Bài 2: Biên dịch viên và những tố chất cần có
Cũng như nhiều nhóm công việc khác, tham gia vào lĩnh vực dịch thuật, cụ thể là biên dịch tiếng Anh cần những tố chất và kỹ năng đặc thù. Biên dịch viên cần phải có kiến thức chung về những tố chất này để tự rèn luyện và cải thiện bản thân. Nhất là khi bắt đầu tự học dịch thuật thì càng cần phải lưu ý tới những điều này ngay từ đầu.
Nhìn chung có thể chia các tố chất này thành hai nhóm: năng khiếu và rèn luyện.
Nhưng tố chất có tính năng khiếu đó là khả năng cảm thụ ngôn ngữ, khả năng diễn đạt văn chương và khả năng nắm bắt vấn đề. Nói chung lại thì cả ba khả năng quan trọng này đều có thể rèn luyện được, chỉ khác ở chỗ người không có năng khiếu về chúng sẽ phải mất nhiều công sức hơn. Đổi lại, những ai phải bỏ công sức để rèn luyện một thứ gì đó thì sẽ học được nhiều thứ mà người không trải qua quá trình ấy sẽ không bao giờ biết được.
Nhóm tố chất thứ hai đến từ sự rèn luyện, là yếu tố quan trọng nhất của một biên dịch viên dịch thuật tiếng Anh, nhất là đối với những bạn tự học dịch thuật.
1. Kỹ năng ngôn ngữ
Thứ nhất chúng ta nói đến việc hiểu rõ một ngôn ngữ
Biên dịch viên tất nhiên phải cố gắng rèn luyện khả năng ngôn ngữ của bản thân để thứ nhất đọc hiểu văn bản một cách chính xác, và thứ hai chuyển dịch nội dung một cách chính xác. Vì biên dịch viên làm việc chủ yếu với văn bản nên văn phạm và từ vựng là mảng kỹ năng quan trọng hơn cả.
Đặc biệt, kiến thức của biên dịch viên còn phải cao hơn người sử dụng tiếng Anh bình thường vốn chỉ cần đọc hiểu không cần chuyển dịch.
Thứ hai là vận dụng ngôn ngữ
Ở đây nói đến kỹ thuật diễn đạt hay khả năng văn chương của biên dịch viên. Tất nhiên không phải người nào cũng có khiếu văn chương, nhưng bất kỳ ai nếu cố gắng thì cũng sẽ đạt được trình độ đủ để sử dụng. Vậy nên một lần nữa cần nhấn mạnh lại vai trò của việc rèn luyện.
Để có kỹ năng ngôn ngữ tốt biên dịch viên có thể thực hiện một số cách thực hành sau:
– Đọc sách ở cả hai ngôn ngữ. Có thể nói không có người thầy nào tốt cho bằng sách. Sách không chỉ cung cấp cho chúng ta kiến thức mà còn, một cách thẩm thấu từ từ, hình thành cho chúng ta cảm giác về ngôn ngữ, nền tảng phong phú về từ vựng và cách diễn đạt.
– Viết ở cả hai ngôn ngữ: Nếu đọc sách là phần lý thuyết thì viết chính là phần thực hành. Biên dịch viên có thể nâng cao kỹ năng ngôn ngữ của mình bằng cách hãy viết thường xuyên. Việc viết sẽ giúp chúng ta mài giũa khả năng tư duy, khả năng diễn đạt và khả năng làm chủ ngôn từ. Ban đầu có thể việc này sẽ khó khăn, nhưng cái gì càng khó khăn thì càng mang lại lợi ích.
