Thế thì cậu Polemarchus này, khi một người khỏe mạnh thì không cần đến thầy thuốc đúng không?

Không cần.

Và nếu người đó không lênh đênh trên biển thì cũng không cần một thuyền trưởng đúng không?

Không cần

Và trong thời bình thì công bằng vô dụng đúng không?

Vãn bối hoàn toàn không nghĩ vậy.

Vậy ý cậu là công bằng hữu dụng cả trong chiến tranh lẫn thời bình?

Đúng.

Như là nông dân thu được lúa mỳ?

Đúng.

Hoặc như thợ giày làm ra dép, ý cậu là vậy đúng không?

Đúng.

Vậy tương tự thế, trong thời bình công bằng làm được gì hoặc có sức mạnh gì?

Trong những bản hợp đồng thưa ngài Socrate, rất cần đến công bằng.

Cậu nói đến hợp đồng tức là nói đến các đối tác phải không?

Chính xác.

Nhưng trong một cuộc kéo co thì người công bằng hay là một tay chơi giỏi hữu dụng hơn và là đối tác tốt hơn.

Người chơi giỏi.

Thế còn trong việc dựng tường xây nhà, người công bằng hay bác thợ hồ hữu dụng hơn và là đối tác tối hơn.

Thợ hồ.

Vậy thì trong loại hợp tác nào thì người công bằng sẽ là đối tác tốt hơn người chơi đàn hạc, cũng như trong việc tấu nhạc người chơi đàn hạc rõ ràng là đối tác tốt hơn người công bằng?

Trong mối quan hệ về tiền bạc.

Phải rồi cậu Polemarchus, nhưng chắc không phải là trong cách sử dụng tiền bạc đúng không; vì giả như khi mua bán ngựa, cậu sẽ không cần đến người công bằng làm cố vấn cho mình, nhưng phải một người rành về ngựa đúng không?

Đương nhiên rồi.

Và khi cậu muốn mua một chiếc thuyền, thì phải là một thợ đóng thuyền hoặc thuyền trưởng đúng không?

Đúng.

Vậy thì khi nào mới cần tới người công bằng trong việc sử dụng tiền bạc?

Khi vãn bối muốn tiền của mình được giữ an toàn.

Ý cậu là khi tiền bạc không dùng đến mà đen cất đi phải không?

Chính xác.

Vậy tức là công bằng sẽ hữu dụng khi tiền bạc vô dụng?

Có thể nói thế.

Và khi cậu muốn giữ một cái liềm an toàn, thì công bằng sẽ hữu dụng đối với cá nhân ấy hoặc đất nước ấy; nhưng khi cậu muốn dùng cái liềm đó thì lại phải cần tới bàn tay của người thợ gặt đúng không?

Rõ ràng là thế.

Và tương tự cho các thứ khác; thế thì công bằng hữu dụng khi các thứ này vô dụng, và vô dụng khi các thứ này hữu dụng, phải không?

Cỏ vẻ như là thế.

Thế thì công bằng không hẳn là điều tốt cho đa số. Nhưng chúng ta thử phân tích kĩ hơn chút: Có phải một võ sĩ giỏi ra đòn trong các trận đánh nhau cũng sẽ giỏi tránh đòn phải không?

Đương nhiên.

Và một người giỏi chữa bệnh cũng sẽ giỏi gây bệnh đúng không?

Đúng.

Và người giỏi canh gác doanh tranh cũng sẽ giỏi trà trộn vào hàng ngũ quân địch đúng không?

Đương nhiên.

Thế thì một người giỏi giữ của cũng sẽ là một tên trộm giỏi đúng không?

Uhm… có lẽ… cũng đúng.

Vậy thì một người công bằng giỏi giữ tiền bạc cũng sẽ là người giỏi trộm cắp rồi.

Có thể suy ra như vậy.

Vậy rốt cuộc một người công bằng hóa ra lại là kẻ trộm. Và tôi ngờ rằng đây chính là bài học mà cậu hẳn đã rút ra được từ Homer; Vì ông ta, khi nói về Autolycus, một người ông yêu mến và là ông ngoại của Odysseus, khẳng định rằng “Nói về trộm cắp và bội bạc thì hắn giỏi hơn hết thảy mọi người.”

Và như vậy, cả cậu và Homer lẫn Simonides đều nhất trí rằng công bằng là nghệ thuật trộm cắp; và nó được dùng để “làm điều tốt cho bạn bè và gây hại cho kẻ thù” – có phải cậu đã nói thế không?

Không, tất nhiên không phải vậy, tuy vãn bối không chắc lắm mình đã nói gì; nhưng vãn bối vẫn giữ vững lập trường về quan điểm đó.

Thế thì xuất hiện câu hỏi khác: Ở đây, ý cậu muốn nói tới bạn bè và kẻ thù thật sự, hay nói chung chung thôi?

Chắc chắn, anh ta nói, ta có thể tin rằng ai đó sẽ yêu những kẻ anh ta nghĩ là tốt và ghét những kẻ anh ta cho là xấu.

À, nhưng người ta vẫn hay nhầm lẫn giữa tốt và xấu: nhiều người không tốt nhưng lại có vẻ tốt, cà ngược lại, đúng thế không?

Đúng như vậy.

Thế thì thành ra với họ người tốt lại là kẻ thù và kẻ thù họ lại coi như bạn bè? Đúng không? Và trong trường hợp đó họ sẽ đúng nếu có lỡ làm điều tốt cho kẻ xấu và làm điều xấu cho người tốt? phải không?

Rõ ràng là thế.

Nhưng người tốt lại là người yêu sự công bằng và không gây ra bất cứ điều bất lương nào đúng không?