– Hãy tìm hiểu: bất kỳ ai, dù giỏi đến mấy, cũng không bao giờ biết được tất cả mọi thứ. Và trong quá trình biên dịch đương nhiên chúng ta sẽ thường xuyên gặp những thứ chúng ta không biết, chúng ta không hiểu. Những lúc đó sẽ có bạn chọn bỏ qua, hoặc lấp liếm, hoặc tự hiểu theo ý mình, và có những bạn cố gắng tìm hiểu để biết đó là gì. Chúng tôi khuyên bạn hãy như vậy, hãy tìm hiểu. Việc thường xuyên làm sáng tỏ những gì khúc mắc sẽ khiến bạn thấy mình tiến bộ và là cách thể hiện thái độ trách nhiệm trong công việc.
2. Kiến thức tổng quát
Biên dịch viên phải làm việc với nhiều loại tài liệu khác nhau. Và không phải lúc nào họ cũng có tài liệu đúng chuyên môn của mình. Vậy nên một sự am hiểu tổng quát về các lĩnh vực là điều quan trọng.
Để dịch được một tài liệu thuộc chuyên ngành bất kỳ thì không phải lúc nào biên dịch viên cũng cần phải hiểu thật sâu về chuyên nghành ấy. Điều này chỉ cần thiết khi tài liệu đi sâu vào chuyên môn. Nhưng đối với những tài liệu chỉ mang tính khái quát, phổ thông hay thảo luận đại khái thì với sự hiểu biết bình thường biên dịch viên cũng có thể hoàn thành tốt công việc của mình.
Kiến thức tổng quát có tính tích lũy qua thời gian, kinh nghiệm và sự chủ động tiếp xúc của biên dịch viên. Sự mở rộng kiến thức tổng quát có thể theo hai cách là thụ động và chủ động. Ở biện pháp thụ động biên dịch viên sẽ tiếp nhận kiến thức đến với họ một cách tự nhiên như từ truyền hình, giao tiếp, quan sát v.v. Ở phương diện chủ động biên dịch viên sẽ tự tìm hiểu các mảng kiến thức khác nhau bằng cách tìm đọc sách vở, phim ảnh, chủ động trao đổi hoặc học hỏi từ những người có chuyên môn.
3. Kiến thức chuyên môn
Song song với kiến thức tổng quát thì mõi biên dịch viên cần có sở trường của mình về một hoặc một số lĩnh vực. Nhiều biên dịch viên còn có công việc chính khác, và đó sẽ là thế mạnh của họ khi gặp tài liệu thuộc lĩnh vực công việc họ đang làm.
Kiến thức chuyên môn thường đến bằng con đường học tập, và tự học. Đào sâu một lĩnh vực chuyên môn không chỉ cần đọc sách là đủ, mà còn phải cần thực hành để thực tế hóa những kiến thức đã học. Trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó chưa bao giờ là điều dễ dàng.
4. Tinh thần làm việc
Ở đây muốn nói đến tính trách nhiệm với sản phẩm của mình. Sẽ có những tài liệu rất dài, đến mức ngoài biên dịch viên là người phải đọc thật kĩ để chuyển dịch ra thì đa số những người còn lại như biên tập, kiểm duyệt khó có thể đọc dò kỹ từng chi tiết được. Và mọi sai sót, cố tình hay vô ý của biên dịch viên, thường chỉ bị phơi bày và gây hậu quả khi tài liệu được mang đi sử dụng chính thức vào công việc. Khi đó hậu quả gây ra có thể rất nghiêm trọng cho khách hàng. Hậu quả về sai lầm nội dung, hậu quả về thời gian, về uy tín. Nói chung sự cẩu thả khi làm việc luôn gây ra hậu quả mà thường là không thể sửa chữa. Vậy nên biên dịch viên cần đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu thay vì cố gắng làm cho nhanh, cho xong để lấy thù lao.
Kết luận
Trên đây là một số tố chất mà Lightway cho rằng là cần thiết và quan trọng đối với một biên dịch viên dịch thuật tiếng Anh. Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến trình độ của biên dịch và chất lượng của dịch phẩm, nhưng trong giới hạn bài viết không thể nêu chi tiết. Lightway sẽ bàn tiếp vấn đề này trong một bài viết khác.
Comments are closed.