Đúng.

Vậy theo như cậu nói thì gây tổn hại đến những người chẳng mắc sai lầm gì cũng là công bằng ư?

Ấy thưa ngài Socrate; điều ấy rất trái đạo đức.

Vậy thì có phải là chúng ta nên làm điều tốt cho người công bằng và làm điều xấu cho kẻ bất lương?

Vậy thì hay hơn đấy.

Nhưng thử xem điều này nhé: nhiều người vì lẫm lẫn và kết bạn với những người bất lương, và trong trường hợp đó anh ta nên làm điều xấu cho họ; mặt khác anh ta lại có những kẻ thù công bằng mà anh ta nên làm điều tốt cho; nhưng nếu vậy, chúng ta lại mâu thuẫn với điều mà chúng ta đã khẳng định là ý nghĩa trong câu nói của Simonides.

Rất đúng, cậu ta nói: và vãn bối nghĩ rằng tốt hơn chúng ta hãy sửa lại lỗi đã mắc phải về cách dùng từ “bạn bè” và “kẻ thù”.

Lỗi thế nào cậu Polemarchus, tôi hỏi.

Chúng ta đã mặc định rằng bạn bè là người có vẻ hoặc được cho là tốt.

Vậy phải sửa thế nào cho đúng?

Chúng ta nên nói rằng bạn bè, theo như cái vẻ ngoài, là người tốt; và nếu anh ta chỉ có vẻ tốt thôi, chứ không tốt thật sự, thì cũng chỉ có vẻ là bạn thôi chứ không phải bạn thật sự; đối với kẻ thù thì cũng tương tự vậy.

Có phải ý cậu là người tốt là bạn, còn kẻ xấu là thù?

Đúng.

Vậy thay vì nói đơn giản như lúc đầu, tức công bằng là làm điều tốt cho bạn và điều xấu cho kẻ thù, thì giờ chúng ta nói: công bằng là làm điều tốt cho bạn bè nếu họ là người tốt và làm điều xấu cho kẻ thù nếu chúng là kẻ xấu, đúng không?

Vâng, vãn bối thấy như vậy có lẽ đúng hơn.

Nhưng người công bằng có nên làm hại bất kì ai đó không?

Rõ ràng là anh ta nên làm hại những người xấu và những người độc ác.

Thế khi ta làm hại một con ngựa, nó tốt lên hay xấu đi?

Xấu đi.

Xấu đi, tức là những phẩm chất xấu đi là của con ngựa, chứ không phải của con chó, đúng không?

Tất nhiên.

Và nếu là lũ chó thì sẽ xấu đi về phẩm chất của chúng chứ không phải của ngựa đúng không?

Dĩ nhiên rồi.

Và có phải khi ta làm hại ai đó thì những phẩm chất của anh ta cũng sẽ bị xấu đi phải không?

Tất nhiên.

Và phẩm chất của một con người là sự công bằng phải chăng?

Chắc chắn rồi.

Thế thì một người bị làm hại thì nhất thiết sẽ không còn là người công bằng nữa ư?

Kết quả tất là thế.

Nhưng một nhạc sư, bằng tài năng của mình lại có thể dạy ra những con người dốt nhạc không?

Tất nhiên không.

Hay một lái ngựa, bằng tài năng của mình lại có thể tạo ra những kẻ không biết gì về ngựa không?

Không thể nào.

Vậy một người công bằng, bằng sự công bằng của mình liệu có thể biến kẻ khác thành người bất lương không, hay tóm lại, một người tốt có thể bằng vào đức hạnh của mình lại biến người khác thành ra xấu không?

Chắc chắn là không.

Cũng như hơi nóng không thể tạo ra cái lạnh đúng không?

Không thể.

Hoặc khô hạn mà lại làm thấm nước?

Rõ ràng là không

Cũng như điều tốt không thể làm hại ai?

Không thể

Và người công bằng cũng là người tốt?

Đúng vậy

Thế thì việc làm hại một người bạn hay bất kì ai khác không phải là hành động của người công bằng, nhưng ngược lại, của những kẻ bất lương, đúng không?

Vãn bối nghĩ ngài hoàn toàn đúng, thưa ngài Socrate.

Vậy nếu có ai nói rằng sự công bằng bao gồm việc nợ gì trả nấy, và một người công bằng nợ bạn bè mình điều tốt, nợ kẻ thù mình điều xấu –  thì nói vậy thành ra không đúng lắm; vì như ta đã phân tích ở trên, việc làm tổn thương kẻ khác không thể là việc làm công bằng được.

Tôi đồng ý với ngài, Polemarchus nói.

Thế thì cậu và tôi sẽ ra tay chống lại bất cứ ai ủng hộ cách nói ấy của Simonides hay của Bias, Pittacus, hoặc bất kì người thông thái nào đại loại như vậy.

Tôi nhất định sẽ về phe ngài, cậu ta nói.

Tôi xin nói với cậu ai là người có cách nói như vậy?

Ai?

Tôi tinh rằng Periander, Perdiccas, Xerxes hoặc Ismenias người Thebes, hoặc ai đó giàu có và quyền lực, tức những người xem trọng quyền lực của mình, sẽ là những người đầu tiên nói rằng công bằng là “làm điều tốt cho bạn bè và làm hại kẻ thù”.

Đúng lắm, cậu ta nói.

Vâng, tôi nói; nhưng nếu định nghĩa công bằng như vậy đã không ổn, thì liệu còn định nghĩa nào nữa không?

5/5 - (1 vote)

ĐỌC THÊM


BÀI LIÊN QUAN